18/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 4



Hành quân trên đất Lào

Hôm đi từ Quảng Bình vượt Trường Sơn sang Lào. Qua con suối nhỏ thôi nhưng nước sâu đến bụng. Anh em đi trước kêu là “cá đớp chân”, tôi không tin, đến lượt mình vượt suối thì cá đớp chân thật. Nó đớp không chảy máu nhưng đau ra phết.
Lên khỏi suối thì gặp đoàn đi ra. Chỉ có vài người, trong đó có thằng Mỹ tù binh. Nó bị gãy một tay, vẫn đeo băng y tế ngang trước ngực. Thằng này trông trẻ, đẹp trai, cao dong dỏng. Chứ không như những thằng Mỹ lùn lùn, to ngang phè phè, râu ria lồm xồm, ngực đầy lông như con khỉ đột mà hay gặp trên báo. Giờ mới dám bộc lộ, hôm đó tôi cũng chạnh lòng thương thằng Mỹ tù binh. Nó trẻ quá, đáng tuổi con cháu. Nhưng bấy giờ nói ra tổ chức lại đánh giá là “lập trường tư tưởng mơ hồ, mất quan điểm” thì khốn!
Hôm vượt Đường 9, từ nơi trú quân, tiếp cận đường lộ là bãi khá rộng, toàn cây thấp như lau, sậy. Đi một đoạn, chiếc L 19 bay cao tít cứ è è lượn đi lượn lại trinh sát. Cả đoàn ngả vào ria cỏ, án binh bất động. Chờ cả giờ đồng hồ nó mới buông tha. Được lệnh vượt lộ, vừa đi vừa chạy mệt đến đứt ruột. Đến chỗ cho là tạm an toàn đi đủng đỉnh, thở hổn hển. Đinh Văn Thịnh mở đầu bằng tiếng:
- Đù me, chẳng thấy “xác giặc Mỹ ngổn ngang trên đường” đâu, chạy muốn chết.
“Trâu” Sáng đáp:
- Đoạn “quyết chiến điểm” nó mới “ngổn ngang” chứ đoạn này là đoạn an toàn của Đường 9 rồi ông ạ.
Qua bãi trống, vào rừng độ năm trăm mét đã đến trạm. Trạm này rộng lắm, bạt ngàn. Dưới lùm cây là bãi khách quang đãng. Từng tốp, từng tốp không biết bao nhiêu là đoàn, như cái chợ lớn ấy! Nhiều đoàn đi cả tiểu đoàn, năm sáu trăm quân. Họ nấu ăn tự túc. Ưu tiên chúng tôi ít, trạm nấu cho, lĩnh cơm về ăn. Nhiều hôm Đoàn 239 ăn cơm trạm. Mùa mưa hầu như đã tàn, mùa khô đến dần. Thỉnh thoảng mới có trận mưa ướt áo.
Đến Trạm 36 nghỉ một ngày. Đoàn 239 quân số đảm bảo gần một trăm phần trăm, chỉ gửi có anh Đỗ Hữu Hiện, ở phố Bà Triệu, vì loét chân không đi được.
Hôm nghỉ, anh em có gì liên hoan ý để 42 người tiếp tục đi B2, Hải Yến, đường dây S9; còn 22 người sẽ rẽ trái vào B1, chính xác là 43 người đi B2, cả y tá Chung nữa; 23 người đi B1, cả trưởng đoàn Ngoặt nữa. Trưởng đoàn vào B1 là khôn, chóng giao quân, sớm ra Bắc. Ở Trạm 36 này củng cố tổ chức. Đi B1 do anh Ngoặt, anh Thu và anh Mộc phụ trách. Đi B2 do anh Nguyễn Đức Đàn trưởng đoàn, anh Nguyễn Tuấn Tràng phó đoàn, anh Nguyễn Anh Tấn chính trị viên. Đoàn đi B2 nay chia thành bốn tiểu đội.
Tại đây, tôi bị sốt rét ly bì, sáng hôm hai đoàn chia tay, anh Đàn quyết định gửi tôi và anh Nguyễn Thành ở 33 Trần Tế Xương ở lại trạm, đi thu dung (1). Lần khân mãi đến tám chín giờ mới hành quân được. Bấy giờ tôi vẫn nằm trên võng không dậy nổi.
Anh Đàn đã gọn gàng, ba lô trên vai, đeo K54, đến bên võng tôi lật tấm đắp ra vừa khóc vừa nói: “Mình đi nhé, gửi Hay vào trạm, khi nào khỏi tiếp tục đi đuổi kịp đoàn!”. Tôi cực quá cũng khóc, chẳng nói được gì.
Anh em đi B1 và B2, hầu như ai cũng đến chào “Bủ Hay” một câu.
Nhân viên Trạm 36 đưa tôi vào trạm xá điều trị. Lúc tỉnh, tôi còn nghe được nhân viên y tá vác củi qua, đọc bài thơ của Lào, đại ý ca ngợi người thiếu niên anh hùng như Phù Đổng của ta vậy.
Nhớ câu:
Lên tám tuổi cưỡi voi đánh giặc
…Cõng ông trả lại rừng xanh.
Tôi cũng chóng hồi phục, một hôm khỏe hẳn, ăn cơm trưa xong, anh em trong lán còn ngồi chơi nói chuyện. Lán ngay ria đường đi vào viện, khu vực này sao nhiều vắt thế. Những con vắt cứ như cái tăm, một đầu bám vào lá cây, rễ cây, đầu kia cứ vắt va vắt vểu như cái cần ăng-ten Cu-li-cốp máy P 311.
Bỗng gặp “Sấm” Hiện, anh sôi nổi, nhiệt tình, chơi ghi-ta giỏi, hay bắt nhịp cho anh em hát bài “Như tiếng sấm vang dội…” nên anh em mới gọi Sấm “Hiện”. Thế cũng thành tên. Nhân ở Trạm 36, nghỉ một ngày, đoàn họp khai trừ Hiện. Tôi là đảng viên, không đi họp, sốt nằm trên võng, anh em họp về nói láo pháo như vậy, tôi nghe lỏm được.
Gặp Hiện, tôi báo ngay: “Cậu bị khai trừ đoàn ở Trạm 36”. Hiện tức quá, môi lập bập, sùi cả bọt mép, giơ chân cho tôi xem:
- Em đau chân thật, không đi nổi chứ đâu phải tư tưởng. Thôi, đường đây, sữa đây, anh muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Em ra trạm cho kịp để đi luôn “vượt trạm”, đuổi kịp đoàn, cho họ biết là em không “tư tưởng”.
Hiện có đuổi kịp được đoàn đi B1 hay không đâu rõ.
Tôi gửi lại ở Trạm 36, khi chia tay, từ trưởng đoàn đến người thấp nhất đều đến chào tạm biệt Bủ, khóc sướt mướt với nhau. Mình là đảng viên, ai đánh giá tư tưởng. Cứ đinh ninh vậy. Suốt 26 năm, cho đến ngày 6 - 8 – 1993, anh em 239 tụ tập lần đầu tiên sau 26 năm ngày đi B. Xong các thủ tục gặp mặt và liên hoan ở hội trường Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Một số anh em kéo về nhà Đỗ Văn Thành ở Trường Đảng Lê Hồng Phong liên hoan tiếp. Vợ chồng Thành lý do là lấy nhau ở chiến trường chưa cưới, nay có điều kiện mới tổ chức cưới lại. Anh em đến hầu như khắp mặt, có cả một số khách của đoàn, ưu ái vợ chồng Thành cũng quá bộ đến chơi. Trong bữa rượu vui, ai nấy nói hết lời. Tôi bảo: “Thằng Mỹ nó đấm cho mình một quả choáng váng, tới nay 18 năm mới bớt choáng váng ù tai, tụ tập lại với nhau”. Một anh ngồi cạnh tôi nói: “Bủ cũng dạng tư tưởng, tụt tạt ở Trạm 36 Lào”. Như vậy là “tổ chức” đánh giá Đảng viên Lại Văn Hay dạng tư tưởng tụt tạt. Hai mươi sáu năm qua tôi bị hiểu nhầm, thế có oan ức, chua xót và tàn nhẫn với nhau không chứ?
Xong việc tổ chức hoành tráng 26 năm ngày Đoàn 239 đi B (6 – 8 – 1993), ngày 15 tháng 8, tức là 9 ngày sau, mười bốn đồng chí, coi là chủ chốt của 239, tụ tập ở nhà “Tây” Dậu gọi là rút kinh nghiệm. Sau kéo nhau ra cửa hàng ăn uống ngay cổng chợ Tó, ngồi vào ba mâm liên hoan rượu thịt chó, bia thịt chó. Anh em vui vẻ chúc tụng nhau, còn tôi vẫn buồn. Gần cuối bữa liên hoan, xới bát bún, không ăn mắm tôm mà cũng chẳng dùng xáo chó mà là chan nước mắt. Đoàn phó Nguyễn Tuấn Tràng ngồi cùng bàn, dỗ như dỗ đứa trẻ: “Nín đi anh, không có tôi cũng khóc bây giờ!”. May có một người biết lý do rơi nước mắt của Bủ...
Trong số anh em đến chào tạm biệt tôi ở Trạm 36. Lộc “Giôn-sơn” đến cuối cùng. Người cùng tiểu đội, chữa ra-đi-ô giỏi nhất đoàn. Có lần đến trạm, họ phát hiện là Đoàn Cơ công. Họ cho nghỉ một ngày để chữa đài hộ. Trong một ngày anh chữa tám cái ra-đi-ô cho trạm, vừa Xiêngmao, vừa Xờ-tan-đa, vừa Ơ-ri-on-tông… Chiều họ cho mười cân thịt ướp muối. Riêng A tôi có Lộc, được hưởng lộc của Lộc hai cân. Hôm ấy trời mưa rả rích suốt ngày.
Nhớ lại chiều hôm trước đến trạm, trời mưa, sâm sẩm tối. Đặt ba lô, đậy ni-lon lên là tranh thủ đi lấy măng. Kẻo tối biết đằng nào mà lấy để ăn độn thêm. Sao đi trên cái đất Vạn Tượng này ăn khỏe thế chứ lỵ. Phân chia ăn theo bếp tiểu đội từ khi đặt chân sang đất Lào, họa hoằn được trạm nấu cho ăn. Bấy giờ ăn cứ mỗi bữa một người bát B52 đong “ào” mà ăn vẫn “bay”.
Mỗi A có hai xoong, một nấu cơm, một nấu thức ăn. Dùng cả hai nấu cơm, xong đổ ra rá, dùng nó nấu hai xoong măng nữa. Bát “ào”, có nghĩa là gạo ở trong bao trút ra, đầy bát rồi còn “ào” một cái xuống rá mới gọi là một bát.
Trở lại cái chuyện lấy măng chiều hôm mới đến Trạm 36, vẫn mặc đồ lót ướt sũng, đội mũ tai bèo, đi một lúc lấy được vài ba cái. Thấy dưới khóm tre có đống măng mới chặt chưa bóc vỏ, tôi bẩm bụng là đoàn trước bỏ quên, vừa cúi xuống nhặt, bỗng ở lưng khóm tre Ích quát:
- Làm gì thế.
Giật mình, bí quá trả lời:
- Tao xem.
- Măng lạ gì mà xem. Bủ là Bủ định “toáy” của tôi đấy!
- Đâu có, chỉ nói bậy nào.
- Thôi, khéo kẻo giẫm vào tổ ong bầu đất ở đấy thì Bủ chết. Mà Phạm Thông Ích này ở 32 Trần Quang Khải thành phố Cảng cũng đi teo.
Mấy trạm qua có đồng chí thiếu tá binh trạm trưởng, đi trở ra kiểm tra, gặp đoàn tôi, đồng chí đi quay trở lại một trạm, để giờ nghỉ tối nhờ chữa cho cái đài bán dẫn đeo hông. Phải soi đèn pin cho Lộc, Lộc để đài trên đùi chữa, một lát là xong, đồng chí mừng quá, cảm ơn chúng tôi và tặng bao gạo bốn cân, bốn quả cam xanh, một gói trà. Tối, đồng chí mắc võng nằm cùng A tôi nói chuyện, mai mới đi trở ra.
Lộc bảo: “Ưu tiên Bủ, mình một quả” vì coi bộ mấy hôm nay Bủ ngọc thể bất an.
Lúc mới đến cái trạm ấy cũng vất vả, nấu cơm, trời mưa như trút nước. Thịnh ngồi đun, Bảy và Quý cầm bốn góc ni-lon giăng ra, che được chỗ nấu và hai nửa cánh tay Thịnh. Còn toàn thân và hai nửa cánh tay còn lại, chịu lượng nước mưa trời phú, cộng cả lượng nước ở ni-lon xối xả vào đầu, vào mặt. Nước chảy tông tổng qua khe đá dưới lòng bếp. Trên, củi nhóm chéo kèo nhà vẫn cháy đùng đùng. Quái quỷ, cái địa hình ở đây, như thế nào mà mưa thì mưa tức tốc, mà tạnh thì tạnh tức khắc. Trời lại quang đãng, không một gợn mây, xanh biếc. Để cơm chín nục, tranh thủ ai nấy mắc tăng võng. Ở trạm này cũng như một số trạm lân cận đã có hiện tượng người sởn gai ốc. Ăn có vẻ hơi chùng. Nên A cũng chẳng nấu thêm cơm nữa, mặc dù có khách.
Mười một người xúm lại xoong cơm. Còn xoong món ăn thì muôn thuở là thịt hộp, ruốc B. Đặt trên tảng đá tương đối bằng phẳng rộng bằng ba bốn chiếc chiếu. Sạch bong, ngồi phệt ăn cơm. Quang đãng, vừa ăn vừa trò chuyện, vừa ngắm trời, ngắm đá, nhưng chẳng có mây mà ngắm.
Tôi tức cảnh xuất khẩu, bắt giáp: “Thênh thênh, thập nhất nhân tọa trên bàn thạch như tọa trên Trăng” là thành thi ngay.
- Hay, hay, đúng là Bủ Hay, hay thật. Riêng câu đó đã đáng thêm cho Bủ một quả cam rồi, chưa kể ngọc thể Bủ bất an. A, hôm nay ngọc thể bất an, chắc dùng ít “ngọc cơm”, “ngọc thịt” nhỉ?
- “Ngọc thể” bất an chứ “ngọc mồm” tớ bất an đâu mà dùng ít.
- Ồ, người ta là một cơ thể thống nhất, đã bất an là bất an toàn diện chứ!
- Nhưng các cậu quên mất mình là Quân giải phóng, nó đặc biệt lắm. Người ta đi bằng chân chứ ai đi bằng “đầu”, thế mà chúng ta đi bằng đầu đấy!
Cơm xong, chúng tôi triển khai tại chỗ, hút thuốc lá Lan Thông và uống chè của binh trạm trưởng tặng. Hôm nay được hâm lại vị “chè Ba Đình nhấp giọng, thuốc lá Lan Thông cầm hơi” mà đã bẵng đi kha khá lâu.
Ánh thuốc lá lập lòe ở trên võng tòng teng đã tắt đi từ lâu. Kể cả những “con nghiện” khôn ngoan như Lê Đình Chóng, Cao Phan Xen… mua vài tút Thu Bồn, lót một tấm ván dưới, một tấm ván trên. Lấy cối đá đập lúa của dân Xuân Vinh, Cầu Bụt để lên trên như kiểu ép bánh chưng ngày tết. Cả tút thuốc còn mỏng quẹt, gói kỹ để dưới đáy ba lô, vào Trường Sơn hút dần. Riêng trưởng đoàn Ngoặt là dùng thuốc lào bánh ép kiểu đó, đi trên Trường Sơn xé giấy tây cuốn hút như thuốc lá. Chỉ còn trưởng đoàn Ngoặt vào đến Trạm 36 chia tay chúng tôi, người vẫn còn thuốc lào...
Lộc là người cuối cùng đến chia tay tôi và mang đi trước hộ tôi một số thứ chưa cần thiết lắm như là một cân rưỡi muối rang. Tôi bảo Lộc là cả hai hộp ruốc B ở túi cóc nữa. Lại nhớ câu chuyện mấy hôm trước. Lội qua suối trưởng đoàn lệnh: nghỉ tại chỗ ăn cơm phụ. Mỗi A khui hai, ba hộp, tức là một ki-lô-gam. Vũ Quý mà chọn thì thế nào cũng một hộp lạc, một hộp thịt xay, một hộp cá. Còn anh khác mà chọn có khi cả ba là lạc thì chán ốm. Chín người ba hộp. Riêng Lộc ngồi một chỗ. Anh em bảo: “Lộc “Giôn-sơn” ăn nhạt à?” Thì ra Lộc móc ruốc thử xem sao. Tôi ra lệnh đóng lại. Lộc tức quá đành đóng hộp ruốc lại và bảo:
- Còn “bó mồm bó miệng” anh em!
Lúc này sao mà lòng thương mến Lộc trong tôi trào dâng, rồi cứ canh cánh mãi, ân hận mãi cái lệnh ngay bản thân cũng cho là vô lý, máy móc. Ăn ruốc thì bỏ thịt hộp lại có sao đâu. Vả lại đổi bữa nó ngon hơn.
Bây giờ anh là sĩ quan cao cấp của Bộ Nội vụ Công an. Từ năm 1993 đến nay, mỗi lần gặp nhau, tôi vẫn nhắc món anh nợ cân rưỡi muối rang, hộp rưỡi ruốc B. Anh cũng cùn mà rằng: “Cả tiểu đội ăn, chứ mình tôi ăn đâu. Tôi chỉ có trách nhiệm tha bớt cho Bủ mà thôi. Nếu đòi thì đòi anh Đích thay anh làm A trưởng”. Anh Đích người Nam Hà, khi chia tay khóc sụt sùi. Tôi giao cho anh một đèn pin và một bật lửa bốn mươi viên đá. Anh không lấy bật lửa, vì một A có ba bật lửa, một A trưởng, một A phó, một tổ trưởng Ngô Trọng Miêng giữ.
Anh Đích bảo:
- Anh cứ giữ một cái khi khỏe đi thu dung cần dùng nó hơn.
Những thứ cần cho lính Trường Sơn là: Tăng là nhà, võng là giường, ống ruốc hay cặp lồng là nồi quân dụng cá nhân, bật lửa là đống dấm và dao găm. Chỉ vậy thôi.

                                                      * * *

Ở trạm xá điều trị mấy ngày rồi ra đi thu dung. Một giao liên, một khách. Trạm sau được thêm hai đồng chí nữa, trong đó có Nguyễn Văn Thành ở 33 Trần Tế Xương cùng đoàn với tôi, vì đau chân gửi lại. Tôi được trạm cử làm trưởng đoàn. Ba khách, một giao liên đi trên đất Kà Tày, mệt đâu nghỉ đấy. Các trạm tiếp theo cứ bổ sung dần, có khi năm, bảy, chục, trên chục… Khách đi thu dung toàn lính, không có sĩ quan. Tôi là cấp “tột cùng” của lính nên luôn luôn được giao chức trưởng đoàn. Có thể nói là trưởng đoàn “kinh niên”, trưởng đoàn “mãn tính”, trưởng đoàn chuyên nghiệp của cái nửa sau Đường dây 559 này.
Người ít, ăn trạm, ngủ trạm là chính. Còn khách đoàn ngủ ở bãi xa trạm. Hôm đi đến trạm bên bờ sông Bạc, họ cho ăn bữa cơm cá thích quá. Mấy hôm trước đó, địch đánh bom ở trên nguồn, cá chết trôi về, trạm vớt được nhiều lắm, ăn không xuể, đem muối dự trữ cho khách ăn. Bữa, mỗi người hai con cá to như hai đế dép cao su, cũng giống cá chép, đỏ đuôi nhưng không là cá chép.
Có trạm chúng tôi tự nấu ăn nhưng rất hãn hữu. Vì họ sợ những ông lính thu dung này, chín người mười đoàn, tự do tùy tiện. Nấu cơm không giữ lửa khói, máy bay phát hiện nó đánh cho vuốt mặt không kịp.
Lính thu dung như đã nói ở trên quân số rất thất thường.
Tốp đầu từ Trạm 36 đi được mấy trạm thì chia tay. Thành cùng Đoàn 239 bị sốt rét nặng, ở lại. Mấy trạm đó ba người mắc chung một cột võng, tỏa đi ba hướng, châu đầu vào nhau kể chuyện.
Tôi với Nguyễn Văn Thành, tuy cùng Đoàn 239, nhưng hầu như từ dạo học ở Bưu điện Truyền thanh, rồi học ở Trường Sĩ quan Thông tin, rồi tập kết ở Thọ Xuân và đi trên Đường dây S9, đến nay mới cùng đi và mới biết nhau. Mới bén duyên, anh đã bị sốt rét và rồi nằm lại vĩnh viễn trên đường dây 559.
Thịnh kể, em là học sinh lớp 10, được thi học sinh giỏi của tỉnh về môn Văn nhưng chẳng được giải gì. Nói chuyện với cậu ta, tôi thiên hẳn về văn học, lịch sử. Bàn về Tam Quốc, phân tích cái bất tài, đức giả tạo của Lưu Bị. Phân tích tính thẳng thắn, cương trực của Trương Phi. Đặt vấn đề và phân tích Tào Tháo là nhân vật anh hùng hay gian hùng? Bàn về tác giả La Quán Trung nói và phân tích tính khách quan của tác giả, tác phẩm. Nhà Hán đã đến lúc suy tàn mặc dù bao tướng tài, quân sư giỏi. La Quán Trung vẫn để cho “cỗ xe cũ kỹ, ọp ẹp” đó lao xuống dốc.
Bàn về các danh nhân, danh tướng thời Trần, Hậu Lê, quân Tây Sơn…bàn về thơ ca cách mạng, thơ ca lãng mạn…
Khi chia tay, Thịnh có nhận xét:
- Anh chuyên khoa toán, nhưng anh hiểu văn học, lịch sử có những nét “sắc”.
Tôi nắm chặt tay Thịnh, bàn tay thư sinh vừa buông quản bút, ngập ngừng chưa nói. Thịnh lên tiếng:
- Em biết anh muốn nói gì rồi.
- Nhà văn đất “Tam Nguyên Yên Đổ” đoán xem?
- Lúc này chỉ có “Thời gian ủng hộ chúng ta”[2] là thích hợp nhất.
Tôi rời bàn tay, ôm chặt Thịnh và xiết chặt. Trên dải Trường Sơn, ra chiến trường hiện tại này, trong Thịnh có hình ảnh của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát xa xưa.
Nhớ lại hôm trước khi xuất phát đi B, tức là trước mùng 6 tháng 8 năm 1967 mấy ngày. F338 có mời một đồng chí đại úy vừa ở trong ấy ra nói chuyện với chúng tôi. Có nhã ý là để chúng tôi hình dung được ít nhiều bước đi của mình sắp tới đây. Cuối buổi nói chuyện, đồng chí có phô một tin là: Trên đang tập trung mọi khả năng, nên các đồng chí đi lần này là mở đầu của thuận lợi: trang bị đi B đầy đủ hơn. Lương thực, thực phẩm, thuốc men ở các trạm đầy đủ hơn. Binh trạm được tăng cường… Quả thật, chúng tôi đi qua bao nhiêu trạm đều thuận lợi. Ăn chế độ B ở trên đường dây bao nhiêu ngày cho đủ 45 ngày quy định. Trước một giờ đồng hồ khi lên đường, ở Xuân Vinh có một đồng chí thanh tra quân đội đến. Kiểm tra xem có đủ cân rưỡi muối rang không, mở gói thuốc chống đói xem có ba viên màu da cam không? Đủ cả: Tốt.

                                                      * * *

Có bốn đồng chí đi thu dung cùng tôi là lâu nhất. Dọc đường đi có bao nhiêu là câu chuyện kỉ niệm.
Anh Lâm và anh Chung là người Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Anh Lâm là cán bộ phòng lương thực Tĩnh Gia nhập ngũ. Anh Chung làm ruộng. Hai anh đều nhiều tuổi hơn tôi. Đi chiến trường mà gọi “Lâm, Chung” nó thế nào ấy. Tôi gọi anh là Nam, Nam là “Nam tiến”. Anh dễ tính, nhất trí ngay. Anh em trong đoàn thu dung cũng nhất trí. Đúng như câu đố: “Cái gì là của mình, mình dùng ít, người khác dùng nhiều, cho thì phi lý?”.
Anh Miền và anh Chúc, quê Thanh Miện, tỉnh Đông. Là hai anh em con cô con cậu. Cùng là sĩ quan của “binh trạm” Đường dây 559. Chẳng là hàng năm về mùa mưa là bảo quản pháo cao xạ, đưa vào hang núi, thay phiên nhau đi phép. Gần hết mùa mưa là trả phép, đem pháo ra lau chùi, kéo lên trận địa đả nhau. Nên các trạm ở đất Vạn Tượng này, anh Chúc và anh Miền thạo lắm. Giá cả mua bán, đổi chác thực phẩm các anh cũng thạo tuốt tồn tuột. Người Kà Tày muốn gì, sau đợt đi phép vào là các anh chiều được hết.
Anh Miền ít nói, tính trầm như anh Chung. Anh Chúc vui tươi hay nói, hay tếu như anh Nam. Anh Chúc hay chuyện đủ các lĩnh vực. Anh thích tôi lắm. Tôi, trưởng đoàn thu dung nhưng có lẽ ít tuổi nhất. Anh Chúc, anh Miền là sĩ quan, không biết cấp gì, nhưng anh Nam, anh Chung là lính bộ binh.
Một hôm vừa đi đường vừa kể chuyện rôm rả, có đoạn đường bằng, quang đãng lại đi ban ngày, đi lẫn với dân Lào, cả ngày chẳng thấy chiếc máy bay địch qua và chẳng biết là đến những chuyện gì rồi, lòng vòng đến chỗ anh Chúc bảo:
- Đù mẹ cái thằng con trai nó tán gái hay thật. Tối qua tát nước bên đình, chỉ lấy cớ nó bỏ quên cái áo mà nó kể lai lịch nhà nó ra rằng “vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu”. Như vậy là tôi đã trưởng thành, tôi có “mẹ già” và “chưa có vợ”. Như vậy là tôi cần một bàn tay mềm mại để chăm mẹ già, để nâng khăn sửa túi đây. Chỉ khâu xong cho cái tà áo sứt chỉ thôi mà trả công những gì? Không trả vào lúc khác mà lại trả vào lúc cô cưới. Đó là “Một gánh xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm, đôi chiếu nằm, đôi chăn đắp, đôi chằm đeo”. Chưa hết còn “Quan sáu tiền treo, quan tư tiền cưới lai đèo buồng cau”. Thế là lễ vật dẫn cưới mẹ nó rồi chứ còn quái đâu là giúp. Quá quắt hơn, cái thằng đàn ông nó ích kỷ, tàn nhẫn. Nhưng nó dẻo mồm tán, dẻo mồm nịnh, đứa con gái vẫn cứ chết ngất. Như là: “Thương thay cây mía xanh tốt, giữa đốt có sâu”, rồi “Con người lịch sự trên đầu có tang. Tang ai thì vứt tang đi. Tang cha tang mẹ anh thì tang chung”.
Thế là từ đó đến trạm, chúng tôi đều nói về ca dao, tục ngữ, dân ca mà ông Vũ Ngọc Phan đã sưu tầm thành sách. Anh Nam và anh Chung, thỉnh thoảng lại hò câu hò xứ Thanh, tôi thích ghê. Mình không bắt chước được.
Bốn anh, người nào người nấy tầm thước, trắng trẻo, đẹp trai cứ như hoàng tử ấy. Nhất là anh Nam và anh Chúc cứ như vận động viên điền kinh ấy. Riêng mình thì thấp lùn, ngăm ngăm da quạ, nói là da quạ cho nó an ủi chứ thực ra là da chì. Được cái chưa mặt bủng, mặt mới sạm, mắt lé, mũi nhòm mồm. Trong hàng “tứ thiết” thì cái “nhất” và cái “nhì” mình chiếm đứt rồi. Thì ra con người ta có yếu điểm gì là hay để ý đến nó. Ví như mình đói nhiều hay nghĩ đến cái ăn. Ví như mình xấu trai hay nghĩ đến cái đẹp. Gặp chàng trai nào mà thấy má phấn môi son, cổ kiêu ba ngấn thì cứ ám ảnh vài ngày. May mà trời phú cho mình khuôn mặt vuông chữ “ruộng” gắn với đôi “tai Phật”, hai cái dái tai lều lễu trễ xuống. Thế mới kéo mặt Tào Tháo lệch sang mặt Lưu Bị chứ!
Chuyện trò ba người rôm rả, anh Miền và anh Chung ít nói, nghe là chính. Anh Nam hay tếu nhất. Một hôm anh Nam bảo: “Các cậu ạ, đến trạm giao liên, cứ nghe giao liên phổ biến tình hình địch và quy định của trạm, hướng nọ đi được, hướng kia không đi được vì có mìn hay có biệt kích mấy hôm nay. Tớ có kinh nghiệm là cứ hướng nào phổ biến không được đi, y như rằng hướng đó là rẫy rau, rẫy sắn, rẫy ngô, đỗ, lạc, vừng của họ”.
Được đoàn hưởng ứng, anh Nam liền đi “đột kích” sắn ngô về luộc và nướng mang về cho anh em.
Một hôm, chúng tôi đi đường trống trải, hai bên đường toàn bãi cỏ hôi. Trời nắng chang chang, anh Chúc đi tụt lại kéo tay tôi ra hiệu cũng tụt lại. Để giao liên dẫn anh em đi trước, xa chừng mười lăm, hai mươi mét, tôi bảo:
- Nhanh lên, không có lạc.
- Lạc sao được, chỉ một đường độc nhất tới trạm, có đường nào nữa mà lạc.
Hai anh em đi một đoạn, gặp ông già Lào phát rẫy ở ria đường. Anh Chúc tạt vào, tôi cũng theo. Anh nói mấy câu tiếng Lào. Ông già bỏ dao quắm xuống rồi xách ấm nước chè xanh ở trong búi cây ra, xách buồng chuối lá chín cũng ở bụi cây ra mời chúng tôi ăn. Được bữa no chuối “tây”.
Từ biệt ông già Lào tiếp tục đi. Anh bảo: “Đoạn này nhiều dân, khi có ám hiệu là anh theo tôi”. Hôm sau cũng vậy, anh dắt tôi đi cách đường giao liên hai ba trăm mét thấy một cái chòi, dựng lên bằng bốn cây gỗ to bằng cái đùi làm cột. Trên làm sàn chỉ rộng hơn chiếc chiếu, cao hơn đầu với. Có khói nhẹ bay lên và tiếng trẻ con. Đến gốc chòi, anh Chúc đứng dưới nói mấy câu tiếng Lào. Có tiếng đáp lại. Anh bảo tôi trèo lên. Leo cầu thang, làm bằng các đoạn cây “chót” và dây rừng buộc lại mà chắc đáo để. Họ biết cách buộc nên không xộc xệch. Trên chòi có một bà già, mấy cô con gái và một cháu bé. Nghĩ bụng, đây là một gia đình gồm mẹ, con dâu, con gái và cháu.
Bà già đang đồ xôi, các cô ngồi dẹp về một phía để chúng tôi ngồi. Lò đất sét đắp trên miếng ván. Đáy là một nồi đồng đất, chõ bằng gỗ. Bên cạnh là một chậu men gạo nếp đã ngâm. Ngồi một lát, tôi thấy bà già mở vung, cầm chuôi nhấc ra một vợt xôi. Đổ ra đĩa Giang Tây to. Bà nói tiếng Lào, tôi không biết bà nói gì. Anh Chúc bảo tôi lấy bát ra, thế là bà cầm đĩa Giang Tây sẻ cho mỗi người một nửa. Rồi bà lại xúc hai bát con gạo ngâm ở chậu đổ vào vợt, đổ vào chõ gỗ đồ tiếp, chúng tôi ăn xong thì mẻ thứ hai đã chín. Quy trình mẻ thứ ba, cũng tương tự, chúng tôi chỉ ăn nổi ba mẻ. Các mẻ sau đó bà già đổ vào cái rổ đan mau, có hai thanh gỗ buộc chéo chữ thập ở đít để rổ khỏi chạm vào đất. Xong chúng tôi uống nước chè xanh. Anh Chúc thanh toán năm cùi dìa muối trắng.

                                                    * * *

Có lần anh Chúc tụt tạt một mình, không rủ tôi, sợ anh Miền mắng. Về trạm muộn lắm, mang về một bọc khăn rằn ri ngô nếp non. Anh Miền mắng nhỏ anh Chúc, không ai biết nói gì. Kệ, tối rang ăn với nhau.
Một lần anh kéo tôi tụt tạt lại bảo: “Hôm nay mang anh vào rừng ổi và bưởi”. Quả là tầm ba giờ chiều anh đưa tôi vào rừng ổi và bưởi thật. Những quả bưởi chỉ già nắm cơm chính, đôi quả vàng vàng, hầu hết mới ngả vàng. Bổ ra cùi mỏng, tép mọng nước. Ổi thì bằng nắm tay, ương, chín, xanh đủ các loại.
Đang ăn thì gặp bác đã có tuổi, mặc bộ bà ba đen, đi ở dưới suối lên. Thấy chúng tôi, bác cười bảo:
- Sốt rét thèm chua hả?
- Vâng ạ.
Rồi bác tụt dép dây kê đít ngồi xem chúng tôi ăn, xong bác lại cởi cái dây lưng Mỹ to, có cài khẩu K54 ra để cạnh.
- Tớ dân Nam Hà, vào đã lâu, trở thành dân Lào rồi. Giờ làm phụ trách địa bàn này. Đến trạm cũng gần thôi, vẫn địa bàn xã tớ.
Tôi và anh Chúc đi gần một giờ đồng hồ là đến trạm. Trên đường đi anh trò chuyện:
- Vài chặng nữa là đến Trạm 78. Đơn vị tôi ở đó. Tôi ở binh trạm chứ không phải là giao liên.
Anh phân tích cho tôi hiểu:
- Giao liên chỉ là một trong những công việc của binh trạm. Còn cao xạ pháo bảo vệ, xăng xe, kho tàng, vận chuyển… Đường dây 559 đến Trạm 80 là hết. Từ Trạm 1 Giải phóng trở vào không thuộc 559. Đường dây 559 rất nhiều binh trạm. Mỗi binh trạm tương đương một trung đoàn, đa nhiệm vụ…
Từ Trạm 76 sang 77, anh Chúc kéo tôi tụt lại, trạm này toàn rừng già. Anh bảo: “Hôm nay đưa anh vào sóc chơi, có người quen”.
Đi mãi, đi mãi, tầm trưa, cạnh đường giao liên có lối rẽ nhỏ, để ý mới thấy hơi nhẵn. Tạt vào khoảng hai ba trăm mét là một cái sóc Lào trong giữa rừng già. Nhà gỗ lợp tranh, nứa, lá nhưng sạch sẽ, khang trang, rộng rãi. Anh Chúc hỏi thăm nhà người quen thì “bầu đàn thê tử” kéo nhau đi làm rẫy hết, không một ai ở nhà, khóa cửa. Chẳng biết ban tối thế nào, chứ ban ngày vắng lắm. Chỉ có cụ già và lũ trẻ dòng dòng chục tuổi. Tầm vài chục nhà, chỉ thấy có cô gái Lào độ 17, 18 tuổi ở nhà. Cách mặc như người Thái Tây Bắc vậy. Tôi và anh Chúc vào thấy cô ngồi ở cửa bếp. Tôi ngó thấy vài cái bánh tày dựa ở tường bếp. Trông thấy cũng thèm, nhất là thèm hương vị ngày tết. Anh Chúc rút cái bút Trường Sơn ra. Cô không “đô” mà rằng: “Ớ, bút của giải phóng xấu lắm, bút của ta đẹp hơn”. Rồi cô lấy cả hộp bút máy Kim Tinh, cả hộp bút máy Anh Hùng mở ra cho chúng tôi xem.
Thế này thì cô gái “Lào Thưng” không “đô” thật rồi!
Trong túi anh Chúc còn mỗi tờ trăm Kíp. Anh mua được ba bao thuốc lá Lan Thông. Bóc béng một bao, mỗi người một điếu. Cho tôi hẳn một bao. Còn một bao, mai đến Trạm 78 liên hoan chia tay. Từ Trạm 77 sang Trạm 78 anh cũng không quên tụt tạt để kiếm cái gì đó tối liên hoan.
Tối hôm liên hoan ở Trạm 78, tôi đinh ninh là còn ba người đi tiếp là tôi, anh Nam, anh Chung. Không ngờ sáng sau tập trung ở bãi để sang Trạm 79 có tới hai chục. Đích thân đồng chí trạm trưởng ra bãi khách. Hỏi cặn kẽ: “Đừng ngại nhé, đồng chí nào cảm thấy khả năng không đi được thì ở lại đi sau, rất tự nguyện, tự giác, không ai đánh giá tư tưởng đâu mà sợ”.
Cả đoàn im, không ai nói gì. Để mọi người suy nghĩ một lát, trưởng trạm nói tiếp:
- Các đồng chí đi được cả chứ!
- Đồng thanh đáp:
- Được ạ.
Còn hai trạm nữa là Trạm 79 và Trạm 80 thuộc Đường dây 559, là quân của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sang Trạm 1 Giải phóng là quân của bà Định. Đến Trạm 79, 80 đồng chí nào không đi được quay ra hơi khó. Còn sang Trạm 1 Giải phóng thuộc Đường dây CO 2 không quay ra được. Các đồng chí suy nghĩ kĩ một lần nữa và cho ý kiến. Có đồng chí nào ở lại không?
- Không ạ.
Thế là giao liên dẫn chúng tôi đi. Giữa Trạm 78 và 79 chúng tôi nghỉ giải lao lâu quá. Phải đến cả tiếng, sốt cả ruột. Thì ra giao liên ở Trạm 79 dẫn quân ra Bắc, giữa đường bàn giao cho giao liên của Trạm 78 đi vào. Đi trên các trạm ở Thanh, Nghệ Tĩnh, trưởng đoàn phổ biến số đi ra là quân tụt tạt. Cho nên chúng tôi coi khinh quân ra lắm. Đến đất Quảng, điều đó ngờ ngợ. Đến đây, cái đất Hạ Lào này, thấy quân ra có giá lắm, gồm: các đồng chí phái viên của bộ đi kiểm tra chiến trường trở ra, trung ương gọi cán bộ cỡ lớn ra nhận nhiệm vụ mới, các đồng chí có thành tích suất sắc ra báo cáo điển hình, các thương bệnh binh nặng…
Theo như anh Chúc nói, thì đường dây này là thông thường, còn nhiều đường dự trữ khác. Còn đường dây đặc biệt, đường xe ô tô…
Trạm 79 sang 80 cũng bàn giao giữa đường.

                                                 * * *

[1] Hành quân trên đường Trường Sơn, cán bộ chiến sĩ bị ốm được gửi vào trạm xá. Khi khỏi bệnh, giao liên sẽ dẫn đi tiếp trên đường dây cho đến khi vào tới địa điểm tập kết.

[2] Tên một tác phẩm tùy bút của Ilya Ehrenburg.

                                                                               ( Còn nữa )

                                                  Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh




0 nhận xét:

Đăng nhận xét