19/6/24

Tưởng nhớ người anh cả, người thầy của Binh chủng Thông tin – Đồng chí Hoàng Đạo Thúy*

Đại tá Lê Dung, nguyên Trợ lý Phòng Thông tin quân sự

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi tòng quân ở tuổi 20, cấp trên giao  nhiệm vụ: “Bên anh Thái cần người làm thông tin, cậu được học thông tin rồi thì sang bên đó giúp việc”. Tôi biết công việc sẽ nhiều khó khăn, vượt qua tầm vóc mình, nhưng nghĩ bụng: “Có phải vác đá vá trời thì cũng tìm cách làm cho được. Công việc cách mạng nó thế. Trận này phải đánh đến cùng”.

Phòng Thông tin liên lạc từ ngày 7 tháng 9 đã đến lập cơ quan ở phố Nguyễn Du của Bộ Tổng Tham mưu, công việc cũng đã bắt đầu.

Nhưng ở cái phòng chính giữa, đầu cầu thang, sau lượt cửa kính ấy chỉ có mỗi một người, gọi là Trưởng phòng ngồi đó thôi. Các anh em khác chạy ngược chạy xuôi suốt ngày, có khi suốt đêm, cứ đi săn máy, tìm người, lắm lúc Trưởng phòng cũng đi nốt.

Hai đứa tôi (Lê Dung và Vũ Hán Thăng) bước vào chào Trưởng phòng, đồng chí Hoàng Đạo Thúy, một thầy giáo dạy ở trường Sinh Từ, một huynh trưởng Hướng đạo có cái tên trong Hội là “Hổ Sứt”, lúc đó trạc 45-46, cỡ tuổi của cha tôi. Chao ôi, thật cảm động, cha và con cùng tòng quân đánh giặc, cùng chia lo công việc “liên lạc của toàn quân”. Việc ấy lớn lắm!

Bắt tay vào làm việc ngay bàn không lâu la gì. Cả ba đều đã suy nghĩ, đều đã biết rõ các khó khăn rõ ràng là đầy rẫy rồi. Cái khó nhất là vô tuyến điện. Phải dồn hết sức vào đó: Máy và Người. “Hai anh lo việc liên lạc vô tuyến điện. Còn liên lạc chân, trao cho anh Vũ Quang. Mật mã trao anh Quang Đạm. Liên lạc điện thoại để tôi lo”. Đồng chí Trưởng phòng giao việc gọn lỏn như vậy.

Nhiệm vụ thì tày đình, bàn việc thì thật là ít lời, phân công thì rõ ràng, đối đãi thì thân tình cởi mở mà rất ân cần, mộc mạc. Cái buổi đầu ấy đã nạp cho tôi đầy xúc cảm tin tưởng vào thủ trưởng của mình, vào bạn bè đồng sự, vào chính mình, tin vào sự thành công của công việc chung, không dám coi thường các khó khăn trở ngại (kiểu “điếc không sợ súng”), nhưng tin một cách nhất định là mình sẽ lần lượt vượt lên để làm tròn nhiệm vụ được trao.

Bộ máy sơ sài ít người này chỉ cùng nhau lo toan nhiệm vụ được dăm tháng rồi chia tay, do cấp trên điều động nhân lực đáp ứng nhiều công việc khác nhau mà cuộc kháng chiến đặt ra. Với nếp nghĩ “những hạt cát không dính gì với nhau, không làm nổi công việc gì” và “làm cho trên dưới thông suốt, tả hữu đồng lòng, là thông tin liên lạc”, đồng chí Thúy ra sức tập hợp nhân viên cũ do Pháp đào tạo trong cả ngạch hành chính và ngạch quân sự, đồng thời cũng chăm lo đào tạo nhân viên mới tuyển lựa trong thanh thiếu niên muốn làm việc nước nữa.

Đồng chí Thúy đã dọn nền xây móng cho lực lượng thông tin quân sự trước khi đi làm Hiệu trưởng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, rồi làm Thư ký Ban Thi đua ái quốc Trung ương. Với nền móng đó, lực lượng thông tin quân đội đã phục vụ việc cả nước chuyển sang trạng thái chiến tranh; cầm giữ địch phát triển lực lượng ta, dàn thế trận ta - địch trong những năm 1946-1949.

Cuối năm 1949, đồng chí Thúy được trở lại quân đội làm thông tin, lần này gọi là Cục Thông tin chứ không phải là Phòng Thông tin nữa. Cục thì như một cơ quan điều hành, mà đồng chí Thúy vẫn cứ nghĩ “Thông tin là lực lượng chiến đấu trực tiếp bằng kỹ thuật, là một binh chủng trong lực lượng vũ trang”.

Bộ Tổng Tham mưu chưa đồng ý gọi là một “binh chủng” nhưng vẫn cứ phải nhằm xây dựng binh chủng. Binh chủng ấy, trước đây Pháp cũng chỉ có những đội vô tuyến điện riêng, những đội điện thoại đặt trong Công binh thời đầu chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều tướng cũng chưa tin, chưa quen dùng vô tuyến điện. Có ông nhận được máy thì cho tất cả vào kho, còn nói gì ở một nước, hôm qua vẫn còn là thuộc địa. Nắn bụng mình thì thấy bất quá chỉ là một anh thầy giáo tiểu học, cách mạng đã cho phép vùng lên! Coi thời gian trước như một sự huấn luyện.

Đồng chí Hoàng Đạo Thúy đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ chỉ huy, huấn luyện nhân lực làm kỹ thuật vô tuyến, hữu tuyến – tập cho chiến sĩ nghệ thuật liên lạc, tự tay viết tài liệu về nguyên tắc  tổ chức thông tin liên lạc trong chiến đấu, đem ra giảng dạy, thu thập ý kiến của học viên từ chiến trường về học để chỉnh lý, sửa lại cho sát hợp. Chỉ sau hơn nửa năm lo xây dựng cơ quan Cục tạm có hình hài, nền nếp, Cục đã có các đơn vị trực thuộc đàm trách việc liên lạc trên tầm chiến lược của Tổng hành dinh, có các xưởng, các trường để lo công tác hậu cần kỹ thuật và bổ sung nhân lực có nghiệp vụ cho toàn quân. Lại tổ chức được cuộc họp các cán bộ phụ trách ngành thông tin ở miền Bắc để trao đổi kinh nghiệm hay dở trong công việc của mình. Cũng gọi là Đại hội Thông tin lần thứ nhất. Tuy chưa có điều kiện mời cán bộ phía Nam ra họp thì cũng phải nói đến tăng cường liên lạc Bắc – Nam, rồi mở rộng cửa kho “chia sẻ vốn liếng khí tài” cho đơn vị nghèo ở xa.

Ba ngày trước chiến dịch Biên Giới (1950), trên lệnh cho Cục Thông tin phải lên đường phục vụ Bộ Tổng mở chiến dịch. Chuyện đột ngột này gây choáng váng cho Cục trưởng Thúy. Choáng váng ở câu cấp trên báo: “không lo gì, lên đó có đủ thứ rồi, chỉ cần người thôi”. Nghiệt ngã thay! Có người thì cũng cần học và tập với máy nữa, mới thành “người thông tin”, mới làm được! Tôi cũng được Cục trưởng tập cho quen với cái nghiệt ngã đó trong nhiều việc rồi. Lần ra quân gấp tham gia chiến dịch Biên Giới, ta thắng to, mở toang biên giới, phá thế “cả nước một mình chiến đấu giữa vòng vây của địch”.

Thông tin cũng phát triển nhanh, làm cho địch phải bất ngờ. Có ai biết rằng khi bước vào chiến dịch đồng chí Thúy đã phải nghĩ: “Cùng nữa thì một nửa anh em trong Cục ra chiến trường cũng được”. Chẳng biết đồng chí tính toán cái: “một nửa anh em” ấy thế nào. Cụ thể thì Xưởng vô tuyến điện CLR (đồng thời cả lớp cơ công vô tuyến điện đầu tiên ở đó) đã được lệnh ra chiến trường tất cả, chỉ còn lại chừng 10 công nhân lớn tuổi ở nhà giữ Xưởng mà thôi, chưa “giải thể” mà cũng như “rỗng ruột” ra rồi.

Từ thực tiễn chiến đấu trong chiến dịch Biên Giới, Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy tiếp tục đem quân đi tham gia các chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh mở liên tiếp cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế là hình thành các đơn vị thông tin ở Sở chỉ huy cơ bản (của Tổng hành dinh) ở tiền phương của Bộ và Sở chỉ huy hậu phương (hậu cần) chiến dịch. Không gọi Thông tin là binh chủng thì mặc nhiên nó đã hình thành binh chủng trực tiếp chiến đấu bằng kỹ thuật rồi.

Đánh Pháp chạy, giải phóng một nửa đất nước rồi. Khi quân và dân miền Bắc tranh thủ thời gian hòa bình ngắn ngủi, tích trữ tiềm lực để chi viện cho tiền tuyến miền Nam hoàn thành công cuộc giải phóng, thống nhất nước nhà, Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy tiếp tục công việc xây dựng Binh chủng Thông tin. Lực lượng trực thuộc từ quy mô đại đội, tiểu đoàn đã phát triển đến trung đoàn gồm cả chuyển đạt hữu tuyến, vô tuyến.

Từ bước khởi đầu cho đến khi từ dã việc quân, đồng chí Hoàng Đạo Thúy vẫn canh cánh bên lòng một ý nghĩ là làm liên lạc phải đoàn kết, làm thông tin phải biết nhận phần việc khó về mình, nhường việc dễ cho bạn. Trang bị kỹ thuật không phải là đồ trang sức của mình, phải học để biết cách giữ gìn và sử dụng hết tính năng phục vụ công việc. Hoạt động một người riêng lẻ hay cả một tập thể cũng là hành động trong tổ chức chung, phải có kỷ luật, kỷ luật cho người liên lạc cũng như kỷ luật cho cán bộ chỉ huy sử dụng phương tiện liên lạc đó, không trừ ai cả.

Quản lý nhân viên, cán bộ, đồng chí lấy tri thức và tình cảm yêu quý con người để đối đãi, biết phân biệt sức già, công trẻ giao việc đúng người, truyền cảm sự tin cậy, gây hưng phấn cho họ muốn làm việc tận lực.

Tạm biệt anh em ở tuổi được nghỉ hưu, đồng chí tâm sự với anh em: “Thực sự thì suốt dọc lịch sử Việt nam, anh em chúng ta là người sướng nhất. Trong 30 năm trời mà trả hết hận thù mấy kiếp, dựng nên một nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh một trận Điện Biên làm đảo điên cả hệ thống thuộc địa toàn cầu, đánh luôn cho tên đế quốc to nhất, dữ nhất phải cuốn gói “đằng không”, chôn vùi oai tiếng, lại đánh cho vị hoàng đế già cỗi, thấy “đăng hình” trong tấm áo mới cũng không được gì”.

Tôi nhớ đôi lần làm việc xong với đồng chí Thúy, đồng chí nói hóm hỉnh: “Anh đồ nào cũng nghĩ mình làm quân sự được” cứ như đồng chí mách nước cho tôi để có được một câu châm chọc đồng chí “cho vui lúc ngồi nhàn, tán rỗi” vậy. Tôi có cách nghĩ của tôi: Bác Hồ là thầy giáo trước khi đưa cả dân tộc lên trận tuyến này, anh Văn là thầy giáo trước khi cầm quân đánh bại hai đế quốc to, anh Thái cũng là thầy giáo trước khi làm Tổng Tham mưu trưởng của ta. Tất cả mấy “ông đồ đó” đều đánh giặc giỏi cả. Tôi nghĩ nghiêm túc thế đó.

Còn về anh Thúy, có lần anh bảo tôi: Tu n'es pas scout, mais tu l'es (anh không phải là hướng đạo sinh, nhưng anh đã là...) nên tôi nghĩ như anh Hồ Sứt đã kết nạp tôi vào Hội Hướng đạo khi Hội đã giải thể rồi và xin phép xưng hô với anh như thông lệ Hướng đạo sinh vậy. Tôi cứ nhìn anh, như thầy giáo hồi xưa, đưa học trò đi ra đồi quang đồng mát, gọi là đi chơi để các em được thấy trời, đất, cây, cỏ, nắng, mưa, đồng bào cấy gặt, các cháu nhỏ nông thôn cắt cỏ chăn trâu mà sinh lòng yêu nước, thương nòi. Tôi cứ nhìn anh như một tráng sinh có hạng, tổ chức thanh niên vào Hướng đạo, tập luyện cho anh em dai sức, quen sống độc lập, tự chủ, nhanh trí tháo gỡ khó khăn, đua nhau làm việc tốt, giúp người hoạn nạn; rồi anh viết và xuất bản cuốn sách “Trai nước Nam làm gì?” để cổ vũ thanh niên có lý tưởng yêu nước. Nói và làm việc như thế, trong khi Pháp còn cai trị, kìm chế chúng ta, đâu có phải chuyện chơi vui.

Từ khi Đảng lãnh đạo dân ta làm cuộc cách mạng giành lại độc lập tự do, anh đứng trong quân ngũ và dìu dắt cả đám thanh thiếu niên mà anh vẫn yêu mến vào “cuộc chơi lớn” (Hướng đạo gọi là đi camp chơi grand jeu): “làm thông tin để đánh bại bọn xâm lược”, làm họ thực tế trở thành những “Ông Gióng” thời đại Hồ Chí Minh.

Không yêu sao được, không quý anh sao được, người Anh và người Thầy của Binh chủng Thông tin.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1).

* Bài viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Đạo Thúy, 50 năm ngày thành lập Đội 101. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét