15/8/17

Tự truyện “ Nẻo đường ” của đồng chí Lại Văn Hay, hội viên chi hội Đoàn 239


     Ngày 6-8-2017 Chi hội truyền thống Đoàn 239 họp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Đoàn cán bộ kỹ thuật Quân Giải phóng Miền Nam ( Đoàn 239 ) đi B. 

      Tại cuộc Họp mặt đ/c Lại Văn Hay đã phát biểu giới thiệu và tặng cho các bạn chiến đấu cuốn tự truyện “ Nẻo đường ” mà đồng chí đã bỏ công sức ngót 15 năm để hoàn thành và được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2016.

Trước khi vào nội dung, để bạn đọc hiểu rõ hơn về Tác giả và Tác phẩm, Ban biên tập xin giới thiệu bài viết của nhà báo Hà Ngọc đăng trên báo Người Hà Nội số 51 ra ngày 16-12-2016 với tiêu đề NẺO ĐƯỜNG của một người lính Cụ Hồ. 
Tuổi Kỷ Mão ( 1939 ), nhập ngũ ngày 15-4-1965, chính thức ra quân ngày 30-9-1987, mãi đến 2002 “ngài” sĩ quan mang quân hàm Đại úy mới đặt bút lên trang giấy và sau 4 năm ( 2006 ) miệt mài ghi chép thì hoàn thành tự truyện của đời mình, để 10 năm sau ( 2016 ) ra mắt cuốn sách mang tên “ Nẻo đường ”, dày hơn 500 trang khổ 16x24 cm, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành. 
Ông Lại Văn Hay – tác giả cuốn tự truyện “ Nẻo đường ”, quê ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Sư phạm. Ông Hay có một trí nhớ rất “siêu”, không những giỏi Toán, tiếng Trung mà còn đọc và nhớ nhiều tác phẩm văn học, cuộc đời các danh nhân họa sĩ, âm nhạc trong nước và nước ngoài. Bây giờ khi đã ngoài 77 tuổi, với tính tình thẳng thắn và cởi mở, pha sự khôi hài, ông Hay nói say sưa chuyện của ông, trong quá khứ và hiện tại, lôi cuốn người nghe bởi có nhiều tình tiết thú vị, chi tiết chính xác về nhân vật, địa danh… Điều này người đọc dễ dàng nhận thấy qua hàng trăm câu chuyện trong cuốn tự truyện của ông. 
Dưới dạng tự truyện, tác giả kể chân thực “ Nẻo đường ”của đời mình trong hai mươi năm phục vụ quân đội với những người và việc thật, từ ngày “Nhập ngũ ” 
Những tháng năm trong “ Trung đoàn Thủ Đô ”, ở “ Trường sĩ quan Thông tin ”, giai đoạn “ Đoàn 239 đi B ”, thời kỳ ở “ Chiến trường Đông Nam Bộ ”đến “ Năm hòa bình đầu tiên ”và ngày “ Trở về ”. Chia thành các phần mạch lạc như vậy, song giữa những câu chuyện thực tại ấy luôn pha trộn những mảng hồi ức trước đó ( của tác giả hay của các nhân vật ), khiến người đọc hình dung thấy bối cảnh của từng giai đoạn trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc đầy gian khổ. Không hề mô tả các chiến dịch, các trận đánh, hãn hữu mới có tiếng bom rơi đạn nổ, tác giả tập trung kể những chuyện mình trực tiếp tham gia, mà vẫn thấy khẩn trương, quyết liệt trong hành động, vẫn thấy cân não trong những quyết định nhằm bảo toàn lực lượng, nhằm hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất của những người lính bám sát sau lưng các đơn vị trực tiếp giáp mặt quân thù. Một đoạn trong “ Phần 5 – Chiến trường Đông Nam Bộ ”, tác giả viết :“Họp chi ủy mở rộng, chủ trương đơn vị rút ra khỏi khu rừng 181, Chi ủy có 5, vắng 1…ba phần tư nhất trí…Anh Tạo phản đối…song xuống nước :“ Nếu phải rút để một bộ phận ở lại bảo vệ căn cứ, chứ bốn tấn máy móc khí tài huấn luyện, những bốn tấn gạo vừa lĩnh xong. Không có người bảo vệ à ? Tôi ở lại phụ trách tốp đó ”( trang 330 ) và “ Tôi hiểu anh ( Tạo ) hơn ai hết, anh từng cầm phấn đứng trến bục giảng chương trình bán trung học. Rồi một tay súng, một tay phấn giảng dạy kỹ thuật vô tuyến điện. Anh chắt chiu từng hạt gạo, hạt cơm rơi vãi đưa xuống nhà bếp nuôi lợn, giữ gìn quân trang cẩn thận…Nên bây giờ ( đơn vị ) rút ra bỏ lại bốn tấn gạo là anh ấy tiếc lắm ”( tr.331 ). Với “ giọng điệu ”như vậy, ông Lại Văn Hay kể hết chuyện này sang chuyện khác, xoắn xuýt nhau, gọi nhau xuất hiện trên trang giấy, dày đặc sự kiện và con người. 
Hay thời học trường Sĩ quan Thông tin ở Hà Bắc và là người đọc bản thảo “ Nẻo đường ”đầu tiên, ông Nguyễn Duy Quý viết trong Lời tựa :“ Thỉnh thoảng đang kể chuyện bây giờ, bác ( Lại Văn Hay ) lại chuyển sang thời chống Pháp ở quê mình mà hồi nhỏ được chứng kiến. Tôi chú ý những nét văn hóa và ngôn ngữ ngày xưa hiện đang phai mờ trong hoàn cảnh mới của lớp người sinh sau năm 1975 (… ) “ Nẻo đường ”có nhiều đoạn mang chất A-mua viết theo tiểu thuyết “ Dòng ý thức, có hơi hướng văn chương Hậu hiện đại ”. 
Đọc tự truyện “ Nẻo đường ”, tôi nghĩ rằng, người lính – tác giả Lại Văn Hay không nệ bất cứ xu hướng, khuynh hướng nào. Ngòi bút của ông thả theo dòng ký ức đầy ắp của một người trai trí thức đầy nhiệt huyết, ghi lại một cách chân xác, tỉ mỉ, không chỉ chuyện đang và đã xảy ra mà rất khéo “ lồng ” vào trong tác phẩm những tâm tư, tình cảm đặc trưng của một thế hệ, không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh xuất thân, học thức, đều mang trong mình tình yêu đất nước, quê hương nồng nàn, sẵn sàng hy sinh thân mình vì nghĩa cả, vì mục tiêu “ thu non sông về một mối”. Cuốn sách có thể chưa đạt những tiêu chí nghệ thuật văn chương, nhưng trong đó chan chứa một tình cảm da diết, lung linh, hướng trọn niềm tin sắt đá của một người lính Cụ Hồ vào tương lai tươi sáng của dân tộc. 
Mở đầu tự truyện, tác giả viết :“Ta vinh dự, giờ đây được đi trên nẻo đường binh nghiệp ” ( tr.11 ), kết thúc ông tâm sự :“ Bốn mùa, đi đôi guốc mộc tự đẽo lấy. Khoan thai dạo bước trên các con đường làng quê ngõ xóm và suy ngẫm. Thì ra, nó là thu nhỏ những nẻo đường đất nước ở mọi lĩnh vực của CUỘC SỐNG ”( tr. 504 ) 
Sẽ không tìm thấy trong tự truyện “ Nẻo đường ”những tình huống gay cấn, những nút thắt cao trào, những tình tiết mùi mẫn, những chải chuốt câu văn, nhưng trái tim người đọc sẽ rung động trước cái thật từ suy nghĩ, hồi tưởng chân chất của người viết, soi thấy mình và người thân của mình. 
Để bạn đọc tiện theo dõi, Ban biên tập sẽ lần lượt đăng làm nhiều kỳ 1 số nội dung của tự truyện, với phụ đề do chúng tôi đặt ra. 

ĐI HỌC TRƯỜNG SĨ QUAN THÔNG TIN

 Loáng một cái đã hết bốn ngày đi “tranh thủ”.
Về đến bến xe Bỉnh Di, mấy ông tướng đi phép đợt sau tôi đã ở bến rồi. Qua quýt vài câu chuyện, các anh vội lên xe xuôi thế “mã hồi”. Chúng tôi ì ạch cuốc bộ về đơn vị.
Đến Hoa Lũng - đại bản doanh của C11 là 11 giờ trưa.
Hai ngày sau anh Nhung báo: Mai cậu tập trung ở tiểu đoàn đi học, học gì và ở đâu thì trên bí mật không cho biết.
Thế rồi làm mọi thủ tục với anh Toan như là: giấy giới thiệu cung cấp tài chính, thanh toán nợ nần, thanh toán tiền ăn tem phiếu gạo hết tháng… Còn các khoản giấy tờ khác về chính trị, nhân sự trung đoàn lo.
Bảy giờ sáng có mặt ở tiểu đoàn bộ. Từ C11 lên D bộ không xa. Nó cũng là địa điểm tập trung toàn bộ số anh em đi học đợt này của cả Trung đoàn 102.
Khi anh em đi học của các tiểu đoàn đã xếp hàng tập trung tề chỉnh thì đồng chí Ngưỡng chẳng biết là trưởng hay phó ban quân lực của trung đoàn, cấp hàm thượng úy, điểm danh. Quân số vào cỡ sáu, bảy chục người, xong đồng chí hỏi: “Có đồng chí nào thắc mắc gì không?”
Chẳng ai nói gì. Đồng chí Ngưỡng liền giao nhiệm vụ cho một đồng chí thiếu úy, mà chúng tôi không biết tên, đi giao quân.
Đúng tám giờ sáng xuất phát. Chỉ độ hơn chín giờ đến bến đò Phan Lương.
Ngày thứ nhất, chúng tôi nghỉ ở nhà dân dọc đường đi.
Ngày thứ hai đến thị xã Phú Thọ vào buổi trưa. Dân quân, tự vệ canh gác các “cửa ô” vào thị xã, không cho ai vào trước năm giờ chiều. Anh em nghỉ vạ vật cỡ bốn, năm tiếng đồng hồ. May quá gặp anh Trần Văn Thu, lúc nhỏ tên là Tở, vào bộ đội cải là Thu, xóm có nhiều Thu quá, gọi là “Thu Tở” phân biệt với “Thu Câu” , “Thu Trân”, “Thu Hồng”, “Thu Thư”… Anh hơn tôi sáu tuổi. Tôi với anh là cháu cô, cháu bác. Tức bà nội tôi là em ruột ông nội anh. Anh xung vào quân ngũ 1953 ở C476, sau chuyển lên bộ đội chủ lực. Năm 1955, 1956, anh đi làm mấy đợt cải cách ruộng đất. Năm 1958 phục viên. Chừng 1963, 1964, anh làm cán bộ Bưu điện Bờ Hồ. Hôm nay, anh lên Ty Bưu điện Phú Thọ công tác. Tình cờ, anh em gặp nhau.
Tôi dặn anh:
- Có dịp về nhà báo cho gia đình em biết là em đi học, chưa biết học gì với lại ở ga này nhưng chưa biết là ngược hay xuôi.
Năm giờ chiều, các ô cửa mở, từng ngả đường dân chúng kéo vào thị xã ùn ùn. Tôi chia tay anh và xiết chặt tay nói:
- Thôi chào “thầy Kiểm” của sở “dây thép” Bờ Hồ.
Đồng chí thiếu úy chỉ huy, dẫn chúng tôi vào cửa hàng mậu dịch ăn uống ở cửa ga Phú Thọ để ăn cơm chiều. Cơm đặt sẵn sáu người một mâm. Lướt mắt nhìn khu nhà ăn dành riêng cho chúng tôi phải đến trên chục mâm. Ba lần đi thị xã Phú Thọ, lần này oai nhất. Ăn xong không phải trả tiền, có người lo cho.
Chín giờ tối lên tàu hỏa, đồng chí chỉ huy không cho ai đi đâu xa. Tôi xin phép đi ba mươi phút đến chỗ kho lương thực gặp bố chị Nguyễn Thị Phúc mà không được. Chị Phúc học ở trường đại học, cùng lớp, cùng tổ với tôi. Hồi mới nhập ngũ đóng ở Thanh Ba, đi lĩnh gạo, đã vài lần được gặp ông trò chuyện khi ấy đã biết tin chị được bổ nhiệm về Cẩm Khê dạy học.
Chỉ huy trả lời: “Để giữ bí mật, không cho ai đi đâu”.
Đúng chín giờ tối chúng tôi lên tàu ngược Yên Bái. Qua ga Chí Chủ, thuộc đất Thanh Ba, thì quá quen thuộc rồi. Rồi về đến ga Vũ Ẻn thấy cũng quen quen. Còn phía trên ga đó thì mù tịt, nghe đâu trên Vũ Ẻn là Hạ Hòa, Ấm Thượng gì đó chẳng hiểu.
Trời kia đất nọ, được lệnh xuống ga Vũ Ẻn. Cũng như lần trước hành quân đến đây vào khoảng 0 giờ, lần này có sớm hơn. Bấy giờ cũng chỉ hơn 10 giờ đêm. Sau đó hành quân bộ qua đò sang sông tới xã Minh Tân, thuộc đất huyện Cẩm Khê, đi chừng năm, sáu cây số nữa đến một địa danh gọi là Tiên Lương, thuộc xã Trường Sơn cũng thuộc huyện Cẩm Khê.
Chúng tôi được thanh niên, dân quân dẫn từng tốp đến luôn nhà ở, thế là ngả lưng, chẳng mùng màn gì cả, làm một giấc ngay lập tức. Khi số anh em Trung đoàn 102 đi học được tập hợp, đồng chí thiếu úy chỉ huy bàn giao từng người một, cả người và hồ sơ. Xong, ký nộp và có lời tạm biệt chúng tôi, thiếu úy lại trở ra ga Vũ Ẻn xuôi Phú Thọ để về trung đoàn bộ.
*
Học Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh
8 giờ sáng hôm sau tỉnh dậy. Hôm nay, lần đầu tiên chúng tôi mới biết là đi học ngành thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Thời gian đầu này, ở Tiên Lương, chúng tôi được gửi học tại Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh bên dân sự. Có hai đại đội là C1 và C2: C2 gồm trung đội 5 và 6, gồm lính của toàn quân, có cả lính của hải quân, cả lính của tỉnh đội, quân khu… C1 gồm trung đội 1, 2, 3 và 4, mỗi trung đội là một lớp học. Trung đội 1 và 3 hầu hết là lính thuộc E102. Đồng chí Hiển, bộ đội miền Nam tập kết, chuyển ngành, kỹ sư vô tuyến điện là giáo viên của trường làm đại đội trưởng C1.
Trong biên chế chính thức, tôi được giữ chức trung đội phó, đồng thời với lớp phó phụ trách học tập. Là đảng viên nên tôi được chi bộ cử phụ trách làm bí thư chi đoàn.
Trung tuần tháng 2 năm 1966, chúng tôi bắt đầu vào học.
Tôi, Tân, Lộc, Chuyên bốn người ở nhà anh Cục, vợ là chị Giáo, có hai con trai, đứa lớn là Thi, đứa bé là Đua, bấy giờ chưa biết đi. Dân làng vẫn gọi anh là “anh Thi Cục”. Mỗi lần máy bay đánh bom, tôi lại xách nách cháu Thi chạy ra cái công sự tròn, dưới khóm tre cách nhà anh hai, ba thửa ruộng. Ở đó quang đãng, dễ quan sát máy bay bổ nhào.
*
Lớp tôi có 48 người, sau một thời gian binh nhất Nguyễn Khắc Tư, là chiến sĩ, học viên của lớp chuyển công tác khác. Hôm đầu tiên lên lớp bài số một của giáo trình “Điện kỹ thuật”, do kỹ sư Biên giảng dạy. Bước vào lớp học, sau những thủ tục báo cáo của lớp trưởng Lễ, mà điều lệnh nội vụ quân đội quy định, thầy giáo Biên cho cả lớp ngồi xuống. Đặt cặp tài liệu lên bàn chậm rãi nói: “Tôi rất vinh dự được hướng dẫn lớp các đồng chí, trong số các đồng chí ở đây, có những đồng chí thay chúng tôi giảng dạy được”.
Giờ giải lao mới biết thầy Biên nói ám chỉ anh Tư. Vì thầy Biên và anh Tư cùng ở Trường Đại học Bách Khoa. Thầy Biên tốt nghiệp được điều về Ty Bưu điện Sơn La. Nay có lớp quân đội gửi, thầy Biên được điều về giảng dạy. Anh Tư tốt nghiệp, giữ lại Trường Đại học Bách Khoa làm trợ giáo. Rồi anh Tư lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Đảng. Trên dưới một tuần, học viên của B tôi, anh Tư học chăm chỉ, ghi chép cẩn thận, sạch sẽ. Giờ giải lao, thầy Biên thường trao đổi ý kiến với anh. Cách học ở đây là từng giáo trình một, học hết, ôn tập rồi thi luôn, kết thúc chuyển sang giáo trình khác. Thầy Biên phụ trách giáo trình “Điện kỹ thuật”, chuyển sang giáo trình “Đèn điện tử” do thầy Cường phụ trách, thi xong lại chuyển sang giáo trình “Khuếch đại âm tần bằng đèn điện tử”… cho đến hết mười một giáo trình. Có quyết định của trên điều anh Tư đi công tác khác. Nghe đâu, anh được phong hàm thiếu úy về làm kỹ sư của nhà máy thông tin M1.
Thời gian học ở đây, tôi nhớ mãi cái nạn thiếu giấy. Nhà trường có gì cấp ý. Cấp cả “sổ tay công tác” bằng giấy giang, cả giấy Pờ-rô-luy-a viết thư cho học viên chúng tôi. Số giấy anh Tư nộp lại, tôi cấp bổ sung cho một số đồng chí. Tôi được cấp một tập Pờ-rô-luy-a. Chỉ có tôi, độc nhất vô nhị khóa ấy là dùng giấy Pờ-rô-luy-a ghi cả hai mặt. Anh em mượn vở ghi để tra cứu, tham khảo chẳng ai đọc được. Một là nó lem nhem lèm nhèm quá, hai là dùng nhiều ký hiệu toán học để ghi, ba là chữ tôi viết xấu quá, người ta bảo “như gà bới” ấy. Vì tôi tiến thân từ bình dân học vụ: “i tờ, tờ i ti” mà lên.
Anh em chê, tôi thanh minh rằng: “Không phải là tôi quá ư tiết kiệm giấy, mà tôi cố ý ghi hai mặt Pờ-rô-luy-a, để lèm nhèm khó đọc, thế học mới vào. Nếu ghi sáng sủa, đọc lướt đi như người ta nói “cưỡi ngựa xem hoa” chóng quên. Dùng ký hiệu ghi cho nó nhanh, còn dành để tập trung nghe giảng nắm được ngay nội dung bài ở trên lớp, giờ tự học chỉ là nghiền ngẫm, suy rộng ra… Từ bình dân học vụ những năm 1946, 1947 mà lên chứ có được “tập viết” đâu”.
Chắc là sẽ có người thắc mắc rằng: “Sao lại học bình dân học vụ ở tuổi bé vậy, Bủ là Bủ nói dóc”. Chẳng là năm 1946, phong trào bình dân học vụ nó ghê lắm. Nghe lời kêu gọi của cụ Hồ là diệt “giặc dốt”, “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”. Bấy giờ mình bảy tuổi theo học lớp vỡ lòng ở điếm xóm. Liên tục một tháng không thuộc bài. À mà sao học vỡ lòng lại có “đọc thuộc lòng” mí chết chứ! Có khi nó là lớp năm hay lớp bốn thì phải. Bấy giờ tính bậc tiểu học là lớp năm, lớp bốn, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Mà ông thầy bắt đọc có lần có lượt không bỏ sót trò nào. Đến lượt mình cứ ngồi ì ra, không đứng dậy đọc, mà có thuộc đâu mà đọc. Thầy đuổi, trò Hay xấu hổ cứ ngồi ì ra không về. Thầy bèn sai anh lớn nhất lớp, lớn hơn tôi đến sáu bảy tuổi, vác về nhà vứt ở cổng. Ngồi giãy ra khóc, vừa khóc vừa chửi. Ông nội ra dắt về bảo: “Bỏ lớp điếm xóm, đi điếm Cả học bình dân với bu buổi trưa. Sáng chiều lại đi chăn trâu, làm lụng lợi hơn”.
Cả hai giáo trình “Khuếch đại âm tần” và “Máy phát vô tuyến điện” tôi đều ghi Pờ-rô-luy-a hai mặt. Thi vấn đáp hai giáo trình ấy, tôi đạt điểm 5. Anh em bảo: “À, ra cái lý sự của bủ Hay thế mà đúng”. Nếu tinh ý một tý mà vặn: “Thế giáo trình “Điện kỹ thuật” của anh có ghi lèm nhèm đâu mà vẫn 5”, thì mình bí thực sự.
*
Giữa tháng 7 - 1966, nước to, ngày ba bữa cơm, trung đội phải mượn mảng của dân để đi lĩnh cơm. Dạo này địch hay đánh bom ở Vũ Ẻn, Ấm Thượng, Minh Tân... Có lần địch đánh bom ở Minh Tân rồi bắn 20 li vào Tiên Lương.
Có lần Lộc được đi tranh thủ đột xuất. Vì nhiệm vụ học tập nên chỉ được đi từ trưa thứ bảy, đến sáng thứ hai phải có mặt. Cậu có kể với anh em ở cùng nhà là: Trên tàu có quen một cô tên là Kiều Thị Bắc, quê Hà Nam, đi công nhân đóng ở Bạch Hạc. Đoạn đường sắt, trên tàu từ Bạch Hạc tới Đông Anh, với bảy nhà ga mà hai người đã quen thân, đã hứa hẹn yêu đương, đã gửi nhau vật kỉ niệm. Lộc đưa cả chiếc khăn mặt có thêu hình cô gái “Tàu” khoe với chúng tôi. Ôi! Vắn tắt quá, cấp tốc quá!
Tôi bảo:
- Ồ, khăn mặt này mua đầy ở Đồng Đăng, Lạng Sơn.
- Không, đây là hình cô Bắc đấy ạ.
Đúng, cô gái đó là người Hoa, sang Việt Nam từ đời ông cha. Từ ấy Lộc hay thơ thẩn về chiều tối. Chúng tôi hơi tin tin. Riêng tôi khẳng định: “Mẹ kiếp, bốn lính ở nhà anh Cục này, tôi một vợ một con; Tân đang yêu cô Bảy “nuôi dạy hổ”, Chuyên đang yêu Quý lúc học ở Trường cấp 3 Xuân Đỉnh, giờ gia đình Quý lên Yên Bái khai hoang, hôm lĩnh quân trang được đôi giày vải thấp cổ và hai áo lót cổ vuông cất công ngày chủ nhật đáp tàu lên “đút lót” ông bố vợ tương lai, còn giờ Lộc bén duyên cô Bắc nữa là cả nhà ta “Xăng-puốc-xăng Gơ răng-ti” có nhân tình.
*
Sau mấy tháng ở Tiên Lương, Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền Thanh chuyển từ Phú Thọ về Ân Thi, Hưng Yên để tiếp tục học tập.
Từ Tiên Lương chúng tôi đi bộ chừng 6 ki-lô-mét đến bến đò rồi qua sông vào ga Vũ Ẻn. Lên tàu hỏa xuôi. Khi tới ga Việt Trì xuống đi qua phà đến Bạch Hạc nghỉ.
Tầm lúc 2 giờ chiều mới tới Bạch Hạc, vào nhà dân nghỉ để tối xuôi tàu Hà Nội. Vừa lúc địch đến ném bom Việt Trì, chúng tôi vội sơ tán ra rìa làng thì gặp Lộc và Bắc ngồi nói chuyện dưới bóng mát khóm tre xanh ở đó. Lộc giới thiệu chúng tôi với Bắc. Cô gái “tàu lai” Kiều Thị Bắc nhỏ nhẹ e thẹn chào chúng tôi. Cánh này cũng hỏi qua quýt, còn cáo từ để anh chị tâm sự.
Tiếng F105 vẫn rú rít, khẩu 14 ly 5 bốn nòng của dân quân, phía bờ đập nước bên kia vẫn khạc đạn mỗi khi vòng cua của nó tới gần. Điểm hẹn hò của Lộc - Bắc thật là lý tưởng: khóm tre xanh ven hồ nước, dưới làn mưa bom bão đạn.
Tối lên ga Bạch Hạc xuôi tiếp. Chúng tôi xuống ga Gia Lâm. Hành quân bộ xuống Trâu Quỳ, trú tại Trường Đại học Nông nghiệp. Tầm tang tảng sáng, sinh viên đã dậy tập thể dục. Tiếng vắt diệt trâu cày đang giữa vụ cày cấy của dân ở những thửa ruộng ria trường nghe râm ran. Các bà, các chị gánh mạ đi cấy, trò chuyện rôm rả. Đoàn quân chúng tôi hơn ba trăm người lặng lẽ hành quân trên con đường nhựa, hai bên trồng phi lao dày khít từ ga Trâu Quỳ vào trường.
Tới cổng, được lệnh dừng lại nghỉ tại chỗ. Chiếc xe Sim-sơn tàng tàng, cũ cũ của trưởng phòng giáo vụ Lê Phúc Thứ chỉ huy đợt hành quân di chuyển này, phành phạch đi từ đầu hàng quân xuống cuối, giao nhiệm vụ cho tôi là: “Đồng chí toàn quyền chỉ huy đơn vị và xử lý các tình huống cho đến khi tôi về”.
Thế là ông Thứ quay Sim-sơn vào trường liên hệ chỗ ở. Không biết lý do gì, nhà trường không cho ở. Nào nhiều nhặn gì, có trên ba trăm người, trang bị gọn nhẹ, mỗi người chỉ một ba lô, không súng ống với mấy gánh nồi, xoong, chảo, bát, đĩa, xẻng, muôi… của mấy cô nuôi quân thì để ngoài vườn, chỗ nào chẳng được. Ở từ sáng nay tới sáu giờ chiều đã đi rồi, chỉ ở nhờ chưa tới mười hai giờ đồng hồ.
Tôi đoán là nhà trường ngại cho đơn vị bộ đội ở, e điệp báo địch biết, tới đánh phá. Chứ khu trường rộng như thế, một số lớp đã nghỉ hè, một số khoa đã sơ tán, rộng thênh thang, có mà gấp năm lần số quân này cũng chứa nổi. Các đồng chí chỉ huy hội ý chưa ra lẽ.
- Tôi góp ý kiến có được không ạ? Tôi nói chõ vào
- Được, đồng chí cứ nói. Ông Thứ bảo vậy.
- Đồng chí Thứ có giấy lưu không “Lệnh trưng dụng” không ạ?
- Có.
- Viết luôn “Lệnh trưng dụng một số ký túc xá của sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội trong thời gian mười hai giờ đồng hồ”.
Anh khoái quá, vỗ vào đùi đánh “đét” một cái: “Thế mà không nghĩ ra. Đại úy Trân có đưa tôi mấy cái”. Thế là, chúng tôi có chỗ trú quân đàng hoàng, cấp dưỡng của nhà trường cáng đáng cơm nước cho nên hai bữa cơm hôm ấy chị nuôi không phải triển khai. Cơm phụ đêm là một bánh mì hai lạng rưỡi kẹp thịt ba chỉ rang. Chị nuôi của mình tha hồ mà rong chơi phố mua sắm.
*
Năm giờ chiều hành quân ra ga Trâu Quỳ, xuôi tới ga Lạc Đạo thì xuống. Từ ga Lạc Đạo hành quân bộ xuống thôn Đa Lộc, xã Phạm Hồng Thái, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên vừa sáng rõ. Hai trăm rưỡi học viên là lính thì cảm thấy bình thường, chứ còn trên năm chục nhân viên, giáo viên, cán bộ khung của Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh rất là uể oải. Nhất là thầy giáo, kỹ sư, đại đội trưởng Hiển tới nơi thì cứ sẵn thế, cả ba lô trên vai, lăn ra ria đống rạ của nhà dân ở ven xóm đánh một giấc ngon lành, chẳng biết khi nào thủ trưởng mới dậy.
B3 của tôi và B1 đóng ngay thôn Đa Lộc, một thôn giáp ranh với Từ Ô của tỉnh Hải Dương qua con sông Ô. Còn B4, B2 đóng ở Chạo Thôn cách chúng tôi ngót cây số, trên đường đi chợ Thi. Còn C2 gồm B5, B6 đóng ở thôn xa hơn gọi là Bắc Cạ hay thôn gì nay quên đứt, hai B đó khác đại đội, ít quan hệ.
Hiệu bộ cũng đóng ngay thôn Đa Lộc tôi ở. Nhanh chóng ổn định chỗ ăn ở để học tập tiếp.
Các lớp học ở nhà dân, không có bàn ghế như ở Phú Thọ. Lớp học chỉ có một cái bảng và bộ bàn ghế cho giáo viên. Ở Phú Thọ, chúng tôi học ở nhà dân, nhà rộng rãi, lợp lá gồi, vườn đất rộng, cây cối nhiều, nhất là cọ, nhà dân ở thưa thớt thoáng mát, bàn ghế tuy là những tấm ván “thô” nhưng đủ mỗi bàn bốn đồng chí ngồi. Ở đây, dân ở chật chội, nhà ngói nhỏ, nóng bức. Khi học ngồi phệt, để vở lên đùi mà ghi chép.
*
Tất cả là tám tháng học ở Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh với giáo trình: Điện kỹ thuật, đèn điện tử, máy phát vô tuyến điện, máy thu vô tuyến điện, ăng-ten. Còn về thực hành thì có: hàn thiếc, làm nguội, gò bệ máy, lắp máy tăng âm dùng đèn điện tử, lắp máy phát vô tuyến điện bằng đèn điện tử, lắp máy thu khuếch đại thẳng, lắp máy thu siêu ngoại sai dùng đèn điện tử. Điểm thi gồm mười một môn tất cả. Tôi bị hai môn bốn là hàn và nguội. Bị một điểm ba là lắp máy thu “siêu ngoại sai” dùng đèn điện tử, tôi lắp đúng nguyên lý nhưng đường dây đi lòng thòng, mối hàn sần sùi bân bẩn. Cắm điện để “OTK” nó cứ ì ra “không mở miệng”mới chết chứ, thế này thì ăn “ngỗng” là cái chắc, có khi còn ăn “gậy” là khác. Máy của anh em ra hết rồi, nói oang oang. Còn máy của lớp phó vẫn im. Dò đi soát lại kỹ càng, không sai nguyên lý.
Cô giáo Ngoạn và cô giáo Phiến hướng dẫn theo dõi chúng tôi thực hành giờ đây có thời gian sờ đến máy của tôi - cái cuối cùng của lớp B3.
Cô giáo đích thân chỉnh mạch cộng hưởng vào, chỉnh mạch dao động nội OSC, cũng không được. Sách cuối cùng là cô giáo phải dùng máy phát sóng chuẩn trung tần (IF) 465 ki-lô-héc để chỉnh “mạch cộng hưởng trung tần” mới được. Tôi ngồi cạnh nín thở theo dõi hai cô giáo chỉnh máy, cũng là theo dõi số phận mình. Cô chỉnh từ cái lõi đen, đến lõi trắng, đến lõi vàng cuối cùng. Máy chạy, nói oang oang, tôi thở phào nhẹ cả người. Đành nhận điểm ba vào học bạ và là điểm kém nhất lớp B3 ở cái bộ môn lắp máy thu thanh này. Té ra là ông tướng nào đấy, quý mến lớp phó quá, tiện trên tay có cái tuốc-nô-vít đã vặn cái lõi phe-rít (hay gọi là “Lõi than”) tụt đi tận đâu. May mà chưa bị vỡ, nếu quá tay chỉ tý nữa thôi mà vỡ ấy à, mình làm cái “Giấy khen đánh máy” là chắc.
Lắp máy thu bị 3, chứ lý thuyết máy thu tôi học tốt. Bài thi viết của tôi cũng 5, anh khác cũng 5, nhưng khối anh phải mượn bài của tôi tham khảo. Bài của tôi giáo viên chấm, có chỗ anh vạch hai ba vạch đỏ ở lề mà phê rằng: “Hay, Hay”.
Ông Phạm Văn Phi hiệu trưởng Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh ký giấy khen là học sinh tiên tiến. ( còn nữa )

                                                  Đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét