26.11.24

Thác Đá Nhảy

Trung tá Võ Tấn Đường - nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 596

Nhân Ngày truyền thống Binh chủng Thông tin, tôi lại nhớ về những chuyện gian khổ, thiếu thốn, ác liệt và sự hy sinh của bộ đội ta. Đặc biệt tôi nhớ tới sự hy sinh của một chiến sĩ thông tin trong thời thời kỳ đầu ta kháng chiến chống Pháp (năm 1947).

Sơ lược nói qua lịch sử đơn vị tôi thời ấy: Năm 1946, 1947 địch phản bội các hiệp định mở rộng chiến tranh ở các chiến trường. Liên khu 5 cũng nằm trong bối cảnh ấy... Trung đoàn tôi phiên hiệu Trung đoàn 68 đổi là 78 rồi 108 rồi 803 vào năm 1950. Tháng 7 năm 1947, trung đoàn được điều động từ Quảng Ngãi ra thay thế Trung đoàn 96 ở mặt trận Đà Nẵng vì Trung đoàn 96 mất sức chiến đấu do thương vong, do sốt rét rừng và bệnh ghẻ lở...

Trung đoàn tôi hồi đó do đồng chí Nguyễn Đôn làm Chính trị viên (đồng chí Nguyễn Đôn sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Đồng chí Nguyễn Thuận làm Trung đoàn trưởng.

Ở mặt trận đèo Hải Vân - bắc Quảng Nam lúc ấy, trung đoàn có ba tiểu đoàn đóng giữ ở ba mặt trận. Tiểu đoàn 17 biệt hiệu là Tiểu đoàn Cảm tử, giữ mặt trận Ba Khe, phía tây huyện Đại Lộc. Tiểu đoàn 18, biệt hiệu Tiểu đoàn Xung phong) giữ mặt trận Tuý Loan (Hòa Vang). Tiểu đoàn 19, biệt hiệu Tiểu đoàn Xung kích, giữ mặt trận Khe Sơn, Nam Yên, đèo Hải Vân. Trung đoàn bộ đóng ở chiến khu Nguyễn Huệ (huyện Hòa Vang). Khoảng cách từ Trung đoàn bộ đến Tiểu đoàn 17 độ 12 giờ đường rừng; đến Tiểu đoàn 18 độ 7 giờ đường rừng; đến Tiểu đoàn 19 độ 14 giờ đường rừng. Các đường đi vượt nhiều ghềnh thác, nhất là mùa mưa lũ anh em quân bưu, hữu tuyến vô cùng vất vả nhiều lần phải ngủ đêm giữa rừng.

Biên chế thông tin của trung đoàn có một đại đội gọi là đại đội giao thông, thông tin liên lạc, có máy vô tuyến 15W, hữu tuyến, quân bưu. Cuộc sống bộ đội lúc ấy vô cùng khó khăn gian khổ, cơm ăn chỉ gạo hẩm, bữa đói, bữa no, có tuần chỉ ăn toàn măng rừng, rau tàu bay. Bộ đội không có chăn, màn, mỗi người một tấm bao lác hay chiếc bao tải gạo làm chăn chiếu khi nghỉ. Ba lô, nón bằng tre đan, chân đi bằng dép cao su mà bộ đội đa phần đi bộ là phổ biến...

Do quá thiếu dinh dưỡng và chăn, màn nên đa số anh em bị sốt rét, ghẻ lở đầy người không giặt được quần áo. Tuy vậy, mọi công tác sẵn sàng chiến đấu luôn phải cảnh giác. Nhất là bộ đội thông tin có công việc phải quay ragono. Quân bưu phải chạy công văn, dây đứt phải đi nối bất cứ ngày đêm. Những công việc bình thường hàng ngày đó, nhưng có lúc cũng gian khổ ác liệt. Ngoài sự chết chóc do địch gây ra, cái chết của sốt rét rừng, của tai nạn cũng luôn xảy ra. Gian khổ ác liệt như vậy, nhưng tinh thần của người lính vẫn tươi vui, coi nhau như anh em một nhà, sẵn sàng chia nhau vài hơi thuốc, đĩa rau rừng, đêm rét quá ôm nhau cho ấm để ngủ...

Nhớ lại những tháng ấy, tôi không thể quên được anh Nguyễn Thông đã hy sinh, đến bây giờ nghĩ tới tôi vẫn thiết tha nhớ thương vô tận anh ấy. Lúc đầu, chúng tôi cùng một đơn vị và làm quản lý đại đội. Cả hai chúng tôi đều có trình độ tiểu học, nên sau đó cả hai được điều động về làm lính thông tin. Khoảng tháng 11 năm 1947, đường dây đi Tiểu đoàn 17, mặt trận Ba Khe bị đứt, một tổ 3 người gồm có tôi, anh Nguyễn Thông và anh Vũ Tạ quê tỉnh Cao Bằng, được cử đi khôi phục đường dây thông tin.

Chúng tôi đi suốt 5 giờ để tới địa phận chiến khu Nguyễn Nhạc. Lúc vượt thác "Đá nhảy", vì nước quá to nên chúng tôi phải vượt thác bằng cách nhảy từ mỏm đá này qua mỏm đá khác. Chẳng may, anh Nguyễn Thông trượt chân rơi xuống thác và bị nước cuốn mất xác tức thời. Tôi và anh Vũ Tạ không có cách gì cứu kịp vì đoạn thác dài hàng kilômét, toàn đá to như cây rơm, nước chảy sôi sục, cuồn cuộn luồn lách dưới các khối đá...

Anh Nguyễn Thông năm đó mới tròn 18 tuổi. Quê anh ở làng Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Đến nay, đã 57 năm trôi qua, cuộc sống biết bao thăng trầm, biến đổi, chiến tranh liên miên, rồi chia cắt, rồi hòa bình cả nước thống nhất, nhưng mọi người đều phải lao vào cuộc sống mới, xây dựng đất nước... Tôi chưa có điều kiện ghé thăm quê anh, song mỗi lần nghĩ tới, tôi luôn day dứt, thương tiếc anh, người lính thông tin đã hy sinh vì Tổ quốc mà không có nấm mồ như bao liệt sĩ khác... Và chẳng rõ thân nhân anh có ai còn sống? Gia đình đã được công nhận liệt sĩ chưa? Vì thời ấy công tác thương binh liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn chứ chưa được tổ chức chặt chẽ như bây giờ.

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống 60 năm của Binh chủng Thông tin. Tôi lại kính cẩn dâng nén nhang tưởng niệm linh hồn anh nơi chín suối... và tôi viết kỷ niệm của chúng tôi, với mong muốn, biết đâu đó có người thân của anh đọc được và sẽ biết chi tiết về năm tháng và nơi anh Nguyễn Thông đã hy sinh...

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét