Đại tá Nguyễn Nghiệp - nguyên Chủ nhiệm khoa Thông tin
Học viện Lục quân
Cuối năm 1950, từ một Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Ninh
Giang, Hải Dương (22 tuổi), tôi gia nhập quân đội. Tháng 3 năm 1952, tôi được đồng
chí Hà Kế Tấn – Tư lệnh Liên khu 3 trực tiếp giao nhiệm vụ làm Phó Ban thông
tin liên lạc Bộ Tư lệnh liên khu, khi "trong bụng" chưa có một chữ
nào về thông tin. Tôi đã trình bày ý này với đồng chí Tấn, được đồng chí Tấn động
viên: "Các đồng chí ở đoàn thể cử vào, phải với tinh thần khắc đi khắc đến,
khắc làm khắc biết, bây giờ kháng chiến đòi hỏi rất khẩn trương, không thể đi học
về rồi mới làm, mà phải làm ngay ngày hôm nay".
Với tinh thần ấy tôi bắt đầu bằng cách học tập anh em xung
quanh, học các đồng chí chỉ huy rồi tự tìm tòi để làm. Quả thật gặp rất nhiều
khó khăn. Nhưng rồi tôi cũng vượt qua được.
Tháng 6 năm 1952 khi thành lập Khu Tả Ngạn sông Hồng
tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Thông tin liên lạc thuộc Phòng Tham mưu Bộ
Tư lệnh Khu, tôi đã thấy tự tin hơn.
Hoạt động sâu trong địch hậu, chúng tôi chỉ dùng vô tuyến
điện sóng ngắn và thông tin vận động. Liên lạc với Cục Thông tin cũng chỉ bằng
hai phương tiện này, do đó từ năm 1952 đến năm 1955, tôi chưa lần nào được gặp
mặt trực tiếp cán bộ Cục Thông tin.
Tháng 6 năm 1955, tôi được cử đi học lớp tham mưu thông
tin ở Đa Phúc do đồng chí Hà Ngọc Oánh làm đội trưởng, đồng chí Lê Cư là chính
trị viên. Đến trường, lần đầu tiên tôi được gặp cụ Hoàng Đạo Thúy. Tôi chào cụ,
câu đầu tiên cụ bảo: "Tôi biết chữ ký của ông từ lâu, nay mới gặp ông, tôi
rất mừng".
Lớp học này đã giúp tôi hiểu thêm được nhiều điều về thông
tin, nâng cao trình độ về nhiều mặt, sáng tỏ những kinh nghiệm thực tế mà bản
thân đã trải qua. Do yêu cầu của xây dựng lực lượng, tuy lớp học chưa xong, tôi
lại được điều động đi làm chủ nhiệm thông tin Sư đoàn 328. Thời kỳ này huấn luyện
theo phương hướng chính quy, tôi được đi học các lớp tập huấn chiến thuật của Bộ
Tổng Tham mưu và theo học các lớp ở Trường Bổ túc quân sự Trung cao cấp (nay là
Học viện Lục quân).
Tháng 10 năm 1956, tôi được Bộ Tổng Tham mưu điều về
khoa Thông tin của Trường Sĩ quan Lục quân để tập dượt công tác huấn luyện ở
nhà trường và dự lớp bồi dưỡng của chuyên gia Trung Quốc để chuẩn bị về công
tác ở Trường Thông tin.
Tháng 3 năm 1957, tôi về Trường Thông tin làm Trưởng
phòng Huấn luyện, cùng các đồng chí Nguyễn Diệp và Hà Ngọc Oánh là Phó phòng.
Anh em chúng tôi phân công nhau: đồng chí Nguyễn Diệp phụ trách huấn luyện kỹ
thuật, đồng chí Hà Ngọc Oánh phụ trách huấn luyện thông tin cấp phân đội, tôi
phụ trách chung và huấn luyện tổ chức bảo đảm thông tin cấp trung đoàn, sư
đoàn.
Cùng với phòng huấn luyện, các cơ quan và đội ngũ giáo
viên của nhà trường đều được tăng cường về số lượng, chất lượng và được bồi dưỡng
nâng cao một bước về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Năm 1957, nhà trường mở các lớp đào tạo cán bộ trung đội
vô tuyến điện, hữu tuyến điện và lớp bổ túc tham mưu thông tin mà học viên là
những cán bộ chỉ huy thông tin ở các quân khu, binh chủng và sư đoàn... đều đã
trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Số lượng khoảng 90 đồng chí.
Riêng về huấn luyện tổ chức và đảm bảo thông tin cấp trung
đoàn, sư đoàn, tôi còn nhớ:
- Về nội dung: Nhà trường sử dụng các tài liệu tập huấn
của Bộ Tổng Tham mưu và các lớp bổ túc của Trường Bổ túc quân sự trung - cao cấp.
- Về phương pháp: Huấn luyện chiến thuật binh chủng hợp
thành và các binh chủng, nhà trường đã vận dụng các bước: Giới thiệu lý luận; tập
bài hạ quyết tâm tổ chức bảo đảm thông tin trên bản đồ; xử trí tình huống trên
sa bàn hoặc tại thực địa. Các đáp án thường dựa vào các tưởng định của trường bổ
túc quân sự trung, cao cấp và những chỉ thị, hướng dẫn của Cục Thông tin để vận
dụng cho phù hợp. Các bước này cũng được nghiên cứu vận dụng kiểm tra và thi tốt
nghiệp.
Những nội dung phương pháp huấn luyện tổ chức và bảo đảm
thông tin trong tác chiến hiệp đồng binh chủng bước đầu được thực hiện ở Trường
Thông tin Đa Phúc những ngày ấy, đã được các giáo viên tiếp tục vận dụng và phát
triển ngày càng sáng tạo, phong phú trong huấn luyện sau này.
Những phương án cơ bản tổ chức và bảo đảm thông tin
cho các trung đoàn, sư đoàn ngày ấy cũng được các cán bộ thông tin vận dụng có
hiệu quả trong kháng chiến chống Mỹ, trong đó có bản thân tôi khi làm chủ nhiệm
thông tin Sư đoàn 304 ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị) những năm
1967-1970. Các bản tổng kết về tổ chức và bảo đảm thông tin trong chiến đấu hiệp
đồng binh chủng bộ binh, có xe tăng, pháo binh cơ giới, đặc công… thời gian này
tôi đều gửi đầy đủ về Trường Thông tin khi ở Hà Bắc.
Năm 1958, sau khi Trường Thông tin ở Đa Phúc theo quyết
định của Bộ sáp nhập vào Trường Sĩ quan Lục quân, tháng 8 năm 1958 tôi được điều
động về làm Phó phòng Tham mưu Cục Thông tin.
Thời gian tôi công tác ở Trường Thông tin Đa Phúc chỉ hơn
một năm và đã cách đây hơn 40 năm. Nay nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày
thành lập trường (1951- 2001) tôi bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày cùng được
sống và làm việc với đồng chí Hiệu trưởng Trịnh Đình Chung, các cán bộ, giáo
viên, nhân viên nhà trường với tuổi đời hầu hết đều trên dưới 30, trong không
khí đoàn kết hăng say làm việc, sôi nổi trong sinh hoạt. Mọi người sống với
nhau chan hòa, thân ái và cởi mở làm sao! Ba anh em cán bộ Phòng Huấn luyện
ngày ấy đoàn kết và chân tình giúp đỡ lẫn nhau, riêng tôi cũng đã được đồng chí
Nguyễn Diệp và Hà Ngọc Oánh giúp đỡ nhiều để hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều đồng chí cùng chúng tôi công tác trong thời gian
ở Đa Phúc sau này đã trưởng thành và phát triển tốt. Nhiều đồng chí đã hy sinh
anh dũng ở các chiến trường như các anh Hà Ngọc Oánh, Phạm Duy Phần, Đinh Hữu Cần...
và nhiều anh chị em vì bệnh tật hoặc tuổi già nay không còn nữa. Nay ngồi viết
những dòng kỷ niệm này tôi xúc động nhớ tới các anh chị em, những cán bộ, giáo
viên, nhân viên đã có những đóng góp công sức vào thành tích chung của Nhà trường.
Cũng nhân dịp này, tôi xin được gửi tới các anh chị em
đã có những ngày cùng sống bên dòng sông Công êm đềm, mà hiện nay đang sinh sống
trên mọi miền của Tổ quốc lời chào Đa Phúc, lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.
Tháng 1-2001
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”)
0 comments:
Đăng nhận xét