28/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 13



H19 tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện

Đơn vị khẩn trương chuẩn bị để khai giảng vào đầu tháng 11 - 1970. Như vậy là tròn một năm đóng cửa trường để chống càn và bảy lần di chuyển căn cứ.
Anh Hồ Hành phòng trả về làm đại đội trưởng thay anh Tuấn lên tiểu đoàn làm tham mưu trưởng và D phó. Anh Du làm chính trị viên thay anh Hùng “Chột”. Anh Nguyễn Phúc Yên làm đại đội phó thay anh Út “Hí”, trên rút đi làm trợ lý hữu tuyến ở Phòng Thông tin Quân khu 40 do bác Tư Quý làm chủ nhiệm. Anh Niên đại đội phó, anh Bô B trưởng, anh Hưng chính trị viên phó Sư 1 triệu hồi về công tác.
Lúc đầu quân số đủ ba trung đội, tức là ba lớp. Do chống càn, các đơn vị cử đi học, cứ rút dần, rút dần nay vào học chính thức còn hai trung đội mạnh. Thừa khung một trung đội, anh Giấy trung đội trưởng, anh Ngay B phó, Việt “Dí” liên lạc đều được điều sang C2. Việt là học viên, sau vụ bị thương, không đủ sức khỏe học, biên chế vào liên lạc.
Cả đơn vị có 135 người. Đến đây phiên hiệu lại. C5 giờ gọi là C1. Tiểu đoàn H19 có tất cả tám đại đội, một tiểu đoàn bộ. Tiểu đoàn bộ giờ cồng kềnh quá thể: nào vệ binh, nào tăng gia, nào trạm an dưỡng kiêm trạm giao liên đặt tận Bưng Dồn, tổ chuyên trách đánh cá cũng ở Bưng Dồn, xưởng Đậu. Cắt một số của K30B lập trạm xá K30C thuộc H19 quản lý… Trợ lý thì nhiều. Tiểu đoàn H19 giờ nó cồng kềnh như một trung đoàn thiếu.
Hai lớp vào trên dưới trăm học viên khóa 2. Học lý thuyết ở hội trường lớn, thực hành chia hai hội trường. Đại đội ăn ba bếp. Hai bếp trung đội và một bếp C bộ, có tổ tăng gia chuyên trách.
Huấn luyện được hơn hai tháng, ngót ba tháng là ăn tết Tân Hợi 1971. Các đơn vị đóng ở vùng này đông lắm, ở cái khu Ô Cà Môn, Sầm Tích, Sa Đao bên bờ sông Chằm Ních này. Sau các đơn vị lần lượt rút về khu vực Cần Dò, Đầm Lê Phông. Khu đó gọi là khu A, bờ Nam sông Mê Kông. Gần Bộ chỉ huy Miền, tiện công tác. Bộ chỉ huy Miền đóng ở khu A, thì cục Tham, Chính, Hậu ở sát rồi. Cục Tham, Chính, Hậu đã ở sát rồi thì các cơ quan, phòng ban của Tham, Chính, Hậu cũng phải đóng ở gần đây để phục vụ chứ!
Tháng 2, tháng 3 năm 1971, sau khi bẻ gãy cuộc càn sang Căm Pốt, thì K30B, Xưởng 35, Phòng 2, Phòng 6, các Viện lớn… rút về khu A. Chỉ có H19 ở khu vực Ô Cà Môn ria sông Chằm Ních tới ngày ký hiệp định Paris 27 tháng 1 năm 1973, rút một mạch về khu vực suối bà Chiêm, đất Tây Ninh.
H19 là đơn vị: tập kết, bổ túc, huấn luyện, đào tạo, báo vụ và cơ công. Đào tạo tiểu đội trưởng thông tin, trung đội trưởng thông tin.
Ở khu B chúng tôi huấn luyện được hai khóa. Khóa hai từ tháng 11 - 1970 đến tháng 8 - 1971. Khóa ba bế giảng tháng 8 - 1972.
Sau tháng 3 - 1971. Khu này chỉ còn H19, Sa Đao là đại bản doanh của Quân khu bộ 40 cách Ô Cà Môn ba giờ đi bộ.
Như vậy ước tính chúng tôi ở cứ đó được hai năm bốn tháng.

                                                     * * *

Mới đến căn cứ, sắp ăn tết Tân Hợi 1971 mà không có lợn thịt, chả cứ mình, các đơn vị khác cũng vậy. Chiều 28 tết tức là 24 tháng 1 năm 1971, anh Hành cử tốp năm đồng chí vượt sông Chằm Ních sang đất Công Pông Thom săn lợn về ăn tết. Bộ phận tôi có Thịnh và Hưng đi, là hai tay súng khá, còn lấy ở cán bộ B và hậu cần. Học viên còn lên lớp.
Sáng sớm Thịnh đã về báo cáo anh Hành mượn xe trâu chở lợn về. Chiều qua bắn được bảy con, thịt ướp muối cho vào thùng sắt tây đựng tương Miên. Sáng 29, bộ phận bốn đồng chí ở lại bắn được chín con nữa, mang cả con về cạo lông làm thịt. Tết đó có 135 người, 16 lợn rừng.
Cũng tối, anh Võ Tỷ bắn được con nai to, trên tạ. Anh Hành ra lệnh: các bộ phận bắn được thú nhỏ như hoẵng, nhím, công, nói chung là 30 ki-lô-gam trở xuống bộ phận tự cải thiện, không phải chia cho các bếp khác trong đại đội.
Bánh chưng thì ăn vô tiêu chuẩn hơn tết ở nhà là “dửng dưng như bánh chưng ngày tết”. Các B muốn gói bao nhiêu thì gói. Khói lửa, không phải giữ gìn, ngặt nghèo. Vì dân đốt cũng suốt ngày đêm. Dân Phum Sóc đun nấu thắp đèn, kẻ địch thì trên máy bay, biết đâu là dân, biết đâu là giải phóng.
Có B gói bánh xong, còn bỏ quên thùng đậu làm nhân ở bờ suối, giải tán cho anh em mang về nấu chè.
Bánh kẹo không ngon nhưng nhiều, toàn kẹo bánh tự tạo, mỗi bộ phận chỉ mua ít kẹo dừa, kẹo dứa, kẹo chanh, kẹo cà phê để tiếp khách.

                                                  * * *

Trong năm 1971, Đại đội 1 cơ công, ngoài tự túc 30 phần trăm lương thực do trên ấn định, vẫn còn dư 21 tấn thóc nộp trên. Bộ chỉ huy tặng cho C1, H19 Huân chương Chiến công Hạng ba. Chúng tôi mất cái oai là không được ở gần Bộ chỉ huy Miền. Sau này khoe khoang, lòe người đời, câu chuyện kể nó mất tính “bí ẩn” đi.
Thời kỳ đó, đơn vị được trang bị một số xe đạp Vĩnh Cửu của Trung Quốc mới tinh. Phương tiện đi lại khá hơn nhiều. Mỗi bộ phận được hai ba cái. Tùy theo nhiệm vụ mà phân chia. Bộ phận hậu cần và giáo viên ưu tiên hơn. Bộ phận giáo viên được ba cái, anh Tạo giao cho Lương, Hưng và Thịnh.
Đúng là “thằng cha Hay này nhớ lâu nhớ mãi” như lời anh em “phán”. Quay lại cái chuyện ở Suối Mây năm 1969. Cấp dưỡng hạ sĩ Lương Văn Duyển, tưởng là chả bao giờ có xe đạp ở trong rừng này, mới nói phét là “một tay cầm bi-đông, một tay cầm điếu thuốc lá, lai hai mươi cân cà chua đạp vèo vèo”.
Bấy giờ anh ta xắn quần lên, cật lực tập xe đạp, ngã trầy cả đầu gối mà vẫn ham. Thức cả buổi trưa không ngủ để tập xe. Cả tuần rồi mà vẫn lái bằng sườn và mông đít.
Mùa gặt lúa của năm mới đến cứ, có bà cụ Việt kiều ngót 80 tuổi, trưa nào cũng vào đơn vị ăn trưa rồi nằm ngay ghế nhà ăn chợp mắt.
Xong một thời gian không thấy cụ đến, thì ra cụ đã qua đời. Con cháu cụ đem hỏa táng tại rẫy gần đơn vị. Nghĩ lại, thảo nào chiều hôm ấy mùi khét khó chịu quá, không biết là mùi gì. Con cháu cụ bỏ luôn cái rẫy đó không làm nữa. Đơn vị đem trồng lạc một ít,còn trồng lúa. Hôm đầu tiên trồng lạc, chị người Miên đi qua góp ý: “Trồng thế này không được, phải trồng lạc cả vỏ”. Thế là anh Du cho chúng tôi về. Số lạc bóc rồi cho rang uống trà. Hôm sau trồng lạc cả vỏ, trồng lạc hạt mối kiến sẽ ăn hết mầm. Đất rộng thênh thang, khu vực đó chỉ có C1 và D bộ của H19.
Kỷ niệm Quốc khánh 2 - 9 - 1971, đơn vị tổ chức liên hoan, số khách ở D bộ vắng mặt không đáng kể, vì công tác đột xuất. Anh Tuấn tiểu đoàn phó, trưởng tham mưu thì không thiếu được. Hôm ấy phấn khởi, anh uống nhiều thế, mọi khi có uống được đâu. Lê Sỹ Châu bảo: “Ba ơi, ba uống nhiều thế chết mất!”. “Con cứ yên chí, ba phất cờ chiến thắng”.
Xong anh xuống chỗ tôi uống trà nói chuyện. Tôi bảo:
- Anh Tuấn này, giữa 1969, C5 bị tả, anh bị cái cảnh cáo đá lên Đại đội bậc trưởng. Cuối 1970 hành quân từ Chằm Bóp về đây bị cái cảnh cáo nữa vì tội căng ăng-ten cao ngất để liên lạc 15W đã đá anh lên tham mưu trưởng, tiểu đoàn phó. Vụ Bến Kết vừa rồi, tôi xin nhận cái kỷ luật để được đá lên đại đội bậc phó mà không được!
Anh cười khà khà một hồi mới mà rằng:
- Đù me, thằng cha này khôn thiệt là khôn, vụ Đồi 181 nó làm trái nguyên tắc chỉ huy là “lấy biểu quyết”, kiểm điểm nó biện bạch là “già dặn” trong chỉ huy, là “thực hiện ba dân chủ lớn”. Thế là nó mạt quyền cả miềng ngồi ghế chủ tịch đoàn, tự lấy biểu quyết. Cả chi bộ cười ồ lên tán thưởng, thế là không kỷ luật được nó. Còn vụ Bến Kết nó là lính trơn, tội trạng là anh Dũng ở C35 và anh Tân thì nó lại “xin cái kỷ luật cảnh cáo”, cách chức chi ủy viên. Thế nó mới bị anh Thể mắng cho: cậu Huệ còn chả kỷ luật, cậu là cái thớ gì mà nhận kỷ luật.
Nói có vẻ ly kỳ, nhưng đó là sự thật “hài hước” của lính chiến trường!
Hưng giáo viên ở với anh lâu, từ 1968 nên biết tính, thấy anh có “hiện tượng”. Cậu bê luôn cái chậu bằng vỏ bom bi hứng vào: Đây ông Tuấn “Phệ”. Thế là anh trả lưng chậu, mà lúc ăn không biết có được nửa của lưng chậu không?
Tôi đưa anh vào nhà đắp chăn ngủ một giấc đến chiều tối mới vắt quần áo dài lên vai, khệ nệ về D bộ.

                                                 * * *

Lính tráng các nơi tốt nghiệp về đơn vị công tác. Riêng số anh em ở cơ quan Phòng 3 lưu lại chờ bổ sung. Số này cùng khung chẳng có việc gì, suốt ngày đi phum sóc, đi săn bắn, ngồi chơi xơi nước, gọi là xả hơi lúc giao thời.
Vào một buổi chiều đang ngồi họp chi ủy, nghe tiếng nổ khá to giật cả mình. Lát sau, Việt chạy vào mếu máo khóc, xin gọi điện nhờ về C2 để báo tin là mìn nổ trên tay anh Giấy chết rồi. Thế có khổ không. Anh người hiền như cục đất, ít nói, quê Bến Tre, nhập ngũ sau Đồng Khởi, cấp trung đội bậc trưởng, ở cùng với chúng tôi mấy tháng...
Nhớ hôm thực hành máy K63 hội trường B2, thấy vắng Chỉnh, tôi hỏi anh Tiệm tiểu đội trưởng. Anh báo cáo Chỉnh ốm. Triển khai cho anh em dò pan bệnh. Tôi tranh thủ đến thăm, cậu ta nằm trên võng mà tôi không nhận ra là Chỉnh, mặt sưng húp híp.
- Trời đất ơi! Làm sao thế này?
- Chiều qua em đi lấy mật ong bị nó đốt.
- Sao không chạy đi trốn.
- Có mấy người Miên xem ở đấy. Quân giải phóng bị ong đốt chạy thì ra thể thống gì. Thế là em cứ đứng cho nó đốt chán thì thôi.
- Đúng, anh em gọi “Trần Quốc Chỉnh” là phải.
Vài hôm, Chỉnh bổ sung xuống phân khu. Từ ấy đến nay không nhận được tin tức về Chỉnh...
Còn Hậu nghe đâu ra trường về phân khu Long An công tác.
Về đơn vị mới được một thời gian, địch càn, cất giấu khí tài, chúng phát hiện được, phục kích đón lõng. Chiều tối, Hậu dẫn anh em về lấy khí tài. Đụng địch, Hậu dùng CKC yểm trợ cho anh em chạy thoát. Dựa vào công sự cầm cự với địch. Khi hết đạn, Hậu đứng trên nóc hầm dương lê quát chửi:
- Đù me, thằng nào giỏi lên đây!
Địch bảo nhau: Việt Cộng hết đạn rồi, bắt sống được thưởng nhiều tiền hơn.
Thế là địch bắn què chân Hậu, đến bắt sống thật.
Khi đó ở trên chiến khu, tôi nhận được tin Hậu chết. Tôi cứ đinh ninh cậu học viên quê Chúc Sơn, chùa Trầm, Chương Mỹ, Hà Đông, có nhiều kỷ niệm với tôi, đã vĩnh viễn ra đi.
Nhớ đến những chuyện riêng tư Hậu kể với tôi:
- Anh ạ, trước khi em đi bộ đội còn ngố lắm, lớn tướng mà chả khôn như trẻ con ở phố và các nơi khác. Em nói anh không tin chứ, đi chăn trâu, mò cua bắt ốc, ướt quần áo giặt, khi về cưỡi trâu qua chợ, quần áo phơi trên nón. Mỗi khi nhớ lại mà chán ngấy cả người, thế là vài hôm sau nhập ngũ.
Khi nằm võng một mình, hình ảnh Hậu cứ hiện lên lởn vởn trong tâm trí tôi.
Thế rồi một chiều thứ 7 vào sau tết Đinh Tỵ. Bấy giờ cỡ vào tháng 3 năm 1977. Tôi ra chợ Ô Cách đón xe ca về Đông Anh. Đến đó cũng có người chờ xe về Hàng Vôi. Nhìn kỹ ra Hậu. Từ bên tả tôi lao sang bên hữu Đường số 1, mồm gọi: “Hậu, Hậu, Hậu…”
Hậu cũng nhận ra tôi. Hai thầy trò ôm chầm lấy nhau. Có sức nào thì ghì sức ấy. Tôi vỗ vào lưng Hậu: “Hậu, Hậu, Hậu…” và Hậu cũng vỗ vào lưng tôi: “Anh, anh, anh…” Một hồi lâu, chẳng để ý gì đến người quanh đấy, đến là ngượng với họ.
- Tao tưởng mày chết rồi cơ mà!
- Vâng, thì em chết, em sống lại. Rồi cậu kể như tôi đã kể trên. Năm 1973 trao trả ở Lộc Ninh. Giờ em đang học ở trường xây dựng trên Dốc Vân.
- Kia là trường tớ dạy. Đó là thôn Trường Lâm, xã Việt Hưng, Gia Lâm, Hà Nội.
Có xe về Hàng Vôi, Hậu chào tạm biệt. Tôi chờ xe về Đông Anh. Bàng hoàng cả người, khó tin được cảnh hội ngộ vừa diễn ra chốc lát...
Như đã nói ở trên, năm 1971 là năm C1 tăng gia sản xuất mạnh. C1, H19 tận dụng những rẫy dân bỏ, phát lại. Cái việc gieo trồng ở cái đất Công Pông Chàm thuộc Cam-pu-chia này thật là nhàn hạ. Chả thế thằng Tây đặt chân đến Đông Dương nó đã chọn Công Pông Chàm là trung tâm cao su của Căm Pốt. Ăn tết xong, mỗi người một dao quắm “ra quân phát rẫy”.
Đầu tháng 4 âm lịch, khi có hạt mưa xuống, chọn một hôm gió to đốt rẫy. Cháy hết, cháy sạch sẽ. Mưa xuống, tro ngấm vào đất. Mỗi người hai khúc cây bằng cổ tay vót nhọn để chọc lỗ. Người đi sau đeo giỏ thóc, mỗi lỗ bỏ vài hạt. Bỏ độ vài chục lỗ, lấy chân đá một cái. Đất tro phủ lên. Xong cứ yên chí, khi lúa xuôi ngọn, thỉnh thoảng cử lính tráng càn qua một lượt, xem có đàn lợn rừng nào trú ngụ ở đó không, đuổi nó đi. Khi lúa chín gặt hớt cái ngọn. Rạ để khô lẫn với cỏ hôi. Vụ sau đốt tiếp làm vụ kế theo. Trồng ngô, đậu, lạc cũng làm như vậy...

                                                 * * *

Cuối tháng chín đầu tháng mười năm 1971, học viên tựu trường học khóa 3 kéo về ùn ùn. Đang ăn cháo trăn ở nhà đại đội, anh Hành sai tôi dẫn các đồng chí xuống nhà bếp ăn cơm.
Chẳng là chiều hôm đó, anh em đi làm rẫy, bắt được con trăn bị thương do Miên đánh bẫy, gẫy mất một khúc. Đem về thịt nấu cháo gạo nếp đậu xanh. Con trăn chừng trên dưới chục kí. Tôi làm một ca Mỹ cháo và một khúc trăn, ăn xong đang uống nước thì thấy tốp ở phân khu về học.
Chiều hôm sau ăn cơm về, tổ giáo viên vẫn ngồi ở bàn ngoài sân uống nước. Cậu học viên trò chuyện tối qua mò đến giới thiệu: “Em là Lục Sĩ Huy, nhà ở Phó Đức Chính, Hà Nội, từ phân khu 2 lên đây học”.
Qua hai khóa huấn luyện, học trò của chúng tôi đắt giá đáo để. Chẳng ế thợ nào cả. Trò đặc biệt là đại đội bậc phó Tô Thuận. Thế mà bổ sung về ban khí tài của Phòng 3, đi móc nối mua vật liệu, cũng biết đặc chủng loại các: Tờ-răng-xi-to, Công-sơ-tưa, Rờ-si-to, Tăng-phô đảo-pha, Tăng-phô soóc-ti…
Thợ chúng tôi đào tạo ra làm việc được ngay. Một trong những nguyên nhân ấy là “thầy giỏi”, học cụ nhiều. Ngay như cái giáo trình Đèn điện tử tôi chuyên trách dạy các khóa. Chuẩn bị huấn luyện là tôi đi các đại đội báo vụ, hót cả thùng đại liên lớn, đèn già họ gạt ra, mang về làm học cụ. Khi học, mỗi trò đập một cái ra xem. Cái Ca - tốt nó cấu tạo như thế nào? Cái A-nốt nó cấu tạo ra sao? Cái lưới 1, 2, 3 cấu tạo thế nào, ở vị trí nào? Nhìn từ ngoài vào đếm được đâu là Ca-tốt, đâu là lưới 1, 2, 3, đâu là A-nốt.
Vẽ sơ đồ, lắp bảng pa - nen đã có Nguyễn Duy Hưng, chàng trai phố Nối, ria Đường 39, đất nhãn lồng.
Pa-nen máy khuếch đại âm tần, máy thu, máy phát to tướng treo trên bảng. Cắm điện vào học trò xem, từng linh kiện bị hỏng nó có hiện tượng gì? Khuếch đại âm tần và máy thu thì nghe ở loa. Máy phát thì nhìn ở bóng điện chỉ thị 110V - 75W.
Khóa 3 huấn luyện thuận lợi là được anh Nguyễn Trọng Liễu, tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ đạo cách dạy của chúng tôi, cách học của trò. Anh ăn ở tại C1, tất nhiên là ngủ ở tổ tôi rồi. Còn nhà bên tiểu đoàn bộ, anh và cha con anh Ba Tính ở. Anh học khóa 1 của quân đội ta, cùng với anh Niên, anh Tuấn, anh Bốn Ngọ, anh Thanh Ngọ quê ở Thanh Trường, Thanh Chương, Nghệ An.
Anh Ngô Xuân Thể chính trị viên tiểu đoàn, mỗi lần sinh hoạt hay nói là: Về chiều, sau ăn cơm thôi thì “áo quần như nêm”. Đây phải gọi là cái sóc, cái phum H19, nào suốt ngày chó cắn, gà kêu…
Anh quê Nghệ An, lính mùa thu. Tụi nhà bếp hét nhau: “Đồng chí Thể đâu rồi?!”. Không may một lần anh đi ngang qua, tưởng là gọi mình trả lời: “Tôi đây”.
À, chúng em chào thủ trưởng ạ. Thế là cả tụi im. Hóa ra tiếng “lóng” họ hỏi nhau: “Mì chính đâu?” Ý là, giọng chính trị viên Ngô Xuân Thể ngọt như mì chính cánh ấy.
Thời ở Suối Mây 1969, B52 đánh luôn. Lính tráng cũng tinh tường đáo để. Cứ đánh vùng đó và lân cận đó là Phòng triệu hai ông đi họp, chắc là bảo vệ “khung”. Khi lính tráng nô đùa, cười nói ầm ĩ. Có đồng chí mắng cho là: “Này, đùa vừa vừa thôi, ông Thể, ông Thỏa đi họp rồi đấy!”
Chiêu sinh khóa 3 thuận lợi, học sinh về đông. Thành lập ba trung đội. Trung đội tôi phụ trách chuyển đến căn cứ xưởng bỏ về khu A. Cách đại đội và hai B kia vào 35, 40 phút. Anh Trần Quốc Ngay, trên rút đi công tác đặc biệt ở chiến trường K, nay xong nhiệm vụ trả về. Bố trí anh là trung đội trưởng, tôi làm chính trị viên, anh Võ Tỷ học sinh khóa 2 giữ lại làm B phó.
Anh Mại chính trị viên phó đại đội trực tiếp ở B tôi. Đơn vị huấn luyện kỹ thuật, tôi có chuyên môn, thực chất điều hành trung đội là tôi. Anh Ngay điều hành hậu cần, anh Tỷ luôn luôn khẩu cạc-bin đi săn cải thiện. Ban ngày bắn gà rừng, lợn rừng, công; ban đêm bắn nai, hoẵng, nhím, cheo, chồn… Khỉ, dọc, vượn đầy, ban ngày chẳng ai bắn, mà bắn thì bây giờ ai thèm ăn, chúng cứ đến bến nước suối xem lính tráng tắm. Ngồi im, lấy lá cây che người. Khi phát hiện, ném một cái là cả đàn ù chạy ào ào, kêu choe chóe.
Anh Mại đặc trách công tác tư tưởng, chính trị viên trung đội. Đúng là nông dân mặc áo lính, đọc tài liệu không xong. Những lần đọc tài liệu in Rô-nê-ô trên đưa xuống, anh đọc: “Một rắc, một răng, góc đa ni”. Anh em cười ồ lên. Cũng hôm ấy anh lại đọc: “Mấy ông già mặt mo cũng mang kiếng đi biểu tình”, rồi lại đọc “địch đánh phá Trảng Tròn miền Bắc”. Chính ra là: “I-rắc, I-răng, Gioóc-đa-ni, đạo Phật và đạo Cao Đài”, “mấy ông già mắt mờ cũng mang kiếng đi biểu tình” và “địch đánh phá trắng trợn miền Bắc”. Thôi thì cười mãi cũng chán. Anh đọc thế nào mặc anh. Còn anh em họ hiểu đúng với tinh thần của tài liệu.
Có lần anh lại đọc:
- Thanh niên miền Nam ăn mặc theo mốt “thời trạng”.
Nếu anh cứ đọc lướt đi thì không sao. Ngừng lại để giải thích mới chết chứ! “Các đồng chí có biết không? Mốt “thời trạng” là nó ăn mặc lòe loẹt, lố lăng lắm”. Có đồng chí không nhịn được “hí” lên tiếng cười. Thế là cả hội trường trung đội trên ba chục người cứ cười theo, cười sằng sặc, cười thỏa thích.
Chỉ huy ở hai nhà, một là nhà anh Ngay, anh Tỷ. Còn tôi và anh Mại ở một nhà.
Sinh hoạt xong về nằm võng đu đưa. Anh tâm sự với tôi: “mình làm công tác chính trị chán lắm hả? Có lẽ mình đề nghị ban cán bộ chuyển sang quân sự, hậu cần”.
Anh dứt lời, tôi không trả lời ngay, cứ nằm im chừng năm phút, anh sốt ruột hỏi: “Ngủ rồi à?”
- Chưa.
Tôi tâm sự thật lòng:
- Chiến trường và kho tàng là sở trường của anh. Anh không có sở trường ở “hội trường”. Công tác chính trị trong đơn vị, tôi nghĩ về bề sâu là “chăm lo bữa cơm ban ngày và giấc ngủ ban đêm” cho lính tráng. Việc đó anh làm quá tốt. Cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày là tấm gương sáng cho anh em. Anh đọc tài liệu nhiều chỗ sai, anh em cười. Thật lòng họ quý mến anh, tin tưởng anh. Tôi nghĩ lập hệ thống chính trị trong quân đội, thể hiện tính nhân đạo của chế độ ta. Xong tùy từng lúc, từng nơi vận dụng, ví dụ trung đội tôi ở biệt lập có chính trị viên mà tôi, lại là cấp ủy. Còn hai B ở đại đội không có chính trị viên. Hay là đầu năm 1970 chống càn, bỏ chính trị viên trung đội. Trong tác chiến “lắm thầy thối ma” có khi lỡ việc. Riêng đối với anh còn phát triển lâu dài, nên chuyển sang ngạch quân sự hay hậu cần thì tốt. Chúng mình là trưởng thành trong chiến đấu, tại chức mà bước vào ngạch sĩ quan chứ có qua trường lớp gì. Tham, Chính, Hậu chuyển lẫn cho nhau được. Có những điểm tôi không đồng ý với anh. Ví dụ như hôm anh và anh Liễu tranh luận với nhau là: Tình nào cao hơn. Anh cho là tình đồng chí cao nhất. Anh Liễu lại cho rằng: tình mẫu tử, tình huynh đệ là cao nhất. Hôm ấy tôi đứng về phe anh Liễu, nhưng không nhảy vào tranh luận. Hai anh chỉ đưa ra cao hơn, thấp hơn chứ chưa đưa ra được lý luận, dẫn chứng có tính thuyết phục. Thế này nhé: đài nói, là tiếng nói của Đảng, sách báo viết là ngôn luận của Đảng, mà chính trong sinh hoạt các anh vẫn thường nói: “chúng ta coi tình đồng chí như tình anh em”. Hiển nhiên câu nói đó khẳng định tình anh em cao hơn tình đồng chí. Mới lấy tình anh em là mốc để tình đồng chí vươn tới, tranh luận gì nữa.
Như vậy anh vẫn chưa chịu. Anh nói:
- Tôi vẫn thấy nó thế nào ấy, tôi vẫn cho tình đồng chí nó thiêng liêng cao cả lắm. Trong chiến đấu, người ta xả thân quên mình vì tình đồng chí. Tôi vẫn cho nó là cao nhất trong các tình.
Chợt nhớ lời thầy Trương Quang Hoằng dạy bài Văn-học-sử hồi lớp 8 có nói: Một khi tư tưởng đã thấm nhuần thì nó sẽ biến thành sức mạnh vật chất. Đây có lẽ là minh họa cho ý thầy giảng cách đây mười hai năm. Tôi không tranh luận với anh nữa.

                                                  * * *

Đầu năm 1972, Duyển và Chất được cử làm rẫy chuyên trách, sản xuất rau xanh cho đơn vị. Rẫy xa cỡ 40, 50 phút đi bộ. Các lần liên hoan trong đơn vị tôi hay được cử đi lấy rau sống. Mà cái lệ của liên hoan không thể thiếu rau sống được. Rẫy trồng những thứ đặc sản, gia vị như ớt, rau húng, rau cải, mùi tàu, sả, riềng, hành, tỏi… còn rau muống, rau dền, bí, mướp khỏi phải trồng, mùa nào thứ ấy, cần thì ra bãi lấy.
Hai cậu ở đó nuôi rất nhiều gà, quan hệ thân thiện với dân Ô Cà Môn làm rẫy quanh đó. Có lần tôi và Lương ra lấy rau, một chị người Miên cỡ 30, 35 tuổi bế con đến chơi. Tôi chỉ vào Duyển nói đùa: “Lục thum” (quan lớn). Chị bế con bỗng lên, dí mũi vào bụng đứa bé và nói nựng là: “Boòng Duyển lục thum chằm ca, Boòng Duyển lục thum chằm ca” (anh Duyển quan lớn làm rẫy).
Lúc ra về, đi được một, hai trăm mét gặp đám cưới nhà Miên lai Hoa. Họ mời chúng tôi vào. Hôm ấy tôi mặc cái áo ka-ki Tô Châu cũ, chẳng còn cái cúc nào. Tôi ngượng quá, kéo cho khỏi hở bụng và ngực. Đến nơi ngồi luôn vào bàn, tì ngực ngồi uống nước. Giữ cho áo khỏi xòe ra. Ông già người Miên, men rượu mặt đỏ phừng phừng, nói đùa với chúng tôi:
- Việt Nam gọi Xi-bai, Campuchia gọi ăn cơm. Việt Nam gọi “Phức-tức-te”, Campuchia gọi uống nước chè. Việt Nam gọi “Ôn-xalanh boòng tê”? Campuchia gọi em có yêu anh không…
Chúng tôi cùng mọi người cười vui vẻ, xong ông mời chúng tôi ăn cỗ.
Vào nhà ăn, một dãy bàn thấp như kiểu cái chõng của bà bán bún riêu cua ở chợ mình. Trên có đặt những chai, lọ,… để đựng rượu, mắm, dấm. Một cái bàn để nguyên cả thúng bún. Bên trong là vài bà trạc bốn, năm mươi tuổi phục vụ. Sau các bà, giáp tường hậu nhà là một rẫy nồi, chảo, vạc các cỡ dùng để hầm xương, luộc thịt, xào, rán, rang. Mấy góc lợn luộc cheo lơ lửng trước mặt các bà.
Tôi và Lương ngồi vào một ghế băng. Y như khách vào ăn quà bún riêu cua của chợ nhà quê. Ông già bảo chúng tôi: “Thích ăn thế nào bảo họ làm”. Thế là tôi hình dung được kiểu cỗ cưới của dân Miên vùng này. Lương thì dè dặt. Tôi chủ động quán xuyến mâm ăn hai vị khách quốc tế này. Chỉ vào góc lợn luộc treo lơ lửng tôi bảo: “Ăn miếng này”. Thế là họ xẻo miếng thịt mông vào hai lạng, xắt ra bày đĩa. Tôi chỉ tiếp: “Miếng này xào”. Họ lại làm cho đĩa thịt mông xào. Chỉ tiếp: “Miếng này áp chảo”. Họ xẻo ra một miếng nhỏ, ướp gia vị, xong cho vào chảo rán. Được rồi mang ra thái bày đĩa. Chỉ tiếp: “Miếng này nướng chả”, họ xẻo một miếng rồi xắt kiểu quân cờ, ướp riềng, mẻ, tương, cho vào kẹp nướng, xong bày ra đĩa. Vậy mâm cỗ cưới có bốn món chính. Nước chấm tự pha chế. Rổ xề rau sống để góc nhà ăn, ăn bao nhiêu tự lấy vào đĩa. Hai chúng tôi nhắm rượu, ông già ngồi tiếp chuyện. Ngồi nhậu lâu ở đấy thì lo gì sớm muộn. Tám chín giờ tối ở đó về cũng được. Đi lại an toàn. Có những hôm anh em ở tổ giáo viên, ở tổ hậu cần, hay các thủ trưởng ra rẫy nhậu: 10, 11 giờ mới ở đấy ra về. Đi lại ở vùng này nói chung là an toàn.
Sâm sẩm tối, tôi và Lương tạm biệt gia chủ về đơn vị.
Đám cưới ấy, ăn ở nhà gái, theo tục lệ ở đó, nhà trai làm cái nhà con con ở cổng nhà gái. Gọi là cổng chứ chỗ nào chẳng đi vào nhà được, nó có con đường nhẵn nhẵn, có cái lều con con làm đơn sơ vào một gian.
Phường bát âm của nhà trai ở đó, đàn, sáo, nhị…inh ỏi.
Tết Nhâm Tý 1972 năm nay ăn to hơn tết Tân Hợi 1971. Thịt lợn nhà, lợn sẵn cả trăm con, ai buồn đi săn. Những cá nhân hoặc tiểu đội nuôi cả trăm gà. Tết Nhâm Tý không tìm cái ăn mà tìm chỗ chơi.

                                                   * * *

Những trận mưa đầu 1972, nước suối to, lươn cá lên kiếm mồi và vật đẻ. Anh em trong trung đội bắt được những con cá to, những con lươn như cổ tay đứa bé 12, 13 tuổi. Mấy ngày đầu bắt được cả yến. Nuôi quân làm ẩu, có con không mổ bụng. Cứ thế xắt khúc ra nấu. Anh Mại phát hiện được, gọi nuôi quân đến bảo: “Bánh có nhân chứ sao lươn cũng có nhân. Cơm có hạt sạn là do chính anh đãi gạo cho nhà bếp”.
Thời kỳ ở cứ C35, trung đội tôi cũng bị “tai nạn” đậu phụ! Ngày hai bữa thịt kho nhạt với đậu. Chế biến của nhà bếp có cà ri ngũ vị ngon ra phết. Các A lĩnh về lọc thịt ăn, đậu đổ vạc cho lợn.
Tiểu đội cậu Tới, lính Sư 7, người Ninh Bình, đi qua cửa nhà tôi ở. Tôi thu hết đậu của tiểu đội ấy lại cho vào xoong con, đến bữa đun nóng lên ăn trừ cơm cả chục ngày. Cũng giống như thời kỳ ở Suối Mây năm 1969 đơn vị bị tả ấy.
Tới làm A trưởng. Tiểu đội của cậu ở vị trí mà đi đâu cũng qua cửa nhà tôi ở. Anh em cả B cứ trêu Tới là ở “sư bò”. Vì đơn vị của F7 bắn bò của dân thịt, họ bắt đền. Mang tiếng cả Miền là “sư bò”.
Ra trường về F7 một thời gian, chúng tôi được tin Tới chết. Vừa ra trường, tạm thời vón cục ở tổ sửa chữa Vô tuyến điện của F bộ. Hôm đi cưa củi, cây gần đổ, bảo Tới về bếp lấy nước ra cho anh em uống. Cây đổ “rầm”, anh em hoan hô, ngồi giải lao chờ uống nước. Lâu quá không thấy Tới đem ra. Cho người về tìm. Nhà bếp bảo là đã đi rồi. Cả bộ phận bới tìm, Tới đã chết bẹp.
Hôm lấy măng le đổi cho nhà bếp được 2 ki-lô-gam bằng bốn cái đậu. Định là ăn bữa theo ý mình chán thì thôi. Lĩnh đậu, anh nuôi bảo: “Em luộc bỏ muối vào kỹ rồi cứ thế ăn khỏi luộc lại”. Cậu cho ít mắm tép, mỡ nước, quả chấp. Đậu phụ chấm mắm tôm chanh ớt thật là tuyệt vời. Ở nhà, chỉ khi con cháu biếu, ông nội tôi mới được ăn như vậy. Còn anh em chúng tôi lúc nhỏ có bao giờ được ăn món quà quý ấy.
Mùa mưa đến, cũng là giai đoạn thực hành sửa chữa máy. Đại đội lấy 10 người đi tải gạo. Riêng khung 4, tôi lấy sáu học viên giỏi. Đi tải tận Bông Cà Nhang khu vực này làm gì có đơn vị nào nữa, nên kho tàng hậu cần cũng gom lại. Cả đi lẫn về một ngày cật sức. Anh em khỏe họ đi trước. Tôi và anh Ngay tụt lại sau. Tầm hai giờ chiều đi qua một rẫy dứa, thấy ông già cuốn xà-rông, trông có vẻ quý phái, chân thọt đi tấp tểnh. Ông cắt dứa để mấy đứa trẻ lau nhau độ 9, 10 tuổi khiêng về. Tôi chọn hai quả to, ngon hỏi mua. Ông bảo: “Oi” (tức là cho). Tôi chọn tiếp hai quả to nữa, ông “oi” nốt. Đeo bồng gạo nặng, lại tha hai quả dứa nữa phải đến ba bốn cân.
Đến đêm, anh Tỷ khoác cạc-bin đi phục kích con “hoẵng cụ”, nó trú ngụ ở cái suối cạn từ đại đội về đây. Nó khôn lắm, rình mãi mà không bắn được. Tỷ vẫn cay cú. Đúng là nó chạy, chứ không bắt đèn lâu. Anh Mại lên hội trường theo dõi đội văn nghệ tập.
Anh Tỷ về không, có lẽ phải dùng đến xạ thủ Thu. Anh Thu ở Sư 9 về học, cấp hàm trung đội bậc trưởng, quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Trước nhập ngũ là công nhân hóa chất Việt Trì. Nhiều kinh nghiệm săn thú. Anh bảo: “Ngắm bắn vào chân trước lợn không chạy được, tóm lấy thịt, chọc tiết bình thường”.
Quả nhiên một tối anh Thu xách AK đi, hạ sát được hoẵng cụ nặng 38kg. Cặp nhung như hai quả chuối tây to. Trung đội cho anh sử dụng cặp nhung. Anh đem sấy khô để dành. Một hôm anh nấu nồi cháo thết tiểu đội mở rộng, ví như tôi, anh Tỷ cũng có thành phần.
Trung đội tôi ở đấy có diễm phúc là hay được đón các phái đoàn kiểm tra của Phòng 3. Đặc biệt là được đón đồng chí Nguyễn Diệp phái viên của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc ở Bắc cử vào kiểm tra các đơn vị thông tin của chiến trường B2. Chúng tôi đón tiếp đồng chí phái viên rất chân tình. Đồng chí đối với chúng tôi rất thân mật. Anh em giáo viên hầu hết là chiến sĩ của đồng chí khi học ở Trường Sĩ quan Thông tin. Như tôi, anh Tạo, anh Hiển, anh Thành, anh Tự, anh Thịnh.
Năm 1966 - 1967 chúng tôi học ở đấy, đồng chí làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 Trường Sĩ quan Thông tin. Thời kì học ở Liên Xô, tốt nghiệp bằng đỏ. Họ phong hàm Trung tá. Về nước nhận hàm Đại úy quân đội ta. Giữa 1967 là tân thiếu tá. Giữa 1972 vào kiểm tra chỗ chúng tôi là cựu thiếu tá. Lòng vòng thế nào năm 1980, tôi là Trưởng khối luyện thi đại học, đóng ngay ở làng thủ trưởng cũ. Thủ trưởng có cái nhà mái bằng làm từ thời Tây, rêu mốc đen. Cách cổng Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm cỡ trăm mét. Hàng năm về ăn tết ở quê, kết hợp kiểm tra trực tết của đơn vị tôi.
Đợt ấy đồng chí kiểm tra hai buổi lên lớp của giáo viên: Buổi anh Liễu dạy PRC 25 và buổi anh Hiển dạy K63. Xong bình giảng, rút kinh nghiệm. Chúng tôi tổ chức tiệc linh đình tiếp phái viên của Bộ đồng thời là người thủ trưởng, người thầy cũ. Cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước, thầy Diệp lên hàm thiếu tướng, Tư lệnh bộ đội Thông tin liên lạc rồi nghỉ hưu.
Tôi phụ trách huấn luyện, hay về đại đội phản ánh tình hình, họp chi ủy. B phó hậu cần hay nhờ lĩnh hộ cái này, cái khác, nhất là hàng căng-tin. Đi qua mấy cái rẫy của dân Miên, quen cả dân. Họ biết cả tên tôi. Mấy cô con gái hay trêu gọi: “Boòng Hay, oi xà bông!” (Anh Hay, cho xà bông). Rồi lại cười khúc khích với nhau.
Quen và thân thiện với một chị, chị ấy có con, đã đứng tuổi, chứ đâu lau nhau như mấy cô trẻ. Đi qua là cứ gọi nhấm nhéo. Đi làm rẫy mang cả con theo. Đứa bé ba bốn tuổi suốt ngày ở trần, ở truồng, đen cháy. Mỗi lần qua chị lại gọi: “Boòng Hay xi pốt” (anh Hay ăn ngô). Tôi bảo: “Xi” (Ăn). Thế là đi tắt rẫy vào. Chị kéo trong búi cây ra cái xoong nhôm. Ngô sẵn ở cây, nước sẵn ở suối ngay cạnh, củi sẵn, đun ào ào một lát là chín. Mỗi lần chỉ luộc được bốn bắp. Ngồi ăn, đun tiếp xoong nữa chín, cầm vừa đi vừa ăn.
Có lần đi họp về, lại đeo một bồng hàng căng-tin cho trung đội. Nào là xà phòng, thuốc lá, kem đánh răng, bánh kẹo… Qua rẫy, chị và con đã nghỉ ở cái chòi ria suối, cạnh rẫy. Chị gọi: “Boòng Hay, xi bai” (Anh Hay, ăn cơm). Tôi trả lời: “Xi” (Ăn), rồi cũng tắt rẫy vào. Hai mẹ con chuẩn bị cơm.
Bắc xoong cơm xuống, chị đưa tôi cái cùi dìa và bát. Chị một cùi dìa một bát. Đứa nhỏ ăn bằng gáo nửa sọ dừa. Chị lấy mảnh sọ dừa nữa múc ít nước suối. Giở cái gói bằng lá chuối lấy ra một cục mắm mồ-hóc to bằng đầu ngón tay cái. Bỏ vào nước suối trong mảnh sọ dừa, lấy ngón tay di di cho nó tan, làm nước chấm.
Thức ăn là lá bứa non, me chua và quả chuối xanh. Chị hỏi: “Anh có ăn được mồ-hóc không?”. Vì thân thiện, tôi trả lời thật là: “Không ăn được!”. Tôi chỉ ăn các thứ đó chấm muối trắng. Đứa trẻ ăn qua loa rồi vào chòi ngủ. Tôi và chị ăn lâu, vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Chị hỏi tôi tình hình gia đình, vợ con, quê quán. Tôi trả lời thật thà hết thẩy. Tôi rất thích bữa cơm gợi lên cảnh gia đình ấm cúng như ở nhà. Tôi cũng tâm sự thật với chị.
Lúc chuẩn bị ra về, tôi cởi bồng lấy suất nhu yếu phẩm của tôi cho chị. Chị không nhận xua tay: “Tê, tê” (không, không).
Về nhà là một giờ chiều, sau kể anh em nghe ăn cơm rẫy với chị Miên. Thế là từ ấy, đi qua rẫy, anh nào cũng trêu chị là người yêu của boòng Hay. Dân Miên làm rẫy ở đấy họ cũng gán ghép tôi với chị ta, nhất là các cô lau chau.
Một lần đi tải cà tím ở rẫy về cổng sóc Ô Cà Môn nghỉ định vào nhà chị chơi. Chị đã bảo con chạy ra gọi: “Boòng Hay, Boòng Hay. Mời vào nhà ăn tết”. Mấy ngày đó là tết Miên (vào tháng hai âm lịch), dân nghỉ làm rẫy. Chỉ ở nhà làm bún, làm bánh, thịt gà, thịt lợn ăn tết. Tối đến nam nữ thanh niên, trống đánh phập phùng nhảy múa thâu đêm đến sáng. Nhận lời, tôi khoác bồng cà vào nhà chị. Nhà có hai mẹ con, đã biết từ trước, chồng chị bị Lon-non giết dạo đảo chính Xi-ha-núc.
Ăn tết với mẹ con chị, tôi hình như cả chị nữa đều tìm thấy tâm trạng lâng lâng khó tả. Chị bảo: “Dân đây, ai cũng biết tiếng Việt, người ta giả vờ không biết để xem Giải phóng nói gì”.
Cái phum Ô Cà Môn, cách đây gần hai năm, tức là cuối 1970, phản lực Mỹ đánh bom suốt buổi chiều như hủy diệt. Tối chúng ngừng đánh. C1 cử một trung đội đến cứu hộ. Tôi chỉ huy, chia làm hai bộ phận, một bộ phận do anh Bằng làm tốp trưởng, một tốp do anh Thưởng phụ trách.
Tốp anh Bằng làm nhiệm vụ bới hầm xập, lấy xác của ba đứa con ông chủ tịch phum lên chôn cất.
Tốp anh Thưởng, thu gọn đồ đạc của dân cho gọn ghẽ, dập những đám lửa cháy, cứu thóc lúa, của cải cho dân.
Cả sóc lửa cháy rừng rực. Trâu về không có chuồng khua mõ kêu lốc cốc. Cả dân sóc chạy hết, chỉ có hai du kích khoác súng đi đi lại lại xem chúng tôi làm.
Tôi trực tiếp ở bộ phận anh Bằng. Quả bom đánh trúng nóc hầm nhà ông chủ tịch phum. Đây chắc hỏa tiễn chứ bom chỉ loại 25 kí. Ông bà có năm đứa con. Thằng lớn chăn trâu ở đồng không việc gì. Hai ông bà cùng cậu út ở cửa bị thương nặng, đưa đi viện lớn của quân đội ta, đóng gần đấy sau chữa khỏi cả. Ba đứa chui vào trong hầm, hầm bị sập chết cả.
Tiểu đội anh Bằng làm rất tích cực. Anh Bằng đưa ba đứa trẻ lên nằm sõng soài, óc vỡ ra mùi tanh tanh.
Bộ phận đó có cậu Phước, Việt kiều ở Campuchia làm phiên dịch, học viên trẻ nhất khóa học, chỉ độ 14, 15 tuổi.
Tôi vạch chỗ cho anh em đào ba huyệt. Thấy hai du kích nói gì không rõ. Phước phiên dịch ra là: “Người ta bảo chú cho đào một hố thôi”.
Đào sâu độ một mét, tôi bảo anh Bằng, lấy chăn chiên quấn cho mỗi cháu một cái. Anh Miên lại xì xồ. Phước lại phiên ra là: “Người ta bảo chú bỏ chăn lại cho gia đình dùng, chôn không”. Tôi bảo anh Bằng: “Lấy ván lót ở dưới, để các cháu nằm lên, lát tấm ván nữa ở trên rồi mới lấp đất”. Ván của dân Miên thiếu gì, những tấm như cốt pha của thợ xây đủ các cỡ.
Cháu nọ với cháu kia ngăn cách bằng tấm ván. Trong lúc anh em lấp, anh Bằng tìm ba mảnh gỗ để làm bia, đề bằng than củi, hàng chữ Việt, dưới là hàng chữ Miên do cậu Phước ghi: Trai lớn, gái, trai bé.
Xong xuôi về đơn vị cỡ 11, 12 giờ đêm, anh em kéo nhau ra suối tắm giặt.
Trong những năm ở đó, chỉ vụ “Tăng Cà Xăng” là dân bị “Miên đỏ” kích động, gây khó khăn cho một số đơn vị ta. Nhất là các đơn vị đóng ở Bưng Dồn, Sa Đao, Sầm Tích. Còn khu vực Khơ Tui, Bông Cà Nhang thì êm ả. Nhất là Ô Cà Môn thì an toàn, dân có thiện chí với Quân giải phóng. “Miên đỏ” kích động biểu tình dân không nghe, bảo là: “Giải phóng ở đây tốt lắm”. Có điều gì của Miên đỏ, họ lại báo cho ta.
Vì sau vụ việc chúng tôi thu dọn cho dân ở Ô Cà Môn bị máy bay địch đánh phá. Hai du kích theo dõi, rồi họ tuyên truyền với dân Ô Cà Môn và các phum sóc lân cận, nên họ yêu mến tin tưởng chúng tôi lắm.
Anh em H19 ở đây, khi đặt chân đến, thủ trưởng Thể đã quán triệt là không làm dân phật ý, lưu ý là dân ở đây đều biết tiếng Việt. Nói năng hàng ngày tiếp xúc với dân nên có ý tứ.
Vụ “Tăng Cà Xăng” là như thế này: Nó xảy ra ở Tăng Cà Xăng nên gọi là vụ “Tăng Cà xăng”. Một trung đội “Miên đỏ”, tức là lính của Pônpốt. Đóng ở cái nhà tôn là kho chứa thuốc lá đã sấy khô. Nó rộng cỡ sáu cái nhà ngói năm gian đại khoa nhập lại. Một hôm mấy đồng chí lính hậu cần đi tải hàng. Tụi này ra trấn lột rồi giết. Anh em trong đơn vị ấy tức quá, đến bao vây, trị tội. Phụt mấy quả B40 vào. Cả trung đội “Miên đỏ” cháy thui. Thế là nhân vụ đó gây hấn với ta. Vụ Tăng Cà Xăng nó chỉ là cái ngòi bùng nổ. Thực ra họ đã âm ỷ chống lại ta lâu rồi. Đại diện của ta và đại diện trung ương của họ phải ngồi với nhau giải quyết. Bên họ là ông Mười Xu, ông nói: “Campuchia và Việt Nam dù có đụng nhau bể trán, vẫn phải ôm hôn, cùng nhau sát cánh mà chiến đấu”.
Trên trung ương của họ thì như vậy, dưới địa phương vẫn ngấm ngầm chống ta. Nhiều đơn vị nhỏ của ta đã bị tập kích, lấy cắp súng. Bắt được quả tang họ không chịu trả lại. Nói là cấp trên giao chỉ tiêu lấy cắp súng. Nay mai Quân giải phóng về Việt Nam, không có súng mà đánh Mỹ, đánh Lon-non.
Từ ấy, đi công tác phải mang theo vũ khí.
Chỉ một cái đồng hồ đeo tay, chỉ đôi dép đúc hoặc chỉ khẩu súng không cảnh giác đề phòng là bị thiệt mạng. Họ vác dao quắm đi làm rẫy, biết ai là kẻ gian, đi ngang qua, quay phắt lại cho một nhát, tiêu đời. Anh em giải phóng mới có từ “dao quắm tọa độ” là như vậy.

                                                   * * *

Một thời gian sau, cỡ giữa năm 1972, chủ trương của cấp trên là tinh giản biên chế, rút bớt anh em ở phía sau bổ sung cho phía trước. Đơn vị rút hai nuôi quân là Duyển và Nhất. Nhất là người Mường, Hòa Bình. Chất ở rẫy tổ chức liên hoan chia tay Duyển. Tôi, Lương, Nhất được mời nhậu. Ba chúng tôi một giờ chiều đã có mặt, đi chơi khắp trong dân Ô Cà Môn làm rẫy tản mạn trong khu vực ấy. Về đến chỗ Chất lúc ba giờ chiều mà chưa động tĩnh gì, chúng tôi đến cậu ta mới ngủ dậy. Duyển ra sân cho gà ăn, vẫn động tác xòe bàn tay, nhấc nhấc từng con xem nặng nhẹ. Xem ra thịt con nào cậu ta cũng tiếc. Cậu nhấc con này bảo “trường cổ, gáy to, để làm chúa chuồng”. Nhấc con khác: “Con này chân ngắn, bầu sệ là mắn đẻ, khéo nuôi con, để làm giống”. Rồi “con này mào đỏ chót “hăng lắm” để phối giống”…
Dưới con mắt cậu, đàn gà con nào cũng tốt không đáng dao thớt, lá chanh. Cậu nhấc mãi mà chả chọn được con nào để thịt. Để Chất quyết định thịt con nào thì thịt, cậu thần người ra. Chất bắt con gà mái đang nhảy ổ đẻ và con gà trống mào đỏ chót đang te te tập gáy. Hai con gà phải đến hơn bốn cân, các thứ đều sẵn, chỉ một tý là xong. Tất cả một món luộc. Luộc xong vớt ra rổ rửa rau, dùng quạt phe phẩy cho chóng nguội. Tôi bảo không được, treo nó lên cho róc nước, ráo thịt.
Gỡ gà xuống chặt bày mâm. Chất khen, ông già Hay kinh nghiệm thật. Chuyện, gà treo ở chỗ thoáng gió này còn gì bằng, tội gì ngồi quạt cho mất công mà hiệu dụng lại kém.
Chất chặt hai gà bày ra mâm nhôm, một góc mâm để lòng, mề, tim, gan, Bưng ra bãi cỏ trống, cứ như là mâm tạ thần đất ấy. Năm chúng tôi quây quần nhắm rượu. Đồ chấm có nguyên liệu là chanh, ớt, tiêu, muối, mì chính. Của ai nấy tự pha chế. Nhậu xong mỗi người làm tô cháo gạo tẻ, đậu xanh. Cuối bữa người nào cũng gảy gảy đũa tìm miếng thịt gà trống.
Tục lệ của tôi là đã ra rẫy là phải sục vào bếp nướng mấy bắp ngô. Hôm nay “tửu nhập kê” rồi, căng rốn, không nhét vào đâu được, đút túi quần mang mấy bắp ngô về. Đi mới 15, 20 phút đã sờ bọc thuốc rê, sờ túi thì bỏ quên cái hộp quẹt ở rẫy. Rút mấy bắp ngô nướng ra kiểm tra. Cái bắp già già, khô khô nhất trong lõi vẫn cháy âm ỉ. Thế là có lửa hút thuốc. Kinh nghiệm này là từ lần đi tải gạo. Lĩnh xong vào trong dân Miên nấu ăn. Nướng mấy bắp ngô bỏ túi, đi cả tiếng đồng hồ, nghỉ giải lao ăn ngô nướng. Trong lõi một bắp, than vẫn hồng.
Về dọc đường, tôi vẫn bị ám ảnh bởi những câu chuyện của Duyển, Nhất trong thời gian ở C5 và C1.
Tôi tự hỏi: Duyển là con người am hiểu mà tại sao mấy năm qua cứ làm trò cười cho anh em trong đơn vị. Phải chăng cậu cố ý làm kịch như vậy để anh em có những trận cười thoải mái, quên đi gian khổ ác liệt, nhất là quên đi nỗi nhớ nhà. Chính tôi và một số anh em trong đơn vị cho Duyển là con người dốt nát. Hôm nay chia tay, ba chúng tôi ở lại nơi đây tạm gọi là an toàn. Duyển, Nhất đi phía trước. Ai nấy thổ lộ hết lòng mình. Tôi và Lương được mời bữa liên hoan nội bộ, không phải là khoe, điều đó thấy được sự ảnh hưởng của tôi và Lương với anh em ấy như thế nào rồi. Qua câu chuyện, thấy được sự hiểu biết của Duyển với mọi người trong đơn vị là sâu sắc. Còn mình hiểu về Duyển hời hợt. Cứ cho Duyển là dốt nát, chính mình mới là dốt nát “dốt đến nỗi không biết là mình dốt nữa!”. Thức tỉnh và kiểm lại quanh ta: như cháu Tươi, B52 đánh, xuống hầm còn hỏi bài. Như anh Tạo, gạo ăn vô tiêu chuẩn vẫn gom góp hột cơm, hột gạo rơi vãi để chăn nuôi vẫn vá víu quần áo sứt chỉ để mặc, dù là cái mặc của Quân giải phóng cũng vô tiêu chuẩn. Cậu Duyển chắt chiu chăn nuôi gà, trong khó khăn ác liệt chống càn vẫn bảo vệ đàn gà. Qua bốn lần di chuyển đến Đồi 181 mới chịu thanh lý…
Bấy giờ tôi mới nghĩ rằng: đấy, họ mới là con người dũng cảm, mới là con người biết làm “đại sự”.
Duyển, trong sinh hoạt có những lúc cáu thật. Nhưng hạn hữu, sự cáu giận của Duyển không kéo dài quá một “cung đoạn công tác”, tức là không quá bữa cơm sáng, trưa, chiều.
Nhất, điềm đạm, nói năng chắc nịch. Nấu bếp nhưng lúc nào quần áo cũng sạch sẽ, đầu bóng mượt, giao thiệp không mất lòng ai, con người phong độ.
Sau một thời gian đi tiền phương chiến đấu, cả hai đều bị thương. Có dịp bộ phận an dưỡng của Công trường gần chúng tôi, hai cậu có đến chơi. Duyển yếu hơn, Nhất khỏe hơn, nhưng mất mảnh xương bả vai. Cậu ta ngâm cồn rửa sạch gói ni-lon lúc nào cũng đút túi áo ngực bảo: Em chết thì nó mới mất.
Từ ấy đến nay chẳng biết tin tức gì của Duyển và Nhất cả.

                                                                                       ( Còn nữa )

                                                  Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh


0 nhận xét:

Đăng nhận xét