20/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 6

                         CHIẾN TRƯỜNG ĐÔNG NAM BỘ

Công tác ở bộ phận A1 – Xưởng Thông tin C35

Trừ một số anh em được bổ sung nhỏ giọt đi các đơn vị tiền phương chiến đấu, còn toàn bộ Đoàn 239 vẫn ngồi chơi xơi nước. Rồi thay phiên nhau đi nằm ở K30C, là cái trạm xá dã chiến của J3 (Phòng Thông tin Miền). Đặt cách đó vài trăm mét, trạm xá này gặp bệnh nặng phải chuyển đi K71 ở Trảng Tròn, cách đó vài ki-lô-mét. K71 của Quân giải phóng miền Nam, nó tựa như Viện 108 của Quân đội nhân dân Việt Nam vậy.
Tôi vào vẫn giữ chức A trưởng. Anh Miêng đi tiền phương.
Tôi lại bị sốt rét đi nằm K30C, sau khi khỏe hay có liên hoan hoặc buổi chiều tắm, lại về Đoàn 239 chơi.
Ở K30C do y sĩ Khoái, người Thanh Hóa làm K trưởng. Vài y tá, vài hộ lý. Anh Tô Thuận làm quản lý nhà bếp. Anh là bộ đội tập kết 1954 ở Bắc chuyên ngành sửa chữa ô tô, cấp hàm trung đội bậc trưởng. Vào chiến trường già yếu, chậm chạp, trên chưa phân công việc gì. Cấp hàm ấy mà làm quản lý bếp ăn thì chưa phù hợp lắm.
Công tác quản lý của anh, hàng chiều tính toán lên thực đơn. Bữa này khô tra, bữa kia khô lóc, bữa nữa khô mối.
Đầu năm 1970, cấp trên cho ông già Tô Thuận đi học thông tin, lại là học trò của tôi. Khi thực hành sửa chữa máy thì máy nào cũng nghi chập cái tri-mơ, anh em cứ trêu là chập cái lơ tơ mơ.
Tầm giữa tháng 6 năm 1968, tôi ra Viện K30C về Đoàn 239 là xung phong vào đội “ngồi chơi xơi nước” như anh em. Khi rỗi rãi chẳng có việc gì, theo anh em ra chợ K48. Cứ gọi là chợ Cầu 48. Rồi ra bờ suối xem anh em mò nghêu, sò, ốc, hến về nấu cháo. Hôm mưa to, sáng ra xem dân Miên bắt cá ở suối, họ reo hò ầm ĩ.
Anh em vào trước, mỗi người được lĩnh 120 Rịa, gọi là tiền bồi dưỡng B. Anh nào cũng mua cái bút máy Hê-rô nắp mạ vàng, gài túi áo ngực. Đến lượt tôi vào họ cắt khoản 120 Rịa đó. Phụ cấp hàng tháng của anh em, cấp từ tiểu đội trưởng trở xuống là 30 Rịa, từ trung đội bậc phó lên đại đội bậc trưởng là 40 Rịa.
Có một cái mũ sắt, chiến lợi phẩm của trận càn Giang-sơn Xi-ti, bốn tiểu đội thay phiên nhau giã bột làm bún, làm bánh mãi rồi cũng phải thủng. Gạo trắng nuốt, ăn vô tiêu chuẩn. Tiểu đội nào hay làm bún, bánh thì lại được chỉ huy biểu dương là tích cực cải thiện, nâng cao sức khỏe bộ đội. Một số tay súng giỏi thay phiên nhau đêm đi săn như: Du “Đen”, Quảng “Thổ”, Phi “Ba toa”, Thịnh “Tư tỏi”…

                                                     * * *

Vào giữa tháng 7 năm 1968, chúng tôi được lệnh rời khu vực K48, Trảng Tròn về Xưởng thông tin Quân giải phóng C35. Xưởng bấy giờ đóng ở Bắc Trảng Chiên, khu vực Ngã ba Công sự. Từ K48 đi hai ngày mới đến nơi.
Tôi mệnh danh là “dưới tường địa lý” nên hình dung khu vực K48, Trảng Tròn nó nằm ở chỗ “ngã ba”: Bình Phước, Tây Ninh và Công-pông-chàm của Campuchia. Người ta gọi chỗ đó là mũi Ken-nơ-đi.
Từ K48 về xưởng C35, tức là đi hướng Tây, cặp theo biên giới Việt Nam - Campuchia.
Chúng tôi xuất phát vào buổi chiều. Mưa dầm mù mịt nên máy bay không hoạt động. Tầm 3, 4 giờ chiều đi qua bãi ruộng lúa nước, lội qua nước đến đầu gối. Trời bắt đầu xậm xịt. Dân Miên làm đồng lục tục kéo nhau về phum sóc. Cảnh đó gợi cho tôi nỗi nhớ nhà.
Tối đến triển khai ngủ ở khu rừng cây thấp lè tè như cây sim, cây mua ở đồi trung du vậy. Hôm sau đi tiếp, chừng 10 giờ trưa qua chỗ có lính ta gác, chúng tôi phải đi vòng. Nghe nói khu vực đó Bộ chỉ huy Miền đóng, tức là chỗ ông Trần Độ, bà Nguyễn Thị Định.
Tầm ba giờ chiều đi qua bãi trống, hai bên ruộng lúa. Anh em bảo đây là khu vực “Cây đa quỳ”, biệt kích hay đóng giả Quân giải phóng, trà trộn thám thính rồi gọi trực thăng đánh phá. Lúc này chỉ có một chiếc trực thăng loại nhỏ, nó vẫn quần xa xa ở hướng Đông. Anh em bảo “Cá rô”, “Cán gáo” nó quần ở Bù Đăng, Bù Đốp. Tôi bảo: “Các cậu nói “Cá rô”, “Cán gáo” thì được còn nó quần ở Bù Đăng, Bù Đốp thì đếch phải. Tớ chỉ cho, nó quần ở Lộ 13, khu Lộc Ninh. Còn Bù Đăng, Bù Đốp xa lắm làm sao nhìn thấy được”.
Máy bay đó là Ga-rô, anh em cứ gọi là “Cá rô” cho dễ. Khi dặn nhau: đi cẩn khéo không có “Cá rô” nó rỉa cho mới có lý, chứ nói Ga-rô nó rỉa cho chẳng có lý gì cả.
Khoảng bốn, năm giờ chiều, chúng tôi đến sóc Thiếc. Vài chục cái nhà, làm đẹp, tuy lớn bé khác nhau nhưng cùng một kiểu. Lợp tôn sáng quắc, nhà nào cũng in lá cờ “năm tháp” của Campuchia ở nóc nhà. Đến nơi không có người ở chỉ thấy có vài con trâu gõ mõ lốc cốc. Anh em bảo: Trước là sóc Miên, càn Giang-sơn Xi-ti địch đốt, rồi nó làm lại đền cho dân. Ở đó sát biên giới, không yên ổn, dân bỏ đi nơi khác, thà chịu nhà ở “năm tranh ba cọc”. Từ sóc Thiếc (do Quân giải phóng đặt tên cho) đi độ mười phút là đến một hồ sen, gọi là “Bầu Sen” ngay sát ria “Lộ Ủi”. Lộ Ủi là lộ chiến lược to chạy dọc theo biên giới, song song với Lộ 7 ở bên đất Miên. Còn gọi là Lộ Trần Lệ Xuân. Tại sao lại có những tên gọi này? Đấy là bởi vì “Lộ Ủi” là địch làm bằng cơ giới xe ủi. Gọi là Lộ “Trần Lệ Xuân” là vì Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu làm để khai thác gỗ rừng.
Khi tới lộ, chúng tôi rẽ phải. Đi dọc theo lộ thấy thỉnh thoảng lại có những khối đá xếp vuông vắn dài cả chục mét cao đến hơn mét. Biết ngay là lộ này mới bắt đầu làm và bỏ đã lâu, phải đến sáu bảy năm. Vì cây mọc trong lòng đường đã to như cái đùi rồi. Từ Bầu Sen chỉ đi 5, 7 phút là tới cái trảng, nhỏ thôi nhưng hố pháo dày đặc. Quân giải phóng đặt cho là “Trảng Pháo”. Từ “Trảng Pháo” đi đến bốn năm mươi phút, rẽ trái, đi sâu vào đất Tây Ninh. Đi tiếp một giờ nữa là đến căn cứ. Nhà cửa đầy đủ. Nghe đâu trước là cứ của Tiểu đoàn 42, Phòng Thông tin Miền, do anh Mười Long, tức “Trà Thanh Long” làm tiểu đoàn trưởng. Để một tổ ba người ở lại, họ ở một nhà. Tổ “tam tam” này có một là lính, hai là cháu. Tôi tức cười cái tổ tam tam của họ ở đấy. Hai tổ viên cãi nhau luôn, tổ trưởng lại đứng ra hòa giải…Chỉ thiếu tranh nhau quà mẹ đi chợ về là trăm phần trăm là trẻ con…
Hôm buổi tối, tôi thấy cãi nhau gay gắt mới đến xem. Một cậu khóc, tổ trưởng mời tôi vào nhà uống nước và bảo: Giờ vậy thế thôi, càn Giang-sơn Xi-ti và Hòn Đá Vàng vừa rồi, tụi nó đánh nhau hung phết. Thằng nào cũng huân chương chiến công đó.
Tôi nghĩ bụng: Chẳng biết công với trạng ở đâu, nhưng các cháu có mặt trên mảnh đất này cũng anh dũng lắm rồi!
Mỗi tiểu đội ở hai, ba nhà, hầm chữ A họ làm sẵn ở. Nhà ăn rộng, nhà bếp đầy đủ, bấy giờ nhập hai A sơ cấp nữa là sáu A cả thẩy.
Anh Tám Hòa vẫn phụ trách chúng tôi, còn anh Trần Bành đã chuyển về xưởng C35.
Sáng hôm sau, giám đốc Xưởng C35 đã cử hai chị nuôi quân xuống chỗ chúng tôi phục vụ nấu bếp và cho phiên hiệu bộ phận chúng tôi với khoảng 60 người là A1. Từ chỗ chúng tôi về xưởng khoảng hai, ba mươi phút.
Một chị tên là Chấn, một chị tên là Thu Hương, vì tên Thu, chồng tên Hương nên gọi là Thu Hương cho phân biệt với Thu khác, như Thu Bảo…
Cô Chấn người to béo, có nước da sáng, to béo nhưng tầm thước. Phải tội bị lang ben, người ta gọi là hắc lào. Chẳng biết ở những đâu nhưng những chỗ ở cổ và mu bàn tay là chúng tôi thấy rõ. Chúng tôi đặt tên cô là “Chín Lác”. Lác hay “lang ben” đều vậy, còn gọi Chín vì cô Chấn là thứ chín trong gia đình. Thời gian không lâu, tình yêu giữa anh Tám Hòa và cô Chín “lác” nảy nở. Anh bộ đội chống Pháp tập kết cấp hàm đại đội bậc phó, tương đương thiếu úy. Chiến đấu gan lì, quê Lộc Ninh. Nay chúng tôi đóng ở chiến khu Dương Minh Châu, Lộc Ninh đúng quê anh. Cô quê Mỹ Tho.

                                                        * * *

Ở A1 thuộc C35 chẳng hơn gì ở K48. Vẫn ngồi chơi xơi nước, vẫn thay nhau đi săn cải thiện, thay phiên nhau đi chợ “Mười Tích” tải rau về ăn.
Hôm đến lượt tôi đi tải rau. Chợ cách hai, ba giờ cả đi lẫn về hết bốn, năm giờ. Tức là đi đứt buổi sáng. Ai đi chợ, ăn cơm phụ sáng sớm. 11 giờ trưa về là sớm, la cà xem chợ phải 12 giờ hoặc hơn nữa mới về đến nhà.
Tối hôm trước, anh Tám Hòa đến hỏi tôi:
- Mai cậu tiếp phẩm à?
- Vâng ạ.
- Cho tớ gửi Chấn, cô ấy cứ thích đi một buổi mua sắm.
Thế là có hai người đi, đỡ sợ gặp biệt kích. Tôi khoác bồng và AK, ra bìa rừng cô khoác hộ. Tôi chần chừ, hiểu ý, cô giải thích luôn: “Anh hổng lo, gặp biệt kích em đánh trả được mà. Em đã đánh càn Giang-sơn Xi-ti và Hòn Đá Vàng quen rồi!”.
Qua trảng trống, thỉnh thoảng mới có vài lùm cây khá to, cứ thế kéo dài cho đến Lộ Ủi.
Cắt ngang lộ, chúng tôi đi qua rừng le, xen lẫn cây to lưa thưa. Khoảng tám giờ đến chợ. Chợ biên giới họp ở cụm rừng thưa thớt, lèo tèo ít người nhưng hàng hóa nhiều: nào rau muống, bí xanh, bí đỏ, tương thùng, mỡ thùng, sọt cá thu hấp, hàng khô, hàng xén, có cả kem, bánh mì, quà bánh đủ loại…
Tôi lạ lùng ở hàng cá thu hấp. Đựng trong cái hộp đan bằng nứa vuông vắn. Chừng to bằng sáu hòm đạn 7 ly 62 xếp lại hai lượt. Cá xếp có lần có lượt tráo đầu đuôi. Dân Miên cứ kẹp cá vào ổ bánh mì mà ăn, trông ngon nghẻ. Có người kẹp cả cà-rem vào bánh mì ăn.
Tôi lấy bồng rau muống của ông già Miên. Ông cân xong, tôi bê riêng ra chỗ khác. Không phải trả tiền, chỉ ký nhận số lượng, tiền đơn vị thanh toán cả cục với ông. Thực phẩm khác như thịt, cá, tương, hành, tỏi, mắm, mỡ…do hậu cần của xưởng cung cấp tận nơi.
Cô mua hàng hơi lâu. Tôi đặt bồng dưới gốc cây xa xa chợ ngồi chờ. Nhất là cô ngồi chỗ hàng xén, hàng đồ may sẵn, hàng vải. Lúc lâu, cô mang hai ổ bánh mì kẹp thịt pa-tê , bọc giấy báo đưa tôi ăn. Tôi đưa lại cô một cái. Không ăn bảo: “Tí nữa em ăn bún, bánh nếp”. Cô lại đi mua tiếp. Hai ổ bánh mì này, đối với tôi khác nào như “heo vào miệng cọp” mà thôi.
Tầm mười giờ, chợ đã vãn, chỉ còn mấy quầy hàng xén, hàng vải, hàng đồ may sẵn và thực phẩm khô.
Tôi đeo bồng rau muống nặng, cô đeo bồng hàng mua sắm lép kẹp và khoác AK. Đi công tác không mang bao-xe, chỉ hai băng buộc tráo đầu đuôi bằng dây thung là được. Gặp địch, chiến đấu, bắn hết một băng, tháo ra lắp ngược lại bắn tiếp. Đánh nhau chớp nhoáng, chỉ dùng hai băng bằng sáu mươi mốt viên thoải mái (một viên lên nòng). Cho nên không mang bao-xe làm gì cho nó cồng kềnh và nóng.
Cách chợ vài trăm mét đã giải lao. Ở đó có lùm cây, và vũng nước trong xanh, nhìn thấy cả cỏ dưới đáy.
Tôi và cô đặt súng, bồng hàng dưới lùm cây, xuống rửa chân tay mặt mũi. Ớ, nước chỉ trên đầu gối, chúng tôi vục nước rửa mặt. Cô gỡ cái khăn rằn đội đầu đưa tôi lau mặt, cô lau sau, xong giặt, vắt kiệt nước lại vấn lên đầu.
Tôi cuốn thuốc rê hút, cô lấy kem bọc giấy mang ra ăn. Mỗi phong kem như phong bánh khảo. Cảnh đó gợi cho tôi nỗi nhớ nhà. Cùng vợ đi làm ruộng đất phần trăm, lúc giải lao đến ria Vàn cây của các cụ, có ngòi nước chảy qua. Tôi hút thuốc cuốn, vợ ăn cà chua sống. Trong khoảnh khắc quên khuấy nữ chiến sĩ Giải phóng quân đi cùng mình ở biên giới Việt - Miên.
Đi tiếp đến lùm cây giữa trảng, bấy giờ tầm đứng bóng. Nghỉ giải lao, ở vị trí này tiện quan sát biệt kích. Bất lợi là trực thăng nó chụp thì chỉ ba mươi phút sau chúng tôi đã ăn cơm ở Sài Gòn rồi.
Tôi lại hút thuốc rê, cô ăn bánh quy. Cô biểu: “Ảnh có tắm lấy khăn rằn của em mà tắm!”. Từ khi sốt rét lười tắm, tôi từ chối: “Không”. Cô lại biểu: “Con gái miền Nam nói thiệt, không nói quẹo”.
Trời nắng, hắc lào hành hạ. Tôi biết cô rất muốn xuống những vũng nước ở trảng rộng, cứ cho là bạt ngàn đi, chỗ sâu phải đến cổ, mà đằm mình, mà gãi thỏa thuê, sứt da, sứt thịt mới hả. Nhưng ngại người đồng hành khác giới nên gắng chịu.
Đi tiếp, vừa kể chuyện như cái đoạn trước, về đến A1 là một giờ chiều. Rửa qua chân tay mặt mũi, bê cơm ở bếp ra bàn ăn. Bàn ghế làm bằng những cây như cổ tay ken lại. Cơm mỗi người chỉ lưng bát, chủ yếu là thức ăn. Giá trị là mỗi người con cá rán ngót bàn tay và miếng thịt ba chỉ bằng cái chén tổng, nấu với nước cốt dừa như kiểu kho Tàu. Ăn ngon như thịt đông ngày tết ở nhà hoặc như thịt hộp không ngấy.
Xong về nhà, tót lên võng làm một giấc đến lúc anh em gọi dậy cơm chiều.
Ở đó anh em cũng đông, những sáu A, toàn nghỉ ngơi chờ công tác. Đôi khi được bộ 102 E, tranh nhau chữa, xúm lại như ruồi. Trung tu chứ đại tu cũng xong tuốt. Như tôi này, Bủ mắt mờ chân chậm, tính khiêm nhường, may ra tranh được cái chân nướng mỏ hàn.
Ngay như đang nằm võng đọc quyển truyện, có cậu giằng lấy, “Bủ đưa xem nào!”, thế là đọc cả ngày có khi một hai ngày xong mới trả lại. Mấy cái thằng lau nhau, chẳng có ý tứ gì cả!
Những xạ thủ như: Du, Phi, Thịnh, Quảng… thỉnh thoảng lại chỉnh đèn soi “đội đầu”, chỉnh CKC. Nhất là ông Du “đen”, cẩn thận lấy tăm, chấm vào kem đánh răng, vẽ vào đầu ruồi CKC, cứ như là họa sĩ chỉnh lại bức tranh ấy! Còn “đại quân” thì gù đầu vào bàn cờ tướng, lơ khơ, mọi thứ… “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”.

                                                    * * *

Anh Tám Hòa được lệnh bổ sung cho đơn vị chiến đấu. Cuối năm 1968, chủ trương của Phòng 3, rút quân của các đơn vị ra, lập một đại đội chuyên nghiệp chiến đấu gọi là C19. Còn lực lượng chiến đấu nghiệp dư ở cấp phòng gọi là huyện đội. Ví dụ như Phòng 3 gọi là Huyện đội Tà Đạt. Xưởng C35, H19, D40, D42… gọi là Ấp đội. Lực lượng này chỉ dùng khi chống càn, truy lùng biệt kích mà thôi. Còn C19 thì tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt. Nay đột kích Kà Tum, mai đột kích Thiện Ngôn, mốt đột kích Suối Đá, Bàu Cỏ, Đồng Pan…
Anh Tám Hòa đi, anh Trần Thanh Ngọ, anh Nguyễn Trọng Liễu đến thay. Quê anh Ngọ ở phố Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Lính Giơ-ne-vơ, giờ cấp đại đội bậc phó làm trưởng bộ phận A1. Anh Nguyễn Trọng Liễu quê ở Thanh Trường, Thanh Chương, Nghệ An, cũng lính Giơ-ne-vơ, làm chính trị viên A1, cấp hàm đại đội bậc phó. Cả hai anh vào chiến trường đã lâu. Anh Liễu ở xưởng từ khi vào Nam đến nay. Còn anh Ngọ là thợ của hải quân, đi Nam là thợ của Công trường 9. Vì sốt rét nhiều, bụng to tướng nên mới dạt về xưởng.
Anh Ngọ kể chuyện: “Thời ở hải quân, sửa chữa cùng với thợ của Liên Xô, hộp nào hỏng thay thế xong, quẳng hộp hỏng xuống biển”. Đúng là hành vi con nhà giàu! Anh lại kể: “Chống càn Giang-sơn Xi-ti, mình phụ trách cái 15W, phục vụ cho Sư trưởng Hoàng Cầm. Ngồi dưới hầm chữa máy. Còn sư trưởng treo bản đồ dưới cốc cây cầy chỉ huy trận đánh. Đôi khi quả pháo nổ, lá cành cây, đất sỏi rơi lả tả xuống đầu thủ trưởng. “Người” lắc lắc cái đầu rồi lại nhìn vào bản đồ, cầm que chỉ, ra lệnh cho các trung đoàn. Mình thấy ngượng quá, liền đem máy lên gốc cây chữa, không dám ngồi dưới hầm nữa”. Tôi thốt lên bất ngờ: “Chà, đẹp như Mô-da chỉ huy dàn nhạc vậy!”
Chả cứ gì anh em Đoàn 239, cả anh em Đoàn Sơ cấp nữa, thích tôi ngồi chơi. Vì là “Bủ” có động tác chầu rìa, nói leo, hút thuốc vặt, uống chè kiểu “na-phan” đã đưa lên môi là cạn.
Anh Liễu, mang cả huân chương chiến công cho chúng tôi xem: “Mình được tặng đợt chống càn Giang-sơn Xi-ti”. Rồi anh kể đi “cầu” bắt được hoẵng:
- Tớ thấy nó lù lù tiến thẳng về phía mình liền nhảy bổ vào đè, rút dây lưng dù ra trói. Để chắc ăn, dứt ít dây rừng trói thêm. Về lán bảo khiêng cho bếp thịt, anh em tưởng đùa lúc đầu chưa tin, thế là “sốt rét đi cầu ban đêm tay không bắt hoẵng 25 kí”.
Từ giữa 1968 đến hết mùa mưa ở A1, vấn đề đi bổ sung hầu như ngừng. Có anh phàn nàn: May cho mấy thằng đi trước! Anh Ngọ và anh Liễu phải làm công tác tư tưởng cho anh em.
Tôi, các anh khỏi lo rồi, vì hay ngồi nói chuyện nắm được tư tưởng của Bủ rồi. Chặc lưỡi, đắt lo, ế mừng và đến trước cũng “phẩm oản quả chuối”, đến sau cũng “phẩm oản quả chuối” mà.
Anh Liễu làm công tác chính trị tư tưởng cho A1, anh Ngọ làm quân sự. Một hôm sinh hoạt, anh Ngọ nói một câu như thế này: “Ta ở đây là lực lượng dự trữ của Bộ như bao nhiêu lực lượng dự trữ khác. Cũng như người ta bao giờ cũng có tiền dự trữ ở túi. Khi có món hời, mới có tung ra mà mua, chứ vét túi không còn một xu thì lỡ mất”. Riêng tôi thấy anh nói cụ thể quá, dễ hiểu quá, hay quá, văn vẻ hình tượng quá. Chính trị của chính trị. Chứ anh Liễu giải thích khó hiểu.
Ăn tết 2 - 9 - 1968 ở A1, chúng tôi được phiên cấp từ trung sĩ, thượng sĩ ra tiểu đội bậc trưởng. Các anh chỉ huy đoàn trên đường dây như anh Đàn, anh Tấn, anh Tràng, trên chưa phiên. Có lẽ chờ cấp hàm “trung đội bậc phó”.
Năm 1969, tôi được thăng cấp từ “tiểu đội bậc trưởng” lên cấp trung đội bậc phó, hưởng trợ cấp 40 Rịa một tháng. Cứ đinh ninh là “chuẩn úy”. Đến năm 1972 lên cấp “trung đội bậc trưởng”. Đinh ninh là thiếu úy. Năm 1975 sau khi giải phóng miền Nam, để thống nhất chế độ quân hàm, chúng tôi được phiên ngay từ “trung đội bậc trưởng” ngang cấp “chuẩn úy”, số hiệu 1421351. Qua tám năm ở chiến trường B2, được hai lần phong cấp của Quân giải phóng miền Nam, mới được một cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

                                                   * * * 

Tự nhiên, tầm bốn giờ chiều, ba bốn HU1A lên quần, bắn ghê quá. Xong gọi F lên đánh bom. Khu vực A1 mất liên lạc hữu tuyến máy 0743 với Xưởng C35. Lúc im, anh Ngọ cử tôi đến xưởng nắm tình hình, vì hôm đó tôi trực ban. Dọc đường đi cũng run. Gần đến xưởng thấy mảnh bom phang, cây đổ ngổn ngang. Cắt rừng định hướng đi vào. Nghĩ bụng chỉ còn giun dế kêu. Ngừng một tý cho đỡ ù tai, thấy đài mở nhạc Tây. Định hướng đến, thì ra gặp anh kỹ sư Hoàng Trung, đang toòng teng trên võng, đặt cái So-ny 4 băng trên bụng nghe nhạc Tây. Tôi hỏi tình hình anh bảo: “Không sao. Chỉ vỡ mất hai cái T108, làm xong các cậu bỏ trên gác ba lô, bom nổ, rơi xuống vỡ mà thôi”. Còn an toàn cả. Thấy chúng tôi nói chuyện, bác Hai Nam - Giám đốc Xưởng C35 hỏi với sang: 
- Đứa nào đấy? 
Kỹ sư Trung đáp: 
- Cậu Hay ở A1 sang nắm tình hình, điện thoại đứt không liên lạc được 
- Tôi cho đi chữa rồi mà, bảo nó lên đây! 
Tôi đến nhà giám đốc. Bác Hai Nam năm ấy 57 tuổi, người gầy, cao, mắt hõm đúng như bộ xương cách-trí. Bác quê Nam Định, học trường kỹ nghệ từ thời Tây. 
- Xuống nhà bếp bảo nó xẻ cho nửa hoẵng xách về cải thiện! – Bác Hai Nam lệnh cho tôi. 
- Vâng ạ. 
Hôm ấy địch đánh bom, vệ binh bắt được hai con hoẵng chết đem về thịt. Tôi khoác AK, vác ba phần tư con hoẵng, cỡ vào 25 kí. Dặn với bác Hai: “Thỉnh thoảng bác quay máy về A1 bảo hộ cháu: Chờ thịt hoẵng về ăn cơm”. 
Máy bay đánh, ăn cơm hơi muộn. Hôm sau được thông báo là: Anh Trưng chính trị viên C2, H19 và cô Sáu y tá đi kiểm tra một trung đội. Ngang đường gặp bốn năm người mặc ka-ki Tô Châu, mũ tai bèo, khoác AK đứng ở ria đường gần trảng trống. Hỏi chuyện, nhận nhau đồng hương Hà Nội. Anh nhìn thấy ai cũng đi giày vải cao cổ, nghi ngờ cáo từ ra đi. Độ 15, 20 mét, chúng biết lộ, gọi anh quay lại. Thế là hai người phá ra chạy thục mạng. Chúng bắn chết anh Trưng, còn cô Sáu chạy thoát về căn cứ ngất xỉu. Từ ấy gọi cô là Sáu “giò”, vì giò cô dài chạy nhanh nên thoát chết. 
Cô lấy anh Chính, gọi là Chính “nâu”, anh tập kết ra Bắc làm nuôi quân. Bộ đội hành quân qua Cổ Loa để lên Thậm Thình, Phú Thọ. Trú quân tại Loa Thành nghỉ một ngày, đi chợ Sa mua thực phẩm. Thấy dân gọi “củ nâu”, nghe “củ” anh tưởng là ăn được, mua về hầm xương cho đơn vị. Dân nói cho biết, củ nâu để nhuộm vải may quần áo, thế là bỏ hết đi. Anh có tên Chính “nâu” là vậy. Năm 1969, anh Chính làm chính trị viên đại đội tôi, chị Sáu làm y tá cũng ở đấy. 
Chúng gọi HU1A lên đánh rồi câu tốp biệt kích lên, sau đó, gọi F đến đánh cả giờ đồng hồ. 
Mãi đến năm 2000, có dịp vào thăm anh em B2, được tin anh Trưng vẫn còn, địch trao trả. Thật là điều kỳ diệu! 

                                                  * * * 

Mùa khô đến hẳn, tiểu đoàn biệt kích do Mai Phoọc chỉ huy, luồn sâu vào căn cứ của ta. Chúng chốt cụm ở phía Đông Nam Trảng Chiên. Bộ phận A1 của tôi ở Tây Bắc trảng, Xưởng C35 ở phía Tây Tây Nam trảng. 
Bác Hai Nam chỉ thị cho các bộ phận của xưởng chọn một số đồng chí lập một trung đội du kích chuyên nghiệp chống càn. Phiên hiệu là Ấp đội 35. Bộ phận A1 chọn được mỗi anh Hoàng Đạo Nhân, ưu tiên anh, đang giai đoạn thử thách cảm tình kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Trung đội du kích này làm nhiệm vụ quấy rối, tập kích, đột kích, phục kích tiểu đoàn Mai Phoọc. 
Còn bộ phận A1, thay phiên nhau mỗi ngày ba đồng chí đi trực chiến, từ khi địch chốt ở đây. 
Trận địa trực chiến cách A1 vào 30 phút đi bộ. Tức là địch chốt ở đầu kia, thì trận địa trực chiến ở đầu này trảng. Nếu địch nống ra lùng sục thì bộ phận trực chiến nổ súng. Bộ phận ở nhà chuẩn bị tác chiến. 
Hôm Vũ Quý, quê đất Trạng Trình, ở cùng nhà với tôi, đi trực chiến về kể: “Mỗi thằng ngồi một chỗ dọc theo rìa trảng, quan sát địch. Kẻo nó túm gáy mới biết thì bỏ xừ. Bọn Mai Phoọc nó cụm ở chỗ trống, hàng chiều trực thăng tới tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm…trông rõ mồn một. Nghe đâu chiều thứ bảy nó còn tiếp tế “đĩ”. Mai Phoọc trước đây nó là tiểu đoàn trưởng của mình, ra chiêu hồi, cầm đầu một tiểu đoàn biệt kích chuyên luồn sâu vào căn cứ mình đánh”. 
Không biết cái ông Vũ Quý này, nghỉ có mười lăm ngày phép đi B, mà cưa được cô y sĩ, không cả biết đi xe đạp. Hôm trả phép, vợ phải lai lên tận ga Hàng Cỏ. Rồi nhảy tàu hỏa về Thường Tín. Đi trên Đường 5, lúc mệt vợ bảo lai, lại nói là thôi đi bộ cho khỏe. Thì cứ nói quách là anh không biết đi xe đạp cho rồi, ngố hết chỗ nói. Thế mà hôm nay sưu tầm được lắm chuyện giật gân đáo để. 
Bủ Hay, thuộc loại mắt mờ chân chậm, đi thì xoay xoay, lạch bà lạch bạch như ngan đực ấy. Nên anh Liễu và anh Ngọ chẳng phân công đi trực lần nào. Có anh đi ba bốn lượt. Thấy bất tiện quá, tôi bảo hai anh xếp cho tôi đi trực chiến, có anh mấy lần rồi mà chưa đến lượt tôi. 
Thế là một hôm: Tôi, Thịnh, Quý được cử đi. Có nhã ý, để hai anh đã trực chiến nhiều lần kèm tôi. Quý PBD, tôi và Thịnh AK. Quý ba băng tròn: một lắp vào súng, hai bỏ vào bao-xe đeo chéo người. Tôi và Thịnh: hai băng lắp vào súng (tráo đầu đuôi) bốn băng cho vào bao-xe đeo ngực. Cơ số đạn của Vũ Quý là ba trăm viên. Của Thịnh là 181 viên, của tôi là 181 viên. Trong trận đánh chớp nhoáng mà già nửa nghìn viên đạn là mạnh lắm rồi! 
Ăn bữa trưa mỗi người một nắm chính to đại tướng. Thịnh mang một ống ruốc lạc “bom bi” nhạt, một cặp lồng Liên Xô thịt kho. Mỗi thằng một toong nước. 
Hôm ấy trực chiến im ắng lắm, như là “trận địa chết”. Vì cậu Vũ Quý có cái Pôn-giốt quai đen mà mua được trong dịp nghỉ mười lăm ngày phép đi B cưới vợ, gọi nhỏ, ra hiệu ăn cơm. Tốp này có tôi một vợ hai con, Quý và Thịnh tranh thủ cưới vợ mười lăm ngày phép. 
Phá quy định, ba thằng cụm lại ăn cơm. Quý và Thịnh xúc thịt ăn, tôi chỉ ăn lạc “bom bi”. Hai cậu thắc mắc hỏi: 
- “Xẩm” không ăn thịt à? 
- Mình không ăn được mỡ. 
Thế là hai cậu dành nạc cho tôi ăn. Ăn hết nạc tôi xúc miếng thịt ba chỉ. Thịnh trố mắt hỏi: 
- Mắt kém thế cơ à? Mỡ đấy! 
- Không, mắt không kém, vì hết nạc rồi! Như vậy tớ dùng chiến thuật là chậm một miếng để nhanh mấy miếng. 
Ăn xong, vẫn phạm quy định ngồi cụm lại nói chuyện. Tôi vấn thuốc hút, rồi nói: “Hôm nay kể chuyên đề về yêu. Bước đầu yêu đương của mình. Mỗi thuyết trình viên kể chi tiết, chỗ nào thính giả nghe không rõ hay vô lý phỏng vấn ngay tức khắc. Cho nên đến lượt ai thuyết trình, phải sắp xếp dàn ý, diễn giải cho mạch lạc, rõ ràng, lưu loát, lôgic. Chớ có ấp a ấp úng như ngậm hạt thị ấy”. 
Năm giờ chiều tốp trực chiến mới được rút quân. Thì tầm bốn giờ chiều, ba chiếc trực thăng vũ trang ập đến. Chúng quần trên đầu lúc xa, lúc gần, động cơ kêu phành phạch. Vũ Quý loay hoay tìm chỗ gác trung liên. Tôi hiểu ý, túm hai càng, gù xuống, đặt lên vai làm giá súng. Mồm còn lẩm bẩm: “Trương Văn Quý bỏ súng xuống là có tội với đơn vị, có lỗi với tôi!”. 
Quý nhả hết băng trăm viên. Thịnh làm hai băng AK. Tốp trực thăng vũ trang lảng xa. Quý vác trung liên chạy hướng Đông Nam Trảng Chiên. Tức là về hướng địch. Tôi và Thịnh chạy theo. Chừng 100 mét trú ẩn vào gốc cây. Trực thăng vũ trang sà xuống thấp, chao đi, chao lại, chòng chành. Nối đuôi nhau chúc xuống hướng Tây Bắc nhả hỏa tiễn “xè đùng” từng loạt một. Chúng tưởng Việt Cộng chạy theo hướng Tây Bắc nên bắn đuổi theo vu vơ. Coi bộ đúng ý đồ của chỉ huy Vũ Quý, anh em thở phào nhẹ nhõm. Quý bảo: 
- Lúc nào Bủ cũng đùa được, bấy giờ còn lấy “Thượng Cam Lĩnh” của Lục Trụ Quốc ra để đùa. 
Thịnh bảo: 
- Biết đâu ông “Xẩm” đùa cậu.
Tốp trực thăng bắn chán bỏ đi. Chúng tôi đủng đỉnh đi về căn cứ, thỉnh thoảng vẫn phải cảnh giới sau lưng. 
Dọc đường về, cành cây đổ ngổn ngang, mùi thuốc súng khét lẹt. Vừa đi vừa chuyện về văn học. Khoản này tôi làm chủ tọa: “Các cậu có thấy không? Có hai bài “Lấy thân làm giá súng”. Trận Mường Pồn, anh Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng cho xạ thủ Pù. Một bài viết nữa tả mặt trận “Thượng Cam Lĩnh” ở bên Cao Ly về đại đội Trương Văn Quý có Từ Thành Lâm làm giá súng cho Lâm Mậu Điền, hay là Lâm Mậu Điền làm giá súng cho Từ Thành Lâm lâu ngày quên khuấy. Mở đầu nhà văn Lục Trụ Quốc đã nêu bật cái ác liệt của trận đánh “trận địa rừng rực lửa và khói, cả thế giới khói và lửa … Tư tưởng của người nông dân, mơ ước của người nông dân là hai mẫu ruộng, là con trâu cày. Nên họ xả thân chiến đấu…” 
Mới nói đến đấy, Vũ Quý vặn lại: 
- Hồ đồ, nhỡ họ là công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên thì sao? 
Tôi đáp trả: 
- Kém, kém. Không điểm. Im đi. Không nhớ chi tiết “đến máy cày cũng không xới được như thế này” à? 
Thịnh nói: 
- Coi như Vũ Quý chịu Bủ rồi. Trong “Thượng Cam Lĩnh”, đạn xới thành bùn, không còn chỗ nào sót lấy một mét, mới lấy thân làm giá súng, chứ Trảng Chiên thiếu gì chỗ mà Bủ làm giá súng, có phải là trò trẻ con bắt chước không? 
- Nhưng mình thấy Trương, Trương… 
- Vũ, Vũ chứ! 
- Ừ thì Võ Quý. 
- Vũ Quý chứ! 
- Võ với Vũ là một, các cậu cứ vặn tớ. Ta gọi vũ trang, võ trang đều vậy. Ngoài Bắc gọi “vũ”, trong Nam gọi “võ”, Bắc gọi “hoàng”, Nam gọi “huỳnh”, Bắc gọi “đỗ”, Nam gọi “đậu”… Mình thấy Vũ Quý loay hoay tìm chỗ gác súng nên mới cúi xuống làm giá như vậy. 
Lúc này, Vũ Quý mới nhớ ra động tác dân quân huấn luyện ở nhà là “Bắn máy bay bằng súng bộ binh” nên nói chen vào: 
- Thế sao Bủ không bảo tôi nằm ngửa. 
Tôi tiếp: 
- Giờ cậu mới vặn tớ, bắt bẻ tớ thế chứ. Bấy giờ có khi đều quên tuốt. 
Cả Thịnh và Quý xúm vào “xoáy tôi”: 
- Bủ cứ thích tạo ra những tình huống ly kỳ. Để sau này thống nhất ra Bắc kể cho nó oai. Đi làm hợp tác xã mà kể cho thanh niên thì nó cứ há hốc mồm ra mà nghe. Nếu đi đắp bờ ruộng, chúng nó cứ chống cuốc mà nghe, cả ngày cũng không làm xong. 
Tôi bí quá, cười xòa, định lảng sang chuyện khác, bỗng lóe lên phản kích lại: 
- Các cậu đi lạc đề, lúc nãy ta nói là “phân tích văn học”, giờ các cậu “phân tích nhân sự”, mà lại lồng cá nhân để kích. Hai cậu tức tớ lúc trưa, lừa ăn hết thịt nạc chứ gì? Nhất là cha Thịnh. 
Về đến A1 anh em mừng. Anh Ngọ nói với chúng tôi là: “Các cậu vừa đi một lát, điện thoại ở xưởng gọi sang báo cho biết là địch rút từ tối hôm qua. Các cậu đi rồi không gọi về nữa. Vừa rồi trực thăng quần ở đây, ghê quá, chỉ sợ nó quạt hở mái nhà ra, bị lộ, chúng hủy diệt. Đang lo, cánh nào nổ súng thu hút chúng về hướng đó”. 
- Chúng em đấy! Một băng trung liên thanh của Vũ Quý. Hai băng tiểu liên thanh của Đinh Văn Thịnh. Anh Ngọ biểu dương chúng tôi. Không biết cậu nào chêm vào: 
- Gọi “trung liên”, “tiểu liên” đã rườm rà rồi lại còn thêm “thanh” nữa. 
- Lúc tác chiến ta nói vắn tắt, giờ thanh bình ta nói đàng hoàng. Gọi “trung liên thanh”, “tiểu liên thanh” cho nó đúng nghĩa , làm trong sáng tiếng Việt chứ lị. Lúc thường ta gọi: “Ba-dô-ca cỡ 40 ly”, lúc tác chiến như hôm tôi diễn tập đánh đồn Đạo Tú ở ngoài Bắc, đồng chí chỉ huy ra lệnh “Đồng chí Tiến B 40…” 
Trong bữa cơm tối đó ở nhà ăn, lại được bổ sung câu chuyện “tiếu lâm hiện đại” nữa của Đoàn 239 này. 

                                                   * * * 

Một hôm, sau cơm phụ sáng, anh Ngọ cử Quảng và Lương đi tuần tra, xem xét tình hình địch. Nông Ngọc Quảng người Tày, quê ở nơi có hang Pác Pó. Còn Lâm Hoàng Lương cũng Tày, quê ở thị xã Yên Bái. 
Hai anh đi tuần tra ở Trảng Chiên, lớ quớ thế nào bắt được cái xe Pô-giô khóa cổ. Hai anh nào có nhỏ nhắn gì, mỗi anh sáu nhăm kí có dư. Hai khẩu AK, bốn băng đạn… Cứ gọi tạ tư là khiêm tốn. Thế mà chiếc Pô-giô bỏ ở rừng từ bao giờ mà ruột, vỏ không còn, các bộ phận khác vẫn nguyên. Hai anh đèo nhau đi trên Lộ Ủi về nhà. 
Mang về A1, báo cáo lên giám đốc, bác Hai ra lệnh thu hồi, cấp cho tiếp phẩm sửa sang để đi chở hàng. Bác Hai lệnh cho hậu cần, thù lao cho A1 ba con chó. Chọn hôm đẹp trời, anh Ngọ cho người đi chợ cửa khẩu Mười Tích mua gia vị và sang bên xưởng mang chó về. 
Nói thêm về cái chợ Mười Tích. Dọc theo biên giới, nhiều chợ gọi là “Mười Tích”, nhưng chợ ở chỗ Cầu Gỗ, cạnh suối đá bằng, đường đi Chằm Diệp, mới là chợ chính. Nơi đó còn gọi là cửa khẩu. Đủ các loại hàng. Khu vực đó, tôi không dám nói là “thủ đô” của Quân giải phóng, khiêm tốn cũng phải liệt vào loại “trung đô”. Vì có chợ “Mười Tích” lớn nhất, có cửa khẩu, có kho gạo gọi là kho A1 rất to và rất rộng. Có khu an dưỡng cho thương binh nặng như hỏng mắt, cụt chân, cụt tay…ở Chằm Diệp. Có bệnh viện lớn K23. Phòng 3 Thông tin Quân giải phóng đóng ở đó. Có Phòng Địch vận, tức là chỗ ông Bảy Dự, gọi là khu rừng Bảy Dự. Nghe đâu Bộ chỉ huy Miền đóng gần đó. Nghe đâu Đài phát thanh Giải phóng cũng gần đó… còn khu Văn công Quân giải phóng ở đó là chắc chắn. 
Còn tôi và Thược được phân công đi lấy măng tươi. Cậu trẻ nhất Đoàn 239, người Trung Hà, cùng làng với anh Tấn. Tôi và Thược đến Bầu Sen, lấy được một bồng thì tôi ngây ngất sốt, rồi sốt “đùng đùng” một cách nhanh chóng. Thôi về. Đến cửa rừng để về đơn vị, thấy con rắn to như con trăn nhỏ. Nó bơi ở chỗ nước, trườn từ trảng vào rừng. Thược dương súng định bắn. Bấy giờ có lệnh cấm bắn súng sợ lộ căn cứ. Tôi bảo: “Để tao cho nó một nhát”. Cầm con dao Mỹ lách qua Thược lên định chém. Một là lù dù sốt rét, hai là cầu an sợ ngoằn lại đợp cho một nhát thì khốn. Tôi chần chừ để nó bò vào rừng. Thược loay hoay khóa súng. Thế nào chàng trai đất Trung Hà làm đánh “đoàng” một phát. Xuýt nữa xuyên táo tôi. Về căn cứ anh Liễu và anh Ngọ tra hỏi chúng tôi. Tả y sì như vậy. Thược bị làm kiểm điểm, chưa kiểm điểm kỷ luật thì cậu được lệnh bổ sung đi phân khu. Về phân khu, lần đầu chống càn, rồi Thược hy sinh. 
Cơn sốt đùng đùng về đến nhà là tôi lên võng nằm. Chiều đó, tôi không được xem Phi “Ba toa” thao tác tam cẩu. Hôm ấy ăn tối, các mâm phải thắp đèn ăng-côn. Anh Tám Hòa đi công tác nhưng không phải về C19 mà là về ban khí tài của Phòng 3 (Có khi gọi O3, J3, M3 tức là Phòng 3 Thông tin). Phòng 3 là phòng quan trọng thứ ba của Cục Tham mưu do đại tá Năm Ngà, thay đại tá Lê Đức Anh (Sáu Nam) về làm quân khu trưởng Quân khu 9 (miền Tây Nam Bộ), làm cục trưởng và đại tá Ba Trần, tức Trần Văn Danh làm chính ủy. Còn ông Năm Ngà là ông Nguyễn Minh Châu, ông Trần Độ là Chín Vinh. 
Hôm ấy, anh Tám Hòa cũng về A1 liên hoan thịt chó, nhưng không có rượu. Như nói ở trên là ăn tại nhà ăn, thắp đèn ăng-côn. Bất thần có cái F101 bay từ hướng Bầu Sen lên. Tắt đèn. Từ Bầu Sen, Sóc Thiếc, Trảng Pháo những tiếng nổ phát ra ùng ùng ùng…Trong bụng mừng thầm là cao xạ pháo của Quân giải phóng bắn lên. Nhưng thủ trưởng thốt lên một câu “Thôi chết!”. Tôi hỏi cặn kẽ, hóa ra những tiếng nổ đó là F101 chụp ảnh ban đêm. 
Chúng đi khỏi, thắp đèn lên ăn tiếp. Mâm tôi toàn lính già và phụ nữ. Gồm tôi, anh Tràng, anh Du, anh Giáp và hai nữ nuôi quân. Khi thắp đèn lên, tôi thấy thái độ của năm người khang khác. Thăm dò để tìm nguyên nhân, cứ phán đoán mò: Hay là họ đụng chân vào hai nữ quân nhân, hay là họ “móc nhau”… Mấy hôm sau, anh Nguyễn Tuấn Tràng nói ra tôi mới vỡ lẽ: Bủ có biết không, trong lúc tắt đèn, các anh các chị tranh thủ thò tay vào chậu xương hầm. Người nào cũng nghĩ là chỉ có mình. Té ra “ngũ chi hội ngộ trong chậu xương chó”, ghê cả người. Nhất là tay cô Chấn, vi khuẩn hắc lào vào chậu xương, ăn thì chắc khiếp. 
Trời đất quỷ thần ơi! Các anh chị sáng tác ra kho “tiếu lâm” không chỉ ở mức độ phi thường, mà đạt tới mức hoang đường.
Ăn xong về võng nằm, vì còn dư âm của cơn sốt rét vừa rồi, anh Tám Hòa mò đến gọi: 
- Hay ơi! 
- Dạ. 
- Cậu còn thuốc chống chất độc hóa học không? 
- Còn ạ. 
- Cho tớ. 
Thế là tôi lấy ở trong hộp thuốc B2 to đùng ra cho anh hai ống. Như hai ống tiêm, một đầu bằng, một đầu nhọn. Đầu nhọn dài có cài một mẩu bấc đèn. Khi có chất độc hóa học địch thả, thì bẻ đầu ống tiêm, nước chẩy ra thấm vào mẩu bấc đèn nhét vào hai lỗ mũi. 
- Anh xin làm gì? 
- Pha rượu uống. 
Thì ra thuốc phòng độc hóa học lại pha được rượu! 

Đêm đó, phởn chí, tốp đi săn bắn được hai hoẵng và một số con lặt vặt như cheo, chúc, nhím… 
Tác giả của “Tam cẩu” là Quảng và Lương, hai anh đều không được chiêm ngưỡng tác phẩm của mình. Các anh đi bổ sung, nghe đâu anh Quảng “thổ” về Cục Chính trị, chỗ ông Văn Phác làm cục trưởng. 
Hôm sau, đơn vị lại tổ chức ăn tươi. Làm bún, bánh cuốn. Tôi bị sốt li bì. Trưa không muốn xuống nhà ăn. Một số anh em ở nhà bên, bộ phận Cơ công Sơ cấp đi qua cửa nhà kháo nhau: Đại đội bảo chiều nay cho Bủ Hay đi viện. 
Lúc Quý và Thịnh mang bún, bánh cuốn, thịt hoẵng về đến cửa đã gọi oang oang: 
- Bủ người thế nào? 
- Bất tỉnh nhân sự. 
- Bất tỉnh nhân sự mà còn nói được. Ăn đi, chiều còn sang K30B. 
- Mình không ăn được. 
- Chiều nay khiêng Bủ đi. 
- Ừ thế thì ăn được! 
Từ hôm đi trực chiến đến nay, mình cứ sơ hở gì là chúng nó tấn công ngay. Mình cũng tấn công lại. Chúng bảo “Khiêng đi viện” là mình liền bảo: “Thế thì ăn được”. 

                                                        * * * 

Bảy và Ích dẫn tôi đi viện, nhưng mang cáng theo. Đi độ hai trăm mét lại nghỉ, đoạn sau chưa đến trăm mét đã phải nghỉ, đoạn sau nữa chỉ vài chục mét lại nghỉ. Quả thật là mệt quá, mệt dóc người, nghĩ bụng “khéo chết mất!”. 
Họ sốt ruột cho nhập viện còn về kẻo tối. 
- Thôi, Bủ lên võng chúng tôi cáng cho chóng. Thế là họ cho lên võng khiêng đi K30B, cách đơn vị vào ba mươi phút. 
Nhân viên đưa tôi xuống lán nằm. Vừa nằm được độ mười phút một nhân viên rủ đi dạo cho khuây khỏa. Tôi từ chối là mệt lắm không đi được. 
- Thì em dìu ảnh đi! 
Nói rồi hai tay sốc nách tôi dậy. Sợ quá, tôi bảo: 
- Tôi đi được, cứ để đi một mình. Thế là cố hết sức đứng dậy đi ra cửa nhà âm. Cô dìu lên bậc. Cô với tay lấy “bộ đồ nghề” để trên nóc nhà lợp lá trung quân, rồi dẫn tôi ra rừng. Cô trải tấm ni-lon màu cánh gián bảo tôi nằm, rồi lột quần dài, để mặc xà lỏn. Cô nhét cái vòi cao su vào hậu môn rồi bơm nước vào. 
- Khi nào mắc đi cầu ảnh biểu nhé! 
Một lát sau thấy bụng chướng lên và buồn ỉa, bảo: 
- Tôi mắc đi cầu! 
Thế là cô rút vòi bơm ra. Ỉa tung tóe. Như vậy người ta nói là “thụt tháo”. 
Nằm mấy ngày mới biết tên cô là Hoàng “lùn”. Cô không có cổ, đầu liền với vai. Giống như đứa con gái thứ hai của tôi cũng tên là Hoàng. Khi trả phép đi B cháu được năm tháng tuổi, tức là sinh vào 28 tết Đinh Mùi (7 - 2 - 1967). Đầu cũng liền với vai, không có cổ. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi về phép. Cháu chín tuổi. Bây giờ người cao, cổ cao chứ không như lúc bé. Tôi đi chơi, cháu theo đi bắt cõng. Nồng nàn, chứa chan: “Lúc bé bố không cõng. Giờ bố cõng bù”. 
Nói về cô y tá Hoàng “lùn”. Có hai Hoàng, gọi là Hoàng “lùn”, Hoàng “cao”. Cô Hoàng lùn đúng là xấu người nhưng đẹp nết. Bệnh nhân ai cũng yêu mến. Cô tận tụy trong công việc, việc gì khó khăn lại đến tay cô. Ví như cái công việc thụt tháo cho bệnh nhân chẳng hạn. 
Năm 1972 vì can một vụ giằng co, một quả thủ pháo dù xơi gọn ba người, trong đó có cô ý tá Hoàng “lùn”. Nghe tin ai cũng ngậm ngùi, thương tiếc cô Hoàng “lùn” chết oan! 

                                                 * * * 

Nằm K30C nửa tháng tôi được ra viện, về đơn vị liên hoan ngày 22 - 12 - 1968. Tổng kết năm, tôi và Thịnh được bầu là Chiến sĩ Thi đua cơ sở. 
Lệnh của bác Hai Nam: Bộ phận A1 rút về xưởng công tác. Để ba người ở lại coi căn cứ A1: tôi, Thịnh, Trụ. Một buổi chiều vừa ăn ở nhà bếp về. Ba người còn ngồi ghế cửa nhà uống nước. Bỗng roành, ầm, ùng. Đó là quả cực nhanh 175 ly, cách chỗ chúng tôi ngồi vào ba mươi mét. Hố to như quả bom hai lăm kí. 
Tối đến, Thịnh và Trụ đi săn, tôi ở coi nhà. Tầm chín mười giờ đêm được mỗi con trúc ba bốn cân. Mình gọi là “tê tê”, miền Nam gọi là “trúc”. Hễ mà nó chui được xuống hố, khó mà bới lên được. Hai chân trước bới đất nhanh lắm. Khi túm đuôi nó kéo ra thì nó dương vây lên bám vào thành hố ai mà kéo lên được. Cho nên người đời có câu: “Túm đuôi tê tê thì về ăn muối” là thế. 
Khi cho vào nước sôi làm vẩy, hình dáng cong cong như cái liềm của “kẻ bãi”. Nó không có xương, chỉ toàn sụn. Hôm sau chúng tôi làm bún ăn với nó. Còn thừa định ăn bữa chiều tối. Nhận điện của bác Hai Nam triệu hồi: “Hay, Thịnh, Trụ về xưởng”. Ăn vội vàng còn thu dẹp, ba lô lên vai về xưởng kẻo tối, đường rừng biết đường nào mà lần. 
Thịnh xách điện thoại 0743, Trụ xách hai xoong lồng vào nhau. Tôi tay không, đủng đỉnh về đại bản doanh C35. Cứ A1 bỏ không. 
Ở cái A1, đi độ mười lăm phút theo hướng Đông Bắc là “Đống chấu to lắm”. Mưa dầm cả tháng, bới sâu xuống, chấu vẫn khô. Nghe đâu trước đây là Bộ chỉ huy Miền đóng, lính bà Định và ông Trần Độ sản xuất tự túc, tự gieo lúa, trồng sắn, ngô, đỗ, lạc, vừng lấy lương thực, thực phẩm ăn, gây dựng chiến khu. Từ trận càn Giang-sơn Xi-ti mới chuyển đến chỗ K48, Trảng Tròn, K71, mũi Ken-nơ-đi bên đất Miên. Sau bốn mươi hai loạt B52 rải thảm chuyển về khu Chằm Diệp cuối 1968. Càn Đông Dương giữa năm 1970 chuyển về khu Đầm Lê Phông. Ký Paris 27 - 1 - 1973 chuyển về khu Lộc Ninh, thượng nguồn sông Sài Gòn. 
Về xưởng được tuần lễ, chúng tôi thực hiện chế độ “ăn đấu làm khoán” do anh Trần Bành quyền trưởng Ban vô tuyến điện đề ra. 

                                                                                       ( Còn nữa )

                                                  Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét