22/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 8


Công tác ở Trường Thông tin Miền H19

Cuối 1968 đầu 1969, Đoàn 239 tản dần. Như đã nói: Nhiệm vụ của đoàn là bổ sung Cơ công đảm bảo thông tin cho các đơn vị chiến đấu Đông Nam Bộ.
Tháng Giêng năm 1969, trước tết Kỷ Dậu, tôi và Thịnh được điều từ Xưởng C35 về làm giáo viên cơ công của Trường Thông tin Miền, phiên hiệu là H19.
Người đời nói đúng “xa thương, gần thường” lúc sắp đi xa mới nhớ nhung, lưu luyến đơn vị mình đã ở. Nhất là các đồng chí chỉ huy. Không phải là nịnh bợ để được thăng tiến hay là mưu lợi ích riêng cho mình. Tôi nghĩ, các thủ trưởng là bộ mặt của một đơn vị, “tướng nào quân ấy, thủ trưởng nào phong trào ấy”.
Đầu tiên là bác Hai Nam giám đốc xưởng. Tôi trực ban đúng hôm bác Hai đi an dưỡng về. Từ hơn tháng nay bộ phận A1 nhập vào xưởng, nghe “giai thoại” về bác Hai thì đã, nhưng tiếp xúc thì mới là lần thứ hai sau cái lần vác ba phần tư con hoẵng về cải thiện - phế liệu phẩm của nửa chiều bom Mỹ đánh.
Tôi đến nhận ban, sau một lát bác mới xách bát đi ăn cơm về. Ăn cơm xong còn tạt vào các chỗ nghe tình hình. Nhiều người nói “Ông già lẩm cẩm”, “Ông già khó tính” quá quắt hơn có anh nói “Ông già Gơ-răng-đê”…
Nhưng tôi nhận thấy bác tốt. Bác hỏi gia cảnh của tôi, xong bác lại kể về mình rất cởi mở:
Sau vụ 5 - 8 - 1964, đoàn mình đi B trên chiếc tàu ngầm có bốn người, một xế. Khách có tớ, anh Dũng, cậu Trung, cậu Hà. Mình vừa xuống tàu, thằng lái hỏi:
- Ba lô nhét đá vào chưa?
Mình ớ người ra:
- Nhét làm gì?
- Ấy chết, nhét vào bác già ơi, có sự kiện gì, bấm nút hủy tàu, nó khỏi nổi lên mặt biển.
Nghe thằng lái nói mà ớn cả xương sống!
Vướng cơn bão, luần quần ở biển hơn chục ngày tàu mới cập bến ở Bến Tre. Tụi mình ngược lên đây lập xưởng. Bến Tre lên đây đi mất nửa tháng. Mới lập xưởng thì có anh Tùng người chế tạo ra cái AB67 (Ấp Bắc 67), có anh Mười Long (Trà Thanh Long) giờ làm Tiểu đoàn trưởng 42.
Mình tận mắt nhìn thấy con gái ở một số nơi, lười hết chỗ nói. Khi cơm sôi, lấy đũa cái nghiêng xoong chắt bớt nước, đổ cả bát gạo xuống bếp tro, lấy que tre gạt tro phủ lên cho… khỏi lãng phí.
Thời gian an dưỡng còn, mình xin về, ở đấy chán lắm. Hôm thấy nhà bếp mua khối cá tra, đinh ninh thế nào chiều cũng có bát canh chua. Xuống nhà ăn lại phải ăn “chè cá” (kho cá cho nhiều đường quá nó ngọt), khoản “chè thịt heo” bữa nào chẳng có.
Hôm nằm an dưỡng, anh Tám Nam (Lê Văn Xai, Lê Thành Nam, đại tá, trưởng Phòng 3 Thông tin) cho gọi đến bảo mình rằng: “Anh nghiên cứu cái máy, ít tốn điện mà ra công suất lớn”.
- Thế bác trả lời bác Tám thế nào?
- Mình nói tục quá, cậu bỏ qua: Có ăn nhiều mới ỉa bè cứt to chứ!
Trưởng phòng tức bỏ đi, tớ ra an dưỡng rồi về xưởng luôn. Thế theo cậu thì thế nào?
- Bác ạ, cháu đã học đại học. Định luật Bảo toàn năng lượng của Lô-mô-nô-xốp không cho phép ta làm như vậy. Mà làm cũng chẳng được. Nhưng cháu không đồng ý bác trả lời cấp trên như vậy!
Phòng 3 nằm trong Cục Tham mưu đã nói rồi. Cục chính trị do đại tá Trần Văn Phác làm cục trưởng. Hậu cần không biết ai làm cục trưởng, chỉ biết ông Hoàng Cầm là trung tá bấy giờ làm cục phó. Chính ông sáng tác ra cái “bếp Hoàng Cầm” từ thời đánh Điện Biên Phủ. Có ba Hoàng Cầm danh tiếng là: Hoàng Cầm sư trưởng 312 rồi Sư trưởng sư 9; Hoàng Cầm nhà thơ và Hoàng Cầm bếp. Dạo Cục Hậu cần đóng chỗ Bầu Sen, Sóc Thiếc, càn Giang-sơn Xi-ti, địch đổ quân xuống, lính tráng chống càn hết. Ông Hoàng Cầm phải khoác hai ba lô tiền đi chạy. Từ ấy lính tráng đặt tên cho ông là “ông Hai ba lô”. Thế cũng thành tên.
Trực ban ở cùng nhà với giám đốc để giám đốc còn sai phái, điếu đóm. Trước khi đi ngủ, tôi soi đèn pin kiểm tra hầm. Thấy con rắn to bằng cổ tay, đen chũi, quẳng từ giá ba lô xuống nền hầm nghe đánh “bịch” một cái. Tôi hết hồn nhảy vọt lên. Rồi cùng bác Hai Nam soi đèn pin tìm đâu cũng không thấy. Nó chuồn đằng nào mà nhanh thế!
Bác Nguyễn Trí Dũng, lính tráng gọi bác là “Ông già trán hói”, đạo mạo, tốt lão. Thực tình là tôi không biết bác tuổi bao nhiêu. Mãi đến tháng 9 năm 1969 bác đến chỗ tôi là C5, H19 dạy ra-gô-nô cho học viên. Cứ quan trọng hóa vấn đề thế chứ. Ra-gô-nô đầu trâu của Trung Quốc sản xuất. Chả biết ở chỗ khác thế nào chứ tôi từ ở Trường Sĩ quan Thông tin nay H19, học trò thực tập toàn ra-gô-nô sản xuất, tuổi nó hơn tôi một tuổi, tức là sản xuất năm 1938. Cái năm mà “Quốc - Cộng hợp tác” ấy mà. Ra-gô-nô “đầu trâu”, ra-gô-nô SF65, ra-gô-nô GM-58 chúng tôi đều hiểu nguyên lý cả. Chẳng qua nó là cái máy phát điện một chiều, cái thì dùng dăm đồng cổ góp, cái thì dùng hệ thống đi-ốt nắn như FS65 chẳng hạn.
Xuống đơn vị công tác, bác Dũng ngủ cùng hầm với tôi, tâm sự mới biết bác có cô con gái tên là Đức, làm công nhân viên quốc phòng ở Nhà máy Thông tin M1, chỗ anh hùng Đặng Đức Song làm giám đốc.

                                                    * * *

Một sáng, tôi và Thịnh dời C35 về H19.
Bác Hai Nam sai liên lạc Đoàn khoác AK đưa hai người về H19, bàn giao xong về. Sắp đến ngày khai giảng, cậu Đoàn mới nhập học.
Một đồng chí bụng phệ nhận chúng tôi. Hôm ấy trời se se lạnh, mà anh mặc áo ba lỗ trắng, giờ đã ngả “màu cháo lòng”. Sau mới biết tên anh là Lê Sỹ Tuấn. Anh xem hồ sơ chúng tôi rồi vỗ vai:
- Ngon hè, toàn Chiến sĩ Thi đua.
- Vâng ạ.
Thế là anh giao hai chúng tôi cho đồng chí vác bó tôn, một mặt quét hắc ín. Tên anh là Sáu Triệu Cảm, gọi thế nó khó, anh em cứ gọi là anh Sáu “tình cảm” cho nó dễ. Anh dẫn chúng tôi về khu vực Suối Mây. Cách hiệu bộ một giờ đồng hồ. Trước khi đến cứ, là bãi B52, cây cối đổ ngổn ngang, khô xác. Thế thì tiện việc lấy củi cho nhà bếp.
Mới lèo tèo có vài người: anh Hồ Hành làm đại đội phó phụ trách huấn luyện. Anh Sáu làm B trưởng một B. Hai chúng tôi và hai nuôi quân là Nguyễn Văn Chất và Lương Văn Duyển. Có sáu người, đủ một mâm ăn cơm. Mấy hôm đầu muốn ăn, ngủ, chơi…muốn làm gì thì làm. Tối đến, mắc võng quanh miệng hầm, phòng phi pháo tụt xuống cho nhanh. Anh Sáu đến bỏ vác tôn và biến mất. Chắc là đi báo cáo anh Hành, đi thăm bạn bè ở các C và nhậu nhẹt, còn năm người thì Chất, Duyển thay nhau ở nhà nấu cơm, trông coi đồ đạc. Anh Hành dẫn chúng tôi đi đánh cá ở Suối Mây, ở các hố bom. Tối mang đèn pin đi soi, dùng dao Mỹ chém. Có năm người ăn như cỗ. Cá kho tiêu khô, cá rán, cá nấu canh chua. Thực phẩm cấp tiêu chuẩn cho hai ba chục người. Rỗi rãi lại nghe Lương Văn Duyển kể chuyện. Cậu người Hòa Bình. Chúng tôi cứ hay trêu đùa cho vui, cậu nói:
- Trên đời này quý nhất gạo và thịt.
Anh Hành vặn lại:
- Gạo thịt mà không có rượu nhậu thì vô vị.
- À, cả rượu nữa. - Anh Duyển thêm vào.
Tôi bảo:
- Theo như cậu Duyển thì trên đời này quý nhất gạo thịt, “À, cả rượu” nữa!
Cậu Duyển khoe: “Ở nhà ấy mà, em một tay cầm ghi-đông, một tay cầm điếu thuốc lá, chở hai mươi cân cà chua đạp vèo vèo”.
Cậu hay hò Thanh Hóa, đọc Kiều, thơ Tố Hữu. Tôi hỏi:
- “Kiều” của ai?
- Của Tố Hữu chứ ai!
- Thế “Việt Bắc” của ai?
- Lại còn của ai nữa, vẫn Tố Hữu, anh cứ thử em!
Sợ Duyển xấu hổ, chúng tôi không dám cười. Anh nào cũng cố nhịn đỏ cả mặt. Lảng đi chuyện khác để cười cho thỏa.
Anh Hành lệnh cho chúng tôi sang bên kia bãi B52. Đó là hậu cứ của Q3, Công trường 9. Hết chiến dịch rút về đó để chỉnh cán, chỉnh quân, củng cố tập luyện, bình bầu, rút kinh nghiệm… Nên có những thao trường mi-ni trong rừng như hàng rào cũi lợn, hàng rào mái nhà, hàng rào bùng nhùng… làm bằng dây rừng, cây rừng.
Những nhà cũ của họ, có cả hầm chữ A, toàn nhà âm, chỉ cải tạo chút ít là ở được. Hội trường âm rộng. Chỉ làm thêm ít nhà và hội trường trung đội 2. Quân về ùn ùn. Họp biên chế luôn.
Anh Lê Sỹ Tuấn là C trưởng. Anh Hồ Hành là C phó huấn luyện. Anh Trương Quang Út là C phó hậu cần. Anh Lê Sĩ Châu là chính trị viên. Bốn anh cán bộ đại đội đều cấp đại đội bậc phó, không ai cấp đại đội bậc trưởng cả.
Học viên chia làm hai trung đội, tức là hai lớp học. B1 do anh Phạm Hữu Tạo làm B trưởng, anh Trần Quốc Ngay là B phó. Anh Đinh Văn Nhuần chính trị viên.
C bộ: Lại Văn Hay tổ trưởng giáo viên, trưởng khối C bộ.
Trần Danh Hỏa, quản lý đại đội, phó khối C bộ. Mỗi B tức là mỗi lớp có bốn A, cỡ 40 học viên, hai lớp cỡ 80 học viên. Cả C bộ nữa là vào khoảng trăm người.
Đơn vị mới thành lập, chỉ vài ngày là ăn tết Kỷ Dậu 1969. Anh Tuấn hội ý, rồi rút một số đồng chí ở các A đi làm kinh tế. Còn toàn bộ anh em xúc tiến củng cố chỗ ăn ở, chỗ học tập… Xin tiểu đoàn cho hoãn khai giảng vào sau tết và được chấp thuận.
Chọn năm đồng chí đi chốt Đồng Pan nhặt ca-tút về đem chợ Miên bán. Năm đồng chí khác đi xét nhựa trai trong rừng.
Đồng chí Phạm Văn Tám phụ trách số anh em lấy ca-tút, còn gọi là ê-ti. Anh Tám gần ba mươi tuổi, trước là vệ binh của tiểu đoàn H19, làm tổ trưởng. Anh đã từng trải qua nhiều trận chống càn, cả trăm lần tác chiến lớn nhỏ, đánh biệt kích, bị thương đầy người, được nhiều bằng khen, giấy khen, cả Huân chương chiến công đánh càn Giang-sơn Xi-ti.
Hôm đó mang về mỗi anh một bồng nặng. Mang chợ Miên bán, nó trả lại nhiều quá. Còn năm bồng nhựa trai bán hết và được giá cao đáo để (trai là nhựa cây trai, sùi ra khô bị gió bẻ gãy rụng xuống, anh em đi xét nhặt). Người mua mang nam châm đi thử. Cái nào bắt nam châm họ trả lại, vì là ê-ti sắt mạ đồng. Hôm đó chỉ bán được số ít ca-tút 12 ly 7 và ca-tút pháo. Đồng chí tiếp phẩm về báo cáo vậy, anh Tuấn nhe răng vàng cười:
- Đù me, thằng cha Miên nó ranh gớm, ông có cách nào không?
Tôi bảo:
- Thôi được, mình cũng mang nam châm thử trước khi mang bán, ta đúc đất vào trong, nâng cao trọng lượng.
Anh cười khà khà khoái chí, cái điệu cười của anh thì vỡ rừng, bạt bom đạn.
- Ông cho tụi nó mượn mấy cục, thử luôn đỡ tải về nặng mất công!
Thế mà số tiền bán ê-ti và nhựa trai, trần xì vậy thôi mà đơn vị trăm quân ăn được cái tết Kỷ Dậu. Chẳng sang như các đơn vị khác, nhưng đối với tôi hơn đứt cái tết ăn ở Đông Đoan Bái hồi tết Đinh Mùi, cũng chỉ ăn hai bữa là chiều 30 và sáng mùng 1.
Chúng tôi ăn bữa chiều 30 cũng tương đối, cậu liên lạc Bình ăn với bốn ông chỉ huy, còn có người bưng bê, điếu đóm chứ!
Đại đội bộ chúng tôi có mười hai người làm hai mâm chẵn. Lê Sỹ Châu là con anh Tuấn và chị Chín Đáng, mới có bốn, năm tuổi cho ăn ké. Còn Lê Sĩ Châu người khu 5 làm chính trị viên thì ăn ở chỗ các “sếp”.
Tôi khoái nhất là món bánh tráng, để trải lên bàn tay, dúp thịt rau sống… cuốn lại, chấm nước mắm dấm ớt, ăn ngon thiệt là ngon. Một số anh em mới vào, không ăn bao giờ, chưa quen, không thích chứ tôi thì ăn món này thành thần.
Mâm tết chiến trường, của cái đại đội C5 “sinh sau đẻ muộn”, “em út”, Tiểu đoàn H19 này, có bánh chưng, thịt luộc, thịt áp chảo, thịt kho tàu, lòng lợn, nem Sài Gòn, xương hầm đu đủ, rau sống, nộm chua cay ngọt…
Còn thừa tập tướng bánh tráng, tôi thu về để trên nóc ba lô ăn dần. Thịnh bảo:
- Còn đói lắm, mà ông Xẩm mang về để ăn khem à?
- Tớ thích ăn thì mang về chứ đói gì!
Nước chấm chị Chín Đáng pha thì hết chê, nước chấm ăn “bánh tôm Hồ Tây” thì phải chạy dài. Chị bảo: “Trước khi đi giải phóng, tôi đi ở cho nhà “chệt” đấy nhé! Mấy em đừng coi thường, ăn uống họ cầu kì, khó tánh lắm”. Quả là chị nấu nướng, pha chế khéo đáo để. Chả thế nghề y tá, nghề chính trị viên trung đội chị giải nghệ để theo đuổi, tận tụy với nghề nấu bếp!
Bữa tất niên ấy, hai mâm chúng tôi chỉ bóc có một cái bánh chưng để lấy lệ. Ăn vẫn còn thừa. Nói về món ăn đặc sản của chị Chín Đáng, đó là món cháy! Khi chia cơm cho các tiểu đội, nồi quân dụng vẫn để trên bếp than. Anh nuôi vét hết cơm, cháy để lại. Chị thắng nước dùng, hành mỡ, mắm, tỏi… chị lấy cái muỗng xới cơm, múc ít nước dùng Tươi đều vào nồi cháy, nghe “xèo”, tỏa lên mùi thơm phức. Vài lần như vậy, cứ khô lại Tươi. Tảng cháy tróc ra, khuôn y sì đít nồi quân dụng. Chị bỏ vào cái rá vo gạo bưng cho anh em ăn. Bẻ từng miếng ăn như bánh đa, nhưng ngon hơn bánh đa, bánh mì nhiều. Kẹp miếng ba chỉ, miếng áp chảo hay miếng lòng rồi vào mà ăn thì lịm ga.

                                                        * * *

Sáng mùng 1 tết 1969, tôi và Thịnh xin phép anh Tuấn về Xưởng C35 chơi, chiều mùng 2 sẽ về đơn vị. Đến rủ Được, Đoàn, Đẳng, Huỳnh, Tước là các cô các cậu xưởng cử đi học thì họ đã tót lên từ lúc nào rồi, có khi từ chiều qua. Trong số này chỉ có Được là quân nhân, còn toàn dạng các cháu. Được ở bộ phận hậu cần xưởng, còn lại ở phân xưởng cơ điện chỗ bác Dũng.
Dạo Được làm liên lạc của xưởng, nghe đâu có một lần Phòng 3 mở Đại hội Chiến sĩ Thi đua. Xưởng sai Được lên rẫy trên đất Miên lấy bồng rau tặng Đại hội. Ngang đường bị trực thăng nó chụp. Cứ xoáy tròn bắn xung quanh để bắt sống, thưởng nhiều tiền hơn. Được khoác AK xuôi, bồng rau ngụy trang không phát hiện được. Thừa cơ ngóc AK lên làm một băng hết 31 viên. “Lên thẳng” sợ lảng xa. Được chạy thục mạng vào rừng. Chúng bắn vuốt đuôi bị thương nhẹ, chỉ liệt mất cánh tay trái. Tuy không cụt nhưng khi đi, tay trái cứ lủng là lủng lẳng. Trông ngứa cả mắt, cứ cắt quách nó đi cho gọn không. Thế mới “đơn giản gọn nhẹ”. Xưởng cho đi học sửa chữa vô tuyến điện, có nhã ý là sau này độc lập cậu có nghề “kiếm kế sinh nhai”. Còn Đoàn, Đẳng, Huỳnh học xong, có đợt ra Bắc đầu tiên của chiến trường B2, cho ba cậu đi ra học văn hóa, rồi đi học “cao học” chứ đâu chịu ở mức “sơ học” mà chúng tôi đào tạo. Huỳnh về Cổ Loa Hà Nội học, viết thư vào báo tin cho tôi là “Cháu về quê chú ở Cổ Loa học văn hóa”.
Tôi và Thịnh được xưởng đón tiếp nồng nhiệt hai vị khách quý độc nhất vô nhị này.
Xưởng ăn tết sớm để anh em còn đi chơi xả láng trong mấy ngày tết “ngừng bắn” này. Chúng tôi đến lúc gần 10 giờ thì anh Thanh Ngọ, anh Bốn Ngọ, anh Liễu, anh Bành, anh Giáp kéo chúng tôi đến nhà ăn luôn. Cô Chấn trực bếp đang sắp ra mâm tết. Xưởng tăng gia được nhiều lợn, gà, trâu bò, ngan vịt, chó, rau trái các loại. Trại tăng gia ở đất Miên như một đội sản xuất của hợp tác xã. Tết ăn to và thịnh soạn. Nhiều món, toàn ngon chứ không bỗ bã như C5 mình.
Anh Hồng Thanh đi qua cũng tạt vào tiếp chúng tôi. Tám chín người ngồi vào mâm tết. Chỉ tôi và anh Thịnh ăn thôi. Có cả rượu, vài can hai mươi lít để góc nhà ăn. Chỗ sân khấu mà dạo ở xưởng, hôm đại hội đoàn, tôi là đảng viên phải “lao động tạp dịch”. Dọn dẹp đống máy linh tinh để sau cánh gà. Lấy tay bấm vào lưng ông Hoàng Đạo Nhân ngồi trên ghế đoàn chủ tịch đại hội. Hiểu ý phó trung đội trưởng dạo còn ở Thọ Xuân, ông nhắc bao A-ra ở trên bàn đoàn chủ tịch, mở nhẹ phông màn tuồn về sau cho tôi.
Tôi và Thịnh mỗi người một ca Mỹ. Ăn xong lên nhà xưởng ngồi uống nước. Thôi thì “phú quý sinh lễ nghĩa” chứ ngồi tại chỗ lúc nãy ngả bàn trà cũng sang chán. Nhưng còn nhã ý, các ông khoe chúng tôi về trang trí đón xuân. Đi qua các nhà ở, nhà nào cũng để vài đĩa bánh kẹo trên bàn trước cửa.
Nhà tiếp khách của phân xưởng vô tuyến điện, trang trí đón tết đẹp. Cờ, ảnh Bác, khẩu hiệu, câu đối, hoa, đèn lồng, đèn nhấp nháy...
Các anh mời chúng tôi ăn bánh kẹo. Tôi và Thịnh mỗi người chọn cái kẹo dứa, kẹo chanh ngậm cho có vị chua chua. Chứ bụng dạ nào mà nhồi nhét được nữa.
Xong các vị rủ đi các nơi chơi. “Ở đây hết mấy ngày tết hẵng về!”
- Chúng em chiều mai phải về, còn chuẩn bị khai giảng.
- Huấn luyện có gì khó khăn cứ đến đây cầu viện đừng ngại! – Anh Bốn Ngọ, phó giám đốc bảo vậy.
Anh Liễu nói:
- Hay vẫn khoe là “Nhà giáo dục lỗi lạc”, thì có gì phải cầu viện, ai dám “múa rìu qua mắt thợ”!
- Giáo sư Nguyễn Lân chỉ khen em là “hành vi làm công tác chủ nhiệm của đồng chí, đã đóng góp vào kho tàng của nền giáo dục Việt Nam” mà thôi. Đó là khen công tác chủ nhiệm lớp, chứ người có khen công tác giảng dạy đâu mà không cần chi viện của xưởng.
Hôm ấy cả chủ lẫn khách đi ba chỗ: đầu tiên là đi thăm, chúc tết các “thầy thuốc” ở K30B, và cũng là thuận đường. Xong kéo lên khu rừng ông Bảy Dự thăm và chúc tết anh Nguyễn Đức Đàn, nguyên trưởng Đoàn 239 từ Trạm 36 Lào đến K48. Chúc tết anh Tư Toong, thủ trưởng Tổng kho Thông tin Miền và các anh chị em nhân viên của tổng kho. Cuối cùng kéo đến tổ “OTK” của anh Phạm Thông Ích, nằm trong phân xưởng vô tuyến điện do anh Trần Bành làm quản đốc. Chốt ở đó và ăn tết chiều mùng 1, tối quay về xưởng. Địch ngưng bắn ba ngày tết, đi thoải mái, sợ gì. Đây về xưởng độ hơn hai giờ đồng hồ, về lúc nào chẳng được. Cứ đàng hoàng, cứ uống hết mình! Trong Nam gọi là nhậu xả láng! Chiều tối mùng 1, chúng tôi ăn tết ở tổ “ra máy” của anh Ích mới đặc biệt làm sao! Không có thứ gì là “gia cầm” cả, toàn “hoang dã”. Thịt lợn rừng chỉ có nạc và bì, không có mỡ. Bít tết nai, chả hoẵng, thịt gà rừng, thịt bò rừng khô nướng lên rồi xé ra, nộm đu đủ, hoa chuối… giò lụa làm bằng thịt lợn rừng, các anh ở đây tự tạo được cái cối xay thịt, xay cua, xay xương. Tôi khoái cái “máy xay” tự tạo, xem mãi. Thịnh mắng cho: 
- Lạ lắm mà “Xẩm” xem mãi, cái gì chúng nó chẳng làm được, đến máy phát, máy thu vô tuyến điện thoại, vô tuyến điện báo nó cũng làm được nữa là! 
- Năm mới ta phải nói năng “thanh tao nhã nhặn” một tý chứ lỵ, cậu gọi tớ là “Xẩm” nó “hãm tài mất lộc” cả năm! 
Cặp nhung nai, nhung hoẵng từ mùa xuân, sấy khô, để gác bếp, tết này mới ngâm vào can 20 lít hơi loãng, dùng tạm. 
- Các thủ trưởng, Bủ Hay, chú Tư có thích em cho đồ đệ làm nồi cháo “cheo”. Con “cheo cheo” bắt được vẫn nhốt để dành tiếp khách, các chư vị là thượng khách rồi! Hay là ăn cháo kỳ đà. Bẫy được vẫn trói gân bỏ dưới hầm. Tôi nhanh nhảu bảo luôn: “Thôi, thôi. Ăn vào đâu được nữa, thế này quá thịnh soạn rồi!” 
Đúng là “ngày vui ngắn chẳng tầy gang”. Chiều mùng 2, ăn tết ở Xưởng C35 xong, tôi và Thịnh lại về khu vực Suối Mây “đại bản doanh” của C5, H19. 
Nhân tối đến trình diện anh Tuấn, tiện bàn với anh: “Em tính mai mùng 3 vẫn là ngày ngưng bắn. Đề nghị anh cho một tốp xuống Đồng Pan, lấy thùng gỗ về ghép bảng pa-nen thí nghiệm như: Nguyên lý sinh điện xoay chiều. Định luật Ohm, máy khuếch đại âm tần, máy phát, máy thu tự cảm, hỗ cảm…” 
Anh quyết ngay, cho liên lạc Bình gọi Tám lên giao nhiệm vụ. Tôi và Thịnh cũng nhận đi cùng. Hôm ấy lấy được nhiều thùng hàng gỗ thông mang về đủ làm những bảng thí nghiệm. 

                                                   * * * 

Khai giảng, bước vào huấn luyện, giáo viên do tôi làm tổ trưởng. Tổ trưởng như tôi là “bù nhìn” vì có được phân công giảng dạy đâu, do đại đội trưởng và đại đội phó quán xuyến chuyên môn hết. Tôi chỉ là “trợ lý sai vặt”. 
Sau anh Tuấn phân công: 
Anh Tuấn dạy Điện một chiều, anh Thịnh dạy Điện xoay chiều, tôi dạy Đèn điện tử, anh Hành dạy Khuếch đại âm tần, anh Hiển dạy Máy thu vô tuyến điện, anh Tạo dạy Máy phát vô tuyến điện. Anh Tuấn đại đội trưởng gương mẫu phải cáng đáng thêm giáo trình “Vật liệu vô tuyến điện” hay gọi là “linh kiện vô tuyến điện” và giáo trình Nguyên tắc sữa chữa máy thu phát vô tuyến điện. 
Tôi tổ trưởng giáo viên cũng gọi là đầu tàu gương mẫu phải cáng đáng thêm giáo trình Hàn thiếc, ăng-ten, Nguồn. 
Sang phần máy quân dụng thì: 
Anh Hành dạy Máy phát 102E (139), anh Tuấn dạy Máy thu 102E (139), anh Hồ Sĩ Hiển dạy K63, anh Thịnh dạy 71 B1, anh Tạo dạy 702 D, tôi dạy Tăng âm 3 tờ-răng-xi-to và con dung đổi điện. Còn ra-gô-nô nhờ xưởng chi viện người dạy. Cho nó “giao lưu” hữu hảo, chứ khả năng của chúng tôi chỉ làm tay trái cái giáo trình ra-gô-nô ấy. 
Phần học lý thuyết đã trôi chảy. Hôm học bài pin và ắc-quy. Sắp đến giờ học, tôi bê đồ thí nghiệm lên giảng đường, lớp vắng tanh. Hỏi ra mới biết là đại đội trưởng Tuấn cho anh em học viên nghỉ. Vì đêm qua, cả đơn vị truy tìm thằng tù binh Mỹ trốn trại. Mới biết là cái trại giữ tù binh Mỹ gọi là C53, nó ở cạnh chỗ C5, H19. Chỉ cách ba, năm phút đi bộ. Hai đơn vị cứ vay mượn lương thực, thực phẩm khi lỡ. Cứ bảo sang C53 vay. Hay là họ ở C53 đến vay, nhưng chẳng biết C53 là đơn vị làm nhiệm vụ gì. Thằng tù binh nó trốn mất, cả đơn vị họ đi tìm. Các tướng chỉ huy của C53 kỳ này trọc đầu với cấp trên. Nên họ huy động các đơn vị lân cận như chúng tôi đi tìm, suốt đêm mà không tìm được. 
Nghe đâu nó cứ nghe thấy tiếng pháo bắn, cắt rừng định hướng về căn cứ Thiện Ngôn của nó. Chỗ bản doanh của chúng tôi, pháo nòng dài ở Kà Tum, Thiện Ngôn, suối Đá, bầu Cỏ đều bắn tới. 
Trốn thoát, nó vạch trên bản đồ (nghe nói vậy chắc gì đã đúng) đánh ta bằng phi pháo. 
Đúng 6 giờ sáng ngày 20 tháng 4 năm 1969, chúng tôi bị một trận B52 đánh trùm đầu. 
Lúc đó bộ phận C bộ đến giếng nhà bếp đánh răng rửa mặt. Tôi nghe ù ù ở hướng Đông, bảo: 
- Nói bé chứ, cười đùa ít chứ. Coi chừng B52 đấy! 
Hỏa nói đùa: 
- B51 đấy! 
Tôi nói anh em, rồi xách ca Mỹ chạy vào hầm trú ẩn. Nghĩa tiếp phẩm cũng chạy theo. 
Một loạt: đành, đành, đành… đánh ngay tại chỗ. Cả tốp đó chỉ có tôi và Nghĩa là chúi được vào hầm, còn lại nằm trên khơi mà chịu hết loạt đầu ba chiếc đánh. Sau đó khói bom và bụi đất trở nên mù mịt làm trời tối lại. Sớm bình minh ngỡ tưởng buổi hoàng hôn. 
Xong một loạt, tôi chạy về nhà chỉ huy. Mỗi anh Út “Hí” cầm điện thoại gọi lên tiểu đoàn. Các thủ trưởng khác chưa ngủ dậy. Tôi quanh quẩn bên anh để chờ ngừng gọi điện, xin chỉ thị. Dây đứt không gọi được. Anh đặt tổ hợp xuống. Tôi hỏi liền: 
- Báo cáo anh, giờ xử trí thế nào? 
- Đù me, về hầm chờ 15 phút nữa đợt hai! 
Tôi chạy xuống hầm, thấp thỏm chờ đợt hai. Điểm mặt có: Tôi, Thường y tá, Duyển, Chất, Nhất nuôi quân, Biển văn thư, Thịnh, Hưng và có cả anh chị Mại chính trị viên trung đội. Còn Sáng thì lúc ấy đi cầu, bị thương vào bẹn và mi mắt đang được y tá Thường băng bó cho. Cả thảy chín mười người ở hầm đó. Tôi nghĩ bụng: trúng quả bom thì chết hết. Định chạy san bớt sang hầm của ba nuôi quân mà tôi và Nghĩa chúi vừa rồi, đang bỏ không. Vừa thò ra cửa thì nghe tiếng ù ù hướng Đông như xay lúa. Liệu độ không kịp, tôi tụt lại chờ đợi. Tư thế ngồi xổm, hai bàn tay khóa vào nhau ôm đầu, hai bắp tay bịt hai tai. 
Bụng bảo dạ: Này nó đánh, này nó đánh! Thấy tiếng rơi xuống đất bình bịch. Những tiếng nổ xé tai. Hầm đu đưa như đánh võng. Đầu nhô lên cục vào nóc hầm, tụt xuống nhấp nha nhấp nhô như chày giã cua ấy. Xong tôi nói to: “Đừng đứa nào lên khỏi hầm, phòng bom nổ chậm!”. 
Trong lúc bom nổ, bên tả là Biển, bên hữu là Thường cứ rúc đầu vào nách tôi kêu ự ự. Bom dứt đã lâu, mà tiếng B52 vẫn ù ù như xay lúa. Biển phải nói to: 
- Đợt này gần anh ạ. 
- Xa hơn đợt trước. 
- Đây này, đống rác lá đùn đầy cửa hầm! 
- Ừ nhỉ, thế là thoát chết! 
Chờ 10, 15 phút thật im ắng chúng tôi mới lên khỏi công sự. Cả đơn vị trên dưới trăm người không ai chết. Có mỗi anh Mại bị xây xước nhẹ. Anh đen như cây cháy nên chúng tôi gọi anh là Mai Hắc Đế, rồi cũng thành tên. Như tôi mang cái tên “Bủ Hay” ngót bốn mươi năm đối với 250 học viên quân đội đi học khóa thông tin. Có những anh, không đi Đoàn 239, giờ gặp tôi vẫn chào Bủ Hay, thế mà hay, thân thương trìu mến! 
Cái hầm của ba nuôi quân, tôi định chạy san ra, tốc hẳn nắp, còn mỗi một góc “quy củ” tức là một góc vẫn vuông thành sắc cạnh. Cái hầm mà hai cha con anh Tuấn ngủ, miệng hố bom đìa cách đúng một mét. Chị Chín không có nhà, vì đang đi học lớp “Sĩ quan Chính trị”. 
Cái hầm của tiểu đội 2 do cậu Phức làm A trưởng, có tám người trú ẩn, quả bom rơi gần đó, tám người nhắm mắt chờ chết. May đâu nó câm. 
Nuôi quân có cái xoong quân dụng, kho cá thu hấp, còn độ bốn, năm cân, đất cát bắn vào, sạn không ăn được định đổ đi. Tiếc rẻ, tôi đem rửa lại từng con, nhẹ nhàng mơn hết đất cát. Mượn nhà bếp xoong hai mươi, xếp có lần có lượt, đầy ắp, nêm tương Miên, giềng đẫy vào đun tiếp. Các bữa ăn sau làm món ăn thêm, ngon ra phết, như cá mới mua, cùng mâm ăn với các thủ trưởng, tấm tắc khen. 
Hai giờ sau, trên trời “lòng kẽm” tù ti trinh sát. OV10 bay sạt ngọn cây, thỉnh thoảng lại “xè đùng” xuống những cụm rừng B52 vừa đánh sót. F lại gào rú, chúc xuống trút bom. Tiếng F, bom, “lòng kẽm”, OV10, HU1A, “cán gáo”… các tiếng đó pha trộn vào nhau như ru ngủ. Nằm dưới hầm gác chân lên bụng, lên ngực, lúc say thậm chí gác lên mặt nhau mà ngủ. Chập chờn lúc thức, lúc ngủ. Chẳng mấy đã gần chín giờ sáng không thấy nó đánh nữa. Tức là tạm an toàn. Chúng tôi còn được ngủ chập chờn chứ ba nuôi quân vẫn trần thân nấu bếp. Lúc nào dát quá lại tót vào những công sự gần đầy chúi: Nhiệm vụ “chính trị” của Duyển, Chất, Nhất là bếp Hoàng Cầm. 
Tôi điều một số anh em ở đại đội bộ đi dập những đám cháy. Những cây gỗ khô to ở những trận B52 trước, chẳng biết từ bao giờ, mà cũng chẳng biết lần này là thứ bao nhiêu, nó đang cháy đùng đùng. Về nghỉ một lát ăn cơm trưa. Anh Tuấn xách hai cái T108 vỡ vụn, đồng hồ Mỹ to gấp rưỡi. Chỉ nứt một tý ở chỗ “ốc chỉnh cơ khí”. Anh nói: “Đù me, thịt da miềng tốt thiệt, áo quần rách mướt, đồng hồ Tàu vỡ vụn mà miềng và thằng nhóc không sao. Lúc ấy chỉ thấy đánh ịch một cái, cửa hầm tối rầm lại. Mà đồng hồ “Mẽo” cũng tốt ngang với thịt da cha con miềng. Cả Miền chỉ mua có hai cái, một anh Tư Đào giữ, một mình giữ để dùng thử nghiệm. Tốt thì tốt thiệt, nhưng đắt quá không dám mua trang bị cho anh em”. 
Chờ anh nói xong, tôi kể công cán với đại đội trưởng là điều anh em đi dập lửa. Không những không được khen mà bị mắng. 
- Cậu ngố quá, cứ để nó cháy vài ngày đêm, chứng tỏ khu này không có người ở. Cậu dập lửa là gián tiếp báo cho địch “chúng tao ở đây”! 
Cơm xong, một mình đi trộm, kéo những cành cây to chất vào cho cháy. Những cây to đùng, mồi lửa cho cháy nghi ngút, tự nhiên có những cây to cháy âm ỉ cả tuần lễ mới hết. 

                                                 * * * 

Xong trận đó, chúng tôi lại tu sửa hội trường, nhà cửa, huấn luyện bình thường, kê khai thiệt hại, được trên “bồi thường” cho 1.800 Rịa, mua hai cái phích, hai bộ ấm chén. Còn chi vào ba bữa cả đại đội liên hoan. Trận B52 đó ở trên tiểu đoàn bộ chết mất đồng chí Đạo, trước đây ở A1 với tôi, giờ bổ sung ở tổ sửa chữa lưu động của tiểu đoàn, sáng đó đi cầu, ngang đường không có hầm trú ẩn, cây đè chết. 
Anh Út “Hí” tên là Trương Quang Út, bộ đội tập kết, đẹp trai, mắt to có “hí” đâu. Trận càn Giang-sơn Xi-ti đầu 1967 đánh nhau, bị dính phải bom na-pan nên cặp mắt mù dở, hí nhỏ tí, mặt nhăn nheo. Mới có tên là Út “Hí”. Anh say sưa văn nghệ lắm. Trước khi B52 đánh, anh chả có việc gì, chuyên cưa cái khung xe đạp Pô-giơ, Lin-côn, hay Xờ-téclin gì đó để làm cái giá đỡ trống, chuẩn bị cuối năm đi hội diễn. Trống thì cắt vỏ thùng bom bi làm tang. Mặt căng bằng vải ni-lon võng, khi đánh nghe tiếng bùm bụp như gõ thúng mẹt vậy. Thế mà hôm duyệt bài hát. Tôi chẳng biết đầu đề là gì, chỉ nhớ có câu “Bồng con ra dãy Trường Sơn… Lòng sướng vui dạt dào”. Rồi bài “Sóc Bom Bo” nghe cũng nhịp nhàng, cũng hay. 
Người ta nói: “Để hòn đất, cất lên bụt”, hay là “Cờ đến tay ai người nấy phất”. 
Ngẫm như anh Út “Hí”, từ khi thành lập đại đội đến nay, đã mấy tháng. Vai trò của anh lu mờ, lép vế nhất trong các vị chỉ huy. Đại đội phó phụ trách cái bếp của đại đội như cái hỗng mũi này thì có việc gì! 
Thế mà hôm 20 tháng 4 năm 1969, B52 đánh, anh điều hành chỉ huy đơn vị nhịp nhàng lắm, ra lệnh tự nhiên như nói thường ngày, không quên câu “chửi thề”: 
- Đù me, xuống hầm chờ 15 phút loạt hai! 
- Đù me, chưa đứa nào được lên khỏi hầm phòng bom nổ chậm! 
- Đù me, B trưởng kiểm tra xem có hầm nào bị lấp cửa không, bới kịp thời không có chúng nó chết ngạt!… 
Tôi tự bảo: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” anh như cây tùng, cây bách, cây thông. Khi “trời quang mưa tạnh” anh như “cây liễu rủ ven hồ”. 
Sao, chết tiệt cái ngày 20. Lại 20 tháng 6 năm 1969. Dạo đó học xong lý thuyết, chuẩn bị thi vấn đáp. Ra các câu hỏi, học viên thảo luận như học chính trị. Giáo viên xuống các tiểu đội theo dõi hướng dẫn. Tôi được phân công xuống Tiểu đội 2. Có một học viên nữ duy nhất là cháu Phạm Thị Tươi, 14 tuổi. Viết chính tả chưa thạo. Lúc tầm 9, 10 giờ B52 đánh khu rừng phía bên kia trảng, cách chúng tôi một ki-lô-mét. Cả tiểu đội dẫm vào lưng nhau mà tụt xuống công sự. Vừa dứt tiếng bom, cháu Tươi đã hỏi bài. Tôi bảo: 
- Thôi, thôi để nghe loạt hai. Chết toi bây giờ! 
- Nếu không chết thì sao chú? 
- Không chết thì may, thì tốt quá chứ sao? 
Bỗng “oành” một tiếng, phải nói là long trời nở đất. Hồn vía bạt lên mây. Thì ra quả bom “mồ côi” lạc đến cạnh nhà bếp, náu một lúc mới lên tiếng. Các cây rìa nhà bếp bị phang đổ, trật cả mái bếp. Anh Tuấn lệnh cho tổ giáo viên ngụy trang nhà bếp, còn để học viên tự học. Tôi chỉ huy Thịnh và Hưng làm, được liên lạc, văn thư, y tá hỗ trợ. 
Hôm ấy sốt rét nhẹ, ngụy trang xong nhà bếp, mồ hôi vã ra. Rửa chân tay mặt mũi lại thấy người khoan khoái. Quả bom “mồ côi” lên tiếng làm cho vi trùng sốt rét bạt mất. Chiều hôm ấy lại xuống Tiểu đội 2 theo dõi học tập, không cù dù như sáng nữa. 

                                                 * * * 

Mùa huấn luyện khóa 1 cơ công H19 năm 1969, tôi “gặt hái” tốt, đủ các danh hiệu, đạt Chiến sĩ Thi đua cấp Trung đoàn. 
Tôi được tăng cường xuống B1 làm chính trị viên thay anh Mại. Mùa mưa 1969, bắt trăm phần trăm ngủ hầm. Hầm chữ A cho cháu Tươi mắc võng nằm, còn hầm mái bằng tôi với anh Tạo nằm. Khi nào B52, pháo cực nhanh mới chui vào hầm chữ A. 
Đi ngủ, để dép trên miệng hầm, nước lội đến bụng chân. Để đít lên võng mới rửa chân. Xong co lên, lấy giẻ lau khô mới đặt chân lên võng. 
B1 được trang bị cái Na-ti-o-na “mắt trâu”, tôi và anh Tạo mở nho nhỏ nghe. Tưởng cháu ngủ, lúc thấy khịt mũi, tôi hỏi: 
- Ngủ chưa Tươi? 
- Dạ, cháu ngủ rồi ạ! 
- Ngủ rồi mà ta hỏi trả lời được ngay. 
- Dạ cháu chưa ngủ. 
- Nghe đài không? 
- Có ạ! 
Tôi mở to một chút cho cháu cùng nghe. Đêm đại đội trưởng đi kiểm tra, thấy y tá Lê Xuân Râu nằm trên ngủ (Râu thay Thường đi viện). Anh Tuấn đánh thức dậy, bắt xuống hầm mắc võng ngủ. Râu đứng nghiêm: 
- Báo cáo đại đội trưởng, một tháng có 30 hoặc 31 đêm. Tôi cho là một đêm chết đi còn 29, 30 đêm sống, ngủ trên cho nó khoái cái đã! 
Thế là anh y tá Râu được nhận cái “Giấy khen đánh máy”. 
Tháng 9 là cao điểm của mùa mưa. Bác Dũng ở xưởng xuống lên lớp ra-gô-nô. Chúng tôi lên lớp dự thính để học, khóa sau tự lên lớp lấy không nhờ xưởng nữa. Tập trung 2B ở hội trường B2. Anh em mới làm, đào âm, vướng phải tảng đá to quá, để luôn làm bục giảng của giáo viên. Học viên bỏ dép trên bờ lội xuống hội trường như vịt. Ngồi chòm hỏm trên ghế băng như là tám chục anh em “Hừng” ngồi cắt tóc trong bộ phim “Người lính trẻ” hay bộ phim “Lửa trung tuyến” ấy không còn nhớ rõ nữa. 
Liên lạc Bình làm nhiệm vụ gác, khi nghe tiếng B52 báo động, toàn bộ chạy lên bờ, tìm gốc cây núp. Trúng ai người ấy chết, còn ở hội trường mà chui vào hầm chữ A, nước đến ngực. Không trúng bom, bị sức ép cũng hộc máu mồm ra mà chết. Một buổi học có một hai lần chạy B52. May mà không lần nào nó đánh trùm qua đầu như hôm 20 tháng 4 vừa rồi. Chỉ ria ria, xa xa. Có hôm gần thì miểng phang vào gẫy một số cây thôi. 
Mùng 2 tháng 9 vẫn học. Anh Hồ Sĩ Hiển ngồi dự thính với tôi ở trên bờ nói nhỏ: Nghe tin trên đài, Bác Hồ ốm nặng. 
Tan học về, bản tin trưa hôm sau đài nói ran ran về tình trạng sức khỏe của Bác, rồi trên đài với giọng nói run run nghẹn ngào đưa tin Bác đã từ trần!
Để tang Bác, kẻ địch 10 ngày liền không đánh phá, chỉ một số máy bay thám thính bay qua. 
Sau khi Bác từ trần, không biết là sáng kiến của cấp nào, tôi cho là hay. Đó là mở một đợt diễn đàn, chủ đề là: Bác Hồ. Đơn vị tổ chức diễn đàn là hội đồng quân nhân. Có cả đảng viên, đoàn viên, quần chúng lớn tuổi, thanh niên ngoài đoàn (đơn vị vẫn còn thanh niên ngoài đoàn). 
Tôi đại diện cho bộ phận C bộ có bài diễn đàn. Bài của tôi hầu hết lấy hình ảnh của Bác trong thơ Tố Hữu. Đoạn kết lấy hình ảnh Bác trong thơ Minh Huệ, bê luôn cả đoạn: 
                                 Đêm nay Bác không ngủ 
                                   Vì một lẽ thường tình 
                                     Bác là Hồ Chí Minh. 
Cảm động vì nhớ thương Bác, anh em khóc thực sự, khóc ra tiếng. Còn cháu Châu, con anh Tuấn tựa lưng anh. Cha khóc nức nở, con đứng trầm ngâm. 
Cũng trong tháng 9 ấy xảy ra sự kiện là anh Sáu Triệu Cảm đi làm rẫy ở bên Campuchia vào dân “nhậu nhẹt”, nhiễm bệnh tả, lây sang cậu Hiền học viên kiêm liên lạc cho trung đội. Hiền ở chung với B trưởng Sáu. Cậu Hiền là lính của Đoàn pháo binh Biên Hòa về học. Người làng Khả Do cùng với nhà thơ Ngô Văn Phú, ria sông Cà Lồ. Hiền bị bệnh nhưng giấu, quá mới đưa đi Viện K30B. Cứ khiêng người đi viện về ngang đường thì lại người khác khiêng mình vào viện, có 100 người thì 70 người đi Viện K30B vì tả. 
Đơn vị tìm nguyên nhân do ăn măng le, sau lại vì ăn đậu phụ. Thế là chẳng A nào dám ăn đậu. Mang trả nhà bếp cho lợn ăn. Qua cửa nhà đại đội, tôi gom lại đổ vào xoong 20 đun lên, cùng anh Tuấn ăn trừ cơm mấy ngày liền. 
Xong vụ đó, tìm nguyên nhân là do anh Sáu Triệu Cảm đem từ Miên về như tôi đã kể trên. Phòng 3 gọi anh Tuấn lên kiểm thảo, ra quyết định cảnh cáo anh Tuấn, anh Sáu “tình cảm” và cậu Hiền. 
Rồi bài hát truyền thống của C5 có câu: “Đây C5 hùng cường” bị xuyên tạc thành “Đây C5… cùng đường”. 
Cuối năm 1969, thực hành sửa chữa máy quân dụng, nhất là Máy phát 102E hay gọi là Máy 139, toàn trang bị ra-gô-nô “đầu trâu” của Trung Quốc viện trợ. Máy sản xuất từ 1938 như đã nói ở trên quay nặng ơi là nặng. Các A thực hành cứ hay bẳn nhau về cái tội ấn ma-níp lâu khi chỉnh máy. 
Một hôm cũng sốt nhẹ, tôi bực mình vì học trò gắt nhau. “Thôi ra, tôi quay cho !” 
Chỉnh ba băng: đầu, cuối, giữa. Vị chi chín lần. Quay úi cả gáy, mồ hôi vã ra như tắm. Nhưng lỡ mồm mắng học viên rồi. Dù thầy Hay có phải chết gục trên ra-gô-nô vẫn phải quay cho đủ chín lần chỉnh để giữ tròn danh dự. Thế lại đỡ sốt, khỏe ra.

                                                                                   ( Còn nữa )

                                                 Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét