Hoàng Niệm
Tôi đang trên đường đi kiểm
tra công tác Trường sĩ quan ở Hà Bắc thì nhận được điện của đồng chí Tổng Tham
mưu trưởng gọi về nhận lệnh cấp tốc đi vào chiến trường Khe Sanh để kiểm tra
khôi phục lại thông tin, vì đã ba ngày không liên lạc được với cơ quan Bộ ở Hà
Nội. Lúc này, tình hình chiến trường miền Nam đang hết sức căng thẳng, ác liệt.
Địch sử dụng B52 và nhiều loại máy bay liên tục đánh phá các mục tiêu hòng cắt
đứt các đường hành quân và tiếp tế của miền Bắc cho chiến trường miền Nam của
ta. Đường sá, cầu cống, các bến phà đều bị tắc, đặc biệt phía Tây đường 15,
giáp biên giới Việt - Lào bị địch đánh suốt ngày đêm.
Bộ đội công binh, thanh niên
xung phong cùng với dân quân địa phương ra sức khôi phục đường để bảo đảm giao thông
cho tiền tuyến. Lúc này, ở mặt trận Khe Sanh, sở chỉ huy mặt trận bị bom B52
đánh phá ác liệt nên phải di chuyển lùi về phía sau để củng cố công sự, mạng lưới
thông tin liên lạc. Tư lệnh chiến dịch là đồng chí Trần Quý Hai - Chủ nhiệm
thông tin chiến dịch, đồng chí Hoàng Xuân Vượng - Phó Tư lệnh Binh chủng Thông
tin trực tiếp phụ trách.
Được lệnh hành quân gấp vào
chiến trường, tôi tổ chức bộ phận hết sức gọn nhẹ: 1 xe Gaz, lái xe là một chiến
sĩ trẻ, dũng cảm, thuộc đường sá, đã nhiều lần cùng tôi đi vào chiến trường miền
Nam. Ba cán bộ tham mưu gồm: 1 vô tuyến, 1 hữu tuyến, 1 thông tin vận động và 1
đồng chí bảo vệ. Chúng tôi chuẩn lên đường rất gấp. Ngoài súng đạn cá nhân và một
ít lương khô đoàn còn mang theo một súng thể thao Tiệp với 200 viên đạn. Thế là
yên trí. Cứ ngày ngày năm ba con chim, con gà rừng, con cheo... bồi dưỡng lúc
nào cũng có chất tươi. Tôi đã đi chiến trường nhiều lần, nhưng lần này tôi cho
là hết sức khó khăn. Một là, thời gian rất khẩn trương, phải vào chiến trường
cho kịp kế hoạch tác chiến. Hai là, đường sá đang bị địch đánh phá hư hỏng nhiều,
thời tiết miền Trung đang mùa mưa nên rất lầy lội, hầu như phải đi vào ban đêm,
xe chạy đèn gầm, chờ đợi qua phà, qua cầu, qua nhiều trọng điểm đánh phá nên rất
chậm. Từ Hà Nội, chúng tôi theo đường Hòa Bình, Nho Quan, đường số 1 hoàn toàn
bị tắc. Vào đến đất Thanh Hoá, qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã không biết
bao nhiêu điểm tắc cầu, phà. Ngã ba Đồng Lộc tuy là đường đồng bằng nhưng địch
lại đánh phá ác liệt, có nhiều đoạn xe phải chạy qua làng, qua đồng ruộng. Hôm
nào trời mưa, mây mù là hôm ấy anh em rất vui vì tranh thủ chạy cả được ban
ngày, lợi dụng cung đường nhưng cũng có bất lợi là không có bộ đội công binh và
thanh niên xung phong bảo đảm đường sá.
Đến Truông Bồn thuộc huyện
Thanh Chương, Nghệ An. Anh em thường gọi là Truông Bồn (đèo con) vì qua đây địch
đánh phá rất ác liệt nên dễ bị thương vong. Hai bên Truông là hẻm núi. Tuy
Truông Bồn không dài nhưng địch thường đánh tọa độ và sử dụng nhiều loại bom hẹn
giờ, bom bi, bom từ trường. Loại bom này khi ném xuống không nổ ngay mà trong
bom có cài thiết bị cảm ứng từ, tự động kích nổ khi có xe hoặc vật kim loại đến
gần...
Hôm qua đây, buổi sáng trời
âm u nên không sợ máy bay địch phát hiện. Cách Truông Bồn 200 m đã thấy biển báo
trên đường có bom từ trường. Đã từng có ít kinh nghiệm qua những đoạn đường như
thế này nên tôi bảo lái xe dừng lại, anh em cởi bỏ hết súng đạn, vật dụng bằng kim
loại trên xe và hành quân bộ qua đoạn đường đó, còn xe để lại cho đồng chí Cư
lái. Đồng chí Cư cũng đã nhiều lần xử trí tình huống tương tự nên rất bình
tĩnh, tự tin. Cư kiểm tra lại xe cẩn thận, khi chúng tôi đi qua đoạn nguy hiểm,
đến chỗ an toàn thì đồng chí Cư mới khởi động máy để lấy đà và cho xe phóng thật
nhanh qua chỗ quả bom đang nằm "phục" hòng hạ nốc ao xe của ta. Vì biết
quy luật nổ của loại bom này, Cư đã lợi dụng thời gian sơ hở 5 giây hẹn nổ của
quả bom cho xe chạy vút qua. Xe đã chạy cách quả bom chừng 100 m thì một tiếng
nổ vang lên, đồng chí Cư và xe đã dừng ngay tại chỗ chúng tôi. Mọi người đều thở
phào vui mừng reo lên: Ta đã thắng!
Tất cả lại lên xe để hành
quân tiếp vào tiền tuyến.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét