1.2.25

Đường lên đỉnh núi Ti On

Đinh Kỷ

Tại vị trí tập kết của tiểu đoàn ở chiến trường Tây Nguyên, giữa tháng 2 năm 1975, nhiệm vụ đã được giao. Chia tay chúng tôi, anh Lưu Đức Doanh, đại đội trưởng, Phạm Quang Liệu - chính trị viên phó đưa trung đội do Nguyễn Văn Bớt làm trung đội trưởng tiếp tục hành quân đi cơ động cho chiến dịch. Để lại tôi và anh Nguyễn Văn Diến - chính trị viên chỉ huy đại đội phải chiếm lĩnh hai cao điểm bảo đảm liên lạc trên đường trục thông tin của tiểu đoàn từ Hà Nội vào chiến trường B2, trước mắt là phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Anh Diến đi cùng với trung đội đồng chí Nguyễn Xuân Liên lên cao điểm núi Chư Mom Ray. Tôi dẫn trung đội đồng chí Ngô Đăng Chữ lên cao điểm núi Ti On.

Với bản lĩnh của người chiến sĩ thông tin tiếp sức đã được tham gia triển khai thông tin phục vụ chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thuộc trung đội anh Đào Kim Kính của C12; sau đó là làm trạm trưởng trạm tiếp sức của C13 được đi cơ động phục vụ cho hướng tiến công vào Huế ở chiến dịch Quảng Trị năm 1972, nên tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm. Với cương vị là một người cán bộ đại đội phó vừa mới được bổ nhiệm, tôi rất tự tin và đặc biệt là được sự ủng hộ và yêu mến của anh em trong đơn vị. Cuộc hành quân tiếp tục, từ vị trí tập kết vào đến chân núi Ti On chúng tôi phải hành quân mất một ngày đường. Vào đến chân núi phải qua một bản làng dân tộc người Ráy thuộc tỉnh Kon Tum. Sau một ngày ổn định nơi ăn ở cho bộ phận dưới núi, đồng thời làm công tác dân vận, tìm hiểu địa danh, tìm hiểu địch tình, tìm hiểu những đơn vị bộ đội đóng quân gần, xa để tiện việc quan hệ giúp đỡ. Ngày hôm sau trừ các đồng chí lái xe ở lại bảo quản, tìm nơi cất giấu xe, còn lại toàn trung đội vận chuyển khí tài, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vũ khí, cuốc xẻng lên núi đào hầm đặt máy thông tin, dựng lán trại đủ bảo đảm cho một tiểu đội 8 đồng chí ăn ở bảo đảm thông tin, sau một tuần thì đổi kíp.

Đỉnh núi Ti On với độ cao trên 1.000m, đường lên rất hiểm trở, rừng già, vắt, muỗi nhiều. Theo người dân kể lại: Nơi đây là một trận địa của dân quân du kích. Vào năm bao nhiêu đó tôi không còn nhớ rõ đã xảy ra cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa ta và địch nên dọc đường lên núi có thể còn sót lại những vũ khí, bom, mìn, cạm bẫy mà bây giờ người dân địa phương cũng không thể lường biết được hết. Đây quả là một thách thức lớn đến với chúng tôi và còn rất nhiều những khó khăn, gian khổ đang ở phía trước. Nhưng tất cả phải vượt lên để chinh phục được đỉnh núi này cho cánh sóng vươn cao, vươn xa vào chiến trường Nam Bộ. Trước mắt là phục vụ chiến đấu giải phóng Tây Nguyên. Mọi công việc đã được đồng chí trung đội trưởng sắp đặt cụ thể, mang vác phù hợp với sức khỏe của mọi người. Ai nấy đều phấn khởi, vui vẻ chuẩn bị gọn gàng, đầy đủ mọi thứ được giao cũng như trang bị cá nhân để sẵn sàng lên núi, chỉ tiếc là hôm ấy không có người dẫn đường mặc dù tôi đã có liên hệ nhưng bà con dân bản nói không cần, các chú cứ đi theo con đường mòn mới mà lên, dân bản vẫn thường đi. Cuộc hành quân lên núi thật quả đã quá quen thuộc với lính tiếp sức do vậy mà không ai phải chần chừ do dự.

Đi đầu là trung đội trưởng Ngô Đăng Chữ, Bùi Xuân Hòa - tiểu đội phó, Nguyễn Văn Lanh cơ công vô tuyến điện... Đi cuối cùng là tôi và đồng chí Tuấn y tá. Tất cả có trên 20 đồng chí thành một hàng dọc dìu dắt nhau hành quân. Sau hơn một giờ hành quân, quãng đường chúng tôi đã đi qua ước chừng được khoảng bảy, tám trăm mét. Thế rồi tự nhiên tôi thấy hai bàn chân ngứa ngáy rất khó chịu, tôi dừng lại một chút cởi giày ra, thấy đôi chân của tôi loang lổ nhiều máu, 4 chú vắt đất vẫn cong mình, chúi đầu thi nhau hút máu ở bàn chân tôi. Trong giày còn xuất hiện 3 chú đã hút máu no căng, nằm cuộn tròn như những hạt nhãn đen sì, làm tôi choáng hết cả người. Nhanh chóng giải quyết xong mấy chú vắt, tôi đứng dậy đi tiếp. Trước mắt tôi vẫn là đoàn quân đang hành tiến và bỏ xa tôi vào khoảng 3 chục mét, chỉ có y tá Tuấn là đứng lại chờ tôi và vẫy gọi. Vẫn là những bước chân của tôi trên con đường mòn ở dải đất bằng phẳng này, vậy mà không hiểu tại sao, trong người thấy lạnh toát như có một luồng gió độc thoáng qua dun dủi tôi loạng choạng bước chân ra khỏi đường mòn chừng độ hơn một mét thì ngã ập xuống, hai cánh tay còn dang ra được để chống đỡ. Nhưng đôi cẳng chân đang bị hung khí gì đó cắn rứt ngang dọc suốt từ đầu gối trở xuống rất nhức và buốt đến tận óc. Tôi kêu thất thanh được hai tiếng (cứu, cứu). Thế rồi chỉ trong giây phút cứ xỉu dần, xỉu dần và gục đầu xuống đất, nghe láng máng có tiếng người gọi ai đó và những tiếng huỳnh huỵch trên mặt đất vội vã và thưa dần văng vẳng trong tai tôi. Có lẽ đồng đội đang chạy lại cứu tôi. Từ đó, tôi bất tỉnh nhân sự không còn biết gì nữa.

Sau khi được y tá Tuấn và anh em sơ cứu. Tỉnh lại tôi ân hận quá vì chưa làm được việc gì, lại thêm gánh nặng cho anh em rồi. Tôi nói với anh em: có lẽ bị vắt cắn ra nhiều máu quá, đứng lên đã hoa mắt, lại đeo nặng, bước đi thấy loạng choạng thế rồi chẳng may lao đúng vào nơi có vũ khí của trận địa cũ chăng.

Đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa, có tới 13, 14 mũi chông xuyên dọc xuyên ngang vào hai chân tôi. Mọi người nhìn tôi với một ánh mắt đầy thương xót. Một nỗi niềm luyến tiếc bắt buộc tôi phải trở về phía sau. Lúc ấy đồng chí Bùi Xuân Hòa là tiểu đội phó (năm 2006 đã là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 614), là người thương quý tôi nhất và rất lo lắng đến tính mạng của tôi, đồng chí đã khẩn khoản đề nghị với trung đội trưởng, để được trực tiếp cùng y tá Nguyễn Văn Tuấn và một đồng chí nữa khiêng cáng, cõng tôi quay trở xuống cho an toàn. Xuống đến chân núi, Hòa mới an tâm vui cười động viên tôi yên tâm vào viện điều trị. Bùi Xuân Hòa một mình tiếp tục rảo bước lên núi ngay. Đồng chí Tuấn y tá và một lái xe chở tôi ra trạm y tế của huyện 40 Kon Tum. Nằm ở đó 3 ngày nhưng không có đủ điều kiện để phẫu thuật lại vào gọi đơn vị cho xe chở tôi ra Đội 6 đội giải phẫu trạm quân y của Trung đoàn 10 đơn vị công binh. Bác sỹ quân y trung đoàn xem bệnh án của tôi ở D4 Bộ Tư lệnh Thông tin đã ân cần hỏi chuyện tôi, có biết Mẫu Bá Cát không? Tôi nói chuyện Mẫu Bá Cát là tài xế lái xe ở đơn vị tôi, hiện nay đi với đồng chí đại đội trưởng vào sở chỉ huy chiến dịch rồi, vậy còn bác sĩ là ai mà hỏi đến Mẫu Bá Cát? Tôi là Mẫu Bá Phèn anh trai của Mẫu Bá Cát. Vậy là may mắn cho tôi được gặp quý nhân phù trợ rồi. Đồng chí Phèn đích thân ra tay phẫu thuật, gắp được hết những mũi chông gẫy cắm sâu vào bàn chân, bắp chân của tôi, đặc biệt là công tác giải phẫu chống nhiễm trùng được bác sĩ hết sức chú trọng đến. Trong một tuần đầu nằm, ngồi đôi chân bất động nhưng được các y, bác sĩ chăm sóc rất chu đáo. Sau đó 20 ngày, các vết thương đã lành, sức khỏe được hồi phục, tôi được xuất viện trở về đơn vị công tác. Lúc này cũng là lúc chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, tôi lại được cùng anh em ngày đêm bảo đảm thông tin phục vụ chiến đấu tiếp cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

Đội văn nghệ Trung đoàn 134

Đại tá Phạm Bá Hiến - nguyên cán bộ Trung đoàn 134

Nhớ về cội nguồn, biết ơn cội nguồn là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

"Cây có gốc mới nẩy cành, xanh ngọn

Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu".

Con người ta, ai cũng có quê hương để mà thương, mà nhớ, mà tự hào. Người lính thông tin chúng tôi cũng vậy, sau quê hương đúng nghĩa của nó, còn có một quê hương thứ hai. Đó là đơn vị mình nhập ngũ đầu tiên, nơi đấy có biết bao kỷ niệm; có những kỷ niệm không bao giờ quên. Nói như anh bạn văn nghệ của tôi thì nơi ấy là mối tình đầu; "Tình cũ không rủ cũng đến", quả thật như vậy, hễ nói đến gặp mặt bạn chiến đấu Trung đoàn là từ già đến trẻ, từ người ở nông thôn đến thành thị ai nấy đều háo hức, hồi hộp mong thời gian trôi nhanh để được "đến hẹn lại lên".

Trong cái quê hương rộng lớn của Trung đoàn 134 tôi còn có nhiều kỷ niệm với cái gia đình nho nhỏ mà rất đỗi thân thuộc của tôi. Đó là Đội văn nghệ Trung đoàn.

Sau thất bại trong "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc "chiến tranh cục bộ", tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam, mặt khác mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc với ý đồ "đẩy Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá". Để đáp ứng yêu cầu đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ngày 8 tháng 8 năm 1966, Trung đoàn 134 hữu tuyến điện được thành lập, trên cơ sở Tiểu đoàn 134. Trung đoàn đóng quân phân tán trải khắp miền Bắc từ rừng phi lao Móng Cái đến Quảng Bình, Vĩnh Linh với hàng chục trạm cơ vụ, hàng trăm tổ đường dây. Những người lính thông tin hữu tuyến điện thời đó kiên cường, bám trụ ngày đêm chiến đấu trên đôi dây với đủ loại kẻ thù: bom đạn, biệt kích, thám báo, gió bão, lũ lụt, thú rừng, rắn rết, đói rét và thiếu thốn đủ đường. Ước ao của người lính lúc đó cũng thật bình dị. Có anh ước được gần mẹ, gần chị, gần em để khâu vá cho bộ quần áo lành lặn mặc đi chữa dây để các cô gái nhìn thấy khỏi cười. Trước yêu cầu đòi hỏi về đời sống tinh thần của bộ đội, Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn ra Nghị quyết thành lập Đội văn nghệ xung kích, với quy mô gọn, nhẹ, thiết thực. Có nhiệm vụ tham gia làm chuyên môn khi cần thiết, khâu vá, cắt tóc và biểu diễn văn nghệ phục vụ các tổ, trạm trên toàn tuyến Trung đoàn, trước hết ưu tiên cho tuyến lửa phía Nam từ Thanh Hóa trở vào Vĩnh Linh.

Trong bài "Cả nhà là chiến sĩ thông tin" đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 24 tháng 9 năm 1967, tác giả Bùi Á viết: "Cả nhà là chiến sĩ thông tin là một vở chèo của đội nghệ thuật nghiệp dư, đơn vị bảo vệ đường dây X, Cục Thông tin liên lạc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội nghệ thuật này thành lập tháng 8 năm 1966, gồm 15 người, trong đó có 7 nữ là chiến sĩ thông tin tích cực trong công tác và dũng cảm trong chiến đấu. Trong những tháng cuối năm 1966 đầu năm 1967, đội đã đi bộ hơn 500 cây số vào tuyến lửa để làm công tác chuyên môn và biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ bảo vệ đường dây. Hầu hết các tiết mục nghệ thuật của đội là các vở chèo, tấu, thơ, dân ca do anh chị em trong đội sáng tác và biểu diễn".

Nếu tôi nhớ không nhầm thì sáu cô gái thông tin trẻ trung lúc đó là: Lê Thị Cửu, Lê Thị Bích Lộc, Dương Thị Lệ Phái, Đinh Thị Tuyết Lan, Nguyễn Thị Kim Tiến và Nguyễn Thị Kim Tuyến. Các chàng trai có mặt ngày đầu thành lập đội văn nghệ là Nguyễn Duy Nhuệ (nhà thơ Nguyễn Duy) biệt danh "Tổng Cóc", Đào Văn Doanh, Nguyễn Văn Thời, Nguyễn Văn Thỏa, Nguyễn Cao Nhẫn, Dương Hữu Cay, Hoàng Dĩ... Thoắt một cái đã bốn mươi năm, bây giờ gặp nhau đã lên ông bà nội, ngoại cả rồi.

Đội văn nghệ xung kích của Trung đoàn được thủ trưởng và Ban Chính trị Trung đoàn quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, đầu tư về con người, về cơ sở vật chất, nhất là về nội dung tuyên truyền văn hóa, văn nghệ. Đội văn nghệ được coi là một phương tiện đưa nghị quyết của Đảng ủy Trung đoàn đến các tổ, trạm đường dây hiệu quả nhất. Mỗi bước tiến bộ, trưởng thành của Đội văn nghệ Trung đoàn đều có sự chỉ đạo, giúp đỡ của Phòng Tuyên huấn Binh chủng. Đặc biệt là sự quan tâm dìu dắt của đồng chí Nguyễn Văn Khoan, Trợ lý văn hóa Binh chủng nay là tiến sĩ sử học.

Sau chuyến đi công tác động xuân 1966-1967 đạt kết quả tốt, đội tiếp tục được củng cố và chuẩn bị cho các chuyến đi phục vụ xa hơn, khó khăn ác liệt hơn.

Đội văn nghệ Trung đoàn được các nhà đạo diễn, biên đạo múa, nhạc sĩ chuyên nghiệp trong quân đội đến dạy hát, dạy múa, giúp đội đạt được các giải cao trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng của Binh chủng Thông tin liên lạc và của Bộ Tổng tham mưu, giúp đội có chương trình chất lượng cao hơn để phục vụ bộ đội tốt hơn. Cảm động nhất là nhìn thấy các thầy như: Vũ Trọng Hối, Văn An, Nguyễn Đức Toàn, Hoa Vinh xoay trần ra "đánh vật" với đội văn nghệ dưới tiếng máy bay phản lực gầm rít trên bầu trời, trong tiếng bom rơi, đạn nổ, để có những tiết mục văn nghệ, cánh lính đường dây còn nhớ mãi đến bây giờ như bài hát "Đường dây ai rải qua rừng", "Đường tôi đi dài theo đất nước", "Tấu cóc", hoạt cảnh chèo "Cả nhà là chiến sĩ thông tin". Nhạc sĩ Quốc Bảo, Thanh Phúc biên tập chuyên mục "Chiến sĩ ta ca hát", chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân đã nhiều lần trực tiếp giúp đội dàn dựng chương trình phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Tiếng hát của đội đã vượt ra khỏi các trạm cơ vụ, các tổ đường dây bay vào vũ trụ, lan tỏa đi khắp năm châu, bốn biển hòa quyện cùng tiếng hát của toàn dân, toàn quân át đi tiếng bom đạn của quân thù, góp phần vào chiến thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

"Tiếng lành đồn xa", Đội văn nghệ Trung đoàn được các đơn vị bạn mời đi biểu diễn phục vụ bộ đội, được cấp trên chỉ định biểu diễn báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng, được cấp trên khen ngợi.

Đội văn nghệ Trung đoàn tồn tại, phát triển cùng với sự lớn mạnh và trưởng thành của Trung đoàn, lớp lớp kế tiếp nhau, lứa đàn chị, đàn anh do yêu cầu nhiệm vụ đi học hoặc bổ sung sang đơn vị khác, lứa đàn em lại thay thế như một dòng chảy không bao giờ ngừng. Tôi còn nhớ chuyến đội đi làm nhiệm vụ ở phía Nam cuối năm 1969, đầu năm 1970, anh chị em hầu hết mới nhập ngũ như Lê Thị Xuyến, Vũ Thị Nhung, Nguyễn Văn Thanh, Đào Văn Lịch, Lê Xuân Số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thủ trưởng Trung đoàn giao. Những năm sau đó, đội văn nghệ do anh Hồng, anh Sức lãnh đạo đã kế tục xứng đáng truyền thống của đội.

Bước vào phòng truyền thống Trung đoàn 134 anh hùng hôm nay, tôi bồi hồi, xúc động trước những hình ảnh, hiện vật mang những dấu ấn chiến công của cán bộ, chiến sĩ các thế hệ đã chiến đấu, công tác ở Trung đoàn. Ngước nhìn lên lá quân kỳ của Trung đoàn lấp lánh những tấm huân chương cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, tôi thầm nghĩ trong đó có những chiến công thầm lặng của Đội văn nghệ Trung đoàn.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

28.1.25

Bắt đầu từ chiếc máy điện thoại

Nguyễn Thanh Hải - trích truyện ký cùng tên của nhà báo

Ngày ấy, đế quốc Mỹ phát động chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc, tôi đang học những năm cuối cùng của phổ thông trung học. Anh Hùng là "lính mới tò te" làm liên lạc cho bác Tam - Chính ủy một đơn vị thông tin Phòng không - Không quân về quê tôi sơ tán; bác Tam và anh Hùng đóng quân ở nhà tôi. Hai người thương yêu nhau như ruột thịt, ai cũng gọi là "Hai bố con Chính ủy". Anh trạc tuổi 17 - 18, hơn tôi một hai tuổi, đang học dở lớp 10 thì xin đi bộ đội nên cũng chưa hết cái dáng dấp của tuổi học sinh, nhất là đôi má phính, cặp môi đỏ và nước da trắng mịn, càng làm cho anh "trẻ" không tưởng được. Ở ít ngày nên quen, lại ở cái tuổi choai choai như nhau nên lũ con gái ở xóm chúng tôi rất hay trêu Hùng, hễ cứ gặp anh ở đâu là lại réo tên ghép "Hùng con" ra mà gọi. Có lần chúng tôi trêu quá, anh giận dỗi đến mấy ngày nhưng được cái chẳng bao giờ Hùng giận lâu. Hàng ngày, anh thường cặm cụi lau chùi kỹ lưỡng chiếc máy điện thoại màu nâu sẫm, trông như cái hộp đồ nghề của ông thợ cắt tóc đầu xóm. Hùng quý cái máy đó lắm, lúc nào cũng nâng niu trau chuốt cho nó. Là một đứa con gái nông thôn mới lớn, lần đầu tiên thấy chiếc máy điện thoại, hơn nữa lại thấy anh Hùng cẩn thận như thế tôi không sao nén nổi sự tò mò; nhất là những khi anh gọi máy, thưa máy nghe cứ dẻo quẹo đến là hay. Tôi thường lân la tìm cách đến gần để nghe xem cái máy nó nói những gì và một lần tôi thấy cả tiếng con gái trong đó. Ôi cái tiếng tha thiết trong trẻo như mơ hồ kia sao lại có sức cuốn hút tôi kỳ lạ. Cái máy ấy nó như thế nào mà nói chuyện với nhau được nhỉ? Những người con gái ấy ở đâu mà lại gọi được đến đây? Ở bộ đội cũng có con gái hay sao? Liệu mình có gọi được như họ không? Hàng ngàn câu hỏi ngớ ngẩn đặt ra trong đầu mà tôi không sao giải quyết được. Tôi muốn hỏi anh Hùng nhưng sợ anh cho là trẻ con nên lại thôi. Mỗi buổi đi học về thấy anh đi ra ngoài là tôi lại rón rén đến gần, tần ngần bên chiếc máy hồi lâu nhìn như hút vào chiếc tổ hợp đen bóng treo trên cột, lòng thầm ước ao được cầm lấy nó gọi thử một câu, chỉ một câu thôi xem nó thế nào. Thế rồi có một hôm tôi cũng đang đứng như thế trong lúc anh Hùng ngồi lau súng ngoài sân thì tiếng chuông trong máy reo lên, tôi giật mình chưa lịp lùi ra thì anh đã gọi với vào:

- Thanh ơi, ở trong nhà đấy à? Cầm máy nghe hộ với! Tay mình dính dầu quá.

Tôi ngỡ mình nghe nhầm, người run lên vì hồi hộp sung sướng. Nhắc nhẹ cái ống nói, tôi đưa lên tai, tim đập như muốn vỡ ra. Tôi cố lấy cái giọng như Hùng gọi thường ngày mà khó quá. Đầu tiên thì gọi như thế nào nhỉ? À đúng rồi, a lô, tôi hổn hển: A lô! A lô! Nhưng lạ thật, sao chẳng nghe thấy gì nhỉ hay là mình gọi bé quá họ không nghe được? Tôi gọi to hơn như gào lên. Cũng chẳng có gì hết. Tiếng chuông lại réo lên một hồi mạnh và dài. Tôi càng trở nên lóng ngóng, chân tay lập cập run như rẽ. Anh Hùng nghe chừng sốt ruột chạy vào, vừa đón lấy tổ hợp trên tay tôi Hùng đã cười phá lên:

- Ối giời ơi! Sao mà ngốc thế. Cầm máy ngược thế này lại không bấm công tắc thì gọi sao được.

Tôi vừa ức vừa xấu hổ bỏ chạy ra ngoài. Tiếng Hùng lại déo queo như đuổi theo tôi mãi. Buổi chiều bác Tam từ Sở chỉ huy về, Hùng đã bô bô kể lại chuyện đó cho bác biết, bác Tam được dịp lại trêu tôi một mẻ ra trò. Còn Hùng thì "thân ái" tặng luôn cho tôi cái biệt hiệu "Thanh ngược" nghe cứ tức anh ách. Nhưng lúc đó tôi chỉ đỏ mặt nguýt anh một cái rõ dài rồi dấm dẳng:

- Ai bảo người ta không biết sao lại bắt nghe hộ, lần sau thì đừng hòng.

Hùng vỗ tay đen đét rồi lên giọng:

- Được rồi. Không biết thì cắp sách đến đây anh giảng cho, chịu khó làm học trò anh được chứ?

Tôi tưởng Hùng nói đùa nhưng rồi anh giảng cho tôi thật, tôi thật không ngờ cái máy bình thường ấy lại phức tạp và lý thú quá. Bao nhiêu câu hỏi tôi đặt ra anh đều trả lời trôi chảy và tỉ mỉ. Tôi càng không ngờ cái anh chàng "Hùng con" này lại thông thạo máy móc đến thế, cứ y như thầy giáo thật ấy. Cả một thế giới huyền bí về "nghề" thông tin được mở ra trước mắt tôi đầy quyến rũ. Anh còn hứa hôm nào có điều kiện sẽ cho tôi gọi máy thử một lần. Tuy không nói ra nhưng tôi thích lắm, cứ chờ mãi, mong mãi mà chẳng thấy anh đả động đến lời hứa ấy cả.

Cho mãi đến một ngày hè. Bầu trời hôm đó trong veo lóa nắng. Tôi cùng Ngọc, đứa bạn thân nhất đang làm cỏ lúa ngoài đồng thì máy bay Mỹ ập tới. Chúng trút bom ngay xuống xóm tôi. Nhìn lửa khói bốc lên mù mịt và nghe tiếng trống mõ thúc liên hồi, tôi khóc toáng lên. Trời ơi! Bố mẹ tôi ở nhà có sao không? Tôi chẳng còn biết sợ hãi gì nữa, mặc cho máy bay vẫn gào rít trên đầu, tôi vừa khóc vừa chạy thẳng về nhà. Ngôi nhà đổ dẹo sang bên, mái tranh tung tóe. Một cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi sững người im bặt. Hùng nằm gục giữa nhà, một mảng lưng áo đẫm máu, tay phải giơ ra phía trước đang tìm kiếm một cái gì. Chiếc máy điện thoại thu dưới bụng đang rung lên từng hồi chuông gấp gáp:

- Anh Hùng! Anh Hùng ơi, anh làm sao thế này? Bố mẹ em đâu rồi?

Tôi sà xuống bên anh vừa lay gọi vừa nức nở. Hùng từ từ mở mắt nhìn tôi, rồi khẽ nở một nụ cười gắng gượng.

- Hai bác ra hầm rồi! Thanh xem... cái máy có điện... nghe hộ...

Tôi quay sang chiếc máy, tiếng chuông vẫn đổ dồn. Có ai gọi trong tổ hợp vọng ra, nghe rõ rõ. Tôi lại quay sang Hùng, anh nằm im thở khó nhọc, đôi môi se lại khẽ giật giật như muốn nói điều gì mà không nói được. Không thể chần chừ được nữa, tôi đỡ anh dậy dìu anh ra sân, may sao cái Ngọc chẳng hiểu từ đâu chui ra đâm sầm đến, tôi chỉ kịp bảo Ngọc đưa Hùng xuống hầm băng bó vết thương, rồi tôi chạy vào vồ lấy tổ hợp. Vừa đặt tổ hợp lên tai, tôi đã nghe thấy tiếng bên kia đang gọi hối hả giọng đầy lo lắng.

- A lô! A lô! 101 đâu? 101 đâu? Hùng đâu? A lô Hùng đâu?... Tôi lưỡng lự ngập ngừng giây lát rồi khẽ nói:

- A lô! Hùng đây ạ. Hùng đây ạ! - Tiếng bên kia như reo lên:

- A lô! Hùng đấy à! A lô! Ai đấy? Đồng chí là ai đấy?

- Dạ, em đây! Hùng đây ạ.

Tiếng bên kia gay gắt:

- Này đồng chí ở tổng đài nào thế. Đùa cái gì. Cho gặp ngay số máy 101 khẩn trương lên.

Không biết làm thế nào nữa tôi đành nói:

- Dạ em đây! Em ở nhà anh Hùng đây. Anh Hùng bị thương rồi, nặng lắm đấy! Anh cho xe cấp cứu xuống ngay không thì...

Tiếng máy bay lại ào đến, rít như xé vải. Một loạt bom nữa nổ tung phía cuối xóm, căn nhà xiêu kêu răng rắc, bụi rơi lả tả. Tôi áp chặt ống nghe vào tai nằm dán xuống đất. A lô! A lô! Vẫn không có gì. Tôi nghi hoặc nhìn lại tổ hợp, hay là mình cầm ngược? Không phải, thế thì làm sao? Tôi bặm môi nhìn chiếc máy. Bỗng một ý nghĩ loé lên. Đúng rồi có lần Hùng nói: Dây mà đứt thì quay máy nhẹ, càng nhẹ đứt càng gần. Mừng quá. Tôi vùng dậy lấy cái túi đồ nghề của Hùng và cuộn dây bọc rồi chạy đi theo đường dây, dây đứt thật. Tôi hì hục nối xong thì chẳng biết máy bay Mỹ cút từ bao giờ nữa, không gian trở nên yên tĩnh lạ thường. Tôi về đến nhà đã thấy bà con hàng xóm đang ồn ào xúm xít thu dọn. Chẳng kịp chào hỏi ai, tôi lách đến chỗ chiếc máy, bác Tam đã về và đang cầm máy nói chuyện, tôi đứng ngẩn người ra vì sung sướng. Thấy tôi bác Tam kêu lên:

- A! Thanh, cháu Thanh, cháu giỏi quá.

Tôi cúi đầu bẽn lẽn rồi hỏi bác:

- Bác ơi, anh Hùng bị thương có sao không ạ?

Bác Tam bước đến bên tôi khẽ xoa đầu:

- Không sao đâu. Hùng đi viện rồi. Cháu khá lắm, có thể trở thành chiến sĩ thông tin được rồi đấy - Tôi đứng lặng đi vì xúc động.

Sau lần đó, tôi như lớn hẳn lên, anh Hùng ra viện cũng theo đơn vị đi luôn vào tuyến trong, tôi không được gặp lại anh nữa. Chẳng biết đến bao giờ tôi mới có dịp khoe với anh cái chiến công đầu nho nhỏ của mình. Rồi sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi cũng xin vào bộ đội. Sức khỏe thì đủ, nhưng xét hoàn cảnh gia đình tôi là con một, nên lúc đầu xã không cho đi; khóc dở, mếu dở mãi, mới toại nguyện, lại được vào đúng Binh chủng Thông tin liên lạc. Vào đơn vị, tôi được đi học sơ cấp tải ba 3 tháng và được điều về Trạm A10 thuộc Đại đội 8 Đoàn Thông tin Nam Liên anh hùng. Những ngày đầu về trạm, tôi thực sự bỡ ngỡ và lạ lẫm. Học là một chuyện, vào nhiệm vụ lại là một chuyện. Nhìn những cỗ máy cao vút đầu tôi vừa thích lại vừa lo. Không biết mình phải xoay xở thế nào với nó đây. Nhưng mỗi khi lên phòng máy, nhìn thấy chiếc ống nói, là tôi lại nhớ đến cái lần đầu cầm máy ngược ấy. Quên làm sao được, mỗi lần cầm lấy tổ hợp tôi lại như thấy ở đầu dây bên kia anh Hùng đang nằm ôm lấy cái máy, mắt nhắm nghiền, tay nắm chặt ống nói, trên môi còn đọng một nụ cười như thúc giục tôi. Tôi tự nhủ, ngày trước mình chỉ được nghe người ta gọi thưa trên máy, chỉ thầm dám ước ao thôi. Bây giờ mình được ngồi đưa tiếng nói đi khắp bốn phương trời thì phải làm sao cho xứng đáng với vinh dự ấy. Cho nên mỗi lần chuông reo là mỗi lần sống lại trong tôi những kỷ niệm ngây thơ của cô bé học sinh lần đầu làm quen với chiếc máy điện thoại, với những người chiến sĩ thông tin. Thế rồi, chẳng bao lâu tôi trở thành một chiến sĩ giỏi cả về tải ba, tổng đài và được đơn vị cử về Trường Kỹ thuật Thông tin học tập. Học ba năm xong, nhà trường giữ lại và sau đó tôi được chuyển về công tác tại cơ quan Bộ Tư lệnh Thông tin cho đến bây giờ.

Thấm thoắt đã gần 38 năm rồi kể từ ngày tôi cầm máy ngược. Với 36 năm công tác trong Binh chủng Thông tin, thời gian kể cũng lâu mà cũng thật nhanh chóng. Nhìn lại thấy mình từng bước đã trưởng thành, cũng lập được một số thành tích trong học tập và rèn luyện. Nhiều lần tôi tự hỏi: Vì sao mình lại có được những kết quả đáng tự hào như ngày hôm nay? Thật đơn giản, tất cả đều "bắt đầu từ chiếc máy điện thoại".

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

Một vài kỷ niệm thời gian vào thông tin và ở Trường Thông tin Đa Phúc

Đại tá Nguyễn Nghiệp - nguyên Chủ nhiệm khoa Thông tin Học viện Lục quân

Cuối năm 1950, từ một Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang, Hải Dương (22 tuổi), tôi gia nhập quân đội. Tháng 3 năm 1952, tôi được đồng chí Hà Kế Tấn – Tư lệnh Liên khu 3 trực tiếp giao nhiệm vụ làm Phó Ban thông tin liên lạc Bộ Tư lệnh liên khu, khi "trong bụng" chưa có một chữ nào về thông tin. Tôi đã trình bày ý này với đồng chí Tấn, được đồng chí Tấn động viên: "Các đồng chí ở đoàn thể cử vào, phải với tinh thần khắc đi khắc đến, khắc làm khắc biết, bây giờ kháng chiến đòi hỏi rất khẩn trương, không thể đi học về rồi mới làm, mà phải làm ngay ngày hôm nay".

Với tinh thần ấy tôi bắt đầu bằng cách học tập anh em xung quanh, học các đồng chí chỉ huy rồi tự tìm tòi để làm. Quả thật gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng rồi tôi cũng vượt qua được.

Tháng 6 năm 1952 khi thành lập Khu Tả Ngạn sông Hồng tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Thông tin liên lạc thuộc Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Khu, tôi đã thấy tự tin hơn.

Hoạt động sâu trong địch hậu, chúng tôi chỉ dùng vô tuyến điện sóng ngắn và thông tin vận động. Liên lạc với Cục Thông tin cũng chỉ bằng hai phương tiện này, do đó từ năm 1952 đến năm 1955, tôi chưa lần nào được gặp mặt trực tiếp cán bộ Cục Thông tin.

Tháng 6 năm 1955, tôi được cử đi học lớp tham mưu thông tin ở Đa Phúc do đồng chí Hà Ngọc Oánh làm đội trưởng, đồng chí Lê Cư là chính trị viên. Đến trường, lần đầu tiên tôi được gặp cụ Hoàng Đạo Thúy. Tôi chào cụ, câu đầu tiên cụ bảo: "Tôi biết chữ ký của ông từ lâu, nay mới gặp ông, tôi rất mừng".

Lớp học này đã giúp tôi hiểu thêm được nhiều điều về thông tin, nâng cao trình độ về nhiều mặt, sáng tỏ những kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã trải qua. Do yêu cầu của xây dựng lực lượng, tuy lớp học chưa xong, tôi lại được điều động đi làm chủ nhiệm thông tin Sư đoàn 328. Thời kỳ này huấn luyện theo phương hướng chính quy, tôi được đi học các lớp tập huấn chiến thuật của Bộ Tổng Tham mưu và theo học các lớp ở Trường Bổ túc quân sự Trung cao cấp (nay là Học viện Lục quân).

Tháng 10 năm 1956, tôi được Bộ Tổng Tham mưu điều về khoa Thông tin của Trường Sĩ quan Lục quân để tập dượt công tác huấn luyện ở nhà trường và dự lớp bồi dưỡng của chuyên gia Trung Quốc để chuẩn bị về công tác ở Trường Thông tin.

Tháng 3 năm 1957, tôi về Trường Thông tin làm Trưởng phòng Huấn luyện, cùng các đồng chí Nguyễn Diệp và Hà Ngọc Oánh là Phó phòng. Anh em chúng tôi phân công nhau: đồng chí Nguyễn Diệp phụ trách huấn luyện kỹ thuật, đồng chí Hà Ngọc Oánh phụ trách huấn luyện thông tin cấp phân đội, tôi phụ trách chung và huấn luyện tổ chức bảo đảm thông tin cấp trung đoàn, sư đoàn.

Cùng với phòng huấn luyện, các cơ quan và đội ngũ giáo viên của nhà trường đều được tăng cường về số lượng, chất lượng và được bồi dưỡng nâng cao một bước về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Năm 1957, nhà trường mở các lớp đào tạo cán bộ trung đội vô tuyến điện, hữu tuyến điện và lớp bổ túc tham mưu thông tin mà học viên là những cán bộ chỉ huy thông tin ở các quân khu, binh chủng và sư đoàn... đều đã trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Số lượng khoảng 90 đồng chí.

Riêng về huấn luyện tổ chức và đảm bảo thông tin cấp trung đoàn, sư đoàn, tôi còn nhớ:

- Về nội dung: Nhà trường sử dụng các tài liệu tập huấn của Bộ Tổng Tham mưu và các lớp bổ túc của Trường Bổ túc quân sự trung - cao cấp.

- Về phương pháp: Huấn luyện chiến thuật binh chủng hợp thành và các binh chủng, nhà trường đã vận dụng các bước: Giới thiệu lý luận; tập bài hạ quyết tâm tổ chức bảo đảm thông tin trên bản đồ; xử trí tình huống trên sa bàn hoặc tại thực địa. Các đáp án thường dựa vào các tưởng định của trường bổ túc quân sự trung, cao cấp và những chỉ thị, hướng dẫn của Cục Thông tin để vận dụng cho phù hợp. Các bước này cũng được nghiên cứu vận dụng kiểm tra và thi tốt nghiệp.

Những nội dung phương pháp huấn luyện tổ chức và bảo đảm thông tin trong tác chiến hiệp đồng binh chủng bước đầu được thực hiện ở Trường Thông tin Đa Phúc những ngày ấy, đã được các giáo viên tiếp tục vận dụng và phát triển ngày càng sáng tạo, phong phú trong huấn luyện sau này.

Những phương án cơ bản tổ chức và bảo đảm thông tin cho các trung đoàn, sư đoàn ngày ấy cũng được các cán bộ thông tin vận dụng có hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có bản thân tôi khi làm chủ nhiệm thông tin Sư đoàn 304 ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị) những năm 1967-1970. Các bản tổng kết về tổ chức và bảo đảm thông tin trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng bộ binh, có xe tăng, pháo binh cơ giới, đặc công… thời gian này tôi đều gửi đầy đủ về Trường Thông tin khi ở Hà Bắc.

Năm 1958, sau khi Trường Thông tin ở Đa Phúc theo quyết định của Bộ sáp nhập vào Trường Sĩ quan Lục quân, tháng 8 năm 1958 tôi được điều động về làm Phó phòng Tham mưu Cục Thông tin.

Thời gian tôi công tác ở Trường Thông tin Đa Phúc chỉ hơn một năm và đã cách đây hơn 40 năm. Nay nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (1951- 2001) tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày cùng được sống và làm việc với đồng chí Hiệu trưởng Trịnh Đình Chung, các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường với tuổi đời hầu hết đều trên dưới 30, trong không khí đoàn kết hăng say làm việc, sôi nổi trong sinh hoạt. Mọi người sống với nhau chan hòa, thân ái và cởi mở làm sao! Ba anh em cán bộ Phòng Huấn luyện ngày ấy đoàn kết và chân tình giúp đỡ lẫn nhau, riêng tôi cũng đã được đồng chí Nguyễn Diệp và Hà Ngọc Oánh giúp đỡ nhiều để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều đồng chí cùng chúng tôi công tác trong thời gian ở Đa Phúc sau này đã trưởng thành và phát triển tốt. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng ở các chiến trường như các anh Hà Ngọc Oánh, Phạm Duy Phần, Đinh Hữu Cần... và nhiều anh chị em vì bệnh tật hoặc tuổi già nay không còn nữa. Nay ngồi viết những dòng kỷ niệm này tôi xúc động nhớ tới các anh chị em, những cán bộ, giáo viên, nhân viên đã có những đóng góp công sức vào thành tích chung của Nhà trường.

Cũng nhân dịp này, tôi xin được gửi tới các anh chị em đã có những ngày cùng sống bên dòng sông Công êm đềm, mà hiện nay đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc lời chào Đa Phúc, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Tháng 1-2001

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

Hình bóng em - cô gái tổng đài

Dương Đại Hành

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 20 năm. Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan. Cả nước dấy lên phong trào "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Nam giới ra tiền tuyến cả. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, phát huy truyền thống thuở Bà Trưng, Bà Triệu và phong trào phụ nữ ba đảm đang: lao động, sản xuất, chiến đấu, hàng vạn phụ nữ xung phong nhập ngũ, vào quân đội, sát cánh cùng nam giới từ hậu phương ra tiền tuyến đánh giặc.

Trong các quân binh chủng thì có lẽ Binh chủng Thông tin là có nhiều chiến sĩ gái nhất. Hội tụ về Binh chủng phần lớn là các cô gái của các tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Bắc Thái, Hà Tây, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Quảng Ninh, v.v...

Trạm A56 chúng tôi đóng quân ở vùng Kép, cũng là một trạm thông tin lớn. Quân số 23 đồng chí mà vẻn vẹn chỉ có tôi và anh Xuân Số là nam giới. Phụ nữ là phái đẹp không có điều gì phải bàn cãi nữa rồi; còn bảo họ là phái yếu thì có lẽ cần phải xem xét lại. Họ có nhiều đức tính hơn hẳn cánh mày râu như: nhịn nhường, kiên trì, mềm dẻo, nhưng cũng rất kiên quyết và hăng hái. Kiên trì vượt qua khó khăn và đảm đương đủ mọi công việc. Năm 1972, kẻ địch đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Hệ thống dây trần tuyến phía Bắc cũng liên tục bị đánh phá. Anh chị em chẳng quản gian lao, đảm bảo các ca kíp làm việc, dù đêm ngày, dù khó thế nào cũng nhanh chóng khôi phục thông tin liên lạc phục vụ các cấp chỉ huy chiến đấu.

Để phòng địch đánh vào Trạm A56, cấp trên cho thành lập trạm thông tin dự bị lấy tên là "Sông Thương". Chấp hành nhiệm vụ trên giao, ngay trong đêm mùa đông rét như cắt da, xé thịt ngày ấy, các chiến sĩ gái vai mang vác nặng lặc lè dây cùng máy, leo đồi, lội suối đến 1 giờ 30 phút sáng hôm sau trang thiết bị đã được lắp ráp xong, liên lạc thử với các nơi thông suốt. Tiếng người con gái lanh lảnh bên tai: "Sông Thương đây, A56 đâu", "Sông Thương đây, A56 có nghe rõ không"?

"A56 gọi Sông Thương nghe rõ không?". Tôi chộp lấy máy trả lời: "Nghe rõ và tốt lắm". Tôi nhắc Ái Thu đang trực tổng đài ở A56: "Ngày mai trạm ta ra bích báo. Riêng anh có một bài thơ để tặng các cô gái tổng đài. Anh đọc để Ái Thu nghe nhé:

HÌNH BÓNG EM - CÔ GÁI TỔNG ĐÀI

Tặng các chiến sĩ gái tổng đài

Em là cô gái tổng đài

Sớm hôm bên máy miệt mài gọi, thưa.

Cho dù ngày nắng, đêm mưa

Em ngồi bên máy, em thưa nhịp nhàng.

Lắng nghe tiếng máy reo vang

Như nghe tiếng súng phương Nam công đồn

Lá báo reo gọi đổ dồn

Mà nghe như thấy bốt đồn thù tan.

Đêm nay gió núi, trăng ngàn

Em ngồi bên máy lòng tràn ước mơ,

Phương Nam rộn rã bóng cờ

Em là tiếng súng điểm giờ tấn công,

Mẹ già chưa ngủ đêm đông

Mẹ mong con gái lập công diệt thù.

Con yêu, mẹ hát, mẹ ru

Mong con khỏe đẹp, trăng thu dịu dàng

Đến ngày tái ngộ tao khang

Có thêm chàng rể mẹ càng yên vui,

Giấc mơ no ấm ngọt bùi

Ba năm là thế tin vui đã về"!

Sau này, bài thơ của tôi đã được anh Xuân Số phổ nhạc thành một bài hát cho anh em chiến sĩ thông tin A56 chúng tôi. Đã 30 năm, một phần ba thế kỷ, tôi quên làm sao được những gương mặt thân thương đã cùng nhau chia sẻ ngọt bùi.

A56 và các nét sinh hoạt đời thường của chúng tôi thời đó nay đã thành những kỷ niệm không thể nào quên.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

Trở lại A10*

Trần Thị Tuyết

Lối mòn tôi vẫn đi xưa

Mà hôm nay lại như vừa tới đây

Hầm đài đặt ở bên này

Rộn ràng cánh sóng tung bay khắp trời

 

Tuổi xanh yêu nước, yêu đời

Trái tim sẻ nhỏ, một thời chia ba

Phần cho máy, phần cho ta

Phần cho đồng đội, phần ra chiến trường

 

Phần dành để gửi người thương

Tình yêu lính trẻ trên đường hành quân

Đã qua bốn chục mùa xuân

Nay về thăm lại giữa tuần tháng đông

 

Cảnh xưa hun hút cánh đồng

Nay nhà san sát gió không lối vào

Râm ran tiếng chuyện ồn ào

Những cô lính trẻ hồi nào về đây

 

Người thì béo, người thì gầy

Tuổi đà thất thập nhưng đầy niềm vui

Sẻ chia năm tháng bùi ngùi

Lăn qua bom đạn một thời chiến tranh!

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)

------------------------------------------

* A10 là mật danh của trạm thông tin thuộc Trung đoàn 134, Binh chủng TTLL. 

Có một thời đáng nhớ

Nguyễn Thanh Hải

Cuối năm 1964, đầu năm 1965, tổng thống Mỹ - Giôn-xơn phát động chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Hàng ngàn chị em ở lứa tuổi mười chín, đôi mươi trên khắp mọi miền Tổ quốc xung phong, tình nguyện lên đường vào bộ đội, mong được trực tiếp cầm súng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ quê hương. Một số chị được phân công về Trung đoàn 134. Lớp chiến sĩ gái đầu tiên ấy là Nguyễn Thị Thuận (Hưng Yên), Nguyễn Thị Nghiêm (Hải Phòng), Phạm Thanh Mai, Cung Thanh Hiền (Hà Nội), Đoàn Thanh Trà (Hải Dương) Phan Thị Xuân Sánh (Nghệ An), Nguyễn Thị Tần (Hà Giang), Nguyễn Thị Thu (Thái Bình)... Vừa qua Trường Trung cấp Bưu điện vào quân ngũ với bao điều mới mẻ, bỡ ngỡ, thế rồi chẳng bao lâu các chị đã trở thành những hạt nhân của các trạm cơ vụ: Q10 (A10), A41, A46, A52, A54, A55, A56, A67, A69, A72.

Tôi có dịp gặp và nói chuyện với Trung úy Nguyễn Thị Thuận - Chính trị viên Đại đội 20, kiêm Trạm trưởng Trạm KC100B trong chiến dịch Thừa Thiên - Huế. Chị Thuận đã kể cho tôi nghe về "những cuộc chiến đấu thẩm lặng" mà các chị đã đảm nhận trong những năm đầu chiến tranh. Đó là thời kỳ đầy bỡ ngỡ và lạ lẫm. Mới mang trên mình bộ quân phục chưa kịp phai mùi hồ mà các chị đã phải tiếp thu ngay một cơ sở trang thiết bị thông tin được coi là hiện đại lúc bấy giờ. Không có thời gian để mà băn khoăn, trăn trở, các chị đã khẩn trương bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu, trước tiên là bằng lòng nhiệt tình, trách nhiệm và sự thôi thúc ham hiểu biết của tuổi trẻ...

Trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu ngày càng cao, chiến trường ngày càng mở rộng, lực lượng chiến sĩ gái được bổ sung về Trung đoàn ngày càng nhiều vào những năm 1966, 1968. Với thời gian ba tháng, Trung đoàn đã mở các lớp đào tạo để có trình độ sơ cấp tải ba, tổng đài, kịp thời cung cấp lực lượng cho các trạm cơ vụ trên khắp các chiến trường.

Trình độ chị em những năm sau này có hạn, họ mới chỉ rời ghế trường phổ thông hoặc mới rời tay cày tay cuốc; thời gian huấn luyện ngắn, trang thiết bị máy móc thì hiện đại, gồm nhiều chủng loại, do nhiều nước sản xuất, có loại máy các chị chưa từng được học qua. Cứ mỗi lần bước chân xuống phòng máy là như bước vào "trận đồ bát quái", đứng giữa những dãy đèn rối mắt, khiến các chị phải lè lưỡi, lắc đầu. Nhưng các chị đã không lùi bước, quyết tâm lao vào học tập với phương châm "không biết thì hỏi, chưa giỏi thì học", dần dần các chị đã tự mình làm chủ và sử dụng máy móc thành thạo.

Nhớ ngày nào chiến sĩ Âu Thị Thảo, người con gái dân tộc Tày, khi mới khoác ba lô về đơn vị, tiếng Kinh còn chưa thạo thế mà chỉ qua ba năm sống trong quân ngũ, chị đã trưởng thành trong nghiệp vụ, nắm chắc các máy móc trang thiết bị và lập công xuất sắc tại chiến trường, trở thành chiến sĩ Quyết thắng, được đơn vị cử ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Binh chủng Thông tin và đón thư khen ngợi của Bác Hồ ngày 28 tháng 1 năm 1969.

Chị Đoàn Thị Toan, chiến sĩ Trạm A52, văn hóa chỉ có lớp 7/10, nhưng do chịu khó tìm tòi học hỏi, đứng trước máy hiện sóng, giữa màn huỳnh quang nhấp nháy, 10 lần do mất liên lạc thì cả 10 lần chị đã chỉ ra đúng điểm hỏng, chính xác đến từng khoảng cột, đôi dây, kịp thời báo cho chiến sĩ bảo vệ đường dây đi sửa. Chị Bùi Thị Toán, Trạm A46 thì lại cần mẫn, dịu dàng, say mê, kiên trì học tập, nắm chắc từng hộp máy. Chị có thể hình dung đúng vị trí của tất cả các linh kiện chủ yếu của máy tải ba.

Những chiến sĩ máy tải ba giỏi, đồng thời cũng không hiếm những chiến sĩ tổng đài tinh thông nghiệp vụ. Chiến sĩ Bùi Thị Thu, Trạm A7, nắm chắc mạch điện của nhiều loại tổng đài hiện có trong trạm và sử dụng thành thạo như một bác sĩ giỏi. Nguyễn Thị Mắn, Trạm A5 đọc vanh vách liền một hơi trên 300 mật danh liên lạc không một chút lầm lẫn

Vào những năm 1971-1972, các chiến dịch lớn liên tiếp diễn ra ở Thượng Lào, Hạ Lào, Cánh Đồng Chum, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Yêu cầu đối với thông tin liên lạc càng nặng nề và khẩn trương hơn; các chiến sĩ gái của Trung đoàn lại có dịp được thử sức đua tài. Thiếu úy Phan Thị Xuân Sánh đang là Trạm trưởng Trạm A46 (Thanh Hóa) được điều động dẫn một đoàn chiến sĩ gái vào chiến trường và phụ trách Trạm KC100A. Thiếu úy Nguyễn Thị Thuận là Chính trị viên Trạm A10 cũng dẫn đầu một đội quân tóc dài vào tiếp nhận Trạm KC100B.

Ở tiền tuyến, hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác, các chiến sĩ gái đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, đoàn kết trụ bám bên nhau thực hành nhiệm vụ. Qua đôi tay mềm mại, chiến sĩ tổng đài Dương Thị Phả (Trạm KC100B) vinh dự được trực tiếp cắm chiếc phích đầu tiên nối thông liên lạc cho Bộ Tổng chỉ huy phát lệnh mở màn chiến dịch Trị Thiên - Huế.

Giữa năm 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom vào nhiều địa điểm của khúc ruột miền Trung, trong đó có Trạm cơ vụ A69 (Hương Khê, Hà Tĩnh). Chỉ trong ít phút khói lửa ác liệt, 10 chiến sĩ gái trong trạm đã hy sinh hết, chỉ còn lại ba cô gái trẻ: Nghiêm, Thanh, Vang. Căm thù quân địch, nhớ thương bạn đến tột độ, các chị đã nén gạt nước mắt khẩn trương cứu người, sửa máy, giữ vững liên lạc. Kẻ địch những tưởng đã hủy diệt được mục tiêu, song chúng đâu có ngờ 3 cô gái trẻ với vóc dáng mảnh mai, nhỏ bé vẫn còn sống sót sau trận bom khát máu ấy. Ba chị đã tình nguyện ở lại trạm gánh vác công việc của đồng đội mình đã vĩnh viễn ra đi và trở thành hạt nhân của trạm sau này.

Thực tiễn chiến đấu đã tạo nên những đức tính quý giá, không phải hàng ngày ta dễ dàng nhận ra được. Những lúc khó khăn, gian khó, hiểm nguy, là lúc ta mới nhận ra tình cảm đồng chí, đồng đội. Trạm đài A79, giữa những ngày địch bắn phá điên cuồng nhất, ngày nọ nối dài ngày kia, bom rơi hết đợt này đến đợt khác, cả bom nổ chậm rơi xuống ngay trước cửa tổng đài, nhưng ở đó, chiến sĩ tổng đài Phạm Thị Thuyên vẫn ngồi lỳ trước cả trăm cửa lá báo. Tiếng máy xè xè, tiếng phích cắm và cả tiếng thưa gọi của Thuyên vẫn vang lên không ngớt, chị thoăn thoắt cắm phích, tay giơ lên, đưa xuống nhịp nhàng trước mặt tổng đài mềm mại như múa. Chính lúc đó, người con gái đất Hương Khê (Hà Tĩnh) ấy đã lập công bằng những lần tiếp chuyển liên lạc chính xác, chị đã truyền lệnh kịp thời đến trận địa tên lửa và đơn vị pháo bờ biển bắn tan xác 3 máy bay và một tàu biệt kích của Mỹ - ngụy.

Kết thúc các chiến dịch, các chị đã được ghi công. Chị Nguyễn Thị Thuận, Phan Thị Xuân Sánh, Dương Thị Phả được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhiều chị được tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những phần thưởng cao quý của mỗi người và cũng là phần thưởng chung của lớp chiến sĩ gái Trung đoàn 134.

Ở hậu phương lớn miền Bắc, từng ngày, từng giờ cũng phải gánh chịu những loạt mưa bom bão đạn của kẻ thù. Trạm trưởng Nguyễn Thanh Hà (con gái của "lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn), mưu trí, sáng tạo, chỉ huy đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng điều hành trận chiến đấu bắn trả máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần giành chiến thắng trận "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm rực lửa anh hùng. Khi đường dây bị bom thù chặt đứt, không sợ hy sinh, chị Hà cũng đeo máy, vác dây lên tuyến sửa chữa kịp thời khôi phục liên lạc.

Còn các chị Lê Thị Cửu, Nguyễn Kim Tiến, Dương Thị Phái, Nguyễn Thị Lộc, Triệu Thị Bộ, Đinh Tuyết Lan, Lê Thị Xốp, Nguyễn Hồng Diên, Nguyễn Thị Nhung, Phạm Bích Nga, Nguyễn Kim Xuyến, Đỗ Minh Thu... lại dùng "Tiếng hát át tiếng bom". Các chị không chỉ là những chiến sĩ tải ba, tổng đài giỏi của các đơn vị mà còn là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt trong Đội tuyên truyền văn hóa nghệ thuật của Binh chủng Thông tin. Càng trong gian khổ ác liệt, tiếng hát của các chị càng bay cao, vươn xa đến từng trạm máy, tổ dây. Có lẽ, không một tổ trạm thông tin nào của Binh chủng là không có dấu chân của Đội tuyên truyền văn hóa Trung đoàn 134. Tiếng hát của các chị đã làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ thông tin sau những giờ làm việc căng thẳng bên trạm máy, đường dây.

Sau chiến tranh, trở về với đời thường, các chiến sĩ gái của Đoàn Nam Liên anh hùng vẫn phát huy được bản chất, truyền thống của một thời đánh Mỹ. Hầu hết các chị đều thành đạt và tiến bộ không ngừng. Tôi được biết, các chị Nguyễn Thị Thuận, Dương Thị Phái, Nguyễn Thị Gái chuyển ngành là cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; chị Phái còn là Ủy viên Ban chấp hành Thành hội phụ nữ Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ quận Ba Đình; chị Nguyễn Thị Nghiêm, nguyên Đại đội phó Đại đội 1 là Phó Giám đốc Trung tâm điện thoại đường dài Bưu điện Hải Phòng; chị Nguyễn Thị Loan là Bí thư Đảng ủy phường Hàng Buồm; chị Nguyễn Thanh Mai là Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp cấp 2 Hà Nội; chị Dương Tố Hảo là chuyên viên cao cấp Bộ Tài chính; chị Lữ Tuyết Mai, Phạm Như Hồng là cán bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam; chị Nguyễn Thị Biên là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy, Hòa Bình; chị Nguyễn Thị Thật là Trưởng ban nữ công tỉnh Hòa Bình; chị Nguyễn Thị Liên là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh; Đại tá Nguyễn Thị Bạch Mai là trợ lý của Cục Nhà trường quân đội. Còn chị Phạm Thị Bích Thuận (em ruột của Anh hùng thông tin Phạm Hữu Thoan), người có trái tim ở bên phải, hai lá phổi lại nằm dưới bụng đã lập công xuất sắc trong bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ mặt trận giao thông vận tải ở Quân khu 4 vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước không biết bây giờ chị ở đâu?... Riêng với Đại tá Bùi Thị Hòa - người chiến sĩ của Trạm KC100B năm xưa dũng cảm, gan dạ, dưới làn bom đạn địch vẫn bình tĩnh tiếp chuyển liên lạc cho chỉ huy Sư đoàn 337 Quân chủng Phòng không - Không quân đến đơn vị pháo bờ biển bắn cháy nhiều tàu chiến của Mỹ - ngụy lại chuyển về công tác tại Quân khu 3. Hiện chị là bác sĩ, Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện 7 thuộc tỉnh Hải Dương. Trong tập thể nữ thông tin của Trung đoàn, cũng phải nói thêm một chút về chị Nguyễn Thị Nghiêm, một con người khiêm tốn, giản dị, chịu khó học tập nên đã trở thành giảng viên đào tạo nhiều khóa chuyên môn thông tin của Trung đoàn. Là một phụ nữ được đề bạt sớm, phụ trách đại đội. Trạm A41 (Hải Phòng) là một trong nhiều đầu mối do chị quản lý, 4 lần phải di chuyển địa điểm vì địch đánh phá quyết liệt, chị Nghiêm cùng các chị em hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Nghe tin chồng hy sinh, nén đau thương, vừa nuôi con vừa công tác, chị vẫn cố gắng vươn lên. Thế rồi điều kỳ diệu đã đến: anh Thanh - chồng chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm chiến đấu trở về sau ngày đất nước thống nhất.

Thật khó có thể kể hết ra đây những con người và những công việc họ đã làm để tạo nên những kỳ tích, những chiến công trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Tôi chỉ muốn nói rằng: Các chiến sĩ gái Trung đoàn 134 ngày xưa và cả các chiến sĩ gái hôm nay như Ninh Thị Tân, Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Thu Thủy..., họ thực sự đã trở thành những người làm chủ với đúng ý nghĩa đầy đủ của nó. Họ là những cán bộ, chiến sĩ đã làm nên những điều "tầm cỡ". Những năm kiên trì bám máy, họ đã làm nên hàng triệu phiên liên lạc với chất lượng chính xác cao, đáp ứng yêu cầu chiến đấu khẩn trương, nhưng vô cùng gian lao, phức tạp và khi rời quân ngũ họ vẫn phát huy được bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Tôi xiết đỗi tự hào viết ra đây những dòng kỷ niệm về các chiến sĩ gái của Trung đoàn, về "một thời đáng nhớ, khó quên" nhân dịp Trung đoàn 134 kỷ niệm 40 năm ngày thành lập.

Tháng 6-2001

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

27.1.25

Chúng tôi ăn tết ở Lào

Ngô Gia Linh

Thế là một cái Tết nữa lại đến với chúng tôi, những người lính của Đại đội 15 Trung đoàn 134 thông tin đang làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào. Đó là cái Tết Quý Sửu 1973.

Tổ tôi đóng quân tại nơi có khí hậu thuộc vào loại tốt nhất tỉnh Xiêng Khoảng. Mùa đông không đến nỗi rét lắm, mùa mưa thì mát mẻ. Nơi đây có những cánh rừng thông rộng mênh mông ngày đêm reo vi vu trong gió. Thông nhiều đến nỗi tỉnh Xiêng Khoảng có hẳn một huyện gọi là huyện Thông (Mường Pẹc). Mỗi khi xuân về, thông nhú chồi non trông như những ngọn nến xinh xinh xanh mơn mởn. Gần nơi chúng tôi ở có một bản người Lào Thơng. Bản lưa thưa chỉ có độ năm, sáu nóc nhà nằm rải rác, ẩn hiện dưới những lùm cây mận, cây đào đang ra hoa vừa trắng vừa hồng trông thật thơ mộng. Mùa xuân ở đây, nếu không có tiếng máy bay trinh sát OV10 suốt ngày vè vè thật khó chịu, tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm rú, tiếng bom nổ ì ầm đâu đó thì phong cảnh thật hữu tình, thanh bình giống như bản tính hiền lành của người dân Lào vậy. Chả thế mà mùa xuân tiếng Lào gọi là nham đoọc mạy ban có nghĩa là mùa cây cối nở hoa.

Chúng tôi đến đóng quân ở đây đã nhanh chóng đặt quan hệ tình cảm tha hản xư xản Việt Nam (Bộ đội Thông tin Việt Nam) với người dân địa phương. Việc quan trọng lúc bấy giờ là đem lương khô, thịt hộp và muối ra đổi lấy rau tươi cải thiện bữa ăn, tăng lượng vitamin C cho anh em và tranh thủ học tiếng Lào. Tôi được cái là có năng khiếu ngoại ngữ nên học tiếng Lào khá nhanh. Mỗi khi thủ trưởng trung đoàn và đại đội đến thăm tổ là tôi đưa ra bản chơi và tạm phiên dịch được. Trong bản có một ông tài sẻng (tương đương với chức chủ tịch xã ở ta), ông cho biết trước đây dân cư cũng khá đông đúc, sống thành một xã. Nhưng trong chiến dịch "Cù Kiệt" 1970, giặc Mỹ và bọn tay sai Vàng Pao đã dùng máy bay lên thẳng xúc dân đưa về các trại tị nạn trong vùng do chúng kiểm soát. Chỉ có một số ít trốn thoát được, bộ đội Việt Nam dùng ô tô đưa về Con Cuông, Nghệ An. Sau khi Quân đội giải phóng Pa-thét Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu giành lại vùng giải phóng Xiêng Khoảng Cánh Đồng Chum, họ mới trở về quê hương dựng lại làng bản, phục hồi sản xuất. Mặc dù mới trở về chưa đầy hai năm, cuộc sống còn vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng những người dân Lào ở đây vẫn hết lòng giúp đỡ chúng tôi từ hạt giống rau, con gà, con chó cho đến việc rèn cho chúng tôi những cây dao quắm để đi rừng.

Sau gần hai năm, chúng tôi đã có "của ăn, của để". Chúng tôi xin được một thửa ruộng để cấy lúa nếp. Vào vụ cày cấy, chúng tôi đi cấy giúp dân bản để một ông phò thầu (bố già) mang trâu đến cày bừa hộ chúng tôi, mạ thì xin mỗi nhà một ít. Đến mùa, chúng tôi ra bản mượn liềm về gặt. Không cần biết năng suất thế nào nhưng nhìn bốn thùng phuy chứa đầy thóc là chúng tôi sung sướng lắm rồi. Gà thì nhiều không cần biết có bao nhiêu con. Chúng tôi nuôi đến ba con chó nên không sợ cáo đến rình mò bắt gà. Trong chuồng có hai con lợn béo núc na núc ních. Bắt chước người Lào, chúng tôi lấy một sợi dây đo vòng quanh ngực của con lợn, sau đó chập đôi lại và dùng nắm tay để đo đoạn dây đó. Mỗi nắm tay tương đương với mười cân. Một con được "năm nắm tay" và một con được "bốn nắm tay". Vườn rau của chúng tôi thôi thì đủ các loại: cải xanh, cải trắng, cải củ, su hào, cải bắp ăn không xuể. Ông Tam, trung đội trưởng, chỉ thị phải muối dưa để viện trợ cho ba tổ mới thành lập thuộc Trung đội 7 phía trong Cánh Đồng Chum, mỗi tổ hai thùng lương khô, vị chi là sáu thùng. Muốn để nhanh chua, chúng tôi lại học người Lào cho thêm ít cơm nguội vào (may mà không bị khú). Đầu năm 1973, ô tô của trung đoàn chở thêm cáp và lương thực, thực phẩm sang cho Đại đội 15 dự trữ trong mùa mưa. Xe đổ hàng cho tổ tôi ở một bãi trống cạnh đường 7 cách nhà đến năm cây số. Hàng nhiều đến nỗi đại đội phải điều một tổ xung kích đến giúp chúng tôi vận chuyển về tổ. Chúng tôi động viên nhau cố gắng mang hết hàng về thật nhanh, để còn chuẩn bị đón Tết.

Công việc chuyên môn của chúng tôi là phải thường xuyên nâng cao chất lượng thông tin bằng cách thay những cuộn dây cáp đã có từ hai mối nối trở lên, hàn lại những mối nối không đạt chất lượng, lau đầu cáp đã chỉn chu. Khi công việc đã xong, chúng tôi bắt tay vào lo cho cái Tết. Gọi là lo nhưng thực ra mọi cơ sở vật chất đã khá đầy đủ. Thóc nếp có, chỉ việc mang ra bản giã nhờ. Tôi và Trọng (quê Thái Bình) đổ đầy thóc vào hai cái ba lô gùi ra bản. Người Lào không có cối xay như ở ta, chỉ có hai cái cối dậm chân. Thóc cho vào cối, giã một lượt đầu cho bong vỏ trấu xong mang ra sảy, sau đó lại cho vào cối giã lần hai cho đến lúc nào trắng thì thôi. Đỗ xanh cũng có. Đỗ là của binh trạm cung cấp cho đơn vị ngâm lấy giá ăn hàng ngày. Lợn, gà đã sẵn trong chuồng. Lá dong mọc đầy khe suối, chỉ đi một lúc là cắt về được hàng ôm. Chỉ còn thiếu rượu. Ngày Tết mà không có tí rượu thì mất vui. Tôi ra bản xin men và hỏi cách làm cơm rượu. Gạo nếp đồ lên thành cơm, để nguội, bóp vụn men rắc vào, trộn đều rồi cho vào thùng lương khô, cuốn bao tải xung quanh ủ cho đến khi cơm rượu chảy nước, dậy mùi thơm là được.

Sáng hôm ấy, tôi gánh hai thùng lương khô đựng đầy cơm rượu và một xâu bị đông đến nhà ông tài sẻng mượn nồi niêu, đồ nghề nấu nhờ. Khi nồi rượu đã sôi, một dòng nước trong vắt theo đường ống chảy long tong vào chiếc bi đông mà tôi đã hứng sẵn ngay đầu ống. Một hương vị cay cay, tê tê, ngọt ngọt của rượu làm tôi sung sướng. Một lúc sau, nếm thử, tôi kêu lên: "Chứt leo! (nhạt rồi)" và dập lửa không lấy thêm nữa. Trước khi về, tôi không quên đi đến từng nhà dân bản để mời sáng mồng một Tết vào kin khẩu xa ma khi (ăn cơm đoàn kết) với bộ đội Việt Nam. Người Lào đón Tết năm mới không cùng với ta mà diễn ra vào khoảng trung tuần tháng Tư dương lịch tức là vào thời điểm bắt đầu mùa mưa. Bun pi may (Tết năm mới) còn gọi là Bun hốt nậm (Tết té nước). Ngày hôm đó,  người dân Lào mang những bình nước cúng tượng Phật, sau đó té, giội lên người nhau và cả khách qua đường. Họ cho rằng phải thật ướt mới gặp nhiều may mắn.

Còn một việc khá quan trọng là phải lo trang hoàng nhà cửa và làm báo tường. Việc trang trí nhà cửa cũng tằn tiện vì vẫn trong hoàn cảnh chiến trường. Chỉ cần ra bản xin một cành đào về cắm vào thùng lương khô, thế là đã ra không khí Tết lắm rồi. Tổ tôi có năm anh em, tôi khoán cho mỗi người phải viết hai bài báo tường. Còn nhớ ngày mùng 1 Tết năm ấy trùng với ngày kỷ niệm thành lập Đảng mùng 3 tháng 2, tôi viết một bài "xã luận" với nội dung là "Mừng Đảng, mừng Xuân" và một bài ca dao theo kiểu thơ Bút Tre:

Ai về mười tám tổ tôi

Có dòng suối chảy ven đồi thông xanh

Chim rừng ríu rít vây quanh

Ngàn hoa khoe sắc chào anh đây dường (đường dây).

Sáng 30 Tết, chúng tôi tập trung làm thịt một chú lợn và gói bánh chưng. Vì toàn con trai nên việc gói bánh đối với chúng tôi quả là điều vất vả. Cậu Minh (quê ở Phú Thọ) có sáng kiến đóng một cái khuôn bằng gỗ, sau đó xếp lá dong vào, tra gạo, đỗ vuông vắn, góc nào ra góc đấy.

Bóng chiều của dãy núi Phu He cao sừng sững ngay phía trước nhà đổ dài trên những tràn ruộng còn trơ gốc rạ của bản Nậm Cọ. Trời se lạnh. Gió xuân lùa vào cánh rừng sau nhà nghe xào xạc xen lẫn tiếng suối chảy róc rách, rì rào, chúng tôi tranh thủ bắc bếp luộc bánh chưng để khỏi phải thức đêm. Bữa cơm tất niên chiều hôm ấy có món đặc sản tiết canh lòng lợn và một bi đông rượu có mùi "thơm" đặc biệt vì tôi nấu quá lửa. Tôi nói vui chắc là năm nay có điềm may (quả nhiên thì sau đó không đầy một tháng, ngày 23 tháng 2, Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Lào được ký kết. Nhưng phải đến tháng 5 năm 1974, Đại đội 15 mới được lệnh rút về nước để nhận nhiệm vụ mới). Mọi người nhắc nhau không nên quá chén đề phòng đường dây thông tin bị mất liên lạc, phải lên đường khắc phục.

Tối hôm ấy, ngồi quanh nồi bánh chưng, chúng tôi nói chuyện vui vẻ để cố xua đi nỗi nhớ nhà. Tôi nhập ngũ từ năm 1968, ăn Tết xa nhà đã quen, nhưng có đồng chí mới đi đầu quân năm 1972. Loanh quanh thế nào lại chỉ có về chuyện gia đình, chuyện nhà, chuyện cửa. Tôi nói, nếu còn lành lặn trở về, thế nào cũng cố gắng đến thăm gia đình anh em trong tiểu đội dù chỉ lấy một lần. Thế mà phải đến tận hai mươi năm, sau khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, đời sống khấm khá, nhất là từ khi hội bạn chiến đấu Trung đoàn 134 được thành lập, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Trọng (Thái Bình) nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã, Minh (Phú Thọ) làm công việc hộ tịch ở địa phương, Lai (Hà Tây) làm việc tại Công ty xây dựng, có nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tòng (Nam Định), vốn đã có nghề loa đài từ trước khi vào bộ đội, mở một cửa hàng sửa chữa ti vi tại nhà. Riêng Tú, cậu em út của tiểu đội, quê ở Phủ Lý thì phải ba mươi năm tôi mới gặp lại, vì sau khi ra quân, Tú vào công tác tại đoàn thăm dò dầu khí đồng bằng sông Cửu Long rồi lập gia đình và định cư ở Vũng Tàu...

Sáng mùng 1 Tết năm ấy ở Lào, thủ trưởng đại đội gọi điện chúc Tết. Các tổ bảo vệ dây cũng gọi điện chúc Tết lẫn nhau. Chúng tôi làm thịt thêm hai con gà chuẩn bị đón khách.

Khoảng 10 giờ khách đến. Ông tài sẻng cùng đi với hai bà vợ, mia nhầy (vợ lớn) và bà mia nọi (vợ bé). Vì bà mia nhầy chỉ sinh được hai cô con gái nên ông tài sẻng lấy thêm bà mia nọi và đẻ được một cậu con trai. Kế tiếp là phò Thao La, người đã cày ruộng cho chúng tôi, với hai cậu con trai. Rồi đến Ái Vân Khăm, người đã rèn cho chúng tôi con dao quắm, đi cùng một cô gái tên là Đuông Xỉ. Tôi mời mọi người ngồi vào bàn và bắt đầu đọc bài diễn văn bằng tiếng Lào (vì sợ bạn đọc rối mắt nên tôi không chép ra đây) đại khái là cảm ơn sự giúp đỡ của dân bản, chúc mọi người du di mi heng (bình yên mạnh khỏe) và chúc cho tình hữu nghị Việt - Lào đời đời "như nước Hồng Hà - Cửu Long". Không có cốc chén, rượu được rót ra bát. Mọi người cười khen lẩu xẹp (rượu ngon). Nhìn hai bà vợ ông tài sẻng lóng ngóng cầm đũa ăn bánh chưng, chúng tôi bật cười. Người Lào xưa nay vẫn có thói quen ăn bốc. Họ cho rằng hạt lúa là hạt sữa do Mẹ Đất ban tặng nên phải quý trọng, nâng niu. Ông tài sẻng rất thích ăn món dồi lợn. Một lần nhà ông mổ lợn, ông nhờ chúng tôi ra làm hộ món dồi. Tôi bảo: "Anh cứ làm thịt con lợn xong, để riêng chậu tiết chúng em sẽ ra làm dồi". Hôm sau tôi và Minh ra bản thì đã thấy cô con gái ông tài sẻng cho một bát ớt bột vào chậu tiết rồi. Tôi bực mình bảo làm thế này thì không ngon nhưng vẫn phải làm cho xong món dồi. Bữa đó, tôi ăn có một miếng mà đã xuýt xoa chảy cả nước mắt.

Đến nay đã hơn ba mươi năm, chúng tôi vẫn ao ước có ngày được trở lại thăm chiến trường xưa trên đất bạn Lào, nơi "có những bản mường đẹp như hoa Chăm Pa", thăm lại các phò me, phì noọng và nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng, những người đã góp phần không nhỏ giúp đỡ Đại đội 15 chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ có 5 năm từ khi thành lập đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

Thông tin B2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Nguyễn Xuân Đào

Trận đánh cuối cùng vào sào huyệt của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian rất ngắn (từ 0 giờ ngày 29-4-1975 đến 10 giờ 30 ngày 30-4-1975) đã giành được thắng lợi. Thắng lợi đó được tạo nên bởi sự hợp sức tối đa của nhiều lực lượng: từ quân chủ lực cấp quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn đến các binh chủng, các đội đặc công, trinh sát cùng với các quân khu, tỉnh, huyện đến đảo xa như Côn Đảo, Phú Quốc... Tất cả đều được chỉ huy thống nhất từ trên xuống dưới và sự hợp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân, các quân đoàn chủ lực, các binh chủng, các địa phương mà ngược lại từ dưới báo cáo lên trên, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài đối với các lực lượng bên trong lòng địch...

Mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng về tổng thể ngành Thông tin liên lạc đã góp phần xứng đáng cho chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thông tin B2 đã chủ động, tích cực triển khai mạng lưới thông tin toàn Miền và trung tâm thông tin tại Sở chỉ huy Chiến dịch đặt tại một vị trí sát với Chiến khu Dương Minh Châu để đảm bảo thông tin thông suốt trong thời gian diễn ra Chiến dịch.

Để góp phần làm nên thắng lợi này, Bộ đội Thông tin B2 trong những ngày đầu đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Khi đặt chân lên mảnh đất miền Nam, tháng 8 năm 1961, đồng chí Lê Văn Xai (Tám Xai) cùng các đồng chí khác đã thiết lập được hệ thống thông tin quân sự từ Bộ Tham mưu Miền ra Trung ương và đến các quân khu. Lúc đầu, thông tin không có nhiều máy móc nhưng có một số cán bộ chủ chốt dũng cảm, giỏi các mặt đã đặt nền móng đầu tiên như đồng chí Đoàn Thanh Long phụ trách Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Ba Nê và đồng chí Đỗ Bổ (Ba Minh) phụ trách Quân khu 7, đồng chí Hoài Sơn (Huỳnh Trừ) phụ trách Quân khu 8, đồng chí Hiếu, đồng chí Tám Trần và đồng chí Thừa Thính phụ trách Quân khu 9 và đồng chí Hai Vinh phụ trách trung đoàn chủ lực đầu tiên của Miền.

Trên cơ sở đã có một số sĩ quan tham mưu có kinh nghiệm từng là lính thông tin thời chống Pháp và được đào tạo ở miền Bắc, có đội thông tin thuộc phiên hiệu B18, nên lúc đầu thông tin cũng đã được tổ chức và sau đó là tổ chức đào tạo cán bộ. Ngay những ngày đầu năm 1962, những trường huấn luyện, đào tạo cán bộ đã được mở, tuy nhỏ nhưng ra đời sớm nhất so với các binh chủng khác trong giai đoạn này. Từ năm 1961, khung huấn luyện đã được xây dựng gồm 4 sĩ quan, hai người có vai trò đáng kể trong công tác huấn luyện là đồng chí Lê Phong Quang và đồng chí Đặng Khắc Thỏa. Sau đó Bộ đội Thông tin B2 còn chú trọng đến công tác củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật; đồng chí Nguyễn Bốn Ngọ có công sản xuất ra bộ máy thu phát pin AB64 đầu tiên, Ba Kiệt cũng là người có công đóng góp tích cực. Nhìn chung ba công việc khởi đầu mà Bộ đội Thông tin liên lạc B2 phải làm là tổ chức xây dựng mạng lưới thông tin, đào tạo nhân viên kỹ thuật, cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.

Ngoài ra, chúng ta còn tổ chức lực lượng chiến đấu để bảo vệ thông tin và sản xuất lương thực. Trên 14 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Chiến dịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tiêu biểu cho những gì ưu tú nhất, khó khăn nhất và thành tích vẻ vang nhất.

Ngay sau chiến thắng giải phóng Lộc Ninh, vì sự chuyển biến của tình hình trên chiến trường, một yêu cầu đặt ra là phải mở rộng mạng lưới thông tin rộng khắp và hợp lý để phục vụ cho các chiến dịch lớn tiếp theo. Từ năm 1972 đến đầu năm 1975, công tác thông tin liên lạc luôn được chú trọng: chấn chỉnh tổ chức, theo dõi mạng lưới thông tin cả vô tuyến điện, hữu tuyến điện và thông tin vận động,  điều chỉnh cán bộ, nhân viên kỹ thuật phù hợp với yêu cầu đặc biệt ở những nơi trọng yếu, phân bổ khí tài máy móc nhiên liệu cho toàn chiến trường. Vì vậy ta đã hình thành được một mạng lưới thông tin chặt chẽ cho toàn chiến trường cả trong lẫn ngoài, sẵn sàng phục vụ tối đa đáp ứng cho yêu cầu chiến lược tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam.

Đơn cử một vài mạng thông tin cụ thể:

Năm 1974, chúng ta đã xây dựng được đường trục hữu tuyến từ Đông sang Tây tức từ Lộc Ninh đến bờ sông Vàm Cỏ; hai đường trục từ Bắc xuống Nam, một đường nối liền từ Sở chỉ huy xuống Trà Thanh, Xình Bà Đã, một đường chạy xuống núi Cậu. Những đường dây này về sau thuận lợi cho mạng thông tin phục vụ Sở chỉ huy tiền phương trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Một điển hình tuyệt vời là khi phát lịch ngày giờ (N-G) tổng tiến công đồng loạt thì tất cả lực lượng toàn Miền đều nhận được. Ngày 28 tháng 4 năm 1975 phát lại và kiểm tra đúng là đã nhận đủ và không sót đơn vị nào. Lúc này mặt trận nổ súng liên tục kết hợp chặt chẽ với các cánh quân tác chiến trong nội thành, tỉnh, huyện, thị... Các cánh quân nhỏ chiếm giữ các mục tiêu quan trọng, chốt giữ các đầu cầu, khống chế các trận địa pháo của địch, hợp đồng chiến đấu và hướng dẫn các lực lượng chủ lực đánh chiếm các vị trí then chốt trong thế trận tiến công bao vây địch. Ta tổ chức thành 5 mặt trận: Đông, Tây, Tây Bắc, Bắc và Nam dưới sự chỉ huy thông suốt, chiến đấu và hợp đồng chặt chẽ.

Nơi khó khăn nhất là cánh quân của Quân đoàn 4 chiến đấu ác liệt ở Long Khánh, Xuân Lộc, đánh địch cố thủ phòng tuyến cuối cùng của Sài Gòn. Ta có thiệt hại, nhưng thông tin liên lạc vẫn bảo đảm đến thắng lợi cuối cùng.

Để có được sự bảo đảm đó, Bộ đội Thông tin trong toàn Miền đã cố gắng rất nhiều. Điều kiện vật chất và thực lực của B2 còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chẳng hạn, về việc thiết lập đường dây liên lạc từ Sở chỉ huy Miền đến quân đoàn, cơ quan tham mưu thông tin có rất nhiều sáng kiến cùng với quyết tâm của Bộ đội Thông tin để thiết lập đường dây liên lạc kết hợp với nhiều loại phương tiện như dây bọc dã chiến, dây trần, tăng âm, tải ba, vô tuyến sóng ngắn, sóng cực ngắn, vô tuyến tiếp sức, chạy bộ... trên một địa hình phức tạp phải qua rừng rậm, sông rạch (sông Vàm Cỏ), sình lầy xa hàng trăm kilômét. Bộ Tư lệnh Miền ở cánh rừng Lộc Ninh chỉ huy một quân đoàn nằm ở đồng bằng sông nước điều động bộ đội chủ lực, binh lực nặng như xe tăng, pháo binh, đạn dược ở Sở chỉ huy Miền. Đồng chí Lương Văn Nho và đầu dưới là Đoàn 232 - đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) làm việc liên tục chiếm 50% lượng của đường dây đồng thời đường dây này còn phục vụ cho đồng chí Trần Văn Danh (Ba Trần) chỉ huy đánh chiếm núi Bà Đen từ ngày 5 tháng 12 năm 1974 đến ngày 7 tháng 1 năm 1975.

Trong những điều kiện hết sức khó khăn về trang thiết bị này chúng ta thấy được "cái khó ló cái khôn" của các cán bộ tham mưu thông tin dám nghĩ dám làm, quyết tâm làm cho được đường dây liên lạc quan trọng này. Giá như lúc đó có nhiều loại máy vô tuyến điện tiếp sức P401 thông thoại cự ly 50km, nhưng lúc đó chỉ có 1 máy của chiến trường Tây Nguyên (B3) đưa vào B2, ngoài ra còn có 2 chiếc tiếp sức loại nhỏ A350 của Trung Quốc liên lạc ở cự ly ngắn, máy cũ dây đồng trần điện thoại nặng nề kết nối với dây bọc dã chiến để hình thành đường dây.

Thông tin liên lạc B2 phát huy tốt, mạnh và rộng rãi phương tiện vô tuyến điện báo. Còn thông tin hữu tuyến điện là phương tiện quan trọng, các chỉ huy rất thích, nhưng cùng với thông tin vận động rất cực khổ và thương vong nhiều. Tính đến năm 1975 trong số 17 anh hùng được tuyên dương thì số anh em hữu tuyến và vận động chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trước sự phát triển nhanh của tình hình, tháng 8 năm 1974, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thông tin Miền do đồng chí Nguyễn Xuân Thăng làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Xuân Đào làm Phó gồm có cơ quan tham mưu, chính trị, khí tài kỹ thuật, hậu cần vận tải, nhà trường, kho xưởng thông tin, bệnh xá.

Nhờ vậy, thông tin B2 phát huy tốt tính tích cực, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khẩn trương, phức tạp. Chẳng hạn, tháng 2 năm 1975 Đoàn 232 được thành lập với yêu cầu hoàn chỉnh tổ chức các mặt trước tháng 4 năm 1975 đưa đủ 3 tiểu đoàn thông tin hỗn hợp 32, 33, 37 và các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, khí tài kỹ thuật; để kịp thời điều động hàng mấy trăm con người ở nhiều nơi, trang bị đầy đủ. Đặc biệt cơ quan chính trị làm tốt công tác chính trị động viên, tổ chức Đảng, Đoàn, điều động cán bộ có trình độ và tinh thần dũng cảm, có trách nhiệm cao sẵn sàng khăn gói lên đường làm nhiệm vụ.

Ngày 7 tháng 4 năm 1975, đồng chí Lê Đức Thọ - đại diện Bộ Chính trị vào phổ biến nghị quyết Trung ương, không chờ đến mùa khô 1975-1976 mà phải giải phóng miền Nam trong một vài tháng tới của năm 1975.

Cũng trong thời gian này, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy, đồng chí Trần Văn Trà và Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh.

Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thông tin Chiến dịch Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thăng làm Chủ nhiệm Thông tin chiến dịch, đồng chí Hoàng Niệm và đồng chí Nguyễn Xuân Đào làm Phó Chủ nhiệm Thông tin chiến dịch.

Đồng chí Hoàng Niệm là Tư lệnh phó của Bộ Tư lệnh Thông tin miền Bắc đi cùng đoàn theo đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng có tên là Đoàn A75.

Đồng chí Hoàng Niệm khi thấy thời gian gần kề chiến dịch Hồ Chí Minh mà thông tin B2 có những khó khăn nên quyết định điều động lực lượng gần nhất của Bộ chi viện cho thông tin B2 triển khai Sở chỉ huy chiến dịch.

Đến sáng 25 tháng 4 năm 1975 thông tin B2 đã hoàn thành mạng lưới thông tin ở Sở chỉ huy cơ bản tại Lộc Ninh và mạng lưới thông tin của Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Ván Tám - tây nam Chơn Thành, bắc Bến Cát và ngày 26 tháng 4 năm 1975 toàn bộ cơ quan và Bộ Tư lệnh chiến dịch bắt đầu làm việc tại đây để sẵn sàng 00 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975 chỉ huy toàn Miền Tổng tiến công và nổi dậy đến thắng lợi hoàn toàn.

Có điều rất tiếc là sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch, nhiều vấn đề chi phối nên việc tổng kết rút kinh nghiệm và viết lại lịch sử thông tin Miền chưa được hoàn chỉnh và thỏa mãn mong ước của cán bộ, chiến sĩ thông tin để lưu lại lâu dài.

Để khẳng định thành tích của thông tin B2 đồng chí Tư lệnh Miền - Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói: "Thần kỳ và hiếm có", xứng đáng là Anh hùng. Chúng ta có thể khẳng định nguyên nhân thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng thông tin B2 từ ngày mới thành lập đến Chiến dịch Hồ Chí Minh với những điểm cơ bản:

1. Sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, kết hợp với sự chi viện có hiệu quả của Bộ Tư lệnh Thông tin - Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh trong điều kiện phức tạp, chiến tranh ác liệt, chiến trường xa Trung ương, các đồng chí cố gắng hết sức lo lắng cho miền Nam, cho thông tin B2.

2. Trong việc làm tốt nhiệm vụ thông tin có sự đóng góp tích cực của các cấp chỉ huy luôn chăm sóc động viên bộ đội thông tin thuộc quyền.

3. Tinh thần, ý chí dũng cảm, ngoan cường, tích cực học hỏi, trau dồi nghiệp vụ của toàn thể cán bộ, chiến sĩ thông tin cả nam lẫn nữ ở khắp các lực lượng từ lực lượng chủ lực đến địa phương, trong lòng địch, từ tiền tuyến đến hậu phương có một quyết tâm vững chắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)