18/9/15

Nhớ mãi những miền quê (phần 2/3)



Phần II. TRUYỆN KÝ

ÂM VANG DÒNG SÔNG

Tôi đến thăm nhà Nam, người bạn chiến đấu năm xưa. Mới đến gần nhà đã nghe tiếng hát, tiếng nhị rộn ràng của làn điệu dân ca quan họ như: Trăng rằm, ngồi tựa mạn thuyền, mười nhớ mười thương. Thắm thiết hơn cả là khúc hát cổ "Giã bạn":
          Trăm năm mới có một ngày
Bây giờ kẻ Bắc người Nam
Sao chẳng thương tình
Chúng tôi dẫu lòng vậy, cầm lòng vậy
Đêm năm canh, tôi luống chịu một mình lạnh lùng.
Có nhớ đến chúng tôi chăng.
Đã là người đất Kinh Bắc ai mà chẳng say mê với khúc hát truyền thống của quê hương.
Nam rất vui mừng đón tôi như người thân lâu ngày mới trở về. Bữa cơm thật đạm bạc nhưng thắm tình anh em. Phấn chấn, Nam đọc cho tôi nghe bài thơ "dòng Sông Thương" mà anh mới viết. Tôi nhớ rất kỹ mấy câu đầu và mấy câu cuối của bài thơ:
Nước Sông Thương chảy ra biển cả
Ánh trăng soi trắng xóa dòng sông
Nước trôi, nước chảy mênh mông
Đưa trăng với nước về sông Thái Bình
Bến đò Lục-Liễu xinh xinh
Con đò còn đó, trữ tình còn đây
Và mấy câu cuối:
Hỡi bao cô gái của dòng sông
Tình em đó như dòng Sông Thương vậy
Ôi! Nhớ thương, thương nhớ dòng thương ấy
Anh viết tặng em và tặng cả dòng sông.
Tôi lắng nghe thơ của Nam, cảm nhận thấy điều ai oán của tác giả về hạnh phúc của đôi trai gái nào đó, nó trái với cảnh sắc của dòng Sông Thương êm đẹp này. Nhưng do hoàn cảnh trớ trêu nào đó khiến cho mối tình dang dở, nên mới có câu thơ:
Tình em đó như dòng Sông Thương vậy.
Và, bây giờ chỉ còn trong lòng Nguyễn Nam mối ưu tư, phiền muộn "Thương nhớ, nhớ thương dòng Thương ấy". "Thơ viết để tặng em và tặng cả dòng sông". Càng dễ hiểu vì sao Nam ưa khúc dân ca quan họ "Giã bạn" đến như vậy.
Chén rượu của hai chúng tôi gần như còn nguyên, tôi mạnh dạn hỏi Nam: Vì sao bây giờ không kết bạn trăm năm, tìm lấy người thương để mà nhớ? Nam cười, yêu cầu tôi ở lại chơi vài ba ngày, đêm nay sẽ đi chơi trên bờ đê dòng Sông Thương.
Chúng tôi dừng chân đúng bến đò Lục Liễu, trăng mười sáu sáng vằng vặc. Ngồi chơi mát, Nam chậm rãi tâm sự: Anh muốn hiểu quá khứ cái gì đã diễn ra trong đời tôi à? Anh đã đoán đúng tâm sự của tôi qua bài thơ "Dòng Sông Thương". Năm 69, rời đất Kinh Bắc tham gia bộ đội, tôi mơ tưởng nhiều việc lắm. Tôi được phân về Binh chủng Thông tin liên lạc làm lính quân bưu. Chắc anh nghe bài hát về bộ đội quân bưu rồi chứ? Hay lắm, tình cảm lắm. Ngoài nhiệm vụ chung ra thì họ còn là sợi dây tơ hồng nối liền hạnh phúc của nhiều đôi trai gái từ hậu phương ra tiền tuyến, từ miền Bắc vào miền Nam, từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ đất liền ra hải đảo.
Vào một buổi chiều tà của năm 1971, trời đã sẩm tối, tôi nhận nhiệm vụ chuyển lệnh hỏa tốc hẹn giờ đến Bộ tư lệnh một sư đoàn phòng không đóng trên đất Hà Bắc. Chậm nhất là 5 giờ sáng hôm sau thì phải hoàn thành nhiệm vụ. Xe ô tô và mô tô đã đi làm nhiệm vụ cả, chỉ còn lại một chiếc xe đạp cũ mà anh em chúng tôi gọi nó là con trâu già. Tôi phải cùng nó hành quân trên chặng đường gần 100 cây số. Chỉ kịp chuẩn bị cho mình một bi đông nước, một đèn pin và một khẩu súng AK thế là tôi mải miết lên đường. Cũng may mà tôi là dân của đất Kinh Bắc, khi còn ở nhà hay đi đây, đi đó nên đường sá cũng quen thuộc nhiều, cho nên lúc thì đạp xe trên đường quốc lộ, lúc lại rẽ vào đường tắt, làm chó cắn râm ran cả xóm làng.
Chấp hành mệnh lệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là yêu cầu đỉnh cao đối với mọi chiến sĩ. Hơn nữa, ngày mai sẽ xảy ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa lực lượng không quân Mỹ với bộ đội không quân và phòng không của ta ngay trên quê hương Hà Bắc của tôi. Mệnh lệnh đến chậm thì có tội với đồng bào, đồng chí, với quê hương.
Trăng về hạ tuần, như ai đó đã cố tình bán đi mất quá nửa vầng trăng, tiết trời đã sang đông, những cơn gió bấc đầu mùa thấm lạnh. Tôi vẫn mải miết đạp xe, mồ hôi đã ướt cả áo. Hơn ba giờ sáng tôi đã đến được bến đò Lục Liễu của dòng Sông Thương. Cảnh vật im lìm quá, vắng vẻ quá, không một bóng người. Giờ hẹn của mệnh lệnh đã đến gần. Tôi quyết định gọi đò: Ông lái đò ơi! Tôi là bộ đội cần sang sông gấp. Tiếng vang của dòng sông về đêm khuya như nhắc lại tiếng gọi đò. Vẫn yên tĩnh, tôi gọi lần thứ hai. Tiếng gọi của dòng sông đã thức tỉnh cô lái đò Lưu Hằng Nga. Nga vội bịt chiếc khăn vào đầu, che tai cho khỏi lạnh, con đò từ từ sang sông. Nga cất tiếng hỏi: Có việc gì cần mà anh phải vất vả đi khuya thế? Cô lái đò! Cô giúp tôi qua sông có việc quân sự gấp. -Tôi trả lời. Con đò cập bến, tôi mạnh bạo hỏi: Nhà cô lái đò có ở gần đây cho tôi xin một ít nước. Nga vui vẻ trả lời: Nhà em ngay đây mà, mời anh vào uống nước. Nghe tiếng người nói bố Hằng Nga cũng trở dậy, ông vốn là chiến sĩ Điện Biên năm xưa nên rất nhạy cảm với nhiệm vụ của chiến sĩ quân bưu. Bát nước vối trên tay cứ rung lên và cả người tôi cũng run lên vì rét. Bố Nga nói: Nga này, con xuống bếp đốt lửa để anh xuống sưởi, rét quá do thấm lạnh rồi. Khuôn mặt Hằng Nga hiện lên qua ánh lửa hồng, quả là một cô gái xinh đẹp như tên của cô ấy. Tôi nghĩ như vậy, Nga cởi chiếc áo bông đang mặc chùm lên lưng tôi và nói: Đừng ngại anh ạ, anh rét lắm rồi đấy. Bố của Nga cũng mang bát cơm nếp mới nấu chập tối mời tôi: Cháu ăn đi, cháu đi đêm làm gì có hàng quán để mà mua. Con trai của bác cũng đang chiến đấu ở miền Nam, bác coi cháu như con, cháu cứ tự nhiên. Và ông báo cho tôi biết, chiếc xe đạp đã hỏng xăm. Tôi sững sờ đặt bát cơm xuống. Nỗi lo phải hoàn thành nhiệm vụ ập đến. Kìa, con cứ ăn đi, ăn xong lấy xe đạp nhà bác mà đi. Ông cười vui vẻ bước ra khỏi bếp. Hằng Nga luôn tay đẩy các nắm rạ vào bếp giữ ngọn lửa hồng để sưởi ấm cho người chiến sĩ đêm khuya. Nhiều lúc bốn con mắt của chúng tôi lại gặp nhau phát ra một thứ ánh sáng vừa huyền ảo vừa dịu dàng, vừa thắm đượm tình cảm.
- Thế quê anh ở đâu? - Nga hỏi.
- Anh là đồng hương của em. - Tôi trả lời.
Đã đến lúc phải lên đường, hai bố con Nga tiễn tôi ra tận đầu xóm chỉ hướng cho đi không quên nhắc tôi còn đủ thời gian không nên quá vội vàng. Sức nóng truyền cảm từ chiếc áo bông của tuổi dậy thì, bát cơm nếp, lòng nhân từ của bố Nga giúp tôi thêm sức mạnh.
Bố của Nga quay về ông quyết định thắp đèn sửa chữa ngay chiếc xe đạp. Còn Hằng Nga trở vào giường nhưng cô không sao ngủ được. Hình ảnh người chiến sĩ cứ lởn vởn quanh đầu. À mà quên mất mình không hỏi tên anh, trông anh cũng khá đẹp trai, lại là đồng hương. Cô tư lự, tự hỏi có phải mình đã yêu không?
Năm giờ kém mười lăm phút, tôi đến trao công văn cho Sở chỉ huy sư đoàn. Sở chỉ huy nhộn nhịp hẳn lên. Mệnh lệnh tác chiến được phát ra qua các phương tiện thông tin. Tiếng ma níp tạch tạch, tè tè. Ngón tay người báo vụ như nhảy múa. Các cô gái tổng đài thoăn thoắt cắm phích gọi hết đến đơn vị này đến đơn vị khác: A53 đâu, A53 đâu giữ liên lạc để truyền lệnh. A56 đâu, xin đường cắm thẳng đến sân bay. Nhìn không khí náo nhiệt ở Sở chỉ huy, tôi sung sướng như mở cờ trong bụng vì đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng cho cuộc chiến đấu ngày mai.
Hằng Nga với con đò nhỏ lại đưa tôi và con trâu già qua sông để về đơn vị.
Bịn rịn bên nhau, Nga tiễn một đoạn đường dài. Đột nhiên Nga nắm lấy tay tôi nói: Máy bay địch, tên lửa. Vừa kịp nhìn lên trời đã thấy một máy bay như bó đuốc rơi thẳng xuống đất. Đạn pháo cao xạ nở như hoa trên trời. Từng tốp ba chiếc Mích 21 hùng dũng triển khai đội hình. Trận không chiến quyết liệt lại thêm hai con ma nữa phơi xác. Tôi nghĩ trong chiến công này có công của người con gái tôi yêu.
Buông tay tôi ra, Nga nói trong nước mắt: Chúc anh lên đường mạnh khỏe và luôn nhớ về với con đò nhỏ, về bến nước quê hương này. Dừng một lát, Nam hỏi tôi: Thế anh có biết mối tình đầu nó say mê đến thế nào không? Hình ảnh Hằng Nga suốt ngày đêm quấn quýt bên tôi. Mỗi tuần tôi gửi cho Nga một lá thư và cũng nhận được thư của Nga đều đặn. Có thư tôi đã nói với Nga thế này: Hằng Nga thân yêu! Dòng Sông Thương của em thật êm đềm, nhưng có lúc nước sẽ nổi sóng. Mong em khéo lái con đò để khỏi chòng chành, thay chiều đổi hướng. Còn thư của Nga cũng nhắc tôi là: Anh là chiến sĩ quân bưu, đi khắp nẻo đường của Tổ quốc, mong anh không quên con đường của quê hương có con chim xanh tháng ngày buồn bã vẫn gọi bạn mong chờ.
Tôi đã bị thương nặng ở chiến trường, hình dáng bề ngoài thay đổi khá nhiều. Mỗi lúc nhớ đến Hằng Nga tôi lại thấy đau khổ, không muốn vì tôi mà nàng phải chịu ảnh hưởng hạnh phúc trăm năm. Cũng vì thế, biết bao bức thư tôi đã viết rồi lại không gửi nữa, mặc dù tôi vẫn yêu tha thiết Hằng Nga.
Được ra miền Bắc điều trị, ghé thăm bến nước năm xưa chỉ còn vang vọng tiếng gọi đò năm trước và dòng nước trong xanh thì thầm yên ả. Chắc anh còn nhớ câu: "Hoa đến thì hoa phải nở. Đò đầy khách thì đò phải sang sông". Tôi luôn luôn có cảm nhận Hằng Nga vẫn còn yêu tôi tha thiết. Tôi đoán có lúc nàng chắc là đã khóc hết nước mắt, tin rằng tôi không còn dịp trở về. Nhưng mà có khi, có lúc nàng lại giận hờn cho tôi phụ bạc mối tình đầu thủy chung trong sáng và biết đâu nàng vẫn hy vọng mong chờ.
Đêm về khuya, theo dòng nước chảy, ánh trăng vẫn dập dờn đuổi nhau đến tận chân trời. Đêm ấy tôi không làm sao ngủ được về một mối tình đầy hạnh phúc lại dang dở của Nam. "Chiến tranh bao giờ vẫn là chiến tranh", định nghĩa ấy không thể nói khác được. Người ta nói nhiều về sự mất mát về người, về của trong chiến tranh. Nhưng còn một thứ mất nữa ít người tính đến, đó là sự hi sinh tuổi thanh xuân của hàng triệu con người. Sự tan vỡ tình yêu hạnh phúc của biết bao lứa đôi đang nở rộ, đẹp hơn cả trăng rằm, đẹp hơn bất cứ thứ gì đẹp nhất trên thế gian này. Vết thương trong chiến tranh cũng có thể hàn gắn được, nhưng còn vết thương trong lòng thì lấy gì mà bù đắp. Đã đành chiến thắng nào cũng phải trả giá.
Xa Nam một thời gian, tôi nhận được tin Hằng Nga đột ngột tìm đến quê hương Nam. Cuộc hội ngộ bất ngờ này đã tốn biết bao nước mắt. Nước mắt của ngày gặp mặt làm trôi ra dòng Sông Thương tất cả các vết thương tưởng chừng vĩnh cửu.
Những quả đồi trọc nay đã biến thành rừng cây dưới bàn tay vun trồng của Hằng Nga trong những năm xa vắng, đợi chờ Nguyễn Nam. Rừng cây đang ngả theo chiều gió, vui mừng tiễn đưa Hằng Nga về với hạnh phúc của lứa đôi. Hạnh phúc bất ngờ bao giờ cũng là hạnh phúc đẹp nhất.
Bây giờ chỉ còn nghe thấy tiếng con chim cu xanh gọi bạn đều đều trong tuần trăng mật. Nó càng tha thiết hơn bởi có thêm tiếng thông reo rì rào xen lẫn với vang vọng tiếng gọi đò năm xưa.


TRUYỆN VỀ NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ

Đã lâu lắm rồi, vợ chồng Dương Đại Hành mới lại đến thăm tôi, nhân tiện mời tôi ngày mai đến dự buổi gặp mặt đầu xuân của chiến sĩ thông tin đã về nghỉ tại địa phương. Anh say sưa kể tên hàng chục các đồng chí cũ, những gương mặt thân thuộc cứ lần lượt hiện qua trí nhớ. À mà có cả các đoàn nữ thông tin từ Quảng Ninh, Hà Bắc, Vĩnh Phú và các nơi khác cũng về họp mặt. Hành hỏi tôi: Anh còn nhớ cô gái tải ba "Hảo bột" không nhỉ? Bây giờ là Trưởng phòng thuế vụ Hà Nội. Còn cô Tề văn thư đã một thời làm giám đốc ngân hàng tỉnh Thái Bình, nay là Trưởng phòng Tổ chức May đo Đức Giang, nói chung họ còn trẻ lắm, đời sống kinh tế nhiều người rất khá anh ạ.
Tôi khấp khởi mừng thầm, các chiến sĩ thông tin không những giỏi về nghiệp vụ, dũng cảm trong chiến đấu, nay lại giỏi làm kinh tế, hoạt động chính trị xã hội. Ngừng một lát, Hành nói: Hôm nay có một câu chuyện rất cảm động, anh còn nhớ cậu Tường và anh An là chiến sĩ lái xe của Trung đoàn 134 Thông tin anh hùng của chúng ta không? Hành hỏi. Có chứ. Tôi trả lời, sau này cả hai người đều chuyển vào Trung đoàn 136 phục vụ các chiến trường cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Tường và An là đôi bạn với hai chiếc xe tải chạy hết chuyến này đến chuyến khác xẻ dọc Trường Sơn, vào sâu chiến trường nước bạn. Đối thủ của các anh lái xe là bọn C130, đã nhiều lần các anh chết hụt vì các quả đạn tăng xinh, gian nan thử thách đã gắn chặt tình nghĩa keo sơn của những chiến sĩ sống chết bên nhau.
Chiến tranh kết thúc, đất nước đã hòa bình, từ biệt bạn bè, Tường trở về quê cũ ở xã Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình, về với mái nhà cũ rách năm xưa, làm bạn với con trâu, nghề nông mà cha ông để lại. Còn anh An, anh đã trở lại thôn Yên Tần, xã Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội với nghề cũ của mình.
Ông trời ăn ở cũng bất công, đã không giúp cho người chiến sĩ còn để lại những dị hình cho Tường. Lúc đầu ở trên mặt và cổ anh chỉ có mụn thịt bằng hạt ngô, mỗi ngày cứ lớn dần bằng hai quả trứng vịt treo lủng lẳng trên mặt và cổ. Hàm răng rắn chắc ngày xưa nay đã rụng hết. Người ta bảo là khối u độc. Quần áo xác xơ biến anh thành một ông lão tiều tụy. Trong cảnh bần hàn không thể khắc phục được, điều đau đớn nhất là anh phải sống cô độc. Nhiều lúc anh muốn chơi với trẻ con, nhưng khi đến gần các cháu sợ chạy mất mật. Vợ và con anh thương chồng, thương cha nhưng cũng có cái gì đó ngăn cách. Tình cảm vợ chồng cũng lạnh lùng xa vắng. Dân làng ít người đến gần. Đi ăn cỗ có khi chỉ có một mình anh ngồi một mâm, tủi thân anh đứng dậy về nhà ăn bát cơm nguội. Nhiều đêm Tường không ngủ được, cũng muốn kết thúc cuộc đời cho khỏi khổ vợ, khổ con. Nhưng nhìn thấy vợ, trông thấy con, anh thấy không thể làm thế được, anh chết đi để gánh nặng cho ai, nhất định anh phải sống để làm tròn nhiệm vụ của người chồng, người cha.
Tường rất xúc động trước tình cảm của các đồng chí cựu chiến binh thông tin, cựu chiến binh địa phương thăm hỏi và giúp đỡ anh tiền tàu xe để đi chữa bệnh nhưng anh vẫn không đi bởi lẽ lấy tiền đâu mà chữa bệnh. Trước gia cảnh như vậy, vợ anh thương chồng nhưng cũng chẳng có cách gì hơn.
Vợ chồng An thấu hiểu tâm tư của Tường đã cử người về quê Tường vừa giải thích, vừa ép buộc Tường lên nhà An để đi chữa bệnh. Vợ chồng An chịu toàn bộ chi phí. Trước tình cảm sâu nặng như vậy, Tường đã ra đi. Vợ con tiễn anh, anh quay lại nói: Thôi mẹ nó và các con về đi. Tôi đi chữa bệnh, sống chết ra sao đã có đồng đội. Vợ Tường lau nước mắt trở về mà lòng buồn vui lẫn lộn.
Cảnh Hà Nội mới lạ biết bao nhiêu so với 20 năm về trước. Nhà của Bùi Đức An cũng chỉ hơn loại cấp 4 một chút, nhưng so với nhà Tường thì không biết lấy gì để so sánh được. Nguyễn Mạnh Tường, người nông dân chân lấm tay bùn bước vào nhà An sao mà e ngại như vậy. Ngay từ phút đầu tiên, vợ chồng, con cái của An đón Tường như những người thân trong gia đình đã phá tan không khí e ngại ban đầu. Họ nói chuyện với nhau thân ái như những năm còn chung sống bên nhau.
An nói: Tường này, cậu hiểu chúng tôi như thế nào? Tình nghĩa đồng chí, đồng đội như thế nào mà nhắn tin hết đợt này đến đợt khác đều không chịu lên Hà Nội để chữa bệnh. Trước đây, tôi và cậu lái xe đi khắp miền của Tổ quốc đã gặp biết bao cảnh éo le, tôi đã từng rơi nước mắt trước cảnh ngộ như vậy, chỉ có điều lúc ấy chúng ta không có gì giúp được họ. Còn bây giờ cậu bị như thế này, thử hỏi anh em, đồng đội có thể ăn ngon, ngủ yên được không? Tường chỉ còn ngồi im mà nhận sự phê bình chí tình của bạn. An nói tiếp: Thôi bây giờ cậu đi rửa mặt đi, vợ chồng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng màn giường chiếu để cậu ăn ngủ ở đây, yên tâm mà điều trị. Đây là thuốc bổ, đây là thuốc bệnh, đây là thuốc tễ, còn thứ thuốc bắc này phải sắc lên để uống.
Ngày hôm sau, vợ An đưa anh vào Quân y viện 108 mổ để lấy hai khối u khỏi mặt và cổ, nhờ bệnh viện chăm sóc, mặt Tường đã trở lại bình thường. Ra viện, Tường lại về nhà An nghỉ ngơi an dưỡng. Vợ chồng An hết lòng chăm sóc và bồi dưỡng sức khỏe cho Tường, đã hơn một tháng Tường cứ nằng nặc đòi về quê. An giữ cũng chẳng được đành phải để cho bạn ra về. An dẫn Tường đi chơi các phố phường và không quên làm lại cho Tường toàn bộ hai hàm răng giả và mua cho toàn bộ quần áo, giày dép để dùng cả mùa đông, mùa hè, kính râm, kính lão để đọc sách, trút bỏ đôi dép rách và những thứ khác nhờ nước Sông Hồng đưa nó ra biển khơi để chôn vùi cái nghèo, cái khổ của đời anh. Một túi xách quà của vợ chồng An gửi cho vợ và con Tường mà người ta chưa biết ở trong túi này có những thứ gì? Chắc có thứ sẽ giúp cho vợ chồng Tường vươn lên trong cuộc sống mới. Chỉ biết ở bên ngoài túi xách là những thang thuốc bắc và nhiều loại thuốc khác.
Vợ chồng An tiễn Tường một đoạn trên bờ đê Sông Hồng. Buổi sớm mùa đông còn khá lạnh nhưng trong lòng vợ chồng An và Tường ấm lên bởi tình nghĩa của người lính Cụ Hồ. Tường xúc động nói: Đời tôi chắc không trả được công ơn của anh chị, không biết con tôi có làm được điều đó không? Kìa anh Tường, sao anh lại nói thế, vợ chồng mình chỉ mong Tường khỏi bệnh, mạnh khỏe, thế là mừng. Khi nào rỗi việc, mời cả anh chị cùng các cháu lên nhà An chơi, thế là vui lắm rồi.
Chiếc xe taxi đưa Nguyễn Mạnh Tường trở lại quê hương. Mới có hơn một tháng thôi, Nguyễn Mạnh Tường đã được đổi đời. Vợ con Tường ngỡ ngàng có ông khách lạ đến thăm nhà, một lúc sau mới nhận ra chồng, chị khóc nức nở. Nhà Tường bây giờ trở lại đông vui bạn bè và có cả tiếng trẻ thơ âu yếm.
Tin tức gần đây được biết, nhờ sự giúp đỡ vô tư của vợ chồng An, sự chăm sóc đùm bọc của các cựu chiến binh và bà con xóm giềng. Quyết tâm vươn lên, Tường đã xóa đi được căn nhà ổ chuột. Có nơi ở khang trang, các cháu chịu khó học hành, đã thi đỗ vào đại học. Nghe xong câu chuyện tôi phải lấy mùi soa lau giọt nước mắt đang lăn trên gò má bởi chuyện đời khó có thể lãng quên, thương cảm hoàn cảnh Nguyễn Mạnh Tường, mừng vui cuộc đời anh đã đổi mới trong sự tin tưởng của đồng đội những ngày xưa.
 

CÓ EM ĐÂY

Năm mười bảy tuổi, Hồng Điệp cùng nhiều bạn gái quê ở đất tổ Hùng Vương và Nguyễn Bình chàng trai thanh niên Hà Nội, nhập ngũ vào Binh chủng Thông tin, ở chung đại đội huấn luyện tân binh. Mới có sáu tháng trôi qua, nhìn lại những bức ảnh ban đầu, những bộ quần áo thùng thình quá khổ so với các cô gái ai cũng phải phì cười.
Hồng Điệp và Nguyễn Bình đều là chiến sĩ học giỏi, gương mẫu về mọi mặt. Họ đã mến nhau cái tài, cái đức. Đôi bạn trẻ này bây giờ đã biết điều chỉnh máy tải ba, biết sử dụng tổng đài 100 số, biết kỹ thuật về dây trần, dây bọc. Nhớ lại mấy ngày đầu thực sự điều hành thông tin, nhất là vào giờ cao điểm, cuống quýt cả lên, chân, tay cứ như là thừa, mồ hôi vã ra trông thật đáng thương.
Chuẩn bị chia tay nhau về các đơn vị, được nghỉ Bình rủ điệp đi hái sim. Những quả đồi lúp xúp, những cánh hoa mua đang khoe sắc. Tiếng gọi bạn đời của chú gà gô sao mà tha thiết đến thế, nhịp độ đều đều. "Bắt tép kho cà", "Bắt tép kho cà". Gió hây hẩy đung đưa mái tóc thề của Hồng Điệp làm sắc xuân của cô thêm tươi thắm.
Ai chẳng biết tuổi thanh xuân là tuổi của tình yêu, trong lòng của họ muốn nói với nhau nhiều, nhưng cuối cùng vẫn toàn là chuyện bâng quơ, không có chủ đề nào rõ rệt. Chỉ có nụ cười và bốn con mắt là thực sự nói chuyện với nhau.
Thời cơ đã đến rồi, trước mắt Điệp và Bình là đôi bướm đang đùa giỡn, con trắng đang đuổi theo con có vành khuyên màu đỏ ở hai cánh. Chúng lượn vòng, xoắn xuýt bên nhau trên bụi cây sim.
- Hồng Điệp ơi! Bình gọi: Em có thích đôi bướm kia không?
- Thích, nhưng có bắt được không anh? Điệp hỏi.
- Bây giờ chưa bắt được em ạ.
- Thế đến khi nào mới bắt được hả anh?
- Đến khi nào bướm đậu yên ổn. Nhưng mà... anh chỉ muốn bắt mình con bướm đỏ thôi...
Hồng Điệp cười như nắc nẻ, nhưng nào có hiểu đâu, chính tên nàng hai chữ Hồng Điệp lại là con bướm đỏ đấy thôi. Bình nghĩ như vậy. Đột nhiên Hồng Điệp hỏi: Khi được ra quân anh sẽ làm gì?
Anh sẽ về trường đại học, học để trở thành nhà giáo, Bình trả lời.
Hồng Điệp được điều về làm nhân viên tổng đài A69 trên đất Hà Tĩnh, còn Nguyễn Bình về làm chiến sĩ bảo vệ đường dây trên tuyến trục Bắc Nam cách Hồng điệp gần 50 km.
Bom rơi, bom nổ chậm, bom bươm bướm và nhiều loại bom, mìn khác cũng không ngăn cản được ý chí quyết tâm của các chiến sĩ thông tin, không kể nguy hiểm, ngày đêm sẵn sàng lên đường khôi phục thông tin liên lạc. Mùa mưa bão đã đến rồi. Chập tối mây đen xám xịt bầu trời. Gió mỗi lúc càng mạnh, mưa như trút nước, sấm sét ầm ầm.
12 giờ đêm, chuông điện thoại reo vang: Trung đội trưởng Nam thông báo: Mất liên lạc, dây đứt cách tổ Bình khoảng 2 km về phía Nam. Trung đội trưởng ra lệnh cho tổ đi khôi phục ngay để bảo đảm thông tin chỉ huy tác chiến.
Bình và Cường chỉ kịp mặc áo mưa, mang theo máy điện thoại, kìm và một số dây bọc, theo ánh chớp của sấm sét mà chạy theo dọc đường cột xuyên qua ruộng đồng, núi rừng. Một giờ sáng đã phát hiện do cây đổ làm đứt dây. Bình và Cường nhanh chóng nối thông liên lạc, báo cáo Trung đội trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Nước mưa thấm lạnh, rét run bần bật, bụng đói cồn cào nhưng Bình không thể không gọi A69 để nói chuyện với Hồng Điệp: A69, A69 đâu. Hồng Điệp đâu? Một tiếng nói trong trẻo ngọt ngào: "Có em đây". Ở trong ấy có mưa không em? Có, đang mưa rất to anh ạ. Chắc là anh ướt hết cả người rồi phải không? Hồng Điệp hỏi.
Không những rét mà lúc này anh đang đói lắm em ạ. Bình trả lời. Thương anh quá, nhưng em ở xa thế này thì làm thế nào được. Ở đây có cả lương khô 702, ước gì em có cánh bay đến để che mưa cho anh đỡ lạnh.
- Hồng Điệp ơi! Nghe tiếng em là người anh nóng ran lên đỡ rét lắm rồi. Thôi anh đi về đây, hết ca, chúc em một giấc ngủ ngon nhé. Họ biết rõ nhau trực những ca nào và thường có các cuộc đàm thoại như vậy. Khi vắng người, họ trò chuyện với nhau thậm chí còn gửi cả cái hôn trên đường dây mà nhờ tín hiệu thông tin chuyển đến.
Trong chiến tranh cũng có những giờ phút thanh bình yên ả như vậy. Nhưng ai mà đoán được những gì có thể xảy ra sau đó.
Nguyễn Bình tưởng chừng như không đứng vững được trước sự hi sinh đột ngột của Hồng Điệp và bảy cô gái tổng đài do chống trả quyết liệt với máy bay Mỹ đánh vào trạm A69. Chiến tranh đã cướp đi người thân thương nhất trong đời anh. Hình ảnh Hồng Điệp tiếng nói thương yêu "Có em đây". "Em thương anh lắm" cứ văng vẳng bên tai và chắc chắn chẳng bao giờ phai nhạt.
Nguyễn Bình đã hoàn thành nhiệm vụ và được cấp trên cho xuất ngũ về địa phương. Ngày về, anh không về Hà Nội mà quay hướng phía Nam đi tìm phần mộ của Hồng Điệp.
Một nắm hương thắp trên tám phần mộ của tám người con gái đất tổ Hùng Vương. Làm sao có thể tránh khỏi những mất mát trong chiến tranh như thế này.
Trường Đại học Sư phạm lại có thêm một chiến sĩ từ mặt trận trở về. Bức ảnh Hồng Điệp được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng học. Tất cả người thân không ai được biết những điều gì đang diễn ra trong cuộc đời anh. Am thầm phấn đấu học và học để đạt được lời hứa với Hồng Điệp năm xưa.
Thu Hương, sinh viên cùng lớp vẫn thường xuyên bắt gặp cái nhìn không bình thường của Nguyễn Bình, một sinh viên hiền từ lại có học lực xuất sắc. Linh cảm của người con gái báo cho cô biết niềm vui và hy vọng. Còn Nguyễn Bình, anh rất băn khoăn vì sao ở trên đời này lại có người giống nhau như vậy. Hay là ...Thu Hương lại là người thân với Hồng Điệp. Ý nghĩ cứ thoáng qua rồi lại quay đi. Đến một ngày cả Nguyễn Bình và Thu Hương đều được nhận phần thưởng của nhà trường. Trên đường về Hương và Bình nhìn nhau mỉm cười. Có lẽ chẳng còn cơ hội nào tốt hơn.
Bình hỏi Hương:
- Quê em ở đâu.
- Em ở Phú Thọ, Hương trả lời.
- Thế em có ở gần đền thờ vua Hùng không?
- Dạ có, làng em ở gần đền thờ vua Hùng. Lông mày Bình nhíu lại, toàn thân gần như co thắt đau đớn nhớ đến Hồng Điệp. Dự đoán của anh về mối quan hệ giữa Hương và Điệp có lẽ đúng rồi.
- Kìa anh làm sao thế? Hương hỏi. Anh không sao đâu em ạ! Nguyễn Bình cố gắng mời Thu Hương và một số bạn bè về phòng mình chơi. Khi vào phòng học của Bình, nhìn thấy ảnh Hồng Điệp, Thu Hương không còn trấn tĩnh được nữa, cô chạy vội đến ôm lấy bức ảnh khóc nức nở. Chị Hồng Điệp ơi! Em là Thu Hương đây, em là em gái của chị. Chị có biết không? Tất cả bạn bè mắt đều ngấn lệ. Xót thương người con gái đang ở độ tuổi thanh xuân, đã cống hiến cả cuộc đời cho chiến thắng của dân tộc. Xót thương cho mối tình chung thủy. Nguyễn Bình vẫn mải miết ngắm nhìn mấy thuyền đánh cá ở Hồ Tây. Cơn gió làm lay động mặt nước, gợn sóng lăn tăn càng gợi thêm nỗi nhớ người thương.
Thu Hương ơi! Nguyễn Bình gọi. Ngày ra trường chẳng còn bao lâu nữa, anh và em phải xa nhau. Nhìn thấy em là anh như nhìn thấy Hồng Điệp khi em đi rồi thì để nỗi nhớ cho ai?
Anh, tiếng anh thật êm dịu và thân thương biết nhường nào. Thu Hương nói: Hồng Điệp đã sống lại rồi anh ạ. Hồng Điệp đây. Hồng Điệp vẫn còn ở bên anh và từ nay mãi mãi sống ở bên anh. Đầu Thu Hương ngả vào ngực Nguyễn Bình. Hơi thở nhẹ nhàng tỏa ra từ người con gái đang độ thanh xuân.
Bình thì thầm, Hương ơi! Mai này ở giảng đường, anh sẽ nói cho học sinh nghe cuộc đời của những người chiến sĩ, những điều mắt thấy tai nghe về những sự tích anh hùng của một dân tộc anh hùng. Hà Nội đã lên đèn, bố, mẹ Nguyễn Bình đón Thu Hương như một đứa con rất đỗi yêu thương và ngày mai ông, bà sẽ về Đền Hùng để làm những điều mà ông bà mong muốn từ lâu.


 TÌNH CŨ NGHĨA XƯA

Đã một giờ sáng rồi mà trong căn nhà của Dương Văn Quang trên đường Lĩnh  Nam đèn vẫn còn sáng. Quang không làm sao ngủ được. Có lúc anh vào giường nằm với vợ, nhưng vẫn trằn trọc, anh trở dậy ra ngồi một mình bên chiếc bàn nhỏ, dáng vẻ suy tư.
Chị Nguyễn Thị Hương tỉnh dậy không thấy chồng đâu, chị đi tìm hóa ra anh đang ngồi một mình. Kéo ghế ra ngồi sát chồng, chị hỏi:
- Gần sáng rồi sao anh không đi ngủ? Hay là công việc làm ăn gặp khó khăn, hay là thua lỗ?
- Không phải thế em ạ.
- Không phải thế thì em mừng rồi, hay là... có cô nào bắt mất vía đây?
- Lại càng không phải thế.
- Về chuyện này thì em chưa tin ngay đâu. Bây giờ khối người có máu mặt một tý là đã muốn đi tìm của lạ rồi. Em thì bây giờ đã già hơn trước. Ở ngoài đường, khách sạn, nhà nghỉ có khối mắt xanh, mỏ đỏ, uốn a uốn éo làm sao mà không hấp dẫn cho được.
Quang bực mình nói sẵng giọng:
- Em đừng nói lung tung nữa. Bấy nhiêu năm em là vợ anh, chẳng nhẽ em vẫn không hiểu anh hay sao? Anh đang buồn vì mới nhận được tin không vui: Khi anh đóng quân ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, người dân nơi đây coi các anh như con, họ chăm lo đủ điều, chữa bệnh cho các anh, thế mà bây giờ một số người đang gặp hoạn nạn.
Quang kể tiếp cho vợ nghe: "Năm 1971, một số thanh niên Hà Nội nhập ngũ, được phân công về công tác tại Trung đoàn 134 để bảo vệ thông tin tuyến dây trần ở huyện miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Tổ đường dây của anh có ba anh em, đều là người Hà Nội; ngoài anh ra còn có anh Giang, anh Thành mà phải bảo vệ tuyến dây trần theo đường cột dài 39 km. Đường dây này chạy qua địa phận của 7 xã. Tổ của anh đóng quân ở xóm Mỗ, xã Yên Sơn. Các anh đã tự làm lấy nhà bằng tre và nứa ở ngay sát nhà ông Đường. Đến khi quen thân rồi mới biết vợ chồng ông Đường là người Gia Lâm lên đây khai hoang và đã định cư ở đây nhiều năm. Ông bà Đường sinh được một người con trai tên là Cói cũng độ tuổi như các anh và ba người con gái.
Đóng quân ở đây đã nhiều năm, tình quân dân thắm thiết nên nhân dân địa phương coi các anh bộ đội đường dây như dân của bản. Nhớ mãi một năm vào mùa rét, có một con trâu chết cóng, dân bản thịt chia nhau và họ không quên để phần cho tổ đường dây một rá thịt bằng tiêu chuẩn của các gia đình trong bản.
Ngừng một lát, thấy vợ chăm chú nghe, Quang lại kể tiếp: Danh nghĩa tổ đường dây có ba người nhưng anh Thành, anh Giang thường xuyên đi vắng do trung đội điều động đi làm công tác khác; chỉ còn có một mình anh ở nhà trực máy, bảo đảm thông tin, tăng gia sản xuất. Có lần anh bị sốt cao quá, toàn thân mắc bệnh ngoài da. Ông đường sai anh Cói sang ngủ cùng trông nom anh lúc đêm tối; các cô con gái thì phải làm đủ thứ việc như: Nấu cháo, giặt giũ quần áo, tăng gia, vệ sinh nhà cửa hộ. Một cô phải đi đến xóm Tân, xã Tinh Nhuệ cách 10 km đường rừng để đón bà Mế chuyên chữa bệnh bằng thuốc nam. Bà Mế được tin bộ đội đường dây ốm là bà đi liền, thuốc thang cho anh đến khi cơn sốt đã dứt và bà còn chữa cho anh khỏi hoàn toàn bệnh ngoài da.
Có lần, dây thông tin bị đứt cả hai đầu, thế là anh và cả gia đình ông Đường chia làm hai ngả, cùng nhau đi khôi phục thông tin, còn ông Đường ở nhà trực máy. Đã nhiều lần tất cả thanh niên nam nữ của bản cùng các anh chị đi phát cây làm quang đường đi dưới chân tuyến dây chạy, cùng lau và thay xà, sứ, quét mạng nhện như bộ đội vẫn thường làm. Dân bản coi đường dây của bộ đội như của mình, hễ thấy có cây hoặc dây leo vào đường dây là dân tự chặt nó đi để không làm ảnh hưởng đến thông tin liên lạc. Những năm tháng sống với dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, nói sao cho hết được.
Sau này được biết, anh Cói cũng đi bộ đội, khi về lập gia đình đã có bốn cháu. Chị Tiến con bà Mế lấy chồng cũng được bốn người con, chồng chết, cả hai gia đình hiện nay khó khăn lắm. Anh nghĩ mà thương họ quá. Nhiều năm rồi không lên thăm nhân dân được, chắc em cũng biết anh đã phải lăn lộn với cuộc sống, từ lúc còn phải đẩy xe bò và biết bao công việc lam lũ mới có ngày hôm nay.
Được xuất ngũ về địa phương, không có nghề nghiệp, anh xin vào làm việc ở cơ quan cung ứng vật tư của Sở Xây dựng Hà Nội. Nghe cái tên thì hay thế, nhưng thực chất anh làm nghề bốc vác ở bến Phà Đen. Từ người trực tiếp lao động, anh trở thành cán bộ của cơ quan cung ứng vật liệu. Sau anh được chuyển sang Xí nghiệp Chế biến nông sản làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, trải qua hơn mười năm lao động mới có ngày hôm nay".
Chị Hương chăm chú nghe chồng nói mà lòng đầy xúc động, chị nói với chồng:
- Anh ạ! Bây giờ nhà ta tuy chưa thật giàu có nhưng dẫu sao cũng có bát ăn, bát để. Biết tin các anh ở trên đấy vất vả như thế em không đành lòng được. Ngay ngày mai, anh nói với anh Thành, anh Giang bố trí thời gian kịp thời lên thăm các bác. Theo ý em, giúp người nghèo bây giờ phải bằng hai cách: "Biếu các bác ấy con cá, nhưng quan trọng hơn là phải biếu các bác ấy cái cần câu để có thể câu được nhiều con cá".
Quang phấn chấn hẳn lên, nắm tay vợ nói:
- Đúng là vợ yêu quý của anh, anh cũng đã nghĩ như vậy và hoàn toàn đồng tình với ý kiến của em.
Hương ôm lấy cổ chồng âu yếm, nói:
Thế là em yên tâm rồi, vì không có cô bé nào bắt được vía anh cả. Bây giờ chỉ có cô bé này mời anh đi ngủ, đã hai giờ rưỡi rồi anh ạ.
Giấc ngủ đã đến rất nhanh với Dương Văn Quang vì có hơi ấm quen thuộc của người mà anh yêu dấu.
Thế là đã có đủ ba người của tổ đường dây năm xưa, cộng thêm Dương Đại Hành, trung cấp tải ba cùng nhóm cựu chiến binh của Đại đội 6. Dương Đại Hành bây giờ đã trở thành thầy thuốc chữa bệnh, có thể biết trong lục phủ ngũ tạng đang có bệnh gì. Ô tô cứ chạy, họ chuyện trò râm ran, họ cứ dự đoán các tình huống xảy ra ở nhà anh Cói, chị Tiến và các bà con khác ở trong bản, cách xử lý tình huống với từng trường hợp ra sao để đạt được phương châm giúp người nghèo: "Biếu con cá nhưng quan trọng phải có cái cần câu". Giúp như thế nào để người nghèo tự sức mình là chính, từng bước vươn lên trong cuộc sống mới.
Đoàn đi đã chuẩn bị khá đầy đủ từ gạo, thức ăn và những thứ cần thiết để có thể ăn được hai bữa ở nhà anh Cói và nhà chị Tiến.
Nhà anh Cói đây rồi, mọi người xuống xe, nhìn bề ngoài thôi đã thấy gia cảnh khốn khó lắm rồi. Gặp lại những người lính Cụ Hồ năm xưa, họ vừa mừng, vừa tủi. Anh Cói nói:
- Các bác lên chơi, em rất mừng, nhưng thực lòng em xấu hổ quá. Các bác còn đang tại ngũ, thì em vào bộ đội. Khi trở về con đông, bệnh tật, chất độc màu da cam làm giảm sút sức khỏe, gia đình cố gắng sản xuất nhưng cũng chẳng lên được, cứ chìm đắm mãi trong cảnh nghèo hèn. Bố, mẹ em đã mất cách đây 4-5 năm rồi mà em cũng không có điều kiện thay áo cho các cụ, em thật là đứa con bất hiếu.
Nói đến đây, nước mắt của Cói cứ lã chã rơi xuống. Không khí buổi gặp mặt chợt lắng xuống sâu thẳm, bởi cuộc đời còn lắm gian truân. Dương Văn Quang lên tiếng để phá không khí này:
- Anh Cói này! Anh em chúng tôi lên thăm gia đình anh và bà con trong bản vì biết tin ở trên này còn đang gặp khó khăn lắm. Bây giờ trưa rồi, nói nhiều cũng chẳng có ích gì, cũng đã gần đến bữa ăn, tất cả anh em ta cùng đi làm cơm, ăn cơm sẽ nói chuyện nhiều.
Bữa cơm thân mật làm Cói vui hẳn lên. Quang phác ra một kế hoạch chia làm nhiều bước để giúp gia đình anh Cói khắc phục khó khăn:
- Anh em chúng tôi sẽ giúp anh sửa và lợp lại mái nhà, làm cái bếp để có chỗ mà đun nấu, làm lại cái sân, làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà, vịt. Tốn kém bao nhiêu anh em chúng tôi xin chịu.
Anh Cói nói:
- Ấy chết, các bác sao lại thế.
Để anh Cói bớt ngỡ ngàng, Quang nói vui:
Sau này đời sống anh đã khá lên thì anh sẽ trả lại chúng tôi. Đời anh không trả hết thì đến đời con anh sẽ trả. Anh có đồng ý không nào? Tóm lại là cho anh vay rất dài hạn.
Mọi người cùng cười vui tán thưởng. Quang nói tiếp:
- Sau khi sửa xong nhà, anh em chúng tôi lại lên đây để thay áo cho hai cụ. Bước ba là tổ chức khai hoang, đào ao thả cá, trồng cây, nhất là cây lương thực để có đủ nuôi lợn, gà, vịt. Cây trồng có loại ngắn ngày, có loại dài ngày. Sau khi xong các công việc kể trên, chúng tôi sẽ đưa các con của anh về Hà Nội dạy nghề và tạo việc làm cho các cháu. Hôm nay, anh em chúng tôi lên thăm anh chị, trước mắt biếu anh chị một số quần áo, chăn màn, một cái vô tuyến, một cái đài để nghe tin tức và một cái máy dùng sức mạnh của nước suối để phát ra dòng điện.
Trước tấm lòng của các anh bộ đội tổ dây cũ, anh Cói cảm động quá, nước mắt của anh lại tràn mi.
Mái nhà tranh ọp ẹp của chị Tiến nằm sâu ở một góc bản. Thỉnh thoảng mới có người đến lấy thuốc, có chăng họ chỉ biếu lại một nải chuối hoặc chai rượu là cùng. Chồng chết sớm, con đông, chẳng có cách gì vươn lên được. Quang quyết định mua cho chị 100 m2 đất ở gần đường giao thông, giúp chị chuyển nhà ra đó để tạo điều kiện cho chị hành nghề chữa bệnh. Dương Đại Hành có trách nhiệm chuyển thuốc của chị chuyên chữa bệnh khớp, dạ dày mang về Hà Nội, một phần để Hành chữa bệnh cho người khác, một phần nhờ các cửa hàng thuốc nam khác bán hộ. Cứ thế, mỗi tháng một lần, Dương Đại Hành lại từ Hà Nội lên lấy thuốc của chị Tiến. Mỗi lần như thế, chị Tiến cũng thu được khoảng 500.000 đồng trở lên. Thuốc của chị được quảng bá ở Hà Nội và khắp nơi. Thuốc gia truyền nhà chị Tiến có hiệu nghiệm, khách các nơi kéo về nhà chị Tiến để chữa bệnh và mua thuốc ngày càng đông. Nhà chị Tiến không những ở sát mặt đường giao thông, bây giờ lại ở sát nách thị tứ nên cũng có điều kiện để cho khách qua lại.
Mới có mấy năm thôi, ngôi nhà của chị Tiến hiện nay cao, to, đẹp nhất vùng. Còn gia đình anh Cói đã thực hiện kế hoạch VAC có hiệu quả. Các con có nghề nghiệp, có gia đình riêng yên ấm, có lương tháng gửi về giúp đỡ bố mẹ. Cái nghèo đói trong họ đã đi xa vĩnh viễn, sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Bà con của bảy xã có đường dây thông tin chạy qua họ nói chuyện với nhau: "Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội đường dây nó tốt lắm nớ. Nó không quên tình cũ, nghĩa xưa đâu bà con ạ".


 NGƯỜI CON NUÔI CỦA CỤ

Tết Mậu Thân (1968), cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường miền Nam đã làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng, đánh một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm tăng thêm sức mạnh đấu tranh của nhân dân thế giới và cả nhân dân Mỹ, đòi Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Như con thú bị thương, Mỹ - Ngụy ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở miền Nam và đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân đối với miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương với tiền tuyến lớn.
Bến phà Long Đại là một trọng điểm. Ngày 28 tháng 2 năm 1968, máy bay Mỹ tập trung đánh rất nhiều đợt vào bến phà Long Đại và tuyến dây thông tin, làm đổ và đứt 42 khoảng cột. Tổ dây TF 41 có 4 chiến sĩ, Phạm Văn Khuyên và Vũ Viết Kỳ đi khôi phục thông tin đã hi sinh tại chỗ vì bom nổ chậm và bom bi. Nguyễn Văn Tình không quản ngại hy sinh tiếp tục làm nhiệm vụ khôi phục thông tin. Anh đang ngồi trên cột để nối dây, thông tin vừa thông suốt thì máy bay địch lại đến. Có nhiều tiếng gọi: Anh bộ đội ơi, xuống đi máy bay nó đến đấy. Bom đạn khói bay mù mịt, nhưng Nguyễn Văn Tình vẫn ngồi ở trên cột để làm nốt công đoạn cuối cùng, một quả bom nổ gần sát, Nguyễn Văn Tình đã hi sinh anh dũng.
Trung úy Công Xuân Quy với chiếc xe đạp đã cũ, mang những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Tình về quê hương tại thôn Thị Trung, xã Kinh Bắc, Bắc Ninh. Quy cảm động lắm vì bố mẹ liệt sĩ đã ngoài 60 tuổi, sức yếu, người em trai của Tình là Nguyễn Văn Tính lại đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, em gái út thì còn nhỏ, gia cảnh quá khó khăn về kinh tế. Qua nhiều câu chuyện trao đổi, cuối cùng Quy nói:
- Thưa hai bác, cháu thay mặt cho đơn vị về đây trước hết là chia buồn với gia quyến về sự hi sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Văn Tình. Đảng và Chính phủ đã trao tặng cho anh Tình Huân chương chiến công hạng Ba để ghi nhận lòng dũng cảm và sự hi sinh anh dũng của anh ấy. Anh Tính lại đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nếu hai bác cho phép thì kể từ hôm nay con sẽ là con nuôi của hai bác, để phần nào bù đắp lại sự mất mát lớn lao của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Sẹo và bà Mơ vừa buồn lại vừa vui vì tấm lòng chân thật của Quy. Ông Sẹo bảo con gái đi mời họ hàng, làng xóm đến chơi. Ông thắp hương đứng trước bàn thờ, khấn to, giọng nói như mếu máo vì quá xúc động: "Con lạy liệt tổ, liệt tông, con lạy vong linh ông bà, cha mẹ và linh hồn Nguyễn Văn Tình có khôn thiêng về đây để chứng giám và công nhận anh Công Xuân Quy là con nuôi của gia đình". Lời khấn quá xúc động của ông Sẹo làm cả họ hàng phải lau nước mắt. Những phút xúc động cũng qua đi, ông nhanh chóng giới thiệu từng người trong họ để Quy nhận biết.
Chính ủy Trung đoàn Phạm Ngọc Thăng nghe Công Xuân Quy báo cáo tình hình các gia đình liệt sĩ và việc anh là con nuôi của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Tình, bàn tay phải của ông cứ xoa xoa lên mu bàn tay trái nhiều lần, đấy là biểu hiện những lúc ông xúc cảm hoặc nghe báo cáo những tin tức hệ trọng. Chính ủy nói:
- Nghe đồng chí báo cáo mà lòng tôi thấy xôn xao xúc động, tôi nhớ đến các liệt sĩ đã dũng cảm quên mình vì sự nghiệp, tôi xúc động bởi thời chiến nhiều gia đình chính sách và quân nhân gặp khó khăn quá. Thực lòng tôi cám ơn đồng chí đã làm được một việc tốt để giảm phần nào đó sự đau thương mất mát người thân của gia đình liệt sĩ.
Đêm ấy ông khó ngủ quá, ông trằn trọc suy nghĩ làm thế nào để chăm sóc tốt hơn đến đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ, chiến sĩ làm thế nào để thực hiện không sai sót chính sách hậu phương quân đội...
Hai vai gánh nặng gia đình 6 miệng ăn, có mẹ già và 4 con nhỏ, nhưng người vợ đảm đang của Công Xuân Quy đã thay chồng chu toàn cả. Con cái vẫn được học hành chu đáo, chị vẫn là người công nhân gương mẫu, làm cho Quy yên tâm công tác. Với đồng phụ cấp của người lính thời chiến chẳng được là bao nhiêu nhưng anh đã dành dụm giúp đỡ gia đình và bố mẹ nuôi. Có khi chỉ là vài cân gạo, vài cân mì, mấy gói lương khô gửi về hai quê thế cũng đã làm ấm lòng người hậu phương, bớt nỗi đau của tuổi già xế bóng.
Chiến tranh kết thúc, Nguyễn Văn Tính đã trở về hậu phương. Quy và Tính quyết tâm vào chiến trường để tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Tình. Cán bộ và nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ, cùng đào, tìm kiếm đã 5 ngày nhưng chỉ còn nhìn thấy có những thớ đất màu đen. Ra về mà lòng Quy và Tính buồn rười rượi.
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ vì tình đồng chí, tình đồng đội, tình máu mủ, tình anh em, Quy bàn với Tính quyết tâm đi lần thứ hai theo hướng người mách bảo. Mấy ngày trời đi thăm nghĩa trang của huyện Quảng Minh, Quảng Bình, đọc tên từng mộ liệt sĩ cũng không sao tìm ra phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Tình. Nhưng trong câu chuyện với người quản trang đã lóe ra một tia hy vọng. Ông quản trang chỉ tay về ngôi mộ số 5 vô danh, từ khi chuyển về đây, có một ông tên là Kha, cứ đến ngày rằm, mồng một là lại đến ngôi mộ đó thắp hương, khấn vái.
Gặp nhau tay bắt, mặt mừng, họ được biết ông Kha là chiến sĩ của Đại đội 7 thông tin cùng với Nguyễn Văn Tình. Nguyễn Văn Tình đã được đưa về an giấc ngàn thu nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Gia đình, họ hàng, làng xóm vui mừng và tự hào đón người con của quê hương đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong câu chuyện của các cụ, ai cũng khen người con nuôi Công Xuân Quy đã nặng gánh hai vai, đã vì nghĩa, vì tình, ân sâu, nghĩa nặng với người đã khuất, làm rạng danh thêm bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ.


TRUYỆN CỦA GIA ĐÌNH CHỊ TÔI

Gái hơn hai, trai hơn một; đó là độ chênh về tuổi mà theo ý kiến của các cụ là tốt. Cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đấy, có ai dám cưỡng lại lời cha mẹ đã định đoạt lại còn thêm cái bà mối nữa chứ; thôi thì kể lể nói hay đủ mọi điều, miễn sao đạt được ý định của nhà trai.
Đám cưới của chị tôi lấy anh Nguyễn Đức Liêm, tuy khác làng nhưng cùng một tổng. Chị tôi hơn anh rể tôi hai tuổi, lúc đầu anh chị tôi cũng chê nhau, thời gian ấy cũng chẳng kéo dài khi đứa con trai đầu lòng Nguyễn Đức Chí ra đời. Bố mẹ nào mà chẳng yêu thương nâng đỡ con. Cháu mới được ba tháng là anh chị đã cho con lên nhà ông bà ngoại chơi; anh bế con đi trước, chị tay cầm nón thúng và một ít tã lót theo sau hồ hởi, có lúc lại chạy lên ngang chồng để nhìn mặt con và kéo cái áo của mẹ ấp ủ cho nó, sao cho kín kẻo gió lọt vào.
Ông bà ngoại khen thằng bé trắng trẻo, sao mà giống bố nó thế. Bà ngoại cứ bế cháu mãi, còn ông ngoại vào điện thắp hương khấn vái đức thánh Trần mong người cho gia quyến mạnh khỏe, phù hộ cho các cháu hay ăn chóng lớn. Đã chiều tà rồi, bố tôi giục anh chị tôi cho con về nhà, không được mang trẻ con đi đêm, nhất là phải qua một cánh đồng rộng và vắng có cái bãi tha ma lớn là bãi Tháp và phải đi qua cái miếu nơi đây thờ thần, cây cối um tùm linh thiêng lắm.
Cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất, nước nhà đã được độc lập tự do. Ở đình làng chẳng mấy khi vắng bóng người, các cuộc họp của các đoàn thể thường xuyên được tổ chức ở đây. Những người nông dân chân lấm tay bùn dẫu không có việc gì ở đình làng cũng ra đình để ngắm lá cờ đỏ sao vàng và buổi tối đến nơi đây vào lớp bình dân học vụ. Các cháu thiếu nhi có khi thì học hát thâu đêm suốt sáng.
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Trong cuộc chiến đấu dũng cảm giữ nước, giữ làng, cả anh rể và anh trai tôi đã trở thành liệt sĩ của quê hương.
Chị tôi âm thầm chịu đựng biết bao gian lao vất vả, nuôi dạy các con khôn lớn nên người và động viên các con Nguyễn Đức Chí, Nguyễn Đức Bưởi, Nguyễn Đức Dinh lên đường tiếp bước cha anh diệt giặc Mỹ, đền nợ nước, trả thù nhà. Nguyễn Đức Trí đã hi sinh anh dũng, Nguyễn Đức Bưởi thì bị thương nặng trở về hậu phương nghỉ ngơi an dưỡng.
Một người con gái, một người mẹ từ độ tuổi còn thanh xuân đến lúc về già đã tốn biết bao nước mắt. Chị tôi đã vào tuổi 83, có lúc chị ngồi lặng đi, nhìn không chớp mắt vào tấm Huân chương chiến công hạng Ba mà Nhà nước truy tặng cho người con trai trưởng của chị, liệt sĩ Nguyễn Đức Chí.
Vào một buổi tối mùa đông, chị tôi đi ngủ sớm lắm, đến nửa đêm chị tôi cười vang và gọi: "ông Liêm, cậu San và cả thằng Chí nó về chơi kia kìa". Vợ chồng Nguyễn Đức Bưởi vùng dậy, bật đèn sáng choang và gọi: "Mẹ ơi! Có chuyện gì thế, mẹ nằm mê đấy à?". Chị tôi chẳng nói năng gì, nước mắt chảy giàn giụa. Nguyễn Đức Bưởi thắp hương, đứng trước bàn thờ gọi tên bố, tên cậu, tên anh có khôn thiêng hãy phù hộ cho gia đình mạnh khỏe bình an. Nước mắt của Bưởi cũng rơi lã chã vì thương những người thân đã khuất.
Hình ảnh Nguyễn Đức Chí, người con trưởng còn đậm nét trong lòng chị tôi. Nó giống bố nó lắm, mỗi lần cười là cứ tít mắt lên, tính tình chịu thương, chịu khó. Bố chết sớm, vì thế tuy còn ít tuổi nhưng chị tôi đã động viên con lấy vợ sớm, chẳng bao lâu chị tôi đã có đứa cháu gái nội để bế. Tháng 4 năm 1964, Nguyễn Đức Chí trở thành người chiến sĩ thông tin của Đại đội 5 Trung đoàn 230 thuộc Sư đoàn Phòng không 367. Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Đoàn đã dày công huấn luyện cho các chiến sĩ hiểu biết toàn diện, kể cả các chiến sĩ thông tin cũng sẵn sàng thay thế các pháo thủ của pháo cao xạ 57 mm từ số 1 đến số 6.
Đại đội 5 đóng quân xung quanh bến Phà Đen, Hà Nội. Tám nòng pháo cao xạ 57 mm ngẩng cao đầu sẵn sàng bảo vệ bầu trời Hà Nội, sẵn sàng nhả đạn để bắn rơi máy bay Mỹ. Sự căng thẳng sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ cao xạ ai mà chả biết; nhưng Đại đội 5 vẫn thường xuyên tham gia các buổi hoạt động văn nghệ với nhân dân để tăng cường mối đoàn kết quân với dân một ý chí. Chi đoàn bộ đội kết nghĩa với chi đoàn của Nhà máy Hoa quả. Họ giúp nhau nhiều việc lắm, nhiều lần công nhân tham gia đắp ụ pháo cho vững chắc. Nhớ mãi đêm hát chèo vở: "Hẹn ngày thống nhất", Nguyễn Đức Chí vào vai anh bộ đội đi chiến trường chiến đấu, hẹn hò người con gái là công nhân Nhà máy Hoa quả, hãy đợi hãy chờ ngày gặp mặt khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Tiếng hát chèo của Chí thật là mượt mà, thể hiện tình cảm chân tình với người con gái hậu phương đã gây được ấn tượng đậm đà và lời tán thưởng của lính trẻ và khán giả.
Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng ác liệt, đường xe lửa Hà Nội vào Nam đã bị đánh hỏng đến sát ga Hoàng Mai thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Đại đội 5 được điều vào trọng điểm để bảo vệ cầu và ga Hoàng Mai, bảo vệ đoàn xe lửa đến ga Hoàng Mai thì bốc dỡ hàng để chuyển bằng đường xe goòng. Trận chiến đấu đầu tiên diễn ra ngày 14 tháng 5 năm 1966. Máy bay Mỹ ồ ạt kéo vào đánh phá cầu và ga Hoàng Mai. Chúng thật bất ngờ trước 8 khẩu cao xạ 57 mm của Đại đội 5 đồng loạt nổ súng. Những luồng lửa đạn cao xạ kẻ thẳng nhiều đường vây lấy máy bay giặc Mỹ. Chúng hốt hoảng vọt lên trời cao, trút bom bừa bãi.
Âm mưu của kẻ thù thật là xảo quyệt, chúng luôn luôn thay đổi hướng đánh, cách đánh, kết hợp các độ cao khác nhau. Có tốp đánh vào cầu, có tốp đánh vào ga, có tốp đánh trực tiếp vào các trận địa cao xạ. Khói bom mù mịt, không quản ngại hi sinh, tiểu đội trưởng thông tin Nguyễn Quang Khả, Nguyễn Đức Chí cùng các chiến sĩ kịp thời khôi phục thông tin để giữ vững liên lạc từ Đại đội đến Trung đoàn.
Hai mươi bốn ngày đêm chiến đấu liên tục với máy bay giặc Mỹ, một số chiến sĩ đã bị thương và hi sinh, nhưng cũng thật hởi lòng hởi dạ khi nhìn những chiếc phản lực Mỹ cháy như bó đuốc đâm đầu xuống biển.
Ngày mồng 1 tháng 6 năm 1966, từ 5 giờ sáng đến 10 giờ, từng đàn máy bay chia thành nhiều tốp liên tục đánh phá. Nòng pháo cao xạ đỏ hẳn lên, lá ngụy trang bốc cháy rần rật, trận địa nhiều chỗ bị bom đạn cày xới. Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Đoàn, tiểu đội trưởng thông tin Nguyễn Quang Khả vẫn ở giữa trận địa để chỉ huy bộ đội. Pháo thủ số 4 của khẩu pháo số 6 đã bị thương. Nguyễn Đức Chí được thay thế.
15 máy bay Mỹ lại xuất hiện, chúng chia làm 5 tốp đồng loạt tấn công vào cầu, nhà ga và các trận địa pháo của ta. Khẩu lệnh của Đại đội trưởng vang lên: "Hướng 34, máy bay bay vào, tốc độ 250, bổ nhào 150". Các pháo thủ của các khẩu đội nhanh chóng lấy xong và xác định các phần tử bắn. Tiếng nổ của đạn pháo và bom ầm ầm, từng điểm xạ ngắn 4 viên kết hợp với điểm xạ dài 8 viên của 8 khẩu pháo vang lên, vút lên trời bọc lấy đàn máy bay Mỹ. Tiếng hoan hô cháy rồi, máy bay Mỹ cháy rồi. Như con thú say máu, chúng vẫn lao vào ném bom. Một quả bom nổ gần khẩu cao xạ số 6 làm 3 chiến sĩ và pháo thủ số 4 Nguyễn Đức Chí bị thương nặng. Một tay Chí giữ lấy ruột khỏi bật ra, một tay vẫn lấy phần tử bắn. Khẩu đội số 6 tuy có 4 chiến sĩ bị thương, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu bắn thêm được hai loạt đạn nữa. Nguyễn Đức Chí được đưa về tuyến sau cấp cứu, nhưng đã muộn mất rồi. Chí nói trong tiếng đứt quãng: "Tôi có lời chào vĩnh biệt các đồng chí, nhờ các đồng chí chuyển đến mẹ, vợ con, anh em tôi lời chào vĩnh ...". Và người ta không còn nghe rõ chữ "biệt" nữa. Cả đơn vị thương xót người đảng viên trẻ Nguyễn Đức Chí, căm thù đã trút lên ngọn súng. Giặc Mỹ đã phải trả giá, 4 máy bay Mỹ tan xác.
Chị Tống Thị Nội, công nhân nhà máy hoa quả, người cùng hát vở chèo "Hẹn ngày thống nhất" năm xưa với Chí, nay đã trở thành người vợ thân thương của tiểu đội trưởng thông tin Nguyễn Quang Khả. Và cứ đến ngày mồng 1 tháng 6 hàng năm, anh chị lại về quê tôi để thắp hương lên mộ phần của Nguyễn Đức Chí, anh bạn không quên được một bài thơ dài ca ngợi người bạn, người đồng chí đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Mỗi lần về thăm quê, tôi cũng không quên vào nghĩa trang thắp hương cho anh rể, anh ruột và đứa cháu thân thương của mình. Mỗi lần đến thăm chị, tôi lại ngắm nhìn tấm Huân chương Chiến công hạng Ba được treo trang trọng trên bàn thờ. Tôi thầm cảm ơn anh chị tôi đã sinh ra cho quê hương những người con anh hùng, bất khuất. Cháu tôi đã tiếp bước lớp cha anh, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng đánh giặc giữ nước, giữ làng của quê hương tôi.


 CÔ GÁI ĐẤT NHÃN LỒNG

Thấy có đoàn tuyển quân của bộ đội thông tin về địa phương, Dương Thị Phả hối hả chạy về nhà gọi mẹ:
- Mẹ ơi! Mẹ cho con đi bộ đội nhé. Trong làng ta cái Lan, cái Huệ chúng nó cũng đi cả đấy mẹ ạ.
Mẹ của Phả hơi ngần ngại vì thấy con gái năm nay mới chớm vào tuổi 17, vừa thương, vừa ngại con gái của mẹ chưa thật khôn lớn.
Mẹ nói:
- Hay là con ở nhà với mẹ, chị con cũng đang ở bộ đội rồi. Phả ôm lấy tay mẹ nũng nịu:
- Con không ở nhà đâu, con lớn rồi mà.
Được mẹ đồng ý, Phả chạy vút ra đường đi báo tin cho bạn bè.
Bữa cơm liên hoan để tiễn con gái lên đường đi đánh Mỹ sao mà vui vẻ quá. Riêng mẹ của Phả thì cứ ngắm nhìn con gái không khỏi mắt, hình như bà cố thu lấy hình ảnh của cô con gái trong tâm trí của bà. Đứa con gái mà bà yêu quý lắm. Nó dịu dàng nết na, khuôn mặt sáng như đêm trăng rằm.
Các cô bộ đội tân binh về đơn vị, cái gì cũng thấy ngỡ ngàng. Những ngày đầu, cô nào cũng dành hết thời gian để sửa lại những bộ quần áo mới được phát, thêm những đường chiết ly mới để làm bật thêm vẻ đẹp của người con gái.
Một tháng tập luyện tân binh đã trôi qua, lần đầu tiên Phả được bắn đạn thật, hồi hộp quá đi thôi, nhưng mà may làm sao hai vòng mười nhá; còn viên thứ ba không hiểu sao bay đi đâu mất. Mấy anh lính trẻ cùng lớp người Hà Nội, trong đó có Khúc Hồng Phi cứ đùa giỡn.
Một cậu láu lỉnh nói:
- Viên này nó bay lên rừng tìm khỉ rồi mày ạ. Mà biết đâu nó bay vòng vèo xung quanh Hà Nội và biết đâu đấy nó lại trúng vào Khúc Hồng Phi thì không những không chết mà còn mừng nữa là khác.
- Tớ cũng chỉ mong thế thôi.
Tiếng cười của đám con trai cứ râm ran, còn cánh con gái chẳng hiểu họ nói gì với nhau nhưng có lúc cứ đấm nhau thùm thụp, có lẽ họ cũng đang gán ghép cho nhau thì phải.
Sau khi học tập những điều cần thiết bước đầu để trở thành người chiến sĩ, bây giờ là những tháng học tập chuyên môn nghiệp vụ không kém phần gian khổ.
Nào là máy tải ba từ một đường đến 12 đường. Nào là tổng đài từ 10 số đến 200 số và biết bao nhiêu thứ khác nữa chứ. Thôi thì nó nhằng nhịt quấn quít lấy nhau như những chùm nhãn ở quê của Phả. Ăn nhãn vị ngọt cứ dư âm mãi, còn những thứ thầy giáo vừa dạy nhớ được quả là khó khăn. Nhớ đến không khí rạo rực lúc tòng quân và lời hứa với mẹ, Phả luôn chăm học, chăm nghiên cứu, chỗ nào không hiểu lại hỏi thầy giáo, hỏi bạn nên nhiều môn học được xếp vào loại khá và giỏi. Phả được về công tác tại Trạm thông tin A10 - một trạm có dung lượng thông tin lớn ở Hà Nội; còn Khúc Hồng Phi thì về bảo vệ tuyến dây trần thuộc Đại đội 7 tại đất Quảng Bình. Hai ngày được nghỉ ngơi để rồi mỗi người đi nhận nhiệm vụ ở những nơi khác nhau. Từng đôi trai gái rủ nhau đi chơi trên những quả đồi trọc. Gió lộng làm bay tung mái tóc thề của các cô gái về phía sau. Khúc Hồng Phi ngắt một bông hoa màu tím huế và nói:
- Anh tặng Phả bông hoa này. Mỗi lần nhớ đến hoa là em lại nhớ đến những ngày cùng sống ở lớp học.
Phả cười, nhìn Hồng Phi rất ý nhị. Hồng Phi nói tiếp:
-   Anh mong có một ngày nào đó sẽ được trở về thăm quê đất nhãn của em. Anh mong anh sẽ là con ong có một ngày nào đó được trở về làm tổ và hưởng hương thơm của mùi hoa nhãn.
Phả chỉ cười thôi và thầm nghĩ: Anh chàng này lém lỉnh đấy chứ. Nhưng mà... trông cũng khá đẹp trai đấy chứ. Đột nhiên Phả nhớ đến lời dặn của mẹ vào buổi tối trước khi lên đường nhập ngũ được ngủ với mẹ. Phả cảm thấy như mình còn bé lắm. Phả ôm lấy mẹ mà cảm thấy mùi thơm của sữa mẹ còn thoang thoảng ở đâu đây. Phả nhớ nhất lời mẹ dặn: Con là con gái, đi xa mẹ, con phải biết giữ mình. Cũng vì thế mà cả buổi đi chơi đến lúc chia tay, Hồng Phi chỉ nhận được mỗi một câu chúc: Chúc anh ngày mai lên đường mạnh khỏe.
Núi Tam Đảo, Ba Vì, Tản Viên đã chuyển dần sang màu sẫm đen. Nhiều con chim đang hối hả bay về tổ; những đôi trai gái cũng lần lượt trở về doanh trại, nhưng đâu đó vẫn còn vang vọng tiếng cười nói xôn xao.
Những ngày đầu vào trực bảo đảm thông tin liên lạc, hàng chục lá báo đổ xin liên lạc. Phả luống cuống, mồ hôi vã ra, cuống quýt, có lúc tay như thừa. Chị Nghiêm trạm trưởng, thấu hiểu tâm trạng của chiến sĩ mới, chị nhẹ nhàng nhắc Phả bình tĩnh nghe cho rõ xem đối tượng xin liên lạc với ai, vội vàng sẽ dẫn đến nhầm lẫn. Có chị Nghiêm ở bên cạnh, Phả thấy yên tâm hơn. Thời gian trôi đi Phả quen dần, mỗi lần hết một ca trực mà không thấy sai sót Phả thấy vui hẳn lên.
Phả quý chị Nghiêm lắm, đêm ấy Phả được ngủ chung với chị. Phả tâm sự:
Chị Nghiêm ạ! Chị gái em cùng bằng tuổi chị đấy, chị em đang là bác sĩ công tác ở Viện quân y 108. Chị ấy thương em lắm.
Trong lúc tâm sự, chị Nghiêm muốn thăm dò ý kiến của Phả, chị nói:
- Trạm của ta sắp tới phải cử một số đồng chí vào phục vụ ở chiến trường để đảm bảo thông tin cho chiến đấu.
Không để cho chị Nghiêm nói hết. Phả ôm lấy chị Nghiêm:
- Chị ơi, chị cho em đi nhá.
Nghiêm nói:
- Đi vào trong đấy, ngoài bom đạn, đã gọi là chiến trường thì khó khăn gian khổ lắm đấy em ạ.
- Không sao đâu chị ạ, em thích lắm.
Chị Nghiêm vuốt tóc Phả, âu yếm nói:
- Nếu em thích thì chị bằng lòng để em đi, nhưng mà phải làm tốt mọi việc, đừng để cấp trên chê trách đơn vị của ta đấy nhé.
Chẳng mấy lúc hai chị em đã chìm sâu vào giấc ngủ.
Trạm thông tin A72 đây rồi. Bây giờ Phả mới cảm nhận thấy hết thế nào là rừng sâu, núi cao và thế nào là suối reo, chim kêu vượn hót. Có lúc Phả nghĩ, nếu mình cứ ở quê nhà thì làm sao biết được những thứ như thế này. Phả cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Ở tiền tuyến hay ở hậu phương, cô gái Dương Thị Phả đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Vinh dự lớn lao mà Phả mong ước đã đến, cô đã trở thành người đảng viên Cộng sản Hồ Chí Minh, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huy hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phả lại xung phong và được cấp trên chấp nhận cho vào phục vụ bảo đảm thông tin cho chiến dịch Trị Thiên 1972. Phả không quên báo tin vui này cho Phi.
Khi xa Phả, Khúc Hồng Phi nhớ da diết nên đã có bài thơ tựa đề: Nhớ ai?
Em yêu, xa quá đi thôi
Em ở đâu rồi, chẳng thấy em mô?
Nếu em là cá dưới hồ
Anh quyết lặn mò bắt được em lên.
Trong chiến tranh, ác liệt là như thế, nhưng tình yêu lứa đôi vẫn nở rộ, nó làm cho các chàng trai, cô gái vui hẳn lên, khỏe hẳn ra, hăng hái hơn lên và chắc chắn rằng không bao giờ vì tình yêu mà quên nhiệm vụ.
Vượt qua chặng đường dài, với nhiều đợt đánh phá của máy bay địch, cô đã vào đến trạm thông tin KC 100b, nơi đây cách thành phố Huế cổ kính cũng chẳng còn bao xa nữa. Phả tâm sự với bạn: Được đi phục vụ cho chiến dịch, làm cho con người mình lúc nào cũng như bay bổng. Bom đạn thì ai mà chẳng sợ, nhưng mà được đi phục vụ cho chiến đấu như thế này nó sẽ thành một kỷ niệm trong đời mà có phải ai cũng có được đâu.
Là một trạm thông tin đầu cuối trực tiếp liên lạc với các đơn vị tham gia chiến dịch nên dung lượng thông tin rất lớn. Có tới 140 cửa tổng đài để phục vụ cho 120 máy điện thoại, thường xuyên làm việc 60 máy thuộc loại ưu tiên số 1.
Vinh dự lớn lao cho Dương Thị Phả là cô được lựa chọn trực ca để phục vụ giờ phát lệnh nổ súng của toàn bộ mặt trận. Đúng 11 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1972, thông tin thông suốt. Phả sung sướng vì là người trực tiếp cầm cái phích cắm vào tổng đài để Tư lệnh chiến dịch ra lệnh "Bão táp" (nổ súng), tín hiệu thông tin đã nhanh chóng chuyển đến toàn bộ mặt trận. Tất cả các cỡ pháo binh bay vút trút xuống đầu thù. Ôi, sung sướng quá, mồ hôi của Phả toát ra chảy ròng ròng. Hàng trăm lá báo của tổng đài đổ kêu xè xè xin liên lạc. Phả cùng đồng đội tay thoăn thoắt cắm hết phích này đến phích khác.
"Đại dương" đây, "Đại dương" báo cáo: Pháo binh đã bắn cháy khá nhiều xe tăng của địch ở Cửa Việt, kẻ địch đang hoang mang. Xe tăng và bộ binh của ta đang ám sát Cửa Việt. Các đơn vị đánh Dốc Miếu, Cồn Tiên và đánh cả các cao điểm 544, 241, 597, và 365 lần lượt báo cáo đơn vị đã nổ súng và tiến quân đánh địch. Cứ liên tục như thế suốt cả một ca làm việc, thần kinh căng như dây đàn, tối tăm mặt mũi lại. Con mắt của Phả và đồng đội không có đến nửa giây được nghỉ ngơi; hàng vạn lần cho liên lạc mà không một lần sai sót.
Phả nhớ mãi những giờ phút hệ trọng phải vượt qua bãi bom để cùng đồng đội khôi phục thông tin liên lạc, đi gùi xăng, gạo và các khí tài phục vụ cho thông tin liên lạc để đánh thắng quân thù. Sau chiến dịch, trên ngực áo của cô gái đất nhãn lấp lánh tấm Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Phả luôn luôn mang trên người.
Đã mấy chục năm rồi, sắp đến ngày kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam, bà Dương Thị Phả lấy Huy hiệu của Bác Hồ và tấm Huân chương Chiến công hạng Ba ra để ngắm nhìn, ngẩn ngơ nhớ lại cái thời xuân sắc của mình. Còn ông Khúc Hồng Phi thì vui lắm, vốn là cây văn nghệ cũ của Trung đoàn, ông lại ngâm nga bài thơ "Nhớ ai", khi ông ngâm đến câu: "Nếu em là cá dưới hồ" thì bà Phả cười sặc sụa và kêu lên: "Thôi, ông ơi đủ rồi đấy". Nhưng nào ông có thôi cho đâu, ông lại hát bài dân ca Hà Nam, bà Phả lại lên tiếng: "Ông có thôi không nào. Con dâu, cháu nội nó nghe thấy thì nó cười cho đấy".
Người con gái đất nhãn mang cả tuổi thanh xuân, tình yêu quê hương và Tổ quốc vào chiến trận với lòng dũng cảm kiên cường và sức dẻo dai đến kỳ lạ. Bà Phả thầm cảm ơn mẹ đã sinh ra 5 người con thì có 4 anh, chị em là những người lính Cụ Hồ mà trong đó có 3 chị em gái của Phả. Bà nhìn chồng trìu mến, thương ông vì chiến trận mà già đi khá nhiều, nhưng những nét điển trai khi trước và bông hoa mua vẫn còn ghi dấu trong lòng bà.


MẸ ƠI! TẠI SAO ĐẶT TÊN CON LÀ "MUỐI"?

Thanh Bình, đứa con trai đầu lòng của Kim Dung đã đến tuổi trưởng thành. Bữa cơm tối đã dọn ra, cả nhà đều bưng bát ăn cơm, riêng Thanh Bình cứ nhìn chăm chú vào bức ảnh của bố mẹ chụp chung thời còn rất trẻ và đột nhiên Bình hỏi:
- Mẹ ơi! Sao một số bạn của mẹ cứ gọi tên con là thằng "Muối"?
Câu hỏi rất tự nhiên của Bình làm cả nhà bật cười. Kim Dung nói:
- Tên trong giấy khai sinh của con là Nguyễn Thanh Bình, còn cái tên "Muối" thì đấy là một kỷ niệm không thể nào quên được trong thời kỳ bộ đội của cả bố và mẹ. Thôi ăn cơm đi, lúc nào có điều kiện mẹ nói cho mà nghe.
Đêm ấy Kim Dung thao thức mãi không thể nào ngủ được. Đã mấy chục năm rồi mà như nó mới xảy ra ngày hôm qua...
Văng vẳng bên tai tiếng tàu hỏa hú vang, nó đang tăng tốc tiến về phía Nam. Lúc đó Kim Dung mới nhớ đến mẹ, có lẽ giờ này mẹ đang khóc hết nước mắt vì lo cho con gái mới chớm bước vào tuổi trưởng thành, rồi đây phải đối mặt với biết bao gian khó, khắc nghiệt và bom đạn ở chiến trường. Nước mắt của Dung cũng chảy ướt cả đôi hàng mi. Lúc này đây Dung nhớ mẹ, nhớ gia đình, ruột gan cứ cồn cào, nhớ con thuyền hàng ngày vẫn đưa cô từ nhà đến trường học, nhớ gốc đa xum xuê và hàng cây nhãn, nhớ cái giếng nước mà hàng ngày Dung vẫn hay ra đó gánh nước về ăn. Dù người ta có nói đùa quê của Dung là đất "cầu tõm" thì nó vẫn là quê cha, đất tổ, nó thân thương biết nhường nào. Tàu đã chạy qua ga Đò Lèn, Hàm Rồng, Nghệ An và nó đã dừng chân ở Nông trường Đông Hiếu để làm đường.
Khắc khổ, gian lao ngay từ những ngày đầu đã đè nặng lên hai vai của cô gái đồng quê mới mười sáu tuổi đời. Sự sống và cái chết luôn ở sát bên nhau, có lần cô bị sức ép của bom tưởng chừng không sống nổi. Nhưng Tổ quốc đã kêu gọi, hãy dũng cảm tiến lên, theo nhịp bước của đoàn thanh niên xung phong tiến sâu vào đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến tranh đã cướp đi bao nhiêu con người vô tội, nhưng qua thử lửa của chiến tranh đã xuất hiện hàng triệu con người gang thép biết lấy thô sơ thắng hiện đại, lấy chính nghĩa thắng hung tàn.
Kim Dung được giao nhiều nhiệm vụ, là chiến sĩ chỉ đường giao thông, đứng ngay trên bãi bom quân thù mới trút xuống còn khét lẹt mùi thuốc súng, là chiến sĩ giao liên dẫn đầu hàng sư đoàn quân từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, có lúc lại là chiến sĩ thông tin liên lạc giữ vững mạch máu cho chỉ huy chiến đấu. Cô hay hát và hát cũng khá hay để "lấy tiếng hát át tiếng bom". Bên bờ sông Na Tông biên giới Việt - Lào, người ta nghe thấy một tràng tiểu liên nổ rất đanh báo hiệu Kim Dung đã hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Có thể nói không có thứ văn chương nào có thể mô tả tỷ mỉ và nói cho hết những ác liệt của các trọng điểm như: Cua chữ A, Tà Khống, v.v... khiến các chiến sĩ của ta đã phải thốt lên câu ca dao:
Lấy chồng thì lấy chồng đi
Anh đi Tà Khống biết khi nào về.
Tiếng người con gái trong chiến tranh, nhất là ở khu vực chiến trường sao mà có sức cuốn hút đến như vậy. Đi qua trọng điểm, cái sống và cái chết chỉ là gang tấc nhưng cũng không ngăn được tiếng vui đùa của anh lính trẻ với những người bạn gái ở nơi đây. Thật là vinh dự biết bao, Kim Dung được chuyển từ thanh niên xung phong trở thành người chiến sĩ. Cô ngắm nghía đến không mỏi mắt bộ quân phục mới, chiếc mũ tai bèo. Bức thư gửi mẹ cô viết đêm nay thật ngắn nhưng vui làm sao: "Mẹ yêu quý của con! Con gái của mẹ vẫn khỏe mạnh và con của mẹ đã trở thành chiến sĩ. Con của mẹ đã thành ca sĩ, con đi hát khắp nơi để làm mạnh thêm bước chân của người chiến sĩ đi nhanh hơn vào chiến trường để tiêu diệt quân thù". Dung không bao giờ nhắc đến những gian lao, hiểm nguy vì sợ mẹ phải lo âu.
Ở Hội nghị chiến sĩ thi đua, người chiến sỹ thi đua của quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn Lào đã được nghe người con gái đồng chiêm hát một điệu dân ca Hà Nam. Nghe tiếng hát dân ca của quê hương mà lòng anh xao xuyến đến thế.
- Chào cô ca sĩ, quê em ở đâu? Em vào chiến trường đã được bao lâu rồi?
- Cám ơn anh đã hỏi thăm. Em là Kim Dung, quê ở huyện Duy Tiên, em vào phục vụ chiến trường đã được sáu năm rồi.
- Thế còn anh?
- Anh là Nguyễn Trần Côn cũng sinh ra ở đất Duy Tiên, anh là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở đất bạn Lào cũng được sáu năm rồi đó.
- Ôi mừng quá, không ngờ em lại gặp được đồng hương ở đây. Em đề nghị thế này nhé, tối nay không phải họp, anh em mình gặp nhau nói chuyện quê hương có được không nào?
- Anh nhất trí. Em chọn địa điểm đi.
Kim Dung chỉ tay về phía gốc cây to và nói:
- Nơi đó thoáng mát lắm, lại nhìn thấy dòng sông Na Tông nước chảy hiền hòa, phong cảnh cũng hữu tình, có phải không anh?
Nguyễn Trần Côn bằng lòng và khen Kim Dung có con mắt nghệ thuật.
Hai tiếng "quê hương" sao nó gắn bó và thân thương đến thế. Cuộc nói chuyện về quê hương trở thành cuộc tìm hiểu của đôi trai gái, họ đã hiểu nhau khá cặn kẽ về quá khứ, hiện tại và đặc biệt là hai mảnh đời còn rất trong trắng. Cùng một quê hương, cùng ở chiến trường, cùng một ước ao hạnh phúc của tuổi trẻ. Hai tiếng "yêu thương" đến với họ rất nhanh. Có vội vã quá không? Không đâu, người lính trả lời như vậy. Trong chiến tranh không cho phép người ta nói dối. Người lính về phép một tuần đã cưới xong vợ. Hạnh phúc rất đam mê, nó mang theo ra cả trận tuyến. Mối tình giữa hậu phương và tiền tuyến lại có thêm một sợi dây ràng buộc khăng khít hơn, bền chặt hơn. Dẫu rằng chiến tranh có bắt họ phải phân ly, nhưng sự nhớ thương, hạnh phúc vẫn trọn vẹn 365 ngày một năm, năm nào cũng vẫn còn y nguyên như mới.
Đêm đến, càng về khuya Kim Dung càng nhớ Trần Côn da diết. Tối nào cũng vậy, con chim "bắt cô trói cột", có người còn gọi là "Bốn cô một cột", cứ kêu như thế cho đến sáng nó gặp nhau thì thôi. Chuyện về con chim như vậy cũng làm cho Kim Dung hy vọng có ngày Dung sẽ lại gặp được Trần Côn vẫn khỏe mạnh trở về.
Hai mốt, hai hai tuổi đầu, lo cho mình cũng chưa chắc đã xong mà nay phải lo cho cả một trung đội toàn chị em phụ nữ, có chị đã vào tuổi quá lứa lỡ thì. Thế mà đâu cũng vào đấy chu toàn. "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Câu nói đấy hoàn toàn đúng và chính xác với người phụ nữ Việt Nam. Họ hoàn toàn không biết lo sợ và tiếc xương máu để xông vào lửa đạn cứu người, cứu hàng, đứng trên bom nổ chậm để chỉ huy giao thông và khắc phục biết bao khó khăn với người con gái lúc ở chiến trường.
Ban đêm là thế giới của người đàn bà. Có những trận cười rúc rích, cấu chí lẫn nhau kêu oai oái để diễn tả mối tình mới nảy sinh còn thơm lựng và nóng bỏng mà người ta có cảm tưởng sắp đốt cháy cả khu rừng. Nhưng cũng không thiếu tiếng thở dài não nuột của cô gái lớn tuổi mà chưa có bạn đời và nỗi nhớ nhà khiến họ cứ ôm lấy nhau mà khóc thút thít. Có những mái tóc mây xưa kia đẹp làm sao, giờ đây nó xơ xác, lụi tàn qua bao lần sốt rét. Thật vui biết bao khi có tiếng của người đàn ông ở khu vực người con gái, không khí náo động hẳn lên. Và ngược lại, có tiếng cười của người con gái trong hàng ngũ hành quân của người lính, cả hàng quân cũng chuyển động theo hình sin như sóng vỗ bờ. Và cũng không hiếm ở chiến trường có những cô gái mở ca bin lên ngồi tâm tình, có lúc như ôm lấy anh lái xe để có chút dư âm khác giới. Có gì là lạ đâu, bởi lẽ họ là đàn bà trong chiến tranh, họ cũng có quyền được sống và được hưởng hạnh phúc như những con người khác. Họ có quyền có những đứa con là ước ao cháy bỏng của người phụ nữ.
Đêm này qua đêm khác, Kim Dung cứ sống trong mộng như thế, cứ đợi, cứ chờ. Có nhiều lúc cô tự hỏi mình: Chiến tranh còn bao lâu nữa nhỉ? Chẳng có ai có thể giải đáp cho cô được cả. Theo dòng thời gian nó cứ trôi đi như dòng sông Na Tông cứ chảy theo nhịp điệu của nó, nhưng biết đâu có lúc nước sẽ nổi sóng. Kim Dung giật thót mình, hai bàn tay ôm lấy mặt. Tim đập thình thịch tưởng nó sắp nhảy tót ra khỏi lồng ngực. Lạy trời điều đó sẽ không xảy ra với anh Nguyễn Trần Côn.
Lễ thành hôn của Kim Dung với Nguyễn Trần Côn được tổ chức ngay tại chiến trường. Đơn giản nhưng đông vui quá. Vui vì hạnh phúc của bạn, nhưng đây đó không giấu được vẻ mặt ưu tư của bao người con gái khác. Lễ thành hôn chưa xong, Trần Côn đã phải nhận nhiệm vụ đặc biệt đột xuất. Lại một đêm thức trắng tốn biết bao nước mắt, nước mắt của ngày gặp mặt và nước mắt của buổi chia ly quá bất ngờ này. Bên dòng sông Na Tông người ta vẫn thường bắt gặp người con gái Việt Nam thẫn thờ ngồi nghe dòng suối reo và những âm vang hỗn độn của núi rừng. Dung mong được như đôi chim "bắt cô trói cột", nó sẽ gặp lại nhau ở buổi bình minh.
Kim Dung được điều ra miền Bắc để an dưỡng và điều trị, Nguyễn Trần Côn được phép tiễn vợ một ngày đường. Cuộc hội ngộ bất ngờ có bao niềm vui khó tả. Không có chăn bông, đệm mút, chỉ có cái nhà kho đựng muối ở ven biển để dừng chân nghỉ tạm đêm nay. Đêm tân hôn ngát hương của tuần trăng mật quyện lẫn với tiếng gió của phi lao, tiếng sóng biển rì rào làm quên đi bao cảnh gian lao ác liệt. Bây giờ chỉ còn lại quyền hạnh phúc của con người mà người đời phải đấu tranh để giữ lấy. Trần Côn thơm lên mái tóc của Kim Dung còn bám bụi đường mà vẫn cảm thấy như có hương thơm mùi bồ kết. Mùa xuân cũng còn lâu mới đến, thế mà nơi đây đã nảy lộc, đâm chồi.
Còn vui mừng nào hơn là được quyền làm mẹ, Nguyễn Thanh Bình, đứa con trai bé bỏng của họ đã chào đời. Ôm chặt con vào lòng mà càng thương nhớ Trần Côn, anh đi chiến đấu ở đất nước Triệu Voi, giúp những người anh em cùng giải phóng dân tộc. Chiến tranh khó khăn lắm, làm sao mà báo cho anh tin vui, anh đã được làm cha.
Rồi Kim Dung bặt tin anh, cô không còn hy vọng gì nữa, nước mắt cũng không còn để mà khóc bởi Trần Côn không còn ở trên cõi đời này.
Năm tháng cứ trôi đi, Hội nghị Pari thắng lợi. Tin vui Trần Côn vẫn còn sống được trao đổi tù binh ở biên giới Việt - Lào. Anh đã từ cõi chết trở về với mẹ con Thanh Bình. Mảnh đất biên giới Việt - Lào đã chứng kiến biết bao giọt nước mắt vì quá sung sướng khi gặp lại người thân, gặp lại những chiến sĩ chiến thắng trở về.
Thanh Bình đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, Thanh Lan ra đời sau nhưng cũng đã tốt nghiệp Trường Đại học tổng hợp, Khoa Pháp văn. Bữa cơm đêm giao thừa sao mà vui đến thế, có thêm cả cô con dâu và chàng rể tương lai. Kim Dung đã nói cho các con nghe những kỷ niệm sâu sắc của đời người chiến sĩ của cả bố và mẹ. Qua các câu chuyện kể, Thanh Bình đã hiểu ra rằng vì sao các bạn của mẹ mỗi lần gặp anh lại hỏi: Đây có phải thằng "Muối" không? Thanh Lan chăm chú nghe mẹ kể chuyện, nó rất mới và lạ với lớp người chưa qua chiến tranh, nhưng nó lại là những kỷ niệm không thể nào quên với những người đã một thời lửa đạn. Họ một lòng, một dạ hi sinh tất cả, chiến đấu để giành lấy độc lập tự do cho đất nước. Thanh Lan xúc động và cô đã nói với người yêu một câu bằng tiếng Pháp: "La Patrie et Lamour", có nghĩa là "tổ quốc và tình yêu". Giờ giao thừa đã đến, pháo hoa đang nổ sáng cả bầu trời Hà Nội. Đất nước đã sang xuân.


 VỢ CHỒNG NGƯỜI BÁN THAN

Hàng ngày cứ vào giờ trưa hoặc buổi tối, đường đã vắng thì mới thấy vợ chồng người bán than đẩy xe than đem đến cho cửa hàng chúng tôi và bà con ở các ngõ phố. Than thì có đủ các loại theo yêu cầu của khách hàng: Than tổ ong, tổ ong ngắn, than đá, than don.
Chân người vợ hình như có tật nên đi lại tập tễnh, không bình thường và khó nhọc. Chị thường xếp than vào hai cái túi để chồng nhanh nhẹn chuyển vào các ngõ, ngách. Vào những ngày chủ nhật, ngày lễ, chị vợ vắng mặt thì lại xuất hiện một cô gái trẻ cùng đi bán than với người chồng, tôi nghĩ đấy cũng có thể là con gái và cũng có thể là người cùng chung nghề bán than. Làm nghề này thì khổ lắm, bụi bặm, quần áo, mặt mũi nhem nhuốc, đôi giày ba ta của họ đi ở chân lúc nào cũng đen như củ súng.
Chị đem than đến bán cho cửa hàng tôi nhiều lần, nên tôi cũng biết tên của chị là Thái Vân. Vợ chồng Thái Vân vẫn thường xuyên đến ăn cơm ở cửa hàng của tôi, mỗi bữa mỗi người chỉ một đĩa cơm 3-4 nghìn đồng. Chủ yếu là lấy nhiều cơm để ăn cho no, còn thức ăn chỉ là một ít rau, đậu, lạc để đưa đẩy cho xong bữa.
Có một buổi tối, vợ chồng người bán than cùng cô gái trẻ xuất hiện trước cửa hàng ăn. Họ ăn mặc gọn gàng, nền nếp, anh chồng còn đi cả giày đen nữa, chị vợ cũng đi đôi dép tươm tất hơn, còn cô gái trẻ mặc cũng giản dị như nhiều thanh niên Hà Nội khác. Chị Thái Vân nói:
Bác ơi! Bác bán cho em một con cua biển, hai lạng tôm sú, một cân ngao và nửa cân sò huyết.
Tôi đang ngạc nhiên về sự đột ngột này, thì cô gái trẻ bám lấy tay chị Thái Vân khẩn khoản:
- Mẹ ơi mẹ! Con không ăn những thứ này đâu. Cô gái nói tiếp: Thôi mẹ ạ, cứ ăn cơm như bình thường thôi, nếu cần chỉ thêm đĩa xào thôi là đủ.
Chị Thái Vân nhìn con âu yếm nói:
- Bố mẹ muốn chiêu đãi con một bữa nhân ngày vui hôm nay. Nhưng thôi, ý con đã vậy thì bố mẹ cũng chiều lòng con.
Tôi thấy có chuyện gì lạ đây nên cũng lân la đến nói chuyện với vợ chồng Thái Vân và cháu gái. Tôi nói:
- Anh chị đã đến đây nhiều lần nhưng tôi bận làm ăn nên không có dịp tâm sự. Ngừng một lát tôi nói tiếp: Thế hôm nay có niềm vui gì, có thể chia sẻ cho tôi biết được không?
Người chồng cất tiếng:
- Dạ thưa bác, đúng là hôm nay mới có thời gian để nói chuyện với bác. Vâng, em tự giới thiệu, tên em là Thái, còn vợ em là Vân nên cứ gọi là Thái Vân để luôn luôn có chồng, có vợ ở bên nhau đấy bác ạ.
Mọi người cùng cười vui, anh Thái nói tiếp:
- Còn đây là con gái rượu của chúng em, cháu là Trần Thái Thị Vân Vi.
Nghe anh Thái nói mà tôi đã cảm nhận thấy một gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Tôi ngẫm nghĩ: Bố, mẹ tên Thái-Vân, rồi lại đặt tên cho con là Trần Thái Thị Vân Vi. Đúng rồi, nó bao trùm cả họ, tên cha, mẹ. Nó đã trở thành một khối thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, một thứ tình cảm thiêng liêng của cái tổ ấm gốc rễ Việt Nam có hàng nghìn năm văn hiến.
Tôi cắt ngang câu chuyện và hỏi anh Thái:
Thế anh chị quê ở đâu? Trước đây làm công tác gì mà bây giờ đi làm than vất vả thế này?
Anh Thái đáp:
Thưa bác, hai vợ chồng em là bộ đội, chúng em đều được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Em và vợ em là quân nhân thuộc Quân đoàn 3. Em là lính thông tin vô tuyến điện 2 W tham gia nhiều trận đánh, luôn luôn bám sát bộ binh nhưng rất may là chưa lần nào bị thương, còn vợ em là y tá của Quân đoàn đã bị thương vào chân trong chiến đấu.
Anh Thái nói tiếp:
- Lao động vất vả, em thương vợ em lắm. Vợ chồng em vẫn động viên nhau cố gắng lao động dành dụm để có đủ tiền nuôi các con ăn học sau này trở thành người có ích cho xã hội. Chúng em lập gia đình với nhau từ sau khi Sài Gòn được giải phóng. Cấp trên cho cả hai chúng em xuất ngũ về địa phương, ngồi trên xe của Quân đoàn để ra Hà Nội, chúng em nói chuyện với nhau, thế mới biết là cùng đồng hương một huyện. Chúng em ở huyện Giao Thủy, Nam Định đấy bác ạ. Tình cảm quê hương, tình cảm người lính nó cứ dần dần thúc bách kéo chúng em lại với nhau, thế nên mới có con bé Thái Thị Vân Vi hôm nay đây.
Mọi người lại cùng cười vui. Anh Thái nói tiếp:
- Hôm nay là ngày vui của hai vợ chồng em và cháu Vi. Hôm nay là ngày sinh nhật của cháu Vi và cũng là ngày cháu bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp Đại học Bách Khoa thuộc loại xuất sắc đấy bác ạ.
Tôi gật đầu tán thưởng và nói:
- Tôi chúc mừng hai anh chị, bác chúc mừng thành quả học tập của cháu. Các bác già rồi, bây giờ chỉ còn chờ mong các cháu tiếp bước vững vàng, xứng đáng trên con đường mà các bác đã đi.
Vui chuyện, anh Thái hỏi tôi:
- Thế trước đây bác công tác ở đâu ạ? Em có cảm nhận bác cũng là lính như chúng em, chỉ có khác bác là lính già, còn em là lính trẻ, có đúng không bác?
Tôi cười và nói:
- Anh tinh thật đấy, đúng tôi trước đây cũng là lính của Cụ Hồ và rất mừng tôi và anh cùng là lính của Binh chủng Thông tin liên lạc, tôi làm việc ở cơ quan của Binh chủng.
Tôi nói tiếp:
- Nhớ lại ngày ấy, từ trận mở màn đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, qua các phương tiện thông tin, nhân dân ta hồ hởi theo dõi từng bước đi, từng chiến công của quân và dân ngoài tiền tuyến, lúc ấy khí thế cách mạng tiến công của cả nước như thác vỡ bờ.
Anh Thái nâng ly rượu nói:
- Nhân ngày vui của chúng em và cháu Vi, lại cùng là người lính thông tin với nhau, xin mời bác cạn ly để mừng cho chúng em, mừng cho cháu và mừng cho sức khỏe của bác.
Hai mẹ con Thái Vân ngồi nghe chúng tôi nói chuyện, thỉnh thoảng lại cười hưởng ứng. Bây giờ đã đến lúc Vân Vi lên tiếng, cô nói:
- Thưa bác, ban nãy chắc bác không bằng lòng về việc cháu từ chối không ăn các thứ hải sản mà mẹ cháu đã gọi phải không bác?
Tôi trả lời:
- Không phải thế đâu cháu ạ. Cửa hàng của bác luôn luôn làm mọi việc để "vui lòng khách đến và vừa lòng khách đi". Hàng ngày bố mẹ cháu vẫn đến đây ăn cơm bình dân, mỗi suất chỉ 3-4 nghìn đồng. Nhưng cũng có khách ăn tới hàng trăm nghìn đồng, cái đó là tùy ở khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Khách nào bác cũng quan tâm và phục vụ như nhau. Không bao giờ bác chỉ nhìn cách ăn mặc, lấy đồng tiền ra để phân định sang, hèn, tốt, xấu. Lúc mới nhìn thấy cháu, bác cứ ngờ ngợ gặp cháu ở đâu rồi, nhưng bác đã kịp nhớ ra, hóa ra là cô bé cùng đẩy xe than với bố đến cửa hàng của bác. Có đúng không nào?
Vân Vi cười rất vui và nói:
- Đúng đấy ạ.
- Bác hiểu vì sao cháu lại từ chối không ăn những thứ mà mẹ cháu đã gọi. Bác nghĩ cháu rất thương bố mẹ nên trong đầu cháu đã tính xong một bài toán xem bố mẹ mình sẽ mất bao nhiêu ngày lao động vất vả để đổi lấy một bữa ăn như ý định của bố mẹ cháu, vì thế mà cháu đã từ chối. Việc làm của cháu là một ấn tượng tốt đẹp để lại trong lòng bác.
Vân Vi vui lắm và nói tiếp:
- Tại sao cửa hàng của bác toàn là trai, không có cô con gái nào ạ?
Tôi nói:
- Cháu nhìn thấy đấy, toàn là thanh niên khỏe mạnh, đều là cháu nội, cháu ngoại của bác. Nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học, một số cháu đang đi học. Ngoài giờ học lại về đây tham gia lao động để giúp đỡ bố, mẹ, ông, bà. Cũng như cháu đã làm như vậy vì lao động là vinh quang, có phải thế không cháu?
Tôi nói vui:
- Bác mong cháu khi đưa than đến đây nên nói chuyện với các bạn thanh niên để thắt chặt thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa chủ và khách hàng. Thế cháu có đồng ý không?
Vân Vi cười và nói:
Cháu đồng ý và xin giơ cả hai tay đấy ạ.
Vợ chồng Thái Vân và Vân Vi đã ra về, tôi còn dõi theo mãi bóng họ. Trong lòng tôi có nhiều suy tư: Tôi nghĩ nhiều đến các chiến sĩ thông tin, kể cả những người còn sống và những liệt sĩ đã vĩnh viễn xa vắng quê hương. Những chiến công anh hùng của họ đã góp phần xây dựng nên nền độc lập tự do của cả một dân tộc hôm nay. Cho hôm nay và cho mai sau có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi nghĩ và càng mến yêu những người đã dùng sức lao động của mình để tạo nên cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho mình và cho con. Tôi nghĩ nhiều đến tình yêu của những người lính sao mà nó gắn bó, chân thành, thủy chung và tha thiết đến thế, để rồi họ sinh ra một thế hệ mới như Thái Thị Vân Vi.
Tôi mỉm cười và ước ao: Giá như mình có được đứa cháu dâu như Thái Thị Vân Vi thì hay biết mấy.

(Còn nữa)
 Đăng bởi Nguyễn Quang Hưng





0 nhận xét:

Đăng nhận xét