Võ Tấn Đường
Tôi muốn kể lại vài mẩu chuyện
nhỏ về tinh thần trách nhiệm với đồng đội, tinh thần dũng cảm và sự hy sinh của
nữ chiến sĩ thông tin trên tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.
Chuyện các nữ chiến sĩ thông
tin đi sửa dây và ngủ qua đêm ở giữa rừng, nơi nhiều bom đạn, thú và biệt
kích...
Một đêm tháng 12 năm 1971 đầu
mùa khô năm 1972, mùa vận chuyển của Bộ tư lệnh Trường Sơn. Hôm đó địch đánh
phá ác liệt. Các đường dây thông tin bị hỏng nặng. Tất cả anh em phải đi khôi
phục dây trên đường. Lúc 18 giờ, một đường dây quan trọng để chỉ huy các đoàn
xe vượt ngầm và chỉ huy các lực lượng cao xạ đánh địch bị đứt, tình huống quá
khẩn trương, nhưng các chiến sĩ nam đã đi vắng cả, cán bộ đang phân vân, thì có
hai nữ chiến sĩ cơ vụ tình nguyện xin đi, tinh thần quyết tâm cao nên cán bộ chấp
nhận (đó là nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Thái quê Vân Đình, Hà Đông và Vũ Thị Mạo quê
Ba Vì, Sơn Tây). Ở nhà ngóng chờ đến 21 giờ đường dây thông liên lạc, mọi người
thở phào... Sau đó hai cô gọi về nói trời tối quá, xin ngủ ở rừng sáng mai về sớm.
Hai cô sinh năm 1953, nghĩa là mới rời ghế nhà trường thì vào chiến trường,
song tinh thần có thua kém gì nam giới (ai bảo nữ nhi chân yếu tay mềm). Hai cô
bây giờ chắc chắn đã làm chức mẹ, chức bà và chắc đang công tác ở một cơ quan
hay xí nghiệp nào đó của Hà Tây hay Hà Nội... Qua đây tôi xin có lời chúc sức khỏe
cả gia đình và mong hai cô nhớ lại cái đêm ấy ở chiến trường năm xưa kể cho con
cháu nó nghe tinh thần dũng cảm của mẹ nó, bà nó nhé.
Hành động thể hiện tinh thần
đồng đội lúc gay go quyết liệt
Hôm ấy ngày 26 tháng 3 năm
1969, địch đánh B52 vào chỉ huy sở Tiểu đoàn 36 và hai đại đội (2 và 5) thông
tin. Lúc ấy khoảng 4 giờ 30 phút bộ đội đang ngủ, loạt đầu năm chiếc đánh vào
đơn vị bạn cách đó 400 mét, tiếng bom nổ rung đất, cả đơn vị tỉnh dậy chạy xuống
hầm. Loạt bom đầu chấm dứt, kinh nghiệm chiến trường biết địch sẽ đánh tiếp, cố
ngăn không cho anh em rời hầm. Nhưng một số đồng chí quá lo lắng cho đơn vị bạn,
muốn đi cấp cứu và khôi phục đường dây... trong số đó có hai đồng chí nữ y tá đeo
túi thuốc chạy ra khỏi hầm, ngăn chặn không kịp nên đã hy sinh... đó là cô Lừng
(không nhớ họ) quê Kim Sơn, Ninh Bình y tá Đại đội 2 và cô Kiều Thị Thanh quê
Hưng Yên y tá tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 36. Các cô vừa ra khỏi hầm thì tốp B52 thứ
hai cùng 5 chiếc rải thảm vào chỉ huy sở Tiểu đoàn 36 và Đại đội 2, Đại đội 5
làm hy sinh 7 đồng chí và 1 bị thương. Trong 7 đồng chí hy sinh, thương tâm nhất
là 2 nữ y tá. Cô Lừng thi thể chỉ gom được vài đoạn, cô Thanh thì bom ném đi xa
50 m thân thể còn nhưng mềm nhũn như người không có xương: sự hy sinh của 2 cô
y tá xuất phát từ tinh thần đồng đội rất đáng khâm phục.
(Địa điểm xảy ra gần Bản
Na-po, huyện Ché-po-ne tỉnh Xa-va-na-khét (Hạ Lào)... Các đồng chí thương vong
gồm:
1. Đồng chí Tương thiếu úy
(quê ở Hà Đông).
2. Đồng chí Hiến, thượng sĩ
(quê Diễn Châu, Nghệ An).
3. Nữ đồng chí Tứ (quê Thạch
Hà, Hà Tĩnh).
4. Nữ đồng chí Lừng y tá
(quê Kim Sơn, Ninh Bình).
5. Nữ đồng chí Kiều Thị
Thanh y tá (quê Hưng Yên).
6. Hai đồng chí nam không nhớ
tên.
Nữ đồng chí Chỉ, bị thương
quê Ninh Bình
Qua trang giấy này chúng ta
dâng một nén hương tượng trưng để tưởng nhớ linh hồn các đồng chí.
Lời nhắn cuối cùng
Một trường hợp hy sinh để lại
lời nhắn nhủ ghi đậm trong tôi. Hôm nay xin nói lại để chúng ta cùng nghe, may ra
có ai đó là người nhà thân quen càng tốt, chuyển lời nhắn cuối cùng cho gia
đình. Khoảng tháng 4 năm 1969, địch đánh bom tọa độ vào chỉ huy sở Binh trạm
33/BTL 559 tại cao điểm 520 gần Bản Khốc, huyện Mường Phìn, tỉnh Xa-va-na-khét
Hạ Lào (đơn vị hy sinh 6 đồng chí trong đó có 2 đồng chí nữ thông tin đang trực
tổng đài (Nguyễn Thị Áng quê thị xã Ninh Bình, đồng chí Nhượng quê Hưng Yên). Cả
hai đều nhập ngũ năm 1965. Cô Áng người to khỏe lại hát hay. Lúc tôi làm chủ
nhiệm thông tin BT33, vào các mùa khô, tuyên huấn thường trưng dụng Áng đi hát
dọc đường để động viên lái xe. Thời gian đó có một đại đội trưởng lái xe rất
yêu cô. Áng cũng ngầm yêu đồng chí ấy. Kết thúc mùa khô 1967-1968, vì thiếu gạo,
cấp trên cho một bộ phận ra Quảng Bình. Thấy cô Áng công tác tích cực, là tiểu
đội trưởng tổng đài và cũng biết đồng chí lái xe yêu cô nên tôi có nhã ý cho cô
ra Quảng Bình, tạo điều kiện cho cô xây dựng gia đình. Nhưng cô Áng nhất nhất
không chịu đi. Cô tình nguyện ở lại. Cô nói: "Em nhường cho chị em khác.
Mình còn sức phục vụ được nhiều càng tốt chứ sao, còn việc chồng con đợi hòa
bình sẽ hay!...".
Đầu tháng 4 năm 1969, một
đêm đang trực, cô biết tôi cũng đang trực trên đoàn nên cô gọi điện và nói với
tôi rằng: "Tổng đài có nuôi được mấy con gà, mời thủ trưởng kết thúc mùa
khô xuống chơi liên hoan. Nhân đó, nhờ thủ trưởng một việc nhỏ". Tôi hỏi
"Việc gì mà quan trọng vậy?". Cô nói "Không giấu gì thủ trưởng,
mấy năm vào Trường Sơn, em có dành dụm được 8, 9 trăm đồng tiền Trường Sơn. Em
có đứa em gái tên là Sơn, ở nhà em thương nó lắm, gửi thủ trưởng nếu sắp tới có
ra đổi hộ tiền Bắc và đưa hộ cho nó...". Lúc ấy tôi ở cách BT33 sáu giờ đi
đường nên đâu có xuống được nên không dám hứa... Không ngờ, chưa kết thúc mùa
khô cô Áng đã hy sinh... Chẳng rõ sau khi hy sinh, các vật kỷ niệm của cô có đến
được gia đình như ước nguyện?...
Năm tháng cứ trôi đi, dĩ
vãng cũng ngày càng xa tắp. Nhớ về những năm tháng ở Trường Sơn, tôi thầm mong điều
ước muốn của Áng đã đạt được...
Cô gái Thái Bình (Chuyện về ba cô gái Thái
Bình đã hy sinh ở chiến trường)
Khoảng tháng 8 năm 1974, tại
khu vực ngầm Sé-la-mâng thuộc huyện Mường Noòng, tỉnh Xa-va-na-khét (Hạ Lào). Hôm
ấy, đơn vị cho anh em sửa chữa lán trại. Ba cô gái chiến sĩ thông tin làm nhiệm
vụ sửa chữa hầm cơ vụ. Đang đào, chẳng may trúng bom, bom nổ, cả ba cô đã hy
sinh. Ba cô gái đó là: Cô Thắng, cô Thắm và cô Thí. Ba cô cùng quê Đông Hưng,
Thái Bình. Cô Thắm và cô Thí do vết thương trúng chỗ hiểm, các cô khát nước quá
xin uống. Anh em biết hai cô đã bị chảy máu trong, bác sĩ bảo không được uống
nước để còn cấp cứu, nhưng chỉ một lát sau, vì máu ra nhiều quá nên hai cô lịm
dần. Riêng cô Nguyễn Thị Thắng người to lớn rất khỏe, chị em đỡ ngồi dậy, cô rất
tỉnh táo và thanh thản nói "Thủ trưởng và các chị ơi, chắc em chết mất. Em
chết cũng chẳng ân hận gì, chỉ thương cha mẹ và gia đình em chắc buồn lắm. Các
chị và thủ trưởng nhớ động viên gia đình hộ em. Em hy sinh vì sự nghiệp độc lập
và thống nhất Tổ quốc...". Tôi động viên cô yên tâm, sẽ có xe đưa cô vào bệnh
xá, các bác sĩ sẽ cứu chữa cho Thắng... Nói vậy, chứ tôi biết cô khó qua khỏi
vì vết thương quá nặng, suốt hai bắp chân, hai đầu gối, hai bắp đùi và ở bụng
có đến mấy chục viên bị găm sâu vào cơ thể. Cô tỉnh vì sức cô rất khỏe và các vết
thương chưa phát tán. Quả thật vậy, khi đưa vào bệnh xá, các bác sĩ phẫu thuật
suốt một buổi chiều và cả đêm hôm đó mà vẫn chưa gắp hết bi ra. Ngày hôm sau lại
tiếp tục cấp cứu nhưng đến chiều thì Thắng qua đời. Các bác sĩ vô cùng khâm phục tinh thần, nghị lực chịu đựng của cô. Các
bác sĩ nói, chưa có một thương binh nào bị thương nặng như thế mà không hề kêu
la, chỉ thỉnh thoảng rên nhẹ thôi.
Phần mộ ba cô đã được quy tập
về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị). 30 năm đã
trôi qua, song hình ảnh, tấm gương sáng của các cô còn đọng mãi trong tôi và đồng
đội của các cô ngày ấy. Tôi muốn dâng nén hương tưởng nhớ linh hồn các cô nơi chín
suối.
Lúc ba cô gái đó hy sinh tôi
đang là Chủ nhiệm thông tin Sư đoàn 472 thuộc Bộ tư lệnh 559...
Muốn làm chiến sĩ thông tin
Chuyện về nữ chiến sĩ có
nguyện vọng tha thiết muốn làm chiến sĩ thông tin nhưng rồi vĩnh viễn không đạt
được nguyện vọng. Cô tên Phạm Thị Huệ, quê xã Yên Mạc, huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh
Bình. Huệ đã tốt nghiệp phổ thông trung học tình nguyện vào chiến trường năm
1966, hy sinh dũng cảm năm 1968, khi ước nguyện làm một chiến sĩ thông tin của
cô chưa thành hiện thực. Tôi nhớ ngày ấy, với nguyện vọng của mình, Huệ đã nhiều
lần nhờ tôi can thiệp, tôi coi cô như lính thông tin và xin kể lại vài mẩu chuyện
nhỏ về cô để tưởng nhớ lòng mến mộ của cô đối với Binh chủng Thông tin.
Năm 1966, nữ quân nhân được
điều động vào Trường Sơn rất đông, chủ yếu là trên tuyến đường 559. Riêng tháng
11 năm 1966, quân lực Binh trạm 33 đã tiếp nhận một đại đội nữ, bổ sung cho
thông tin 8 cô. Cô Huệ có nguyện vọng xin vào thông tin ngay từ đầu, song quân
lực lại phân công cô Huệ và cô Nhẫn về tài vụ. Cơ quan ở gần thông tin nên các
cô thường xuyên liên lạc và thăm viếng nhau, rồi lại thông qua các cô thông tin
nhờ can thiệp để được về bộ phận thông tin. Cô Huệ thường nhờ tôi nói giúp. Tôi
nói, thông tin rất cần cô, song tài vụ cũng rất cần cô nên tôi không thể can
thiệp được. Tôi còn đùa: Làm tài vụ sướng hơn thông tin đấy!... Cô Huệ nói:
"Đâu có phải chuyện sướng hay khổ mà là nguyện vọng..". Kết thúc mùa
khô năm 1967, biết tin tôi ra Quảng Bình họp, cô qua thăm tôi và gửi một gói
quà về nhà gồm hai bộ quần áo quân phục mới, một đôi giầy vải, vài thứ lặt vặt...
Cô nói: "Thủ trưởng giúp em một lần, em sẽ nhớ ơn mãi". Tôi hơi ngạc
nhiên hỏi: "Các thứ này sao không để lại dùng?". Huệ cười nói:
"Không dùng nữa...". Tôi nói vì đi ra gấp và không biết nhà cô. Cô
nói em có người anh trai làm việc ở ban kế hoạch tỉnh Ninh Bình. Sơ tán ở huyện
Gia Khánh gần thị xã đó thôi. Sau khi ra Quảng Bình, tôi tìm mãi anh cô nhưng
không ai biết và cũng không ai chỉ cho tôi có lẽ vì phòng gian bảo mật. Tôi
đành đem gửi bưu điện Gia Khánh, chẳng biết sau đó có đến nơi không?
Trở vào chiến trường, cơ
quan chuyển đi xa nên tôi không gặp Huệ. Sau đó, qua những người lính thông tin
tôi biết Huệ có gửi lời thăm tôi và còn nói có lẽ vĩnh viễn không được làm lính
thông tin nữa. Vì Huệ được trên quyết định về làm văn công Đoàn 559. Huệ đã từ
chối nhưng không được vì là lệnh của thủ trưởng Vũ Xuân Chiêm, nên cô phải chấp
hành...
Bất ngờ không lâu sau đó,
tôi lại nghe tin Huệ đã hy sinh khi đang phục vụ bộ đội... Cái tin đó làm tôi
ngỡ ngàng và mến tiếc...
Trên nghĩa trang Trường Sơn,
có trên một vạn ngôi mộ trải rộng trên ngọn đồi. Trong đó có rất nhiều ngôi mộ
của anh chị em lính thông tin Đoàn 559/BTL Trường Sơn...
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét