Giấc ngủ là một
trong những hành vi phổ biến nhất của con người vì một người trung bình bỏ ra một
phần ba cuộc đời để ngủ. Thời lượng của giấc ngủ giảm đi theo lứa tuổi. Giấc ngủ
rất cần thiết cho con người. Những trường hợp mất ngủ sẽ dẫn đến các bệnh cơ thể
nghiêm trọng, rối loạn nhận thức nặng nề và cuối cùng dẫn đến tử vong.
Chức năng của
giấc ngủ: bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, người ta đã kết luận rằng
các chức năng của cơ thể đều giảm đi trong giấc ngủ sâu. Nhờ giấc ngủ mà cơ thể
sau khi lao động nặng có điều kiện phục hồi trở lại.
Điều gì xảy
ra nếu giấc ngủ bị cản trở? Nếu con người không được ngủ trong một thời gian
dài có thể dẫn đến rối loạn định hướng, ảo giác và hoang tưởng.
Nhu cầu ngủ của
con người không giống nhau. Một số người chỉ cần ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm,
trong khi một số người khác lại cần ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi đêm. Nhu cầu ngủ
tăng lên khi người ta lao động thể lực, tập thể dục, bị ốm, có thai, bị căng thẳng
tâm lí và hoạt động tâm thần nhiều.
Do ảnh hưởng
của các yếu tố khác nhau như chu kỳ ngày đêm, hoạt động hàng ngày và các yếu tố
khác khiến chu kỳ giấc ngủ của con người là 24 giờ. Trong 24 giờ, người lớn cần
ngủ 1 lần, có thể là 2 lần (ngủ tối và ngủ trưa). Chu kỳ thức ngủ chưa có ngay ở
trẻ sơ sinh, nhưng sẽ dần dần hình thành trong 2 năm đầu cuộc đời. Một số phụ nữ
có sự thay đổi chu kỳ thức ngủ khi có kinh nguyệt.
Một số người
có nhu cầu ngủ trưa, nhưng những người khác thì không cần ngủ trưa mà vẫn hoạt
động bình thường.
Một số yếu tố
như đi làm ca đêm, đi máy bay phản lực từ Đông sang Tây cũng ảnh hưởng đến chu
kì thức ngủ. Phần lớn những người này sẽ thích nghi sau vài ngày, nhưng một số
người thì cần nhiều thời gian hơn để thích nghi.
Mất ngủ
Mất ngủ được
định nghĩa là ngủ ít hơn so với bình thường trên 2 giờ mỗi ngày. Ví dụ một người
trước đây ngủ 8 giờ mỗi ngày, giờ chỉ ngủ được 5 giờ, người đó đã bị coi là mất
ngủ.
Mất ngủ biểu
hiện là khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ. Đây là than phiền nhiều nhất về
giấc ngủ, chúng có thể thoáng qua hoặc bền vững. Trong 1 năm, có khoảng 30 -
45% người lớn bị mất ngủ.
Một giai đoạn
mất ngủ ngắn thường là do lo âu, hoặc là hậu quả của lo âu (kiểm tra, phỏng vấn
xin việc). Với một số người, bất kỳ một sự thay đổi nào trong cuộc sống đều gây
ra mất ngủ ngắn. Các nguyên nhân gây ra mất ngủ ngắn thường không nghiêm trọng,
nhưng đôi khi chúng là sự bắt đầu của trầm cảm nặng hoặc cơn hưng cảm. Nhìn
chung, không cần thiết phải điều trị cho mất ngủ ngắn. Nếu cần sử dụng thuốc ngủ,
cả bác sĩ và bệnh nhân cần biết rõ rằng không được dùng thuốc ngủ kéo dài và mất
ngủ có thể tái phát khi ngừng thuốc.
Với mất ngủ bền
vững, bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ hơn là khó duy trì giấc ngủ. Mặc dù bệnh
nhân có loại mất ngủ này thường có các triệu chứng lo âu, triệu chứng của bệnh
cơ thể, nhưng họ thường chỉ than phiền về mất ngủ mà thôi. Họ có thể không có
triệu chứng lo âu, nhưng luôn trầm tư làm sao vào được giấc ngủ. Đôi khi, họ đổ
lỗi cho các stress tại nơi làm việc, ở nhà gây ra khó vào giấc ngủ.
Mất ngủ tiên phát
Đây là loại mất
ngủ phổ biến nhất ở người cao tuổi. Mất ngủ tiên phát được chẩn đoán khi bệnh
nhân than phiền không ngủ, khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ, các triệu chứng
này cần kéo dài ít nhất 1 tháng. Mất ngủ tiên phát không có liên quan gì đến
các bệnh cơ thể hoặc bệnh tâm thần khác.
Triệu chứng:
Mất ngủ tiên
phát được đặc trưng bởi hai dấu hiệu: khó vào giấc ngủ và hay thức giấc.
Trong mất ngủ
tiên phát, bệnh nhân có thể gặp 1 trong 3 loại mất ngủ sau: mất ngủ đầu giấc, mất
ngủ giữa giấc và mất ngủ cuối giấc.
- Mất ngủ đầu
giấc: bệnh nhân đi nằm ngủ như bình thường (ví dụ lúc 10 giờ đêm), nhưng họ nằm
mãi mà không ngủ được. Các bệnh nhân này thường cho biết phải đến 1-2 giờ sáng,
họ mới có thể vào được giấc ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ của họ là không sâu và dễ
thức giấc.
Mất ngủ
sẽ dẫn đến các bệnh cơ thể nghiêm trọng
- Mất ngủ giữa
giấc: bệnh nhân hơi khó vào giấc ngủ (10 giờ đêm đi nằm ngủ và đến 11 giờ đêm
thì ngủ được). Họ ngủ được đến 2-3 giờ sáng thì thức giấc. Sau đó, phải mất đến
1-2 giờ thì họ mới ngủ tiếp được.
- Mất ngủ cuối
giấc: đây là loại mất ngủ phổ biến nhất, chiếm đến 75% các loại mất ngủ ở người
cao tuổi. Họ vào giấc ngủ không quá khó nhưng giấc ngủ của họ không kéo dài. Đến
khoảng 1-2 giờ sáng thì họ thức giấc và không sao ngủ lại được.
Do mất ngủ
nên họ hay cáu gắt và tỏ ra rất lo lắng cho giấc ngủ của mình. Các bệnh nhân
thường có biểu hiện hơi hưng phấn vào buổi tối. Họ quan tâm làm sao để được ngủ
đầy đủ, vì thế họ hay cố gắng tìm mọi cách để ngủ như loại bỏ các yếu tố gây
khó ngủ, nhưng không thành công.
Điều trị
Điều trị mất
ngủ tiên phát là tương đối khó so với điều trị các rối loạn giấc ngủ khác. Bệnh
nhân được yêu cầu gạt bỏ tất cả các vấn đề trước khi đi ngủ. Nếu sau 5 phút lên
giường nằm mà họ vẫn không ngủ, họ được yêu cầu dậy, ra khỏi giường và làm một
việc gì đó. Đôi khi, họ cần thay đổi giường ngủ hay phòng ngủ. Nếu bệnh nhân cảm
thấy căng cơ thì cần phải làm các biện pháp thư giãn bằng các biện pháp khác
nhau. Liệu pháp tâm lý ít kết quả cho mất ngủ tiên phát. Thỏa mãn tình dục có
thể có hiệu quả gây ngủ với nam, nhưng ít hiệu quả với nữ.
Một số thức
ăn giàu melatonin và L-tryptophan có tác dụng tốt cho mất ngủ. Melatonin là
hormon tuyến tùng, có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị
mất ngủ bằng thức ăn giàu melatonin và L-tryptophan là không rõ ràng.
Liệu pháp ánh
sáng (phơi nắng, soi đèn có cường độ ánh sáng mạnh) cho kết quả tốt ở một số
trường hợp.
Các thuốc
bình thần (benzodiazepine) và thuốc ngủ (bacbituric) cho kết quả rất hạn chế do
các thuốc này nhanh chóng bị “quen” thuốc và mất tác dụng sau một vài tuần điều
trị.
Một số thuốc
chống trầm cảm và thuốc an thần mới hay được sử dụng và tỏ ra có hiệu quả tốt
trong điều trị mất ngủ tiên phát. Các thuốc này có ưu điểm là không gây phụ thuộc,
không độc với gan, thận, cơ quan tạo máu... nên có thể sử dụng được lâu dài.
Thuốc hay được dùng để điều trị mất ngủ tiên phát là clomipramin. Tác dụng phụ
của thuốc là mệt mỏi, khô mồm trong 1-2 tuần đầu dùng thuốc.
Cần tăng liều
thuốc từ từ (tuần đầu dùng 1/2 liều, từ tuần 2 trở đi mới dùng đủ liều) để bệnh
nhân có thể dung nạp với thuốc. Hiệu quả điều trị chỉ xuất hiện sau 2 tuần dùng
thuốc, vì vậy không được vội vã thay thuốc điều trị. Có thể kết hợp với
benzodiazepin liều thấp (rivotril, lexomil, diazepam...) trong 1-2 tuần đầu điều
trị để bệnh nhân có thể ngủ được ngay. Bệnh mất ngủ tiên phát thường tiến triển
mạn tính nên thời gian dùng thuốc cần kéo dài tối thiểu 18 tháng liên tục. Nếu
ngừng thuốc sớm hơn thời gian trên thì tỷ lệ tái phát là rất cao. Khi muốn ngừng
thuốc, cần giảm liều từ từ trong 4 tuần (mỗi tuần giảm khoảng 1/4 liều) để bệnh
nhân kịp thích nghi.
Vệ sinh giấc ngủ
Chính lối sống
không điều độ của bệnh nhân là nguyên nhân gây ra mất ngủ. Họ thường không hiểu
và không làm đầy đủ vệ sinh giấc ngủ, dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Họ không đi ngủ
hàng ngày vào một giờ nhất định, không tránh xa các yếu tố gây hưng phấn như uống
nhiều cà phê, ăn no trước khi đi ngủ.
Theo Hội tâm
thần học Mỹ, vệ sinh giấc ngủ không tốt có thể dẫn đến mất ngủ tiên phát. Nhiều
hành vi có thể dẫn đến mất ngủ như gây hưng phấn quá trước khi ngủ hoặc thay đổi
giờ giấc ngủ hàng ngày. Khi điều trị, thầy thuốc chỉ cho bệnh nhân các vấn đề bệnh
nhân cần thay đổi trong lối sống để có thể có giấc ngủ tốt.
Thức giấc
cùng một giờ hàng ngày; giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ; không
dùng các chất kích thích thần kinh trung ương (cà phê, thuốc lá, rượu); tránh
ngủ chợp mắt ban ngày (ngủ trưa). Điều này là khó thực hiện với nhiều người,
nhưng giấc ngủ trưa sẽ phá hỏng giấc ngủ buổi tối của những người bị mất ngủ;
có các bài tập thể dục sôi nổi vào buổi sáng sớm; tránh xa các sự kiện gây kích
thích, thay thế chúng bằng nghe đài, xem tivi hoặc đọc sách; tắm nước nóng khoảng
20 phút trước khi đi ngủ; ăn vào một giờ nhất định trong ngày. Không ăn nhiều
trước khi đi ngủ; tập các bài tập thư giãn đầu óc và cơ vào các buổi tối hàng
ngày; cố gắng có được các điều kiện ngủ thoải mái.
PGS.TS. Bùi Quang Huy (http://suckhoedoisong.vn)
Đăng bởi Quang Hưng
0 comments:
Đăng nhận xét