Nguyễn Thanh Hải - trích truyện ký cùng tên của nhà
báo
Ngày ấy, đế quốc Mỹ phát động chiến tranh leo thang bắn
phá miền Bắc, tôi đang học những năm cuối cùng của phổ thông trung học. Anh
Hùng là "lính mới tò te" làm liên lạc cho bác Tam - Chính ủy một đơn
vị thông tin Phòng không - Không quân về quê tôi sơ tán; bác Tam và anh Hùng
đóng quân ở nhà tôi. Hai người thương yêu nhau như ruột thịt, ai cũng gọi là
"Hai bố con Chính ủy". Anh trạc tuổi 17 - 18, hơn tôi một hai tuổi,
đang học dở lớp 10 thì xin đi bộ đội nên cũng chưa hết cái dáng dấp của tuổi học
sinh, nhất là đôi má phính, cặp môi đỏ và nước da trắng mịn, càng làm cho anh
"trẻ" không tưởng được. Ở ít ngày nên quen, lại ở cái tuổi choai
choai như nhau nên lũ con gái ở xóm chúng tôi rất hay trêu Hùng, hễ cứ gặp anh ở
đâu là lại réo tên ghép "Hùng con" ra mà gọi. Có lần chúng tôi trêu
quá, anh giận dỗi đến mấy ngày nhưng được cái chẳng bao giờ Hùng giận lâu. Hàng
ngày, anh thường cặm cụi lau chùi kỹ lưỡng chiếc máy điện thoại màu nâu sẫm,
trông như cái hộp đồ nghề của ông thợ cắt tóc đầu xóm. Hùng quý cái máy đó lắm,
lúc nào cũng nâng niu trau chuốt cho nó. Là một đứa con gái nông thôn mới lớn,
lần đầu tiên thấy chiếc máy điện thoại, hơn nữa lại thấy anh Hùng cẩn thận như
thế tôi không sao nén nổi sự tò mò; nhất là những khi anh gọi máy, thưa máy
nghe cứ dẻo quẹo đến là hay. Tôi thường lân la tìm cách đến gần để nghe xem cái
máy nó nói những gì và một lần tôi thấy cả tiếng con gái trong đó. Ôi cái tiếng
tha thiết trong trẻo như mơ hồ kia sao lại có sức cuốn hút tôi kỳ lạ. Cái máy ấy
nó như thế nào mà nói chuyện với nhau được nhỉ? Những người con gái ấy ở đâu mà
lại gọi được đến đây? Ở bộ đội cũng có con gái hay sao? Liệu mình có gọi được
như họ không? Hàng ngàn câu hỏi ngớ ngẩn đặt ra trong đầu mà tôi không sao giải
quyết được. Tôi muốn hỏi anh Hùng nhưng sợ anh cho là trẻ con nên lại thôi. Mỗi
buổi đi học về thấy anh đi ra ngoài là tôi lại rón rén đến gần, tần ngần bên
chiếc máy hồi lâu nhìn như hút vào chiếc tổ hợp đen bóng treo trên cột, lòng thầm
ước ao được cầm lấy nó gọi thử một câu, chỉ một câu thôi xem nó thế nào. Thế rồi
có một hôm tôi cũng đang đứng như thế trong lúc anh Hùng ngồi lau súng ngoài
sân thì tiếng chuông trong máy reo lên, tôi giật mình chưa lịp lùi ra thì anh
đã gọi với vào:
- Thanh ơi, ở trong nhà đấy à? Cầm máy nghe hộ với! Tay
mình dính dầu quá.
Tôi ngỡ mình nghe nhầm, người run lên vì hồi hộp sung sướng.
Nhắc nhẹ cái ống nói, tôi đưa lên tai, tim đập như muốn vỡ ra. Tôi cố lấy cái
giọng như Hùng gọi thường ngày mà khó quá. Đầu tiên thì gọi như thế nào nhỉ? À đúng
rồi, a lô, tôi hổn hển: A lô! A lô! Nhưng lạ thật, sao chẳng nghe thấy gì nhỉ
hay là mình gọi bé quá họ không nghe được? Tôi gọi to hơn như gào lên. Cũng chẳng
có gì hết. Tiếng chuông lại réo lên một hồi mạnh và dài. Tôi càng trở nên lóng
ngóng, chân tay lập cập run như rẽ. Anh Hùng nghe chừng sốt ruột chạy vào, vừa
đón lấy tổ hợp trên tay tôi Hùng đã cười phá lên:
- Ối giời ơi! Sao mà ngốc thế. Cầm máy ngược thế này lại
không bấm công tắc thì gọi sao được.
Tôi vừa ức vừa xấu hổ bỏ chạy ra ngoài. Tiếng Hùng lại
déo queo như đuổi theo tôi mãi. Buổi chiều bác Tam từ Sở chỉ huy về, Hùng đã bô
bô kể lại chuyện đó cho bác biết, bác Tam được dịp lại trêu tôi một mẻ ra trò.
Còn Hùng thì "thân ái" tặng luôn cho tôi cái biệt hiệu "Thanh
ngược" nghe cứ tức anh ách. Nhưng lúc đó tôi chỉ đỏ mặt nguýt anh một cái
rõ dài rồi dấm dẳng:
- Ai bảo người ta không biết sao lại bắt nghe hộ, lần
sau thì đừng hòng.
Hùng vỗ tay đen đét rồi lên giọng:
- Được rồi. Không biết thì cắp sách đến đây anh giảng cho,
chịu khó làm học trò anh được chứ?
Tôi tưởng Hùng nói đùa nhưng rồi anh giảng cho tôi thật,
tôi thật không ngờ cái máy bình thường ấy lại phức tạp và lý thú quá. Bao nhiêu
câu hỏi tôi đặt ra anh đều trả lời trôi chảy và tỉ mỉ. Tôi càng không ngờ cái
anh chàng "Hùng con" này lại thông thạo máy móc đến thế, cứ y như thầy
giáo thật ấy. Cả một thế giới huyền bí về "nghề" thông tin được mở ra
trước mắt tôi đầy quyến rũ. Anh còn hứa hôm nào có điều kiện sẽ cho tôi gọi máy
thử một lần. Tuy không nói ra nhưng tôi thích lắm, cứ chờ mãi, mong mãi mà chẳng
thấy anh đả động đến lời hứa ấy cả.
Cho mãi đến một ngày hè. Bầu trời hôm đó trong veo lóa
nắng. Tôi cùng Ngọc, đứa bạn thân nhất đang làm cỏ lúa ngoài đồng thì máy bay Mỹ
ập tới. Chúng trút bom ngay xuống xóm tôi. Nhìn lửa khói bốc lên mù mịt và nghe
tiếng trống mõ thúc liên hồi, tôi khóc toáng lên. Trời ơi! Bố mẹ tôi ở nhà có
sao không? Tôi chẳng còn biết sợ hãi gì nữa, mặc cho máy bay vẫn gào rít trên đầu,
tôi vừa khóc vừa chạy thẳng về nhà. Ngôi nhà đổ dẹo sang bên, mái tranh tung
tóe. Một cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi sững người im bặt. Hùng nằm gục giữa
nhà, một mảng lưng áo đẫm máu, tay phải giơ ra phía trước đang tìm kiếm một cái
gì. Chiếc máy điện thoại thu dưới bụng đang rung lên từng hồi chuông gấp gáp:
- Anh Hùng! Anh Hùng ơi, anh làm sao thế này? Bố mẹ em
đâu rồi?
Tôi sà xuống bên anh vừa lay gọi vừa nức nở. Hùng từ từ
mở mắt nhìn tôi, rồi khẽ nở một nụ cười gắng gượng.
- Hai bác ra hầm rồi! Thanh xem... cái máy có điện... nghe
hộ...
Tôi quay sang chiếc máy, tiếng chuông vẫn đổ dồn. Có ai
gọi trong tổ hợp vọng ra, nghe rõ rõ. Tôi lại quay sang Hùng, anh nằm im thở
khó nhọc, đôi môi se lại khẽ giật giật như muốn nói điều gì mà không nói được.
Không thể chần chừ được nữa, tôi đỡ anh dậy dìu anh ra sân, may sao cái Ngọc chẳng
hiểu từ đâu chui ra đâm sầm đến, tôi chỉ kịp bảo Ngọc đưa Hùng xuống hầm băng
bó vết thương, rồi tôi chạy vào vồ lấy tổ hợp. Vừa đặt tổ hợp lên tai, tôi đã nghe
thấy tiếng bên kia đang gọi hối hả giọng đầy lo lắng.
- A lô! A lô! 101 đâu? 101 đâu? Hùng đâu? A lô Hùng đâu?...
Tôi lưỡng lự ngập ngừng giây lát rồi khẽ nói:
- A lô! Hùng đây ạ. Hùng đây ạ! - Tiếng bên kia như
reo lên:
- A lô! Hùng đấy à! A lô! Ai đấy? Đồng chí là ai đấy?
- Dạ, em đây! Hùng đây ạ.
Tiếng bên kia gay gắt:
- Này đồng chí ở tổng đài nào thế. Đùa cái gì. Cho gặp
ngay số máy 101 khẩn trương lên.
Không biết làm thế nào nữa tôi đành nói:
- Dạ em đây! Em ở nhà anh Hùng đây. Anh Hùng bị thương
rồi, nặng lắm đấy! Anh cho xe cấp cứu xuống ngay không thì...
Tiếng máy bay lại ào đến, rít như xé vải. Một loạt bom
nữa nổ tung phía cuối xóm, căn nhà xiêu kêu răng rắc, bụi rơi lả tả. Tôi áp chặt
ống nghe vào tai nằm dán xuống đất. A lô! A lô! Vẫn không có gì. Tôi nghi hoặc
nhìn lại tổ hợp, hay là mình cầm ngược? Không phải, thế thì làm sao? Tôi bặm
môi nhìn chiếc máy. Bỗng một ý nghĩ loé lên. Đúng rồi có lần Hùng nói: Dây mà đứt
thì quay máy nhẹ, càng nhẹ đứt càng gần. Mừng quá. Tôi vùng dậy lấy cái túi đồ nghề
của Hùng và cuộn dây bọc rồi chạy đi theo đường dây, dây đứt thật. Tôi hì hục nối
xong thì chẳng biết máy bay Mỹ cút từ bao giờ nữa, không gian trở nên yên tĩnh
lạ thường. Tôi về đến nhà đã thấy bà con hàng xóm đang ồn ào xúm xít thu dọn.
Chẳng kịp chào hỏi ai, tôi lách đến chỗ chiếc máy, bác Tam đã về và đang cầm
máy nói chuyện, tôi đứng ngẩn người ra vì sung sướng. Thấy tôi bác Tam kêu lên:
- A! Thanh, cháu Thanh, cháu giỏi quá.
Tôi cúi đầu bẽn lẽn rồi hỏi bác:
- Bác ơi, anh Hùng bị thương có sao không ạ?
Bác Tam bước đến bên tôi khẽ xoa đầu:
- Không sao đâu. Hùng đi viện rồi. Cháu khá lắm, có thể
trở thành chiến sĩ thông tin được rồi đấy - Tôi đứng lặng đi vì xúc động.
Sau lần đó, tôi như lớn hẳn lên, anh Hùng ra viện cũng
theo đơn vị đi luôn vào tuyến trong, tôi không được gặp lại anh nữa. Chẳng biết
đến bao giờ tôi mới có dịp khoe với anh cái chiến công đầu nho nhỏ của mình. Rồi
sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi cũng xin vào bộ đội. Sức khỏe thì đủ,
nhưng xét hoàn cảnh gia đình tôi là con một, nên lúc đầu xã không cho đi; khóc
dở, mếu dở mãi, mới toại nguyện, lại được vào đúng Binh chủng Thông tin liên lạc.
Vào đơn vị, tôi được đi học sơ cấp tải ba 3 tháng và được điều về Trạm A10 thuộc
Đại đội 8 Đoàn Thông tin Nam Liên anh hùng. Những ngày đầu về trạm, tôi thực sự
bỡ ngỡ và lạ lẫm. Học là một chuyện, vào nhiệm vụ lại là một chuyện. Nhìn những
cỗ máy cao vút đầu tôi vừa thích lại vừa lo. Không biết mình phải xoay xở thế
nào với nó đây. Nhưng mỗi khi lên phòng máy, nhìn thấy chiếc ống nói, là tôi lại
nhớ đến cái lần đầu cầm máy ngược ấy. Quên làm sao được, mỗi lần cầm lấy tổ hợp
tôi lại như thấy ở đầu dây bên kia anh Hùng đang nằm ôm lấy cái máy, mắt nhắm
nghiền, tay nắm chặt ống nói, trên môi còn đọng một nụ cười như thúc giục tôi.
Tôi tự nhủ, ngày trước mình chỉ được nghe người ta gọi thưa trên máy, chỉ thầm
dám ước ao thôi. Bây giờ mình được ngồi đưa tiếng nói đi khắp bốn phương trời
thì phải làm sao cho xứng đáng với vinh dự ấy. Cho nên mỗi lần chuông reo là mỗi
lần sống lại trong tôi những kỷ niệm ngây thơ của cô bé học sinh lần đầu làm
quen với chiếc máy điện thoại, với những người chiến sĩ thông tin. Thế rồi, chẳng
bao lâu tôi trở thành một chiến sĩ giỏi cả về tải ba, tổng đài và được đơn vị cử
về Trường Kỹ thuật Thông tin học tập. Học ba năm xong, nhà trường giữ lại và
sau đó tôi được chuyển về công tác tại cơ quan Bộ Tư lệnh Thông tin cho đến bây
giờ.
Thấm thoắt đã gần 38 năm rồi kể từ ngày tôi cầm máy ngược.
Với 36 năm công tác trong Binh chủng Thông tin, thời gian kể cũng lâu mà cũng
thật nhanh chóng. Nhìn lại thấy mình từng bước đã trưởng thành, cũng lập được một
số thành tích trong học tập và rèn luyện. Nhiều lần tôi tự hỏi: Vì sao mình lại
có được những kết quả đáng tự hào như ngày hôm nay? Thật đơn giản, tất cả đều
"bắt đầu từ chiếc máy điện thoại".
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét