27.1.25

Thông tin B2 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Nguyễn Xuân Đào

Trận đánh cuối cùng vào sào huyệt của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn - Gia Định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian rất ngắn (từ 0 giờ ngày 29-4-1975 đến 10 giờ 30 ngày 30-4-1975) đã giành được thắng lợi. Thắng lợi đó được tạo nên bởi sự hợp sức tối đa của nhiều lực lượng: từ quân chủ lực cấp quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn đến các binh chủng, các đội đặc công, trinh sát cùng với các quân khu, tỉnh, huyện đến đảo xa như Côn Đảo, Phú Quốc... Tất cả đều được chỉ huy thống nhất từ trên xuống dưới và sự hợp đồng chặt chẽ giữa các cánh quân, các quân đoàn chủ lực, các binh chủng, các địa phương mà ngược lại từ dưới báo cáo lên trên, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài đối với các lực lượng bên trong lòng địch...

Mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng về tổng thể ngành Thông tin liên lạc đã góp phần xứng đáng cho chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thông tin B2 đã chủ động, tích cực triển khai mạng lưới thông tin toàn Miền và trung tâm thông tin tại Sở chỉ huy Chiến dịch đặt tại một vị trí sát với Chiến khu Dương Minh Châu để đảm bảo thông tin thông suốt trong thời gian diễn ra Chiến dịch.

Để góp phần làm nên thắng lợi này, Bộ đội Thông tin B2 trong những ngày đầu đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Khi đặt chân lên mảnh đất miền Nam, tháng 8 năm 1961, đồng chí Lê Văn Xai (Tám Xai) cùng các đồng chí khác đã thiết lập được hệ thống thông tin quân sự từ Bộ Tham mưu Miền ra Trung ương và đến các quân khu. Lúc đầu, thông tin không có nhiều máy móc nhưng có một số cán bộ chủ chốt dũng cảm, giỏi các mặt đã đặt nền móng đầu tiên như đồng chí Đoàn Thanh Long phụ trách Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Ba Nê và đồng chí Đỗ Bổ (Ba Minh) phụ trách Quân khu 7, đồng chí Hoài Sơn (Huỳnh Trừ) phụ trách Quân khu 8, đồng chí Hiếu, đồng chí Tám Trần và đồng chí Thừa Thính phụ trách Quân khu 9 và đồng chí Hai Vinh phụ trách trung đoàn chủ lực đầu tiên của Miền.

Trên cơ sở đã có một số sĩ quan tham mưu có kinh nghiệm từng là lính thông tin thời chống Pháp và được đào tạo ở miền Bắc, có đội thông tin thuộc phiên hiệu B18, nên lúc đầu thông tin cũng đã được tổ chức và sau đó là tổ chức đào tạo cán bộ. Ngay những ngày đầu năm 1962, những trường huấn luyện, đào tạo cán bộ đã được mở, tuy nhỏ nhưng ra đời sớm nhất so với các binh chủng khác trong giai đoạn này. Từ năm 1961, khung huấn luyện đã được xây dựng gồm 4 sĩ quan, hai người có vai trò đáng kể trong công tác huấn luyện là đồng chí Lê Phong Quang và đồng chí Đặng Khắc Thỏa. Sau đó Bộ đội Thông tin B2 còn chú trọng đến công tác củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật; đồng chí Nguyễn Bốn Ngọ có công sản xuất ra bộ máy thu phát pin AB64 đầu tiên, Ba Kiệt cũng là người có công đóng góp tích cực. Nhìn chung ba công việc khởi đầu mà Bộ đội Thông tin liên lạc B2 phải làm là tổ chức xây dựng mạng lưới thông tin, đào tạo nhân viên kỹ thuật, cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.

Ngoài ra, chúng ta còn tổ chức lực lượng chiến đấu để bảo vệ thông tin và sản xuất lương thực. Trên 14 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Chiến dịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tiêu biểu cho những gì ưu tú nhất, khó khăn nhất và thành tích vẻ vang nhất.

Ngay sau chiến thắng giải phóng Lộc Ninh, vì sự chuyển biến của tình hình trên chiến trường, một yêu cầu đặt ra là phải mở rộng mạng lưới thông tin rộng khắp và hợp lý để phục vụ cho các chiến dịch lớn tiếp theo. Từ năm 1972 đến đầu năm 1975, công tác thông tin liên lạc luôn được chú trọng: chấn chỉnh tổ chức, theo dõi mạng lưới thông tin cả vô tuyến điện, hữu tuyến điện và thông tin vận động,  điều chỉnh cán bộ, nhân viên kỹ thuật phù hợp với yêu cầu đặc biệt ở những nơi trọng yếu, phân bổ khí tài máy móc nhiên liệu cho toàn chiến trường. Vì vậy ta đã hình thành được một mạng lưới thông tin chặt chẽ cho toàn chiến trường cả trong lẫn ngoài, sẵn sàng phục vụ tối đa đáp ứng cho yêu cầu chiến lược tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam.

Đơn cử một vài mạng thông tin cụ thể:

Năm 1974, chúng ta đã xây dựng được đường trục hữu tuyến từ Đông sang Tây tức từ Lộc Ninh đến bờ sông Vàm Cỏ; hai đường trục từ Bắc xuống Nam, một đường nối liền từ Sở chỉ huy xuống Trà Thanh, Xình Bà Đã, một đường chạy xuống núi Cậu. Những đường dây này về sau thuận lợi cho mạng thông tin phục vụ Sở chỉ huy tiền phương trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Một điển hình tuyệt vời là khi phát lịch ngày giờ (N-G) tổng tiến công đồng loạt thì tất cả lực lượng toàn Miền đều nhận được. Ngày 28 tháng 4 năm 1975 phát lại và kiểm tra đúng là đã nhận đủ và không sót đơn vị nào. Lúc này mặt trận nổ súng liên tục kết hợp chặt chẽ với các cánh quân tác chiến trong nội thành, tỉnh, huyện, thị... Các cánh quân nhỏ chiếm giữ các mục tiêu quan trọng, chốt giữ các đầu cầu, khống chế các trận địa pháo của địch, hợp đồng chiến đấu và hướng dẫn các lực lượng chủ lực đánh chiếm các vị trí then chốt trong thế trận tiến công bao vây địch. Ta tổ chức thành 5 mặt trận: Đông, Tây, Tây Bắc, Bắc và Nam dưới sự chỉ huy thông suốt, chiến đấu và hợp đồng chặt chẽ.

Nơi khó khăn nhất là cánh quân của Quân đoàn 4 chiến đấu ác liệt ở Long Khánh, Xuân Lộc, đánh địch cố thủ phòng tuyến cuối cùng của Sài Gòn. Ta có thiệt hại, nhưng thông tin liên lạc vẫn bảo đảm đến thắng lợi cuối cùng.

Để có được sự bảo đảm đó, Bộ đội Thông tin trong toàn Miền đã cố gắng rất nhiều. Điều kiện vật chất và thực lực của B2 còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chẳng hạn, về việc thiết lập đường dây liên lạc từ Sở chỉ huy Miền đến quân đoàn, cơ quan tham mưu thông tin có rất nhiều sáng kiến cùng với quyết tâm của Bộ đội Thông tin để thiết lập đường dây liên lạc kết hợp với nhiều loại phương tiện như dây bọc dã chiến, dây trần, tăng âm, tải ba, vô tuyến sóng ngắn, sóng cực ngắn, vô tuyến tiếp sức, chạy bộ... trên một địa hình phức tạp phải qua rừng rậm, sông rạch (sông Vàm Cỏ), sình lầy xa hàng trăm kilômét. Bộ Tư lệnh Miền ở cánh rừng Lộc Ninh chỉ huy một quân đoàn nằm ở đồng bằng sông nước điều động bộ đội chủ lực, binh lực nặng như xe tăng, pháo binh, đạn dược ở Sở chỉ huy Miền. Đồng chí Lương Văn Nho và đầu dưới là Đoàn 232 - đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) làm việc liên tục chiếm 50% lượng của đường dây đồng thời đường dây này còn phục vụ cho đồng chí Trần Văn Danh (Ba Trần) chỉ huy đánh chiếm núi Bà Đen từ ngày 5 tháng 12 năm 1974 đến ngày 7 tháng 1 năm 1975.

Trong những điều kiện hết sức khó khăn về trang thiết bị này chúng ta thấy được "cái khó ló cái khôn" của các cán bộ tham mưu thông tin dám nghĩ dám làm, quyết tâm làm cho được đường dây liên lạc quan trọng này. Giá như lúc đó có nhiều loại máy vô tuyến điện tiếp sức P401 thông thoại cự ly 50km, nhưng lúc đó chỉ có 1 máy của chiến trường Tây Nguyên (B3) đưa vào B2, ngoài ra còn có 2 chiếc tiếp sức loại nhỏ A350 của Trung Quốc liên lạc ở cự ly ngắn, máy cũ dây đồng trần điện thoại nặng nề kết nối với dây bọc dã chiến để hình thành đường dây.

Thông tin liên lạc B2 phát huy tốt, mạnh và rộng rãi phương tiện vô tuyến điện báo. Còn thông tin hữu tuyến điện là phương tiện quan trọng, các chỉ huy rất thích, nhưng cùng với thông tin vận động rất cực khổ và thương vong nhiều. Tính đến năm 1975 trong số 17 anh hùng được tuyên dương thì số anh em hữu tuyến và vận động chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trước sự phát triển nhanh của tình hình, tháng 8 năm 1974, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thông tin Miền do đồng chí Nguyễn Xuân Thăng làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Xuân Đào làm Phó gồm có cơ quan tham mưu, chính trị, khí tài kỹ thuật, hậu cần vận tải, nhà trường, kho xưởng thông tin, bệnh xá.

Nhờ vậy, thông tin B2 phát huy tốt tính tích cực, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khẩn trương, phức tạp. Chẳng hạn, tháng 2 năm 1975 Đoàn 232 được thành lập với yêu cầu hoàn chỉnh tổ chức các mặt trước tháng 4 năm 1975 đưa đủ 3 tiểu đoàn thông tin hỗn hợp 32, 33, 37 và các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, khí tài kỹ thuật; để kịp thời điều động hàng mấy trăm con người ở nhiều nơi, trang bị đầy đủ. Đặc biệt cơ quan chính trị làm tốt công tác chính trị động viên, tổ chức Đảng, Đoàn, điều động cán bộ có trình độ và tinh thần dũng cảm, có trách nhiệm cao sẵn sàng khăn gói lên đường làm nhiệm vụ.

Ngày 7 tháng 4 năm 1975, đồng chí Lê Đức Thọ - đại diện Bộ Chính trị vào phổ biến nghị quyết Trung ương, không chờ đến mùa khô 1975-1976 mà phải giải phóng miền Nam trong một vài tháng tới của năm 1975.

Cũng trong thời gian này, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch lịch sử giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy, đồng chí Trần Văn Trà và Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh.

Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thông tin Chiến dịch Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thăng làm Chủ nhiệm Thông tin chiến dịch, đồng chí Hoàng Niệm và đồng chí Nguyễn Xuân Đào làm Phó Chủ nhiệm Thông tin chiến dịch.

Đồng chí Hoàng Niệm là Tư lệnh phó của Bộ Tư lệnh Thông tin miền Bắc đi cùng đoàn theo đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng có tên là Đoàn A75.

Đồng chí Hoàng Niệm khi thấy thời gian gần kề chiến dịch Hồ Chí Minh mà thông tin B2 có những khó khăn nên quyết định điều động lực lượng gần nhất của Bộ chi viện cho thông tin B2 triển khai Sở chỉ huy chiến dịch.

Đến sáng 25 tháng 4 năm 1975 thông tin B2 đã hoàn thành mạng lưới thông tin ở Sở chỉ huy cơ bản tại Lộc Ninh và mạng lưới thông tin của Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Ván Tám - tây nam Chơn Thành, bắc Bến Cát và ngày 26 tháng 4 năm 1975 toàn bộ cơ quan và Bộ Tư lệnh chiến dịch bắt đầu làm việc tại đây để sẵn sàng 00 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975 chỉ huy toàn Miền Tổng tiến công và nổi dậy đến thắng lợi hoàn toàn.

Có điều rất tiếc là sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch, nhiều vấn đề chi phối nên việc tổng kết rút kinh nghiệm và viết lại lịch sử thông tin Miền chưa được hoàn chỉnh và thỏa mãn mong ước của cán bộ, chiến sĩ thông tin để lưu lại lâu dài.

Để khẳng định thành tích của thông tin B2 đồng chí Tư lệnh Miền - Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói: "Thần kỳ và hiếm có", xứng đáng là Anh hùng. Chúng ta có thể khẳng định nguyên nhân thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng thông tin B2 từ ngày mới thành lập đến Chiến dịch Hồ Chí Minh với những điểm cơ bản:

1. Sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, kết hợp với sự chi viện có hiệu quả của Bộ Tư lệnh Thông tin - Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh trong điều kiện phức tạp, chiến tranh ác liệt, chiến trường xa Trung ương, các đồng chí cố gắng hết sức lo lắng cho miền Nam, cho thông tin B2.

2. Trong việc làm tốt nhiệm vụ thông tin có sự đóng góp tích cực của các cấp chỉ huy luôn chăm sóc động viên bộ đội thông tin thuộc quyền.

3. Tinh thần, ý chí dũng cảm, ngoan cường, tích cực học hỏi, trau dồi nghiệp vụ của toàn thể cán bộ, chiến sĩ thông tin cả nam lẫn nữ ở khắp các lực lượng từ lực lượng chủ lực đến địa phương, trong lòng địch, từ tiền tuyến đến hậu phương có một quyết tâm vững chắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 2”) 

0 comments:

Đăng nhận xét