30/9/15

Phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế


Bài viết theo lời kể của Đại tá Trần Ngọc Duyện khi còn sống. Đã đăng trên báo Cựu chiến binh Thủ đô năm 2012 và in trong sách “Những kỷ niệm của Cựu chiến binh Thủ Đô với Bác Hồ” - Nhà xuất bản Hà Nội, phát hành năm 2013. 

Đại tá Trần Ngọc Duyện, nguyên là Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, đã được gặp và làm việc với Bác Hồ nhiều lần trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông kể:
        Năm 1950 tôi làm trưởng đài vô tuyến điện, Đội 101- 230 tham gia chiến dịch giải phóng biên giới ở Nà Lạn (Cao Bằng). 

 Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại SCH chiến dịch Biên giới

         Ngày đó đài của tôi đang làm việc tại một nhà dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy chiến dịch, dẫn một ông già mặc quần áo nâu, đến trạm máy, dùng đài vô tuyến điện liên lạc trực tiếp với Đại đoàn 308. Lúc đó mọi người chưa ai biết Bác Hồ, nên vẫn say sưa, chăm chú làm việc. Trong lúc Đại tướng liên lạc thì người khách đứng quan sát phòng máy. Làm việc xong, Đại tướng mời Bác ngồi, bấy giờ các chiến sĩ ta mới biết đó là Bác Hồ. Không khí trong phòng rộn ràng hẳn lên, mọi người phấn khởi, nhưng vẫn phải gữi đúng tư thế làm việc, vì sợ Bác phê bình. Nhưng Bác vui vẻ hỏi:
Các cô các chú làm việc có vất vả, khó khăn không?
Trưởng đài trả lời: Thưa Bác vất vả nhưng chúng cháu sẽ cố gắng ạ!
Bác chỉ tay lên cột ăng ten trước cửa nói: “Phải hết sức bí mật!”
Sau đó Bác hỏi thăm sức khoẻ, bắt tay từng người rồi ra về. Bác vừa đi khỏi, chiến sĩ reo hò, họ vui mừng vì được nhìn thấy Bác, được Bác bắt tay, đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn trong cuộc gặp gỡ bất ngờ. Được Bác nhắc nhở, tôi ra kiểm tra cột ăng ten, bố trí cẩn thận để không bị lộ.
Ngày 19/5/1955, tôi được điều động về công tác ở “Phái đoàn liên lạc, đại diện Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, cạnh Uỷ ban Kiểm sát và Giám sát quốc tế tại Sài Gòn”. Trước khi đi, Bác gặp đoàn tại Phủ Chủ tịch. Trưởng đoàn là đồng chí Phạm Hùng, đoàn gồm 22 người, có nhiều tướng lĩnh quân đội như Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Đại tá Hà Văn Lâu, Đại tá Nguyễn Văn Long… Bác căn dặn rất cụ thể: Các chú vào đó phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế, trong cuộc kháng chiến chính nghĩa, đấu tranh thống nhất đất nước, hai bên phải thi hành nghiêm chỉnh hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Đối với nhân dân phải bảo vệ không cho địch tàn sát, khủng bố… Đối với địch phải khôn khéo, mưu trí, đấu tranh ngoại giao có tình, có lý, đối với người mình phải đoàn kết, không để Mỹ Ngụy lôi kéo, phải tránh viên đạn bọc đường. Rồi Bác hỏi từng người, ai còn khó khăn gì không? Bác mời mọi người ăn bánh kẹo, cuối cùng Bác chúc đoàn lên đường thành công.
Sau 3 năm công tác ở miền Nam, đoàn trở về Hà Nội, được Bác mời vào Phủ Chủ tịch ăn cơm, nhưng Trưởng đoàn xin phép chỉ gặp Bác chứ không ăn cơm, vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ và công việc của Bác. Sáng sớm ngày 20/5/1958, một số thành viên trong đoàn đã chuyển công tác khác nên đoàn chỉ còn lại 16 người, khi vào đến sân Phủ Chủ tịch thì gặp đồng chí Phạm Văn Đồng và Phạm Ngọc Thạch, chúng tôi đang quây quần chào nhau thì có người nói: Bác tới rồi! Tất cả mọi người đều quay về phía nhà Phủ Chủ tịch, Bác mặc bộ quần áo bà ba mầu nâu gụ, mọi người  chạy ra vây quanh Bác. Bác tươi cười bắt tay rồi gọi:
Chú Định đâu! Chụp cho Bác cháu tôi một pô ảnh kỷ niệm!
Ông Định là 1 trong số 8 ngườì được Bác đặt tên là “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”. Ông Định đang loay hoay tìm chỗ đứng để chụp cho đẹp thì Bác kéo mọi người ngồi xuống thềm bậc thang của Phủ Chủ tịch và nói “chụp thôi”. Chụp xong, Bác bảo mọi người vào nhà, uống nước, ăn bánh kẹo, rồi kể chuyện miền Nam cho Bác nghe. Ông Nguyễn Văn Long (sau này là Giám đốc Công an Hà Nội), đứng lên xin phép chúc thọ Bác, vì Bác mới sinh nhật hôm qua, Bác hiểu ý nên bảo:
Thôi hôm nay là ngày 20 rồi, các chú không phải chúc Bác nữa, kể chuyện miền Nam cho Bác nghe đi!
Ông Long bắt đầu báo cáo với Bác: Đồng bào miền Nam phải sống trong sự kìm kẹp tàn khốc của Mỹ Ngụy, nhưng lòng dân vẫn hướng về Đảng và Bác Hồ, tuy bị bọn quân cảnh Ngụy ngày đêm canh gác, ngăn cản không cho nhân dân tiếp cận với cách mạng, nhưng họ vẫn tìm mọi cách để được nhìn thấy cờ Tổ quốc và ảnh Bác treo trong trụ sở của ta. Các cháu thiếu niên giả vờ vào hái xoài, hái mận trong vườn để được gặp các chú bộ đội, tặng quà cho cách mạng. Thỉnh thoảng họ đưa những lá thư thông báo tình hình ngoài xã hội, cung cấp những tin bí mật để ta kịp thời ngăn chặn, không cho địch gây thiệt hại đến nhân dân. Khi chúng tôi ra chợ mua thực phẩm, bà con giữ phần  ngon để bán cho bộ đội. Có chủ hãng ô tô mang biếu cách mạng 2 chiếc xe ô tô, làm phương tiện đi lại giao dịch quốc tế, cho đỡ vất vả… Bác ngồi chăm chú nghe từng chi tiết và rơm rớm nước mắt.
Bác nói: Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước vô cùng khó khăn, gian khổ, Bác  hoan nghênh phái đoàn đã chiến đấu trên mặt trận ngoại giao rất kiên quyết, nghiêm túc, không để Mỹ Ngụy khủng bố đồng bào ta. Rồi Bác kết luận: “Chiến tranh có thể còn ác liệt và kéo dài, nhưng nhất định sẽ thành công”. Sau đó Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ của anh em trong đoàn, lúc ấy tôi bị liệt một tay, vì trong suốt 3 năm làm nhiệm vụ đặc biệt, chỉ có một mình tôi là chiến sĩ thông tin, bất kể ngày hay đêm khi công việc yêu cầu là tôi phải hoàn thành chính xác, kịp thời. Nhiệm vụ quốc tế quan trọng, mỗi khi làm việc xong, tôi phải giải mã văn bản tường tận, đầy đủ, chuyển ra Hà Nội để Trung ương có hướng chỉ đạo. Vì khối lượng công việc vượt quá sức mình,  nên cánh tay phải chuyên đánh ma níp của tôi đã bị liệt, phải chuyển sang làm việc bằng tay trái.
Lúc đó Bác Hồ nhìn tôi với ánh mắt hiền từ, nhân hậu, thương xót như tình cha với con, làm tôi xúc động, hai mắt ngấn nước. Khi mọi người ra về, ông Phạm Ngọc Thạch nói với tôi, Bộ Y tế sẽ tìm cách chữa bệnh cho anh. Ông Thạch cũng nhắc Đại tá Hà Văn Lâu chú ý tạo mọi điều kiện để tôi chữa bệnh. Sau đó được điều trị kịp thời nên cánh tay phải của tôi đã khỏi liệt. Nhưng cũng do làm việc nhiều bên máy phát sóng có công suất lớn, bị nhiễm xạ sóng vô tuyến điện nên một thời gian sau mắt phải của tôi cũng bị ung thư. Khi điều trị đã khoét đi một mắt, nhưng tôi vui lòng vì sự hy sinh của mình đã đóng góp vào sự thành công của cách mạng. Bây giờ mỗi khi hồi tưởng lại những lần được gặp Bác, trong lòng tôi phấn chấn, cảm xúc hồi hộp như vừa diễn ra.

Trần Thị Tuyết

Ghi theo lời kể của Đại tá Trần Ngọc Duyện
Được đăng bởi Nguyễn Quang Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét