27/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 12


Dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua của Phòng Thông tin Miền

Chưa huấn luyện mà nay đã sang trung tuần tháng 7 năm 1970.
Anh Tùng Lâm, chính trị viên phó tiểu đoàn báo tôi chuẩn bị đi dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua của Phòng 3.
Cả tiểu đoàn H19 có ba người đi. Anh Lâm dẫn đầu, đoàn viên có tôi và anh Bùi Ấn. Anh Ấn có vợ là chị Thúy, văn thư đánh máy của Phòng, nên xin đi trước vài ngày còn thăm vợ con. Còn tôi và anh Lâm đi ngang đường gặp lại chị Chín Đáng đi viện sinh cháu thứ hai. Chị cho biết là đại hội lần này làm to lắm. Mua mấy con bò để thịt phục vụ đại hội.
Đại hội Chiến sĩ Thi đua năm 1969, vì vướng đợt chống càn, hoãn đi hoãn lại, nay tháng 7 năm 1970 mới có dịp tiến hành tổ chức.
Từ đơn vị đi một buổi sáng là tới địa điểm tập trung. Bữa chiều hôm đến, tức là hôm trước đại hội. Tôi xuống nhà ăn dành riêng cho đại biểu. Toàn người lạ, chẳng có ai quen nên cũng chán. Mấy người ngồi ăn cháy cơm ở bàn. Món cháy cũng đặc biệt như hôm tết Kỷ Dậu chị Chín làm cho bộ phận C bộ. Đủ gia vị ngon hơn, lại có thịt áp chảo ăn kèm.
Một ghế băng có mỗi người ngồi, tôi bèn ghé đít vào và dùng cùi tay hích vào sườn đồng chí kia, để họ dịch vào.
Tôi cũng “xả láng” ở tốp ăn cháy đó. Chuyện trò. Hỏi nhau đâu ta. Có anh bảo ở Phòng 2, có anh bảo ở Phòng 4, Phòng 5, Phòng 6. Tôi hiểu, đại hội này có tính chất “cụm” chứ không riêng của Phòng 3. Sau hỏi anh Lâm mới biết là Đại hội Chiến sĩ Thi đua của Cục tham mưu do Phòng 3 đăng cai. Bác Thăng là phó bí thư Đảng ủy của Cục tham mưu chủ trì tổ chức đại hội.
Sáng hôm sau khai mạc, ở hội trường to lắm, lợp bằng lá trung quân. Đại biểu dự rất đông.
Anh Quỳnh ở Ban chính trị Phòng 3, trưởng ban tổ chức đại hội, tuyên bố lý do, giới thiệu đoàn chủ tịch đại hội. Khi anh Quỳnh giới thiệu tới, anh Trương Văn Thành đứng lên, thấy quen quen. Thế có chết không, chiều qua mới hích một cái cùi tay vào sườn anh. Chưa biết anh, chỉ nghe là anh bị sốt rét nhiều gan lách to. Hích mạnh mà vỡ lá lách ra thì khốn. Hôm nay, anh ngồi trên ghế Đoàn chủ tịch Đại hội, lúc đi lên ngắm kỹ thấy bụng to thật, giống như anh Thanh Ngọ ở xưởng.
Đoàn chủ tịch hôm ấy gồm: thượng tá Nguyễn Xuân Thăng chính ủy Phòng 3, trung tá Nguyễn Xuân Đào quyền trưởng Phòng 3, anh hùng Trương Văn Thành ở Tiểu đoàn 42.
Sáng ngày thứ 2 vẫn nghe báo cáo điển hình. Bắt đầu nghe hai bản báo cáo. Anh Quỳnh nói: “Đại hội giải lao sớm để sau này nghe bản báo cáo dài”. Tôi nghĩ bụng đến mình chăng? Anh Quỳnh đến chỗ tôi thông báo: “Cậu chuẩn bị, giải lao xong vào là đến lượt”. Tôi ngồi cùng bàn với anh Ấn, chị Thúy. Tôi và chị Thúy là Chiến sĩ Thi đua, anh Ấn là Dũng sĩ diệt trực thăng.
Anh Quỳnh giới thiệu. Tôi lên báo cáo. Mở đầu “Kính thưa”, khác với các đồng chí báo cáo điển hình từ hôm qua đến giờ là tôi “Kính thưa” đồng chí anh hùng Trương Văn Thành đầu tiên, xong mới đến Đoàn chủ tịch và vân vân các loại “Kính thưa”… Sau mới giới thiệu:
- Tôi, Lại Văn Hay quê ở Đông Anh, ngoại ô Hà Nội, nơi có đền thờ Thục Phán An Dương Vương cổ kính và có vết chân đi của người anh hùng Phù Đổng.
Cả hội trường vang dậy tiếng vỗ tay như sấm. Theo phương pháp sư phạm là chống mười đầu ngón tay xuống bàn để người ta không phát hiện được mình run. Tôi không run nhưng theo thói quen “nghề nghiệp”, khi giọng xuống “xề” ở chữ “Đổng”, thì mười đầu ngón tay vừa chống xuống mặt bàn.
Trong khi ngừng lại để đại hội vỗ tay hồi lâu, tôi ngước mắt nhìn đoàn chủ tịch, bác Thăng, bác Đào cười tán thưởng, riêng anh Thành cười như nắc nẻ. Tôi vững tâm là đoàn chủ tịch ủng hộ, tán thưởng với những “bốc đồng” của tôi.
Báo cáo đến đoạn đi chốt ở Đồng Pan lấy thùng gỗ về làm bảng thí nghiệm, xong cũng dừng ít phút để các đại biểu vỗ tay.
Đoạn, đắp chiếc bàn đất trên hai tấm tôn để vẽ sơ đồ máy thu phát vô tuyến điện. Dừng lại đại biểu vỗ tay.
Đoạn tổ giáo viên tự nghĩ ra mà biên soạn tài liệu giảng dạy. Cũng vỗ tay.
Đoạn nghệ thuật dùng bảng đen, nghệ thuật gây viễn ảnh gần, gây viễn ảnh xa, nghệ thuật phá vỡ tập trung chú ý và xây dựng chú ý cho học sinh. Tôi dẫn chứng một chi tiết: Chỉ sơ đồ nguyên lý mạch điện của Máy thu phát vô tuyến điện, gần trưa học trò uể oải, ngáp ngủ. Thấy chị nuôi gánh nước qua, tôi mượn ngay cái đòn gánh làm gậy chỉ. Anh em buồn cười và tỉnh như sáo. Được đại biểu hoan hô nhiệt liệt và lâu nhất. Ba mươi ba năm sau mới gặp anh Quỳnh. Đầu tiên anh nhắc chi tiết đó: “Cậu dùng đòn gánh để chỉ sơ đồ mạch điện!”
Trưa hôm ấy xuống nhà ăn, anh em bàn tán về các chi tiết trong bản báo cáo của tôi. Tôi khiêm tốn với các tấm lòng ưu ái và ngưỡng mộ ấy mà rằng:
- Tất cả những người cầm súng, tôi cầm bút thì thế thôi. Chứ bản báo cáo này ở Hà Nội, rừng người cầm bút, nhiều chi tiết người ta “bịt mũi”.
Chiều tổng kết đại hội, phát phần thưởng. Sau bài tổng kết của bác Thăng, thay mặt đoàn chủ tịch đến bài phát biểu của đồng chí phái viên Tổng cục chính trị vào theo dõi Đại hội. Không đeo quân hàm, nên không biết cấp gì. Tôi đoán là thượng đại úy. Vì trong lời phát biểu có lộ ra chi tiết. Tôi cùng cấp với một số đồng chí ở đây, nhưng các đồng chí đạt được những thành tích kỳ diệu quá… Mà trong Đại hội, một số ít là cán bộ tiểu đoàn báo cáo điển hình, không có đồng chí nào là cán bộ trung đoàn. Một chi tiết nữa, đầu tiên: “Kính thưa đồng chí anh hùng Trương Văn Thành”, sau mới kính thưa…
Chi tiết đó làm tôi thích nhất. Chẳng biết rằng ai đã bắt chước ai! Trong đại hội mấy chục bản báo cáo và lời phát biểu chỉ có “độc nhị vô tam” là “Kính thưa anh hùng” đầu tiên.
Tôi nghĩ: đây là Đại hội Chiến sĩ Thi đua cho nên anh hùng là được trân trọng nhất, đưa lên hàng đầu. Trong báo cáo của tôi, cố “bới lông tìm vết” đưa được chi tiết “vết chân đi của người anh hùng Phù Đổng” và “đền thờ Cổ Loa” thờ Thục Phán và Ngô Quyền là những người anh hùng dân tộc. Chi tiết ấy là có thật ở quê mình.
Lúc ăn cơm xong đi về chỗ ở, cùng với một đồng chí già già, có vẻ là cán bộ tiểu đoàn ở Phòng 2, 4 hay 6… không rõ. Còn cán bộ tiểu đoàn ở Phòng 3 này tôi biết hết.
Đồng chí nói: “Chi tiết ấy trong bản báo cáo như vậy mà cậu bảo ở Hà Nội lắm chỗ người ta bịt mũi thì những người cầm bút ghê quá, chiến công hơn cả người cầm súng”.
Tôi nói:
- Ta không nói hơn mí kém, chiến công là của mọi người. Người cầm súng cũng có tự hào của người cầm súng “chính quyền trên mũi súng”. Người cầm bút cũng có tự hào của người cầm bút “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ. Những vần thơ bom đạn phá cường quyền”…

                                                    * * * 

                                              Di chuyển 

Dự đại hội Chiến sĩ Thi đua xong về đơn vị, lại có lệnh di chuyển căn cứ, địa điểm mới là gần sóc Chằm Bóp. Từ Thơ Mây đến Chằm Bóp cật sức, qua cả Đầm Lê Phông. Đường sá dễ đi. Di chuyển khí tài và đồ hậu cần bằng xe trâu mượn của dân Miên. 
Anh Tuấn dẫn một tổ đi tiền trạm, trong đó có tôi làm nhiệm vụ giao liên. Đến nơi biết vị trí là hôm sau tôi trở về ngay phum Thơ Mây dẫn đường. Anh Bằng người khu 5, cấp bậc B trưởng là học viên, thông thạo nghề xe trâu. Anh Niên cử anh ra Thơ Mây mượn dân. Ra phum Thơ Mây anh mượn hai con “dí, thá” béo khỏe, xe chắc chắn. Kết hợp vừa chuyển bằng xe, vừa chuyển bằng sức người một chuyến là hết. Cái gì không cần thiết được lệnh hủy bỏ. Gạo chuyển bớt cho tiểu đoàn bộ. Tôi áp tải xe trâu, anh Bằng thì “xế” là không thoát. Cùng vài cậu học viên nữa để có gì bất trắc xử trí dọc đường. Qua đoạn đi bộ, hai bên rừng dầu thưa thớt. Bên tả là bãi rừng dầu trũng cỏ tốt, từng đàn trâu của dân đang ăn. Bên hữu đất cao, khô cằn. Thấy tiếng OV10, anh Bằng tháo “dí, thá” ra cho xuống bãi cỏ ăn. Chúng tôi ngụy trang thêm vào xe. OV10 quần tròn, chúng tôi trú ẩn. Tầm 10, 15 phút nó mới đi. Đóng xe đi tiếp. Từ đó đến Đầm Lê Phông dễ đi quá. Có chỗ anh em phải chạy nhịp mới kịp “dí, thá”. Cu cậu ăn no cứ cắm cổ kéo. Ăn cỏ thì được bao nhiêu, chủ yếu là lúc sáng sớm, anh Bằng đã bồi dưỡng cho mỗi con nồi quân dụng cháo. 
Từ chỗ cũ đến Đầm Lê Phông, cỡ được ba phần tư đoạn đường về cứ mới, có khi phải bốn phần năm. 
Từ Đầm Lê Phông trở đi, đường không có sỏi, mưa ướt, xe cháy bánh khó đi. Có chỗ phải bắt bánh xe. Khoảng năm giờ chiều gặp một cây đường kính chỉ 20, 25 phân đổ chắn ngang. Anh Bằng bảo: “Tôi vượt được, khỏi cưa cho mệt”. Tôi cũng bàn chùn, để anh vượt. 
Anh ngồi trên xe điều khiển “dí, thá”. Xe lấy đà để vượt. Anh quất mạnh một roi, chẳng biết là quất dí hay quất thá mà một bánh xe sang được thân cây, bánh kia chưa vượt. Anh quất tiếp, dí thá kéo, hai bánh xe bửa ra, hất thùng xe cùng bốn tấn máy móc, nhổ đinh đổ rầm một cái. Sợ anh Bằng chết. Anh đã nhanh chóng đứng dậy: “Không sao! Không sao !”. “Dí, thá” sợ, chồm lên kéo cái khung không một đoạn xa anh mới kìm lại được. May mà anh Bằng cùng “dí, thá” không sao. Mà là bốn tấn máy móc khí tài, là danh từ, chứ làm gì được bốn ngàn ki-lô-gam. Bốn ngàn ki-lô-gam máy móc nó cồng kềnh, một xe trâu to mấy cũng không hết được, chứ đâu như bốn tấn gạo hay bốn tấn vũ khí! 
Mà hai trâu khỏe mấy làm sao sức kéo bằng Zin ba cầu được. Thật vô lý đùng đùng. Vậy mà cũng tin hai năm nay! Lúc nào cũng “Bốn tấn máy móc khí tài” cho nó oai. Phải chất vấn anh Tuấn mới được. Cũng như hôm tôi chất vấn anh phải chịu: “Tại sao người ta giải thích B52 vì sải cánh của nó 52 mét. Tôi cho không đúng, đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Mà B52 là kiểu máy bay, là mô đen. Nếu B52 vì sải cánh của nó 52 mét thì B57 sải cánh của nó phải 57 mét chứ! Thực tế ngắn hơn cả B52. Giải thích đi? Tùy tiện…” 
Tiện thể tôi “chích” luôn cho anh mấy “liều” để anh thấy rằng “thằng tay chân” của anh cũng là loại am hiểu. Thông thường các loại thả bom nó hay ký hiệu là B. Ví như B52, B57, B26… 
Tôi nói với anh Tuấn: 
- Hôm đại hội chi bộ, anh không muốn tôi đạt bốn tốt vì: lý do thứ nhất là, anh không đạt, có thêm không đạt để “rậm tre là làng”. Thứ hai là nó làm sáng ngời “sự quyết đoán” của anh trong chỉ huy vụ rút ra khỏi Đồi 181. Thực ra anh chả ghét gì tôi. 
Trúng tim anh. 
- Đù mẹ, thằng này mắt lé mà nhìn tinh ghê! 

                                                   * * * 

Tôi lấy Chỉnh đi cùng về cứ mới để báo cáo anh Tuấn. Còn anh em ở lại dưới sự chỉ huy của anh Bằng. Trước mắt lấy ni-lon che đậy khí tài, dọn gọn vào ria rừng để người ta đi lại khỏi vướng, ăn ngủ tại đây. Từ đây về cứ mới cỡ hơn hai tiếng đồng hồ. 
Đến một con suối ở cổng cái sóc to, suối không sâu mà rộng, ngay trên bờ là cái nhà con. Nó chỉ có một gian rộng, nhưng làm vuông chứ không làm hình chữ nhật, lợp lá cọ. Hai chiến sĩ chả biết ở đơn vị nào mắc võng nằm toòng teng. Trời mưa không to, chỉ lắt nhắt nhưng dai dẳng suốt ngày, về chiều tối này có vẻ nằng nặng hạt hơn. 
Tôi bảo: 
- Nghỉ tại đây thôi. 
Chỉnh hỏi: 
- Về đơn vị còn xa không anh? 
- Độ một giờ hay một giờ rưỡi là cùng. Nhưng toàn rừng già, tối không đèn pin, biết đàng nào mà đi. 
Không nói cho Chỉnh biết, nhưng tôi ngại là: Khu rừng đó là quyết chiến điểm C19 của anh Hùng “Chột” và lính Lon-non ở Mi Mốt cụm tại đó. Giờ đã mấy tháng rồi mà đi qua vẫn phảng phất mùi ai ai cải táng mả. 
Bảo Chính: “Cậu mắc võng, mắc luôn cho tớ, để tớ đi xin ăn”. 
Sâm sẩm tối, tôi rảo bước về sóc cách độ hơn trăm mét, có nhà đã lên đèn. Hầu như cửa nhà nào cũng cột bên tả là ảnh Xi-ha-núc, cột bên hữu là ảnh bà hoàng Mô-ních. 
Một nhoáng là tôi xin được bốn cái bánh tét, chưa bóc ăn nhưng biết là nhân làm bằng những quả chuối tây sắp chín. Đi về chỗ ở vẫn ngoái cổ lại nhìn cái sóc, không biết tên, chỉ biết là dân cư ở đây trù phú, phong cảnh hữu tình. Đằng sau dựa vào những quả núi trùng điệp. Thực ra, nói quả núi thì cao mà quả đồi thì lại thấp. Đằng trước mặt là sông thì nhỏ, mà suối thì to. Ở vào cái thế sơn thủy “lỡ cỡ” nhưng mà đẹp. Thế núi, thế làng, thế sông cân đối. Có một đường duy nhất, từ bờ suối chỗ tôi ở đi hết sóc, đi đâu nữa không để ý. Lúc xách bốn bánh ra ăn thì đã tối hẳn. Hai ông bạn ở chung chưa biết tên, chưa biết đơn vị đã lên đèn ăng-côn treo đầu cột võng. Một cậu hỏi: 
- Đến cái là ông đi đâu? 
- Đi sóc xin ăn. 
- Chúng tôi có cơm và thịt đây, thiếu nấu tiếp. Hai người ăn cũng không hết. 
Nói rồi xách ra một xoong thịt. Thịt còn nhiều hơn cơm. 
Họ cho ăn là ăn, chả thắc mắc “các ông có hai người mà nấu nhiều thế?” làm gì. 
Cơm cứ xoong vục bát vào mà xới, thịt cứ xoong mà gắp, chẳng múc miếc ra làm gì. Ánh đèn ăng-côn lù mù, mình cứ nhè miếng đen đen mà gắp là thịt nạc. 
Cơm no nê, uống trà, hút A-ra, nói chuyện. Ngoài trời vẫn tí tách mưa. Giọt mưa rơi vào mái nhà lá cọ nghe lộp bộp. 
Hôm sau tới cứ mới báo cáo với anh Tuấn. Anh cũng không sốt sắng lắm, hình như anh lo chuyện gì quan trọng hơn, anh bảo: “Cứ để đó đã, có người coi giữ lo gì!”. Tôi nghỉ ngơi. Hôm sau đại quân của C5, H19 ùn ùn kéo đến. Chỉ mấy cậu coi giữ đống máy giữa đường cùng với “dí, thá” còn xe cứ nằm đấy đã. Anh Tuấn cử người đến chữa xe, xong trả dân phum Thơ Mây cùng với “dí, thá”. 
Căn cứ mới ấy là của đơn vị nào đấy mới bỏ đi. Chúng tôi tiếp quản, cả đơn vị ngót trăm rưỡi mà chỉ ở hoèn hoèn có tí ở ria phía ngoài giáp đường, giáp trảng, giáp sông. Còn đi sâu vào trong, khối nhà chưa ở đến. 
Ngay cổng đơn vị, cách một bãi ruộng lúa nước trăm rưỡi đến hai trăm mét là một sóc, gọi là Chằm Bóp. Chẳng biết sóc chính ở đâu, chứ ở đây lèo tèo mấy nhà sao gọi là sóc Chằm Bóp nổi tiếng được! Nhìn cái bãi ruộng lúa nước kia, hàng chục mẫu, mà sóc nhỏ lèo tèo này, làm ăn canh tác sao kham nổi. Tôi đoán đây là mấy gia đình của Chằm Bóp ra ở trại. Đến tuần lễ sau, anh Tuấn mới xếp được số người đi tải khí tài về cứ mới. Thế nào đi giữa bãi rừng già, gặp đoàn giải phóng Miên. Cả nam lẫn nữ là hai chục người, đi ngược chiều chúng tôi. Bỗng một cô giải phóng Miên hai tay nắm chầm lấy tay tôi mừng rối rít: “Anh, anh”. Tôi nhận ra ngay là em ông bí thư chi bộ phum Đa. Cô kể là đã đi giải phóng. Tôi cứ ngây người chẳng hỏi được gì. Rồi hai bàn tay tôi ôm lấy hai bàn tay cô, xù xì, khô khô, nứt nẻ. Lòng thương mến, cảm xúc trào dâng. Mừng cho cô, bàn tay từ nay sẽ đổi sắc thay da. Không ngờ, chỉ vài năm sau, cũng như bao bàn tay của người phụ nữ Campuchia duyên dáng, đôn hậu khác; đôi bàn tay này vẫn khô khốc, khắc khổ, chìm đắm như hình bóng của đất nước Chùa Tháp với nền văn hóa Ăng-co vì nạn diệt chủng!
Để bám sát đội hình, tôi và cô giằng tay nhau ra chia đôi ngả. Hai người lính thân quen thực tình chưa biết tên nhau. Chỉ biết gọi là anh và em! 
Chỉ ăn rồi nghỉ, tú lơ khơ, cờ tướng, chỉnh huấn chính trị và sốt rét! Lính vất vả, gian khổ ác liệt nó quen rồi, hễ mà cứ rỗi rãi, ít việc lại sinh ra sốt rét, điều đó cũng dễ giải thích vì là “nó dồn sức”. Cứ sau đợt chống càn là ốm liểng xiểng; còn lúc chống càn, bom pháo chết ai thì chết, còn là khỏe mạnh. 
Thượng tuần tháng 9 năm 1970, chúng tôi lại được lệnh di chuyển. Hành quân ban đêm. Từ căn cứ ra bờ sông, gọi là sông Sa Lông chỉ năm, bảy phút. Còn ở tiểu đoàn bộ ra phải đến mười, mười lăm phút. 
Ngày thì cho di chuyển đồ đạc, tập kết ở bờ sông. Tối mới chất lên xuồng. Tầm mười giờ đêm hai xuồng máy nhổ neo xuôi dòng Sa Lông. Tờ mờ sáng đến thị trấn huyện lỵ Sa Lông. Hai xuồng máy quân sự, lẫn trong dãy nhà bè của dân Miên, Việt trên sông Mê Kông. 
Một ngày nghỉ ở nhà bè Sa Lông, lên bờ dạo chơi, sáu giờ tối mới xuất phát. Đến thị trấn Bưng Dồn, dỡ hàng tại đó đưa lên bờ. Hàng của chúng tôi và của cả tiểu đoàn để chung, ở gần nhà sàn của “chú Tư” Việt kiều. 
Số áp tải hàng có mười chiến sĩ, còn là đàn bà, trẻ con trên hai chục. Anh Đỗ Thanh Tân, tiểu đoàn phó chỉ huy chung. Anh Tân “Điếc” văn thư đánh máy chỉ huy tốp đàn bà trẻ con. Anh Nguyễn Văn Huệ, trợ lý khí tài chỉ huy bảy lính áp tải lấy ở các đại đội và D bộ. Tôi chỉ huy tốp áp tải của C5 gồm anh Hiển giáo viên và Việt “Dí” học viên. 
Hàng đưa lên gần nhà “chú Tư” cách bến vào năm, bảy mét, được già trẻ gái trai Việt kiều ở thị trấn Bưng Dồn ra giúp rất nhiệt tình. Chúng tôi chỉ khoanh tay đứng xem, uống trà, ăn chuối. Chỉ thay phiên nhau, một người đứng ở gần nhà sàn “chú Tư” hướng dẫn dân để cho gọn ghẽ mà thôi. Hai ba cái đèn măng-xông sáng trưng, con kiến bò dưới đất cũng nhìn thấy, cái kim rơi dưới đất cũng tìm được. Hoàn tất công việc chưa đầy chín giờ tối. Tối đó, dân Việt kiều ở khu vực gần nhà “chú Tư” đông vui như tết. 
Nghỉ ngơi ở Bưng Dồn vài ngày, xả hơi rồi tót về căn cứ mới. Nói là đi bộ một ngày rưỡi là hành quân theo đoàn. Đi lẻ thì một ngày cật sức. Cỡ năm mươi cây số xe đạp đi ba bốn tiếng. Còn ba chúng tôi ở lại coi giữ. 

                                                  * * * 

Trung tuần tháng 9 năm 1970, đại quân của H19, đi một mạch từ Chằm Bóp đến căn cứ mới an toàn. 
Tiểu đoàn bấy giờ phải đến ngót nghìn quân vì là tám đại đội và tiểu đoàn bộ. Có lẽ từ trước tới nay H19 là phồn thịnh nhất, và ai mà biết trước được, có thể còn cả sau này! 
Ngày thứ nhất đoàn xuồng máy chở quân nhổ neo từ bến sông ở Chằm Bóp. Toàn là xuôi dòng. Từ Chằm Bóp xuôi dòng sông Sa Lông đến thị trấn Huyện lỵ Sa Lông giải lao. Từ thị trấn Sa Lông xuôi dòng Mê Kông đến thị trấn Bến Kết cắm neo đổ quân. Hành quân hai mươi phút lên rừng cao su già bạt ngàn, có mà tập kết cả quân đoàn ngót trăm nghìn quân cũng đủ chỗ. Từ Bến Kết hành quân bộ hai ngày đến căn cứ mới, sớm sủa. 
Các đại đội đến cứ mới là chúi mũi vào xây cất nhà cửa, bếp núc, hội trường. H19 bỏ rơi ba chúng tôi ở Bưng Dồn. Anh Hiển và học viên Việt không lo mấy, còn tôi lo sốt vó. Đưa thư về, các đồng chí chỉ huy trả lời là: “Tìm cách đưa khí tài lên dốc rừng cao su, đơn vị cho xe xuống chở về”. Chả là cái thị trấn Bưng Dồn nằm dưới trũng sát mặt nước sông Mê Kông. Cách nhà ở độ 300 mét lên một cái dốc cao. Có chỗ gần như dựng đứng, không xe nào dám đi. Đưa bốn tấn khí tài của C5 và cỡ bốn tấn nữa đồ đạc của tiểu đoàn bộ vào là cỡ tám tấn. Chỉ có tải bộ phải hết ngót nghìn chuyến. Lấy đâu ra nhân lực ấy. Nhờ dân, phần tử xấu trà trộn vào lộ bí mật. Kể ra chỉ 300 mét, lên khỏi dốc coi như về đến nhà. Quyết điểm vẫn là một chỗ dốc ở đầu thị trấn. Xe trâu, xe bò, xe ngựa của dân sẵn lắm, huy động một lúc vài chục chiếc cũng được. Ba người đành cứ chờ đợi. Ở nhà “chú Tư”, thím người đôn hậu, nói năng sẽ sàng nhỏ nhẹ. Chú thì tính gàn gàn. Chú thím có một con trai út đi giải phóng từ ngày đảo chính Xi-ha-núc. Ở nhà chú thím, sáng ăn quà phụ, bữa trưa và tối như ăn cỗ. 
Một hôm anh Hiển và Việt mượn thuyền con của dân có cả lưới đánh cá. Tôi coi kho ở nhà, còn hai người đi vào hơn tiếng đồng hồ, mang về lưng thuyền cá. Tôi mang sáu tấm tôn ở kho ra rải cá phơi khô. Dân phố họ cười vì sống bên bờ Mê Kông mà phơi cá khô. Mấy hôm không được nắng, thối inh nồng nặc. Tôi và Việt đu đưa lấy đà quẳng ùm cả cá và tôm xuống sông. Dòi bọ nổi lên, cá đến ăn như sống trong chậu. 
Mãi tới ngày 3 tháng 10 năm 1970, tiểu đoàn phó Đỗ Thanh Tân dẫn bảy đồng chí xuống cộng với ba chúng tôi là mười do anh Huệ phụ trách. Chúng tôi chuyển số khí tài ấy xuống hai xuồng máy, được dân hỗ trợ cũng nhanh. Mỗi xuồng năm người. Anh Tân ở lại về cùng với tốp tiếp phẩm. Xuồng máy xuất phát cũng sớm. Chúng tôi ngắm nhìn cảnh sông nước Mê Kông xuôi dòng lúc buổi hoàng hôn này sao mà lòng rạo rực. 
Được dân Bến Kết hỗ trợ lên hàng, chỉ vào tám giờ tối là tám tấn khí tài, đồ đạc đã gọn trong kho, mười quân nhân kéo vào chợ uống cà phê. 
Chợ là cái nhà rất to, như cỡ chợ Bắc Qua, chợ Đồng Xuân vậy. Trước đây nó là nhà cảng của Sở cao su Bến Kết. Tập kết cao su đưa xuống tàu thủy. Khi đảo chính Xi-ha-núc, chủ chạy về Nông Pênh, bỏ không, dân dùng để họp chợ. Đèn điện không có, có măng-xông trắng sáng. Uống cà phê dân không lấy tiền. Chợ tối, khối hàng quà bánh, hủ tiếu… Chúng tôi không dám ăn gì nữa. Tám người vào nhà dân ở, hai người mắc võng coi kho. Ở nhà chị Tư, người Miên lai Hoa, cởi mở, phúc hậu. Có bốn đứa con lít nhít. Đứa lớn chỉ chín, mười tuổi. Đứa bé nhất mới chập chững biết đi. Chồng chị không biết làm gì, ở đâu mà không có nhà. Chỉ có năm mẹ con và người làm mướn. Chứng tỏ nhà cũng khá giả. Tầm hơn chín giờ tối, chị sai người ở thịt gà nấu hủ tiếu cho chúng tôi ăn. Xong, hoa quả ăn thỏa thích. Chị sai người ở đi gọi hai cậu coi kho về ăn, gửi các anh bên C35 coi hộ. Cái nhà ba gian lợp ngói móc to tướng. Trước cửa là đường nhựa rộng, hai ô tô đi tránh nhau thoải mái. Ria bên kia đường nhựa là bờ sông Mê Kông. Ba bề nhà đó là sân hẹp, chỉ bốn năm mét chiều ngang. Ba cái nhà dài thượt hình chữ U bao lấy cái ba gian ở giữa mà C35 và H19 làm kho để khí tài. Xe Zin đến chở cũng tiện lợi. Nghe đâu ba nhà dài thượt kia chứa đầy mủ cao su. 
Tờ mờ sáng ngày 4 tháng 10 năm 1970 có chiếc “hai thân lớn” nó quần một vòng, dân chúng vỡ chợ, chạy như vịt. Mười chúng tôi vẫn ngồi trong nhà chị Tư. Không ai ra ngoài sợ mặc quần áo giải phóng bị lộ. Bỗng nhào xuống phóng quả hỏa tiễn nổ, cách tường hậu nhà chị Tư đúng một mét. 
Khói phủ kín nhà, lợi dụng cảnh mù mịt đó anh em ra hầm trú ẩn. Dân chạy vào trú nhờ chật ních. Tôi, Thành, Việt ngồi ở cửa hầm. Mỗi lần nó bắn trọng liên, chúng tôi lại ép người vào nhau. Loại máy bay này chỉ bắn hỏa tiễn nó mới bổ nhào, chứ bắn trọng liên nó không cần bổ nhào, cứ lượn vòng tròn mà bắn. 
Một loạt, Việt kêu lên: “Thành ơi, tao bị thương rồi! Đây này, xuyên qua mông”. Thành sờ ngay được đầu đạn nằm chềnh ềnh trên nền hầm, còn nóng hổi. Thành bảo: “Yên chí, đầu đạn ra rồi!” 
Việt lấy tay bịt mông cho khỏi tứa máu. Hôm ấy sao nó bắn dai thế. Phải đến gần tám giờ nó mới chịu buông tha. Dân chúng lại quay vào họp chợ, ai lại việc ấy. Anh Huệ giao cho tôi và Thành đưa Việt đi viện. Gọi cậu là Việt “Dí” vì cậu làm khỏe, hùng hục như con “dí” con “thá” của Miên, thế cũng thành tên. 
Anh Huệ tổ chức bảy anh em lên sơ tán ở nhà Sở cao su Bến Kết. Đây là trung tâm cao su của đất nước Campuchia. 
Trong khi chị Tư và người ở sơ cứu cho Việt. Tôi đến xem hố quả hỏa tiễn rồi trèo tít lên hết bậc ngắm nhìn: cái thị trấn Bến Kết này nằm sát sông Mê Kông. Một bề là sông như cái dây cung, ba bề là núi ôm lấy cái thị trấn như là cánh cung. Chiều ngang chỗ rộng nhất độ vài trăm mét. Chiều dài đến cây số. Các nhà dân ở san sát, chen chúc. Nhà của Sở cao su to đùng, nó là bến cảng. 
Quả hỏa tiễn găm ngay ria tường gạch bậc cầu thang lên núi phía bên kia tường nhà. Mảnh văng lên tường bưng gỗ thủng lăm băm, một số mảnh còn găm ở đó. Những mảnh ấy gọi là sáng loáng hay xám loáng đều được vì là tùy thuộc vào góc độ nhìn của mỗi người và ánh sáng phản chiếu. 
Số chúng tôi ở trong đó chỉ hết “thần hồn” chứ “thần xác” còn nguyên vẹn. 
Chờ Việt ăn hết tô cháo bột chị Tư mua cho. Xong tôi và Thành dẫn đi.
Mà cái vết thương của cậu Việt “Dí” nó cũng “trào phúng” như quả pháo ở K48. Xuyên qua mông, đầu đạn bay vụt ra ngoài. Mông Việt “Dí” có lỗ vào ở trên, lỗ ra ở dưới, nhưng phần da thịt ở giữa vẫn nguyên vẹn.
Tôi và Thành dẫn Việt đi chứ không phải cáng như đoạn lên dốc nữa. Trên dốc là một cao nguyên bằng phẳng, bạt ngàn là cao su, cây cổ thụ. Nghe đâu người Pháp đặt chân đến đây lần đầu tiên, đã lập sở cao su này sau mới lan truyền đi các nơi trên đất Căm Pốt.
Tấm bé đến giờ mới biết rừng cao su thực sự, cao su ở đây cạo mủ phải bắc thang. Chứ không như rừng cao su non ở Đồi 181. Mỗi bề vuông vắn 500 mét gọi là một lô.
Tầm 12 giờ trưa, chúng tôi tới một trạm hậu cần liên hệ xe cho Việt đi viện. Anh xế mới đi công tác về đang ăn cơm, chúng tôi chờ đợi.
Ba chúng tôi lên cái com-măng-ca đít tròn mới tinh. Xe chạy băng băng trên rừng cao su. Độ một giờ sau ra khỏi rừng. Đi qua Trảng Trống đến một con suối sâu lắm. Bẩm bụng chắc là xuống đi bộ đây. Không thấy anh xế bảo gì. Xe cứ bò từ từ, từ từ leo lên cầu. Mà “cầu” là cây thông to dài, xẻ dọc bắc qua mỗi bên một nửa. Nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm. Tôi sợ quá muốn bắn tim ra ngoài. Đồng chí “xế” biết ý bảo: “An tâm, tối tôi còn đưa thương bệnh binh qua đây nữa là”. Tôi có an tâm một chút, nhưng không dám nhìn xuống mà chỉ nhìn thẳng.
Qua suối là khu rừng già. Viện đóng ở đó. Làm thủ tục nhập viện cũng nhanh, tôi và Thành tạm biệt Việt ra xe về.
Lúc về qua suối tôi vẫn sợ, thà để mình đi bộ qua còn hơn. Xe vào rừng cao su. Chuyện trò với xế mới biết: anh là người ở Sở cao su Bến Kết. Nhập ngũ sau ngày đảo chính Nô-rô-đôm Xi-ha-núc. Mới biết Bến Kết là đầu não cao su của Campuchia. Chủ nó ở bên Pháp. Giám đốc ở đây, người Tây cũng chỉ làm thuê cho ông chủ Pháp mà thôi. Mới biết cô Hồng y tá, có gia đình ở đây. Thảo nào cứ gọi cô là Hồng “Rịa”. Cụ ông thân sinh là người làng Thạch Đà, Yên Lãng, Vĩnh Phúc, trước cách mạng, nghèo khổ phiêu bạt vào đây làm đồn điền cao su. Con trai cả là Tân, con gái út là Hồng đều xung phong vào Quân giải phóng. Con trai thứ hai ở nhà trông nom hai cụ. Đảo chính Xi-ha-núc ngày 18 tháng 3 năm 1970, địch bắn chết, bắt cụ ông bỏ tù. Trên lệnh cho đặc công đưa cụ từ trong tù ra. Năm 1972, cụ bà qua đời tại Bến Kết. Sau ký hiệp định Paris cụ ông là cán bộ huyện Tân Biên, Tây Ninh ở vùng giải phóng. Anh Tân công tác ở tỉnh đội Tây Ninh…
Xe anh đưa chúng tôi đến tận nhà chị Tư mới quay lại đơn vị. Vào nhà chỉ thấy cô người ở đang làm việc. Sau một lát anh Huệ ở chỗ sơ tán về. Tầm bốn, năm giờ chiều chị Tư mới về. Mua bao nhiêu thức ăn và hoa quả. Chị nói rằng: tìm chỗ cho các cháu sơ tán ở bên Cô-xi-ma. Thị trấn bên Cô-xi-ma ở phía bờ Nam cùng phía với Bưng Dồn, Sa Lông, Cần Dò. Bến Kết ở bờ Bắc, hai thị trấn đối diện nhau.
Chiều ấy chỉ tôi, Thành, Huệ ăn cơm nhà chị Tư; còn sáu anh em ăn ở chỗ sơ tán nhà chú Tư. Chú Tư đây là ở Sở cao su Bến Kết, chứ không phải chú Tư ở Bưng Dồn “gàn gàn bát sách”.
Sáu anh em sơ tán về kho lấy đồ đạc lúc nhá nhem tối. Anh Huệ hội ý lấy tinh thần xung phong hai đồng chí ở lại coi hàng. Thành với lý do đang thử thách thời kỳ dự bị đảng, xung phong ở lại. Thế là anh quyết tôi và Thành ở lại coi kho. Bảy anh em ngược dốc lên Sở.
Cảnh hoàng hôn đầu đông, sương phủ nhẹ lưng lùm cao su trên cao nguyên, bầy chim từng đàn bay về nơi ngủ. Chúng tôi người ở lại người đi, gây nỗi buồn man mác khó tả.
Anh em đi khỏi, ngồi ăn trái cây, nói chuyện với chị Tư. Các con ở nhà dưới cũng lên quấn lấy mẹ. Lúc thì chị Tư cùng các con múa điệu “Lâm thôn”, lúc thì chị ngồi vỗ tay hát cho các con múa.
Tầm 10 giờ đêm chúng tôi ra kho ngủ, cũng yên chí là có các đồng chí bên C35 ở đó. Khi ra thì Phi “Ba toa” đã toòng teng trên võng ngủ từ bao giờ. Cái đèn bão vặn nhỏ để lù mù ở nền nhà kho. Nhẹ nhàng mắc võng ngủ, nói chuyện nhỏ kẻo ảnh hưởng đến Phi. Bỗng nói chuyện rồi thiu thiu ngủ. OV10 đến thả pháo sáng rồi chuồn, lúc này là một giờ đêm. Thành bảo:
- Có lẽ thả pháo sáng, kìm chân mình ở đây mai đánh.
- Đây là bến cảng, thả pháo sáng là thường xuyên có gì lạ. Lại ngủ tiếp.
Đến ba giờ OV10 lại thả pháo sáng, lần này lâu hơn. Tôi và Thành nhận định tình hình. Phi vẫn ngủ tì tì, hầu như các lần pháo sáng kia là cậu chẳng biết gì.
Thành bàn với tôi:
- Mình sơ tán một số khí tài quý hiếm.
- Thứ gì là quý hiếm? Toàn đồ học cụ huấn luyện, bỏ đi được rồi!
- Tôi thấy ba mươi hai cái T108, hai bao tải ma-níp, bốn thùng pin là quý hiếm. Vì thời kỳ này pin rất hiếm. Một số khối pin 81 và K63 do Trung Quốc viện trợ cho mình.
Tôi vẫn không nghe Thành, bảo:
- Xưởng, họ của như trời, vẫn bình chân như vại. Mình có mấy cái máy rách. Sáng ra xe tới mình lục đục đi lấy hàng sơ tán, chậm trễ họ cười cho thối mũi “mấy thằng cha này nhát gan, ham sống sợ chết”! Thôi cứ “bình tông” mà ngủ cho khỏe.
Lúc năm giờ sáng, OV10 lại đến thả pháo sáng, nhào lượn cho đến sáng rõ, chao xuống bắn điểm xè đùng. Chiếc “hai thân” lớn lượn vòng quanh bắn chứ không bổ nhào. Thời Pháp nó dùng loại này thả bom thả dù. Giờ nó dùng vũ trang thì bắn cả ngày không hết đạn. Lợi dụng tình hình dân chúng chạy toán loạn, dựa vào địa hình địa vật, tôi và Thành chạy ngược dốc đường nhựa lên núi. Được cỡ dăm mét, Thành hỏi:
- Súng ?
- Để ở kho.
- Về lấy ngay. Thế là tôi quay lại lấy súng CKC. Thành nép vào tường nhà đứng chờ.
Hai thằng xách súng CKC, ngược dốc chạy thục mạng. Được khoảng hai, ba trăm mét, thấy cái ống cống thoát nước cho đường nhựa to lắm chui vào. Tôi cao 1 mét 56, đứng đầu hơi kích một tý, như vậy đường kính ống phải mét rưỡi. Nói theo từ kĩ thuật thì “phi 1500”. Mặt đường nhựa hai xe tải lớn tránh nhau thoải mái, thế thì cống phải trên 10 mét, sâu hun hút vào ria núi. Cả nhà chị Tư, một số dân chúng thị trấn và hai chúng tôi chui trong cống trên chục người mà vẫn rộng rãi. Hai thân lớn bắn dai lắm, cỡ hai tiếng đồng hồ mới thôi. Tụi trẻ tranh nhau ra cửa thụt thò xem máy bay bắn. Chị Tư lấy trong túi xách bánh mỳ pa-tê đưa chúng tôi ăn. Không có nước uống, ăn quýt tráng miệng.
Hai tiếng thật, bấy giờ là tám giờ. OV10 và hai thân lớn đều rút xa. Tôi định rủ Thành xuống kiểm tra kho thì OV10 khác đã đến. Chao xuống bắn điểm liền. Hai phản lực cánh bằng chao xuống trút bom. Khói đen mù mịt cả bầu trời, lửa cháy tạt cả vào mặt chúng tôi. Cách hai ba trăm mét là đường nhựa ngoằn ngoèo, chiếu thẳng thì gần không à. Đánh bom xong chúng nhao xuống bắn 20 ly, tức là đạn “đum đum”. Bao giờ cũng lao từ núi hướng rừng cao su xuống đánh, ngóc lên bên phía Cô-xi-ma. Chắc là sợ quá đà, đâm vào núi, nên không dám nhao từ phía Cô-xi-ma mà ngóc đầu ở phía núi. Ra cửa xem, nghe đường đạn đi căng thật. Có lẽ chỉ cách đầu chúng tôi vài mét, mát cả tóc. Yên chí không trúng mình được đâu mà sợ.
OV10 lởn vởn vòng ngoài, F đánh xối xả, tốp này chưa đi, tốp khác đã đến. Kéo dài trong hai giờ nữa. Tầm mười giờ im hẳn phi cơ, cái thung lũng thị trấn Bến Kết như bó đuốc khổng lồ. Ba dãy nhà dài thượt, đầy ắp mủ cao su, bốc cháy!
Tôi và Thành tạm biệt gia đình chị Tư và dân chúng ở đó, ngược dốc lên Sở. Trên rừng cao su dân chúng chạy lên đông như chợ. Chúng tôi bảo dân sơ tán, đề phòng địch đánh lên đây. Dân chỉ cho đường đi đến cơ quan Sở. Đi năm phút là tới chỗ ở, làm việc, điều hành cơ quan đầu não của ngành cao su cả nước Campuchia.
Mới đến gặp ngay cái biệt thự hai tầng. Cách đó vài chục mét là khu nhà cấp 4, lợp ngói. Dãy ngang, dãy dọc, nhà lớn, nhà trung, nhà nhỏ đủ các cỡ, phù hợp với từng loại công việc, nằm trên mảnh đất vào mẫu tây, xung quanh chỉ có hàng rào kẽm gai, chẳng có tường tiếc gì cả.
Khu biệt thự hai tầng là của bảy người Pháp ở, cùng vợ con, kẻ hầu hạ. Biệt lập riêng một khu. Ngăn cách với thế giới bên ngoài là bốn bức tường của biệt thự. Khu nhà cấp bốn là các phòng ban làm việc của sở. Sau đảo chính Xi-ha-núc, bảy người Tây này cùng vợ con về Nông Pênh hay về Pháp không rõ. Kẻ hầu người hạ đều bị sa thải. Nhân viên người Việt chia nhau ở trong khu nhà cấp 4 với các tiện nghi đồ đạc. Bên cạnh khu cấp 4 là sân bay, đường băng chỉ dài vài trăm mét, chẳng dải nhựa mà cũng chẳng đổ bê tông. Trong nhà chứa máy bay có hai cái “đầm già” sơn đỏ chót (như L19). Hai hàng cột hai bên, sơn khoanh trắng, khoanh đỏ. Mỗi cột treo cái túi vải dài chừng một mét, đường kính cỡ 30 phân cũng từng khoanh, khoanh vải trắng, khoanh vải đỏ. Làm mốc cho máy bay lúc “căn” hạ cánh. Đường băng là bãi, chỗ cỏ, chỗ sỏi như sân bóng đá. Chẳng ai quản lý. Bảy anh em sơ tán họ xem chán rồi, giờ đến lượt hai thằng tôi. Anh Hiển bảo: “Lên biệt thự mà xem”. Tôi và Thành lên, đi lục lọi các chỗ và xem cách kiến trúc nhà Tây. Phòng ở, phòng làm việc, phòng sinh hoạt, phòng vui chơi giải trí… Phân chia từng khu vực tiện lợi khoa học. Nhà không chủ nên vứt các thứ lộn xộn. Đó là đồ bỏ đi không cần thiết chứ tiện nghi sinh hoạt như quạt, bếp gas, tủ lạnh, ra-đi-ô, tủ, giường, bàn, ghế… các gia đình viên chức của sở chia nhau, sau khi ông chủ bước xuống xuồng máy xuôi về Công Pông Chàm, Nông Pênh hoặc Xi-ha-núc Vin rồi! Ở gác hai có một phòng để sách báo ta cứ gọi là thư viện gia đình. Cầm xem những quyển sách chữ Tây dày cộp. Không biết chữ nên xem xong để chỗ cũ. Một chồng họa báo Tây to tướng, xem xong họ vứt đầy nền nhà. Tôi và Thành mỗi thằng lấy một chồng cả chục quyển ra xem. Những họa báo Tây, bây giờ chẳng là cái gì, nhưng bấy giờ xem cứ ngường ngượng thế nào ấy. 
- Thành ơi, thế này mà nó cũng đưa lên sách báo! 
- Kệ nó. Tư bản chủ nghĩa mà, Bủ quan tâm làm gì. 
Đang xem, chiếc “hai thân” lớn đi qua, tưởng là nó đi làm việc khác, dè đâu quay ngoắt đầu lại là xả súng bắn liền. F cánh bằng lại lên đánh. Tôi và Thành nhào từ trên nhà hai tầng, chui tọt vào hầm trú ẩn. 
Anh em sơ tán lại ở nhà chú Tư. Chuyển căn cứ ở đất mình thì có duyên với “Văn công”, chuyển căn cứ trên đất Căm Pốt này có duyên với “Thứ tư”. Chú Tư là viên chức ở Sở cao su, hình như y tá, y sỹ gì đó. Chú người gầy còm, nhỏ nhắn. Thím Tư thì to lớn như “hộ pháp”, vừa to, vừa cao, vừa béo; nói đầy đầy lưỡi gần như ngọng. Mới quen. Chẳng biết chú thím tên là gì và mấy con. Chỉ biết chú thím Tư có cô con gái độ 16, 17 tuổi và cậu út cỡ 3, 4 tuổi. Thím và đứa nhỏ ít khi lên khỏi hầm. Tôi và Thành chui xuống làm giấc cho yên chí. 
Đúng năm giờ chiều chúng thôi đánh. Bầu trời im bặt tiếng phi cơ. Những tàn tro bay khắp trời lơ lửng. Như vậy là đánh trọn một ngày. Đi một lát, chú Tư về thông báo: chết hai người, hai con lợn; bắt bốn thằng gián điệp người Miên. Hai người chết, một là cụ già tai điếc không chạy, hai là cụ già thấy im về tháo lợn, chúng ập đến đánh lần hai, cụ chết. 
Tối đó chúng tôi mò xuống kho xem. Lửa cháy rừng rực nóng quá không vào thị trấn được. Đứng lưng dốc nhìn một lúc rồi quay lại. 
Chỉ huy đơn vị không cho ở sở mà đi xa hơn chút nữa. Cả số áp tải của C35 và H19 vào hai chục người ở cùng một chỗ. Dưới sự chỉ huy của Thượng úy phó giám đốc xưởng Nguyễn Trí Dũng (bác Dũng “trán hói”). Bác Dũng đưa chúng tôi vào khu vực nhà chùa ở ven sông. Từ Sở cao su đi bộ cỡ 10 phút ngược dòng Mê Kông. Xong rẽ phải, đi xuống bậc gạch dài lắm, là ngôi chùa ở ngay ven sông. Nước Mê Kông to có khi ngập vườn, vào cả nền nhà. Ngôi chùa nhỏ xinh xinh lợp ngói, còn nhà ở thì to; có mấy cái nhà lợp lá cọ, công trình phụ cũng lợp lá cọ. Đến bảy, tám nhà sư và tiểu người Việt. Cấp bậc quan hệ của họ thế nào tôi không rõ. 

                                                   * * * 

Sáng ra, tôi với Thành mò đi chơi. Cứ đường mòn và bậc gạch mà đi, cụt đường ta quay lại. Đi ngược lên núi mấy chục mét. Đã bảo mà, cứ gọi là “núi” nó quen mồm, chứ làm gì có núi, mà chỉ có cao nguyên cao su mà thôi. Gặp một chùa hang to ghê. Cả tiểu đoàn cỡ 500 quân ngồi sinh hoạt thoải mái. Đi men theo sườn núi hướng xuôi dòng Mê Kông độ năm, bảy, chục mét là chùa hang nhỏ hơn nhiều. Chỉ đại đội trên dưới trăm quân sinh hoạt thoải mái, chùa hang nhỏ này, chả biết dân ở đâu có gần đây không mà họ đem cúng hoa quả nhiều. Chuối chín thâm cả vỏ, cam quýt héo cả đi. Tôi và Thành chọn những quả còn ngon “hưởng lộc Phật”, mỗi thằng làm một bụng lưng lửng chờ nhà chùa thết cơm trưa. Ở nhà chùa ngày 6, 7, 8 tháng 10 năm 1970. Xe đến đón anh em về đơn vị công tác. Tôi và Thành lại được anh Huệ cho ở lại thanh lý kho về sau, do bác Dũng C35 phụ trách. Xẩm tối ngày 10 tháng 10, C35 và H19 gồm bảy, tám người thanh lý kho. Đi sớm quá dân phát hiện được mất ảnh hưởng. Khuân vác các thứ cháy vứt xuống Mê Kông để phi tang. Toàn bộ máy móc, khí tài, vũ khí cháy đều dọn sạch. Vì tình hình cuối 1970 có khá hơn. Hậu cứ lại được trang bị AK, B40 như cũ. Số súng K50, K56, K44, thượng liên, trung liên, mìn ĐH 10… không sử dụng bỏ kho di chuyển. Tôi để cái máy AB 67 và khẩu K56 cháy xác mang về làm tang chứng. 
Mấy hôm ở nhà chùa, có đồng chí chỉ huy đơn vị đóng gần đấy đến chơi. Hỏi ra mới biết đồng chí ở đơn vị pháo nòng dài chống tàu thủy. Thì ra nơi hẻo lánh này, tưởng mình là Quân giải phóng đến ở đầu tiên, hóa ra người ta đã lập tuyến phòng thủ đường sông. Ừ nhỉ, sườn cao nguyên này biết bao nhiêu hang động. Tuyến phòng thủ này, tàu chiến mày ngược không có đường xuôi. Lại nữa là nhà chùa ăn chay, sao lại có cái vó to tướng cố định ở sông, thẳng vườn chùa xuống. Thỉnh thoảng tiểu ra cất mẻ vó cỡ hai ba cân cá là ăn cả ngày. Thì ra nhà sư ở đây không ăn chay cả tháng, mà chỉ rằm, mùng 1 thôi. 
Tầm 10, 11 giờ đêm ngày 10 tháng 10 năm 1970 là xong công việc. Đi ngược dốc đường nhựa lên núi. Một xe Zin chờ đợi ở đó đưa chúng tôi về đơn vị. Trên thùng có vài người, bác Dũng ngồi trong ca-bin rồi cùng với xế. Hết rừng cao su, cỡ 12 hay 1 giờ đêm gì đó, chúng tôi xuống xe. Đêm tối đi bộ bốn, năm tiếng đồng hồ lại không biết đường. Tôi và Thành ngủ ở sóc Miên gọi là khu vực Bông Cà Nhang. Bộ phận ở xưởng bác Dũng dẫn về luôn. Mới đến chỗ ở, bác Dũng cũng không biết là cứ chúng tôi ở đâu. 
Vào một nhà, mọi người ngủ yên tĩnh. Tôi nằm ngay ở sân có cái đống dấm to vẫn còn âm ấm. Trải rơm rạ nằm ôm lấy nó ngủ cho đến sáng. Lúc này là ngày mùa của dân Miên. Họ dậy sớm, mọi ngày theo thường lệ họ đốt đống dấm để sưởi ấm. Hôm nay có anh Giải phóng quân Việt Nam ôm lấy nó ngủ. Họ không nỡ đánh thức dậy. Đứng khoanh tay cho ấm, nói chuyện với nhau bằng tiếng Cao Miên, không biết họ nói gì. 
Đây là trung tuần tháng 10, nó vào trung tuần tháng 9 âm lịch, mà thời tiết cứ se se, lành lạnh. Có cảm giác như vùng này ảnh hưởng thời tiết ôn đới lục địa, ảnh hưởng của hạ Lào, Xờ Tung Cheng, Cờ Ra Chi Ê, Công Pông Thom. 
Sáng rõ, dân đi gặt lúa, ruộng cũng như vườn lúa bạt ngàn chín rũ. Lẽ ra trung tuần tháng chín âm lịch ở vùng mình lúa mới xuôi ngọn, hơi vàng vàng. 
Lúa vang vang là vụ giáp hạt, đói kém. Nên mới có câu “lúa vang vang thì vàng con mắt”. 
Rẫy lúa hay vườn lúa ở đây xen lẫn đám cỏ hôi, xen lẫn rặng đu đủ, rặng chuối. Tôi nằm nhưng có ngủ đâu, động tĩnh gì cũng biết. Mặt trời mọc tôi mới dậy. 
Mấy đứa trẻ con, không biết con nhà chủ hay hàng xóm đến chơi. Mang cho chúng tôi nào chuối, đu đủ, sắn luộc, quýt, cơm nếp. Coi bộ mấy cháu nhỏ này quen thân giải phóng đáo để. Thì ra đây là trạm trú chân của hậu cần H19. Tôi ngủ ôm lấy đống dấm, Thành vào nhà rúc trong chăn chiên của Hồng ngủ. Hai cậu ôm nhau đánh một giấc đến sáng. Hồng đi Bưng Dồn sớm để tổ chức đội đánh cá chuyên trách của tiểu đoàn, cung cấp cá cho đơn vị khỏi phải mua và tổ chức trạm điều dưỡng kiêm giao liên. 
Sau mới biết địa danh Bông Cà Nhang này là trạm cửa rừng của H19. Nghĩa là từ Bông Cà Nhang đi Bưng Dồn, đi Bến Kết, đi Sầm Tích, đi Sa Đao. Lại từ các địa danh trên về Bông Cà Nhang rồi về nhà. 
Trên đường về, mỗi thằng một CKC tốt, Thành thêm cái AB67, tôi thêm cái khẩu K56 báng gấp, cháy đen thui. Bồng bị cháy hết không còn gì. Xách vậy sợ xấu hổ bèn lấy giấy bọc vào, đi qua dân không biết bọc gì. Không biết đường, cứ hỏi thăm từng đoạn. Đầu tiên tôi hỏi về Khơ Tui. Từ Bông Cà Nhang về Khơ Tui hết một giờ đồng hồ. 
Khơ Tui là sóc kha khá, không đông dân lắm, trù phú nhưng không cổ kính. Vẻ sóc mới thành lập. Sóc ở bãi trống bốc, xa rừng cây, sông suối, xa rừng cao su. Đường xá rộng thênh thang thẳng tắp, nhà ở có lô có hàng như phố. Ngã tư trung tâm sóc là cửa hiệu đồng hồ, hiệu hủ tiếu, hiệu tạp hóa… 
Đến đây không có ý định vào quán, túi nhẵn. Ông chủ quán có vẻ là người Miên lai Hoa, vóc người chầm chập, da đỏ au, quấn xà-rông, tay vẫn cầm con dao hàng phở, chạy ra dắt tay chúng tôi vào. Ông đãi mỗi người đĩa hủ tiếu xào. Chúng tôi ngồi ăn lâu mới hết, chả lẽ bỏ thừa thì phụ lòng ông chủ quá tốt bụng. 
Xong ông mời chúng tôi uống trà, hút A-ra, lúc về, cảm ơn ông và hỏi về Ô Cà Môn. Từ đó về Ô Cà Môn hết hai giờ đồng hồ. Đến Ô Cà Môn, chúng tôi hỏi đi sông Chằm Ních. 
Từ Ô Cà Môn đi hai mươi phút có cụm rừng cây to, không rậm. Thấy tiếng người nói ồn ào. Tôi và Thành tìm đường vào. Ra đấy là K30B. Trời ơi, toàn các thầy thuốc quen. Gần năm qua đánh nhau mà chả sứt mẻ gì. Chị Liên, chị Huệ, chị Hoàng “Cao”, Hoàng “Lùn”… còn cả. 
Các anh, các chị biểu đi 15 phút nữa rẽ phải là vào tiểu đoàn bộ H19. K30B với H19 là đơn vị bạn với nhau, chứ chả phụ thuộc nhau, dưới quyền nhau. Nhưng gắn bó. Tôi có cảm giác K30B là riêng của H19. 
Tiểu đoàn bộ H19 là chỗ anh Thành đây rồi. Chỗ tôi kế bên. 
Tôi về tới C5 lúc ấy kịp cơm trưa. Cả đơn vị rầm rập xây cất. Tôi được nghỉ chiều hôm đó. 
Sẵn có đống lá tranh anh Hưng và anh Hiển chẻ để gài lá trung quân lợp nhà của tổ giáo viên, tôi trải ra nằm làm một giấc đến giờ cơm chiều mới dậy. Xuống nhà ăn làm lưng cơm chan canh húp đại đi cho qua bữa để về đắp chăn nằm tiếp. Bồng bị chẳng còn gì, còn mỗi bộ quần áo kaki Tô Châu cũ mặc vác hàng trên người. Anh Trần Danh Hỏa quản lý đại đội, phát vội cho mọi người cái võng ni-lon kép năm mét nằm đêm nay. Biết tin anh em học viên mang đến cho “thầy” mấy bộ xi, non, téc, nốt, phăng. Anh em hỏi chỉ bảo là quần áo, không dám nói chủng loại, sợ nói nhiều lần, mồm phải uốn éo nó hỏng mất. 
Người sởn gai ốc, có triệu chứng sốt rét. Đang nằm run thì anh Đặng Khắc Thỏa tiểu đoàn trưởng đến hỏi: 
- Trắng tay hả? 
- Báo cáo thủ trưởng cháy hết sạch. Em và Thành có mang khẩu K56 và cái AB67 để các anh xem. Không có bảo: “Cháy sơ sơ các cậu đã hủy”. Anh Tính xem, ba cái kho mủ cao su, cả nghìn tấn cháy, chảy ra nó ào vào kho mình thì còn gì nữa. 
- Thôi được rồi, ngay tối 5 tháng 10 năm 1970 bên Phòng 2 báo sang là bắt được đài kĩ thuật họ cho biết địch “hủy diệt kho thông tin của Việt Cộng ở Bến Kết”. Mình chỉ nắm số liệu cho chính xác. 
Tôi đọc cho anh ghi: 
- Ba mươi hai cái T108. Bốn thùng pin. Hai bao tải ma-níp. Bao nhiêu cái thì em không biết, khí tài không phải của em mà của các đại đội báo vụ. 30 máy K63, 30 bộ thu phát 139, 5 bộ PRC 25, súng… 
- Thôi, thôi… 
- Bên xưởng thiệt hại nặng anh ạ! Toàn máy đắt tiền, mới đưa từ Bắc vào, chưa sử dụng mấy! 

                                                     * * * 

Khoảng giữa tháng 10 năm 1970, chúng tôi đặt chân đến khu rừng không già lắm, không non lắm ở ria sông Chằm Ních, cách sông vào 3, 5 phút đi bộ. Xây dựng căn cứ, sống lẫn với dân. Dân làm rẫy sát căn cứ, chỉ cách hai, ba chục mét. Sóc gần nhất ở ngay bến sông lèo tèo vài nhà. Cây cổ thụ nhiều, nhất là me, xoài… Quả me chín như cái lược của ông thợ cắt tóc. Dân sóc sợ địch đánh bến sông nên bỏ đi sống tản mạn ở các rẫy, làm lán trại ở tạm thời. Sóc hầu như bỏ không, vài cụ già trông coi. Đến sóc đó hết 10, 15 phút đi bộ. Sóc gần thứ hai là Ô Cà Môn đi bộ 25 đến 30 phút. Sóc này to, là cửa ngõ của H19, đi đâu cũng qua đó. Dân cho biết lập sóc năm 1963 đến 1970 là bảy năm. Dân số giữ nguyên, sinh tử cân bằng. Từ đây đi Khơ Tui hai giờ, sóc mà tôi đã kể trên cũng ở Ô Cà Môn, đường đi Sầm Tích. Sóc này cổ kính lắm vào sóc ngỡ tưởng làng cổ bảo tàng của Campuchia. Có đường đi Sa Đao cỡ hơn hai giờ như đi Sầm Tích, kinh đô của chuối tây. Khu vực này, thường dân có hai chỗ ở. Mùa khô rút về phum sóc mới, có nước. Mùa mưa ra chòi, ra nhà tạm thời làm rẫy ăn ở tại đó, hứng nước mưa mà dùng. 
Sông Chằm Ních, con sông mùa nào cũng đầy nước. Chúng tôi ở bên này vẫn thuộc đất Công Pông Chàm. Qua sông là sang đất Công Pông Thom. 
Khi chiến dịch Đường 6, Ka Ra Chê, Suông, Chúp có pháo bắn, ở chỗ tôi nghe ình ình. 
Tiểu đoàn lập một xưởng làm đậu phụ, hàng ngày cử người đến lĩnh về cho bếp chế biến bộ đội ăn. Không tiền nong gì. Khuôn ép đều sân sấn cứ mỗi bìa nửa cân. Anh em ăn mãi cũng chán. Đậu nhà bếp nấu lẫn với thịt, lính tráng lọc thịt ăn, đậu đổ vào vạc nước rác cho lợn ăn. Lợn, tính ra đại đội nuôi trăm con, nếu có bếp trung đội thì vài chục con. Ít đại đội ở tập trung. Còn các đại đội khác ở phân tán, cách nhau cả buổi đi bộ. Trung đội nọ tập liên lạc với trung đội kia. Họ ăn bếp trung đội là chủ yếu. 
Mới đến, theo lệnh của trên là trồng sắn, các đại đội, các đơn vị khác trồng bạt ngàn. Sau đó ăn một ít củ rồi bỏ. Thành rừng sắn, lợn cứ ra dũi ăn, ngủ ở đó, sinh con sinh cháu ở đó. Thỉnh thoảng, lợn đẻ, mẹ tròn con vuông rồi mới lửng thửng dắt nhau về nhà bếp. Anh chị nuôi lại đãi bữa thập cẩm: cơm, ngô nếp đãi vôi ăn sáng thừa, cá linh kho khô ăn thừa. Đổ vào vạc to, mẹ con chúi mũi vào ăn, lại kéo nhau ra rừng sắn. Sắn lâu năm cứ to như cái đùi. 
Bí đỏ, bí xanh, giáp tết dân gặt lúa nó trật ra, Quân giải phóng đi càn hàng ngang. Tiếp phẩm mang bao chỉ xanh cho vào thồ về. Xanh hay đỏ đều mốc meo. Khi lau sạch mới nhìn thấy lớp vỏ xanh hay vàng. 
Khi nấu nhà bếp không gọt được mà phải dùng dao rựa hoặc dao phay đẽo bí. 
Ai ăn bí, xếp gọn chỗ làm thực phẩm khi bị... bí, ở đây có bao giờ bí trừ lúc tác chiến. Mùa nào thứ ấy, lính tráng lấy về cải thiện, khỏi mua. 
Đu đủ xin dân, xin cũng đơn giản. Anh em ta đều gọi các ông già Miên là chú hết. Bốn năm mươi tuổi, sáu bảy tám mươi tuổi cũng chú. 
Đại loại như thế này: 
Vào nhà người ta, mắt chừng, mắt hở hỏi: “Chú, con mượn con dao”. Cho hay không không cần biết, cứ lục lọi tìm. Xong ra vườn làm cho hai nhát, cây đu đủ đổ kềnh. Nhặt những quả to bỏ bao chỉ xanh thồ hoặc chở về. Còn những quả như cổ chân, cổ tay và to hơn thì kệ nó nằm chềnh ềnh cùng với những thân cây ở vườn chú. Mưa thối rữa ra ngấm vào đất cho vườn chú tươi tốt. Như vậy vẫn thực hiện nguyên tắc là” khai thác đi đôi với bồi dưỡng” là gì? 
Xem ra các ông bà già Miên không giận mà lại khoái cái tính cách thật thà ấy của Quân “giải phóng Hà Nội”, nhất là mấy thằng cha tiếp phẩm. 
Về khoản thịt chó, ở đây đã vãn, chó “nhớn” không kịp, chứ không như ở Đồi 181. Nhưng tháng cũng vài lần. Chủ yếu là thanh niên Miên thích ăn, không dám thịt, mang cho Quân giải phóng thịt, xong cho họ đánh chén là được. Liên hoan ra sóc mua cũng rẻ. 
Gà, bộ quần áo Tô Châu đổi được mười con, đó là giá cả cố định ở vùng này. 
Lạc, mỗi bộ phận một bao chỉ xanh cả vỏ. Bộ phận giáo viên ít người cũng vậy. Tôi đóng chéo ba cái cọc gác lên tại cửa nhà kẻo mối nó gặm. Ai thích bao nhiêu rang bấy nhiêu. Đó là món ăn chơi. Mỗi nhà có cái bàn ở sân để ngồi chơi uống nước. Thường có đĩa kẹo lạc, ăn tự giác. Thành lệ, chủ không mời, vì nó quá thông dụng. Mời nhau ăn kẹo lạc lúc này khác nào vùng tôi mời ăn khoai lang luộc, vùng Hà Bắc, Thái Nguyên, Phú Thọ mời nhau ăn sắn luộc.

                                                                                   ( Còn nữa )

                                                 Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét