14/6/24

Nhớ thời đi chiến dịch cùng Tiểu đoàn 303

Hoàng Bửu Đôn – Nguyên Chính ủy Cục Thông tin liên lạc

Khoảng cuối tháng Chạp năm 1950, anh Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hồi đó, có quen biết tôi từ trước nên đã đề nghị tổ chức Trung ương làm lệnh điều động tôi sang quân đội.

Anh Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi. Anh cho biết khá rõ ràng về tình hình cán bộ của Cục Thông tin liên lạc, về anh Thúy, anh Tình đang phụ trách binh chủng đó; về anh Ngô Văn Thiệu đang làm Bí thư Liên chi ủy Thông tin lúc bấy giờ. Anh nhấn mạnh trong xây dựng quân đội, phải đặt công tác xây dựng Đảng lên hàng đầu, lấy công tác chính trị tư tưởng làm then chốt.

Tới Cục Thông tin, tôi làm công tác Chính ủy. Về trước tôi vài tháng có anh Nguyễn Trọng Tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, anh Dương Quốc Hưng và một số cán bộ khác đều là cán bộ dân chính cũ, quen hoạt động quần chúng, nhưng còn rất bỡ ngỡ khi bước vào hàng ngũ quân đội.

Cùng về với tôi từ Tổng Liên đoàn, có anh Trịnh Đình Chung, Tỉnh ủy viên và các anh Lê Văn Thành, Vũ Bá Ngần, Phạm Quang Thọ, v.v.

Việc điều động bổ sung chúng tôi vào quân đội có lý do tất yếu của nó. Sau chiến thắng Biên giới, tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi khá cơ bản. Đã đến lúc cần chuẩn bị một lực lượng mới, đủ sức đấu tranh làm thay đổi cục diện chiến tranh. Qua chiến dịch Biên Giới, khả năng chỗ mạnh, chỗ yếu của ta bộc lộ ra rất rõ. Ý đồ lớn của Trung ương là nhanh chóng khắc phục khuyết nhược điểm của ta, phát triển thế và lực mới để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường.

Thông tin liên lạc đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển đó. Từ ngày thành lập Phòng Thông tin liên lạc quân sự (tiền thân của Binh chủng Thông tin ngày nay 9-9-1945), “vạn sự khởi đầu nan”, tuy ta đã cố gắng nhiều, đạt nhiều thành tích, nhưng xét về thực chất, khả năng ta mới chỉ có thế, có đến đâu làm đến đó, nhiều mặt không khỏi phải gán ghép, chắp vá, như về cán bộ, cũng như phương tiện liên lạc, mức phục vụ bảo đảm chỉ huy có hạn mà thôi.

Nay giải phóng được biên giới phía Bắc, phá được vòng vây từ đầu kháng chiến đến giờ, quan hệ quốc tế thay đổi: bắt đầu có sự giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; có điều kiện thuận lợi mới để chấn chỉnh tổ chức, đưa quân đội phát triển lên một bước mới.

Trọng trách của chúng tôi khi được về Cục Thông tin liên lạc là nhanh chóng tăng cường vai trò của Đảng trong quân đội, tăng cường lực lượng chính trị và công tác chính trị tư tưởng trong Binh chủng.

Anh Nguyễn Trọng Tỉnh được bố trí làm Cục phó, tuy nhiên vẫn đang “bơi” trong công việc, vì phân công nhiệm vụ trong chính quyền chưa rõ, chức vụ về Đảng cũng chưa rõ, anh Tỉnh và tôi đều chưa tham gia Liên chi ủy Thông tin lúc đó theo gợi ý của trên là chưa vội. Hãy đi nắm cho chắc mọi mặt tình hình đã. Mới chân ướt chân ráo đến nơi, tôi thấy Bộ đang gấp rút chuẩn bị mở chiến dịch Trung Du – Trần Hưng Đạo. Không hiểu tại sao Bộ Tổng Tham mưu không cử anh Hoàng Đạo Thúy mà lại chỉ định ngay tôi đi làm Trưởng ban 3 chiến dịch, anh Nguyễn Văn Tình làm Phó Trưởng ban. Rất tiếc tôi không có dịp được nghe tổng kết chiến dịch Biên giới để rút kinh nghiệm. Trong buổi họp các cục, phòng, ban trực thuộc Bộ, nghe báo cáo mọi mặt tình hình, bàn luận về nhiều vấn đề chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường với nhiều danh từ quân sự không quen, không hiểu, tôi nghe mà như là vịt nghe sấm.

Thôi cứ đi, đã có anh Tình chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật ở bên cạnh.

Cục Tác chiến phổ biến cách bố trí đội hình chiến dịch: Cơ quan chỉ huy đầu não sẽ đặt trên khu nghỉ mát Tam Đảo. Từ đó cần có đường dây điện thoại xuống hai đại đoàn 308 và 312, ở mạn trung du – Vĩnh Yên, Phúc Yên.

Tính toán phương tiện thấy dây điện thoại thiếu nhiều, mà lúc đó, người chỉ huy trên dưới liên lạc với nhau chỉ thích dùng hữu tuyến điện; Bộ nói chuyện thẳng ngay với Đại đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, nói trực tiếp không phải qua mã dịch chậm chạp, mất thời gian, lại muốn nói dài, tràng giang đại hải thế nào cũng được.

Xem ra số chiến lợi phẩm thu được ở chiến dịch Biên Giới dùng vào chiến dịch mày cũng chẳng đủ. Hàng viện trợ Trung Quốc hứa cho chưa thể chở về kịp. Tôi liền cử đồng chí Tuấn, cán bộ theo tôi cùng sang quân đội, quay ngay về bên Tổng Công đoàn, gỡ hết số dây trần đang dùng linh tinh bên đó, thôi thì đủ loại, dây đồng 1 ly, 2 ly 8; dây sắt 3 ly 2, 3 ly 5, đem về giao cho Đại đội hữu tuyến điện C99 sử dụng.

Rất khổ cho anh em. Đến cái kìm cũng chả có để nối dây trần; anh em cứ bẻ quặp vào nhau, lấy đá ghè móc nối lại, giăng lên cây, đi trong rừng. Làm sao bảo đảm thông suốt được cơ chứ. Ban ngày, trời nắng ráo, còn nói tạm được. Ban đêm, sương xuống, trời mưa, đành chịu. Cơ quan cấp trên có lúc cứ mắng om lên. May mà chiến dịch đánh gọn, mỗi đợt tác chiến chỉ vài ba ngày, không kéo dài, nên trục trặc về thông tin rồi cũng cho qua.

Lần đầu đi chiến dịch về, tôi ngồi dự tổng kết. Trước mặt đông đủ “bá quan văn võ”, các cán bộ cấp sư đoàn đứng lên “tố” Thông tin, nào là không đảm bảo, kỹ thuật kém, phương tiện không đủ, đến cái tổng đài cũng không có cứ phải đấu đinh các đường dây lại với nhau, chập lung tung, nói chuyện bị nhiễu loạn... Tôi cứ ngồi thần mặt ra, chẳng nói được gì.

Về Cục Thông tin liên lạc, tiến hành tổng kết nội bộ. Mỗi anh nói một phách, chẳng còn biết đằng nào mà lần. Anh Tình thì lành quá: Ai “đấu” gì cứ “đấu”, anh cứ cúi đầu, ghi ghi chép chép, chẳng kết luận ra sao cả.

Đó là những cảm giác thật của tôi lần đầu tiên đi chiến dịch, trong tháng đầu tiên tôi vào quân đội, lại nhận luôn nhiệm vụ Trưởng ban 3 thông tin, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn muôn bề như vậy.

Tôi đi liền mấy chiến dịch: Trung Du, Đường 18, Hà Nam Ninh. Trong chiến dịch Quang Trung (Hà Nam Ninh), Tổng chỉ huy đóng ở Vụ Bản. Đối tượng tác chiến chủ yếu là quanh thị xã Ninh Bình, mà điểm chốt là núi Cánh Diều, do Trung đoàn 102 Sư đoàn 308 phụ trách. Chủ trương tác chiến, theo kế hoạch phổ biến là khẩn trương, đánh nhanh, đánh gọn, đánh về đêm. Thời gian mở màn khoảng cuối tháng 5 năm 1951.

Trục đường dây của Tiểu đoàn 303 đi qua các cánh đồng chiêm trũng ngập nước mênh mông. Lúa đã trổ bông nhưng chưa chín. Anh em chiến sĩ thông tin C99 mắc dây cao, gác trên ngọn lúa, từ quãng có dùng cây, que đỡ. Giai đoạn chuẩn bị chiến dịch trời chưa mưa gió, liên lạc còn thông. Trước ngày N vào tiết trời tiểu mãn, bỗng nổi cơn giông tố lớn, cây que đổ gục, dây nằm bẹp cả xuống đất, xuống nước. Mở màn chiến dịch, trên dưới không nói được với nhau. Thế mới ác. Cụ Giáp thấy thông tin trục trặc, gọi anh Đôn – Trưởng ban 3 lên. Tôi giao nhiệm vụ cho anh Tình sang gặp Tổng Tư lệnh nhận chỉ thị, còn mình thì sắn quân lên, đi lội nước, đốc lính 303 vớt dây, chống dây cao lên. Cũng gỡ được một phần khó khăn.

Trận đó quân ta bị thương vong nhiều, chiến trường giải quyết không gọn. Khi tổng kết, anh Đào văn Trường – Tổng Tham mưu phó lúc đó, lớn tiếng “kêu” Cục Thông tin nhiều nhất. Nhưng các anh trên lại thông cảm, thừa nhận do nhiều khó khăn khách quan, chứ không phải do Thông tin gây ra. Lại biểu dương cố gắng chủ quan của chiến sĩ Tiểu doàn 303, đã vất vả lội nước, dầm mưa, bảo đảm liên lạc chỉ huy, trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ, đến cuộn nhựa bọc các mối nối dây cũng chẳng ra gì.

Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, có thời gian ổn định tình hình: vấn đề tổ chức Đảng ủy Cục Thông tin liên lạc được đề cập đến và tháng 9 năm 1951 Đảng ủy lâm thời được chỉ định. Đầu tháng 11 năm ấy, Cục Thông tin liên lạc mở Đại hội toàn thể Đảng bộ, bầu Đảng ủy chính thức: tôi làm Bí thư; anh Nguyễn Trọng Tỉnh – Phó Bí thư; các anh Ngô Văn Thiệu, Ngô Thừa Kế lo cơ quan chính trị; Trịnh Đình Trung lãnh đạo nhà trường; Dương Quốc Hưng phụ trách ngành Vô tuyến điện; Trần Sơn chịu trách nhiệm về Tiểu đoàn Thông tin dã chiến 303.

Đảng ủy Cục Thông tin liên lạc không chỉ trực tiếp lãnh đạo cơ quan và đơn vị trực thuộc mà còn chịu trách nhiệm cùng các Thủ trưởng Cục trước Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo xây dựng lực lượng thông tin liên lạc toàn quân trưởng thành nhanh chóng.

Đây là một tập thể Đảng ủy tương đối vững vàng, làm việc nhịp nhàng, ăn ý, với sự giúp việc đắc lực của 4 cơ quan: Chính trị, Tham mưu, Hậu cần, Kỹ thuật, tất cả đều mới được chấn chỉnh bề thế. Nhìn lại cả một giai đoạn dài, các chủ trương công tác của Đảng ủy không có gì chệch hướng chung của Đảng và Quân đội.

Đến chiến dịch Hòa Bình đã thành lập Đảng ủy tiền phương Cục đi trực tiếp, tập thể lãnh đạo công tác thông tin toàn chiến dịch.

Tôi nhớ, trong giai đoạn chuẩn bị ở Việt Bắc, Tổng Tham Mưu trưởng có gọi riêng tôi lên, cho biết ý định của cấp trên sẽ sử dụng 2 đến 3 sư đoàn, rải quân suốt từ Trung Hà đến Pheo gần thị xã Hòa Bình, triển khai chiến đấu trên cả một tuyến dài, dọc bên hữu ngạn sông Đà. Do đó cần nghiên cứu trước, thả điện thoại qua sông sao cho liên lạc được với các sư đoàn. Cần giữ bí mật ý định này, chỉ cho cấp dưới nghiên cứu, khắc phục về mặt kỹ thuật.

Tôi về huy động “quân quan” của Tham mưu Thông tin và Tiểu đoàn 303 làm thí nghiệm. Đây là một cuộc vận động dân chủ quân sự có kết quả. Trong tay chỉ có dây bọc nhựa thông thường. Tính sáng tạo của anh em được nảy sinh trong quá trình tìm mọi cách khắc phục khó khăn trở ngại. Dây dùng được chọn lọc kỹ; các mối nối quấn bằng săm xe đạp, làm rất cẩn thận, cho ngâm nước, 3 ngày sau vẫn thấy bảo đảm; Quay đổ chuông, nói chuyện nghe rõ. Thí nghiệm được thử đi thử lại, kiểm tra nhiều lần.

Vào chiến dịch, thông tin trôi chảy. Ba lần thả dây qua sông Đà đều tốt. Đại tướng đã tỏ lời khen ngợi ngay tại chỗ. Tổng kết chiến dịch lần này, trước mắt cấp trên, tôi không phải đứng ngây ra như cột cờ nữa.

Đó là một chuyện điển hình vận dụng trí tuệ tập thể giải quyết bảo đảm thông tin.

Qua sáu chiến dịch, vừa quán triệt đường lối chủ trương từ cấp Tổng cục Chính trị, chỉ thị cụ thể của Bộ Tổng Tham mưu, vừa tìm hiểu các yêu cầu của người chỉ huy, lại trực tiếp nắm được khả năng các đơn vị thuộc quyền như 303, nên từ chỗ bỡ ngỡ, ngơ ngác ban đầu, không hiểu mô tê gì, dần dần tôi cũng quen công việc ở vị trí lãnh đạo nghiệp vụ Thông tin, bảo đảm chỉ huy của Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ.

Theo nhu cầu thực tế, Đảng ủy Thông tin tập trung vào củng cố phát triển ba lực lượng thông tin chủ yếu:

- Mở rộng xưởng thông tin, nâng cao khả năng sửa chữa khôi phục các máy móc hỏng, sản xuát lắp ráp các máy thu phát vô tuyến điện, tổng đài, máy lẻ điện thoại, khai thác các chiến lợi phẩm thông tin.

- Mở rộng nhà trường thông tin, bổ túc, đào tạo cán bộ cho Binh chủng.

- Nâng cao chất lượng các đơn vị trực thuộc, quan tâm đặc biệt phát triển lực lượng điện thoại: Khi cơ động, đi chiến dịch tăng cường phương tiện dây bọc cho 303; liên lạc đường dài cố định, đẩy mạnh xây dựng lực lượng hữu tuyến điện dây trần. Đây là một chủ trương đúng đắn, thích hợp cho Bộ chỉ huy các đơn vị, trong đánh Pháp cũng như trong đánh Mỹ sau này.

Về tổ chức cán bộ, do đặc thù phân tán lớn của các phân đội thông tin, Đảng ủy chủ trương đặt thêm một chính trị viên cấp trung đội, kết hợp với các tổ trưởng tâm giao, chính trị viên ở cấp cơ sở thấp nhất này đã giải quyết được rất nhiều thắc mắc, tâm tư cụ thể của các chiến sĩ như thích đeo súng báng gập làm chuyển đạt viên chạy tung tăng khắp nơi thuộc c103, không ưa vác cuộn dây sừng bò nặng trĩu trên vai anh điện thoại viên c99; càng muốn tránh về c105 dây trần để khỏi phải khiêng, trồng cột, căng kéo dây đồng dây sắt.

Rất nhiều cán bộ được đưa qua Tiểu đoàn 303 như đi thực tế, thử thách rèn luyện ở thực tế chiến trường như các sĩ quan mới tốt nghiệp Trường Lục quân của tướng Nguyễn Sơn ở Thanh Hóa ra, cán bộ các nơi mới điều về... Sau này họ đều trưởng thành, đứng vững, làm nòng cốt xây dựng các đơn vị kế tiếp như d132, d134, 77...

Cũng từ thực tế chiến đấu và phục vụ chiến đấu, một khẩu hiệu hành động chung cho toàn Binh chủng Thông tin đã được đề ra, đó là: Kịp thời – Chính xác – Bí mật – An toàn.

Tám chữ vàng đó sau được Bác Hồ phê chuẩn trong thư gửi Bộ đội Thông tin toàn quân, và đến nay toàn Binh chủng vẫn chấp hành theo các mục tiêu đó.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 1”)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét