26.11.24

Một đêm hành quân khó quên

Hoàng Niệm

Hành quân qua đất Quảng Bình, dải đất vùng cán xoong của Tổ quốc, đã có biết bao huyền thoại anh hùng như: Mẹ Suốt, ông lão dân quân phá bom nổ chậm cứu đường dây thông tin, các cô gái pháo binh, thanh niên xung phong với những câu chuyện đã thành huyền thoại trong bộ đội hành quân qua đây.

Tổng đài A72 phụ trách tuyến thông tin hữu tuyến điện đường dài cửa ngõ ra vào miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều chiến sĩ gái, tuổi mới đôi mươi, từ những vùng quê miền Bắc vào đã kiên cường bám trụ bảo đảm thông tin liên lạc. Địch đã dùng các loại bom đặc biệt đánh phá các đoạn đường giao thông huyết mạch, các hang hầm trong núi đá, nhiều nữ thông tin đã hy sinh ở đây.

Chúng tôi hành quân suốt tuyến đường này để đến cửa rừng gần Tổng đài A72. Dừng lại để kiểm tra chuẩn bị xe máy và tắm rửa, vì đã đi liền ba ngày nên ai cũng muốn nghỉ lấy sức để đêm nay còn vượt cửa ải, đoạn đường này là trọng điểm địch phá chặn tuyến chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Ngoài việc đánh phá của địch, con đường quân sự làm gấp nên rất xấu, địa hình thì suối sâu, núi cao, dốc đứng. Đêm nay chúng tôi hành quân vượt qua đây là vào gặp đường 9 qua Khe Sanh sang Lào, đó là con đường nhựa bị đánh phá hư hỏng nhiều chỗ.

Cung đoạn xe qua này gần 30 km. Mặc dù địch thả pháo sáng suốt đêm, lúc nào trên đường cũng sáng hơn ban ngày, trên đầu không ngớt tiếng máy bay gầm rú, đặc biệt nhất mà cũng đáng sợ nhất là tụi máy bay trinh sát chỉ điểm OV10 bay chậm, thấp và chuyên thả pháo sáng để quan sát thấy mục tiêu. Phát hiện xe chạy trên đường là chúng gọi F105, F104... đến đánh bom ngay, cả một vùng trời bom đạn ầm ầm, pháo sáng của địch và pháo cao xạ, tên lửa của ta bắn trả làm cho đường sá bị cày xới lên một lớp bột dày 30, 40 phân, mù mịt. Mỗi khi xe chạy qua, lớp bụi đỏ cuộn lên chạy dài theo sau xe như một dòng sông nâu...

Lợi dụng lúc pháo cao xạ của ta đánh trả lại máy bay địch, xe chúng tôi cứ thế chạy nhanh, thật nhanh. Lúc bấy giờ chẳng ai nghĩ gì khác là phải chạy thật nhanh qua cung đường ác liệt. Xe phải vượt qua hai trọng điểm: Một là ngầm ngã ba Lùm Bùm, là đầu nguồn của con sông chảy ra thành sông Hiền Lương nước không sâu, chỉ độ rộng khoảng 50 m, bộ đội công binh đã dùng đá kè lên thành đường ngầm để xe vượt qua mà không cần phải làm cầu. Đầu ngầm có bố trí các đại đội công binh, thanh niên xung phong, xe tắc tơ chuyên để kéo những chiếc xe nào bị chết máy giữa ngầm để tránh cản trở giao thông. Hai bên đường trước ngầm đã làm nhiều công sự, hầm cá nhân, hầm ếch để tránh bom. Nghệ thuật qua ngầm của cánh lái xe là khi xếp hàng chuẩn bị lệnh qua ngầm phải chuẩn bị xuất phát thật chu đáo, như kiểu vận động viên chạy 100 m, xe được cài cầu trước, cài cầu sau, đặt vào vị trí số 2 là trạng thái xe chạy xuất phát tốt nhất. Khi có tiếng còi xuất phát thì chú lái xe nhả chân côn nhấn hết ga mà chạy.

Xe qua ngầm, vượt lên dốc chạy được khoảng 200 m thì dừng lại cho người lên rồi tiếp tục đi. Cái khó ở đây là địch thường đánh phá theo kiểu cầm canh, tọa độ chúng bất cần có ta hay không, thấy mục tiêu hay không, máy bay cứ tốp một bay qua là có bom nổ, lượng xe cộ nhiều, chen lấn tới chỗ đậu cũng là khó, nhất là những xe đi đơn lẻ không có đoàn. Khi cách ngầm 1 km là mọi xe đều phải tắt đèn gầm chạy mò theo các lộ tiêu bằng cờ trắng thật là khó khăn, nguy hiểm, nếu chệch tay lái là xe lao xuống vực, thường phải dùng biện pháp người cầm vật sáng chạy trước đầu xe, lúc đi thì chẳng biết gì là nguy hiểm, chạy được qua ngầm là thắng lợi rồi.

 Xe tải qua đây tuy khó khăn nhưng còn nhiều thuận lợi vì xe tôi là xe ưu tiên đi vào chiến trường Khe Sanh, được thu xếp dẹp đường đi ngay không phải chờ xếp hàng. Theo thứ tự thế mà cũng xảy ra một sự cố nho nhỏ, chuyện là khi chờ làm thủ tục, vì qua đây coi như qua cửa tử mọi xe phải đăng ký danh sách để theo dõi, nhỡ có chuyện gì để biết chỗ dễ nhận, lúc đó thì số anh em đi cùng phải tạm thời chui vào hầm tránh bom. Khi mọi người chạy vượt ngầm sang bên kia kiểm tra quân số thấy thiếu một người, đó là đồng chí Thà cán bộ phụ trách thông tin vận động, thật gay quá! Một vì bom đạn lung tung nhỡ vướng phải thì sao, hay lạc đường, hay gì nữa trong đêm tối giữa rừng mà xe cộ anh em dừng lại nơi trọng điểm này là rất nguy hiểm. Tôi bèn ra lệnh cho mấy anh chạy lùi lại và gọi to. Rồi cuối cùng cũng tìm được anh đang ở trong hầm, lúc bấy giờ tôi rất giận nhưng cũng để mọi người lên xe tiếp tục đi.

Chuẩn bị để xe qua khu vực dốc Sady (Trung Lào), quãng này có mấy dốc và nhiều đồi do địch đánh phá và rải chất độc hóa học nên cây cối chết trụi, hình dung như sa mạc cát trắng, nên đi cũng dễ bị lộ rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho các đoàn xe qua đây, ta bố trí các trận địa phòng không có 57, 37, 14,5 vì vậy, máy bay địch bay qua đây phải bay cao để ném bom tọa độ là chính, mà không dám đánh bổ nhào nên xe ta cứ bình tĩnh mà chạy ít khi bị dính bom. Xe tôi đi qua đây lúc ấy vào khoảng 2, 3 giờ sáng. Cả đoàn anh em đang chạy trong rừng có cây kín đáo, ra đây địa hình quang đãng, trời sáng hẳn lên, mọi người ai cũng vui, xe cứ bon bon chạy (nhưng cũng chỉ 20 – 25 km/giờ). Nhớ mãi lúc ấy ai cũng có cảm giác như mình là những "Hóc cơ" đóng phim trong phim chiến đấu vậy: khói bụi mù mịt, pháo phòng không của ta bắn đạn vạch đường loang loáng bầu trời rồi nổ bung ra như hoa pháo. Máy bay địch gầm rú, xa xa bom nổ chớp lóe lên. Máy bay địch tập trung đánh vào các trận địa phòng không, nên xe ta cứ yên trí tranh thủ mà chạy. Một tình huống xảy ra khi xe chúng tôi chạy đến giữa khu vực trận địa phòng không thì trước chúng tôi có một xe Zin-khơ bị trúng bom nằm chắn mất đường. Xe dừng lại anh em nhảy xuống để xem tình hình ra sao, Zin-khơ chở lương thực, xe bị hư hại, đồng chí lái xe ngồi ôm tay lái đã hy sinh! Giữa lúc này thật khó khăn vì xử trí chậm một chút thì chính mình cũng khó thoát vì là khu trận địa pháo địch, địch tập trung đánh rất ác liệt. Chúng tôi đành đưa đồng chí ra khỏi xe để lại đó và tất cả không ai nói với ai một câu, hình như trong lòng mọi người đều có một điều gì đó uất hận trào dâng. Vượt qua quãng đường, xe xuống hết dốc gặp đường 9 theo bản đồ quặt trái chạy độ 15 km là tới khu vực sở chỉ huy chiến dịch, đường 9 là quốc lộ có rải nhựa.

Đường chạy tốt nên không ai chú ý theo dõi, xe chúng tôi chạy quá vào đến Làng Vây. Đây là cứ điểm của địch trên đường cửa ngõ của tập đoàn Khe Sanh đã bị quân ta tiêu diệt. Gặp mấy tốp chiến sĩ nữ, chúng tôi mới biết là đã vào gần giáp Khe Sanh còn cách độ 10 km, xe phải quay lại gần 10 km rẽ vào đường rừng một quãng nữa mới tới khu vực sở chỉ huy. Vào đây thì cơ mật lắm! Theo lệnh Bộ chỉ huy mặt trận, mọi người để xe lại và phải hành quân bộ vào nơi làm việc, đường không xa nhưng phải trèo qua một cái dốc khá cao, theo con đường mòn được ngụy trang rất kín. Theo lệnh chiến dịch, là mọi người vào khu này đều phải đi đêm không được đi ban ngày. Hôm ấy, chúng tôi hành quân gặp nhiều khó khăn nên khi vào đến trạm gác ngoài thì trời đã sáng, công tác thì rất khẩn trương, nếu như tôi không có giấy đặc biệt của Bộ ở Hà Nội thì đã bị giữ lại chờ qua ngày đến tối mới được đi. Được ưu tiên, chúng tôi vội hành quân nhanh, mọi đồ đạc nặng thì để lại, chỉ mỗi người mang theo tài liệu làm việc, súng đạn, vài bộ áo lót và một ít quà cho anh em như: thuốc lá, một vài cân đường chứ cũng chẳng có gì. Vượt qua dốc đường cũng phải dài đến 5 km, tới nơi là một khu vực rừng le (như cây trúc miền xuôi) lơ thơ có mấy cây gỗ, đồi đất hơi bằng, lại có những mỏm đá nên ta lợi dụng để đào hầm hố triển khai sở chỉ huy. Lợi dụng khe núi đá vôi có nhiều hang hốc, nhưng khi bị đánh thì rất nguy hiểm, vì bom đánh vào khu vực núi đá thì dễ bị sát thương hơn đồi đất. Đầu tiên chúng tôi gặp là trưởng ban tác chiến của mặt trận. Tôi báo cáo vắn tắt chỉ thị của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, rồi tranh thủ tới khu vực thông tin gặp đồng chí Hoàng Xuân Vượng anh em rất mừng! Chúng tôi không nghỉ, mặc dù sau một đêm hành quân hết sức khó khăn. Tranh thủ làm việc ngay với đồng chí chủ nhiệm thông tin và anh em Ban 3 mặt trận. Nghe tình hình, bàn bạc bổ sung những gì chưa đầy đủ, khôi phục ngay liên lạc với Hà Nội. Mọi việc đều tiến hành thuận lợi, sau đó gặp được các đồng chí Trần Quý Hai - Tư lệnh, Vũ Lăng – Tham mưu trưởng, các đồng chí đón tiếp rất thân mật, tin tưởng thông tin sẽ phục vụ tốt các đợt 2, 3 chiến dịch.

Sinh hoạt ở đây tuy là chiến trường nhưng chiến dịch là do Bộ phụ trách, các đơn vị quân, binh chủng tham gia đều là của chủ lực chính quy nên cũng được bảo đảm cung cấp mọi thứ đầy đủ hơn những nơi khác. Vũ khí phương tiện cái gì hiện đại cũng đều có, đúng là một cuộc đọ sức trên cả phương diện vật chất với Mỹ.

 

TỜ GIẤY PHÉP QUA KHU VỰC BỊ ĐÁNH PHÁ VÀ TỜ GIẤY QUA PHÀ ƯU TIÊN

Từ ngày đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá bằng không quân ra miền Bắc, công tác chi viện cho miền Nam ngày càng lớn, càng khẩn trương bằng mọi phương tiện thô sơ, cơ giới, đường sông, đường biển và có cả đường không, thì đường sá, cầu cống, sông suối bị địch đánh phá ngày đêm tan tành. Mặc dầu ta đã có nhiều biện pháp khắc phục bằng tất cả mọi lực lượng: bộ đội, dân công, thanh niên xung phong chiến đấu làm việc suốt ngày đêm dưới làn bom đạn của địch. Trên con đường Bắc – Nam trước chỉ có con đường số 1, một phần đường 15 nhưng do địch đánh phá ta đã hình thành một mạng lưới đường sá quân sự làm gấp, cầu phà tạm, nhưng vì lưu lượng xe cơ động rất lớn và chỉ hành quân được ban đêm, nên xe xếp hàng dài mấy cây số để vượt qua trọng điểm. Đối với đoàn vận tải đành phải chờ đợi, còn với những đoàn cán bộ đi công tác thì rất ảnh hưởng vì phải bảo đảm thời gian. Do vậy, mới đề ra những giấy tờ đặc biệt để đảm bảo cho những trường hợp này.

Là một giấy qua cầu phà ưu tiên (có ưu tiên I và ưu tiên II)

Ưu tiên I: là cho đối tượng đặc biệt quan trọng mà mọi lực lượng bảo đảm hành quân trên đường phải dành cho họ, kể cả điều động lực lượng cao xạ phòng không yểm trợ.

Ưu tiên II: là loại giấy vào các khu vực địch đánh phá, thường được cấp cho cán bộ chỉ huy tham mưu, tác chiến ở chiến trường, loại giấy này cũng có giá trị lớn vì những khu vực còn đánh nhau, có bộ đội canh gác thì anh vẫn có thể vào để kiểm tra, quan sát nắm tình hình. Những cán bộ thông tin đi công tác chiến trường thường được cung cấp đủ hai loại giấy tờ ấy...

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét