26.11.24

Kịp thời

Võ Tấn Đường

Trước hết, tôi xin nói qua vài đặc điểm tuyến đường của Bộ tư lệnh Trường Sơn (559). Nói là đường mòn Hồ Chí Minh nhưng thực tế nó bao gồm các trục đường xuyên suốt dãy Trường Sơn như trục đường 128, 129, 24, 24B, v.v... và các trục đường nhánh, đường ngang rẽ vào các chiến trường B1, B2, B3, B4, B5 và mặt trận C, K, v.v... Do đó, trục đường thông tin cũng phải dựa vào các trục ô tô để xây dựng và bảo đảm liên lạc cho chỉ huy các cấp, vì thế đã là trọng điểm của công binh, lái xe, cao xạ thì cũng là trọng điểm của thông tin không thể nào khác.

Trên tuyến đường Trường Sơn dọc, ngang 16.000 km đường xe ô tô và đi qua hàng trăm trọng điểm với thời gian dài 16 năm (1959-1975), không ai có thể kể hết sự hy sinh gian khổ, cái đói rét ác liệt của bộ đội Trường Sơn, trong đó có cán bộ và chiến sĩ thông tin chúng ta.

 Đây là câu chuyện nhỏ về lòng dũng cảm, óc sáng tạo trong những tình huống cấp bách của anh em lính thông tin. Chuyện xảy ra ở hai trạm canh đường dây tải ba số 64, 65 tại khu trọng điểm "cua ngã ba La Hạp ngầm Sé-la-mâng" (huyện Mường Noòng - tỉnh Sa-va-na-khét Hạ Lào) vào mùa khô 1968-1969. Khu trọng điểm này vừa cua, vừa ngã ba, vừa dốc kết liền với ngầm Sé-la-mâng và là ngã ba nối đường trục 128 với đường ngang rẽ vào mặt trận B4 nên địch rất chú ý. Ban ngày thì máy bay trinh sát gần như thay phiên nhau canh giữ, ban đêm thì pháo sáng trực canh, đánh bom tọa độ, B52 rải dọc trọng điểm dài hàng kilômét do hai trạm 64 và 65 của Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn 36 bám trụ để giữ đường dây vượt trọng điểm và vượt đường ô tô.

Tôi còn nhớ mùa khô 1968 - 1969, hai trạm này đã hy sinh 4 đồng chí và bị thương 3 đồng chí. Biên chế mỗi trạm thường xuyên 4 đồng chí nhưng có đêm không có người trực tại trạm vì liên tục đi nối dây (tiếc thay lâu quá tôi không còn nhớ các tên đồng chí đó). Lúc đó, tôi là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 36, chỉ huy sở cách xa hai trạm đó 80 km, nên ít được tiếp xúc. Và chính đoạn đường nối hai trạm 64 và 65 này mà câu chuyện anh lính thông tin dùng cơ thể mình để nối thông dòng điện bảo đảm liên lạc cho chỉ huy đàm thoại trong giây phút khẩn cấp lúc bấy giờ.

Câu chuyện đó vẫn còn dư âm đến ngày hôm nay mà đồng chí Trịnh Đình Chung lữ trưởng, Lữ đoàn 596 có nhắc lại nhân cuộc họp mặt kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Lữ đoàn 596 tháng 1 năm 2003. Diễn biến câu chuyện như sau:

Hôm đó vào khoảng 24 giờ 30 phút một đêm tháng 1 năm 1969, tôi đang trực ở chỉ huy sở, tiểu đoàn có điện thoại của đồng chí Doãn, chính trị viên Đại đội 5 gọi đến báo đoạn dây 64, 65 bị B52 vừa đánh đứt, hư hỏng nặng, mất liên lạc toàn đường trục, hiện anh em đang khôi phục. Tôi dặn đồng chí Doãn bảo anh em chú ý cảnh giác và ẩn nấp kịp thời vì B52 thường cách nhau 15 phút, coi chừng hy sinh hết thì gay go lắm. Tôi vừa đặt máy thì điện thoại trực ban Cục Tác chiến Đoàn 559 lại gọi đến thông báo có việc gấp cần liên lạc với Binh trạm 35, bằng mọi giá phải khôi phục đường dây. Tôi bí quá liền bảo cơ vụ nối máy liên lạc cho tôi gặp đồng chí trực dây ở trạm 64 hoặc anh em đang khôi phục dây trên đoạn đường 64, 65. May quá, tôi gặp được cả hai đồng chí đó. Tôi nói ở Cục Tác chiến có tin hỏa tốc cần liên lạc với Binh trạm 35 tìm cách khôi phục gấp. Hai đồng chí thông tin nói dây hư hỏng nhiều quá, dây mang theo không đủ, hiện còn cách một mét, anh em đang đi tháo các điểm dự phòng để nối. Tôi nói các anh ở trên giục lắm, các cậu cố gắng càng nhanh càng tốt. Một đồng chí ở đầu dây nói: Thủ trưởng yên tâm, tôi sẽ khắc phục ngay tức khắc. Một đồng chí đưa hai tay nắm hai đầu dây nối liền dòng điện để liên lạc. Sau khi cấp trên đàm thoại xong tôi hỏi đồng chí Doãn sao khôi phục nhanh vậy? Đồng chí Doãn mới nói lại câu chuyện xử lý của anh em. Tôi vô cùng xúc động. Tinh thần sáng tạo, dũng cảm của hai đồng chí thông tin hôm đó đã được tôi báo cáo ngay lên trên để kịp thời khen thưởng.

Hôm nay nhớ lại bao hy sinh của các thế hệ đi trước lòng tôi cảm thấy bùi ngùi và thương nhớ. Có dịp chúng ta đi thăm nghĩa trang Điện Biên Phủ, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn,... chúng ta mới thật sự thấm thía sự hy sinh của cả dân tộc để đổi lấy cuộc sống bình yên hôm nay.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)

0 comments:

Đăng nhận xét