Đại tá Huỳnh Xuân Mai - nguyên
Phó giám đốc TTTT KHKTQS Bộ Tổng tham mưu
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ được
ký kết, tháng 7 năm 1954, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, đất nước Việt Nam tạm
chia thành hai miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời. Sau hai
năm sẽ hiệp thương, tuyển cử thống nhất đất nước...
Nhưng ngay từ ngày đầu, thực
dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ bán nước đã ra sức phá hoại hiệp định, nhằm biến miền
Nam Việt Nam thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Từ cuộc đấu tranh cách mạng,
Đảng ta, Bác Hồ, hiểu rất rõ âm mưu thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù, nên đã sớm xác
định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam sau năm 1954, là xây dựng miền
Bắc vững mạnh toàn diện - hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Nam
tiền tuyến lớn của cả nước.
Để chuẩn bị lực lượng, thực
hiện hai nhiệm vụ trên, Bác Hồ và Đảng ta đã chỉ đạo, chọn đưa lực lượng bộ đội,
một số cán bộ, con em các gia đình có công với cách mạng tập kết ra Bắc để công
tác, nuôi dưỡng, học tập, đào tạo... coi đây là hạt giống đỏ, nguồn vốn quý vô
giá của cách mạng, có khả năng phục vụ lâu dài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam.
Theo tôi, nhận thức sâu sắc
rằng việc thành lập các trường học sinh miền Nam với mục đích đã nêu trên và trường
văn hóa quân đội ta, nhằm nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức khoa học kỹ thuật
quân sự cho cán bộ chỉ huy, lãnh đạo quân đội trong giai đoạn cách mạng mới là một
chủ trương chiến lược của Bác Hồ.
Người có tầm nhìn xa, trông
rộng, hiểu rõ các bước phát triển sắp đến, dự đoán những khó khăn phức tạp của mạng
Việt Nam sau này.
Sau khi tập kết ra Bắc, tôi
và một số cán bộ, bộ đội miền Nam được tuyển chọn, chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội
rồi đến học tập bổ túc văn hóa tại Trường văn hóa quân đội Kiến An - Hải Phòng.
Đầu tháng 8 năm 1956, đoàn học viên quân đội gồm 80 cán bộ, được Bộ Quốc phòng
cử sang Liên Xô học tập tại nhiều học viện quân sự khác nhau, do đồng chí Đàm
Quang Trung làm trưởng đoàn, đồng chí Lê Tự đồng làm phó đoàn, phụ trách chính trị.
Đến Mạc Tư Khoa, đoàn tách ra nhiều đoàn nhỏ mang tính chuyên ngành, phải di
chuyển về nơi mình sẽ học tập.
Riêng đoàn cán bộ thông tin,
11 người có các anh: Phạm Niên, Phan Hoan, Đào Phố, Kiều Kim Sơn, Nguyễn Chỉnh,
Phạm Hiệu, Hoàng Phụng Ngọc, Huỳnh Xuân Mai, Lê Trung Kiên và Đinh Văn Định do
anh Hoàng Niệm làm trưởng đoàn, đáp chuyến tàu lửa cao tốc về học viện Hàn Lâm Thông
tin liên lạc ở thành phố Lê-nin-grát.
Tại đây, chúng tôi được đón
tiếp rất chân tình, niềm nở như người nhà và được bố trí tại một ký túc xá rộng
lớn, sẽ học tập cùng với nhiều đoàn sĩ quan các nước bạn như: An-ba-ni, Ba Lan,
Tiệp Khắc, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Trung Quốc, Mông Cổ, Cộng hòa dân
chủ nhân dân Triều Tiên...
Vào những ngày tháng năm đầu,
chúng tôi học tập rất vất vả, nhất là phải nghe, nói, viết, đọc hoàn toàn bằng
tiếng Nga, không có phiên dịch và từ điển tra cứu. Nhưng nhờ phương pháp giảng
dạy đặc biệt với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của các thầy cô giáo Nga, cho đến
hết năm dự bị đại học, chúng tôi mới có thể tiếp thu tương đối hoàn chỉnh.
Đây là những công lao đầu
tiên của thầy cô giáo Nga, vì không có các thầy cô truyền thụ cho chúng tôi môn
ngoại ngữ - Nga văn là những kiến thức văn hóa cơ bản ban đầu thì làm sao chúng
tôi có thể học lên cao được.
Chúng tôi vô cùng mang ơn
các thầy cô về công lao đầy tình nghĩa ấy, đặc biệt là thầy đại tá Mar-cốp, có
khuôn mặt hiền từ, đôi mắt to và sáng, phụ trách hướng dẫn chúng tôi học tập điều
lệnh, lên kế hoạch cho chúng tôi đi tham quan những danh lam thắng cảnh như bảo
tàng, cung điện mùa đông, mùa hè, xem ca nhạc tại các nhà hát lón, v.v...
Ở đây chúng tôi tận mắt thấy
được những công trình kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật tuyệt vời vô giá của nhân
loại... Không sao quên được công ơn của cô giáo Nga Va-lư-scô-ca, Trút-xa-nô-va
và nhất là bà mẹ Va-xi-lev-ka-ia, chuyên dạy môn hóa - Bà lên lớp không dùng
giáo án, bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, kết quả học tập cao. Bà phúc hậu nhân từ,
chồng hy sinh trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Chúng tôi đến thăm căn phòng
của bà, tưởng một biệt thự to lớn, nhưng không, nó đơn sơ, giản dị như phong cách
của bà. Chúng tôi gọi bà là Mẹ, vì bà hết lòng chăm lo học hành, sức khỏe không
những đối với học sinh quân sự chúng tôi mà cho cả các em sinh viên học tập ở
các trường đại học trong thành phố. Ai ốm đau, có khó khăn là bà đến thăm, mang
quà tặng, động viên để bệnh tình chóng hồi phục.
Chúng tôi thật sự bị choáng ngợp, xúc động, bởi
hàng trăm sản phẩm thắng cảnh Việt Nam treo quanh tường nhà bà như Hồ Tây, Hồ
Gươm, chùa Một Cột, các bức tranh sơn mài khắc họa những nét tinh tuý nhất của
tâm hồn Việt Nam.
Đã gần hai năm xa Tổ quốc,
nhớ quê hương da diết, thì chúng tôi nhận được thông báo sẽ có đoàn cán bộ cấp
cao Chính phủ ta đến thăm các trường quân sự, không chỉ riêng lưu học sinh
chúng tôi náo nức vui mừng mà các bạn sĩ quan Liên Xô cũng vậy, rạo rực chờ đợi.
Chúng tôi cứ đoán già đoán non đoàn đại biểu do ai dẫn đầu? Phần đông phỏng
đoán chắc đoàn của Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng đến thăm.
Một buổi sáng hôm ấy đúng
vào ngày 16 tháng 8 năm
1957, chúng tôi tập trung tại
bán đảo Pê-trô-pap-lov-ka-ia xinh đẹp đầy thơ mộng, hồi hộp chờ đợi. Bỗng thấy
một đoàn xe từ từ tiến vào cổng, chiếc xe đi đầu dừng lại, thật bất ngờ thấy
Bác Hồ tự mở cửa xe bước xuống và nhanh chân, tươi cười đến chỗ chúng tôi.
Có ai đó nhận ra, kêu to:
Bác Hồ! Bác Hồ! Tiếng vỗ tay vang lên nhiều lần, theo sau Bác là bác sĩ Phạm Ngọc
Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chúng tôi reo lên và đến vây
lấy Bác. Bác ra hiệu cho chúng tôi trật tự và đưa mắt trìu mến nhìn chúng tôi
thật xúc động! Lúc này các cô giáo Nga cũng đã đến. Mọi người tặng hoa, chúc sức
khoẻ Bác, Bác tươi cười cảm ơn bằng tiếng Nga.
Bác hỏi bà
Ta-ma-ra-phê-đô-rov-na dạy Nga văn về việc học tập tiếng Nga của chúng tôi và cảm
ơn các thầy cô đã dạy dỗ học sinh Việt Nam. Chúng tôi vô cùng xúc động và có cảm
tưởng như Bác là người cha đến thăm con cháu ở nơi xa! Bác bận trăm công, ngàn
việc, Bác vẫn quan tâm đến việc học hành của chúng tôi, Bác quay lại nói chuyện
với chúng tôi.
Thật bất ngờ Bác hỏi cháu
nào là người miền Nam ở đây? Tất cả lặng đi vì xúc động. Ở cách xa Tổ quốc hàng
vạn dặm, vậy mà Bác vẫn nhớ đến miền Nam! Người luôn luôn dành cho miền Nam
tình cảm đặc biệt. Mấy anh bạn giục tôi thưa với Bác đi, thân hình tôi quá thấp,
ít tuổi nhất, lại đứng sau cùng, chỉ thấy được tay Bác giơ lên vẫy gọi. Tôi
lách người theo anh bảo vệ mở lối chạy lên:
- Thưa Bác, cháu là người miền
Nam ạ!
- Cháu lên đây với Bác.
Tôi ngập ngừng, Bác nói:
- Cháu lên đây ngồi gần vào
Bác nào?
Tôi đến bên Bác, Bác choàng
tay, ôm lấy tôi, xoa đầu tôi, nhìn tôi mỉm cười, tôi ngồi bên cạnh Bác, cảm thấy
sướng vui không sao kể xiết. Tất cả im lặng, chờ đợi. Bác hỏi các cháu khỏe
không? Có chịu đựng được cái rét dưới âm độ không? Công tác, học tập có tốt
không? Mọi người không ai bảo ai, đồng loạt trả lời, thưa Bác có ạ!
Riêng tôi, Bác dặn:
- Là người miền Nam, cháu phải
học thật giỏi để xứng đáng với quê hương ruột thịt.
Tôi xúc động, không nói nên
lời!
Bác nói chuyện với tất cả học
viên:
Nhân dịp Bác và chú Phạm Ngọc
Thạch sang thăm Liên Xô, Bác ghé thăm các cháu, biết các cháu học tập tốt, Bác
rất mừng. Bằng giọng ấm áp trìu mến, Bác nói ngắn gọn về tình hình trong nước,
về công cuộc xây dựng miền Bắc và giọng Bác nghẹn ngào, khi nói đến miền Nam, về
sự tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng khủng bố, đàn áp, bắn giết, bỏ tù những người
kháng chiến cũ, những người đấu tranh anh dũng, đòi thi hành Hiệp định
Giơ-ne-vơ, đòi hiệp thương...
Bác dặn: Các cháu phải biết
nén đau thương, biến nó thành sức mạnh, hãy cố gắng công tác, học tập thật giỏi,
chấp hành tốt các quy định, nội quy của Nhà nước và luật pháp của nước bạn. Sau
này học xong, các cháu trở về nước góp phần xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc
phòng ở miền Bắc và vào miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương - đồng bào miền
Nam ruột thịt. Chúng tôi lắng nghe như nuốt từng lời Bác dạy. Khi Bác ra về,
chúng tôi vẫn đứng lặng tại chỗ như vừa trải qua một giấc mơ tuyệt vời, hạnh phúc,
vinh dự biết bao.
Bà giáo Nga văn nói với
chúng tôi:
- Trong đời tôi, hôm nay là
ngày đẹp nhất, vinh dự nhất, Bác Hồ vĩ đại mà sao giản dị đến thế!
Sau ngày Bác đến thăm, toàn
học viện dấy lên một tinh thần học tập sôi nổi, nhiều người đạt loại giỏi.
Tốt nghiệp, chúng tôi về Tổ
quốc và lần lượt vào Nam chiến đấu đến trận đánh cuối cùng, mang tên chiến dịch
Buôn Ma Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Sài
Gòn và toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đây là niềm vinh dự, tự hào,
vì chúng tôi đã thực hiện đúng lời Bác Hồ dặn.
Đã gần 50 năm rồi, nhưng lần
được gặp Bác mãi mãi ghi nhớ trong trái tim tôi.
Nhìn lại những năm chiến đấu
chống Pháp rồi chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường miền Nam giải phóng quê hương
thống nhất Tổ quốc, đến ngày nghỉ hưu, tham gia công tác xã hội, xây dựng địa
phương, trên cương vị nào, bất cứ ở đâu, thì kỷ niệm sâu sắc lần gặp Bác mùa
thu năm ấy, luôn là động lực thúc đẩy tôi hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được
giao để xứng đáng hơn nữa là con cháu Bác Hồ muốn vàn kính yêu nói chung và người
lính thông tin nói riêng.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”)
0 comments:
Đăng nhận xét