24/9/15

Những ngày đầu



                                                                                       Nguyễn Trần Hiếu
                                                                                              Chi hội 559   
      Hơn năm mươi năm đã trôi qua, biết bao mùa lá rụng, vật đổi sao dời, những vết thương trên da thịt cũng lành theo năm tháng.
Đồng đội năm xưa người còn, người mất. Mải mê theo dòng thời cuộc tìm kế mưu sinh, hôm nay cùng nhau tập hợp để thăm lại chiến trường xưa. Biết bao cảm xúc bồi hồi khôn tả, những kỷ niệm về những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ sục sôi đã hằn sâu trong ký ức lại dồn dập ùa về thôi thúc tôi cầm bút để được tâm tình, sẻ chia cùng đồng đội ngày gặp mặt và những người chưa được gặp lại, để tri ân với đồng đội đã hi sinh trong cuộc chiến ác liệt và vô cùng tàn khốc đã qua, để những kỉ niệm về những ngày đầu tiên ấy không bị rơi vào quên lãng của thời gian.

      Hơn nửa thế kỉ qua, những buổi ban đầu ấy vẫn in đậm trong tôi với bao sự hăm hở, ngỡ ngàng của tuổi 20 xen lẫn chút lãng tử của tuổi học trò mới rời ghế nhà trường cấp 3 phổ thông. Ngày ấy, vào tháng 3 năm 1964 chúng  tôi lên  đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi đó chiến tranh phá hoại miền Bắc chưa xảy ra, hai miền Nam – Bắc còn bị chia cắt theo hiệp định Giơnevơ. Qua học tập nghe tin tức trên đài phát thanh, báo chí, biết rằng quân dân miền Nam đang phải từng ngày, từng giờ sống dưới ách kìm kẹp của Mỹ - Ngụy. Cảnh đầu rơi máu chảy đau thương tang tóc, xa cách chia ly liên tục xảy ra. Cuộc đấu tranh giành thống nhất sục sôi còn đọng trên các trang sách học trò...

      Sau gần một năm quân ngũ, tôi được đào tạo qua lớp huấn luyện kỹ thuật báo vụ chính quy rất cơ bản của Đại Đội 1 vô tuyến điện, tiểu đoàn 26 thuộc Cục Thông tin liên lạc bấy giờ. Vào những ngày hè oi ả cuối tháng 7 năm 1964, đơn vị hành quân dã ngoại, bắn xạ kích tại trường bắn Miếu Môn và đóng quân tại xã Đồng Mít thuộc huyện Chương Mỹ - Hà Tây cũ. Đến ngày mồng 2 và mồng 3 tháng 8 năm 1964, được chỉ huy đơn vị cho biết: Mỹ đã vô cớ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cho máy bay ném bom bắn phá vào các bản Nậm Cắn, Nọong Dẻ tỉnh Nghệ An, bắn phá vào các đảo Hòn Mê – Hòn Mát – Hòn Ngư, cho khu trục hạm Ma Đốc vào Vịnh Bắc Bộ gây hấn. Đơn vị thông tin chúng tôi được lệnh sơ tán vào các nhà dân trong vùng.

     Thế là sau 10 năm hòa bình, miền Bắc xã hội  chủ nghĩa lại phải sống trong không khí chiến tranh, vừa sản xuất vừa chiến đấu “tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì đấu tranh thống nhất đất nước”. Ý thức về người lính và chiến cuộc trong tôi đã được hun đúc qua tháng ngày rèn luyện, cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, sẵn sàng đương đầu nơi chiến trận. Lệnh sẵn sàng lên đường chiến đấu được ban ra. Thật vinh dự cho tôi là một trong số những người lính đầu tiên của đơn vị thông tin tiểu đoàn 26 được điều đi phục vụ chiến đấu trên chiến trường phía Nam, lần  đầu ấy có 6 đồng chí: Đinh Văn Tiến, Nguyễn Đình Bao, Nguyễn Trọng Luận, Nguyễn Văn Chân, Bùi Văn Chung và tôi là Nguyễn Trần Hiếu. Chúng tôi được lệnh tập trung tại Trạm đón tiếp quân đội số 66 (đi cổng số 3 – phố Hoàng Diệu ngày ấy) để chuẩn bị lên đường. 

     Sau vài giờ ngắn ngủi được chia tay mẹ già, em nhỏ trong gia đình, cái khoảnh khắc vô cùng quý giá, hiếm hoi đó của người lính trước khi ra trận được mang theo, ấp ủ trong tôi suốt cuộc chiến đấu và suốt cả cuộc đời.

     Khí tài trang bị cho chúng tôi là 6 chiếc máy vô tuyến K-71, loại máy có khả năng vừa liên lạc bằng tín hiệu vừa có thể liên lạc tốt bằng đàm thoại. Chúng tôi cùng đi với các thủ trưởng Hoàng Quý và trợ lý Hoàng Cương. Đúng 7 giờ sáng ngày 28/2/1965 chiếc xe quân đội mang nhãn hiệu “Rơ Bua” biển số đỏ nhằm hướng mặt trận phía nam thẳng tiến. Đường quốc lộ ngày đó rất hẹp và xấu lắm, thêm vào đó là sự bắn phá, bom đạn của Mỹ cày xới ngày càng ác liệt, cầu phà dọc đường ít được bảo dưỡng nên nhiều đoạn rất khó đi. Xe chở chúng tôi vẫn lặng lẽ mải miết lao đi, tới 12 giờ đêm xe đưa chúng tôi tới huyện đội Can Lộc – Hà Tĩnh, thời kỳ đó đóng sơ tán tạm trên một quả đồi. Sau mấy giờ nghỉ ngơi giữa các đợt báo động, pháo sáng liên tiếp, xe chở người, máy móc của chúng tôi lại tiếp tục hành quân.

     Tới chiều ngày 29/2/1965 xe của chúng tôi tới được nơi tập trung tạm thời, đó là các thôn bản bên lèn núi đá vôi thuộc xã Hóa Tiến – Hóa Thanh huyện Minh Hóa tỉnh Quảng  Bình. Tại nơi đây đã có một số ít đơn vị kho bãi và  đơn vị ô tô số 246 do đồng chí Đại úy Phan Tây phụ trách, là nơi tập kết tạm thời đầu tiên của Đoàn 559.

     Những ngày đầu tiên ấy của cơ quan tham mưu chưa có biên chế riêng rẽ từng đơn vị mà tất cả cán bộ, chiến sĩ từ thông tin đến lái xe, kho bãi, bảo  vệ, cơ yếu... đều ăn uống chung một bếp. Đơn vị thông tin chưa được xác lập cụ thể, cả khu vực đóng quân chung một đơn vị, hòm thư tạm thời là 4953QA. Là một trong những người chiến sĩ thông tin được trực tiếp chiến đấu và phục vụ trên tuyến lửa Trường Sơn, tôi thấy địa danh Hóa Tiến – Minh Hóa –Quảng Bình là nơi tập kết đầu tiên của đơn vị thông tin 559 để sau đó thành lập Tiểu đoàn 16 thông tin thuộc Bộ Tư Lệnh đoàn 559. Bản này nằm dọc theo triền núi đá vôi, một bên là dòng suối nhỏ hiền hòa về mùa khô và hung dữ cuộn thác về mùa mưa cuốn theo dòng lũ đổ về Khe Dinh rồi ra Quy Đạt – Quảng Bình. Hóa tiến, một địa danh bình thường như bao bản làng miền núi Việt Nam đã hằn sâu trong trí nhớ tôi không thể mờ phai, bởi địa danh này nằm bên ngã ba của con đường 12A lên đèo Mụ Giạ và đường 15 ra Quy Đạt – Đồng Hới – Quảng Bình. Hóa Tiến nằm bên triền núi mà các đồng chí đã từng tập kết ở đây hẳn không thể nào quên vì phía bên kia dãy núi là con ngầm Khe Ve – một trong những trọng điểm bắn phá vô cùng ác liệt của máy bay Mỹ trên tuyến đường 12A, nơi đây biết bao đồng chí cán bộ, chiến sĩ công binh, lái xe, thông tin cao xạ, thanh niên xung phong.... của chúng ta đã anh dũng hi sinh, cho tuyến đường thông suốt đêm ngày. Một con ngầm lịch sử!

     Vào những ngày cuối năm 1964 và đặc biệt là đầu năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom bắn phá rất ác liệt không kể giờ giấc, đêm ngày, liên tục trút bom vào các trọng điểm trên tuyến đường 12A từ Khe Ve tới Đèo Mụ Giạ rồi 050, ngã ba Lằng Khằng vào sâu trong đất bạn Lào. Các trọng điểm đã đi vào tiềm thức của biết bao thế hệ tuổi trẻ chúng tôi trên đường hành quân ra mặt trận chống Mỹ cứu nước. Ai đã qua đây dù chỉ một lần cũng không thể nào quên những ngầm Khe Ve, đèo La Trọng, bản Y Leng, Bãi Dinh, Cổng Trời, Cua chữ S, Đồn Cha Lo, Đèo Mụ Giạ, 050, ngã ba Lằng Khằng..v..v... rồi biết bao địa danh, trọng điểm ác liệt khác, những tọa độ chết, những cung đường lửa,  những túi bom Xiêng Phan, Pha Nốp, Pắc Phan Lăng, ngã ba Lùm Bùm..v..v.. Những trọng điểm, địa danh trên đã trở nên gần gũi và quá quen thuộc với những người lính quân bưu, truyền tin chúng tôi trong những năm tháng khởi đầu ấy, bao gian khó, hiểm nguy ác liệt chúng tôi đều tìm cách vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, cung đường này đã gắn bó cùng chúng tôi suốt đêm ngày. Để đáp ứng yêu cầu chiến lược chi viện mọi mặt cho chiến trường và cả nước cùng hành quân ra trận, nên đi đôi với việc khảo sát phát tuyến mở đường, vận chuyển, chiến đấu chống biệt kích thám báo... công tác tổ chức, thành lập các binh trạm và các đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu cũng được tiến hành rất khẩn trương, vừa phục vụ chiến đấu vừa ổn định tổ chức trên khắp tuyến.

     Riêng với thông tin 559 đặc biệt là vô tuyến điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giúp chỉ huy điều khiển từ xa trong chiến tranh nhất là vượt qua các trọng điểm, góp phần hạn chế hi sinh xương máu của chiến sĩ, tổn thất phương tiện vận chuyển. Bởi vậy, vô tuyến điện đã được phát triển nhanh chóng, lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Sức mạnh chiến đấu, phục vụ đã được các đồng chí lãnh đạo quan tâm cụ thể. Điều chuyển một số đồng chí đài trưởng, báo vụ đã vào chiến trường từ năm 1959 như các anh: anh Lê Ngọc Minh, anh Trần Kháng, anh Kiệm, anh Phạm Khoa, anh Phạm Long, anh Chung phụ trách khí tài... Cơ công sửa chữa có anh Phùng Văn Sỳ từ phía trong ra Hóa Tiến – Quảng Bình kết hợp với sự bổ sung, tăng cường cả con người và trang bị khí  tài từ ngoài Bắc vào liên tục thành một cụm thông tin tại Hóa Tiến – Quảng Bình. Thời kỳ đầu này thông tin liên lạc do các anh Hoàng Quý, Hoàng Cương, anh Chung trực tiếp lãnh đạo để thành lập nên đơn vị thông tin của Đoàn 559, bắt đầu tên gọi có phiên hiệu là C141A bao gồm cả vô tuyến điện, hữu tuyến điện, quân bưu, truyền đạt, kho khí tài, cơ công sửa chữa. Chúng tôi được tập hợp trong đơn vị thông tin này.

     Về vô tuyến điện, ban đầu cả cụm thông tin có một đài công suất 50W ký hiệu là ĐX29 do anh Lê Ngọc Minh quê ở Hương Sơn – Hà Tĩnh làm đài trưởng, báo vụ viên trong đài có anh Đam quê Hải Dương, anh Đoài, anh Thái từ trung đoàn 77 ở trong thành Hà Nội vào, sau này cả anh Thành phát CQ, anh Hùng Nghệ An phụ trách máy nổ, anh Châu – Hà Tây lái xe và mới có 2 đài 15W, ký hiệu ĐX27 và ĐX28 do anh Kiệm – Thanh hóa, anh Trần Kháng – Nam Định làm Trưởng Đài, báo vụ các đài 15W do các anh Trần Hiếu – Hà Đông, Trần Quang Trung, Nguyễn Văn Biển ở Hải Phòng, anh Nguyễn Văn Mạn ở Hưng Yên... và một số đồng chí quay máy phát điện (Ragono). Sau này để đáp ứng sự phát triển nhanh, rộng lớn trên khắp các tuyến đường vận chuyển, chiến đấu, mạng lưới thông tin cũng lớn mạnh không ngừng. Các đồng chí báo vụ ban đầu của đài nói trên cũng trưởng thành nhanh chóng trở thành các đồng chí Đài Trưởng 15W trực tiếp đi phục vụ các binh trạm hoặc đi đốc chiến, khảo sát tại các mặt trận, các tuyến đường. Các Trung đội, Đại đội chuyên môn, Tiểu đoàn cũng ngày càng phát triển và kiện toàn trong quá trình chiến đấu và phục vụ. Gian khổ, đói cơm nhạt muối, bom đạn chết chóc, mưa rừng vắt núi, song toàn đơn vị ngày ấy đều cùng chung một khí thế hồ hởi vui tươi, có lệnh là lên đường cùng với các đoàn quân, đoàn xe ra trận chẳng hề tính toán riêng tư, mưa nắng đêm ngày.

      Có thể khẳng định đơn vị thông tin 559 thời kỳ đầu tiên ấy, sau này là tiểu đoàn 16 thuộc bộ tham mưu với chúng tôi, ngoài chuyên môn chính là thông tin vô tuyến điện, còn được phân công làm mọi nhiệm vụ hậu cần theo yêu cầu của lãnh đạo như vào rừng vận chuyển tre, gỗ về làm kho bãi trong các lèn đá, hang động dọc tuyến đường 15, 12A, làm lán trại, ngụy trang đường xá..v.v.. Một công việc đặc biệt với vô tuyến điện chúng tôi thời kỳ đầu này là công tác vận chuyển công văn, thư từ, báo chí từ hậu phương vào nơi tập kết Hóa Tiến rồi từ đó lại chuyển tới các binh trạm và các đơn vị chiến đấu, phương thức vận chuyển hồi đó chủ yếu là chạy bộ với vài chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, Phượng Hoàng đều phải lấy bùn đất trát lên vành bánh để ngụy trang che mắt máy bay Mỹ. Mặc bom đạn, mưa phùn gió rét, đèo cao, dốc thẳm đêm ngày chúng tôi luôn gắn bó với các cung đường, thay nhau ra bưu điện Hà Tĩnh nhận thư từ, bưu kiện qua các trọng điểm Khe Tang, Tân Đức, Thanh Lạng... về tới trung tâm Hóa Tiến, đã thuộc lòng từng trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ để vượt ngầm, hạn chế thương vong, cùng với khí thế thi đua ra trận những năm đầu ấy của cuộc chiến. Đơn vị thông tin được trải dài, rộng ra trên khắp các tuyến đường giúp cho chỉ huy, chỉ đạo kịp thời các mệnh lệnh chiến đấu, vận chuyển, “hầm là nhà, các cung đường là mặt trận”, trên trận tuyến đó những người lính thông tin như những con thoi vượt qua chết chóc đêm ngày, dệt nên những chiến công bất tử. Một trong những kỷ niệm với tôi ngày ấy không thể nào quên là được lệnh chuyển một công văn hỏa tốc từ trung tâm Hóa Tiến tới tiểu đoàn cao xạ 14, trong một khu đồi Lau ở Bãi Dinh để triển khai chiến đấu ngay trong đêm, một mình tôi với khẩu AK vượt qua đêm tối, mưa rét, thú dữ và đường rừng hiểm trở để hoàn thành nhiệm vụ rất kịp thời. Chính tiểu đoàn cao xạ 14 đó sau này đã nhiều lần được phong là tiểu đoàn anh hùng, lặng lẽ vui mừng vì thông tin mình có góp phần trong đó.

     Tới cuối năm 1965, cùng với sự phát triển rất nhanh của tuyến đường chiến lược Trường Sơn, đơn vị thông tin cùng Bộ tham mưu cũng phải di chuyển vào sâu để đáp ứng phục vụ kịp thời. Dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh tất cả bộ đội thông tin, máy móc, vũ khí, khí tài được chuyển từ Hóa Tiến – Minh Hóa – Quảng Bình hành quân theo đường 12A vượt qua biên giới, Đèo Mụ Giạ, cửa khẩu Cha Lo tới Bản Mày rồi Bản Hội Trăng, đến Ngã Ba Lùm Bùm trên nước bạn Lào đóng quân, tiếp tục củng cố “Hầm máy là nhà, rừng già là quê hương, cung đường là bầu bạn”. Bom đạn đủ loại, chất độc hóa học dải thảm suốt tuyến đường, biệt kích thám báo cùng các phương tiện trinh sát điện tử hiện đại không thể nào ngăn cản được quyết tâm chiến đấu của người lính thông tin chúng tôi. Đường dây nối các binh trạm vẫn thông suốt, sóng điện vẫn dồn dập đêm ngày, mạch máu thông tin không ngừng nghỉ đáp ứng kịp thời, chính xác cho chỉ huy trong các chiến dịch vận chuyển mùa khô. Lính vô tuyến điện chúng tôi hầu như mất ngủ suốt mùa chiến dịch, gắn bó với cơ yếu đảm bảo nhanh chóng, chính xác, bí mật, kịp thời, chưa chuyển phát hết công điện chưa được ngả lưng đi ngủ. Đi đôi với đảm bảo thông tin đêm ngày còn phải thường xuyên ứng phó chiến đấu chống lại bọn biệt kích thám báo trên khắp đường dây.

     Càng chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh, trong đó có thông tin liên lạc ngày càng trưởng thành lớn mạnh cả về con người và khí tài trang bị. Vào cuối năm 1966 sang năm 1967 tới tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, lực lượng thông tin 559 hồi đó là tiểu đoàn 16 đã được bổ sung các đơn vị dây trần, rồi tải ba, tiếp sức truyền chữ do các anh: anh Quân, anh Đạo, anh Dụ. Đại đội 1 vô tuyến điện có các anh Bút, anh Quảng, anh Min... chỉ huy. Một luồng sinh khí mới được bừng lên trong toàn đơn vị, khí thế thi đua sôi nổi, gian khổ mà vui, bởi từ năm 1965 ở Hóa Tiến – Quảng Bình tới cuối năm 1967, tiểu đoàn mới được tăng cường một số nữ đồng chí từ dây trần, tổng đài, y tá chuyển vào. Từ đó một niềm vui trọn vẹn, cảm giác “thiếu vắng”, “xa lạ” đã không còn trong đơn vị. Hòa cùng khí thế tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, phong trào văn nghệ, báo tường, “tiếng hát át tiếng bom” đêm ngày vang lên khắp núi rừng, nơi đóng quân của đơn vị. Thực sự là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời người lính chúng tôi, như nhà thơ Tố Hữu đã viết “ Đánh Mỹ tự hào vui biết mấy”. Tiểu đoàn 16 thông tin hồi đó có 3 Đại đội được chuyên môn hóa, Đại đội 1 – Vô tuyến điện gồm các đài 500W, 15W, Đài canh, Đài kiểm soát, đài lưu động đi đốc chiến cùng chỉ huy. Đại đội 2 và đại đội 3 là tổng đài hữu tuyến điện, quân bưu rồi sau này là Tải Ba, Tiếp Sức, Truyền Chữ...

     Các binh trạm trên khắp tuyến đường chiến lược đều có đài 15W, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt đêm ngày, không phút giây ngừng nghỉ.

     Nơi đóng quân của tiểu đoànThông tin những năm đó đều quanh Bộ Tư Lệnh thuộc địa phận bản Na Bo dưới chân dãy núi Phu Ca Tồn bên đất nước bạn Lào, dọc theo tuyến đường vận tải và gần các trọng điểm Văng Mu, Đèo Tha Mé, ngã ba La Hạp nơi mà suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn, cái chết có thể ập tới bất cứ lúc nào, song đường vẫn thông, những đoàn xe vẫn nối đuôi nhau ra tiền tuyến, mạch máu giao thông vẫn nối liền. Cũng tại các cung đường, trọng điểm Văng Mu, Tha Mé ác liệt này đã có nhiều tấm gương chiến đấu hi sinh vô cùng anh dũng, nơi sản sinh ra các anh hùng quân đội trong đó có đồng chí thiếu tướng – anh hùng Nguyễn Bá Tòng thân yêu của chúng ta, một người chỉ huy tài chí, quả cảm, thông minh, kiên cường ngày đêm chỉ huy chiến đấu đảm bảo cho tuyến đường thông suốt với quyết tâm bằng máu: “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, máy bay Mỹ dùng đủ loại bom mìn tàn phá suốt tuyến đường 559 song không thể nào ngăn cản được các đoàn quân ra chiến trận. Đơn vị thông tin vào những năm 1968 – 1970 đó đã có một số đồng chí hi sinh trong khi làm nhiệm vụ: Đồng chí Lam – trung đội trưởng vô tuyến điện, quê Thái Bình bị bom Mỹ sát hại. Đồng chí Muộn – quay viên đài 15W bị  bom cháy hi sinh. Đồng chí Lượng Giác – báo vụ 15W hi sinh mà cơ thể không còn. Đặc biệt đài vô tuyến điện 15W ĐX 30 do đồng chí Nguyễn Trần Hiếu quê Hà Đông làm Đài Trưởng đi đốc chiến các binh trạm cùng các thủ trưởng đoàn đã có tới 4 đồng chí hi sinh bên dãy núi đá Pắc Phan Lăng trên đất bạn Lào vào mùa khô năm 1968. Đó là các đồng  chí Phái, đồng chí Mơ, đồng chí Tậu, đồng chí Vĩnh, còn đồng chí Hiếu đài trưởng bị trọng thương. Di cốt các đồng chí hi sinh nay đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, còn biết bao những đồng chí nữa đã hi sinh trên tuyến lửa Trường Sơn này để làm nên một Trường Sơn huyền thoại. Hơn 55 năm đã trôi qua, hôm nay kể lại những ngày đầu vào cuộc chiến và tiểu đoàn 16 – thông tin 559 lòng bồi hồi xúc động, lại được viết tên các anh, các chị với những địa danh, cao điểm bất tử và từ nơi tập kết hội quân đầu tiên ở Hóa Tiến – Minh Hóa – Quảng Bình cùng các địa danh trên đất bạn Lào này. Tiểu đoàn 16 thông tin ngày càng lớn mạnh phát triển không ngừng tới ngày toàn thắng 1975. Với lòng trân thành mộc mạc, hồi tưởng lại bao thế hệ thông tin trên tuyến lửa Trường Sơn như thôi thúc tôi viết về cái thuở ban đầu ấy để không bao giờ bị quên lãng và rơi vào im lặng! Để như một nén hương thơm của người lính thông tin ngày ấy, giờ đây đã ngoại 70 nhớ về đồng đội với những tháng ngày gian khổ, khốc liệt, tàn ác của chiến tranh mà tuổi 20 rực lửa anh hùng đã trải qua. Để những giờ phút gặp mặt, hội tụ, viếng thăm chiến trường xưa càng trở nên thiêng liêng, cao đẹp, đầy đủ ý nghĩa. Để lắng lại trong tôi một nỗi niềm nhớ nhung đau đáu về một Hóa Tiến – Minh Hóa – Quảng Bình ngày ấy heo hút, vợi xa...

     Giờ đây, năm tháng đã trôi qua, cuộc chiến tranh máu lửa, ác liệt đã kết thúc, đạn bom thôi gầm thét, chỉ còn lại bất diệt một tấm lòng dịu dàng, nhớ về những buổi đầu tiên của đơn vị thông tin 559 anh hùng của chúng ta. Để mỗi buổi chiều tà, ngẩng đầu hướng mắt về bầu trời phía tây thầm nhắc:

                 Cho tôi gửi hồn tôi ở đó       

                 Mảnh trăng mờ và ánh chớp phía tây xa!

   Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh                    




0 nhận xét:

Đăng nhận xét