16/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 2


Học Trường Sĩ quan Thông tin

      Khoảng trung tuần tháng 10 năm 1966, Trường Sĩ quan Thông tin cử cán bộ về Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh trước cả tuần lễ để chuẩn bị đón chúng tôi về tiếp tục học.
     Một hôm vào sau giờ ngủ trưa như thường lệ, trực ban đánh kẻng báo thức. Chúng tôi được lệnh tập trung ở sân kho hợp tác xã.
Đồng chí phụ trách tuyên bố: “Từ giờ phút này giải tán tổ chức, theo biên chế mới”.
      Tôi làm A trưởng A3 thuộc B1, C9, D3 Trường Sĩ quan Thông tin. Chưa biết hiệu trưởng, chính ủy, chưa biết tiểu đoàn trưởng, chính trị viên. Chỉ biết đồng chí đại đội trưởng đại đội 9 tên là Vũ Mầm, cấp trung úy phụ trách chúng tôi đang ở đây và đồng chí Phụng thiếu úy trung đội trưởng B 1 mà thôi.
      Tiểu đội tôi có mười bốn người, chẳng có ai ở trung đội cũ, đều mới cứng. Hầu như tám tháng qua chưa gặp nhau như đồng chí Đỗ Văn Thành, Vũ Quý, Phạm Đôn…
      Đại đội trưởng trung úy Vũ Mầm phổ biến kế hoạch chiều và tối nay: “Xong đây các đồng chí về nhà chuẩn bị quân tư trang gọn gàng, thanh toán mọi vay mượn nợ nần với dân, với nhà trường. 5 giờ chiều ăn cơm. 6 giờ 30 phút tập trung tại Trường cấp 1 ở đầu làng Đa Lộc, cạnh bến đò Ô. Hành quân về đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Hết. Giải tán”.
                                                                        
                                                                              * * *

      Từ lúc ấy, người ở lại, người ra đi bịn dịn. Quân dân nước mắt giàn giụa. Đặc biệt là tiểu đội tôi ở B3. Trong A có mười người thì sáu người quay trở về trung đoàn cũ. Trong đó có Lộc. Sau Lộc đi chiến trường B và hy sinh trong trận Mậu Thân 1968.
       Đồng chí Lộc, cùng huyện, cùng nhập ngũ 15 - 4 - 1965, cùng tổ liên lạc của đại đội khi mới vào, cùng được cử đi học, cùng ở tiểu đội. Ở cùng nhà với nhau, đôi khi cao hứng Lộc “trích đoạn” vai Trương Phi ra sân khấu, vội quá bỏ quên râu, bao nhiêu lần mà vẫn làm cho mọi người cười sặc sụa.
       Nhớ nhất một lần hồi còn ở trên Tiên Lương, đến hôm Lộc trực nhật lấy cơm cho cả lớp, giờ cơm rồi mà cậu đi đâu chưa về. Tân đi thay, lĩnh bốn mâm cơm cho bốn A, mượn thuyền của dân chở về. Chỗ ở của B tôi dân sẵn thuyền, vả lại gần nhà bếp nên bàn chùn không làm mảng. Thuyền đến giữa vùng nước, máy bay đến ném bom Vũ Ẻn, Minh Tân, Ấm Thượng cùng một lúc. Tôi lấy thuyền của dân cắm cạnh đó chèo ra hộ tống Tân. Hai thuyền cứ xoay vòng quanh ở giữa làn nước. Tiếng la hét của dân ở trong bờ râm ran, mặc la hét, hai thuyền vẫn xoay. Cô Liễn, nuôi quân của đơn vị, là thổ dân, quen với sông nước từ bé, hai tay hai mái chèo bằng tre, đẽo như nửa cái quạt mo cau, rẽ nước bơi thuyền ra cứu chúng tôi. Cô Liễn dùng mẩu dây, một đầu đã buộc vào thuyền, còn đầu kia đưa cho chúng tôi. Tôi và Tân bỏ mái chèo, tay cầm đầu dây chị đưa, lên thuyền. Thế là cô rẽ nước, thuyền đi vèo vèo, kéo thuyền của tôi và thuyền cơm của Tân vào bờ bến B3. Lộc đứng trên bờ, lúc này máy bay địch đã đi xa, cậu lên thế “trung bình tấn”:
   - Đích thực Tiến Lộc đệ, khất lỗi nhị vị hiền huynh, vì mải đọc Điện Pháp của Hiển tiên sinh nên quên mất nhiệm vụ ẩm thực trung thiên của lớp.
    - Quá trời cậu Lộc đen. Chúng tôi phải phì cười. Mấy người dân đứng gần đó ngớ người ra.
     Bác Giang xã đội trưởng cũng ở đó, nhà bác ngay cạnh nhà tôi ở, bác hỏi: “Chú Lộc nói gì mà tôi không rõ”.
   - Chú ấy nói là: “Xin lỗi hai anh, vì mải học bài nên quên mất nhiệm vụ lấy cơm trưa cho lớp”.
Nay chia tay Lộc làm sao không bịn rịn.
      Lộc và Phiên khóc to nhất, hết trong nhà lại chạy ra sân, hết ở sân lại chạy vào nhà. Có lúc Phiên lại lấy chổi quét sân. Bà cụ chủ, hai bà con dâu, một cháu trai, bốn cháu gái, rưng rưng nước mắt. Nhất là cháu trai tên là Thu, học hết lớp 7, thi vào lớp 8 học được hơn tháng. Từ lúc biết chúng tôi sẽ di chuyển vào tối nay, cứ úp mặt trên phản mà khóc. Dạo học ở Trường Sĩ quan Thông tin, chú cháu liên lạc thư từ với nhau vài lần, sau biệt tăm hơn chục năm. Mãi năm 1979 đi công tác, có dịp tôi trở lại Đa Lộc. Ba gian nhà ngói cao ráo, sạch đẹp dạo chúng tôi ở bây giờ nay có thêm các giàn khoai tây giống buộc cửa bằng dây chuối. Tôi bước vào nhìn lên tường thấy bằng “Tổ quốc ghi công” của nhà nước tặng cháu.
     Bà cụ chủ tên là cụ Thóc, em chồng cụ là cụ Bay. Cụ Bay có một anh con trai đi hải quân, đã hy sinh, được cô con gái duy nhất, đã lấy chồng có con, mắc bệnh động kinh, đi làm hợp tác xã về ao làng rửa chân tay, ngã xuống ao chết. Cháu vừa chết được mấy hôm thì tôi đến thăm. Thế là hai nhà anh em ruột liền kề nhau tan tác. Không có người nối dõi. Thật là thương tâm, thật là ngậm ngùi!
    Đơn vị chúng tôi, trên phổ biến là đào tạo cấp tốc, dùng vào “chiến lược” gì đó, không rõ. Cho nên về học lực đều chọn lớp 10, hạn hữu có lớp 9. Hầu hết đã qua cán bộ, công nhân viên chức nhà nước.
                                                                              * * *

