26.11.24

Ký ức tháng tư

Nguyễn Diệp

Tháng 9 năm 1974, chuẩn bị chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, Bộ Quốc phòng cử một số cán bộ các quân, binh chủng sang Liên Xô dự khóa ngắn hạn trong 10 tháng để bổ sung vào đội ngũ cán bộ thực hiện kế hoạch năm thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra các trận đánh hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn hơn năm thứ nhất.

Binh chủng Thông tin được cử một đoàn sang học tại Học viện Thông tin Cờ Đỏ tại Lê-nin-grát (nay là Xanh Pê-téc-bua).

Đoàn gồm sáu cán bộ và hai phiên dịch do đồng chí Đào Phố làm trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Diệp làm bí thư chi bộ.

Tuy chưa phổ biến kế hoạch chiến lược hai năm, nhưng anh em đều nhận thức được ý nghĩa quan trọng của khóa học và xác định quyết tâm khắc phục khó khăn vì phải học qua phiên dịch, phấn đấu đạt được kết quả cao để góp phần xây dựng Binh chủng ngày càng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ chính trị "đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...

Những ngày mới đến học viện, chúng tôi rất phấn khởi vì cán bộ, giáo viên và học viên các nước xã hội chủ nghĩa trong khoa ngoại quốc đều chúc mừng và tỏ lòng khâm phục nhân dân Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri tháng 1 năm 1973 và rút quân về nước.

Có một chuyện hết sức cảm động làm tôi nhớ mãi: Một buổi sáng trên đường từ ký túc xá đến học viện, chúng tôi gặp một bà trạc 50 tuổi hỏi bằng tiếng Nga "Các anh là sĩ quan nước nào?". Khi biết chúng tôi là cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà mừng rỡ nắm chặt tay chúng tôi và nói: "Tốt lắm, các anh giỏi lắm, giỏi lắm, đã chiến thắng đế quốc Mỹ...".

Phấn khởi, tự hào trước tình cảm bạn bè và nhân dân Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, chúng tôi càng tích cực học tập, ngoài thời gian học ở lớp, chúng tôi còn tự học thêm để nắm chắc nội dung đã học...

Chúng tôi duy trì được tinh thần tập trung học tập như trên từ tháng 9 năm 1974 đến giữa tháng 3 năm 1975, còn từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và tiếp sau là các chiến dịch giải phóng Huế, giải phóng Đà Nẵng chỉ duy trì được các tiết học ở lớp, còn buổi tối thì phân công nghe các đài của Liên Xô, của phương Tây và Đài tiếng nói Việt Nam để sớm biết tin tức về diễn biến chiến sự. Riêng Đài tiếng nói Việt Nam vì công suất phát không lớn, lại ở xa nên chỉ nghe được từ sau 22 giờ.

Đầu tháng tư, tôi đã dành tiền mua được một máy thu cấp I, có thiết bị thu âm nên chất lượng thu có khá hơn nhưng khi thời tiết xấu nghe cũng rất nhỏ, phải nín thở, dán tai vào loa, vừa nghe, vừa đoán...

Tâm trạng chúng tôi trong thời kỳ đó vừa phấn khởi, vừa tiếc là không được trực tiếp tham dự vào chiến cuộc, nhất là sau khi Đà Nẵng được giải phóng, chúng tôi đều dự đoán là quân ta sẽ giành toàn thắng trong năm 1975, chúng tôi không hy vọng được trực tiếp góp phần vào chiến thắng! Cán bộ, giáo viên, học viên khoa ngoại quốc đều rất quan tâm đến diễn biến chiến sự ở Việt Nam, thường xuyên hỏi tình hình và chúc mừng chúng tôi khi giảng bài. Đặc biệt sau chiến dịch giải phóng Đà Nẵng đồng chí Thiếu tướng - trưởng khoa ngoại quốc yêu cầu chúng tôi chuẩn bị giới thiệu tóm tắt cuộc tiến công chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam trong buổi họp toàn khoa vào đầu tháng tư, kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội Hung-ga-ri. Chúng tôi vẽ một bản đồ Đông Dương thể hiện diễn biến chiến sự từ trận Buôn Ma Thuột đến chiến dịch Đà Nẵng.

Đến ngày kỷ niệm, sau phần nghi lễ ngắn gọn chúc mừng quân đội Hung-ga-ri, Thiếu tướng - trưởng khoa giới thiệu đồng chí Đào Phố - trưởng đoàn học viên Việt Nam trình bày diễn biến chiến sự ở Việt Nam trong tháng 3 năm 1975. Đồng chí Phố thuyết minh trực tiếp bằng tiếng Nga, kết hợp chỉ trên bản đồ được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt và buổi kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Hung-ga-ri trở thành ngày mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam và mọi người đều chúc nhân dân Việt Nam sớm giành được thắng lợi cuối cùng...

Chỉ sau gần một tháng, lời chúc bạn bè đã trở thành hiện thực. Trong buổi học sáng ngày 30 tháng 4, chúng tôi được giáo viên báo tin "Sài Gòn đã được giải phóng" (vì lúc này ở Việt Nam đã là buổi chiều), nên chiều hôm đó chúng tôi bỏ cả giờ ăn tập thể để để theo dõi tin tức qua đài phát thanh các nước. Tối mùng 1 tháng 5, tôi đã ghi âm được toàn văn bản thông báo tin "Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng - Sài Gòn đã được giải phóng".

Trong buổi học sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975, Thiếu tướng - trưởng khoa ngoại quốc đích thân đến lớp chúng tôi chúc mừng thắng lợi của nhân dân Việt Nam (vì ngày 1 tháng 5 là ngày quốc tế lao động).

Trong tháng năm, tuy rất nóng lòng về nước tham gia công tác, nhưng chúng tôi đều xác định phải tập trung giúp đỡ nhau ôn tập để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp. Nhờ áp dụng phương pháp ôn tập tập thể, kết hợp với sự nỗ lực của từng người nên trong kỳ thi tốt nghiệp hai phần ba đạt loại giỏi, một phần ba đạt loại khá. Sau kỳ thi, lớp Việt Nam được biểu dương là lớp đạt kết quả cao nhất, lớp đầu tiên 100% học viên đạt khá giỏi, không có người đạt điểm trung bình.

Sau khi về nước, chúng tôi được tham gia tiếp quản hệ thống viễn thông liên kết ICS do Mỹ xây dựng và bàn giao cho quân ngụy. Nhờ những kiến thức về thông tin nhiều kênh, thông tin đối lưu được học ở Liên Xô nên chúng tôi không bỡ ngỡ, nhanh chóng nắm được việc quản lý và điều hành hệ thống thông tin ICS ở miền Nam, lúc đó được đánh giá là hiện đại nhất ở Đông Nam Á. Tôi và đồng chí Lương Sĩ Pháp được bổ nhiệm làm Giám đốc và Phó Giám đốc trung tâm điều hành hệ thống thông tin mới tiếp quản, tận dụng các thiết bị AN-TRC24 để tổ chức đường trục Bắc Nam, bảo đảm cho Bộ lãnh đạo, chỉ đạo các quân khu, các tỉnh và đơn vị ở miền Nam sớm ổn định tình hình trật tự, an ninh và xây dựng chính quyển ở vùng mới giải phóng.

Đến nay, sau 30 năm, nhớ lại những kỷ niệm cũ, tuy vẫn có phần tiếc nuối là không được trực tiếp tham gia chiến cuộc xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như đã vinh dự được là chiến sĩ Điện Biên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng tôi càng nhận rõ chủ trương của Bộ cử cán bộ đi học thời kỳ đó là rất sáng suốt để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình huống phải kéo dài chiến tranh, đồng thời cũng rất cần thiết để cán bộ các quân, binh chủng đủ năng lực tham gia việc tiếp quản, việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại thu được của địch trong tình huống chiến tranh kết thúc sớm như thực tế đã diễn ra.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét