1.12.24

Những tháng năm không thể quên

Huỳnh Xuân Mai

Đồng chí Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự Hoàng Đình Phu, là người có tầm nhìn rộng, nắm bắt tình hình về phát triển khoa học kỹ thuật của Mỹ - ngụy Sài Gòn khá nhanh nhạy. Để cung cấp đầy đủ thông tin nêu trên, đầu tháng 3 năm 1975, Tổng cục Kỹ thuật đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật thông tin gồm 3 người Phạm Công Kỉnh, Nguyễn Ngọc Châu - kỹ sư điện tử và tôi Huỳnh Xuân Mai - phụ trách đoàn, tham gia chiến dịch Buôn Ma Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ chính là: Bảo đảm kỹ thuật cho chỉ huy và chiến dịch tiền phương tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ - ngụy để lại; thu thập các nguồn tư liệu khoa học kỹ thuật, phục vụ công tác nghiên cứu của Bộ sau này.

Đoàn chúng tôi lên đường bằng chiếc ô tô đít vuông Ru-ma-ni. Cuộc hành trình gần 1.390 km, Hà Nội đến Buôn Ma Thuột. Hành trình của đoàn chúng tôi rất nhanh qua Quảng Bình - Quảng Trị, xe chúng tôi rẽ phải vượt Trường Sơn với đầy bụi dày đặc, xe ô tô không sao bò lên được 10 km. Đúng rồi, xe hỏng? Đồng chí Kỉnh kêu to: xe Ru-ma-ni vừa đi vừa đẩy mà! Chúng tôi nhảy xuống xe ì ạch đẩy.

Một lúc sau, xe lại lăn bánh giữa núi rừng bao la, im lặng. Mỗi cung đường, mỗi trạm giao liên với nhiều kỷ niệm khó quên. Mỗi địa danh mang tên lịch sử đầy xúc động. Nhưng cảm động nhất là tôi được gặp lại những đồng chí, đồng đội cùng học tập ở nước bạn và những người thân quê tôi, sau những năm dài xa cách tại núi rừng Tây Nguyên. Đoàn chúng tôi khẩn trương triển khai công việc được trên giao. Sáng đi kiểm tra kỹ thuật ở Kon Tum, Plây Cu, chiều chúng tôi về Buôn Ma Thuột ghi chép tổng hợp tin và số liệu... Cứ thế ngày qua ngày.

Trong những ngày ở đây, chúng tôi được phổ biến nhiều tin dồn dập rất phấn khởi. Thắng lợi của miền Đông Nam Bộ cùng với các chiến trường khác, đặc biệt là đòn đánh chiến lược phủ đầu giành chiến thắng ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, ngày 25 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn, toàn miền Nam mở ra khả năng dứt điểm chiến tranh sớm hơn kế hoạch đã vạch, trước mùa mưa. Miền Nam Việt Nam là một phần máu thịt của Việt Nam. Máu chảy ruột mềm, nơi đi trước về sau! Vì lý tưởng cao đẹp và tình cảm thiêng liêng đó, đồng bào miền Bắc sục sôi khí thế, tập trung sức người, sức của chi viện cho trận quyết chiến cuối cùng, để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Những dòng tin ấy thôi thúc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

 Trên các trục đường chiến lược Tây Nguyên, tôi nhìn thấy từng đoàn xe chở đầy bộ đội, xe kéo pháo... phủ kín lá ngụy trang màu xanh rừng núi Tây Nguyên, nối đuôi nhau chạy về chiến trường trọng điểm Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến dịch tấn công Sài Gòn - Gia Định và đặt tên là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 26 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, đường vào Sài Gòn còn nhiều hướng, nhiều cánh quân xốc tới.

Có một sự việc, tôi còn nhớ mãi, vào ngày 27 tháng 4 năm 1975. Buổi sáng tinh mơ khí trời Buôn Ma Thuột còn se lạnh, tôi nhận được lệnh lên sở chỉ huy gấp. Tôi mừng thầm đoán chắc là có lệnh tiến vào Sài Gòn! Vừa đến sở chỉ huy tiền phương Tổng cục Kỹ thuật, đồng chí Nguyễn Văn Tiến giao ngay nhiệm vụ cho tôi:

 - Đoàn đồng chí nhanh chóng cùng cán bộ địa phương, phục hồi lại đài phát thanh tại thị xã Buôn Ma Thuột, xong nhiệm vụ mới vào Sài Gòn.

Tôi đứng dậy:

- Báo cáo đồng chí, chúng tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng nhất.

Đến khu phát sóng của đài phát thanh Buôn Ma Thuột, thì tất cả các khối thu, phát, nguồn cùng các đầu nối dây đều biến mất. Ở đây hoàn toàn bỏ trống không canh giữ, nên bà con mặc sức lấy về buôn làng cả rồi. Tôi bàn với cán bộ và nhân viên kỹ thuật thông tin cũ của đài, chia nhau đi làm công tác dân vận, nói rõ ý nghĩa công việc này rất quan trọng cho bà con nghe và nhờ giúp đỡ. Đúng thật, kết quả quá bất ngờ, chỉ sau 3 giờ đồng hồ nhân dân trả lại tất cả. Khi thấy các thiết bị đầy đủ. Chúng tôi bắt tay vào sửa chữa, lắp ráp. Từ đó, suốt ngày đêm, chúng tôi làm việc không nghỉ. Ngày hôm sau công việc hoàn thành. Chúng tôi bàn giao cho cơ quan dân chính. Một lúc sau đài phát sóng, bắt đầu bằng câu:

- Đây là đài tiếng nói Tây Nguyên, phát thanh từ Buôn Ma Thuột...

Mọi người phấn khởi ôm nhau hò reo, chúc mừng thắng lợi. Chúng tôi xúc động không cầm được nước mắt.

Sau đó, đoàn chúng tôi lập tức lên xe, tiến về hướng đường 14 Đồng Xoài. Nhưng xe chúng tôi không thể nào vượt lên được, do kẹt xe quân sự. Xe chúng tôi quay đầu lại chạy về phía sông Bé. Ở đây cũng thế, hàng trăm xe cơ giới, nối đuôi nhau nằm chờ tiến về Sài Gòn! Thế là gay go rồi, tôi thở dài thất vọng! Một sáng kiến mới xuất hiện, tôi vụt chạy bộ về phía người chỉ huy điều khiển cuộc hành quân, tôi trình bày một cách chân thành tha thiết về nhiệm vụ quan trọng mà Bộ đã giao, phải có mặt ở Sài Gòn càng sớm càng tốt. Đồng chí sĩ quan điều hành gật đầu, đồng ý cho đoàn xe chúng tôi cùng vượt sông Bé, nhờ một xe xích kéo. Chúng tôi vượt sông an toàn.

Xe chúng tôi chạy thẳng tiến về Sài Gòn, đến cổng chính bộ tổng tham mưu quân ngụy đúng 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc mà bộ đội ta đã chiếm xong và cắm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh trận quyết chiến cuối cùng đại thắng. Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu hoàn toàn giải phóng. Lúc này, chúng tôi đứng trước dinh Độc Lập chứng kiến một khí thế sôi nổi lạ kỳ, đầy xúc động. Nhân dân Sài Gòn đổ ra khắp các nẻo đường, mang theo cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận giải phóng, hò reo đón chào bộ đội giải phóng, họ vây quanh những chiếc xe tăng, cỗ pháo, nhất là các mẹ đưa đôi bàn tay mình lên sờ nắn vuốt ve, âu yếm và ngợi khen bộ đội ta sao mà trẻ trung, giỏi vậy! Nét mặt ai nấy đều hân hoan rạng rỡ lạ thường! Cả Sài Gòn, cả nước lúc ấy sống trong niềm vui vô tận!!

Những ngày đầu tháng 5 năm 1975 giải phóng Sài Gòn, nhiều vấn đề cấp bách đặt ra đối với đoàn chúng tôi, trong đó có việc tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật, thu thập thông tin tư liệu của Mỹ - ngụy để lại. Được biết ngày 4 tháng 5 năm 1975, Quân ủy Trung ương đã ra Chỉ thị số 126/QUTW về "Công tác thu hồi, quản lý, bảo quản sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật lấy được của địch trong vùng giải phóng" - Một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước nói chung và xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói riêng, chỉ thị này có tác động lớn đối với đoàn chúng tôi, tạo nhiều thuận lợi để chúng tôi sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Một lực lượng cán bộ kỹ thuật đủ các ngành nghề khác nhau được tăng cường vào Sài Gòn là 82 người do tôi làm trưởng đoàn. Chúng tôi nhanh chóng chiếm lĩnh, chốt chặn, tiếp quản nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật của chế độ cũ như: Lục quân công xưởng nơi sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và thiết bị thông tin với khu truyền tin, khu phát thanh, tổng đài tại bộ tổng tham mưu ngụy, đặc biệt chúng tôi thu hồi 3 trung tâm lớn nhất của Mỹ - ngụy với khối lượng tài sản lớn, giá trị cao. Đó là trung tâm ấn loát ấn phẩm, trung tâm điện toán tiếp vận, trung tâm điện toán an bài. Ba trung tâm trên các máy móc, trang thiết bị đều sản xuất tại Mỹ, hiện đại nhất trong vùng, có giá trị kinh tế cao. Mỗi trung tâm có 400 - 500 nhân viên kỹ thuật làm việc.

Do sức mạnh áp đảo, cuộc tấn công nổi dậy công nổi dậy mùa xuân 1975, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh với sức tấn công thần tốc của quân ta, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tan rã, sụp đổ nhanh chóng, chúng tháo chạy không kịp tẩu tán, phá hoại, nên toàn bộ cơ sở vật chất ở đây hầu như còn nguyên vẹn, chỉ riêng trung tâm điện toán IBM-360-50, do địch cài 20 quả mìn xuyên, chúng tôi đã phát hiện, tháo dỡ kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

30 năm trôi qua, hôm nay hồi tưởng lại những sự việc ấy, lòng tôi vẫn náo nức như những ngày đầu giải phóng miền Nam. Đó là sức mạnh của dân tộc ta, của quân đội ta, và chúng tôi, những cán bộ khoa học kỹ thuật của Bộ Tổng tham mưu, đã vinh dự được đóng góp một phần nhỏ.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Ký ức Cựu chiến binh Thông tin”) 

0 comments:

Đăng nhận xét