Đại tá Đặng Khắc Thoả
Sau chiến thắng lịch sử Điện
Biên Phủ, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, tôi và nhiều cán bộ ở miền Nam tập kết
ra Bắc học tập và xây dựng quân đội. Một số cán bộ, chiến sĩ được phân công ở lại
tiếp tục học tập, công tác và xây dựng lực lượng.
Sau học tập về cải cách ruộng
đất, tôi được cử đi học ở Tiểu đoàn 5 - Khoa Thông tin thuộc Trường Lục quân Trần
Quốc Tuấn do đồng chí Lê Văn Sai phụ trách.
Kết thúc khoá học tôi và
Châu Dương được giữ lại làm cán bộ khung, nhưng được nửa khoá thì có lệnh trở về
miền Nam chiến đấu.
Tuy rất phấn khởi nhưng
trong tâm tư cũng có chút bịn rịn vì hai người đều đã có bạn gái ở miền Bắc.
Trước khi lên đường, chúng tôi đã gặp để chia tay và hứa hẹn đến ngày thống nhất
sẽ đón các bạn vào Nam thăm gia đình... Riêng tôi đã mua một cặp áo gối, một lược
ngà để tặng cô bạn chiếc lược và một áo gối, còn một chiếc tôi mang theo về
Nam, cất kỹ trong ba lô suốt cuộc hành quân vượt Trường Sơn và những năm tháng
chiến đấu bên mình. Trong một đợt phục vụ chiến dịch lớn, tư trang của tôi (trong
đó có chiếc áo gối) đã gửi lại hậu cứ và bị thất lạc theo năm tháng.
Ngày 5 tháng 5 năm 1961,
Đoàn "Phương Đông 1" hành quân về miền Nam. Thành phần gồm khung các
cơ quan Bộ Tư lệnh Miền, khung các cơ quan Quân khu trong đó có khung Trường
Thông tin Miền gồm 4 người: Nguyễn Hữu Nhơn, Châu Dương, Lê Phong Quang, Đặng
Khắc Thoả.
Vào Nam chiến đấu là một nhiệm
vụ cao cả, là nguyện vọng chính đáng của những người con miền Nam tập kết ra Bắc.
Nhưng khi chuẩn bị và hành quân phải giữ tuyệt đối bí mật. Hành trang mỗi người
đi B mang một ba lô khoảng 30-35 kg. Trang bị gồm: một bộ đồ soọc, một bộ quân
phục Giải phóng, vải kaki màu hột gà, một bộ bà ba đen, một bộ đồ quân phục của
bộ đội Lào, một nón tai bèo và một số đồng kíp (tiền Lào) để sử dụng khi hành
quân trên đất Lào, vũ khí: một súng ngắn P38, một các-bin. Tất cả đồ dùng của
miền Bắc xã hội chủ nghĩa đều để lại, không được mang về.
Cuộc hành quân từ Xuân Mai -
Hoà Bình đến Thanh Hoá bằng ô tô. Trạm dừng đầu tiên được đón tiếp, ăn ngủ đầy
đủ. Qua ngày hôm sau hành quân tiếp đến Đồng Hới. Trước khi hành quân bộ, được
trực thăng tiếp tế gạo, sữa đường, thức ăn khô,... trên vai mỗi người thêm một
trọng lượng khá nặng. Nhưng dù nặng nhọc, vất vả đến mấy anh em vẫn vui vẻ vì
là chuyến hành quân về Nam chiến đấu.
Tuy mang vác nặng, hành quân
đường rừng mới mở, lên đèo vượt núi, lội sông, hành quân từ sáng sớm đến chiều
tối mới tới trạm. Chuẩn bị chỗ ngủ, nấu cơm ăn tối, chuẩn bị vắt cơm cho ngày
hôm sau. Có hôm hành quân dưới trời mưa tầm tã suốt ngày, khi đến nơi càng mưa
to. Cả tiểu đội vừa bẻ củi, vừa căng bạt làm mái che để nấu cơm. Tuy thức ăn
đơn sơ, chủ yếu là muối nhưng mọi người ăn vẫn ngon lành.
Ngày hành quân trên đất Mường
Phìn với quân phục Giải phóng quân Lào. Vừa hành quân vừa mở đường, khi vượt
qua đường số 9 - Nam Lào còn mùi khét của bom đạn, khói lửa đã thúc giục mọi
người vượt qua khó khăn trở ngại trên đường hành quân. Khi đoàn về đến các trạm
tỉnh Quảng Đà không có gạo phải ăn sắn, ngày hôm sau hành quân tiếp, đói và mệt,
trên đường tạm dừng bẻ măng lồ ô luộc ăn. Một số không quen, bị ói mửa, nhưng
quyết tâm về Nam chiến đấu thôi thúc anh em cố gắng đến trạm trong ngày để ngày
mai tiếp tục hành quân.
Sau 3 tháng vượt bao gian
lao vất vả, cực nhọc về tinh thần, nặng đôi vai, chùn đôi chân... Cuối cùng niềm
vui, ước mơ về đến miền Nam đã được thực hiện. Ngày đầu đoàn hành quân tạm nghỉ
tại Mã Đà lại gặp đoàn quân chiến thắng của lực lượng miền Đông vừa giải phóng
tỉnh Phước Thành trở về tại Mã Đà. Cuộc hội ngộ bất ngờ, tình cảm người ra đi
trở về cùng người ở lại chiến đấu tay bắt mặt mừng, niềm vui khôn xiết, là nguồn
động viên sức mạnh chiến đấu cho ngày mai.
Hành quân dài ngày mới về, mệt
mỏi nhưng ngày hôm sau phải đi tải gạo ngay. Bữa cơm gạo trắng đầu tiên của miền
Nam, ăn với mắm ruốc ngon lành, có người ăn hết 1 kg gạo. Bụng đã no nhưng miệng
vẫn còn thèm ăn nữa...
Khi đoàn "Phương Đông
1" chia tay để về các chiến trường, 4 chúng tôi trở về Ban thông tin R do
anh Lê Văn Sai và Nguyễn Xuân Đào phụ trách và được giao nhiệm vụ xây dựng Trường
Thông tin Miền. Với 8 bàn tay, 4 chiếc cuốc, 2 cưa, được trang bị một súng tự tạo,
1 các-bin, 1 quả mìn clây-mo để xây dựng trường đầu tiên trên khu vực Trảng
Dài.
Do yêu cầu chiến trường, anh
Tám Trần, Sáu Quang được điều về Quân khu 9; anh Châu Dương về làm chủ nhiệm
thông tin Q762. Trong trận đánh vào kho bom Biên Hoà, anh Dương bị thương nặng,
được đưa ra điều trị, an dưỡng tại miền Bắc. Không có gì vui mừng và sung sướng
bằng những người con miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó được điều về miền Nam chiến
đấu. Vinh dự được có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất
Tổ quốc, chúng tôi tự hào đã hoàn thành nhiệm vụ trở về miền Nam chiến đấu
và chiến thắng.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc – Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét