23/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 9


        H19 di chuyển đến vùng “ Đất Thánh” trên lãnh thổ
                                       Căm Pu Chia 

Mùa khô đến, khóa học gần mãn đó là vào tháng 10, 11 năm 1969. Anh Tuấn là người năng động tháo vát, linh hoạt. Mình dưới trướng một người chỉ huy như thế cũng sướng. Rút một số anh em học giỏi làm kinh tế. Tầm 5 giờ chiều, năm đồng chí ăn cơm sớm. Mang đồ đi, một AK bảo vệ. Tầm chín giờ tối bốn người khiêng hai khiêng cá về. Một người đi sau bảo vệ.
Các A thay phiên nhau mổ cá. Hai bao tải phải đến ba bốn mươi cân. Cá lóc cứ bằng cổ tay, cổ chân, cá tạp đủ loại. Tốp mổ cá, đốt đèn ăng-côn, làm dưới nhà âm. Muốn ăn kiểu nào thì làm kiểu ấy. Chỉ nướng, luộc, rán là cùng chứ cách nào được. Mổ xong rửa sạch cho vào một hai nồi quân dụng đun sôi lên, đậy bếp lò lại là hoàn thành nhiệm vụ. Còn nêm mắm, muối, tương, tiêu, tỏi, ớt, riềng, mẻ thế nào là cho Duyển, Chất, Nhất.
Anh Tuấn không cho tốp làm kinh tế đi trước năm giờ chiều. Sợ các cậu tát nước lên võng vãnh, máy bay qua, phản chiếu như gương, phát hiện nó đánh cho thì nguy.
Hạ tuần tháng 11 năm 1969, học xong khóa, đa số ra trường về các đơn vị chiến đấu. Số ít còn lại và khung C5 được lệnh di chuyển lên “đất Thánh”.
Từ bờ Nam Suối Mây vượt sang bờ Bắc, vượt Lộ Ủi, đi sâu vào khu rừng già cách chỗ ở cũ vào hai giờ đồng hồ.
Tiếp quản một căn cứ cũ, anh em bảo là cứ của khu Văn công Quân giải phóng, họ bỏ đi. Chỗ anh Thanh Hùng, chị Ngọc Hoa, Như Tâm, Tô Lan Phương… Họ chuyển đi chỗ khác không xa. Thỉnh thoảng đi tải gạo gặp nhau. Mấy cậu ít tuổi nói năng lấc cấc hỏi:
- Mấy chị ở chỗ anh Thanh Hùng phải không?
- Dạ, chúng tôi ở chỗ ảnh.
- Nhờ mấy chị nhắn hộ, dạo này đừng hát trên đài nữa, không hỏng mất cái “ra-rô” của tôi.
Các chị phàn nàn:
- Mấy ông tướng trời gầm. Quá trời!
Bấy giờ chúng tôi ở khu Chằm Diệp. Nơi cơ quan Mặt trận đóng, tức là chỗ chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Hiếu, nhà thơ Thanh Hải… Chắc là Bộ chỉ huy Miền cũng gần đây. Vì là giữa năm 1969, bác Trịnh Xuân Vân đi thăm vợ là Phạm Thị Lài “bị ế”. Bác về không mà bực tức phàn nàn rằng: “Đi làm cách mạng là không cho người ta được gặp vợ à?”
Nói về bác Tư Vân - Trịnh Xuân Vân, quê ở làng Đông Thôn, xã Tiên Hội, Đông Anh, Hà Nội. Nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, đi ở khi 14 tuổi, tiểu chủ có vài khung cửi dệt vải. Tết đến, kẻ ăn người ở đi hội Cổ Loa xem hát tuồng, hát chèo. Bác ở nhà với một cô, chủ về bắt được hai người đắp chiếu ngủ. Thế là bà đuổi đi. Bác Tư phiêu bạt vào Nam Kỳ làm đồn điền cao su, sau sang Nam Vang. Kết duyên cùng bác gái Phạm Thị Lài quê Nam Hà. Hai bác theo Quân giải phóng, đã có một trai hai gái. Bác Lài cấp dưỡng riêng cho bà phó tư lệnh Nguyễn Thị Định. Năm 1969, vì tình hình đặc biệt, bác trai không được gặp bác gái, cả đi lẫn về một buổi sáng, thế tôi mới phán đoán là “Bộ chỉ huy” ở gần đây.
Lẽ ra 31 tháng 10 năm 1972 mà Mỹ ngụy không lật lọng kí hiệp định Paris thì bác Lài không chết. Sau ngày đó bác Lài chuyển công tác. Từ ngày chúng lật lọng, đánh khu vực nghi là “Bộ chỉ huy” ở thì ác liệt lắm. Bác Lài bị B52 đánh chết trước ngày kí hiệp định Paris 27 tháng 1 năm 1973. Tôi bàn giao đồ lưu niệm của bác Lài cho bác Vân năm 1974 và năm ấy bác Vân 54 tuổi, hàm chuẩn úy, chuyên làm rẫy của H19. Sau giải phóng miền Nam, bác Tư cùng hai cháu gái, đứa 14, đứa 16 ở trông nom nhà khách của Trường Truyền tin Vũng Tàu, đứa con trai lớn là chiến sĩ Quân giải phóng.
Tháng 6 năm 1976, tôi chuyển vùng ra Bắc công tác, từ ấy không biết tin tức gì của bác Tư.

                                                   * * *

Di chuyển căn cứ chuyến cuối cùng là chiều mùa khô, các bãi cỏ tranh ở trảng xào xạc, tôi và Thịnh khiêng cái bảng đen to tướng. Gặp một đơn vị đi xuôi về chỗ tôi ở vừa rồi. Chúng tôi đi sâu vào “đất Thánh” thì họ đi về đất đầy bom đạn. Không ngờ gặp Tô Văn Luận người xã Nguyên Khê, cùng huyện. Luận là con bác Năm “trán hói”. Trong thời kì tôi và Luận học cấp 2, 3 ở trường tỉnh thì bác Năm làm cán bộ ở Ty văn hóa, sau chuyển về làm trưởng phòng giáo dục Đông Anh.
Luận khoác khẩu B40, là lính của Q3, Công trường 9. Chẳng hỏi thì Luận cũng biết công việc của tôi và tôi cũng biết công việc của Luận. Nắm tay nhau nghẹn ngào… Tôi cứ đinh ninh là lần đó vĩnh biệt Luận. Sau này ra Bắc hỏi thăm thì Luận vẫn còn sống và hiện nay gia đình ở xóm Nguyễn, xã Nguyên Khê anh hùng, quê hương của hai anh hùng liệt sĩ là Tô Thị Hiển (chống Pháp) và Lê Hữu Tựu (chống Mỹ). Xã đặt tên hai anh hùng cho trường tiểu học và trường phổ thông cơ sở.
Xóm Nguyễn ở ngay gốc của Quốc lộ 2 bám vào Quốc lộ 3 tại Phủ Lỗ. Địa danh đó, Thu Đông 1947 địch thất trận ở Việt Bắc tháo chạy theo Quốc lộ 2, Quốc lộ 3 về Hà Nội. Đến Nguyên Khê, ta chặn đánh, chúng thất bại nặng nề, đã đi vào sử sách, hình ảnh người du kích Nguyên Khê trong bài hát có câu:
Đường Nguyên Khê du kích oai hùng
Ở trên “đất Thánh” đúng là “đất Thánh”! Chiều đến học viên các B chơi bóng chuyền. Học viên khóa hai đã nườm nượp kéo về tựu trường. Ba khung trung đội là ba lớp học. Cán bộ đại đội được tăng cường: một đại đội trưởng, ba đại đội phó. Một chính trị viên, một phó chính trị. Vậy là sáu cán bộ đại đội.
Anh Trịnh Xuân Niên về làm đại đội phó, anh Bô về làm trung đội trưởng.
Các anh: Hưng chính trị viên phó, Niên C phó, Bô B trưởng. Họ không phải là cán bộ tăng cường mà là gửi hay nghỉ ngơi, hiểu thế nào cũng được. Các anh ấy là quân số của Sư đoàn 1.
Theo chủ trương của Bộ chỉ huy Miền là giải tán Sư 1 giữa năm 1969, các trung đoàn trở thành độc lập, thọc sâu đánh phá bình định của địch. Cán bộ chiến sĩ Sư 1, ai không biết bơi lội là dạt về phía sau. Các anh Hưng, Niên, Bô là ở dạng đó. Khi nào F1 cần là lấy đi ngay. Giải thể F, sư trưởng trở thành sĩ quan cao cấp “Không quân”. Về R nhận công tác mới, bị trực thăng chụp. Đưa ra Phú Quốc tù, khai là tiểu đội trưởng, y tá. Ông cũng biết nghề thuốc thông thường như tiêm chủng, châm cứu…
Trung tá ngụy trưởng cai ngục Phú Quốc có mẹ già ốm, đưa ông về nhà chữa được, bèn giữ lại. Ông lấy lý do: “Dù sao tôi cũng là “Việt Cộng”, ở trong nhà trung tá, cấp trên dị nghị không có lợi cho ngài, khi nào cụ bịnh tôi lại đến chữa cho”. Thế là ông ở trại còn lãnh đạo phong trào đấu tranh.
Địch vặn ông: “Sao già thế này mà cấp tiểu đội bậc trưởng”. Trả lời rằng: “Các ông hiểu cho, “Bắc Việt” chúng tôi đang có phong trào ba cử tức là vợ cử, con cử, đoàn thể cử nhập ngũ”. Nó nghe lọt tai. Xong, một hôm chiến sĩ trong đơn vị cùng bị tù, gặp ông liền nói:
- Chào thủ trưởng!
Ông lừ mắt, cậu hiểu ý.
Địch vặn:
- Ông bảo là tiểu đội trưởng sao có người chào là “thủ trưởng”?.
Ông trả lời :
- Luật ở quân đội chúng tôi từ tiểu đội trưởng trở lên là “thủ trưởng”.
Nó nghe có lý.
Sau ngày kí hiệp định Pa-ri, trao trả tù binh ở Lộc Ninh. Khi đọc đến tên ông trao trả, bước qua vạch vôi bột, có xe đến đón luôn. Tụi địch la lên:
- Đù me, trả nhầm thằng “Việt Cộng” bự rồi!
Chúng xếp số còn lại để thẩm tra, rà soát.
Thế mới chết chứ!
Sau ngày giải phóng, ông làm phó giám đốc Học viện Quân sự Đà Lạt, được thăng hàm tướng.
Anh Trịnh Xuân Niên cấp đại đội bậc phó, C phó. Trước làm trưởng trạm sửa chữa vô tuyến điện của Sư 1. Học khóa cơ công đầu tiên của quân đội ta, những năm mới hòa bình. Trường ở chỗ núi Đôi, Xuân Dục. Cùng học một khóa với anh Tuấn. Anh học không giỏi, khi ra công tác sửa chữa lại giỏi. Anh tâm sự: Từ khi làm nghề đến giờ, chưa chịu cái máy nào. Những cái ra-đi-ô bán dẫn vỡ từng mảnh, vào tay anh, lại chữa chạy được ngay. Vì nỗi không biết bơi lội phải dạt về chiến khu.
Hôm anh mới về, thời còn ở Suối Mây (vào tháng 8 năm 1969). Đặt ba lô xuống, trông thấy anh Tuấn, hai người ôm nhau: 
- A, Tuấn “Phệ”, tao tưởng mày chết rục xương trong tù rồi mà! 
Chúng tôi cứ ớ ra chẳng hiểu sao. Vừa ăn cơm, các anh nói chuyện mới vỡ lẽ: Tuấn “Phệ” học cùng với tôi, gọi là học cùng nhưng hắn là thầy dạy mình ấy chứ. Năm 1960 hội diễn toàn quân, nó được huy chương vàng. Thằng nhất ở sư, nó gà cho, mình mới được thứ 6 của toàn quân. Về đơn vị công tác một thời gian ngắn, tự nhiên có xe con của công an đến đọc lệnh bắt về vì tội gián điệp. Cấp hàm thượng sĩ mà có chân trong cấp ủy chi bộ tiểu đoàn bộ mà là gián điệp. Bắt nó rồi chúng tớ ở lại khốn khổ về họp hành để tìm ra tội phá hoại của Lê Sỹ Tuấn. Thằng thì phát biểu: Con người tốt thế mà lại là gián điệp. Có thằng lại phát biểu: Nó giả vờ tốt để leo cao, chui sâu phá hoại ta, đấy, nó toàn giữ điện đài quan trọng. Thì ra mày vẫn sống nhăn răng ra đấy hả Tuấn! 
Tôi hỏi anh Tuấn: “Thế anh có biết không?” 
- Lúc mới đọc lệnh của công an mình cũng choáng váng. Lên xe, xem thái độ của họ mình cũng an tâm. Sau mở khóa cho mình nói chuyện đàng hoàng, cho về Hà Nội nghỉ phép, an dưỡng, đi B. 
Cũng như anh Bốn Ngọ, phó giám đốc xưởng. Đơn vị đóng ở Sơn Tây, cho về Hà Nội nghỉ phép. Giữ lại ở Hà Nội, an dưỡng đi B. Đưa tin lên đơn vị là bị tai nạn ô tô chết. Đơn vị ở Sơn Tây cũng làm lễ truy điệu. 
Cụ thân sinh anh Tuấn là nhà báo Thiếu Sơn, chú ruột là ca sỹ Quang Hưng hay hát ở dàn giao hưởng. 
Nhân tiện anh kể luôn chuyện hội diễn toàn quân chữa máy thu phát vô tuyến điện: 
- Mỗi F chọn 2 thợ. Khi thi ở F mình số 2. Thi toàn quân đặt ra địa điểm ở đồi sỏi trung du tỉnh Bắc Giang. Mỗi thằng một chiếc chiếu cá nhân, một bộ thu phát 15W, đồng hồ, dụng cụ. Sở trường của miềng là máy thu nên sửa trước. Tìm ra quy luật đánh pan của họ là cắt chân linh kiện, rồi lại đút vào ống ghen. Miềng cầm tuộc-nồ-vịt quẹt mạnh một cái. Thế là cái nào có cắt bung ra. Mình kém chúng nó là không mang “dầu hôi” để nhóm lò nên lâu. Nhưng miềng hơn chúng nó là tìm hết pan, xong chấm chấm một loạt vẫn nhanh hơn họ là hàn cái một. Lò tắt thổi lên để nướng mỏ hàn, lại tắt thổi lên… làm sao nhanh bằng chấm một loạt được. 
Xong trình bày pan bệnh với giám khảo, nói to. Có nhã ý là gà cho thằng số 1 của F ở kế bên cách năm mét, chỉ gà bằng cách ấy thôi. 

                                                   * * * 

Hôm mùng 1 tháng 12 năm 1969 kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ của miền Nam. Đồng chí Hưng chính trị viên phó triệu tập anh em thương binh cùng cả đơn vị họp như là kiểu mít tinh. 
Mở đầu buổi mít tinh anh Hưng nói: “Hôm nay tôi mời các đồng chí thương binh tử liệt sĩ về đây…” Anh em ồ lên cười. Cậu Bình liên lạc kể với tôi và anh Tuấn như vậy. Anh Tuấn hỏi Bình: “Cậu có cười không?” 
- Có ạ. 
- Cười cái gì? 
- Thấy họ cười em cũng cười! 
Anh Tuấn cười khà khà khà một hồi rồi mà rằng: Cười là cười cái câu “Mời tử liệt sĩ về đây” chỉ mời được thương binh và anh em trong đơn vị thôi chứ! 
Mấy hôm sau, một loạt B52 gần như trùm qua đầu chúng tôi. Đỗ Văn Thành đi chữa máy cho một trung đội, chạy chui tọt vào hầm trú ẩn của tôi. Chờ loạt sau 15 phút nữa, 15 phút sau không đánh. Chúng bỏ luôn. 
Anh Tuấn thấy nói chuyện láo pháo, gọi hai thằng lên uống nước. Nhưng chúng tôi vẫn cảnh giác nó choảng đợt hai. Để mắt đến cái miệng hầm, thao tác thế nào để tụt xuống lẹ nhất. Tôi bảo: 
- Đúng như nhận định của trên: Địch bị động, phương tiện chiến lược (B52, B57) phải dùng cho chiến thuật. Chứ không như giữa 1968, thời kì còn ở A1, chỗ Ngã ba Công sự, Đống Chấu. 
Thông báo của trên là địch đánh 42 loạt B52. Anh em thấp thỏm đợi chờ xem bão táp giáng xuống đâu đây. Bỗng để ý mới thấy tiếng nổ ình ình xa tít mù tắp. Ngày thứ hai nghe tiếng nổ rõ hơn. Sáng ngày thứ ba gần hơn nữa, chuyển cả đất. Tầm bốn, năm giờ thấy bom xuống ùn ụt, tiếng nổ xé tai. Mọi người xanh mặt, táo tác, nhớn nhác. Nó đánh chỗ Bầu Sen, Sóc Thiếc. Chỉ tám, chín giờ tối nay là đến mình. Anh Liễu đi các nhà củng cố tinh thần cho anh em. Nhưng loạt đến đó là đúng thứ 42. Chủ yếu là đánh ở khu vực K48, Trảng Tròn, K71. Chúng nghi Bộ chỉ huy ở. 
Anh Tuấn bảo: “Cấp trên của mình thì nhận định như thế. Nhưng thằng địch nó lại cho là: phản ứng linh hoạt, chứ không thừa nhận là bị động”. 
Tháng 12 năm 1969, anh em về đã đông mà trên chưa cho khai giảng. C5 lúc này có tới 150 người. Anh em học khóa 1 còn vài người, mắc càn chưa về đơn vị được. 

                                                 * * * 

Thượng tuần tháng 1 năm 1970, tức là tháng Chạp năm Kỷ Dậu, giáp tết Canh Tuất, kỳ này sốt tương đối, anh Tuấn cho tôi đi viện lớn tức là K23. Do bác sĩ chuyên khoa mắt đại úy Văn Lâm làm viện trưởng, người Hà Nội có học vị thấp nhất trong gia đình trí thức, các anh chị em đều có học vị cao hơn. 
Ăn tết Canh Tuất ở Viện, đêm đón giao thừa, hái hoa “Dân chủ”, tôi hái được cái ghi là “Đồng chí đọc bài thơ tết”. Tôi chọn bài thơ “Tết kháng chiến” để đọc. Đằng hắng lấy giọng: 
                       Tết, tết không ở bông đào hé nụ 
                        Không ở tiếng pháo giao thừa 
                   Không nằm tròn dưới đáy cốc say sưa. 
                                                 … 
                    Ta khai bút khi đập tan hòn đất nặng 
                      Ta say sưa trước lò máy đỏ hồng 
                      Bao giờ kháng chiến thành công 
                 Hòa bình thế giới đại đồng muôn năm 
          Đó là tết, đó là xuân, mãi mãi là xuân muôn đời. 
Bấy giờ chưa sang canh. 
Tiếng trọng liên của chốt địch không xa lắm. Nổ “cắc cùng cùng, cắc cùng cùng” như đệm nhạc cho bài thơ tôi đang đọc, xen lẫn tiếng sáo trúc của đồng chí bệnh nhân vui hứng, tự động lên đến cạnh tôi thổi đệm. Thế mà hay. 
Chiều mùng 1 tết, tôi đi suối tắm. Lúc về gặp chị Chín Đáng đi gánh nước. Chị vui mừng hỏi tình hình C5, hỏi anh Tuấn, hỏi tình hình tôi nằm viện. Chị thông báo: giờ cấp dưỡng ở cơ quan Phòng 3. 
Chị bảo: “Em đến chỗ chị lấy mấy đòn bánh tét về ăn tết”. Chị thông báo thêm là: Đang chuẩn bị cho Đại hội Chiến sĩ Thi đua cấp Trung đoàn, mua mấy con bò để thịt. Cuối năm 1969 tôi trúng Chiến sĩ Thi đua cơ sở, chọn đi dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua cấp trung đoàn. 
Đi tắm về, một tay cầm quần áo mới giặt, một tay xách đùm bánh chưng làm bảy cái. Anh em trong lán ăn thoải mái. Dạo này cháu Châu ở với chị thuận lợi hơn ở với anh Tuấn. 
Lán tôi có ba người ở với nhau, sau vào thêm một cậu lính trẻ bị chấn thương sọ não nữa là bốn. 
Khu rừng viện K23 cách Lộ 7 của Miên và huyện lị Mi Mốt không xa. Lính đồn biên phòng của Miên thỉnh thoảng đến lấy cớ bắt đền cây rừng để vòi tiền, vòi ăn. Vào rừng đếm gốc cây bị chặt để phạt viện. Viện đút cho ít “Rịa” hoặc cho “bữa tiệc” thì lại vui vẻ, rút quân: “Việt Nam, Campuchia săm-mu-ki” tức là Việt Nam - Campuchia đoàn kết. 
Sau viện cũng khôn, nói là biệt kích mới thả xuống, chúng tôi bẫy mìn. Họ sợ không dám đi kiểm tra, thế là thoát lo lót. Họ rất sợ lựu đạn và mìn. Cho rằng lựu đạn và mìn là “chết ba đời”. Thế mà cũng tin!
Trung tuần tháng Giêng Âm lịch năm 1970, tôi ra viện. Cơm chiều xong là khoác ba lô về đơn vị. Trên đất nước chùa Tháp, đi trên bãi trống bằng phẳng, gió mát trăng thanh, một mình cứ đi đủng đỉnh. Tầm hơn 7 giờ tối gặp tốp đi viện khiêng cáng nhau. Đến nơi chỉ biết mỗi anh Tạo B trưởng B1 dẫn hai cáng thương binh đi K23. Anh Tạo cho nghỉ giải lao, phô chuyện: “Chiều nay B52 đánh khu vực B mình. Xong chờ nửa tiếng không thấy đánh. Số anh em đi tắm, qua cửa nhà tôi, tôi bảo: khoan đã kẻo trực thăng lên, anh em không nghe cứ đi. Quả là ba chiếc trực thăng vũ trang ập đến quần. Nó quạt tốc lá cây, nước phản chiếu, bị lộ, nhao xuống bắn rốc-két, hai cậu học viên mới vào bị thương nặng. Kết hợp đưa cả Biển sốt rét đi viện luôn”. Tôi hỏi: “Vừa rồi OV 10 phóng rốc-két không vướng à?”
Anh bảo:
- Cũng một cậu ra viện, đút cái đèn pin vào túi cóc, nó bật công tắc, đèn chiếu ngược lên trời. OV 10 phát hiện được cứ lần quần theo dõi. Cậu ta biết lộ, cứ đi bình thường. Đột nhiên quẳng ba lô xuống chạy tạt ngang, OV 10 bắn rốc-két theo, chán, bỏ đi. Cậu ta quay lại lấy ba lô, gặp chúng tôi cậu ta kể vậy. Tôi buông một câu “Thảo nào!”.
Sáng sau anh Tạo và bốn đồng chí mới về chưa biết tên, thông báo tối qua vào viện, hai đồng chí ấy đã chết. Tôi nhớ một đồng chí tên là Toàn ở Hải Dương, đồng chí nữa không nhớ tên.
Vẫn trong khu rừng già ấy, bắt nguồn chắc là Bầu Sen, Sóc Thiếc, Trảng Pháo còn nó kết thúc ở đâu cũng không rõ, cứ bạt ngàn, cặp theo phía Bắc Lộ Ủi đi về hướng Tây. Ắt là đất Miên. Chiều ngang của vạt rừng đó từ Lộ Ủi đi chừng 30 phút là hết, ra trảng Trống toàn cỏ tranh và gai mắc cỡ, cỏ hôi… Đi chừng năm, bảy phút là hết trảng có một con suối mùa này cạn khô. Cây le mọc hai bên bờ đan nhau chằng chịt, le khô, le già, le bánh tẻ, le non, măng le đủ loại. Trực thăng quạt tha hồ không lộ được. Đi dưới lòng suối thoải mái, le không đụng đầu như đi dưới địa đạo. Bên kia suối kéo dài đến Lộ 7 của Miên là bạt ngàn rừng dầu thưa.
Theo chỉ dẫn của anh Tạo lúc gặp, tôi về H3 kho khí tài chỗ anh Hồ Hành, rồi anh Hồ Hành chỉ cho về cứ mới. Trong khi tôi đi viện, đơn vị đã chuyển đến cứ mới cách cứ cũ độ 30 phút về hướng Tây. Vẫn là chỗ ở của Văn công họ vừa chuyển đi chỗ khác. Đúng là “Cơ công” - “Văn công” có duyên với nhau thật rồi! Đều là “lính cậu”, “lính quý phái”, “lính quý tộc”.
Đến chỗ anh Hồ Hành cỡ chín, mười giờ tối. Anh thì đang thắp cái ăng-côn lù mù để chữa cái ra-đi-ô bán dẫn tã tã. Còn Hạnh chiến sĩ làm rẫy người Nam Hà và Hưng giáo viên đã nằm trên võng. Thấy tôi về, anh Hồ Hành nghỉ chữa máy, hai anh nhổm dậy, đốt lửa đun nước pha trà. Anh Hồ Hành bảo: “Hai cậu thổi cơm tối ăn cho ấm bụng cái đã”. Hưng bảo: “Cơm viện rồi, giờ làm gì còn suất nữa mà ăn”.
Tôi đáp:
- Từ bốn giờ chiều, giờ sài tốt, vả lại cơm của Quân giải phóng miền Nam anh hùng là ăn vô tiêu chuẩn, ăn chế độ “Cộng sản chủ nghĩa” cơ mà!
Tốp này ăn sướng ghê, cá tươi bắt ở các vũng trâu đằm rừng dầu, và chỗ suối còn nước, cá thu hấp cả sọt, vài con vẹt thui rồi vẫn treo gác bếp chưa xài đến…
Tôi đánh một bụng căng rốn. Ngồi cạnh xem anh Hồ Hành chữa đài. Bỗng một quả cực nhanh: roành, ầm…ùng. Giật bắn cả người. Anh Hồ Hành chửi thề: “Đù me nó, nghe tiếng nổ là không chết!”, tắt cả đèn ăng-côn phải dùng hộp quẹt Zíp-pô châm lại. Anh bảo: “Ngủ đây mai về sớm, giờ biết đằng nào mà lần. Bên kia trảng là B cậu, đây vào đó chỉ 25, 30 phút là cùng”. Như vậy cỡ hai cây rưỡi đến ba cây số chứ chả ít.
                                
                                                                            ( Còn nữa )

                                               Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét