Trong khi các phương tiện truyền thông
đại chúng nóng lên về chuyện nhà công vụ biến thành nhà tư thì GSTS-Kiến trúc
sư Hoàng Đạo Kính đã kể cho phóng viên chuyên đề An ninh Thế giới về chuyện trả lại nhà của cha ông
- nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy - thật giản dị.
Hoàng
Đạo Thúy là con nhà nho Hoàng Đạo Thành, ngay từ thời trẻ ông đã được coi là một
nhà sư phạm tài năng, một nhà nho am tường.
Ông cũng được coi là anh cả trong phong trào Hướng đạo Sinh Việt Nam.
Năm 1940, Hội Hướng đạo Việt Nam có tổ chức rộng khắp Đông Dương. Trong số những
tráng sĩ ngày ấy Hoàng Đạo Thúy sau này đã trở thành một trong những cán bộ cốt
cán trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như Tạ Quang Bửu, Trần Duy
Hưng, Dương Đức Hiền, Vũ Quý… Với tinh thần yêu nước, ông đã liên lạc với một số
nhà cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh...
Tháng
8/ 1945, ông được ông Trần Quốc Hoàn và ông Hà Huy Giáp đưa lên Tân Trào dự Quốc dân Đại hội. Tại đây
ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Sau Cách
mạng Tháng Tám, ông đảm nhận nhiều cương vị quan trọng: Giám đốc Trường Võ bị
Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Công binh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Tổng thư ký
Ban Thi đua Trung ương…
Ông có
công đầu trong việc tạo dựng và phát triển
ngành thông tin liên lạc quân sự và được coi là anh cả trong Bộ đội Thông tin.
Trong một tài liệu, Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông
tin liên lạc, người nhiều năm làm việc trực tiếp với ông Hoàng Đạo Thúy khẳng định:
"Đó là một người có tri thức rộng, tầm nhìn xa về nhiều lĩnh vực, đặc biệt
là thông tin liên lạc quân sự. Ông sống giản dị, chân tình, được cán bộ, chiến
sĩ rất yêu mến".
Trong
suốt quãng đời sống và hoạt động của mình, ông để lại nhiều tác phẩm thuộc nhiều
lĩnh vực giáo dục, xã hội, chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa… Đặc biệt là những
tác phẩm về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội. Vì lẽ đó, ông được mệnh
danh là nhà Hà Nội học hàng đầu của Việt Nam.
GS-TS,
KTS Hoàng Đạo Kính dừng giở những trang sách, ông bảo: "Người ta gọi ông cụ
là nhà Hà Nội học, nhưng ông cụ bảo ông không làm nghiên cứu nên không thích chữ
"học" ấy. Ông chỉ biết gì kể nấy, kể về Hà Nội, về những gì đã được
nhào nặn, thẩm thấu, và cảm nhận của riêng ông. Vài tháng trước khi ông cụ ra
đi, cách đây tròn 20 năm, khi hai cha con tôi trò chuyện cùng nhau, ông cụ nói:
"Người ta già, lúc chết quên bớt đi. Còn cậu lại khổ về trí nhớ, cậu không
quên ai, không quên cái gì bao giờ".
Trước
khi ông cụ mất vài ngày, Báo Nhân Dân đăng bài của ông cụ với nhan đề "Những
khoảng trống đáng sợ". Vấn đề cảnh báo về nguy cơ xã hội, về đạo đức xuống
cấp. Phải chăng đây là lời tiên tri, ông cảm thấy chống chếnh, người ta xô vào
cờ bạc, tham nhũng, rượu chè, ma
túy…".
Hồi tưởng
về người cha của mình, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính rưng rưng:
Khi
đương chức, ông được phân một ngôi biệt thự trên phố Điện Biên Phủ, đến lúc về
hưu, ông trả lại nhà và những gì thuộc về cơ quan, đồ nào của mình thì mang về
dùng. Về hưu ông sống tại căn nhà nhỏ của tổ tiên để lại ở làng Đại Yên, thuộc
phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi nhà xây tường gạch và lợp lá gồi. Những
ngày trời mưa to, mái nhà bị dột, nước chảy qua lá rơi xuống nền nhà, ông cụ để
chậu hứng nước mưa, cứ như vậy 20 năm trời ông chống chọi với mưa dột trong căn
nhà lá gồi đó.
Sau
khi về hưu, ông cụ lại có nhiều thời gian hơn, bạn bè đến chơi cũng nhiều. Bộ đội
đến chơi với ông cụ, nhìn thấy mái dột liền lợp lại ngói cho. Ông không xin xỏ
đòi hỏi chế độ chính sách, cũng không bao giờ ca cẩm than vãn, nói xấu. Ông đã
đi theo sự nghiệp đó, và ông chân thành với nó. Ông không bao giờ a dua, không
bao giờ viết giấy xin cho con cái gì hết, không bao giờ dùng chỗ quen biết để
chạy vạy.
Những
năm cuối đời, khoảng 10 năm ông cụ tự nấu ăn lấy, 16 năm trời chăm sóc vợ ốm
đau bệnh tật. Không cần phải nhờ cậy các con, ốm đau không bao giờ ông kêu ca,
ông tự chữa bệnh. Mảnh sân nhỏ trước hiên nhà, ông tự trồng rau lấy để ăn, trồng
hoa để ngắm.
Ông trồng
cà chua, trồng cây cúc đại đóa như một người nông dân làng Ngọc Hà. KTS Hoàng Đạo
Kính kể đến đây thì dừng. Ông nhìn chăm chắm vào di ảnh người cha, nhà văn hóa
Hoàng Đạo Thúy đang treo trên tường. Còn tôi, bất giác nhớ đến câu chuyện cảm động
mà tôi đã đọc được ở trên Báo Quân đội nhân dân: Chuyện kể lại rằng, một lần Đại
tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm ông, nhìn quanh 3 gian nhà rất đơn sơ, không thấy
có tủ lạnh. Thức ăn ở trên bàn chỉ một ít rau dưa. Đại tướng hỏi: "Thức ăn
anh để ở đâu?". Hoàng Đạo Thúy cười, chỉ cái chạn 4 chân kê trên 4 bát nước,
giống như bao gia đình nông thôn Việt Nam.
Đại tướng
Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Anh đã dành những năm tháng trong cuộc đời trong
sáng và thanh bạch của mình cho sự nghiệp cách mạng của quân đội, của nhân dân,
của Đảng. Thương yêu đồng chí và đồng đội, gần gũi bạn bè, hết lòng dìu dắt thế
hệ trẻ, anh đã hoàn thành sứ mạng trên mọi cương vị…". Và tôi biết “tủ lạnh”
của ông chính là mấy mét vuông vườn mà ông hằng ngày tự tay trồng rau trước
hiên nhà.
Kiến
trúc sư Hoàng Đạo Kính kể tiếp: "Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn
ra, tôi được Nhà nước cử đi học ở Trung Quốc, cha tôi không biết. Ông đi chỉnh
huấn cưỡi ngựa về nhà, ông chào mọi người để đi chiến dịch Điện Biên Phủ, đêm
hôm ấy, ông mới biết con mình được cử sang Trung Quốc học. Ông về chào gia đình
lại hóa ra chào con.
Ông
không bao giờ nói câu thừa. Những lời của ông cụ nói khiến người ta mê mẩn vì
trong đó là cả một bầu tri thức và giá trị đạo đức nhân văn, cả những lí luận,
tư duy nhìn nhận phân tích sắc bén.
Ông
nghiện cái píp hút thuốc. Tối ngủ quên, píp vẫn trong miệng, đến khi đổ bệnh đi
khám ở Bệnh viện Việt-Xô, bác sĩ bảo ông bị tràn dịch màng phổi, phải kiêng thuốc
lá, là ông cụ dừng ngay không hút nữa. Sau khi mẹ tôi mất, cha tôi sống một
mình, hằng ngày tôi và con trai tôi tới thăm ông rồi sau đó lại ra về. Ngày mồng
4 Tết, bạn bè của ông đến chúc Tết, ông vẫn trò chuyện bình thường đến 7 giờ
sáng ngày mồng 5 Tết, năm 1994 thì ông đi. Con trai tôi kể lại, như mọi lần ông
trở dậy, ra khỏi màn và tập thể dục, ông pha ly cà phê sữa uống dở và ngồi trên
chiếc ghế mây lặng lẽ ra đi. Ông đi không một lời kêu ca, không một lời phàn
nàn kêu ốm đau bệnh tật. Nhận được tin con trai báo, hai vợ chồng tôi về đặt
ông cụ xuống giường. Ông cụ đi rất thanh thản.
Ông cụ
rất hay giúp đỡ người nghèo, thương trẻ mồ côi, và người tàn tật. Ông cũng là
người sống giản dị, tiết kiệm, chiếc thắt lưng da bị đứt ông tự tay khâu lấy bằng
chỉ gai. Ngay cả cái áo sờn bị rách, ông cụ cũng tự tay khâu lấy. Ai cần giúp đỡ
gì ông đều tận tình. Tiền nhuận bút viết báo, viết sách ông góp cho làng làm
đèn đường, hoặc gửi tặng hội người mù. Ông là nhà nho, nhà nho nào cũng thế,
không ưa bọn xúng xính. Ông tránh xa những kẻ bợ đỡ, a dua. Những năm cuối đời
ông còn giữ lại cái mũ, cái kính đồi mồi của phụ thân mình (nhà nho Hoàng Đạo
Thành), ống tiêm, ống pha cà phê, cái tẩu hút ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông
không thích nói đến huân chương, không thích nói khen thưởng. Mặc dù cụ là người
đoạt giải thưởng văn học.
Trước
khi mất vài ba tháng, ông cụ nói với tôi: "Cậu không để lại cho các con
cái gì cả, cậu chỉ để lại cho các con cái giấy giới thiệu".
Ông đã
để cho chúng tôi đó chính là cái tên của ông. Sau khi cụ mất, trên mộ của cha
tôi chỉ ghi: "Cụ Hoàng Đạo Thúy 1900-1994". Không chức tước. Không
huân chương. Chỉ là năm sinh, năm mất. Cái tên đã là tinh thần sự nghiệp. Dùng
chữ "Cụ" bởi cha tôi đã sống gần một thế kỷ. Cụ bảo "Chết mà lên
sân khấu làm gì?". Ông cụ là người không muốn làm phiền hà đến ai. Đến khi
mất cũng thế.
Trước
mọi chuyện ông cụ hết sức bình tĩnh. Ông không có kiểu người già gắt gỏng. Nói
chuyện gì cũng cũng từ tốn, bình tĩnh, thâm trầm”.
Rồi
người kiến trúc sư lẳng lặng đến bên một cái hộp, mở cho tôi xem một bức thư bằng
bút viết trên giấy màu ngà. Đó chính là bức thư của cụ Hoàng Đạo Thúy gửi lại
các con trước khi mất: Xin trích một đoạn nhỏ trong bức thư:
"Sau
khi cha mất, đừng làm như thói thường mà rước huân chương đi đường. Làm sao
tránh được đồ phúng tốn và phiền đến bà con, láng giềng.
Các
con và các cháu, cả cuộc đời của bố mẹ là một lời dặn các con và các cháu chữ
Trung Hậu. Trung với nước, với công việc. Hậu với bà con, với đồng bào. Các con,
các cháu giữ nếp trung hậu cố có được hạnh phúc và thắng lợi…
Điểm
tang là điểm cuối cùng của đời người. Ý của cậu là làm đơn sơ khi xảy ra thì
nói với người gần nhất, người mất xin không viếng bằng tiền, đối chướng, hay
hoa mà chỉ dùng mấy nén hương hay mấy chữ trên một tờ giấy. Đừng đem ảnh và
huân chương đi đường. Chụp ít ảnh thôi; yêu cầu đốt đi, đào một lỗ nhỏ. Sát cậu
là mộ mợ, bên em Minh, bỏ gói tro cho xuống đấy, lấp đi. Đất trả lại đất. Thế
là xong cả. Không làm phần mộ, không dựng mộ chí. Nếu chưa làm được, thì kỉ niệm
bố mẹ bằng cách ăn ở".
Gấp lại
bức thư của Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, tôi bất chợt nhớ tới con đường ở Hà Nội
mang tên ông. Phố Hoàng Đạo Thúy dài khoảng hơn 1 km, rộng 40 m từ Trường THPT
Nhân Chính đến đường Trần Duy Hưng. Lối
sống, nhân cách của ông được người đời ghi nhận truyền tụng.
Theo
Trần Mỹ Hiền (http://antg.cand.com.vn/)
Đăng bởi Quang Hưng
0 comments:
Đăng nhận xét