     Đã đến giờ tập trung ở trường cấp 1 đầu làng Đa Lộc, số anh em ở lại và bộ phận nuôi quân của Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh tiễn chúng tôi đến địa điểm tập trung.
     Trao nhau tặng phẩm, bịn rịn.
    Tám tháng học ở đó, anh em cứ gán tôi với cô Liễn nuôi quân. Cô là người sở tại nơi chúng tôi học hồi còn ở Tiên Lương, Phú Thọ. Thế hệ răng đen, khăn thâm mỏ quạ. Làm chị nuôi một thời gian, tân tiến lên, bỏ khăn mỏ quạ, tóc búi tó củ hành. Chị hơn tôi sáu tuổi. Anh em yêu mến tôi, yêu mến chị mới gán ghép như vậy để “vừa đôi phải lứa”. Thế mới có từ “Bủ Hay”, “Bủ Liễn”. Từ “Bủ Hay” có tự đấy, tồn tại cho đến nay, tức là những năm cuối của thiên niên kỷ thứ 2, và thế kỷ 21 này. Gặp nhau ai cũng gọi “Bủ” tự nhiên, lúc đầu tôi cũng chưa thoải mái. Có lẽ cô cũng cảm tình với tôi thật. Có lần còn ở trên Tiên Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ, đi qua nhà bếp, cô mượn tôi cái mũ cứng đội gánh nước nấu cơm. Tối đến mang trả, cho đầy mũ kẹo Lu-ga, cả tiểu đội và nhà anh Cục ăn thoải mái. Rồi tết mùng 3 tháng 3, tết mùng 5 tháng 5, cho tiểu đội tôi cả một đùm to bánh “tò te”. Dân vùng ấy, ngày ấy hay gói bánh “tò te”. Gạo nếp với đỗ đen đổ lẫn đem ngâm như đồ xôi, xong vớt ra cái rá cho róc nước, lấy là chuối gói một đầu to, một đầu nhỏ như cái loa kèn của phường bát âm nên gọi là bánh “tò te”. Nhớ lúc đơn vị chuyển từ Cẩm Khê về Ân Thi, tiểu đội tôi thường được cô chu cấp. Khi cô cho một túi “tiết kiệm” chanh mận, móc thép, khi cô cho lưng nón bánh kẹo, khi cho mỗi người cái bánh chưng con, khi đi đến ga Gia Lâm mua cho mỗi người cái bánh mỳ hai lạng rưỡi kẹp thịt pa-tê. Anh em trong tiểu đội vốn đã quý lại càng quý mến cô. Ông Phạm Văn Phi, ông Lê Phúc Thứ và ban giám hiệu nói chung của Trường Trung cấp Bưu điện và Truyền thanh quả biết “chọn mặt gửi vàng”. Về Đa Lộc cô được chọn làm quản lý nhà bếp. Thỉnh thoảng cô đến chỗ tôi chơi, không quên mang theo quyển sổ “nhờ anh tính toán hộ” làm cớ. Tôi giới thiệu với bà cụ chủ. Cụ mừng cho tôi là “cô chú công tác được gần nhau”. Hai chị con dâu và các cháu trong nhà chỉ cười tủm. Các cháu cụ cũng quý chị đáo để. Cháu nào đi đâu, làm gì mà gặp chị, khoe với cả nhà là: “Hôm nay gặp cô Liễn, người yêu của chú Hay”.
      Hôm nay, chị ra tận bến sông Từ Ô để tiễn tôi xuống đò, đưa cái túi tặng phẩm. Chẳng biết trong túi có những gì, tôi không nhận mà chỉ xin chị cái lược gỗ đang cài túm tóc ở gáy. Tay run run, chị gỡ cái lược gỗ đưa cho tôi. Tôi bẻ lấy một nửa đút túi áo ngực. Đưa chị một nửa: “Chiến tranh, bị lưu lạc, khi đất nước thanh bình tìm đến với nhau, chắp khớp cái lược này là đúng”. Cả thuyền người, cười ồ lên, reo hò: “A, Bủ Liễn tặng Bủ Hay nửa cái lược gỗ, chúng mày ơi!” Lúc đứng cạnh chị, nước lá xả gội đầu, phả lên mùi thơm dễ chịu như mùi cỏ cây hoa lá của đồng nội giữa buổi ban trưa nắng hạ…
     Tôi giữ nửa cái lược gỗ cẩn thận. Trên Trường Sơn, những trận sốt rét ác tính “thập tử nhất sinh” mà không mất. Sau tết Mậu Thân chúng tôi tập kết ở khu vực A1, là một bộ phận của Xưởng Thông tin Miền (C35). Anh Phạm Quốc Minh hỏi: “Anh nào có lược cho mượn cắt tóc”. Tôi rút trong ví đưa ra, thế là anh nhách mép cười, giơ thẳng tay cho nửa chiếc lược “đáp” vào rừng rậm. Từ ấy tôi mất kỉ vật. Tiếc mãi nửa cái lược gỗ.

                                                                               * * *

    Chiều ấy rời Đa Lộc, chúng tôi hành quân rất “quy lát”. Đúng là trường sĩ quan có khác, không được nói chuyện to.
    Đêm đó có ba trường hợp đau bụng cấp, phải khiêng, Trường Sĩ quan Thông tin đã chuẩn bị cáng đem theo để đề phòng. Lần nào cũng lấy A tôi một người, chắc là vị chỉ huy Vũ Mầm cứ tiện miệng 1, 2, 3… vì mình là A3. Ba lần tôi đều cử Đỗ Văn Thành vì chẳng nhớ tên cậu nào khác. Mà cái cậu Đỗ Văn Thành cũng sốt sắng lắm cơ, cởi mở lắm cơ… Để “thủ trưởng” tiểu đội có ấn tượng sâu sắc. Chỉ nhớ mỗi tên Đỗ Văn Thành ở 17 Triệu Việt Vương, Hà Nội. Thành chấp hành nghiêm chỉnh, xong việc về báo cáo tiểu đội trưởng, nề nếp thật “đi thưa về hỏi”. Mãi đến giờ, tuổi ông, tuổi cụ, mỗi lần hai người gặp nhau nhắc đến chuyện cũ, thấy trẻ lại. May mà mỗi trường hợp, chẳng biết đau cái kiểu gì mà cứ lên võng cáng đi mười lăm phút là khỏi, tót xuống võng hành quân bình thường. Cái võng cáng của Trường Sĩ quan Thông tin cứ như có phép màu vậy. Sáng hôm sau, đến một trạm, chẳng biết thôn xã gì, chỉ biết là thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh - nơi mà có câu chuyện “Từ Thức - Tiên Dung”. Đến nơi, chúng tôi ngồi ở cổng làng, xã viên hợp tác xã lúc này đã đi làm đồng. Sau lên dốc đồi thoai thoải, chúng tôi vào nhà dân ở, có cơm ăn ngay. Ngủ đến chiều dậy ăn cơm, tối hành quân tiếp.
    Qua đò ở bến Gầm. Nghe người ta nói: “Đầu cây quýt, đít bến Gầm” đó là thành nhà Mạc. Chẳng biết “đầu cây quýt” ở đâu, chứ đây là “đít bến Gầm” rồi. Tạm biệt sông Cầu, chúng tôi đi bộ chừng một cây số là đến thôn Thu Lỗ, xã Hòa Bình, huyện Hiệp Hòa, phủ Lạng Thương.
    Nghỉ một phần ba đêm và ba phần tư hôm sau. Cơm nước xong, hành quân từ Lữ đến Nứa vào hơn cây số. Từ phố Nứa đi vào độ sáu bảy trăm mét là đến thôn Đông Đoan Bái, xã Trần Phú, vẫn Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc là đến nơi học. Cách kho gạo đồi sỏi một cây số và cách thị trấn Đức Thắng - huyện lỵ của Hiệp Hòa, năm ki-lô-mét. Đức Thắng đã có thời kỳ được mệnh danh là thủ đô của kháng chiến.

                                                 * * *

    Bảy giờ tối đến sân kho của hợp tác xã, ngồi thành từng hàng, từng lối chờ cán bộ đến dẫn về nhà dân ở. Tôi ở nhà ông Lịch, đội trưởng sản xuất và được biên chế vào B1 do thiếu úy Phụng phụ trách. Vài hôm sau củng cố doanh trại, giảng đường, cơ sở vật chất… Tôi được biên chế chính thức về làm A trưởng A7 thuộc B3 do thiếu úy Hào phụ trách và thượng sĩ Tiến cùng chuẩn úy Điệp làm B phó. Đại đội 9 có ba B, tức là ba lớp học.
    Kỹ sư chuẩn úy Phạm Ngọc Điệp, cái tên nghe quen quen. Cả đại đội có hai kỹ sư vô tuyến điện, còn toàn là giáo viên trung học vô tuyến điện. Hôm tôi trực ban đại đội (về đây, thay phiên nhau, cứ một trực ban, hai trực nhật) gặp anh Điệp vừa đi viện về, tạt vào nhà bếp báo cơm chiều. Chúng tôi gặp nhau đều mừng rỡ, hỏi chuyện tíu tít.
   - Anh về đây phụ trách khoa mục gì ở trường?
   - Học trò, A trưởng A7, B3.
   - Thế thì ở B mình rồi!
   Tôi và anh Điệp suốt cấp 3, cùng lớp, anh ít tuổi nhất lớp, mười bốn tuổi đã học lớp 8. Năm học lớp 9, có phong trào “Ga-len”, suốt ngày loay hoay cuốn ống nghe. Chúng tôi mang cả ống nghe bằng hộp đựng thuốc lào, dây dợ đến lớp giấu trong gầm bàn tranh thủ cuốn. Thường bị thầy cô giáo nhắc nhở. Tôi hơn anh những năm tuổi, cùng lớp biết nhau, suốt ba năm không thân mà cũng không ghét. Anh hiền lành như con gái.
    Hồi ấy, ghét nhất là Phạm Văn Tiến, em của Phạm Văn Ánh. Ánh chơi thân với tôi ngồi cạnh nhau. Ánh học giỏi, mỗi khi thầy cô giáo “pháp vấn”, Ánh biết nhưng không dơ tay phát biểu mà xúi tôi phát biểu. Gia đình Ánh là đại lý cho hãng nước mắm Vạn Vân, to nhất thị xã Phúc Yên. “Quý đệ” Tiến suốt ngày trêu ghẹo tôi, cứ gặp đâu là gọi “Trai Uẩn Ngẩu”, đến phát cáu mới thôi. Sự thật là có một lần viết chính tả Trung văn. Tôi làm bài khác, kiểu như viết sớ, từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Đề tên họ cũng đề chữ Trung Quốc. Tưởng rằng “Trai Uẩn Hảo” là Lại Văn Hay. Tôi nghĩ “Trai” là “Lại”, thực ra “Trai” không phải là họ Lại mà là “trở lại”, “tái lại”, “lại một lần nữa”… “Uẩn” là “Văn” thì đúng rồi, còn “Hảo” là “tốt” chứ không phải “Hay”. Nhưng tôi thiển nghĩ “Hay” mới “tốt” cũng thế. Nên mạnh dạn đề ở phía trên góc bên phải trang giấy “Trai Uẩn Hảo”.
    Bài viết sai nhiều lỗi, lại viết khác kiểu quy định, làm cho thầy bực mình.
    Khi trả bài, thầy Trần Nguyên Khôi hỏi đầu tiên, em nào là Tái Văn Tốt, biết ngay là bài của mình, tôi im thin thít. Khi thầy giơ bài lên, tôi nhận:
   - Thưa thầy, của em ạ!
   - Bài của em được 2 điểm, thế là cả lớp gọi tôi là “Trai Uẩn Hảo, Tái Văn Tốt”. Một số bạn đùa dai như Tiến, Huy, Minh… Nhất là Phạm Văn Tiến đùa ghẹo tôi suốt ba năm cấp 3, cứ gặp tôi là gọi “Trai Uẩn Ngẩu”.
    Từ ngày 31 tháng 5 năm 1967 tôi và anh Điệp xa nhau. Mãi đến ngày 6 tháng 8 năm 2000 mới gặp lại. Hội đi Nam của chúng tôi, đoàn 239, tụ tập ở khách sạn Tổng công đoàn Việt Nam, cạnh cung văn hóa Việt Xô, tôi thấy đại tá Phạm Ngọc Điệp vào hội trường trên tầng 6. Anh là khách mời của đoàn, danh nghĩa thầy giáo cũ. Tôi ngồi hàng ghế đầu, giơ tay ra định bắt tay thầy giáo.
   - Bủ là cái thá gì mà dám bắt tay thầy giáo. - Thịnh “Tư tỏi” kéo tôi ngồi xuống và nói vậy.
   - Quên à, bạn, bạn, bạn từ dạo học phổ thông cơ mà. Danh nghĩa ấy được không “Tư tỏi”.
   - Thế thì chiếu cố tạm cho là được.
     Bây giờ ông đại tá Phạm Ngọc Điệp không còn là kỹ sư vô tuyến điện nữa, mà là người có học vị cao hơn đang nghỉ chờ sổ hưu trí ở tuổi 56.
                                                                         * * *

    Tám tháng ở Trường Sĩ quan Thông tin, Đại đội 9 có ba trung đội là 3 lớp. Học máy quân dụng gồm: máy thu phát 102 E của Trung Quốc 15W; máy thu phát GRC 9 của Mỹ cũng 15W; máy bộ đàm 71B-1, 2W của Trung Quốc; máy bộ đàm K63 của Trung Quốc và máy bộ đàm điều tần PRC-10 của Mỹ. Cả thẩy có năm loại máy, thì bốn loại là nguyên lý “điều chế biên độ”, riêng có PRC-10 là nguyên lý “điều chế tần số”. Gọi tắt là “điều biên”, “điều tần”. Có năm loại máy mà học tám tháng.
     Vừa học vừa rèn luyện để đi B, hai người thực hành sửa chữa một máy, người sửa chính tiếp xúc với máy, người sửa phụ ngồi cạnh xem, phải đeo “cục cay” nặng hai lăm đến ba mươi cân đằng sau lưng để rèn luyện. Trong tháng có bốn tuần lễ thì hai tối thứ bảy hành quân trung đội. Cổ lệ cứ đi mười lăm ki-lô-mét và đeo “cục cay” sau lưng. Có một lần đi hành quân cả tiểu đoàn một tuần lễ, đi qua Bố Hạ, qua đèo Ỉng, lên Lạng Sơn, Cao Bằng rồi quay về.
     Trong huấn luyện, khí tài, máy móc ít. Đồng chí nào đánh gãy cái chân tụ điện, chân điện trở bị phê bình nhắc nhở. Gẫy chân đi-ốt, tờ-răng-xi-to bị kiểm điểm, kỷ luật khiển trách ở đại đội. Cháy hoặc vỡ đèn điện tử là chắc chắn cảnh cáo ở đại đội.
    Máy 15W (102 E, GRC 9 ) có đèn công suất loại 2E22 hay 807 to đùng. Anh em nói đùa với nhau là: “Cẩn thận kẻo vỡ “chum tương” thì khốn!” Cũng một lần, có đồng chí cho panh vào gắp con ốc rơi trong máy, không may tuột tay nó bung ra làm vỡ 2E22. Họp đại đội thông qua kiểm điểm kỷ luật. Lính tráng mới kháo nhau: Hôm nay họp kiểm điểm kỷ luật làm vỡ “chum tương”.
     Mấy bà, mấy chị trong thôn, nhất là mấy bà ăn trầu cắn chỉ môi, ngồi bạn trầu với nhau cứ chép miệng phàn nàn: “Khốn khổ cái nhà nào nó tiếc chum tương quý đến đâu, mà anh em lỡ đá bóng đánh vỡ thì thôi, lại còn nói ra để anh em bị kỷ luật. Cái nhà ấy hẳn không có con có cháu đi bộ đội cũng ở nhờ nhà người ta à?”
     Ông bạn Tân của tôi, một lần “thiêu” cả bộ đèn PRC-10. Tất cả có năm máy PRC-10 đèn điện tử chân tăm. Thiêu một bộ không có đèn thay, thế là từ ấy có bốn máy thực hành sửa chữa, còn một máy thực hành... nhìn!
    Máy K63 mới, đèn không hiếm nhưng thiêu một bộ đèn thì phiền phức lắm, phải nhả mối hàn cho các chân đèn mới thay được. Mà mỏ hàn nướng than, thiếc thỏi chứ đâu có mỏ hàn điện, thiếc dây như bây giờ. Vả lại làm gì có điện mà dùng mỏ hàn điện.
   Phần máy thu 102 E, 71B-1, K63, PRC-10, nguồn của nó là khối pin to đùng, nặng trịch.
  Máy phát 102 E dùng ra-gô-nô “đầu trâu” của Trung Quốc sản xuất từ năm 1938 thời Quốc - Cộng hợp tác, hơn mình một tuổi, quay nặng ơi là nặng, chỉnh máy phát cả ba băng sóng: đầu, cuối, giữa, vị chi chín lần. Đến lượt sửa chữa phụ, quay ra-gô-nô cho anh chữa chính thì “úi cả gáy”. Các tốp sửa chữa trong hội trường gắt nhau: “Ấn lâu thế”. Ra loại ra-gô-nô FS 65 quay viên được nhẹ hơn nhiều nhưng cả hội trường chỉ có một cái, để thực hành... xem!
   Riêng ra-gô-nô GN 58 dùng cho GRC 9 có nhẹ gọn hơn, quay cũng nhẹ.
                                                                           * * *

     Ở Đoan Bái, chúng tôi hưởng trọn vẹn vụ rét ở Bắc Giang. Quả là rét thật, rét tái tê, rét cắt thịt cắt da. Không biết các vụ rét trước đây ra sao, chứ vụ rét đông 1966 này thì trâu của hợp tác xã hay bị “kềnh”.
    Mỗi khi trâu chết, ông đội trưởng Lịch lại lên chòi phát thanh, dùng vỏ quả bầu khô để loa: “Loa, loa. Mời bà con đến nhà tôi để lấy thịt trâu, tôi nói thật chứ không nói dối đâu”. Tầm 9 giờ tối, trời rét chúng tôi nghỉ sớm. Nằm cả quần áo dài, mũ, tất, đắp chăn đến tận cổ. Chưa dám mắc màn. Sợ cán bộ trung đội đi kiểm tra mà mắc màn trước 10 giờ 30 phút đêm, tức là trước kẻng là bị phê bình. Nghe tiếng loa, bọn tôi bấm nhau bàn luận, ngôn ngữ của dân tộc ta thật tuyệt, xuất khẩu là thành chương ngay. Câu trên gieo vần “âu”, câu dưới bắt vận cũng vần “âu”. “Lấy thịt trâu..., nói dối đâu”.
     Tết Đinh Mùi năm 1967, tôi trực chiến sáng mùng một ở trận địa phòng không giữa đồi trọc phía nam làng. 12 giờ trưa thay ca. 
     Dân chúng ở cái thôn Đông Đoan Bái này bấy giờ đa số nghèo là nghèo. Tôi và anh Thảo ở cùng nhà, gia chủ có cụ bà lưng còng ngoài bảy mươi tuổi, chị con dâu thứ hai tuổi độ trên dưới ba mươi, cô cháu gái ba, bốn tuổi. Suốt ngày bà còng cõng cô cháu gái, mỗi khi đặt xuống nhà để làm việc vặt, khóc như tiếng mèo kêu. Anh chồng còn đang tại ngũ. Gia đình cũng nghèo rớt mùng tơi. 
     Ở Trường Sĩ quan Thông tin, ngoài nhiệm vụ học năm máy quân dụng đã kể trên. Nhiệm vụ tăng gia sản xuất là hàng thứ hai. Lính tráng đùa nhau: 
    - Đồng chí học ở đâu? 
    - Tôi học ở trường sĩ quan tăng gia. 
    - Thế là lại cười với nhau thoải mái. 
     Xin đất của hợp tác xã trồng rau, vỡ đất đồi trồng sắn. Ở B1 mà thiếu úy Thái Bá Dương làm B trưởng, buổi trưa lính tráng thay phiên nhau coi rau kẻo lợn gà của dân ra phá. Buổi sáng, chiều, xã viên làm đồng, lợn gà không dám ra. Một chiến sĩ dương cây lê CKC đâm phòi ruột con lợn xề của dân. Hai chiến sĩ loay hoay sợ sệt. Bác có lợn ra vác về và bảo: “Hai anh cứ mặc em”. Bác ta mừng vì được thịt lợn một cách hợp pháp, không phải thịt trộm. Trung đội kiểm điểm, bác ta đến xin cho. Thế là hai chiến sĩ thoát.
     Một dạo, đoàn tổ chức đọc truyện, đọc quyển “Ba mươi năm chiến đấu dưới là cờ vẻ vang của Đoàn”. Hôm ấy có đoạn nói về gương chiến đấu của chiến sĩ thi đua toàn quốc Lại Việt Dũng. Anh em xì xào là cùng họ với bủ Hay. Cả đại đội mình tôi họ Lại. Một giờ đọc truyện xong. Thiếu úy Nguyễn Công Thất, chính trị viên phó đại đội, bí thư chi đoàn hỏi: “Có phải Lại Việt Dũng cùng xóm và là chú đồng chí không?” 
    - Báo cáo đúng ạ. 
    - Có biết nhiều về chiến sĩ thi đua Lại Việt Dũng không? 
    - Báo cáo, biết tương đối ạ. 
    - Đồng chí lên đây kể một số chi tiết về Lại Việt Dũng. 
    - Báo cáo rõ. 
     Tôi lên bục hội trường kể. 

                                                       * * *

    Thấm thoắt đã tám tháng học ở Trường Sĩ quan Thông tin, rồi chúng tôi tốt nghiệp ra trường. 
     Chúng tôi được lệnh nghỉ phép mười lăm ngày, sau đó, tập trung ở Thường Tín để rồi tiếp tục hành quân vào Thanh Hóa tập luyện, chuẩn bị đi Nam chiến đấu. 
    Trưa ngày 31 tháng 5 năm 1967, được thông báo xem Văn công Quân khu 3 biểu diễu ở hội trường B2. 
    Ca sĩ Bích Hằng hát bài có câu “Mẹ đón quân ta về nhà nghỉ tạm, cầm tay mẹ hỏi...”. Anh Đức Miên hay là Đức Miêng không rõ, hát bài “Voi ra trận”. Rồi đến trích đoạn ở vở “Đường về trận địa”. Chỉ có ba tiết mục ấy thôi. Khoảng một giờ chiều giải tán, đội Văn công xung kích Quân khu 3 cũng về hiệu bộ. 
     Sau đó chúng tôi lần lượt lên đại đội nhận giấy về phép, thanh toán các chế độ đến hết ngày 15 tháng 6 năm 1967. Cũng rất nhanh thôi, ai cũng giống ai, chế độ như nhau, tiền ăn, tem phiếu gạo. Chỉ có giấy phép là của ai nấy giữ, mỗi người tên khác nhau. Lĩnh giấy phép, rồi tạt qua bàn quản lý Lành cầm một túm là xong. 
     Rất nhanh chóng, về nhà chào gia chủ, khoác ba lô đi phép. 
     Khí thế “mã hồi”, chỉ 1 giờ 30 phút chiều là người người ra khỏi thôn Đông Đoan Bái. Mạnh ai nấy đi, cùng tuyến rủ nhau đi cùng cho vui, không được đi đông. Chỉ tốp 3, tốp 5, tốp 7 còn để tránh máy bay địch. Tốp tôi có Trần Thanh Tân và Hoàng Hữu Chuyên cùng huyện. Còn Du, LươngTrí, Quang về ga Đông Anh, đêm sẽ ngược tàu Yên Bái.
                                                                                       ( còn nữa )

                                                        Đăng bởi Nguyễn Như Khánh





0 nhận xét:

Đăng nhận xét