17/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 3

Tập kết chuẩn bị đi B

Đoàn quân tập kết cứ thánh thót kéo dài. Mười một, mười hai giờ đêm vẫn có người đến.
Sáng hôm sau 17 tháng 6 được 64 người, vắng Phạm Đôn.
Ba giờ chiều, anh Dung cấp khí tài cho chúng tôi gồm: một đồng hồ vạn năng T108, một túi dụng cụ bằng vải bạt đựng vài cái vít cán gỗ, một kìm cắt, một kìm nhọn, một kìm vạn năng. Hai mỏ hàn, hai thanh thiếc và cục nhựa thông to bằng nắm tay.
Anh Dung đỡ ở trên xe xuống phát cho từng người, cũng nhanh chóng thôi. Mỗi người tay xách đồng hồ, tay xách túi dụng cụ là xong. Cứ lĩnh ào ào, chẳng thừa, chẳng thiếu. Thừa bộ của Đôn, anh Dung giữ lại để trả về trường.
Phạm Đôn, quê tỉnh Đông, chẳng biết tại sao vắng mặt. Sợ địch đánh Lai Vu bị dính chăng?
Bốn giờ chiều ăn cơm chính. Mỗi người lĩnh một bánh mì hai lạng rưỡi kẹp thịt rang để ăn đêm.
Đúng năm giờ chiều, hai chiếc xe Zin 3 cầu mới cảo, bò theo đường nhựa nhỏ vào sân kho. Anh Dung ra lệnh: “Các cậu tập hợp. Bàn giao quân”. Ba lô lên vai đứng thành hai hàng. Mỗi hàng lên một xe. Mỗi xe 32 người. Tôi đi xe đầu có hai xế, xe sau có một xế, một chỉ huy. Anh Dung và đồng chí chỉ huy cùng đếm số người. Rồi anh Dung kí nộp, đồng chí chỉ huy mới kí nhận. Hai Zin 3 cầu và xe tải của Trường Sĩ quan Thông tin xấu xấu bẩn bẩn cùng nổ máy, nối đuôi nhau bò ra Quốc lộ 1 theo đường cũ lúc vào.
Đến Quốc lộ 1, hai Zin rẽ phải xuôi Phủ Lý, một tải rẽ trái về Hà Nội, ngược Phủ Lạng Thương.
Đi suốt đêm. Sáng 18 tháng 6, hai xe Zin chúng tôi trú tại cổng Đông, thành nhà Hồ. Lính tráng ở nhà dân, trạm nấu cho ăn. Đêm 18, qua bến phà Kiểu, rồi đến một địa danh thuộc huyện Yên Định, Thanh Hóa. Nghe nói đây là nông trường Bộ của Nông trường Sao Vàng. Chanh, mít nhiều tha hồ ăn. Khu vực đó là F338 đóng quân. Do nhầm vị trí nên chiều tối ngày 19 tháng 6 chúng tôi mới hành quân bộ từ đấy đến xã Xuân Vinh, thuộc huyện Thọ Xuân bên bờ sông Chu, khu vực đó gọi là A1, của sư 338 do thiếu tướng Tô Ký làm sư trưởng. Mới hành quân được một đoạn, cái F4H của hải quân nó quần mãi, làm cho đoàn quân 64 người phải ém mãi mới đi được.

                                                        * * *

Ở cái bộ phận A1, thuộc đất xã Xuân Vinh, Cầu Bụt này coi như chúng tôi tự quản. Sáu tư người chia làm 2 trung đội. Tôi làm B phó một B do anh Hoàng Đạo Nhân làm B trưởng. Có một đồng chí cấp hàm thượng úy chỉ huy, nhưng có bao giờ lính tráng thấy mặt. Suốt ngày chỉ ở tốp nhà bếp và vuốt ve con chó Béc-giê.
Về Xuân Vinh để bồi dưỡng sức khỏe và rèn luyện hành quân đi Nam. Ở đây ăn bồi dưỡng mới buồn cười làm sao.
Ở đây ăn chế độ bồi dưỡng đi B mà ăn độn khoai lang khô bị mốc. Cái khoản ăn khoai lang khô, cái miệng tôi nó sành lắm. Khoai lang băm phơi khô, không được nắng bị mốc, người ta mang rửa đi như vo gạo. Xong phơi lại, trông miếng khoai trắng tinh có vẻ ngon mắt nhưng ăn thì nhạt hoét.
Một hôm anh em hành quân đêm rèn luyện, tôi trực ban không phải đi. Sáng, ăn cơm phụ độn khoai lang với muối vừng nhạt. Chẳng mấy người đến ăn, còn “bận ngủ”. Tôi giải tán, cho chị nuôi đổ chăn lợn, rửa chậu đĩa chuẩn bị chia cơm trưa. Một chậu cơm phụ, một đĩa muối vừng tôi đánh vèo cái là hết. Anh em bảo là ăn “trâu bò”. Tôi không tức mà hãnh diện, đó là “trời phú”.
Người ta hỏi, trên đời này thứ gì ngon nhất? Trả lời liền không cần suy nghĩ “thứ đói”. Hay như “Trạng” cho “bệ hạ” ăn “mầm đá” mới ngon!
Chiều 5 tháng 8, chúng tôi lĩnh quân trang chuẩn bị đi B. Đến kho tận bên Yên Định cách năm bảy cây số mới có. Cái ngày này cách đây ba năm, địch mở màn chiến tranh phá hoại miền Bắc. Giải tán tổ chức cũ, biên chế đơn vị mới lấy tên là Đoàn 239 đi B. Đoàn trưởng là đồng chí thiếu úy trên cử xuống. Anh Nguyễn Đức Đàn, cấp thượng sĩ làm phó đoàn. Anh Nguyễn Anh Tấn, cấp thượng sĩ, chính trị viên đoàn. Đoàn gồm 64 đồng chí đi chiến đấu, đi B1 có 22 đồng chí, đi B2 có 42 đồng chí. Đi B1 và B2 trang bị giống nhau, chỉ khác là B1 hơn B2 một bộ quần áo ka-ki Tô Châu cả quần đùi áo lót nữa mà thôi.
Tối 5 tháng 8, chúng tôi sinh hoạt nhẹ nhàng tại sân kho của đội sản xuất.
Đồng chí đoàn trưởng giới thiệu: “Tôi Phạm Ngoặt, quê Bạc Liêu, chuyên nghiệp lính kèn đoàn quân nhạc được bổ nhiệm làm đoàn trưởng. Đưa các đồng chí vào chiến trường. Bàn giao xong ra Bắc. Các quân tư trang cũ, gói lại, ghi địa chỉ, tổ chức sẽ có trách nhiệm gửi qua bưu điện về tận gia đình”.
Xong đồng chí phê bình đoàn hầu hết mặc áo lót đi sinh hoạt. Tôi phản đối: “Báo cáo thiếu úy, tân trưởng Đoàn 239. Áo có cổ bẻ, có hàng cúc đóng sao gọi là áo lót được. Phải gọi nó là áo cộc tay hay áo “soóc”, mà mùng 2 tháng 9 năm 1945, quân đội ta còn mặc “soóc” duyệt binh cơ mà”.
Trưởng đoàn phải chịu cái lý sự của tôi. Tôi, đích danh tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, vừa được hạ từ chức B phó xuống. Thì ra cái A trưởng “tiền tuyến” nó có giá hơn cái B phó “hậu tuyến” nhiều.
Chúng tôi mỗi người có một chứng minh thư Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, ghi như vậy. Do ông Cân ký cấp ngày 20 tháng 12 năm 1960. Đảng viên thì có giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam. Viết đến đây, tôi dừng bút, lục cặp “lưu trữ” cá nhân tìm hai giấy tờ trên. Bị thất lạc từ bao giờ. Thế có tiếc không chứ! Nhất là chứng minh thư Quân giải phóng.
Đoàn có hai trung đội: A1, A2, A3, A4 thuộc Trung đội 2 đi B2, Hải Yến, đường dây S9; còn A5, A6 thuộc Trung đội 1 đi B1. Tôi chẳng biết đi B1 là đi ở chiến trường nào.
Số 65 anh em đi B đợt này (còn 64, vắng Phạm Đôn), là chọn lọc từ 250 học viên khóa đó. Một nửa học ở C9, Tiểu đoàn 3 toàn học máy công suất nhỏ từ 15W trở xuống. Một nửa học ở C7, cũng Tiểu đoàn 3, toàn học máy có công suất lớn chuyên đặt trên xe, ưu tiên chọn lọc đi chiến trường. Ngay như Phạm Đôn tụt lại cũng là con của đồng chí đại úy, đang công tác ở Bộ Tổng tham mưu. Đồng chí Phạm Ngoặt trưởng đoàn, tự giới thiệu rồi. Phó đoàn Nguyễn Đức Đàn, có biệt danh là đàn Măng-đô-luyn, là đảng viên, nhập ngũ 1963, quê đất hoa Ngọc Hà, trước khi nhập ngũ là cán bộ của Bộ Xây dựng.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Tràng cũng quê “Ngọc Hà em ơi lộng lẫy hoa thơm”, là đảng viên, nhập ngũ 1965.
Đồng chí Nguyễn Anh Tấn, tuổi Quý Dậu (1933) già nhất Đoàn 239, quê Trung Hà nhập ngũ tháng 1 năm 1966. Vào học hàm binh nhì, tốt nghiệp hàm thượng sĩ. Trước khi nhập ngũ là bí thư chi bộ, phó chủ nhiệm hợp tác xã. Một số anh em ở E36 thuộc F308, đóng quân ở vùng bến Trung Hà quê anh. Chi đoàn thanh niên của đại đội, kết nghĩa với chi đoàn địa phương. Ông Tấn đại diện cho đảng, chính quyền, đoàn thể của địa phương đến dự, còn lên công nhận giao ước thi đua. Lòng vòng thế nào lại cùng về học với một số anh em ấy.
Trần Thanh Tân vì thấp lùn cho nên có biệt danh là “Tân mẩu”, con ông Trần Ấn, Giám đốc Xí nghiệp 382 như đã kể trên.
Lê Văn Lộc trung sĩ, sau khi độc tấu vở “Giôn-sơn đau đầu” ở hội diễn văn nghệ Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, từ ấy anh em gọi là Lộc “Giôn-sơn” chứ không phải Nguyễn Tiến Lộc kể ở các đoạn trên. Anh là con đồng chí cán bộ cao cấp ở Bộ Nội vụ công an. Sau giải phóng miền Nam, anh chuyển ngành về Bộ Nội vụ công an. Nay về nghỉ hưu trí với hàm đại tá giống như anh Nguyễn Tuấn Tràng.
Đồng chí Đỗ Văn Thành, bố là sĩ quan trong quân đội thời chống Pháp bị thương hỏng một mắt. Chuyển ngành về công tác ở Tổng Công đoàn Việt Nam.
Thượng sĩ Phan Quốc Minh con cụ Phan Dần. Trong chống Pháp cụ là cán bộ của Quân khu 4. Sau hòa bình chuyển ngành về Tòa án Nhân dân tối cao, ở số nhà 8 Lý Văn Phúc cạnh sân hàng Đẫy, anh là đảng viên.
Trung sĩ Hoàng Hữu Chuyên, cùng huyện với tôi, con của liệt sỹ chống Pháp là một trong mười du kích của làng Tầm Xá, Đông Anh. Mười du kích Tầm Xá kìm chân địch, để Trung đoàn Thủ đô rút ra khỏi Hà Nội sau 60 ngày đêm chiến đấu. Ngày nay, người ta đang đệ trình nhà nước xây đài tưởng niệm mười du kích liệt sỹ ấy. Hoàng Hữu Chuyên khi chuẩn bị nhiệm vụ đi B thì vừa nhận được giấy báo tử anh trai cả là Hoàng Hữu Chắt. Sau anh Chuyên cũng hy sinh ở chiến trường B2. Mẹ anh là “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Thượng sĩ Hoàng Đạo Nhân con của nhà nghiên cứu cổ văn Hoàng Lâm.
Trung sĩ Nguyễn Công Hoan, chơi ghi-ta giỏi nên gọi là “Hoan ghita”, con cụ Tấn, người chơi Tây-ban-cầm nổi tiếng ở nước ta một thời.
Trung sĩ Nguyễn Văn Bảy, anh ruột của đảng ủy viên xã Vân Hà, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.
Thượng sĩ Dương Tiến Sử người Liên Hà, trước nhập ngũ là cán bộ khối ủy ban huyện Đông Anh…
Tôi, thầy bu là dân thường, thành phần trung nông, trên chiếu cố “một lần nữa” là đảng viên. Mà bản thân cũng cần mẫn dễ thương, tạng người khắc khổ, luôn có chí tiến thủ, cũng cho đi đợt này. Cũng như lần trước trên chiếu cố là đảng viên cho nên được vào đội bộc phá diễn tập, công đồn Đạo Tú. Được vậy, tôi lấy làm vinh dự lắm!
Sau năm 1975, ra Bắc gặp một số anh em cũ cùng Tiểu đoàn 3 hồi học ở Trường Sĩ quan Thông tin hỏi chuyện. Anh em kể là: đợt ấy các anh được chọn đi chiến đấu, số chúng tôi bị gạt lại, sau vài ngày nhập vào C7. Chúng tôi phải đi Liên Xô học, xong về nước nhận công tác. Phân về các quân khu, quân binh chủng. Đa số về Phòng không Không quân chứ không về cấp nhỏ từ sư đoàn trở xuống.

                                   Hành quân đi B

Hành quân trên đất Khu IV

Sáng ngày 6 tháng 8 năm 1967, các nẻo đường thôn thuộc xã Xuân Vinh, huyện Thọ Xuân đều nhộn nhịp, tấp nập.
Lính tráng đến nhà trực ban khu vực A1, F338 để gửi bưu phẩm, thư từ về nhà.
Nhà trực ban là cái nhà lá vách đất, một gian hai chái, có hai ông bà già, cô cháu gái nội chừng mười ba, mười bốn tuổi. Có lần trực ban tôi hỏi cháu, cháu kể là ở với ông bà nội, còn bố mẹ đều bị chết đói rồi. Lòng thương cháu, lúc sắp chia tay này lại trỗi dậy. Một số anh em trẻ cùng trung đội, vô tư cứ hay nhận xét phê phán tôi: “Bủ cứ đa sầu, đa cảm vớ vẩn”. Chính những cái nhỏ bé, ít người để ý đến ấy, nó lại nung nấu cho mình ý chí và nghị lực làm nên cái to.
Tầm năm giờ chiều, cơm nước xong, tôi chia tay gia chủ. Trang bị đầy đủ, tập trung ở sân kho đội sản xuất, sáu giờ tối sẽ xuất phát. Từ nay chúng tôi là Chiến sĩ Giải phóng quân, là đảng viên đảng nhân dân cách mạng, là đoàn viên đoàn thanh niên cách mạng. Tất nhiên là của miền Nam Việt Nam rồi.

                                                    * * *

Tối đó địch đánh phá sớm, mới hơn sáu giờ tối, trời chưa tối hẳn, mà máy bay địch đang đánh ở bến đò, bến phà hay cầu qua sông Chu, mà tí nữa chúng tôi sẽ qua đấy. Pháo sáng chúng thả, mặt trời buổi hoàng hôn chiếu vào trông loang loáng, nên chúng tôi xuất phát muộn.
Tầm chín giờ tối, chúng tôi đi qua nơi vừa bị đánh bom lúc chiều tối. Nó là cái cầu gỗ. Địch đánh cầu này, chẳng phải đợt vừa rồi mà cả các lần trước đây nữa, khiến cho nó cứ lung lay như “răng bà lão”. Khó đi quá, có chỗ còn mỗi tấm ván. Đi khéo kẻo lăn ùm xuống sông thì khốn! Qua cầu, 66 người an toàn (64 người cộng với trưởng đoàn Ngoặt và y tá), không ai xuống sông “trâu” tắm mát cả.
Tôi bảo:
- Này, Lộc “Giôn-sơn”, cái cầu nó cũng “gàn gàn bát sách” như cái cậu Nguyễn Anh Dũng và Trần Bảnh vậy.
- Ừ, Nguyễn Anh Dũng và Trần Bảnh thì “gàn bát sách” chứ cầu, anh cũng bảo nó là “gàn bát sách” chẳng hợp nghĩa tý nào? Bủ cũng lẩm cẩm rồi!
- Thế thì dùng cụm từ nào gán cho nó được!
Chúng tôi nhắc đến Dũng và Bảnh là như thế này: Dạo học ở Trường Sĩ quan Thông tin, theo lệ mỗi người làm Tự - truyện thông qua tiểu đội. Nguyễn Anh Dũng khi thông qua cậu ruột là Vũ Quang làm Bí thư Trung ương Đoàn. Dũng nói: “Tôi chẳng biết gì về cậu tôi, muốn biết hỏi Ban chấp hành Đoàn thanh niên lao động Việt Nam”.
Còn Trần Bảnh nhập ngũ nấu bếp, con đồng chí thiếu tướng, cấp trên cho đi học sĩ quan không đi mà rằng: “Bố tôi làm tướng rồi, giờ tôi chỉ làm lính thôi”.
Trạm đầu ngắn, tầm 12 giờ đêm đã đến nơi, úi chà, thế này thì đi B mãi được. Ăn ở nhà dân. Ba lô mỗi người đi B có bốn cân gạo, thực phẩm khô trang bị cho cá nhân như thịt hộp, gói thuốc chống đói, gói mì chính năm lạng, cân rưỡi muối rang, hai người ba hộp ruốc… Khi nào có lệnh mới được sử dụng đến nó.

                                                       * * *

Từ đất Lam Sơn của Thanh Hóa, qua Nghệ An, qua Hà Tĩnh, qua Quảng Bình toàn đi đêm. Chỉ một số ít trạm mà qua rừng, hoặc trời mưa tầm tã được đi ban ngày. Kể từ Trường Sĩ quan Thông tin đi thì chúng tôi đã qua những sông chính là: sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đuống, sông Nhị Hà, sông “Ngựa”, sông “Trâu”. Đến trạm đầu, trưởng đoàn Ngoặt phổ biến là pháo biển bắn tới đây, phải đề phòng.
Năm giờ chiều ngày 7 tháng 8 năm 1967 tập trung ngay ria làng. Một bãi có nhiều cây, tôi cảm giác như ria rừng. Hành quân tiếp tầm 10, 11 giờ đêm đi trên đường mương con. Qua trại chăn nuôi của hợp tác xã, các cô vẫn đốt đèn Hoa Kỳ lù mù soi lợn. Có đèn vẫn để cố định trên tường, chắc là chuồng đó lợn đẻ. Một số cô trẻ còn hò Thanh “gáy” chúng tôi. Cả đoàn chẳng có ai người xứ Thanh, nên không ai “gáy” lại. May có ông Tân “mẩu”, nguyên quán Quỳnh Lưu.
Cậu ta cất tiếng gáy: “Ơ… thuyền than lại đậu bến than. Thấy em vất vả cơ hàn anh thương” y hệt giọng Thanh, điệu hò xứ Thanh. Anh em khoái chí cười râm ran. Trạm này xa quá, đến nơi là tang tảng sáng, nhưng vẫn không bỏ quy định là đun nước sôi pha âm ấm bỏ ít muối vào. Khoét cái hố vừa hai bàn chân, sâu cỡ 5, 7 phân cốt sao ngập hai bàn chân là được. Lót miếng ni-lon, đổ nước đã pha muối nói trên vào ngâm chân, vừa ngâm vừa bóp bàn chân, khi nào nguội nước là được. Xong rửa lại nước giếng là lăn ra ngủ.

                                                      * * *

Mười giờ sáng 8 - 8 - 1967, chúng tôi dậy ăn chính, xong lại ngủ. Bốn giờ chiều dậy ăn chính, chuẩn bị hành quân lĩnh nắm cơm phụ ăn đêm.
Hôm đi qua Dốc “Bò lăn” ở đất Thanh Hóa, chẳng biết nó thuộc huyện nào. Bốn giờ chiều đã vượt dốc, khát nước quá. Tôi và một số đồng chí uống nước suối. Trưởng đoàn Ngoặt cho dừng ngay lại ở bờ suối chấn chỉnh.
- Đồng chí nào uống nước suối giơ tay. Đảng viên, đầu tàu gương mẫu giơ tay đầu tiên.
- Báo cáo tôi ạ! Trượt chân ở hòn đá rêu trơn, ngã úp mặt xuống, thế là tranh thủ chớp thời cơ làm một bụng.
May ba lô chỉ bị ướt một tý ở ria. Sau đó anh em ào ào giơ tay. Lác đác còn vài đồng chí không giơ tay, thật lạc lõng!
Đúng là ông Phạm Ngoặt, chuyên nghiệp “lính kèn” có khác. Tức mấy đi chăng nữa, sao lại cho anh em dừng lại ở chỗ nóng bỏng bom đạn này. Phải nhanh chóng vượt qua chỗ “cao điểm” này chứ, thậm chí phải chạy, đến chỗ an toàn mới cho dừng lại, rồi muốn làm tội làm vạ gì thì làm.
Mấy ngày hành quân, là chúng tôi thích nghi ngay với “thất thường”: Sinh hoạt thất thường, ăn uống thất thường, ngủ nghỉ giờ giấc thất thường… xem ra “động hình” của lính tráng Đoàn 239 này dễ uốn nắn.
Có trạm đi 5 giờ chiều, 11 hoặc 12 giờ đêm đã đến nơi. Có trạm đi từ 3 giờ chiều mà 7 hoặc 8 giờ hôm sau mới đến nơi. Thường đi ba ngày nghỉ một. Đột xuất đi hai nghỉ một; đi bốn, năm ngày nghỉ một. Chẳng có quy luật gì cả.

                                                    * * *

Sang đất Nghệ An. Như vậy là chúng tôi đã qua “thế” sang “thần”.
Hôm ở thị trấn Đô Lương và thị trấn Nam Đàn. Máy bay địch đánh phá rát quá, cứ liên tục từ 9, 10 giờ sáng đến ba giờ chiều. Hai trạm đó chẳng ngủ được mấy. Hôm sau Đô Lương, địch kết thúc thả bom vào ba, bốn giờ chiều. Vũ Quý đúc nước vào bi-đông nhựa rồi thả vào bể nước ăn, cho nó nguội. Anh gọi tôi dậy xem “ba ba” nó nổi lên nhiều lắm! Mười bi-đông nhựa nổi mập mờ cứ như mười “ba ba” thật. Bỗng thấy một đồng chí, cấp hàm thượng úy, dắt cái xe đạp xết-xăng, đeo kính râm, đi vào thôn - thời Tây người ta gọi xe đạp vành 700 là xết-xăng. Nghĩ bụng, chắc là chỉ huy đơn vị cao xạ pháo vào thôn liên hệ gì đó. Tôi ngắm nhìn anh mãi cho tới khi khuất mới thôi. Vóc người mảnh khảnh đến lạ thường, cho áo vào trong quần, thắt cái dây lưng. Đáy quần may ra chỉ vừa bằng chét tay nhỏ. Tôi nghĩ: Vóc người thế kia mà chống trọi với máy bay địch suốt từ nửa buổi sáng tới giờ có đến sáu bảy tiếng đồng hồ. Hết tốp này đến tốp khác, giữa hai tốp có khoảng “thư giãn” nhưng không lâu. Nhìn vóc anh ai cũng bảo gió cấp 5, cấp 6 cũng đã “trên bờ bay xuống ruộng” rồi. Thế mà vẫn trụ vững được những trận mưa bom của địch, bão đạn của ta. Giờ tạm yên, anh đi vào trong làng, phong thái vẫn ung dung, áo quần vẫn tươm tất. Tự nhủ: Sau này mình được chỉ huy phải cóp-py phong cách ấy mới được.
Một trạm, vẫn đất Nghệ An, tầm 11 giờ đêm, trưởng đoàn hạ lệnh: “Ăn cơm phụ ba mươi phút để vượt lộ!”
Vừa ngồi nghỉ dăm ba phút, một tốp phản lực ào tới. Tưởng chúng bay qua, không ngờ vòng lại thả pháo sáng ngay trên đầu. Chúng tôi chạy tán loạn tìm nơi trú ẩn. Tôi chạy tạt phải, chỉ độ chục mét là bờ suối. Phản lực lao xuống. Chỉ thấy “ụt” một cái, là tiếng bom nổ xé tai. Đất sỏi bay rào rào, tức cả ngực. Phản lực vẫn gầm rít, pháo sáng vẫn sáng trưng. Một bóng người lom khom chạy ra lấy dù pháo sáng. Trưởng đoàn quát: “Đồng chí nào kia, quay lại, lộ thì chết hết, kỉ luật bắn bỏ”. Vẫn ngoan cố không quay lại, lấy bằng được cái dù pháo sáng mới thôi. Lộn xộn trời tối chẳng rõ ai. Lát sau tốp phản lực bay đi, pháo sáng tắt, chỉ còn những đốm lửa cháy.
Trưởng đoàn ra lệnh: “Bám sát đội hình, nhanh chóng vượt qua lộ, đề phòng bom nổ chậm”.
Nào có xa gì, chỉ cách chỗ nghỉ có ba bốn trăm mét là đường ô tô, địch thường xuyên đánh phá chớp nhoáng thế.
Trưởng đoàn Phạm Ngoặt ơi! Đúng là “lính kèn” nguyên hình rồi! Mới đi lần đầu, ai mà biết được? Không biết phải hỏi giao liên chứ! Tôi cứ tự đặt câu hỏi, rồi lại thử giải thích. Tìm lý lẽ để bao biện cho trưởng đoàn.
Lúc vượt qua lộ, những đốm lửa cháy hòa mùi thuốc bom khét lẹt, đất đá lởm chởm, hố bom chi chít. Vài đồng chí nữ dân quân đã có mặt ở đó hướng dẫn lối đi và giục chúng tôi vượt nhanh chân kẻo bom nổ chậm. Thế là chạy thục mạng trên miệng hố bom cũ, mới. Chỉ mười, mười lăm phút đã đến đoạn an toàn. Đi qua các xóm, dân còn thức, họ đang nói chuyện rôm rả. Tôi nhận thấy ở tuyến này sự “ác liệt” và “thanh bình” chỉ cách nhau gang tấc mà thôi.
Trưởng đoàn hạ lệnh nghỉ ba mươi phút ăn cơm phụ. Một số mất cơm, “ăn ké” nhau. Xong, truy tìm đồng chí nào lấy dù pháo sáng. Chẳng ai nhận mà cũng chẳng ai khai ra. Máy bay đánh, chúng tôi chúi ria suối, ai dám quan sát lúc đó mà biết là ai. Tôi rỗi mồm, nói chêm vào:
- Lắm “ai” thế? Khác nào: “Ai ơi về ăn cơm. Cơm ai nấu. Ai nấu chứ ai”.
Cả đoàn ồ lên cười xí xóa.
Hôm sau, đi lấy cơm ở nhà bếp. Đỗ Văn Thành nắm chặt trong lòng bàn tay, dúi vào túi quần tôi bảo: “Cho Bủ miếng dù, gói cơm phụ”.
Tôi giữ mãi miếng dù pháo sáng. Ở ngoài này ăn cơm trạm thì dùng để gói cơm phụ buộc vào dây lưng to. Vào trong kia tự nấu lấy mà ăn thì dùng để nắm cơm.
Đoàn tôi đi khá an toàn, chỉ mỗi lần đó địch đánh ria đội hình, vào đến chỗ tập kết là Trạm 10 khu vực Cầu 48. Không có dịp nào lấy dù pháo sáng nữa.
Hết đất Nghệ An, Đoàn 239 vượt qua sông Lam, còn gọi là sông Cả. Trước mặt là Hà Tĩnh, quê hương cụ Tố Như và Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.

                                                    * * *

Một hôm đi trên đất Hà Tĩnh, trạm ấy khá xa, mà lại vào tuần trăng, có lẽ là trung tuần tháng 7 Âm lịch. Giao liên cho nghỉ ở sườn đồi, lúc đó khoảng một, hai giờ đêm. Có một chiếc phản lực bay qua. Nó bay thấp lắm không bật đèn. Chúng tôi còn nhìn rõ nó đen chùi chũi, lao trong đêm tối như mũi tên. Xong giao liên dẫn đi tắt cánh đồng khá rộng, có lúc ngồi nghỉ giải lao giữa các thửa ruộng đất bạc trắng do hạn hán kéo dài. Gợi tôi nhớ cảnh tát nước chống hạn năm mới hòa bình, lòng tôi xao xuyến nhớ nhà.
Chúng tôi tiếp tục đi mãi mới lên bờ mương khá rộng, đi dọc bờ mương theo hướng tay phải, đi được một đoạn thì lác đác đôi giọt mưa nặng hạt vào vai và cánh tay. Rồi nhanh dần, nhanh dần. Người đằng sau rút cho người đằng trước tấm ni-lon mét rưỡi màu cánh gián cuộn tròn để trên cùng ba lô. Triển khai ni-lon nhanh chóng, trận mưa khá to, sấm chớp liên tục. Giày cao cổ bết chình chịch, đôi khi miết xuống cỏ ở bờ mương cho đỡ nặng. Có trận mưa, tiết trời dìu dịu lại thấy khoan khoái dễ chịu.
Khoảng độ ba bốn giờ sáng, vào một thôn. Tôi cảm thấy như làng ở đất trung du Phú Thọ. Đường làng, chân đi cảm giác nghiêng nghiêng, bên tả thấp, bên hữu cao. Những cây cọ cao thấp nhấp nhô, giao liên dẫn từng A vào nhà dân ở. A4 tôi rẽ trái đi ba bốn chục mét xuôi sườn đồi vào một ngôi nhà. Ông chủ chừng ngoài năm mươi tuổi bảo cô con gái dẫn bớt một số anh em sang nhà bên. Đây là đất Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Trạm này nghỉ một ngày, sáng ra tha hồ mà tắm giặt, phơi phóng.
Ông chủ bảo: “Hôm nay trời mưa, các chú ướt át vất vả. Nhưng dân chúng tôi mừng lắm. Đã mấy tháng nay vùng này mới được giọt mưa. Có nước để làm mùa kẻo chết đói mất!”
Tầm mười giờ sáng, chúng tôi ngủ dậy, chỉ mỗi ông chủ bện thừng ở sân. Ngôi nhà lợp lá cọ năm gian khá rộng. Đầu đốc bên trái làm bai ra thành một gian nhỏ, mái thấp lụp xụp. Trên mái có miếng kính to hơn quạt nan để lấy ánh sáng, nơi đó làm nhà ăn. Nối dài ra phía trước thò hẳn ra đến hơn mét so với cửa nhà, trổ cửa ra sân là bếp nấu. Vùng này nấu củi nên bếp chẳng phải to lắm.
Đi bê cơm nhà bếp về, cả tiểu đội tập trung ăn ở đây. Hai mâm để xúm cả vào bàn ăn, lấy thêm ghế chéo “ba nan” vào ngồi mới đủ. Ông chủ ngắt một nắm ớt sừng bò chín đỏ tươi vào đặt lên bàn ăn: “Các chú có dùng cái này không?” Chúng tôi đồng thanh: “Có ạ, thích lắm ạ”. Rồi ông “À” một tiếng. Quay ra vườn ngắt mấy quả chanh mang vào. Đêm qua được trận mưa to, quả nào quả nấy tươi rau ráu, pha nước đường cứ lấy dùng, ông dặn vậy.
Cơm xong, ông pha cho một tích nước chè, ủ trong giỏ bì để uống. Trả chậu đĩa nhà bếp xong, mọi người lăn ra ngủ. Tôi còn thức, hút thuốc lá xì xụp. Lại thích cuốn thuốc của ông chủ, nó đậm đà hơn.
Tầm đứng bóng, anh con trai cả ngoài 20 tuổi đi cày về. Người đen đủi, dáng vóc khắc khổ giống ông. Cô con gái thứ hai 19 tuổi cũng đi làm ở trại chăn nuôi của hợp tác xã về. Hai cậu con trai đứa 16, đứa 12 cũng đi học về.
Tôi nghĩ bụng: giờ chưa nấu thì bao giờ ăn?
Mọi người trong nhà đều sẽ sàng, nói năng nhỏ nhẹ, dường như giữ yên tĩnh cho bộ đội ngủ. Tôi thấy cô hai sẽ sàng lấy đũa bát. Thì ra cơm trưa đã nấu sẵn. Đó là hũ nước mắm gắn xi cũ, nay dùng để om ngô. Ngô om độn khoai lang khô, sắn và đậu đen. Nhìn là tôi biết ngay, vì nhà tôi hay ăn cơm kiểu này. Hũ ngô để giữa bàn ăn, và bát tương dầm ớt. Năm bố con ngồi vào bàn ăn. Mỗi người cũng được hai lần xới. Xong bữa ăn cô gái dọn dẹp. Rửa bát đũa xong lại rửa hũ, cho nguyên vật liệu vào, quy trình lặp lại như bữa trưa. Tôi cùng ông chủ và anh con trai cả ngồi uống chè ở bàn, hút thuốc cuốn, nói khe khẽ đủ nghe. Cô con gái cũng vào tư dinh ngả lưng. Chẳng hỏi cũng biết “bà” đã qua đời. Cũng cảnh “gà trống nuôi con” như thầy ở nhà. Cũng mong ông chủ hỏi gia cảnh, để bộc bạch cho vơi đi ít nhiều tâm trạng, để tâm hồn chứa đựng trong hai thế hệ sớm hòa quyện, và điều đó đến ngay tức khắc.
Ông vê điếu thuốc, châm lửa hút, rít một hơi, ngụm ngụm chè, chậm rãi hỏi:
- Thế chú quê đâu?
- Con quê Đông Anh, Hà Nội ạ.
Sau khi nghe tôi bày tỏ hoàn cảnh gia đình, ông buông một câu:
- Thế chú cũng nặng gánh gia đình nhỉ?
- So với nhiều người họ còn nặng hơn con.
Rồi tôi ngỏ lời mời gia đình, tối ăn cơm chung cho vui. Ông phấn khởi nhận lời ngay: “Tôi cũng có ý định bữa tối mời các chú ăn chung với nhà tôi”.
Thì ra luồng suy nghĩ quy tụ.
Anh em ngủ coi chừng đã mãn. Nhẹ nhàng thức dậy, uống nước, hút thuốc lá, thuốc lào. Tôi thông báo, chiều lấy cơm muộn. Hôm nay nghỉ, thì năm giờ chiều mới ăn, nếu 6 giờ đi lấy thì muộn quá nhà bếp họ bỏ đi mất.
Từ hôm xuất phát hành quân đến nay, anh em uể oải lắm. Chẳng khi nào ăn hết cơm. Thức ăn bồi dưỡng B do đường dây cấp vẫn còn, có khá hơn ở đất Lam Sơn.
Gia đình đã bàn tính từ lúc nào không hay biết, mà đang nói chuyện, anh cả đã sắp vó, sai thằng út mang theo cái rổ sề đi đựng cá. Tôi cũng theo xem. Cái ao chỉ rộng cỡ ba sào, một phía đắp bờ đập to cao, trên mặt trồng chuối. Ba lề là sườn đồi khỏi đắp, những cây cọ cao thấp đủ loại. Ao đón nước màu của cả ngõ xóm, vài chục nhà chảy vào, thế này thì cá lớn nhanh như thổi, chỉ cần thả chứ không cần nuôi.
Xem cất vài mẻ vó, tôi về nhà bảo Đinh Văn Thịnh: “Này, xuống bếp làm tô mỡ nước tối rán cá”.
Bát sắt dù là “B52” ăn thua quái gì, thế là cậu vào chạn bát vớ cái tô to tướng đi xin. Bát mỡ đầy đi chầm chậm, gần như dón dén từng bước. Lộc “Giôn-sơn” nằm úp ở phản trông thấy phì cười:
- Chúng mày ơi! Trông thằng Thịnh cứ như là “bố sai con mang đĩa đi xin nước mắm” ấy.
Thịnh tức nói: “Ông chả đổ mẹ nó đi bây giờ, mất xơi”.
Anh em không cười nữa.
Một lát sau, hai anh em nhà chủ mang về cỡ bốn năm cân cá tạp: rô, diếc, trê, trõn, chép, trắm, mè…
Những tay “ba toa” trong tiểu đội thiếu gì, như Thịnh, Lộc, Quý, Đức, Bảy, Miêng…, mỗi người một dao găm “quân dụng”, xúm vào làm nháy mắt là xong. Rửa sạch hai, ba nước. Đổ ra rổ cho róc nước, tôi chạy xuống nhà bếp làm một bát “B52” muối trắng. Đổ cá vào chậu thau to trộn đều muối. Một là làm cho con cá khi rán không bở, hai là cá ao vừa bắt lên sạch mùi bùn. Lúc nào rán cho ra rổ rửa sạch lại và không mặn quá. Ông chủ đã nhốt con gà trống to, từ lúc nào cũng không hay biết. Dễ phải đến hai cân có dư. Thịt ra luộc chín thắp hương cúng tổ…
Chặt thịt gà bày vào ba đĩa lá lật trông cũng đầy đặn. Thái nhỏ lá chanh rắc lên trên. Mùi lá chanh quện với mùi thịt gà sao mà hấp dẫn thế. Nhìn khuôn mặt chúng tôi, ai mà chả biết các anh thèm thuồng cái hương vị ngày giỗ tết ở nhà.
Đúng kế hoạch, sáu giờ tối, chúng tôi lấy cơm về. Hai chậu cơm ắp làm một, hai tô thịt hộp kho sền sệt san làm ba, hai đĩa sắt tráng men rau muống luộc nộm dấm lạc rang san làm ba, hai đĩa thịt ba chỉ luộc san làm ba, hai lưng chậu canh rau cải gừng đổ làm một bưng về ai muốn húp thì tùy. Ba mâm cỗ có mười lăm người. Mỗi mâm có đĩa thịt gà, đĩa cá rán, đĩa thịt luộc, đĩa rau muống nộm, tô thịt hộp, một đĩa con tiết dầm muối chanh ớt. Một bát con nước mắm cũng chanh ớt. Chậu canh rau cải và chậu cơm để khe giữa ở mâm. Tôi làm một bát con tương dầm ớt để chấm cá rán, hai mâm kia cũng bắt chước làm theo. Ông chủ mua phân phối ở cửa hàng hợp tác xã mua bán có nửa lít rượu. Nên mười hai chén chưa được đầy lắm. Chúng tôi chỉ dám “tắc-cú” tí một, chứ không dám “na-phan” kẻo đồ nhắm còn nhiều mà cạn mất tửu. Thịt gà mà không có tửu nhập thì còn ra cái vị gì nữa. Lúc đầu chuẩn bị: Ba mâm trải chiếu một hàng ở sân.
Mâm một có ông chủ, tôi, cậu út, Lộc và Khang. Mâm hai có A phó “Ai-đích”, cậu cả, cậu ba, Thịnh và Bảy. Mâm ba có Ngô Trọng Miêng tổ trưởng tam tam, Vũ Quý, Trí, Tự và cô hai.
“Phạm thượng” tôi mở đầu: “Con đại diện cho cả tiểu đội, trong bữa tiệc thân mật thắm tình quân dân, kính chúc bố “trường sinh bất lão”. Chúc các em khỏe mạnh, vui tươi, công tác học tập tấn tới”. Tất cả nâng chén. Mỗi người cầm chén “Xin mời”! Rồi ngụm.
Cô hai cũng đáo để nói: “Em không có chén thì nâng bằng gì?”
- Ồ thì nâng bằng bát. - Tôi bảo vậy.
Tôi tráo đầu đũa, rồi bắt chước động tác ông già nhà quê tiếp bạn, cúi nhòm nhòm miếng thịt gà ngon, gắp đặt vào bát ông, ngẩng lên: “Thưa bố, tửu nhập kê ạ!”
Anh em cùng gia đình, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ. Rôm rả nhất vẫn là mâm một và ba.
Nói về cô Hai, cô tên là Loan. Ngẫm ra con gái tên “Loan”, ít cô là không đanh đá. Nhanh nhẹn, hoạt bát, rắn giỏi. Nước da không trắng, không đen mà là hồng hào khỏe khoắn. Mình trắm, tròn. Không phải mình mè. Con mắt thẩm mỹ của tôi, xếp cô vào hạng đẹp gái, chắc là đẹp cả “nết” nữa. Có thể nói là mẫu của con người mới. Như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: “con người mới không phải là trắng da, dài tóc. Mà là con người lao động bình thường, có tâm hồn lành mạnh” mà năm tôi thi hết lớp 7 hay thi vào lớp 8 (hè năm 1958) đã làm bài văn bình giảng câu nói đó.
Tôi trộm nghĩ, diễm phúc cho chàng trai nào vớ được cô ta.
Trong bữa cơm, cô không ngượng ngùng, ăn nói tự nhiên. Có lẽ chúng tôi lớn tuổi, bậc đàn anh, như tôi hơn cô chục tuổi. Cô đang theo học lớp 9 bổ túc văn hóa ban đêm. Cô đùa bộ đội: “Em hỏi thật nhé, có anh nào giấu súng đạn cuốc xẻng vào đống củi, búi cây chưa?”
- Vũ khí trang bị “bất ly thân”, ai lại giấu.
- Thế mà có đoàn qua đây, giấu cả đạn cối 82, cả đạn B40 vào đống củi. Chúng em phát hiện được mang nộp trạm.
Cô vào bếp bê hũ ngô om ra. Anh em bảo là, ăn cơm đi. Cô bảo: “Cơm với ngô khoai sắn cũng là chất bột như nhau”, mà ngô om với khoai, sắn, đậu, các chất bổ sung cho nhau, ăn bổ hơn cả cơm chứ! Tôi tham gia chuyện với mâm đó:
- Ờ, ờ, ai chả biết, nhưng ăn đổi bữa vẫn hơn. Cô ăn ngô om luôn, hôm nay đổi bữa sang cơm. Chúng tôi ăn cơm luôn hôm nay đổi bữa sang ngô om có hợp lý không nào?
- Ăn hàng ngày, ngon mấy thì chung quy lại, có ba chất mà thôi. - Cô nói.
- Thế ba chất ấy là chất gì? Tôi hỏi.
- Là pờ-rô-tít, li-pít và gờ-lu-xít tức là bột, béo và đường. Ngoài ra còn sinh tố vi lượng muối khoáng. Ăn của ta là “ngon lành” cho nên thiên về luộc. Ăn của Tàu là “ngon bổ” nên thiên về xào, rán, hấp cách thủy…
Dường như cô coi thường chúng tôi, cố ý bộc bạch để chúng tôi biết rằng: trên cái mảnh đất thiên nhiên đầy khắc nghiệt này, truyền thống cách mạng thì đã rõ mồn một rồi. Còn uẩn tàng một trí tuệ, một tinh thần trong từng con người Nghệ Tĩnh. Tuy đời sống kham khổ nhưng vẫn lạc quan, vui tươi, yêu đời, không dễ ai coi thường.
Dù cô cố ngụy trang thế nào, từ mâm thứ nhất nhìn xuống, trong ánh mắt của cô tôi thấy toát lên sự hằn học. Tôi cảm nhận điều đó ở cô gái 19 tuổi. Cả tuổi đời và tri thức chỉ đáng là học trò của chúng tôi. Nhưng chọn lúc, chọn nơi để thể hiện nội tâm của mình phải nói là nhuần nhuyễn đáng nể.
Tôi nghĩ là, các đoàn đi qua trước đây, lính tráng có lời nói hoặc cách đối xử có gì sơ suất làm cô phật ý. Tôi cũng có dự kiến “bộc bạch” để cô hiểu về những người của Đoàn 239. Từ đó cô hiểu lính tráng. Đừng vì những cái nhỏ nhặt, vụn vặt mà có định kiến với từng đoàn, lớp lớp kế tiếp cha anh và các bậc tiền bối làm việc đại nghĩa.
Cơm nước, dọn dẹp xong, cô cùng hai em ngồi vào bàn học. Tôi kéo chiếc ghế ba nan ngồi cạnh. Một lát hỏi: “Em nào có bài toán khó, anh hướng dẫn”. Hai em đồng thanh: “Không ạ”.
Bấy giờ trần xì có một số trong sách giáo khoa chứ làm gì có sách bài tập riêng như bây giờ. Lại càng không có bài tập nâng cao. Bài tập điển hình có tính chất củng cố lý thuyết mà thôi. Nói đúng hơn là những lời ví dụ. Bây giờ học trò từ lớp 1 đến lớp 12, số sách trang bị cho nặng hơn trọng lượng người các trò.
Thấy các em toàn là trò giỏi, tôi chuyển sang nói chuyện có tính chất thuyết trình. Nói những mẩu chuyện về Ga-loa, Bô-li-ai, Niu-tơn, Anh-xờ-tanh, Lô-mô-nô-xốp:
- Nhà bác học vĩ đại Lô-mô-nô-xốp 19 tuổi mới đi học. Bằng tuổi em. Bây giờ em đã học lớp 9 rồi còn gì. Ông rất nổi tiếng về định luật bảo toàn năng lượng. Định luật Lô-mô-nô-xốp ra đời còn có một giá trị tư tưởng. Tức là đổi mới tư duy của một số nhà bác học cứ có hoài bão tìm ra “Động cơ vĩnh cửu”. Điều đó uổng công vô ích. Tránh được lãng phí tài năng và trí tuệ của các nhà bác học, tập trung đúng hướng. Thúc đẩy khoa học đi lên. Giá trị của nó là ở chỗ đó.
Tôi lại tiếp:
- Thế em đã học bài “Bầm ơi”, bài “Bà Bủ Việt Bắc” chưa?
- Rồi ạ.
- Đấy! Công trạng thì đùn cho nhau, lỗi lầm vất vả nhận về mình. Thật cảm động đến rơi nước mắt. Chỉ có trong đại gia đình dân tộc Việt Nam mà Bác Hồ làm chủ gia, mới có được tình cảm như vậy.
Lính tráng chúng tôi, kể các đoàn trước đây, hay vui đùa để quên đi nỗi vất vả nhọc nhằn. Chấp lê nhau có mà chấp suốt ngày. Ví như anh Thịnh quê ở Vũ Thắng, Vũ Thư, Thái Bình. Anh em cứ đùa nhau là “có va-li cói cầm tay, có nhà máy cháo ngút trời khói bay” hay là “tay bị, tay gậy khắp nơi tung hoành”…
Anh Đích ở Nam Hà, anh em đùa là dân “Cầu tõm”
Anh Trí ở Hà Tây, anh em đùa là “trên nui Ba Vi co con bo vang”.
Anh Tự ở Thái Nguyên, anh em đùa là: “lử khử lừ khừ, chẳng Đại Từ cũng Võ Nhai” hay “trâu gõ mõ, chó leo thang”.
Anh ở Phú Thọ thì đùa là “chó ăn đá gà ăn sỏi”.
Tôi ở Hà Nội anh em đùa là “dân kẻ chợ, chín người mười làng”…
Qua bữa liên hoan, qua buổi nói chuyện, cô Loan có vẻ hiểu thêm chúng tôi. Chiều hôm sau chia tay, coi bộ cô cũng bịn rịn thực sự.

                                                         * * *

Hành quân thâu đêm đến trạm tiếp theo vẫn đất Hà Tĩnh. Đến trạm sáng rõ, là nơi đồng bằng thực sự. Đi qua sân kho xa chừng 300 mét vào nhà dân, chúng tôi lăn ra ngủ li bì. Tầm 10 giờ ăn cơm, nhà nào ăn ở nhà nấy, không tập trung cả tiểu đội nữa. Cần một cái môi múc canh, mượn nhà chủ, cô con gái tầm sáu, bảy tuổi cầm cho mượn. Đưa hai tay, Lộc “Giôn-sơn” tấm tắc là cháu ngoan. Ăn xong lại ngủ. Tầm ba giờ chiều tôi dậy. Nhà đi làm cả. Chỉ có bà mẹ ở nhà bế đứa út độ 4 hay 5 tuổi gì đấy. Thằng bé sốt nóng. Bà trạc tuổi bu tôi, cỡ năm mươi, năm mốt tuổi, có nước da ngăm đen, người chầm chập, mặc tấm váy mốc, cởi trần, mặc áo yếm màu bã trầu. Người hao hao giống bu tôi, cách mặc lại càng giống.
Trạm trước gợi cảnh nhớ thầy, trạm này gợi cảnh nhớ bu. Nỗi nhớ nhà mãnh liệt.
Bu bế đứa út trong lòng, ngồi chiếc ghế con dưới nền nhà đất. Bát nước lá chanh để cạnh, cho con uống hạ nhiệt. Mặt bà đăm chiêu, buồn rười rượi. Tấm lưng đen cháy, giống tấm lưng bu tôi lúc nhỏ thường đứng tựa vào khi ngồi rửa bát sau bữa cơm trưa.
Bà bảo: “Mủng chanh mẹ để ở chạn bát, các con mang theo nhấp giọng cho đỡ khát nước”.
Tôi lùi lũi vào chạn bát lấy mủng chanh ra nhét vào túi cóc cho mỗi người một nắm.
Trạm trước, dứt tình thầy, trạm này, dứt tình bu. Năm giờ chiều trời oi ả ong ong, tập trung ở sân kho hợp tác xã đi tiếp…

                                                   * * *

Vượt qua Hà Tĩnh, thế là đã bỏ sông La ở phía sau. Trạm đầu tiên trên đất Quảng Bình, chúng tôi đi thâu đêm và tầm chín, mười giờ sáng mới đến nơi. Đó là xóm lèo tèo vài nhà, ở ven đồi thấp. Nhà dân ở thưa thớt. Đến đây lại nghỉ một ngày. Tết Độc lập 2 - 9, hợp tác xã thịt trâu chia cho xã viên. Nhà tôi ở, gia đình lĩnh một suất, cả thịt, da, xương được miệng xoong nhôm cao. Cỡ nấu được hai cân gạo. Cô gái nhà chủ trạc tuổi cô Loan ở trạm trước, cho lên bếp nhóm củi đun. Kỹ như kiểu hầm thịt. Chúng tôi ngồi quanh bếp xem. Năm giờ chiều lấy cơm ở nhà bếp về ăn. Cô chủ mở xoong thịt trâu ra chỉ còn lưng xoong. Cứ như là ăn vụng ấy. Chứ như miệng xoong thịt lợn mà nấu chín, đầy phè không đậy được vung. Xoong thịt trâu chưa ai lấy mà chỉ còn lưng xoong thế mới chết chứ! Cô chủ cười toe toét: “Ồ, thế người ta mới bảo là “làm rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ đồ xôi lại” là vậy đó mấy anh”.
Thì ra ở cái xóm lèo tèo hẻo lánh này, dân người ta cũng am hiểu kém gì cái đất cứ mệnh danh này mệnh danh khác. Cứ mệnh danh là “cậu tú”, “cậu cử”, đến giờ tôi mới được nghe câu nói này phát ra từ miệng cô gái trẻ chừng độ mười chín đôi mươi. Đỏ tai, lạnh gáy, thầm ngượng thực sự.
Tối đó là tối gò bó nhất sau gần một tháng kể từ khi xuất phát hành quân đến giờ. Bước sang trạm đầu của đất Quảng, mùi chiến tranh ác liệt đã nồng nặc rồi. Không như ở đất Tĩnh, Nghệ, Thanh. Mỗi lần hút thuốc lá đều phải xuống hầm trú ẩn, hút xong mới lên. Đó là cái lệ, kẻo dân người ta kêu ca.
Ông chủ bảo: “Coi như vậy, có đốm lửa là rốc-két phóng tới ngay lập tức đó các chú ạ”. Chúng tôi ngồi với ông chủ ở tràng kỷ tre nói chuyện, tối om om.
Nghỉ một ngày là đi tiếp đến trạm ở nhà đồng bào dân tộc. Chẳng rõ là dân tộc gì. Các đứa trẻ da đen cháy, trần truồng. Bữa ăn là xôi ngô. Ngô hạt ngâm có mùi thum thủm, cho vào cối, dùng cái chày cao hơn người đứng giã, dần lấy bột đồ xôi. Lẽ ra 3 giờ chiều là đi, mắc cái F4H nó cứ quần mãi. Nó cứ lượn trên bầu trời cao tít, chưa có điểm đánh ở đây, thỉnh thoảng lại xuất hiện cái “Không người lái”. Dân chúng vẫn cày cấy ở ruộng bình thường, chẳng trú ẩn gì cả. Khác với trạm trước. Hơn một giờ chờ đợi, chúng tôi mới hành quân được. Gặp máy bay ngồi thụp xuống như rặng cây.

                                                    * * *

Hôm sau vẫn trên đất Quảng, nhưng chúng tôi đi ban ngày. Đến trạm, chúng tôi tự nấu lấy mà ăn, tự mắc võng căng tăng.
Từ đây ở rừng.
Đến giờ, giao liên ở trạm dẫn đi. Theo định kỳ lại lĩnh gạo và thực phẩm. Ăn bếp theo đoàn, cử trực nhật nấu cơm, chia cho sáu A. Ở trạm có bếp nước, củi đuốc, dụng cụ đầy đủ, nên triển khai bữa cơm cũng nhanh. Bếp người ta phục vụ cả nửa nghìn người nấu ăn, huống chi Đoàn 239 có già nửa trăm người. Đoàn người ta ra trận đông vậy, hoành tráng vậy nhưng cái Đoàn 239 này như cái lỗ mũi ấy. Tự bảo: Bé nhưng mà nó “bé hạt tiêu”. Ông cứ tưởng tượng xem 64 trung thượng sĩ, tức là 64 tiểu đội, mỗi trung đội là 3 tiểu đội, vị chi là 21,3333… trung đội, nó là số vô tỷ. Ba B là một đại đội, vị chi là 7 đại đội. Bốn đại đội là một tiểu đoàn, như vậy là đoàn mình tương đương 2 tiểu đoàn!
- Đúng là “tự chính ủy”. Lý sự như ông ấy thì chỉ con trâu ăn lúa ảnh hưởng đến hòa bình thế giới!
Các thứ dùng xong để luôn tại bếp, giao liên đến là cuốn gói ra đi.
Một hôm, tôi và anh Thường, chẳng hiểu sao cứ gọi anh là Thường “Mít”, ở 314 phố Huế, trực nhật bếp.
Nấu xong khiêng xoong thịt hộp gồm 22 hộp, mỗi hộp 3 lạng 3. Trượt chân đổ ụp một cái. Nếu ở chỗ bằng phẳng thì hớt được ít ở trên ăn, đằng này ở sườn đồi cây non. Người thì hai chúng tôi nằm sõng soài ra thôi, nhưng còn nồi quân dụng bảy ki-lô-gam lăn long lóc đến chỗ gặp chướng ngại vật mới chịu nằm lại.
Trưởng đoàn hạ lệnh, ba đồng chí khui một hộp ăn. Đoàn bỏ qua hai chúng tôi không phải kiểm điểm kỷ luật gì cả.

                                                     * * *

Cũng trên đất Quảng Bình, hành quân hôm ấy bị mưa suốt từ sáng, mưa tầm tã không lúc nào ngớt. Khoảng ba giờ chiều gặp một đường sắt. Thỉnh thoảng lại thấy chiếc xe goòng chạy qua. Gây cho tâm tư chúng tôi không còn thấy ác liệt của chiến tranh nữa.
Đi mãi tới năm giờ chiều mới tới trạm, ngồi đợi ở cổng. Thì cứ gọi là cổng chứ gọi là gì được. Thực ra làm gì có cổng trạm. Cổng đi tứ phía. Nghỉ ở bãi tương đối bằng phẳng. Mộ mới la liệt, phải đến hai mươi cái. Mỗi mộ có một bia bằng tấm gỗ thông lấy từ thùng hàng của hậu cần ghi họ tên, ngày sinh, quê quán, ngày hy sinh. Giao liên cho biết là địch mới đánh bom, đội thanh niên xung phong bị hy sinh một số đồng chí. Đây là Trạm 36 hay Trạm 10 quên mất phiên hiệu.
Đi vào 100 mét là đến bãi khách.
Nhanh chóng triển khai tăng võng kẻo tối, rồi còn ăn cơm. Tối đó chẳng ai nói chuyện với ai, mỗi người chọn vị trí của mình mắc tăng võng nằm. Tôi chọn hai bên là hai tảng đá to, mắc võng vào giữa. Tôi và Tân “Mẩu” được phân công nắm cơm cho toàn đoàn, 66 nắm chính, 66 nắm phụ.
Bốn giờ sáng, người gác cuối cùng đến gọi Tân, Tân đến gọi tôi. Thấy vậy cậu phê bình:
- Tôi “lưu bình” anh, không có con mắt quân sự. Địch đánh bom, không trúng miểng thì hai tảng đá này nó ép vào anh cũng chết.
Tôi nhận khuyết điểm ngay.
Hai thằng mặc hai bộ cộc ướt đi nắm cơm. Tiện bếp lửa còn hồng thế là cởi tất ra sấy. Ngồi nắm cơm trần như nhộng với nhau. Ghê khiếp, mất vệ sinh!
                                                                                 ( Còn nữa )

                                                           Đăng bởi Nguyễn Như Khánh
                                                  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét