7/9/15

Nhớ mãi những miền quê (phần 1/3)


BBT - Tác phẩm "Nhớ mãi những miền quê" là tập hợp các bài báo, truyện ký và thơ của đồng chí Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên là cán bộ Phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Binh chủng Thông tin. Hiện tác giả là hội viên Chi hội Phòng Quân lực, Hội truyền thống Thông tin Hà Nội. Dù ở hình thức nào, các tác phẩm của tác giả không chỉ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn có tính lãng mạn và nhân văn sâu sắc của người quân nhân cách mạng, không chỉ khi đang làm việc mà cả khi trở về với đời thường.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Bộ đội TTLL, Ban biên tập trang Blog Hội truyền thống Thông tin Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một số bài trong tác phẩm nói trên.
Tác phẩm "Nhớ mãi những miền quê" đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản quý III năm 2015.






Tự nói về mình
Năm 1934, dòng họ Nguyễn của làng Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã sinh ra người con trai mà bố, mẹ đặt cho cái tên là Nguyễn Văn Thụ. Đến bây giờ, tôi cũng không rõ chữ Thụ có ý nghĩa gì?
Cả làng đều là những mái nhà tranh lụp xụp. Mấy cây xương rồng còi cọc sống trên các bức tường đất bao quanh, đã bị nước mưa nhiều năm làm xói mòn, lở sụt. Về mùa đông, cả nhà chui rúc vào cùng một ổ rơm, ban ngày thì có bao tải và áo tơi quấn quanh người để đi làm ngoài cánh đồng chiêm nước ngập đến tận đùi. Chiêm khê, mùa thối, cấy một vụ mà một sào lúa chỉ được 20 cân thóc là cùng. Ba chị gái của tôi suốt ngày ở dưới cánh đồng chiêm với cái rổ to để chao bắt những con cá nhỏ, con tôm trôi theo dòng nước. Còn bố, mẹ tôi thì lấy bùn đất be bờ tạo thành các ô nhỏ để tát, bắt cá. Thế mà cũng bắt được rất nhiều cá. Nào là cá Rô, cá Trê, cá Bò, cá Chép, cá Diếc... muối vào một cái vại to để ăn cả năm. Người ta bảo, "có cá thì làm vạ với cơm", nhưng làm gì có đủ cơm đâu mà ăn. Năm nào cũng thiếu gạo, phải ăn cháo. Đến mùa gặt lúa mới thì mới thực sự được bữa ăn no. Cơm mới ăn với canh cua đồng nấu mướp non. Canh vàng sánh, cơm vừa và vào miệng đã trôi xuống ruột, tôi ăn no, bụng to như người có chửa. Mặc dù, hàng ngày chỉ ăn cơm với nước cua đồng và quả trám đã ngâm kỹ.
Năm tháng trôi đi, ba chị của tôi lần lượt đi lấy chồng. Cứ đến tết, các chị lại đem biếu bố mẹ một đôi vịt. Quê tôi, tết ăn toàn thịt vịt, không có thịt gà. Nhớ lại cái tết, các chị mới được ăn bát su hào, bắp cải. Các chị ăn rất ngon và tỏ ra rất mãn nguyện vì cả năm có bao giờ được ăn những thứ như thế này đâu. Bây giờ các chị đã về với tổ tiên cả rồi. Nhớ lại, thương các chị quá vất vả mà lòng tôi quặn đau.
Đến ngày 29 tết, mẹ bảo cho tôi đi xuống chợ Ve, đi chợ ngày tết cho khỏi điếc, kẻ bán người mua đông đúc và ồn ào quá. Muốn đến được chợ Ve, tôi phải đi qua chiếc cầu bắc qua dòng sông Tiêu Tương - dòng sông này chảy qua làng tôi. Đứng trên cầu, tôi mải miết ngắm nhìn đàn cá Mương, đàn cá Ngão. Cái mồm chúng cong như mũi thuyền, chúng bơi tung tăng tự do dưới dòng nước. Tôi muốn bắt chúng quá, nhưng bắt làm sao được. Mãi sau này tôi mới được nghe câu chuyện, truyền thuyết đã xảy ra ở dòng sông này: Câu chuyện về nàng Mỵ Nương, con gái quan Thừa tướng yêu thiết tha chàng lái đò Trương Chi. Bởi tiếng hát của Trương Chi đã làm say đắm, ngất ngây tâm hồn Mỵ Nương. Nhưng chỉ vì Trương Chi xấu trai quá, lại không môn đăng hộ đối nên mối tình của họ đã tan vỡ rơi xuống thuyền đài. Trương Chi đã chết trên dòng sông này, linh hồn đã nhập vào cây bạch đàn, cây bạch đàn được tiện thành các chén để uống nước. Mỗi lần Mỵ Nương rót nước vào chén thì lại thấy hình bóng và tiếng hát hò khoan ngọt ngào của Trương Chi. Câu chuyện tình của nàng Mỵ Nương và chàng Trương Chi đúng là chuyện tình: Đong đầy nước mắt, héo hắt nụ cười. Nỗi đau của nàng Mỵ Nương cũng chẳng khác nào nỗi đau nghèo đói của dân làng Đại Thượng.
Thỉnh thoảng lắm mới có bát cơm nguội buổi tối, tôi mừng lắm, đem ra bể chứa nước mưa, múc nước mưa chan vào cơm ăn với quả cà bát muối mặn, thế cũng là mãn nguyện lắm rồi. Con chim Chèo Bẻo đậu vắt vẻo trên cành tre cao vút, sáng nào cũng kêu rất đúng giờ: “Chè thiu, chè nát bét bét”. Nó gọi những người nông dân một nắng hai sương thức dậy để lại bắt đầu một ngày lao động cực nhọc.
Tôi sống quanh quẩn bên khóm tre làng, đã 15 tuổi rồi mà chưa một lần bước chân ra khỏi làng xã của quê hương. Đêm đến tôi ra ngủ ở cửa Tam Quan của đình. Bọn trẻ con chúng tôi lấy rơm ra đốt. Những con Cà Cuống ở cánh đồng chiêm và ở ao Chằm lũ lượt bay về đậu vào Tam Quan. Chúng tôi tha hồ bắt, đem nướng ngay tại chỗ rồi ăn ngấu nghiến. Các con Cà Cuống đực có một túi mật cay sè, nhưng ngon tuyệt. Gió đồng lồng lộng thổi vào Tam Quan, chúng tôi ngủ như chết giả đến sáng mới bò về nhà. Ban ngày, ngắm nhìn cánh đồng chiêm bao la, ngắm các đàn chim trời như: Bồ Nông, Mồng Két, Le Le, Vịt Trời... từng đàn bay về đổ xuống cánh đồng chiêm để kiếm ăn. Có lúc tôi đã ước ao mình cũng như đàn chim trời được bay nhảy đi khắp miền quê.
Càng lớn, càng thấy tự hào rằng mình là người con của đất quan họ, tự hào vì mọi người ở khắp nơi suy tôn làng Đại Thượng là làng văn học. Thực vậy, làng Đại Thượng mà chỉ có làng Đại Thượng của xã tôi mới có “Văn chỉ” để thờ các ông Tiến sĩ của làng làm quan to ở trong các triều đại. Lại được người lớn kể chuyện đã có mấy ông người làng theo Đề Thám đi đánh giặc và đã hi sinh anh dũng. Làng tôi nghèo lắm nhưng lúc nào cũng có thầy đồ dạy học. Yêu quê hương, nhớ những chuyện xưa nên năm 2004 tôi đã viết truyện ký, lấy tên: “Chuyện làng tôi”. Quyển sách dày 200 trang để làm kỷ vật về làng, đã được Nhà xuất bản Văn học in và phát hành.
Nhà nghèo, nhưng bố, mẹ vẫn cho tôi đi học chữ Quốc ngữ. Tôi còn nhớ, tôi chỉ học đến lớp 3, đi thi nhưng không đỗ và cũng là thời điểm chấm dứt việc học hành. Năm nay, tôi đã 82 tuổi, xét về mặt văn hóa thì: bằng Tiểu học không có, bằng Trung học không có, bằng đại học cũng không. Nhưng với lòng tự hào là người dân làng Đại Thượng văn học, tôi đã không ngừng tự học nên đã có thể giúp được các con học tập ở cấp hai.
Tháng 11 năm 1949, tôi đã xung phong vào bộ đội, lúc ấy chừng 16 tuổi. Nhập ngũ vào Trung đoàn 136, sau này về Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) của Đại đoàn 308 - binh đoàn quân Tiên Phong, chiến đấu trên các chiến trường cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được điều về làm giáo viên của Trường sĩ quan Lục quân và một số trường sĩ quan khác. Tiếp theo, tôi được điều về cơ quan Tham mưu của Binh chủng Thông tin liên lạc làm công tác tổ chức và bảo đảm thông tin liên lạc suốt cả thời kỳ chống Mỹ. Bốn mươi hai năm ở trong quân ngũ, từ thuở thiếu thời đến gần tuổi 60 mới về hưu. Bốn mươi hai năm ấy đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội. Tôi tự hào, luôn sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ. Với lòng say sưa tự học, tranh thủ mọi thời gian để học tập, tôi có thể nói cả cuộc đời là tự học để mà có, học cả về văn hóa, chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, thường xuyên tự tổng kết rút kinh nghiệm để hiểu biết và nâng cao trình độ, nên nhiệm vụ nào cũng hoàn thành dù trong chiến đấu hay trong hòa bình.
Từ lúc còn nhỏ, tôi đã yêu văn thơ, sau này lại yêu thích hoạt động chính trị, tuy trình độ văn hóa có hạn, nhưng 42 năm sống trong quân đội đã cho tôi nguồn sống dồi dào và tự nó sẽ bật lên thành văn và thơ. Từ khi được nghỉ hưu năm 1990, tôi đã bắt đầu viết, đã trở thành cộng tác viên của buổi phát thanh Quân đội nhân dân, của báo Quân đội nhân dân và một số báo khác. Tôi cũng đã thành công, viết ba tác phẩm văn học, mỗi tác phẩm dày 200 trang như:
- Chuyện làng tôi (viết về làng Đại Thượng quê tôi)
- Cây súng trổ hoa (viết về người con gái Bắc Ninh)
- Sau cơn mưa (viết về bộ đội Biên phòng)
Và rất nhiều bài báo, truyện ngắn, truyện ký khác đã được Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in và phát hành. Rất nhiều bài báo đã được các báo Quân đội nhân dân, Cựu chiến binh, Đài Tiếng nói Việt Nam đăng tải.
Tôi rất sung sướng, vui mừng sau 42 năm trong quân ngũ và 10 năm làm Bí thư Đảng ủy phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng có biết bao điều cám dỗ, nhưng tôi cả hai lần đã hạ cánh an toàn.
Cả cuộc đời của tôi chỉ có một điều ân hận: Cha, Mẹ sinh ra mà tôi không có điều kiện và thời gian để báo hiếu. Bố chết trong địch hậu, lúc tôi đang đi chiến đấu, anh trai hi sinh trong chiến đấu. Bố vợ, anh vợ bị địch giết hại. Hòa bình lập lại, từ năm 1958 đến năm 1970, tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, có lúc đã phải trộn cả củ dong riềng vào gạo để nấu cơm mới đủ ăn, nên không có điều kiện phục vụ mẹ đẻ, mẹ vợ chu đáo. Bây giờ các cụ đã mất, mỗi lần nhớ đến Cha, Mẹ, các Chị, tôi muốn bù đắp, chăm sóc nhưng không còn cơ hội nữa rồi. Nghĩ đến công lao của tứ thân phụ mẫu thì nước mắt tôi lại trào ra.
Tôi viết quyển “Nhớ mãi những miền quê”, chủ yếu để làm kỷ vật cho các con cháu, để các con cháu thấy được: Sự hi sinh lớn lao của cả dân tộc ta trong 30 năm của cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại mới có độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc ta ngày hôm nay. Để các con cháu tự suy nghĩ: Vì sao cuộc sống của cha ông, tổ tiên ngày xưa khốn khổ đến như vậy? Vì sao lại có cuộc sống như ngày nay, mặc dù còn có nhiều điều trăn trở? Mong con cháu tiếp bước con đường cha ông đã đi, phát huy được những điều tốt mà cha ông đã làm. Mong con, cháu lúc nào cũng phải tự học, không thỏa mãn với những điều mình đã có và luôn giữ được đạo đức làm người lương thiện. Luôn đứng thẳng người, không bao giờ khuất phục trước thế lực của đồng tiền, trước những khó khăn, cám dỗ.
Các bạn được tôi kính biếu quyển “Nhớ mãi những miền quê”, mong các bạn hiểu cho rằng: Bạn là bạn thân, hoặc là cấp trên kính trọng của tôi.
Nhớ mãi những miền quê” là những bài văn, bài thơ tiêu biểu đã được lựa chọn để in vào cuốn sách này!



 PHẦN I. CÁC BÀI BÁO

 ANH THƯƠNG BINH TRẢ LẠI NGƯỜI MẤT 15 TRIỆU ĐỒNG
 Vào lúc 17 giờ ngày 2-12-2005, trong khi tham gia giữ gìn trật tự giao thông  ở khu vực Cầu Đổ (thuộc phường Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Nguyễn Đăng Doanh đã nhặt được một chiếc ví của người đi đường đánh rơi. Xem qua trong ví có rất nhiều tiền và giấy tờ, anh quyết định tìm cách trả lại người mất, nên vẫn ở chốt làm nhiệm vụ để chờ người mất đến tìm lại. Khoảng 20 phút sau, có một thanh niên mặt mày tái mét đến dò hỏi có ai nhặt được ví của mình không? Anh Doanh mừng quá hỏi tên người mất và trong ví có những gì? Đó chính là lái xe Bùi Anh Tuấn ở Hạ Long, Quảng Ninh. Tuấn nói trong ví có 15 triệu đồng và các loại giấy tờ tùy thân. Anh Nguyễn Đăng Doanh đã mời một người đến làm chứng, mở ví kiểm tra và đúng như anh Tuấn đã khai. Lập biên bản xong, anh Doanh đã trả lại toàn bộ tài sản cho chủ nhân. Người mất khẩn khoản biếu lại anh một số tiền, nhưng anh Doanh nhất định không nhận. Bùi Anh Tuấn cứ rưng rưng nước mắt mà nói rằng: "Bác không nhận nhiều, thì nhận chút ít để cháu vui lòng". Anh Tuấn cứ khẩn khoản mãi như thế. Không thể thoái thác, anh Doanh đã phải nhận 100.000 đ để cho Bùi Anh Tuấn vui lòng. Lúc chia tay, Bùi Anh Tuấn cứ ngậm ngùi nhìn gương mặt rồi lại nhìn một bên tay áo anh Doanh để thõng, vì cánh tay ấy của anh không còn nữa. Nước mắt Tuấn lại trào ra, anh ôm lấy anh Doanh và nói: "Chắc Bác là thương binh! Cháu và gia đình mãi mãi không quên được tấm lòng của Bác!"
Vâng, anh Nguyễn Đăng Doanh đúng là cựu chiến binh - thương binh hạng 2/4. Tháng 12-1964, anh Nguyễn Đăng Doanh hăng hái lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ thông tin của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Trong một trận chiến đấu ác liệt thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đường dây thông tin bị pháo địch làm đứt. Không quản ngại hi sinh, Nguyễn Đăng Doanh như con thoi vượt qua bom đạn để nối đường dây bảo đảm thông tin liên lạc. Thật không may pháo địch đã cưa đứt một cánh tay của anh. Năm 1973, anh được chuyển ngành và 18 năm sau anh về nghỉ mất sức, hưởng chế độ thương binh hạng 2/4.
Hiện gia đình anh vẫn ở căn nhà số 3, ngõ Kiến Thiết, đường Đại La, phường Trương Định. Căn nhà đã xuống cấp rất nhiều nhưng anh chưa có tiền để sửa chữa. Tiền chế độ của anh eo hẹp, vợ phải bán hàng rong để nuôi 3 con ăn học, vì vậy điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn. Biết được hoàn cảnh gia đình anh, Ủy ban nhân dân, công an phường và Hội Cựu chiến binh phường Trương Định đã bố trí anh tham gia nhiệm vụ duy trì trật tự giao thông ở khu vực Cầu Đổ để có thêm phần thu nhập giải quyết khó khăn của gia đình.
Chắc hẳn biết rõ về hoàn cảnh bản thân gia đình anh Nguyễn Đăng Doanh như vậy, anh Bùi Anh Tuấn và mọi người chúng ta càng thêm quý mến, trân trọng, tự hào về một cựu chiến binh - thương binh có tấm lòng cao cả, sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.


TRẬN PHÁO KÍCH VÀO SÂN BAY TÀ CƠN
 Linh tính báo cho chúng tôi biết: Sắp có sự kiện quan trọng xảy ra vì thấy cán bộ lãnh đạo các cấp luôn luôn kiểm tra và hỏi han về chất lượng thông tin của đường trục và các đường nhánh.
8 giờ sáng ngày 14 tháng 3 năm 1971, Trạm thông tin KC100 của chúng tôi đã được đón đồng chí Doãn Tuế, Tư lệnh Pháo binh đến thăm. Ông ân cần hỏi thăm sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ chúng tôi. Ông như một lão nông, hết sức giản dị, lại có tật nghiện "trầu cau". Ông vừa nhai trầu, vừa vui đùa với chúng tôi. Ông nói: Pháo binh muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải nhờ đến thông tin nhiều lắm đấy.
Cấp trên lệnh cho chúng tôi, từ trạm máy đến các chiến sĩ bảo vệ đường dây phải tập trung mọi lực lượng để bảo đảm thông tin thông suốt cả ngày hôm nay 15 tháng 3 năm 1971.
Suốt từ sáng sớm trở đi, chúng tôi phải thường xuyên thử máy với A40 (Hà Nội), A72 là trạm thông tin đầu cuối của Bộ tư lệnh chiến dịch (702). Trạm thông tin KC100 để nối kết với đài quan sát pháo binh ở gần sân bay Tà Cơn. Trạm thông tin K77 kết nối với trận địa pháo binh của Trung đoàn 45 do đồng chí Kiên làm trung đoàn trưởng và số máy B7 của Bộ tư lệnh tiền phương Pháo binh có Tư lệnh Doãn Tuế và các cơ quan pháo binh. Thấy thông tin thông suốt, Tư lệnh Doãn Tuế vui lắm, ông dặn chúng tôi: Cứ thế, cứ thế nhé. Bảo đảm thông tin cho trận đánh rất phức tạp. Từ Sở chỉ huy của Trung đoàn 45 pháo binh đến sân bay Tà Cơn khoảng 5 km. Từ A72 đi A77 khoảng 100 km. Từ A72 đến KC100 khoảng 70 km.
Hồi 13 giờ 25 phút, Trung đoàn trưởng 45 báo cáo với Tư lệnh Doãn Tuế là đã đủ cơ số đạn cho trận đánh, đài quan sát pháo binh báo cáo tình hình địch ở đây chưa có gì thay đổi. 15 giờ 45 phút, đài quan sát báo cáo: Địch đang chuẩn bị đổ quân.
Trung đoàn trưởng 45 báo cáo: Bộ đội đã sẵn sàng nổ súng.
16 giờ 30 phút, đài quan sát báo cáo đã có: 5, 7, 12, 18, 36 máy bay trực thăng đang hạ cánh.
Tư lệnh Doãn Tuế vội nhả miếng bã trầu và ra lệnh: "Tấn công". Trung đoàn trưởng Kiên ra lệnh: Bắn. Các loại đạn pháo binh của ta bay vút, trút xuống sân bay Tà Cơn, khói lửa nghi ngút bao kín cả sân bay.
16 giờ 40 phút, liên lạc từ đài quan sát với KC100 bị mất, Trung đoàn trưởng Kiên ra lệnh: Cứ lấy phần tử cũ mà bắn.
Việc mất liên lạc là do bom, đạn địch làm cháy và đứt, các chiến sĩ đường dây đã dũng cảm đi khôi phục ngay, nên chỉ sau một thời gian rất ngắn liên lạc lại được khôi phục. Vừa lúc đó, đài quan sát báo cáo: Hàng lại đến và báo phần tử bắn về cho Trung đoàn trưởng Kiên. Có tiếng ho của Tư lệnh Doãn Tuế trong máy và Tư lệnh quát to: Đồng chí Kiên bắn đi. Vâng ạ. Tư lệnh nói: Cứ thế nhé, cứ thế nhé!
17 giờ 48 phút, đài quan sát báo cáo: Pháo binh của ta đã bắn cháy 5 máy bay trực thăng và 3 máy bay phản lực. Đánh sập đài chỉ huy sân bay, bắn cháy các kho tàng. Hôm ấy, tướng ngụy Cao Văn Viên thoát chết vì máy bay của hắn chưa hạ cánh xuống sân bay. Sương mù đã bao phủ sân bay Tà Cơn.


VUI MỘT TÍ
(Chuyện vui có thật của cựu chiến binh Thông tin)
 1. À ra thế, tôi hiểu rồi!
Đại đội trưởng Nguyên cầm máy điện thoại gọi kiểm tra các tổ bảo vệ dây trên đường Hà Nội - Thái Nguyên:
A lô, ai đấy?
Đầu dây bên kia trả lời gọn lỏn: Tao đây.
Đại đội trưởng không còn tin ở tai mình nữa. Hỏi lại: A lô, ai đấy?
Đầu dây bên kia quát to hơn: Đã bảo "Tao" đây mà.
Đại đội trưởng bực mình quá, tự hỏi: Tại sao chiến sĩ trả lời thiếu văn hóa thế nhỉ. A lô, tôi là Nguyên đại đội trưởng đây, tại sao đồng chí lại nói năng thiếu lễ phép thế nhỉ?
Chiến sĩ: Thưa đại đội trưởng, em có nói gì thiếu lễ phép đâu ạ. Đại đội trưởng hỏi thì em chỉ nói "Tao đây mà". À, thôi chết rồi, mà hình như Đại đội trưởng đã hiểu lầm em rồi. Đúng rồi, Đại đội trưởng đã quên cả tên em rồi. Em là Nguyễn Văn Tao đây mà. Bố mẹ em đặt cho em cái tên như thế thì em phải dùng thôi, làm khác thế nào được. Đại đội trưởng thông cảm cho em nhé.
Đại đội trưởng: À ra thế, tôi hiểu rồi!

2. Nam giới có nên để râu không nhỉ?
Anh Nguyễn Ngọc K là cán bộ của Trung đoàn 134 thông tin Anh hùng, vợ là chị T, hai anh chị cùng công tác tại trung đoàn đã nhiều năm.
Anh K người khỏe mạnh, chỉ tại xấu máu nên tóc bạc trước tuổi, lại kèm theo một bộ râu quai nón đậm đặc làm cho người ngoài mới quen cứ tưởng anh K nhiều tuổi lắm.
Cả anh K và chị T đều đã được nghỉ hưu. Anh K bắt đầu để râu, nó tốt gần kín cả mặt, chỉ hở hai con mắt và cái mồm, râu dài đến tận ngực. Không may một hôm anh K bị ốm, chị T đưa chồng đến Bệnh viện 108 khám bệnh. Bác sỹ hỏi chị T: Có phải chị là con gái của Bác đây không? Chị T cười nắc nẻ, trả lời: Tôi là vợ của anh ấy. Bác sĩ hơi chột dạ, lại hỏi tiếp: Bác K năm nay đã đến 85 chưa? Chị T kêu lên: Ôi trời ơi - là trời, chỉ vì bộ râu chết tiệt này thôi, anh ấy năm nay chưa đến 70 đâu, tôi chỉ kém anh ấy có 5 tuổi thôi mà. Bác sĩ tặc lưỡi. Thế có chết không cơ chứ, cứ nhìn sự vật bề ngoài, nhầm lẫn có khi tai hại mất người đấy nhé.
Người già cũng có cái hạnh phúc riêng tư của người già. Chị T thúc giục anh K phải cạo ngay cái bộ râu khốn khổ ấy đi ngay. Chị nhắc lại câu nói: Tôi không phải là con gái của anh đâu đấy nhé! Người đời có câu ca: “đàn ông không râu bất nghì. Đàn bà không vú lấy gì nuôi con”. Cánh đàn ông bàn với nhau: Chỉ sợ các bà ấy không có vú thôi, thế mới tai hại - còn cánh đàn ông không để râu cũng chẳng làm sao cả.

3. Nhầm to
Ở trạm thông tin A69 ngày ấy có một chiến sĩ tổng đài là nam giới, nhưng giọng nói lại hoàn toàn là nữ. Tiếng nói sao mà ngọt ngào, uyển chuyển, dịu dàng dễ thấm vào lòng người đến thế. Cứ về khuya, khi không còn các đối tượng liên lạc, họ lại tranh thủ nói chuyện với nhau. Cứ tưởng bở, có nhiều chiến sĩ tổng đài là nam giới ở các trạm thông tin khác tha hồ mà tán tỉnh, lại còn hứa hẹn cho tương lai nữa chứ.
Chưa hết đâu, các cô gái tổng đài ở các trạm khác cũng cứ tưởng là bạn gái, ban đầu thì làm quen, hỏi thăm quê hương, tâm sự hoàn cảnh gia đình. Cũng là bạn gái, nên thổ lộ hết tâm tình và những điều bí mật của đời tư. Có bạn khóc thảm thiết vì tình yêu có trắc trở. Cho đến một ngày, Hội diễn văn nghệ toàn trung đoàn, khi giới thiệu một ca sĩ nam, là chiến sĩ tổng đài A69 hát bài dân ca: "Bèo dạt mây trôi" theo giọng nữ. Cả hội trường thấy lạ trầm trồ theo dõi. Một cô gái mảnh mai, quần trắng, áo dài, tay cầm chiếc nón bài thơ Huế bước ra sân khấu, từ con người, dáng đi hoàn toàn nữ tính. Cả hội trường, nhất là các cô gái tổng đài tài ba hết lời ca ngợi. Các cô thì thầm nói với nhau: Người ở đâu sao mà đẹp thế nhỉ. Ừ mà đẹp thật đấy, đôi mắt huyền dưới lông mày dài và hàng mi cong tít. Nước da thì có kém gì các cô gái hàng ngày chăm chuốt đâu. Tiếng nhạc và giọng nữ cao vút: "Bèo dạt mây trôi i ì trôi, chốn xa xôi, anh ơi! Em vẫn đợi bèo dạt...". Tiếng vỗ tay nhiều lần vang lên và ca sĩ đã phải hát lại hai lần.
Định thần trở lại, các bạn tổng đài, cả nam, cả nữ đã từng chuyện trò với người bạn gái ở A69 nay mới vỡ nhẽ là mình đã "nhầm to".
Từ sau buổi văn nghệ của Trung đoàn, cứ hàng tối, cứ về đêm khuya, khi không còn các đối tượng liên lạc, thông tin ở các nơi lại gọi đến A69, họ rì rầm tâm sự. Bây giờ các cô gái họ đang tâm sự với người khác giới. Đầu dây bên kia vẫn tiếng thỏ thẻ oanh vàng làm xiêu lòng biết bao cô gái.


ĐIỂM HỘI TỤ
 Ba mươi năm tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng và giành độc lập tự do cho dân tộc, hàng triệu thanh niên nam, nữ rời quê hương lên đường đánh giặc cứu nước, đại bộ phận họ chưa có gia đình riêng. Lòng căm giận quân thù sâu sắc đã khiến họ phấn chấn lên đường với khí thế long trời, lấp biển để trả nợ nước, thù nhà. Cuộc đời người chiến sĩ như cánh chim bay nay nơi này, mai nơi khác; nay đơn vị này, mai lại chuyển đơn vị khác, gian khổ hi sinh, thiếu thốn, khó khăn nếm đủ mùi. Nhưng niềm vui của họ là được đánh giặc và được kết thân với biết bao bạn bè. Trong nhật ký người chiến sĩ ngày càng dày thêm bởi những dòng địa chỉ của những người bạn thương mến. Niềm vui của người chiến sĩ đâu chỉ có thế, mỗi lần nhận được thư nhà, thư của người yêu phương xa gửi đến là họ coi như niềm vui chung của cả đơn vị, họ vui đùa, chúc tụng, chế nhạo làm cho người nhận được thư trong lòng càng thấy xốn xang. Xin cám ơn anh lính quân bưu, anh là sợi dây tơ hồng nối liền từ miền Bắc đến miền Nam, từ biên giới đến hải đảo, từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn.
Không gì vui hơn là trên đường ra trận, điểm hội tụ của tất cả các quân, binh chủng. Những đêm dài hành quân, mỏi gối, chân chồn, mỗi lần gặp được đoàn dân công, họ hỏi thăm quê hương của nhau, đặc biệt khi gặp các cô gái làm cho các chiến sĩ đang ngủ gật cũng tỉnh hẳn ra, họ quên cả đau vai, phồng chân. Họ chào nhau và đây đó không ít các chiến sĩ có lời vui đùa tế nhị:
- Này em ơi! Anh ở huyện Tiên Du đấy! Quê anh chính gốc quan họ. Em có nhớ dòng sông Tiêu Tương của quê ta không? Có truyền thuyết về chàng Trương Chi, tiếng hát Trương Chi ngọt lịm làm mê mẩn, xao xuyến nghiêng ngả tâm hồn Mỵ Nương, con gái quan Thừa tướng. Cái chén làm bằng gỗ cây bạch đàn có cả tâm hồn Trương Chi cho nên "Chén không có nước thì thôi, hễ chén có nước thấy người hò khoan" có đúng như thế không em nhỉ? Nhưng mà câu chuyện tình này thật là: "Đong đầy nước mắt và héo hắt nụ cười".
- Anh ở làng "Lim" đấy, tiếng hát quan họ của quê ta "óng chuốt như tơ, ngọt ngào như mật". Kết thúc chiến tranh em đến thăm quê anh nhé! Lúc đó anh cùng em lên núi Lạn Kha để tưởng nhớ đến chàng Từ Thức cởi áo chuộc cho nàng tiên nữ Giáng Hương. Em có bằng lòng không nào?
Ở đoàn thanh niên xung phong có nhiều cô đồng thanh trả lời: "Em đồng ý đấy". Những nụ cười giòn tan bay xa, bay cao, âm hưởng của nó còn lưu giữ mãi trong những giây phút hiếm có trước giờ ra trận. Những chiến sĩ  cùng quê hương, cùng đơn vị cũ họ gặp lại nhau sung sướng biết nhường nào. Họ chào hỏi, ôm lấy nhau để truyền cho nhau những tình cảm chân thành để thỏa nỗi nhớ mong. Họ ghi địa chỉ làng quán, tên cha mẹ cho nhau lưu giữ, bởi lẽ họ đang sống trong cuộc chiến tranh mà chưa biết đến bao giờ kết thúc. Ai còn, ai mất và ít ra cũng còn có người trở về quê để nói cho người thân biết những giờ phút thanh bình hiếm có trong chiến tranh mà họ đã được tận hưởng.
Chiến tranh kết thúc, những người chiến sĩ còn lại, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, số đông họ đã trở về với quê hương ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đã mấy chục năm ròng, nay tuổi cao, sức yếu, họ lại tụ hội với nhau ở Quân y viện Trung ương 108. Những người lính già tóc bạc, da mồi, gặp nhau ở phòng khám sức khỏe A1. Cái bắt tay thắm thiết vội vã vì đã đến lượt vào khám, số còn chờ đợi thì có dịp chuyện trò với nhau. Vui lắm, nhớ nhau mà không biết các bạn ở nơi nao. Họ lại ghi địa chỉ và số điện thoại cho nhau để tiện thăm hỏi vì bây giờ già rồi đi lại khó khăn lắm.
Nhà điều trị của A1 chẳng mấy khi thừa giường. Những bệnh nhân vào đây rồi thì chí ít cũng ba tuần mới ra viện, thời gian hàng ngày tha hồ để các bạn bè tâm sự với nhau. Đủ mọi thứ chuyện được đem ra bàn tán như những ngày họ còn là những anh lính trẻ. Có người hỏi: Tại sao người ta lại đặt cho khoa này cái tên A1 nhỉ? Phải rồi: Chữ A xếp đầu hàng chữ cái, con số 1 cũng đứng đầu hàng các con số. Đúng đấy, Đảng, Nhà nước, quân đội luôn chăm lo đến những con người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Ở đây, từ người nấu ăn cho đến chủ nhiệm khoa ai cũng thân tình chăm lo mọi mặt cho bệnh nhân, người nào cũng được khám sức khỏe gần như toàn diện bằng những phương tiện hiện đại kết hợp với chẩn đoán lâm sàng để tìm ra đúng bệnh giúp cho điều trị có hiệu quả.
Ngày còn chiến tranh, ở chiến trường không ít người phải rơi nước mắt trước sự hy sinh của đồng đội. Nay vào viện cũng không kém phần xót thương nhiều đồng đội mắc bệnh hiểm nghèo. Họ chỉ biết động viên nhau: Hãy dũng cảm đấu tranh với bệnh tật, an tâm điều trị để nhanh chóng được trở về với gia đình, con cháu. Có ông lão đã quá già, nghe tin bạn nằm viện, con cháu phải dìu ông vào để có dịp gặp lại người bạn cố tri trong chiến đấu năm xưa. Họ xúc động lắm bởi mối tình đồng chí, đồng đội. Cứ từng nhóm người một, họ nhắc lại các kỷ niệm xưa. Nào chiến dịch mở màn Biên Giới, giải phóng ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng làm chuyển biến cục diện chiến đấu thời chống Pháp. Trận mở màn Đông Khê có anh hùng La Văn Cầu cắt bỏ cánh tay bị thương để tiếp tục xông lên giết giặc. Đại đội trưởng Trần Cừ lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên tiêu diệt quân thù. Ngọn núi Khâu Luông, Cốc Xá chứng kiến sự thất bại thảm hại của hai binh đoàn cơ động do hai quan năm Lơ Pagiơ (Le Pagie) và Sác tông (Charton) chỉ huy. Tù binh Pháp đầy đường không cần ai quan tâm, chỉ cần cho họ một nắm cơm và hẹn đến địa điểm tập trung là họ đến đủ. Rồi chiến dịch Trần Hưng đạo đuổi giặc đến gần thị xã Phúc Yên và biết bao chiến dịch nối tiếp nhau đến chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc số phận bọn thực dân xâm lược Pháp ở Đông Dương. Những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa bồi hồi ôn lại những kỷ niệm vui buồn năm lăm ngày đêm ấy, nhất là các trận đánh vào năm vị trí của khu Đông, trận đánh quyết liệt giành giật nhau từng mét đất trên đồi A1, C1. Ở đây cũng có đủ mặt các chiến sĩ phòng không và tên lửa đã bắn hạ nhiều máy bay trên chiến trường Điện Biên và hạ pháo đài bay B52 của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm xưa. Những lúc chuyện trò vui vẻ thế này hình như các chiến sĩ già đã có khoảnh khắc quên đi bệnh tật đang hành hạ. Họ cứ tâm sự hết chiến dịch này đến chiến dịch khác và kết thúc là những câu chuyện trong chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Chợt xuất hiện một vị tướng đến thăm, vị tướng vào một buồng bệnh chào một cụ già râu tóc bạc, trán hói đến tận đỉnh đầu. Vị tướng cất tiếng: "Chào thầy ạ". Ông cụ nheo mắt một lúc mới nhận ra: "À, xin chào tướng quân đã bớt chút thời gian đến thăm tôi". Vị tướng nói: "Nghe tin thầy mệt phải vào viện, vợ chồng em bảo nhau phải đến thăm thầy ngay, thầy đừng nói chữ tướng, sĩ làm gì. Chính thầy và biết bao thầy giáo khác đã có công dạy dỗ hun đúc nên thế hệ kế tiếp ngày nay là gì? Vậy thì chính các thầy mới là các vị tướng của lớp trước cho chúng em ngày nay noi theo, có phải không thầy".
Những bệnh nhân già này vẫn còn may mắn hơn biết bao chiến sĩ đã hi sinh cả tính mạng của mình. Các ông lão trầm ngâm suy nghĩ và đặt ra câu hỏi: "Các chiến sĩ  đã hi sinh, đa số đã được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ, đấy cũng là điểm hội tụ của người đã mất. Ở thế giới bên kia, họ có được quây quần tâm sự như chúng ta thế này không nhỉ? Nếu có thì thật là điều rất vui mừng cho những người còn sống trên thế gian này và cũng là niềm an ủi cho những người thân đang còn ở xa chưa có điều kiện để đưa anh em về quê hương bản quán của mình".
Ở bệnh viện có biết bao nhiêu là chuyện vui, chuyện buồn, chuyện tình nghĩa, nếu ai đó có công theo dõi, ghi chép thì có thể có hàng tập ký dày về những kỷ niệm xa xưa đã phải trả bằng máu và nước mắt. Thiết tưởng điều đó cũng có ích cho đời sau đọc và suy ngẫm.
 

TRUNG THỰC LÀ PHẨM CHẤT CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
 Trong nhiều năm qua, nói dối đã thành nếp sống, cách làm việc của một bộ phận cán bộ có chức quyền nhất định. Xin nêu ra vài ví dụ: Sinh con thứ ba khá nhiều, chỉ báo cáo lên trên một nửa hoặc hai phần ba sự thật. Số người nghiện ma túy khá đông, họ yêu cầu các ngành, các giới chỉ báo cáo lên trên con số được khống chế. Đảng viên vi phạm kỷ luật đáng lý phải thi hành kỷ luật thì có nhiều lý do nêu ra như: Chiếu cố người về hưu, mới vi phạm lần đầu... để Đảng bộ vẫn xếp hạng “Trong sạch vững mạnh”.
Bệnh hình thức chủ nghĩa cộng với tư tưởng không trung thực cũng là hiện tượng khá phổ biến. Bất kể địa phương nào cũng dễ nhận thấy hiện tượng này. Bề mặt phong trào thì rầm rộ, nhưng không có chiều sâu về nội dung và sau cái bề ngoài đó coi như đã làm xong chỉ thị của cấp trên. Ví dụ, việc học tập Nghị quyết của đảng viên. Đảng bộ có tới 400 - 500 đảng viên, hội trường thì bé, mời thầy của Trung ương về giảng một số lý luận chung mà không hề có liên hệ gì với thực tế của Đảng bộ. Chắc chắn nhiều đảng viên chưa được học, nhưng đã báo cáo lên cấp trên hoàn thành có chất lượng cao học tập nghị quyết của Đảng. Phong trào chống ma túy sôi nổi, nhưng ma túy của địa phương vẫn phát triển. Chống cháy nổ vừa mới thao diễn tốn kém khá nhiều tiền của nhưng cháy nổ tại địa phương lại không chữa được. Ra quân rất rầm rộ để có khu phố văn minh thương mại, đoàn vận động đi qua thì đâu lại vào đấy như cũ. Cấp trên đi kiểm tra bất cứ nội dung gì, cấp dưới đều có cách xếp đặt sẵn và sẽ có một bản báo cáo nổi bật. Người kiểm tra thì hoan hỷ, rất bằng lòng với việc làm của cấp dưới. Có người nói bệnh nói dối, phô trương hình thức, không trung thực ấy là bệnh thành tích. Vậy bệnh thành tích có nguồn gốc từ đâu? Đó chính là chủ nghĩa cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn mong mỏi và rèn luyện cán bộ, đảng viên phải suốt đời trung thành với Đảng, luôn vì lợi ích của nhân dân. Người đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình để soi xét lại mình và giúp cho đồng chí tiến bộ. Gột bỏ được chủ nghĩa cá nhân là thước đo lòng trung thành của cán bộ, đảng viên với Đảng và nhân dân.
(Còn nữa)
Được đăng bởi Nguyễn Quang Hưng


       

0 nhận xét:

Đăng nhận xét