19/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 5


Hành quân trên đất Tây Nguyên

Sáng hôm ở Trạm 80 xuất phát, trạm phát cho tôi lá cờ Giải phóng nửa đỏ, nửa xanh, có sẵn cả cán. Tôi phân công đồng chí trẻ nhất, đẹp trai nhất vác đi đầu. Cả đoàn vang lên bài hát “Giải phóng miền Nam”. Tuy chỉ có hai mươi chiến sĩ “tân giải phóng”, ai cũng căng lồng ngực ra, muốn giọng hát của mình to nhất. Bài “Giải phóng miền Nam” hoành tráng cất lên giữa bãi rừng già, biên giới Việt - Lào.
Từ Trạm 1 giải phóng, chúng tôi tự túc hoàn toàn. Lúc này, ống ruốc, bật lửa, dao găm mới phát huy tác dụng tối đa. Các đoàn được trang bị cặp lồng Liên Xô, Trung Quốc thì tiện hơn. Đó là phổ biến chung cho các đoàn thế thôi. Thực ra khối trạm, đối với tốp lính thu dung “quân vô tướng, hổ vô đầu” này, phải “nịnh” chúng nó. Cho ăn ngủ trong trạm, thực phẩm cấp cho có phần ưu ái. Một hôm ở trạm, đoàn có bảy người, ở ngoài bãi, ăn trong trạm. Bãi nho nhỏ ở bờ suối. Gió mát trăng thanh nhưng bụng đói. Anh Nam bảo, chiều đi ăn cơm, tớ thấy có tảng cháy cả khuôn nồi quân dụng đựng trong giá vo gạo để ở chạn chia cơm.
Thế là một lính mới, xung phong “đột kích”, bảo: “Các anh an tâm, em là lính đặc công cơ mà”. Hôm sau mới biết cậu tên là Thái, lính đặc công thật, trang bị AK báng gấp, còn cậu nữa cùng đoàn với Thái mang súng “phun lửa” mạ i-nốc sáng choang. Xơi xong “chiến lợi phẩm”, lên võng nằm. Anh Nam phởn chí thế nào, bắt chước tiếng chó cắn. Nháy mắt là mấy lính trạm mang AK, đèn pin đi lùng sục. Các đồng chí hỏi, chúng tôi chẳng ai nói gì. Mỗi anh Nam chỉ tay bảo: “Nghe tiếng ở hướng này”. Thế là họ đi lùng, cho là biệt kích.
Họ đi, xong anh em cười khúc khích. Cấm thằng nào nói ra, lộ là kỉ luật cả nút đấy. Anh Nam bảo vậy.
Từ huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ra đi đến nay được hai tháng rưỡi, ba tháng. Đầu tháng 11 dương lịch, cỡ đầu tháng 10 Âm lịch, độ này hợp tác xã quê mình đang gặt rộ. Đêm nằm trên võng, nhớ nhà, nhớ câu ca: “Bao giờ cho đến tháng mười. Bát cơm đầy cười con cá nằm ngang”.
Đi đến Trạm 3 hay Trạm 5 của Đường dây CO 2. Tôi gặp hai người quen. Người thứ nhất là anh Phố cùng xã, bị bệnh mắt, ra Bắc điều trị. Anh thứ hai là Tưởng Hữu Huệ, năm 1965 là trung đội trưởng của tôi ở F308. Đưa quân vào bàn giao xong, đang trên đường ra Bắc, giờ mang hàm thiếu úy. Trò chuyện vài câu, anh đang cù dù sốt rét. Tôi bấy giờ thấy người ơn ớn sởn gai ốc. Chắc là báo hiệu cho trận sốt thứ sáu sau trận ở Trạm 36 Lào.

                                                      * * *

Cường độ sốt của tôi tăng nhanh. Sáng hôm sau anh Phố và anh Huệ đi ra, đến chào, tôi vẫn nằm trên võng sốt li bì. Sáng đó tôi ở lại trạm, chiều một trạm trưởng, một nhân viên cáng tôi vào Viện 1. Lúc bàn giao, đồng chí trưởng trạm đọc từng thứ ghi vào biên bản, nằm võng tôi vẫn nghe rõ, chẳng thiếu thứ gì. Sau ba tháng rưỡi ra viện, nhận lại trang bị thì mất một bật lửa, một dao găm. Gói mì chính nửa cân, tôi bỏ vào hộp cát tông đồng hồ T108, họ tưởng là thuốc chống ẩm nên vẫn còn.
Nhập viện là tôi được đưa vào lán cấp cứu ngay. Lán đó có mười một giường đánh số từ một đến mười một. Tôi nằm giường số 2. Vào đó chẳng biết trời đất là gì. Sau tỉnh dần, y sĩ, y tá họ bảo: “Cậu nằm trên hai chục ngày”. Thế mà tôi cứ ngỡ hai, ba ngày là cùng. Có lần tỉnh một chút, y tá hộ lý bón sữa cho, có nuốt được đâu, nó trào ngược chảy ra gáy thấy âm ấm. Tỉnh hơn một chút nữa, thấy ba bề giường nằm họ chắn nứa như kiểu cũi lợn. Tôi hỏi y sĩ Lại Quốc Ư, anh bảo: “Làm vậy để cậu khỏi lăn xuống đất”. Rồi lại li bì, lại tỉnh. Có lần tỉnh thấy mình trần truồng đắp chăn. Hỏi anh Ư, anh bảo: “Cậu ỉa đái, hết quần áo thay. Hộ lý giặt chưa khô nên mượn tạm quần áo của anh em khác mặc cho cậu”.
Dai dẳng đến hơn tháng mới tỉnh hẳn. Hết sốt. Rồi một hôm, suốt đêm, rất nhiều lần anh Ư đến đo huyết áp cho tôi. Lần nào kéo tay ra đo tôi cũng biết. Đêm đó ít ngủ, người tỉnh táo. Mấy hôm sau khỏe hẳn, ăn biết đói. Lán cấp cứu ăn chế độ bốn mươi đồng, là chế độ cao nhất. Ăn không hết tiêu chuẩn, nhân viên nhà bếp lại làm bánh nướng, bích quy, kẹo lạc, bánh rán phát cho ăn tối để cho hết tiêu chuẩn bốn mươi đồng nhà nước cho nhưng nào có ăn hết được.
Lán cấp cứu đó, báo ăn gì cũng được như: cơm, cháo, bún, bánh cuốn, mì, phở, sữa, bún riêu cua… đều có.
Tối hôm ấy một số anh em ăn không hết kẹo bánh, cho tôi ăn tiếp. Sáng dậy tập thể dục nhẹ nhàng. Ngồi ở ghế trước cửa lán. Anh Ư xuống lán cấp cứu kiểm tra, ngồi cạnh bảo là: “Tối hôm nọ tớ tưởng cậu chết mất. Huyết áp tụt quá thấp”.
- Hôm đó em thấy người bình thường, tỉnh táo, lần nào đo em cũng biết. Nhưng thấy anh sì sụp suốt đêm em cũng thấy lo lo.
- Qua đoạn hiểm nghèo rồi, cậu yên tâm điều trị cho khỏe. Cậu họ Lại à?
- Vâng.
- Quê đâu?
- Đông Anh, Hà Nội ạ.
- Tớ cũng họ Lại, quê Thái Bình.
Vài câu chuyện vậy, anh lại đi làm chuyên môn của mình. Người y sĩ cùng họ, tuổi chạc bốn mươi. Giống bác nông dân thuần túy hơn là thầy thuốc. Anh Ư là người thường cho máu để tiếp cho bệnh nhân khi cần.
Hộ lý bỏ những đoạn nứa chắn, giường số 2 tôi thoáng đãng. Đôi khi ngồi dựa lưng vào liếp chắn ở đầu giường xem nhân viên làm thủ tục tử sĩ ở giường số 1, số 3. Hai cô I-eo và I-mốt là người dân tộc, chuyên trách hộ lý của lán cấp cứu. Mang hai tấm ni-lon màu cánh gián. Mỗi anh một tấm dài năm mét, cuốn từ đầu đến chân, rồi vác lên nhà xác. Tôi tự hỏi: trên tháng nay nằm giường số 2 này, không biết mấy người chết ở giường số 1 và số 3 rồi nhỉ?
Một buổi tối, có đồng chí nằm giường số 11 mới vào. Đi ra ngoài, chắc là đi đại tiện. Tôi thấy lâu lâu không về, lần ra xem, thì ra nằm gục trên đường đi. Tôi gọi I-eo, I-mốt cõng về cấp cứu. Vài hôm khỏe, anh cùng tôi ngồi trên ghế nứa ở cửa lán. Tôi hỏi:
- Tên gì, quê đâu ta?
- Em tên là Thường, quê Hà Nội.
- Huyện xã nào?
- Em ở Nam Hồng, Đông Anh.
- Thôn nào?
- Đìa ạ.
- Tớ ở Vân Trì, có quen ai ở Vân Trì không?
- Bạn học thì nhiều, nhưng nhà em quen bác Bao, bác Hát.
- Thế cậu là con ông Chuyên, ông Mừng à?
- Vâng, thầy em là Mừng, chú em là Chuyên ạ.
Gia đình tôi quen gia đình nhà anh từ năm 1943, 1944. Khi chú Bao của tôi và chú Chuyên của anh là lính Khố Lục canh gác ở dinh tuần phủ Phúc An. Cùng được tổ chức Việt Minh ở trong binh lính do ông Nhân người Chi Đông giác ngộ. Lấy cớ tối thứ 7 đi phố chơi, ba người lần mò vào Khả Do, Lâm Hộ để họp Việt Minh. Ba người lính quen nhau, ba gia đình gắn bó, đi lại chơi bời với nhau từ ấy.
Nhà ông Nhân ở Chi Đông, chỗ ga Thạch Lỗi đi vào gần đồi Kim Anh. Cách nhà tôi cỡ tám ki-lô-mét. Nhà ông Chuyên ở trung điểm.
- Tớ là con ông Hát.
Cách gọi ở vùng tôi như vậy. Anh tôi tên là Hát, thì bố tôi gọi là bác Hát, già gọi là ông Hát, cụ Hát. Ông nội tôi còn ít tuổi gọi là ông Hát, già gọi là cụ Hát. Bố mẹ ông bà mất tên tục. Tên tục chỉ dùng khi cãi, chửi nhau thậm tệ mà thôi. Còn cãi nhau thường, tên tục còn “dự trữ”, chưa đến độ phải “xuất ra”. Mấy khi con biết tên tục của thầy bu, cháu biết tên tục của ông bà.
Chú tôi có tám cô con gái, nên vẫn gọi là Bao, ít tuổi gọi là anh Bao, chú Bao, bác Bao, ông Bao, đến cụ Bao là chết.
Ngồi nói chuyện, anh Thường mới biết tôi cứu anh tối qua. Anh bảo: anh không phát hiện ra thì em chết, nay đã trương phềnh, có mùi khăm khẳm rồi.
Tôi và Thường ngồi nói chuyện thì thấy anh Nà đến. Ớ cái khoa nội 4 đó, từ nhân viên cho đến bệnh nhân, trừ mấy anh nằm cấp cứu ở lán thập tử nhất sinh đang trực giờ là không biết anh mà thôi.
Nước da trắng như trứng gà bóc, sức vóc cân đối, đẹp trai lồng lộng. Chắc hẳn không phải anh điều trị sốt rét mà là điều trị bệnh mãn tính gì đó. Bộ tóc đen nhánh vốn đã mượt lúc nào anh cũng chải chuốt cho mượt thêm. Quân phục lúc nào cũng gọn gàng. Cái dáng ấy thì mặc gì chẳng đẹp. Quần nâu áo vá, “quần mê áo đụp” cũng đẹp tất.
Nghĩ mà buồn cho mình, tóc rễ tre cứ chong chỏng như lông nhím khi nó tức giận. Nói “lông nhím” có người không biết. Thế thì như hoa gáo, mà “hoa gáo” cũng có người không biết cây gáo, thế thì như cổ hai gà trống khi chúng lấy thế chuẩn bị giao chiến thì ai cũng biết. Nói vậy cho nó “đại chúng”, có mà phết cả lọ va-dơ-lin hay bi-xăng-tin nó cũng chẳng mượt được.
Thân hình thì đã mô tả ở trên rồi, tôi có mà đắp gấm, đắp vóc vào cũng không đẹp được. Nên hôm lĩnh quân trang đi B, tôi chùn lại lĩnh cuối cùng. Nói với thủ kho: “Báo cáo đồng chí, tôi lấy quần ngoại cỡ, áo số 3”. Thủ kho không phát, bảo: “Vóc của đồng chí thế kia chỉ lĩnh số 3 là số nhỏ nhất thì vừa”.
- Không, tôi áng rồi! Quần ngoại cỡ, áo số 3. Nếu không thì thôi. Không có quân trang mặc để đi B là đồng chí chịu trách nhiệm.
Nói ảnh hưởng đến đi B, thủ kho sợ. Cấp ngay cho xong, đỡ rắc rối.
Về nhà ở, xé béng bớt bốn ống quần, cáp vào làm bao gạo. Thế là anh em có một bao đựng được bốn cân gạo. Tôi có hai bao đựng được những tám cân.
Đúng là trời phú cho anh em thân hình nghĩ mà thèm, mong ông trời san bớt cho tôi một chút. Chả cần nhiều, chỉ cần cái dáng cao thêm chút nữa là toại nguyện lắm rồi.
Anh Nà mang hàm trung úy, lính nghĩa vụ thí điểm năm 1957 của tỉnh Vĩnh Phúc, đang chức tham mưu trưởng tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 66, lúc nào cũng mang K54 bên hông. Đã có thời câu ca thịnh hành:
                             Một yêu chính cống Bắc Kỳ,
                        Hai yêu súng ngắn đen sì bên hông.
                                 Ba yêu bát sứ bỏ bồng,
                      Bốn yêu văn hóa phổ thông lớp mười
.
Tôi chợt nghĩ, ra trận, thằng địch nào dương súng lên chắc phải hạ xuống, không nỡ xiết cò, vì thế thì tiếc quá!
Ngồi lúc lâu nói chuyện với Thường, anh Nà mới ngoảnh sang bảo tôi: “Vài hôm nữa mình ra viện, cậu bảo hộ lý giặt quần áo cho khô, mình đến lấy”. Hóa ra bộ quần áo tôi đang mặc là anh cho mượn. Giặt xong, phơi khô gấp lại, I-eo mang đến để ở đầu giường tôi. Mấy hôm không thấy anh đến lấy. Hỏi ra thì anh đã về Trung đoàn 66. Đi B2 mà tôi có những ba bộ ka-ki Tô Châu, Trung Quốc!
Ăn khỏe, ngủ khỏe, người khỏe mà vẫn ở cái lán cấp cứu này, ăn chế độ bốn mươi đồng thì khoái đấy, nhưng thỉnh thoảng lại thấy nhân viên, hộ lý mang năm mét ni-lon màu cánh gián đến thì sợ khiếp vía.
Hỏi anh Ư, anh trả lời, hồng cầu còn thấp lắm, chỉ trên một triệu, cứ nằm lán này đã.

                                                    * * *

Cuối tháng Chạp năm 1967, đầu tháng Giêng 1968, Viện huy động bệnh nhân đi tải gạo, để rút nhân viên đi công tác phục vụ cho đánh lớn.
Lán cấp cứu hai người xung phong đi là tôi và Đức. Đức mới vào nằm giường số 1 cạnh tôi. Đồng chí cũ chuyển ra nghĩa trang rồi. Hỏi chuyện mới biết quê anh ở bến đò Lo, thuộc huyện Đa Phúc (nay là Sóc Sơn), nằm trên đoạn đường nhựa từ Phủ Lỗ đi chợ Núi, chợ Chờ, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Đã thời kỳ tôi và anh Đức học trường tỉnh. Trường đông, những 2500 học sinh từ lớp 5 đến lớp 9, nên chưa biết nhau. Giờ mới nhận nhau là bạn đồng môn trường tỉnh. Năm 1956 là cải cách giáo dục, từ chín năm phổ thông lên mười năm. Hè năm 1957 là không có học sinh phổ thông vào đại học. Khóa 1956 - 1957 ở trường tỉnh có lớp 9 là cao nhất. Như lớp anh Ngô Văn Phú, anh Phan Quốc Sủng… Sau đến khóa 1957 – 1958, các anh tập trung vào Trường Hùng Vương, Phú Thọ học lớp 10. Chứ Trường cấp 3 Trần Phú, Vĩnh Phúc chưa có lớp 10. Anh Trần Tình, Trần Bột, Phạm Gia Ngữ… là học lớp 10 đầu tiên của Trường Trần Phú - lớp 10 thứ hai của cải cách giáo dục lần thứ nhất...
Lớp tôi, anh Nguyễn Quý Khang nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Xuân Hòa, nhạc sĩ Trần Ngọc Huy, anh Đặng Đức Nga, Nguyễn Đình Xuyên, Hinh Anh đạo diễn phim truyền hình… là lớp 10 thứ ba của Trường Trần Phú và là lứa thứ tư của cải cách giáo dục lần thứ nhất.
Tôi và anh Đức đến chỗ tập trung đi tải gạo, ông trưởng khoa biểu dương “Triệu hai hồng cầu cũng xung phong đi tải gạo. Đó là lấy tinh thần. Giờ hai đồng chí... về lán nghỉ”. Tôi và Đức cứ đi. Cả đi lẫn về vào mười ki-lô-mét. Tôi tải được tám ống thịt hộp, gạo một cân. Về lán xuống suối rửa chân tay mặt mũi, người khoan khoái.
Sáng hôm sau anh Ư kiểm tra vẫn triệu hai hồng cầu. Anh bảo ổn định rồi, chuyển tôi xuống lán 10A. Ăn chế độ mười đồng một ngày.
Tôi sắp sửa ba lô xuống lán 10A cách đó vài chục mét thì nhân viên Viện 1 cũng vác anh Đức cuốn tròn trong năm mét ni-lon ra nghĩa địa.
Tử vong lúc này xảy ra luôn, coi nó là bình thường, rồi chốc lát tạm quên đi để tập trung vào các việc khác. Mỗi cá nhân sẵn sàng chờ đón cái đó không may ập đến với mình. Lán 10 có 10A, 10B, 10C… Hỏi ra biết còn có lán 6 gồm 6A, 6B, 6C… ăn chế độ bét, sức khỏe nhất. Cứ gì Viện 1, viện nào mà chẳng sắp xếp chế độ ăn và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân theo hàm số Hy-péc-bôn.
Ở lán 10 hơi lâu, biết bao giờ lên lán 6.
Ở lán này, chẳng có việc gì, bệnh nhân suốt ngày đố nhau toán vui. Ví như bài: “Vừa gà, vừa chó bó lại cho tròn đếm đủ trăm chân…”
Rồi bài:
                                   Mấy cô cắt cỏ ở ven sông,
                        Tính chuyện bàn nhau việc lấy chồng.
                           Một thiếp hai chàng, thừa bảy thiếp,
                        Một chàng hai thiếp bốn chàng không.
                       Hỏi có bao nhiêu chàng, bao nhiêu thiếp?
Được một ngày còn là lạ, ít chuyện, nằm đắp chăn đến cổ nghe. Có chỗ họ tranh luận nhau, tự cười một mình.
Đặc biệt lán 10 có anh Khánh, người Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình. Người tinh nhanh, đôi mắt lá răm, sắc, giọng nói lanh lảnh. Đặc biệt cặp môi hình trái tim, đẹp tuyệt. Anh cứ như là nhân viên của Bộ Ngoại giao chứ chả phải bệnh nhân.
Ngồi ở giữa giường, đắp cái chăn đơn lên tận rốn, lúc nhờ người nọ, người kia lấy hộ cái này cái khác, thì ra anh bị liệt hai chân. Bữa cơm, hộ lý bưng đến tận nơi, có bữa anh em trong lán lấy hộ, trả bát đĩa hộ là thường lệ. Có hôm mải chơi, anh lại nhắc: “Các cậu mang hộ để nhà bếp có cái chia”.
Ở lán 10, hàng sáng bệnh nhân phải tự lên phòng tiêm, tiêm thuốc, uống thuốc.
Hôm ấy thế nào, chín giờ đến lượt tiêm. Bỗng L19 bắn điểm, thế là một tốp trực thăng lên, quần đảo ở chỗ cách khoa nội 4 không xa. Chúng bắn hỏa tiễn “xè đùng”, xong bắn 12 ly 7 dai như “bò đái”, quần chừng cả giờ đồng hồ.
Khi L19 bắn điểm. Tôi chạy ở phòng tiêm về, cả lán đi đâu hết chẳng còn ai. Mỗi mình anh Khánh vẫn xoay tròn cái mông ở trên giường. Bấy giờ trực thăng mới đang bắn hỏa tiễn. Tôi kéo anh ra ria giường, chìa lưng, nhún người xuống. Anh bấu chặt lấy vai tôi. Tay bế đít lạnh ngắt, hai chân anh cứ sưỡn thẳng đừ ra, không gập lại được. Tôi đi lửng thửng lên lán cấp cứu, ở đó có hầm trú ẩn. Nói thật là không đủ sức để đi rảo bước và chạy. Trên đường đi vào ba bốn chục mét ấy. Để át tiếng trực thăng đang phành phạch, anh hỏi to: “Có phải anh là đảng viên cộng sản không?”
- Thôi đi ông, bấu chặt lấy. Hỏa tiễn không chết mà chết ráo về ngã bây giờ. Sốt rét nhiều, gan to, lách lớn, ngã dập là chết.
Loạng chà loạng choạng mới cõng lê anh đưa xuống hầm lán cấp cứu. Còn lán này đôi người xuống được. Toàn dạng mười phần chết, một phần sống. Có khi nằm ở trên không chết, đưa xuống hầm, lúc báo an đưa lên đã chết queo rồi.
Xong, theo đường mòn, tôi chạy ra hướng hố xí. Núp dưới gốc cây khá to. Chỗ đó hơi quang đãng, quan sát xem HU1A nháo nhào hướng nào để liệu độ xoay tròn gốc cây mà tránh đạn. Giờ chắc hết hỏa tiễn rồi, chỉ è è những loạt 12 ly 7, có khả năng nó bắn đại liên Mã Lai thì đúng hơn.
Sau lúc báo an mới vỡ lẽ ra là, mấy ông tướng bắt cá ở chi nhánh sông Sa Thầy. L19 quần. Thấy lộ, các ông chạy về phía viện. Cứ theo hút, nó oanh tạc vu vơ, nguyên do vậy thôi.
Về phía ta có đồng chí chính trị viên Viện 1, xuống kiểm tra khoa nội 4 bị một viên đạn xơi mất ngón chân giữa của bàn trái, hai ngón bên chỉ bị trung, tiểu thương mà thôi, chứ chưa đến trọng thương. Ở phòng tiêm ngồi trên ghế đẩu cho y tá băng bó, đồng chí phát lệnh luôn: “Tất cả các lán, kể cả nơi công cộng đều phải có công sự trú ẩn”.
Tôi cũng ở đó, chờ tiêm, thấy đồng chí cởi mở, dễ tính nên: “Báo cáo chính ủy quân y Viện 1, thì ra địch nó ra lệnh hiệu lực hơn là “ta” ra lệnh cho “ta” ạ. Đồng chí sốt sắng làm một hồi: “Đúng! Đúng! Đúng!…” Đồng chí nói tiếp: “Hôm nay tôi mất một ngón chân, chứ đồng chí khác mà mất thì lệnh đào hầm trú ẩn còn lâu mới phát ra. Đó cũng là bài học trong ghế chính trị của tôi”.
Về lán, anh em tụ tập đầy đủ, chờ cơm trưa bàn tán rôm rả.
- Không phải anh Khánh ạ, tôi là đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam chứ không phải đảng viên cộng sản. Móc túi áo ngực lấy cho anh xem giấy giới thiệu sinh hoạt đảng.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam. Từng giai đoạn có tên cho phù hợp, có tính chất sách lược. Thực chất vẫn là Đảng cộng sản. - Anh Khánh nói.
Quả thật, hàng ngày, anh vẫn dùng từ “Đảng viên cộng sản”. Rồi anh Khánh nói chuyện cởi mở:
- Tôi đi nghĩa vụ 1959, đến 1964 lên chức Tư-vụ-trưởng đại đội. Tức là quản lý đại đội. Khi bàn giao đi B, thụt két, bị kỉ luật khai trừ ra khỏi Đảng cộng sản. Vào chiến trường B3 ở Trung đoàn 66. Năm 1966 được thưởng huân chương chiến công trong trận Chư Pông. Được trở lại hàng ngũ Đảng viên cộng sản tại trận. Đánh vài
trận nữa vi phạm kỷ luật chiến lợi phẩm, lại bị khai trừ ra khỏi Đảng cộng sản. Hiện đang hàm thiếu úy, trung đội trưởng công binh, quần chúng tốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh kể trận Chư Pông cho chúng tôi nghe: 
- Trên Bộ giao cho Trung đoàn 66 diệt một đại đội lính Mỹ, thử nghiệm xem có đánh được không. Cả trung đoàn chỉ diệt một đại đội thôi. 
Nhưng trong trận Chư Pông đó thì Trung đoàn 66 diệt gọn một trung đoàn lính Mỹ. Trận đó, tôi là trung đội trưởng công binh. Dẫn đồng chí lính mới trẻ măng, xạ thủ B40. Tôi chỉ thị mục cho đồng chí tiêu diệt địch. Ngồi cạnh thấy cậu ta run quá, tôi bảo: “Tôi chết, đồng chí mới chết, sợ quái gì!”. Thế là đồng chí ấy vững tâm “khạc” một phát, hỏa điểm địch im bặt. Quân ta xung phong. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi cho đồng chí về tuyến sau. Ngang đường gặp đồng chí tiểu đoàn phó bắt quay lại: “Em hoàn thành nhiệm vụ, chỉ huy cho về tuyến sau”. Đi được vài bước thì quả cối tép bắn, đồng chí bị gãy chân, kêu la, chúng bắn quả nữa, đồng chí bị hy sinh. Cái huân chương chiến công tôi được cấp là đồng chí ấy có một nửa. Đồng chí ấy hy sinh, tôi đại diện đeo cả. Các đồng chí thử xem: Một E diệt một E thì sự ác liệt như thế nào? Cá biệt anh em có thành tích, bình cho huân chương chiến công, sợ quá bỏ ngũ chuồn sang Cao Miên, Ai Lao ra dân làm ăn. Tôi cũng sợ, trọng danh dự không bỏ đi”. Xong anh lại tính tiếp: “Một số anh em vào chơi cho biết, đơn vị đang chuẩn bị cho đánh lớn. Tôi tiếc quá, bị liệt mất hai chân, phải nằm đây. Giá như ở đơn vị đánh vài trận, lên Trung úy. Được ra Bắc học, ra trường cái hàm thượng úy sẽ đến với tôi. Còn phấn đấu trở lại hàng ngũ Đảng viên cộng sản phải lâu dài, bền bỉ cả đời mình”. Anh chớp chớp đôi mắt “lá dăm” và hạ giọng xuống nói: “Tôi nghĩ chỉ có người Đảng viên cộng sản mới đóng góp nhiều những hành vi vào kho tàng về lòng nhân ái của nhân loại”. Đến đây, anh em trong lán phá lên cười, làm phá tan không khí nghiêm trang. Người lính thổ lộ từ trong tâm trí, mặc dù lời diễn đạt chưa toát ý. 
Có anh giọng Nghệ Tĩnh nói: “Ông hạ úy liệt hai chân ngồi đây vẫn mơ vào đội ngũ sĩ quan trung cấp, mà ông trở thành nhà văn từ bao chừ rứa?” 
Anh em lại phá lên cười. Giải tán. Xách bát đi ăn cơm. Vừa lúc, cô hộ lý mang cơm cho anh. Cậu nữa đế tiếp: “Ông mới có tiểu úy mà đã có một phục vụ, ông mà lên thượng úy phải có đến ba người phục vụ”. 
Từ ấy, anh quý mến tôi, kể cho tôi những kinh nghiệm trong chiến đấu, kinh nghiệm chống tránh khi có pháo địch. Anh phàn nàn: “Anh vào B2 còn xa lắm!”. Rồi anh phổ biến cho tôi kinh nghiệm đi trên đường dây. 
Sau một thời gian, coi chừng đã ngấm thuốc viện, chân anh Khánh đỡ dần. 
Sau hôm nó đánh, theo chỉ thị không văn bản của chính trị viên Viện 1, khoa nội 4 triển khai đào hầm trú ẩn cho các lán trại. 
Một anh nhân viên vác đống xẻng, cuốc đến lán tôi. Anh Khánh thì không đào được rồi. Còn mấy cậu quê Nghệ Tĩnh, lấy lý do sắp ra viện về đơn vị chiến đấu nên không đào. Còn tôi chẳng có lý do gì thì làm sao không cầm cuốc, xẻng đào được. Thế mà túc tắc mãi cũng xong được cái hầm trú ẩn đúng quy cách viện đề ra. Tối đến trời lành lạnh. Mỗi lán đào cái hố vuông chữ nhật ở giữa nhà. Đốt lửa sưởi ấm. Có nắp đậy đan bằng nứa. Có máy bay đậy lên kẻo phát ra ánh sáng. 
Anh Khánh quyết tâm rèn luyện đi lại, có tiến triển rõ rệt. Chẳng mấy, anh cũng xung phong đi tải gạo. Chân bước đi không khuỳnh được, cứ ngang sưỡn ra, đi khập khà khập khiễng, ngượng nghịu hơn cả con rối gỗ. 

                                                   * * * 

Trước một tuần đến tết Mậu Thân, tôi và một số anh em chuyển sang khoa nội 3 cách nội 4 vào 500 mét, ở sườn núi bên kia. Các tiêu chuẩn ăn tết đã dự trù ở nội 4 rồi. Đến đó ở một lán tám người. Anh em bệnh nhân đều khỏe như chẳng có bệnh tật gì. Chỉ có tôi không có tiêu chuẩn tết. Tôi lại được nội 3 cử làm trưởng lán. Tiêu chuẩn tết cho một bệnh nhân là một lạng thịt trâu, một bánh chưng. Ăn bữa chiều 30 và bữa sáng mùng một là hết tết. Đón giao thừa, đồng thời cũng là nổ súng “Tổng tiến công” trên phạm vi toàn miền Nam. Tám người ngồi quanh bếp lửa sưởi chờ tin thắng trận. Nhân viên viện đến báo “Cho người đi lĩnh thuốc lá!”. Tôi cử anh Chấn cấp chuẩn úy. Trước khi đi B là công vụ cho ban chỉ huy quân khu Tây Bắc. Lĩnh về được một điếu Điện Biên, anh bảo: “Có hai loại là A-ra và Điện Biên. Anh bảo tôi lĩnh Điện Biên để cho có không khí tết Bắc Kỳ”. Tám người ngồi quanh bếp lửa, luân phiên nhau hút, đến lượt anh nào cũng tóp má vào mà rít, khiến cho điếu Điện Biên cháy thò ra cái lõi đỏ chót, dài ngoằng ngoẵng. Một lát lại có tin cho người đi lĩnh rượu. Ông dân tộc Tày nghe vậy sáng mắt ra, nhận với tôi là “Cho em đi!”. Thế là xách hai đùm tám bi-đông, loảng xoảng mang đi. Anh em ở nhà nóng ruột, hí hửng thế nào cũng có cái nhâm nhi trong ba ngày tết. Định cử người đi đón thì cậu ta đã lục đục trở về. Quẳng hai túm bi-đông xuống giường. Họ đong cho hai nắp bi-đông, em uống hết rồi. Chúng tôi tưng hửng, lại uống chè tự sấy, hút thuốc “Lào Thưng” tự cuốn. 
Ở vùng đó có chè rừng. Anh em dân tộc họ biết ngắt hái, vò sấy sao, tuy ngai ngái nhưng uống tốt chán. 
Trong lán đó có đồng chí 17, 18 tuổi trẻ măng, người Thái Bình, chưa đến tuổi nên khai man để nhập ngũ, bị tâm thần nhẹ. Cậu hay hát chèo, lúc bảo hát thì lại không hát, yêu cầu cho em điếu thuốc mới hát. Trưa ngủ “dân ca chèo” không theo yêu cầu thính giả, cứ inh ỏi, lại bảo cho em điếu thuốc mới thôi. Thế là lại vấn cho cậu điếu “Lào Thưng”. 
Đoàn Văn công xung kích B3 đến phục vụ tết. Biểu diễn ban ngày, tốp ca nữ có năm, sáu cô hát bài “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”… Nhìn rõ, cô nào cô ấy mặt xám ngoét, môi thâm xì. Ông trưởng đoàn bị thương vào quai hàm, vẫn còn băng bó, ngồi đệm cùng tốp nhạc công bằng nhạc cụ ống nứa. Tức là hai tay ông cầm hai dóng nứa dài cỡ bảy, tám mươi phân, thủng hai đầu. Ông giọng xuống đất, tiếng phát ra “cúc cùng cung”, nghe cũng hay, ăn nhịp với tốp nhạc công ra phết. Nhạc cụ của ông trưởng đoàn này mà đệm cho bài “Sóc Bom Bo” thì hết ý. 
Hôm sau, anh chị em văn công tỏa xuống các lán, phục vụ theo yêu cầu của bệnh nhân. Đến lán tôi, mấy cô diện quân phục màu đã bạc, rộng thùng thình, mặt vẫn xám ngắt, môi vẫn thâm xì. Ngồi nói chuyện hay lúc hát nổi gân xanh ở cổ. Tôi chạnh lòng thương các cô thực sự. “Thương” là thương kiểu miền Bắc, chứ không phải thương kiểu miền Nam. 
Cậu tâm thần, yêu cầu các cô văn công hát bài “Xuân chiến khu” nhiều lần quá, các cô mệt lả đi. Lại yêu cầu cho em điếu thuốc em mới không bắt hát. Lại phải vấn cho cậu điếu thuốc. 
Nghe đâu, trong trận đánh, cậu bắn những tám quả B40 nên mới bị tâm thần như thế, nay an dưỡng ở đây chờ đợt ra Bắc điều trị. 

                                                 * * * 

Tôi đoán Viện 1 cách Đắc Tô, Tân Cảnh không xa, vì hôm còn nằm ở khoa nội 4, nhân viên đi các lán thông báo “Tối nay pháo kích Đắc Tô, Tân Cảnh, các đồng chí thức đón xem”. Đến giờ pháo kích, tôi thấy nháng chớp, rồi tiếng nổ lục bục như khi nhỏ ở nhà rang ngô, gần được, đậy vung vào cho khỏi tung bắn ra bếp tro. 
Mùng 3 tết 1968, tôi trở lại lán cũ chơi ở nội 4. Anh Khánh vẫn ở đó. Viện lúc này lèo tèo như chợ chiều. Bệnh nhân ra gần hết, nhân viên đi tiền phương. Anh Khánh mừng lắm, bảo: “Tôi nghe tin khoa nội 3 vài đồng chí chết. Hôm mùng 1, tôi sang đó tìm anh mà không thấy, chán quá. Tưởng là…” Anh chỉ lên tường liếp nói: “Chiếc bánh của anh họ phát cho vẫn treo kia. Định chiều nay lại mang sang tìm anh”. 
- Thế không ăn béng đi? 
- Không được, phải đưa tận tay anh chứ. 
Tôi bóc bánh, cả lán ăn, mừng xuân, mừng chiến thắng. 
Lúc ra về, tôi bảo: “Ta chia tay ở đây, chẳng biết hôm nào tôi ra viện đi tiếp vào B2. Hẹn ngày chiến thắng gặp nhau”. Nay chiến thắng đã 28 năm rồi mà 35 năm chúng tôi vẫn chưa gặp lại nhau. 
Lúc chia tay anh Khánh có phàn nàn: “Tôi có nhắn thằng em con cô, ở cùng đơn vị mang vào cho cái ba lô. Để lấy cho anh cái đồng hồ và mấy thanh sâm của chiến lợi phẩm. Bận chuẩn bị cho đánh lớn, nó không đến Viện được”. 

                                                     * * * 

Độ cuối tháng Giêng Mậu Thân, tôi mới ra viện đi tiếp. Lại được cử làm trưởng đoàn thu dung. Ba trạm đều suôn sẻ. Giữa đường từ Trạm 3 sang Trạm 4 bị rắc rối. Chả biết trạm nào làm mất giấy ra viện của tôi. Khi giao quân cho Trạm 4, họ không nhận, cứ nhùng nhằng. Tôi bảo: “Thế thì cho tôi quay về Viện để lấy giấy giới thiệu”. May, hôm ý lại có đồng chí trưởng Trạm 3 cùng đi công tác. Đồng chí bảo: “Người vào chẳng có lấy đâu người ra, thôi tôi viết cho”. Thế là kê vào đùi viết cho tôi cái giấy giới thiệu. Đồng chí giao liên Trạm 4 mới nhận.
Đến Trạm 5 tính từ Viện 1 đi, nếu tính từ sau Trạm 80 Đường 559 nó phải là Trạm 10. Là leo một cái dốc một nghìn một trăm bậc. Anh em bảo: “Thế chứ hơi đâu mà đếm cho mất công”. Có người còn gọi là dốc Nguyễn Chí Thanh. Đúng là giao liên họ đẵn cây, đẵn nứa cạp thành bậc thật. Lên cao cao cỡ gần đỉnh nhìn xuống, thấy lô cốt địch, căn cứ địch gần lắm, ngay dưới chân núi. Họ bảo đấy là các huyện A Sầu, A Lưới. Tôi bảo: “Bậy nào, râu ông nọ cắm cằm ông kia”. A Sầu, A Lưới là ở đất Thừa Thiên, quê của Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, còn đây là đất Kon Tum làm gì còn A Sầu, A Lưới nữa. Viện 1 nằm ở ngã ba Đông Dương tức là Plây Kần. Đấy là căn cứ Sa Thầy thì có lý.
Sau trạm đó đi chung với đoàn Vĩnh Phúc 800 quân do đại úy Quảng làm tiểu đoàn trưởng, người Hoa Lư. Hôm thì cho đoàn thu dung chúng tôi đi đầu, hôm cho đi cuối. Đoàn lúc năm, lúc ba, lúc bảy, lúc hai, thậm chí lúc độc rồi lại ba, năm, bảy, chục... Các đại đội họ đề các tên như: Trung dũng, Kiên cường, Quyết thắng… Phù hợp với đoàn quân ra trận, cũng hay. Cuối của Kon Tum lúc thì đi trên đất Campuchia, lúc thì đi trên Kon Tum, Gia Lai. Đi qua các Sóc Campuchia họ còn đề khẩu hiệu tiếng Miên không biết, chỉ biết tiếng Việt ở dưới là “Hoan hô Quân giải phóng”. Mấy trạm đoàn ông Quảng đi công khai, qua những bãi trống hàng giờ đồng hồ. Những bãi đất trống khô cằn, những cây dầu non bắt đầu đâm chồi. Cây dầu, lá to như lá khoai sọ. Có trạm giao liên phổ biến rằng: “Nếu địch đánh, đội hình tan tác, bị lạc. Các đồng chí cứ hướng Đông mà đi. Gặp địch thì nó bắn chết. Gặp mình thì tìm được đơn vị. Chứ chạy theo hướng Tây thì không chết vì địch thì cũng chết vì khát”.

                                                       * * *

Một hôm, trong lúc giải lao ở sườn đồi, cây cối rậm rạp, có đồng chí bảo tôi nhập vào đoàn mình, khỏi tự nấu nướng đỡ khổ. Tôi bảo:
- Không được, tôi đi đoàn đặc biệt, Bộ khống chế quân số.
- Thế là đoàn gì?
- Bí mật quân sự!
Có đồng chí người gầy gầy, xương xương chừng 35, 37 tuổi, ngồi cách tôi cũng xa xa, nghe tôi nói chướng tai mới trỗ lên: “Cùng lắm là “lái tên lửa vượt đại châu” chứ gì mà phải bí mật quân sự”.
Anh em cười ồ lên. Thì ra đồng chí người làng Dục Nội, cùng huyện, công tác ở tỉnh Vĩnh Phúc, đồng hương cùng huyện gặp nhau quá vui mừng.
Hôm ấy đến trạm sớm, chỉ cỡ 12 giờ trưa. Cả đoàn ông Quảng và chúng tôi nghỉ lại. Đồng chí tham mưu trưởng tiểu đoàn, hàm thượng úy vào trạm liên hệ làm việc. Gặp đồng chí nuôi quân của trạm, ngồi ngoảnh mặt vào trong bóc sắn. Thấy cả đống sắn to tướng. Quý tham mưu trưởng hỏi:
- Này, đồng chí ơi. Cho đoàn tôi ít sắn nấu canh!
Đồng chí nuôi quân chẳng thèm ngoảnh mặt xem ai hỏi, mà rằng:
- Lính tráng có suất, muốn sắn bỏ gạo đây!
Khi tường mặt thì ra là hai bố con. Hội ngộ nghẹn ngào. Ông Quảng cho tham mưu trưởng ở lại trạm đó một ngày chơi với con. Chiều ấy đoàn 800 lấy mấy khiêng sắn về, tha hồ mà nấu súp với thịt hộp. Ấy là tôi đoán vậy, chứ biết họ nấu gì. Trạm này ở ria suối ven rừng dầu thưa, chiều ấy cấp cho đoàn ông Quảng hai con trâu để thịt.
Hôm sau, đoàn quân lại đi vào tiếp. Khi chuẩn bị xuất phát, tôi nhận ra anh Kỳ, quê ở xóm Thị, làng Xuân Phương, xã Phúc Thắng, huyện Kim Anh, Vĩnh Phúc (nay là Mê Linh, Vĩnh Phúc). Cuối năm 1956, tôi trọ học ở đó. Anh là bạn cày với ông chủ nhà tôi ở trọ, nên hồi ấy tôi biết anh, anh cũng biết tôi. Năm 1957, anh đi nghĩa vụ đợt thí điểm. Năm 1960 phục viên, vào tổ cày của hợp tác xã. Tổ cày lại hay tụ tập nên tôi và anh càng quen. Giờ anh tái ngũ mang hàm thượng sĩ, y sĩ tiểu đoàn của ông Quảng. Gặp nhau mừng rỡ, anh hỏi:
- Hôm qua được ăn thịt trâu không? - Anh Kỳ hỏi.
- Không ạ.
- Lúc giải lao tớ cho một nửa, D bộ nó phát cho tớ hai cân thịt luộc, để đến trạm tới ăn.
Đến lúc nghỉ giải lao anh rút cái ăng-gô Liên Xô ở túi cóc lớn đưa cho tôi:
- Cho cậu cả ăng-gô mà nấu, nấu bằng ống thịt hộp, rỉ sắt ra tanh với mất vệ sinh.
- Vâng, xin anh, cảm tạ anh.
- Tạ, tạ cái quái gì. Cần thuốc men gì cứ bảo tớ.
Các trạm ấy toàn đi rừng dầu bằng phẳng và qua suối cạn. Cả ngày trời không leo cái dốc nào cao nửa mét. Đến một trạm, suối có nước nhưng ít lắm. Thuộc đất Campuchia hay Gia Lai, Đắk Lắk không rõ. Có lẽ là đầu tỉnh Đắk Lắk thì phải. Nước suối ít, trâu bò rừng hoặc hươu, nai, hoẵng, có khi cả voi xuống uống nước nên có mùi phân thú rừng. Anh em đoàn Vĩnh Phúc của ông Quảng đem màn kéo cá được nhiều lắm. Họ nhặt những con to, những con bằng ngón chân, ngón tay bỏ đi. Mấy người tốp thu dung chúng tôi đến mót. Mỗi anh đầy ắp cặp lồng. Trạm cho số thu dung vào ở một nhà để quản lý nấu nướng, kẻo lửa khói lộ ra máy bay địch đánh cho thì tan xác.
Trên đất Gia Lai và Đắk Lắk cứ diễn ra như vậy. Quen anh Kỳ nên thỉnh thoảng tôi lại được ăn thịt trâu tươi. Tầm này khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 Âm lịch. Nạn thiếu nước trở nên gắt gao. Ở cái trạm đánh cá bằng màn ấy, đúc nước vào bi-đông, đi mấy trạm vẫn có mùi thối. Nhất là bi-đông của tôi bằng nhựa Hải Phòng nên nó giữ mùi lâu. bi-đông của anh em bằng nhôm thì khá hơn. Nhớ cái hôm lĩnh quân trang đi B. Kho giải thích cho là: “Ưu tiên các đồng chí được lĩnh bi-đông nhựa, tiếp cận địch không phát ra tiếng động”. Đúng, bi-đông nhựa nhỏ đựng ít nước hơn, vào đây mới thấy tác dụng thật, giữ mùi thối của phân trâu bò lâu thật. Ưu tiên thật cho cái đoàn đặc biệt do Bộ khống chế quân số!

                                                    * * *

Từ khi ra Viện 1 đến giờ chưa có trận mưa nào ra mưa. Hôm ấy, Đoàn 800 Vĩnh Phúc vẫn ở rừng dầu. Đoàn thu dung tôi còn hai người. Phải đúc nước vào ống nứa đeo hai bên ba lô thì đến đây mới có nước nấu ăn. Ở đây nghỉ một ngày mà đoàn ông Quảng không thịt trâu như các lần trước nhỉ?
Hai người lính thu dung chúng tôi được họ đưa vào một nhà ở bên này suối cạn, bên kia là trạm, nhiều nhà lắm, nhân viên họ ở. Tôi lại sốt rét nhẹ, vẫn đi được chưa phải nằm lại. Đi đường cứ hai tay khoanh lại ôm chặt lấy người cho đỡ rét. Đồng chí kia đau chân nhẹ. Hai người chưa biết tên nhau. Chủ quan là nghỉ một ngày tha hồ mà tâm sự, làm quen. Mắc võng đu đưa. Nhà ở bên kia suối cạn chỉ vài cây lưa thưa, trống trải, không có công sự. Nghĩ bụng đây vẫn là nơi an toàn. Thế thì nó là đất Cao Mên mới đúng. Tầm ấy chỉ khoảng 10, 11 giờ trưa. Nằm tý đã, khoan hãn “nổi lửa lên anh”. Giao liên đến báo: “Lấy thịt bò” và chỉ tay “Đi hướng này, mười lăm phút!”. Rồi anh ta đi biến. Chúng tôi không kịp hỏi lại. Cậu đi thu dung cùng tôi bảo: “Anh sốt rét còn đi được chứ em đau chân, cắt rừng, cây nó chọc vào đau lắm!”.
Thế là tôi đi theo lệnh của giao liên. Đi lòng vòng mãi đến ba, bốn mươi phút mà không tìm thấy thịt bò. Biết là lạc, bèn đứng gọi ầm lên, họ nghe tiếng gọi lại, định hướng tìm đến. Trạm bắn được hai con bò rừng sao mà to thế, trâu “kềnh” vùng mình không ăn thua gì. Cổ nó tròn như cổ trâu chứ không có yếm như bò nhà nuôi. Cặp sừng của mỗi con nó mới dữ tợn làm sao. Từ hai bên đầu phía trên tai mọc thẳng ra phía trước. Hai đầu sừng nhọn hoắt và trong hơn cục nhựa thông hàn thiếc, thế kia thì húc gì chẳng thủng.
Đứng chờ một lúc, họ cắt cho một miếng ba bốn cân, hoặc ngót nửa yến. Tôi cắt rừng dầu, cây con rậm rạp định hướng đi về. Loằng ngoằng thế nào lại lạc. Phải đến 12 giờ mới về đến lán. Tôi và cậu ta chia đôi ra, giờ luộc ăn một nửa, còn nửa xắt ra, ăn xong cho vào cặp lồng, nêm mắm đun lên chiều ăn. Củi sẵn đốt tự do, chỉ có nước là hiếm, phải dè xẻn từng ly từng tý. Vào trạm xin nước để luộc. Chín miếng nào gắp ra miếng nấy. Cho miếng khác vào luộc tiếp. Tôi bảo: “Bò chín tái mới ngọt, cho nên không luộc kỹ. Chén ngay cho nóng”. Không có tương gừng, chấm bằng mắm kem hòa nước luộc. Vừa nấu vừa ăn. Ở nhà các cụ mắng cho là loại “ăn từ trong nồi ăn ra”. Hai chúng tôi đánh xoẳn, lên võng nằm, cuốn thuốc rê hút. Không cần cơm cháo gì nữa. Bữa tối, hai người chỉ nấu bát gạo. Hai người lại đánh xoẳn bát gạo cơm và số thịt còn lại. Đêm đó có trận mưa như trút nước, chẳng sấm chớp gì cả, mà gió máy cũng im. Lán chúng tôi ở chẳng bị tạt mưa. Tôi bảo: “Này cậu, đoàn ông Quảng ở bãi, chủ quan, anh nào không mắc tăng giờ mới chết đây!”
Sáng sau, những vũng nước trên rừng dầu chưa tiêu kịp, có chỗ lội tắm được. Suối thì đầy ắp, chảy xiết. Không vào được trạm, đứng bên này gọi. gọi ầm lên họ mới đáp lại:
- Gọi gì thế?
- Xin thịt.
- Vào đây!
- Không qua được!
- Cứ lần xuôi dòng, có cây bắc ngang leo sang.
Xuôi dòng vài chục mét, cây dầu to lắm đổ bắc ngang suối. Leo lên thân nó đi đàng hoàng, tụt xuống vào nhà bếp. Họ múc cho đầy ắp hai cặp lồng, phải ấn xuống mới đậy được nắp.
Chưa về ngay, còn nấn ná xem họ sấy thịt bò và chuyện trò. Thế nào lại gặp anh Chung người đã đi thu dung cùng tôi bắt đầu từ Trạm 36 ở Lào, bổ sung làm giao liên trạm này. Chừng lâu lâu, chào họ ra về. Đủng đỉnh xách hai cặp lồng thịt nấu sẵn quay trở lại lối cũ. Lấy rá vo gạo lót lá dầu vào đổ một cặp lồng thịt ra, để lấy cái nấu cơm.
Lúc ăn, tôi mới nghĩ: Ồ, thịt của họ nấu, đủ gia vị ngon hơn mình. Lại đánh thoắng một cái hết cặp lồng cơm và cặp lồng thịt bò xào. Cặp lồng kia để chiều, mà cũng chẳng nhét vào đâu được nữa. Coi bộ hai lính thu dung đã gần “bão hòa” thịt bò rừng rồi.
Sáng, sau khi nghỉ một ngày, giao liên gọi chúng tôi cùng đến đoàn ông Quảng và anh Kỳ. Tôi hỏi:
- Hôm kia có được ăn thịt bò rừng không?
Anh Kỳ trả lời:
- Có, lòng còng sỏ, khung, áo, ít thịt xúc.
Anh nói thêm:
- Đi hôm nay nữa là đoàn tớ tập kết, chia tay cậu nhé!
Đấy là Đoàn Đắc Song hay Tuy Đức gì ấy, nhớ không chính xác.
- À này - anh Kỳ lại nói - có cần gì không? Như thuốc chẳng hạn?
- Em vẫn còn, hộp thuốc B2 có mười tám thứ đã dùng tý nào đâu!

                                                 * * *

Sau hôm đó, chia tay với Đoàn Vĩnh Phúc, đoàn thu dung lèo tèo vài người, gồm hai chúng tôi và bốn đồng chí của Quân khu 6 đi công tác về. Cậu chân đau đến nơi tập kết. Còn tôi và bốn lính Quân khu 6 đi với nhau mấy trạm. Thực tế đoàn thu dung giờ còn độc nhất vô nhị. Đoàn bốn người là cùng đi chứ họ phụ thuộc gì mình, mà chẳng phụ thuộc trạm, họ có họ ăn, trạm chẳng phải cung cấp thứ gì. Đoàn Quân khu 6 gồm có anh Ban y sĩ, tuổi ngoài 40, bộ đội miền Nam tập kết trở lại chiến trường, dẫn ba người lên chiến khu lĩnh máy móc, thuốc men cho bệnh viện, nay trên đường về Quân khu 6 (Phú Khánh). Một cô người dân tộc tên là I-go hay là gì, khó gọi quá, nay quên mất. Có lẽ cô là dân tộc có tục “Cà răng căng tai” hay sao mà mồm cứ móm ma móm mém. Hai cậu bé chỉ mười bốn, mười lăm tuổi. Một cậu người Phú Khánh tên là Năm. Cậu kia dân tộc tên là Thêu hay Thiêu không rõ. Các trạm này đi cuối Đắk Lắk là chắc chắn. Có hôm đến trạm chỉ chín mười giờ. Đoàn anh Ban đem theo cả tấm lưới bén đánh cá suối cải thiện. Từ đơn vị, mang theo gạo đi, gửi rải rác các trạm, khi về lấy ăn. Đoàn anh không có tiêu chuẩn trên đường giao liên.
Tôi hay trò chuyện với anh Ban, đôi lúc với Năm. Còn Thêu hay Thiêu và I-go chẳng mấy khi nói chuyện.
Anh Ban bảo:
- Hôm nay đến sớm, hai cháu đi đánh cá cải thiện.
Tôi bảo: “Làm bún”. Mọi người nhất trí. Vì gạo là của họ, quyền họ, tôi hỏi:
- Làm bao nhiêu?
Năm đáp:
- Tùy chú. Tụi cháu khối gạo gửi rải ở các trạm không lo.
- Thôi, “nam thực như hổ”, ta làm năm ca Mỹ.
Năm vặn tôi:
- Chú biểu thế là thế nào?
Tôi nhắc lại và giải thích:
- “Nam thực như hổ” là ăn khỏe như hổ, “Nữ thực như miu” là phụ nữ ăn nhỏ nhẹ, yếu như mèo ấy.
- Cháu hiểu câu đó là nói xấu phụ nữ, ca ngợi con trai. Con trai ăn khỏe như hổ bắt được mồi, tha đến tảng đá to bên bờ suối ngồi ăn, vừa ăn vừa thưởng thức nước suối róc rách trong khe. Còn phụ nữ ăn yếu, ăn nhỏ nhẹ như mèo, hay ăn vụng, ăn ngầm, ăn không đàng hoàng.
Tôi chịu cháu, quả thật chưa bao giờ tôi nghĩ ra ý đó.
Thêu và Năm đi đánh cá. Tôi đong năm ca Mỹ gạo qua suối vào trạm xin ít nước nóng ngâm vào chậu chia cơm của trạm. Một lát, tôi đổ ra rá đem suối vo sạch, rửa luôn cái dần mượn trạm, tãi gạo ra phơi chỗ nắng. Chừng se se. Mang vào trạm mượn cối gỗ, tôi và I-go thay phiên nhau giã bột. Cô giã gạo và ngô bằng cối đó quen nên giã khỏe và khéo lắm. Cô chẳng để tôi thay lần nữa. Mượn dụng cụ của trạm đủ cả, nào dây bột, nào khuôn bún, có cả khuôn tráng bánh cuốn và khuôn làm bánh nướng nhưng hai loại đó chúng tôi không dùng.
Cô rây bột ra nia, phơi cong mới mang vào làm. Số bột của năm ca Mỹ gạo đó, I-go cho vào cái chậu gò bằng thùng bom bi nên khá to. Chỉ nhào một mẻ là xong. Cô lấy cái môi xới cơm để nhào bột. Tôi lấy gáo múc nước sôi đổ vào theo sự điều tiết của cô. Cô làm thứ đó quen, nên bột vừa và quánh đáo để. Khuôn bún của trạm làm bằng hẳn hộp ruốc B. Đục lỗ ở đáy bằng cái chốt CKC, các lỗ đều sân sấn. Gắn trên một ghế băng, như băng của học trò ngồi. Dùng một khúc gỗ đẽo nhẵn nhụi làm pít-tông. Cần ép, một đầu cố định vào đầu ghế băng. Như kiểu con dao cầu của ông hàng thuốc Bắc ấy.
Gỡ pít-tông lên, I-go cho cục bột vào khuôn, rồi cô lấy cái gáo con tráng bánh cuốn, khua tròn mấy vòng. Nước sôi ở trong xoong xoáy tít. Tôi cầm một đầu cần ép ấn nhè nhẹ xuống đều đều. Những sợi bột đùn ra dưới đáy khuôn, cứ thuồi thuồi trôi theo dòng nước xoáy. Khi những sợi bún nổi lên, tức là đã chín. Cô lấy đồ vớt ra, đổ ngay vào chậu nước lạnh để cạnh đó. Sợi nào sợi ý không bết vào nhau. Sau cô vớt lên cái dần để sóng hàng, một lượt. Mẻ sau cô vớt lên để sóng hàng, lượt ngang. Cứ từng lần, từng lượt như vậy cho đến hết bột là xong. Đến trạm lúc chín, mười giờ, mà chỉ sau già hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có dần bún ăn với riêu cá suối nấu lá chua rừng. Riêu cá thì miễn chê rồi, bún chỉ “ngon mắt” chứ không ngon miệng. Vì sợi bún trắng dài dài để có lần có lượt, sóng nuột, nhìn thấy ngon, gọi là ngon mắt. Ăn vào không có vị chua chua của bún, mà vẫn thoang thoảng vị ngai ngái của cơm. Thế thì làm sao mà ngon miệng được.

                                                      * * *

Đến trạm, thuộc đất Phước Long thì phải. Vì tôi thấy có nhiều cây lồ-ô. Chia tay với đoàn anh Ban, anh đi Bình Thuận, tôi đi Tây Ninh.
Ở trạm đó rộng lắm. Tối đó, anh Ban tổ chức liên hoan nhẹ, đi đường anh mua được con gà, ăn xong uống trà, anh Ban nói:
- Mai bọn mình chia tay với anh Hay, tôi tặng anh một “rê” thuốc.
Thế là Thêu và Năm mỗi cháu cũng tặng một “rê”. I-go ngập ngừng một lát, mồm móm ma móm mém, rút một “rê” phần của mình vẫn để ở giường nằm bỏ vào chỗ thuốc của tôi mà ba người vừa tặng. Hôm đó đoàn anh Ban mua hàng căng-tin gồm thuốc rê, kẹo bánh, chè, đường, sữa. Nên chia mỗi người một mô ở giường lán nằm. Hôm sau đoàn anh Ban lên đường sớm. Tôi ở lại nghỉ một ngày.
Chiều đến giao liên dẫn đi qua bãi cỏ tranh rộng là đến bãi khách. Nhà san sát dọc theo bờ suối. Không biết đơn vị nào tập kết ở đó mà đông lắm. Có cả sân bóng chuyền. Bên này chỗ ở vừa rồi có vài cái nhà lèo tèo. Cây cối, nhất là mấy cây lồ-ô xơ xác, như là vừa qua một trận bão lớn mới hồi lại. Hỏi ra mới biết, trạm bị biệt kích đánh cách đó mới chục ngày. Chừng một trung đội biệt kích, trang bị như Quân giải phóng. Chúng đi vào giữa bãi khách đoàn mới nổ súng. Khi đã nổ súng, chúng lật mũ tai bèo về đằng sau, thằng nào cũng đội mũ đỏ bên trong để đánh dấu khỏi chúng bắn vào nhau. Sau gọi trực thăng HU1A lên đánh suốt một ngày. Quân ta lúc đầu bị động, di tản ra bốn phía, sau mới củng cố, tổ chức đánh trả, tuy nhiên do bị tập kích bất ngờ, quân ta đã hy sinh trên ba chục, bị thương nhiều. Trong khi trực thăng vũ trang đánh dồn dập thì quân “mũ đỏ” đã tót lên HU1A về căn cứ.

                                                     * * *

Nghỉ một ngày ở đó, tôi đi tiếp, vừa đi được chừng một tiếng, giao liên đã cho giải lao. Hôm ấy, thu dung có mười bốn người. Nghỉ được độ mười phút, đồng chí giao liên giao nhiệm vụ: “Cứ hai đồng chí sẽ thay phiên nhau mang một hòm đạn đến trạm sắp tới!”. Để mọi trang bị gọn ở ria đường, tôi và sáu đồng chí nữa theo giao liên đi lĩnh đạn. Đi độ 15, 20 phút vào sâu trong rừng, đến một con suối, mùa ấy đã cạn nước và bùn bẩn lắm. Mấy đồng chí ở kho quân khí cởi trần, mặc quần lót, lấm bê bết từ đầu đến chân, hở cái mồm và đôi mắt. Đứng trên bờ suối nhìn xuống cái kho đạn to tướng, hàng nghìn thùng, sâu hun hút, phải cỡ già nửa cái giếng khơi nhà mình. Các đồng chí nhà kho chuyền tay nhau đưa cho chúng tôi mỗi người một thùng. Đó là thùng đạn 7 ly 62 dùng cho AK, CKC, PBD, mỗi thùng 720 viên. 
Tôi tự nhủ: Chà chà, kho để chắc chắn quá, ly kì quá…quá. Chắc còn nhiều điều ly kỳ hơn nhiều mà mình không biết được. Trung ương chỉ đạo ngành hậu cần chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc chiến quá chu đáo, củng cố thêm một bước vững tin vào thắng lợi… 
Lĩnh hàng xong, chúng tôi đi liền 3 giờ đồng hồ đoạn đường toàn dưới lòng suối cạn, gần giống với cái suối cạn mà ở đất Lào chúng tôi đã đi. 
Hôm đó đến trạm vào năm giờ chiều. Trạm nằm trong một thung lũng nhỏ, nói là dưới một vực to thì đúng hơn. Ông trưởng trạm già già, gầy như bộ xương cách-trí. Cỡ chừng 58, 60 tuổi. Ông tiếp nhận mấy người thu dung tại nhà khách, sau thủ tục bàn giao của giao liên. 
Ông trò chuyện với chúng tôi: “Các đồng chí năng tập thể dục, ở đây nước độc lắm. Thời Pháp thuộc, chúng đặt cái nhà tù ở vùng này. Cả nhà tù chết dần chết mòn hết, còn sống sót mỗi anh Tô Ký”. Tôi hỏi: 
- Có phải thiếu tướng Tô Ký không ạ? 
- Phải, đúng! 
- Thủ trưởng của em lúc xuất phát đi B đấy ạ. Sư trưởng 338. Giấy chứng minh thư Quân giải phóng, anh ký chữ “Cân” đấy. 
Ông nói tiếp: “Trạm mới chuyển về đây. Vì mất cảnh giác, chữa bệnh cho mấy thằng biệt kích ngụy. Khi xuất viện nó viết giấy để lại là cảm ơn Quân giải phóng. Rút kinh nghiệm, các đồng chí phải cảnh giác. Có hiện tượng nghi vấn gì báo cho trạm ngay, kịp thời xử trí”. 
Thật không biết bao nhiêu chuyện ly kỳ trong chiến tranh! 
Bây giờ vào thượng tuần tháng 4 Âm lịch năm 1968, mưa cũng kha khá. Nhưng trong cái đáy vực lớn đó, đôi khi cũng lộp độp vài hột nước mái nhà. Nằm ở trạm đó, hay gọi là cái bệnh xá đó, họ chưa cho đi tiếp. Ăn ở đây khá lắm, đúng với nghĩa là trạm an dưỡng. 
Hàng căng-tin mua thoải mái. Thuốc lá đủ loại: A-ra, Cáp-tăng, Míc, Bat-tô. Chè có con voi, con cọp, con khỉ, con gà. Bánh kẹo đủ loại. Chết nỗi, lính mới ở Bắc vào, túi không tiền. Đi ăn cơm về tạt qua căng-tin nhìn, rồi lại đi, giọng ngâm nga: 
                         Hàng căng-tin dẫu nhiều thật đấy. 
                             Túi không tiền ai lấy, ai mua? 
Anh em dưới đồng bằng lên công tác, sốt rét vào viện, điều trị khỏi, họ sang an dưỡng ở chung với chúng tôi, ăn uống xả láng. Mình cũng được ăn ké. Từ đây cách “pha trà dã ngoại” của Quân giải phóng mới quen thuộc. 
Lán tôi ở làm trên mặt đá vừa cái nền nhà và lối đi nhỏ. Một mé là sườn núi đá dựng đứng. Mé kia phải có dóng vịn kẻo lăn xuống vực là chết. Ở khe đá vài cây tre nứa mọc, che cho mái nhà đỡ trống trải phải ngụy trang luôn. 
Rồi cũng đi tiếp. 

                                                     * * * 

Trạm cuối cùng của tôi đi Hải Yến, đường dây S9 là K48. Trạm này thuộc đất Cao Mên là chắc chắn. Trạm rộng lắm, bãi khách la liệt. Quân ở đây nhiều đoàn, nhưng quân số phải đến cả Đại đoàn, nếu không cũng phải Lữ, chứ Trung nào hết. 
Mình tôi một đoàn. Các đơn vị thuộc chiến trường B2 đến nhận quân ở đây. Các đơn vị thuộc miền Tây Nam Bộ như Hà Tiên, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu… thì cuộc hành trình của họ còn ngang với quay trở lại lúc xuất phát. 
Mắc võng nằm ở chỗ xó xỉnh của Trạm K48 đã mấy ngày mà chưa đơn vị nào đến đón. Lúc này đã vãn quân, mới có đồng chí già già đến dẫn tôi đi. Già nhưng phong độ lắm, trai tơ lắm: áo sơ mi cộc tay trắng muốt, đầu chải mượt, da dẻ hồng hào, mặt đỏ au… Đồng chí chẳng có trang bị gì để đi đường cả, súng ống không, nón mũ không, ba lô không, đi dép lê… 
Theo đồng chí đi được mười, mười lăm phút là đến một đơn vị. Đồng chí gọi: “Anh Tám Hòa ơi, ra mà nhận lính!”. 
Rồi đồng chí đưa tôi vào nhà chỉ huy. 
Các nhà xung quanh thấy có người mới đến ùa ra, reo lên: “Bủ Hay!” Thì ra vẫn đủ cả Đoàn 239! Bủ đến là sớm thứ ba kể từ dưới lên, kể từ trên xuống thì là thứ 40 (kể cả y tá Chung là thứ 41). Còn Quang “Đồng hồ” thị xã Yên Bái, bổ sung tắt về Cục Hậu cần. Nguyễn Văn Thành nghe đâu bị sốt rét ác tính, chết trên đường dây. Coi Bủ Hay là người vét đoàn. 
Tôi sốt sắng hỏi anh Đàn và anh Tràng, anh kể rõ từng anh một bổ sung về những đâu. Ví như anh Lê Văn Lộc ta vẫn gọi là Lộc “Giônsơn” chữa máy giỏi nhất đoàn ưu tiên bổ sung cho Củ Chi “đất thép thành đồng”. Khi ký Pa-ri tôi mới có dịp đến chỗ anh Lộc chơi, anh đùa là: “Củ Chi đất thép thành sình” (sình ở miền Nam tức là bùn lầy). 
Đoàn 239 đặt chân tới địa điểm tập kết Cầu 48 đầu tiên có vài người, sau các anh đi thu dung cũng lần lượt về tới Cầu 48. 
Hai anh bố trí tôi ở tại nhà chỉ huy. Hôm ấy là 10 - 5 - 1968. Như vậy đoạn đường trên phổ biến là đi bốn tháng rưỡi, tôi đi “chỉ mất” chín tháng bốn ngày, tức là “chỉ mới” gấp đôi quy định.

                                                                                        ( Còn nữa )
    
                                                   Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét