28.1.25

Có một thời đáng nhớ

Nguyễn Thanh Hải

Cuối năm 1964, đầu năm 1965, tổng thống Mỹ - Giôn-xơn phát động chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Hàng ngàn chị em ở lứa tuổi mười chín, đôi mươi trên khắp mọi miền Tổ quốc xung phong, tình nguyện lên đường vào bộ đội, mong được trực tiếp cầm súng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ quê hương. Một số chị được phân công về Trung đoàn 134. Lớp chiến sĩ gái đầu tiên ấy là Nguyễn Thị Thuận (Hưng Yên), Nguyễn Thị Nghiêm (Hải Phòng), Phạm Thanh Mai, Cung Thanh Hiền (Hà Nội), Đoàn Thanh Trà (Hải Dương) Phan Thị Xuân Sánh (Nghệ An), Nguyễn Thị Tần (Hà Giang), Nguyễn Thị Thu (Thái Bình)... Vừa qua Trường Trung cấp Bưu điện vào quân ngũ với bao điều mới mẻ, bỡ ngỡ, thế rồi chẳng bao lâu các chị đã trở thành những hạt nhân của các trạm cơ vụ: Q10 (A10), A41, A46, A52, A54, A55, A56, A67, A69, A72.

Tôi có dịp gặp và nói chuyện với Trung úy Nguyễn Thị Thuận - Chính trị viên Đại đội 20, kiêm Trạm trưởng Trạm KC100B trong chiến dịch Thừa Thiên - Huế. Chị Thuận đã kể cho tôi nghe về "những cuộc chiến đấu thẩm lặng" mà các chị đã đảm nhận trong những năm đầu chiến tranh. Đó là thời kỳ đầy bỡ ngỡ và lạ lẫm. Mới mang trên mình bộ quân phục chưa kịp phai mùi hồ mà các chị đã phải tiếp thu ngay một cơ sở trang thiết bị thông tin được coi là hiện đại lúc bấy giờ. Không có thời gian để mà băn khoăn, trăn trở, các chị đã khẩn trương bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu, trước tiên là bằng lòng nhiệt tình, trách nhiệm và sự thôi thúc ham hiểu biết của tuổi trẻ...

Trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu ngày càng cao, chiến trường ngày càng mở rộng, lực lượng chiến sĩ gái được bổ sung về Trung đoàn ngày càng nhiều vào những năm 1966, 1968. Với thời gian ba tháng, Trung đoàn đã mở các lớp đào tạo để có trình độ sơ cấp tải ba, tổng đài, kịp thời cung cấp lực lượng cho các trạm cơ vụ trên khắp các chiến trường.

Trình độ chị em những năm sau này có hạn, họ mới chỉ rời ghế trường phổ thông hoặc mới rời tay cày tay cuốc; thời gian huấn luyện ngắn, trang thiết bị máy móc thì hiện đại, gồm nhiều chủng loại, do nhiều nước sản xuất, có loại máy các chị chưa từng được học qua. Cứ mỗi lần bước chân xuống phòng máy là như bước vào "trận đồ bát quái", đứng giữa những dãy đèn rối mắt, khiến các chị phải lè lưỡi, lắc đầu. Nhưng các chị đã không lùi bước, quyết tâm lao vào học tập với phương châm "không biết thì hỏi, chưa giỏi thì học", dần dần các chị đã tự mình làm chủ và sử dụng máy móc thành thạo.

Nhớ ngày nào chiến sĩ Âu Thị Thảo, người con gái dân tộc Tày, khi mới khoác ba lô về đơn vị, tiếng Kinh còn chưa thạo thế mà chỉ qua ba năm sống trong quân ngũ, chị đã trưởng thành trong nghiệp vụ, nắm chắc các máy móc trang thiết bị và lập công xuất sắc tại chiến trường, trở thành chiến sĩ Quyết thắng, được đơn vị cử ra Hà Nội dự Đại hội Thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Binh chủng Thông tin và đón thư khen ngợi của Bác Hồ ngày 28 tháng 1 năm 1969.

Chị Đoàn Thị Toan, chiến sĩ Trạm A52, văn hóa chỉ có lớp 7/10, nhưng do chịu khó tìm tòi học hỏi, đứng trước máy hiện sóng, giữa màn huỳnh quang nhấp nháy, 10 lần do mất liên lạc thì cả 10 lần chị đã chỉ ra đúng điểm hỏng, chính xác đến từng khoảng cột, đôi dây, kịp thời báo cho chiến sĩ bảo vệ đường dây đi sửa. Chị Bùi Thị Toán, Trạm A46 thì lại cần mẫn, dịu dàng, say mê, kiên trì học tập, nắm chắc từng hộp máy. Chị có thể hình dung đúng vị trí của tất cả các linh kiện chủ yếu của máy tải ba.

Những chiến sĩ máy tải ba giỏi, đồng thời cũng không hiếm những chiến sĩ tổng đài tinh thông nghiệp vụ. Chiến sĩ Bùi Thị Thu, Trạm A7, nắm chắc mạch điện của nhiều loại tổng đài hiện có trong trạm và sử dụng thành thạo như một bác sĩ giỏi. Nguyễn Thị Mắn, Trạm A5 đọc vanh vách liền một hơi trên 300 mật danh liên lạc không một chút lầm lẫn

Vào những năm 1971-1972, các chiến dịch lớn liên tiếp diễn ra ở Thượng Lào, Hạ Lào, Cánh Đồng Chum, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Yêu cầu đối với thông tin liên lạc càng nặng nề và khẩn trương hơn; các chiến sĩ gái của Trung đoàn lại có dịp được thử sức đua tài. Thiếu úy Phan Thị Xuân Sánh đang là Trạm trưởng Trạm A46 (Thanh Hóa) được điều động dẫn một đoàn chiến sĩ gái vào chiến trường và phụ trách Trạm KC100A. Thiếu úy Nguyễn Thị Thuận là Chính trị viên Trạm A10 cũng dẫn đầu một đội quân tóc dài vào tiếp nhận Trạm KC100B.

Ở tiền tuyến, hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác, các chiến sĩ gái đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, đoàn kết trụ bám bên nhau thực hành nhiệm vụ. Qua đôi tay mềm mại, chiến sĩ tổng đài Dương Thị Phả (Trạm KC100B) vinh dự được trực tiếp cắm chiếc phích đầu tiên nối thông liên lạc cho Bộ Tổng chỉ huy phát lệnh mở màn chiến dịch Trị Thiên - Huế.

Giữa năm 1972, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom vào nhiều địa điểm của khúc ruột miền Trung, trong đó có Trạm cơ vụ A69 (Hương Khê, Hà Tĩnh). Chỉ trong ít phút khói lửa ác liệt, 10 chiến sĩ gái trong trạm đã hy sinh hết, chỉ còn lại ba cô gái trẻ: Nghiêm, Thanh, Vang. Căm thù quân địch, nhớ thương bạn đến tột độ, các chị đã nén gạt nước mắt khẩn trương cứu người, sửa máy, giữ vững liên lạc. Kẻ địch những tưởng đã hủy diệt được mục tiêu, song chúng đâu có ngờ 3 cô gái trẻ với vóc dáng mảnh mai, nhỏ bé vẫn còn sống sót sau trận bom khát máu ấy. Ba chị đã tình nguyện ở lại trạm gánh vác công việc của đồng đội mình đã vĩnh viễn ra đi và trở thành hạt nhân của trạm sau này.

Thực tiễn chiến đấu đã tạo nên những đức tính quý giá, không phải hàng ngày ta dễ dàng nhận ra được. Những lúc khó khăn, gian khó, hiểm nguy, là lúc ta mới nhận ra tình cảm đồng chí, đồng đội. Trạm đài A79, giữa những ngày địch bắn phá điên cuồng nhất, ngày nọ nối dài ngày kia, bom rơi hết đợt này đến đợt khác, cả bom nổ chậm rơi xuống ngay trước cửa tổng đài, nhưng ở đó, chiến sĩ tổng đài Phạm Thị Thuyên vẫn ngồi lỳ trước cả trăm cửa lá báo. Tiếng máy xè xè, tiếng phích cắm và cả tiếng thưa gọi của Thuyên vẫn vang lên không ngớt, chị thoăn thoắt cắm phích, tay giơ lên, đưa xuống nhịp nhàng trước mặt tổng đài mềm mại như múa. Chính lúc đó, người con gái đất Hương Khê (Hà Tĩnh) ấy đã lập công bằng những lần tiếp chuyển liên lạc chính xác, chị đã truyền lệnh kịp thời đến trận địa tên lửa và đơn vị pháo bờ biển bắn tan xác 3 máy bay và một tàu biệt kích của Mỹ - ngụy.

Kết thúc các chiến dịch, các chị đã được ghi công. Chị Nguyễn Thị Thuận, Phan Thị Xuân Sánh, Dương Thị Phả được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhiều chị được tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những phần thưởng cao quý của mỗi người và cũng là phần thưởng chung của lớp chiến sĩ gái Trung đoàn 134.

Ở hậu phương lớn miền Bắc, từng ngày, từng giờ cũng phải gánh chịu những loạt mưa bom bão đạn của kẻ thù. Trạm trưởng Nguyễn Thanh Hà (con gái của "lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn), mưu trí, sáng tạo, chỉ huy đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng điều hành trận chiến đấu bắn trả máy bay B-52 của đế quốc Mỹ, góp phần giành chiến thắng trận "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm rực lửa anh hùng. Khi đường dây bị bom thù chặt đứt, không sợ hy sinh, chị Hà cũng đeo máy, vác dây lên tuyến sửa chữa kịp thời khôi phục liên lạc.

Còn các chị Lê Thị Cửu, Nguyễn Kim Tiến, Dương Thị Phái, Nguyễn Thị Lộc, Triệu Thị Bộ, Đinh Tuyết Lan, Lê Thị Xốp, Nguyễn Hồng Diên, Nguyễn Thị Nhung, Phạm Bích Nga, Nguyễn Kim Xuyến, Đỗ Minh Thu... lại dùng "Tiếng hát át tiếng bom". Các chị không chỉ là những chiến sĩ tải ba, tổng đài giỏi của các đơn vị mà còn là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt trong Đội tuyên truyền văn hóa nghệ thuật của Binh chủng Thông tin. Càng trong gian khổ ác liệt, tiếng hát của các chị càng bay cao, vươn xa đến từng trạm máy, tổ dây. Có lẽ, không một tổ trạm thông tin nào của Binh chủng là không có dấu chân của Đội tuyên truyền văn hóa Trung đoàn 134. Tiếng hát của các chị đã làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ thông tin sau những giờ làm việc căng thẳng bên trạm máy, đường dây.

Sau chiến tranh, trở về với đời thường, các chiến sĩ gái của Đoàn Nam Liên anh hùng vẫn phát huy được bản chất, truyền thống của một thời đánh Mỹ. Hầu hết các chị đều thành đạt và tiến bộ không ngừng. Tôi được biết, các chị Nguyễn Thị Thuận, Dương Thị Phái, Nguyễn Thị Gái chuyển ngành là cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; chị Phái còn là Ủy viên Ban chấp hành Thành hội phụ nữ Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ quận Ba Đình; chị Nguyễn Thị Nghiêm, nguyên Đại đội phó Đại đội 1 là Phó Giám đốc Trung tâm điện thoại đường dài Bưu điện Hải Phòng; chị Nguyễn Thị Loan là Bí thư Đảng ủy phường Hàng Buồm; chị Nguyễn Thanh Mai là Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp cấp 2 Hà Nội; chị Dương Tố Hảo là chuyên viên cao cấp Bộ Tài chính; chị Lữ Tuyết Mai, Phạm Như Hồng là cán bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam; chị Nguyễn Thị Biên là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy, Hòa Bình; chị Nguyễn Thị Thật là Trưởng ban nữ công tỉnh Hòa Bình; chị Nguyễn Thị Liên là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh; Đại tá Nguyễn Thị Bạch Mai là trợ lý của Cục Nhà trường quân đội. Còn chị Phạm Thị Bích Thuận (em ruột của Anh hùng thông tin Phạm Hữu Thoan), người có trái tim ở bên phải, hai lá phổi lại nằm dưới bụng đã lập công xuất sắc trong bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ mặt trận giao thông vận tải ở Quân khu 4 vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước không biết bây giờ chị ở đâu?... Riêng với Đại tá Bùi Thị Hòa - người chiến sĩ của Trạm KC100B năm xưa dũng cảm, gan dạ, dưới làn bom đạn địch vẫn bình tĩnh tiếp chuyển liên lạc cho chỉ huy Sư đoàn 337 Quân chủng Phòng không - Không quân đến đơn vị pháo bờ biển bắn cháy nhiều tàu chiến của Mỹ - ngụy lại chuyển về công tác tại Quân khu 3. Hiện chị là bác sĩ, Chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện 7 thuộc tỉnh Hải Dương. Trong tập thể nữ thông tin của Trung đoàn, cũng phải nói thêm một chút về chị Nguyễn Thị Nghiêm, một con người khiêm tốn, giản dị, chịu khó học tập nên đã trở thành giảng viên đào tạo nhiều khóa chuyên môn thông tin của Trung đoàn. Là một phụ nữ được đề bạt sớm, phụ trách đại đội. Trạm A41 (Hải Phòng) là một trong nhiều đầu mối do chị quản lý, 4 lần phải di chuyển địa điểm vì địch đánh phá quyết liệt, chị Nghiêm cùng các chị em hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Nghe tin chồng hy sinh, nén đau thương, vừa nuôi con vừa công tác, chị vẫn cố gắng vươn lên. Thế rồi điều kỳ diệu đã đến: anh Thanh - chồng chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm chiến đấu trở về sau ngày đất nước thống nhất.

Thật khó có thể kể hết ra đây những con người và những công việc họ đã làm để tạo nên những kỳ tích, những chiến công trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Tôi chỉ muốn nói rằng: Các chiến sĩ gái Trung đoàn 134 ngày xưa và cả các chiến sĩ gái hôm nay như Ninh Thị Tân, Nguyễn Thị Thái, Nguyễn Thu Thủy..., họ thực sự đã trở thành những người làm chủ với đúng ý nghĩa đầy đủ của nó. Họ là những cán bộ, chiến sĩ đã làm nên những điều "tầm cỡ". Những năm kiên trì bám máy, họ đã làm nên hàng triệu phiên liên lạc với chất lượng chính xác cao, đáp ứng yêu cầu chiến đấu khẩn trương, nhưng vô cùng gian lao, phức tạp và khi rời quân ngũ họ vẫn phát huy được bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Tôi xiết đỗi tự hào viết ra đây những dòng kỷ niệm về các chiến sĩ gái của Trung đoàn, về "một thời đáng nhớ, khó quên" nhân dịp Trung đoàn 134 kỷ niệm 40 năm ngày thành lập.

Tháng 6-2001

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét