25/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 11

Chống càn ( Tiếp theo kỳ trước )

Tang tảng sáng, loạt B52 thứ 12, kể chiếc là 36 vừa dứt. Xe xích của địch đã chạy rầm rầm, lồng lộn như muốn bổ vào khu 181 cắn xé những cụm rừng còn sót của 36 chiếc B52 cào xới. Pháo tự hành trên xe xích bắn liên hồi vào Đồi 181.
Anh em náo động, chất vấn anh Vĩnh xử trí. Anh Vĩnh bí quá nói:
- Giờ tôi hết biết làm cách nào. Đồng chí nào cấp cao nhất ở đây chỉ huy.
Tôi liền nói:
- Tôi chỉ huy.
Nghĩ mình là cấp trung đội bậc phó. Anh em toàn cấp tiểu đội bậc trưởng trở xuống. Hơn nữa mình là chi ủy viên, còn một số anh em là đảng viên và đoàn viên. Hậu rỉ tai tôi nói: Đại đội giao cho nó, để nó chỉ huy, giờ khó khăn đùn cho anh, anh đừng nhận.
- Không được, mình là cấp cao nhất ở đây, là chi ủy.
- Nếu anh nhận, thì em góp ý: Quyết là vào đơn vị. Giả dụ địch đánh trúng cũng không chết hết được 135 người. Nên di chuyển đi đâu cũng phải để một tổ ở lại giữ căn cứ. Nếu như anh không quyết vào thì sẽ đi hướng này (cậu chỉ tay). Thế nào đơn vị cũng rút ra hướng đó đánh địch.
Tôi cho là Hậu góp ý có lý. Trong khi tôi và Hậu hội ý thì anh em cứ nhao nhao như biểu tình: Quyết vào hay ra, ra hay vào… Tôi còn chưa nói gì, còn suy nghĩ thêm. Hậu còn nói theo một câu:
- Anh mà quyết ra, rừng cao su non chúi vào đâu, trực thăng “rỉa” chết hết!
Tôi lấy biểu quyết, cứ đi theo cái lệ họp đảng, họp đoàn, họp hội đồng quân nhân ấy. Nhưng trong đầu óc đã quyết định rồi là: Vào!
Tôi lệnh: “Vào đơn vị!”
Hậu thở phào, rồi từ ấy cậu cứ quanh quẩn bên tôi, chắc là sợ “ông thầy” chỉ quen trên “hội trường” chứ chưa quen “chiến trường”.
Thế là mỗi người một bồng, mạnh ai nấy ào ào kéo vào rừng 181. Hiện tượng như kẻ địch thất trận “chạy thục mạng về căn cứ”. Nhưng bản chất thì khác hẳn.

                                                     * * *

Đi một đoạn vào trong rừng, cây cối đổ ngổn ngang, phải luồn lách mà đi. Chỉ huy đại đội thấy chúng tôi về nguyên vẹn rất mừng. Đơn vị, anh em đang túi bụi chuẩn bị, đút gạo vào ruột tượng để chống càn. Toàn bộ rút ra rìa rừng đánh địch. Để lại mười người do anh Hưng chính trị viên phó chỉ huy. Nhiệm vụ tốp này là bảo vệ căn cứ, chống biệt kích và tiếp tế thực phẩm cho đơn vị chống càn ở rìa rừng. Tốp C bộ do anh Út “Hí” chỉ huy. Ngầm hiểu, tôi là chính ủy bộ phận vì anh Út không có chân trong chi ủy.
Hướng này địch chưa mò đến. Chưa nện nhau trận nào từ sáng đến giờ.
Tôi và anh Út đào cái công sự, chứa được ba người, bao cấp cho Duyển nuôi quân.
Anh cứ vớ vẩn, thừ thẫn đùn cho tôi đào, thỉnh thoảng lại buông ra câu bàn chùn: “Đù me, sơ sơ thôi mày!”
Suốt ngày đó chẳng chạm trán nhau lần nào. Còn các hướng khác, đơn vị người ta đánh nhau rầm rầm.
“Lòng kẽm” cứ tù ti, tù ti dẫn biệt kích. OV10 “cảo đùng” bắn điểm để F lao xuống trút bom vào các cụm rừng B52 đánh sót. Ga-rô thì “O… o…” soi mói, có lúc quay tít một chỗ rồi ném lựu đạn US xuống miệng công sự. Khi chúng phát hiện được, thằng Mỹ đội mũ sắt, mũi lõ, mặt đỏ au, lăm lăm cầm AR-15 lập tức nhả đạn. Trực thăng vũ trang phành phạch, nã trọng liên nổ giòn tan từng hồi dài. HU1A hạ xuống bắt thương binh đưa về căn cứ.
Phòng tuyến của C5, H19 vẫn an toàn.
Xong công sự, tôi và anh Út “Hí” thay phiên nhau ngủ. Cái “lòng kẽm” bay cao tít cứ tù ti, tiếng đó ru chóng ngủ lạ kỳ!
Sâm sẩm tối anh Út đã chiếm ngay hầm: “Đù me, tao mắc võng ngủ cho yên chí”. Tôi và Duyển mắc ở miệng hầm nằm. Một lát tôi biểu:
- Ủa, “ăn” Út, để đầu đằng này, đêm có phi pháo là nhảy trúng mặt “ăn” đó.
- Ủa, đù me, tao chổng vào trong, pháo trúng chỉ gẫy giò thôi!
Nằm đu đưa hút thuốc. Liên lạc đến báo: “Anh đi họp!”
Anh Tuấn phó bí thư chi bộ chủ trì. Còn anh Hùng “Chột” bí thư, trên rút đi công tác tháng nay chưa ai bổ sung. Nghe đâu Phòng rút anh đi làm chính trị viên đại đội địa phương C19.
Họp chi ủy mở rộng, chủ trương đơn vị rút ra khỏi khu rừng 181. Chi ủy có 5, vắng 1 còn 4 là anh Tuấn, anh Tạo, anh Mại và tôi. Anh Mại và tôi đồng ý với anh Tuấn. Thế là ba phần tư nhất trí, đạt 75 phần trăm. Anh Tạo phản đối. Anh Tuấn lái thế nào cũng không được 100 phần trăm nhất trí. Anh Tạo rất cương quyết. Xong anh Tạo phải xuống nước: “Nếu rút phải để một bộ phận ở lại bảo vệ căn cứ, chứ bốn tấn máy móc khí tài huấn luyện, những bốn tấn gạo vừa lĩnh xong. Không có người bảo vệ à? Tôi ở lại phụ trách tốp đó”.
Anh Tuấn thấy căng thẳng, không được, bèn giải tán họp chi ủy, không ra được nghị quyết. Cho triệu tập một số cán bộ trung đội nữa như anh Bô, anh Giấy, anh Nhuần để họp ban chỉ huy đại đội mở rộng tới trung đội, bộ phận trực thuộc. Thực chất là anh phổ biến triển khai kế hoạch rút quân ra khỏi 181 mà anh đã dự tính.
Hội nghị chính thức có: anh Tuấn, anh Hưng, anh Út, anh Niên. Dự thính có anh Mại, anh Tạo, anh Giấy, anh Bô, anh Nhuần và tôi trưởng bộ phận C bộ.
Anh Tuấn triển khai ngay, chẳng họp bàn biếc gì cả: “Rút toàn bộ ra khỏi 181. Tôi chỉ huy cao nhất ở đây ra lệnh. Không một ai ở lại. Việc này tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với cấp trên. Giải tán. Về các bộ phận chuẩn bị, 30 phút nữa xuất phát”.
Bộ phận tôi nhanh chóng về phổ biến kế hoạch. Thế quái nào có 30 phút mà Duyển còn thịt kịp con gà mái mang theo vốn để gây giống, rang lên mai ăn.
Trong hai cuộc họp vừa rồi đọng lại trong tôi là tâm trạng của anh Tạo. Tôi hiểu anh hơn ai hết. Người nông dân đặc sệt đất Phố Hiến, đã từng cầm phấn đứng trên bục giảng chương trình bán trung học. Rồi một tay súng, một tay phấn giảng dạy kỹ thuật vô tuyến điện. Anh chắt chiu từng hạt gạo, hạt cơm rơi vãi đưa xuống nhà bếp nuôi lợn, giữ gìn quân trang cẩn thận. Chúng tôi hay trêu đùa anh là: toàn để ý cái “tiểu sự”, đầu óc đâu lo cái “đại sự”. Nên bấy giờ rút ra bỏ lại bốn tấn gạo là anh tiếc lắm. Chứ thực ra bốn tấn máy móc đồ rách nát, cũ hỏng dùng làm học cụ, anh chẳng tiếc lắm. Nhưng cứ đưa lên hàng đầu để anh em khỏi đánh giá là chỉ nghĩ đến cái “tiểu sự” bốn tấn gạo.
Tập trung mở đường máu rút ra khỏi Đồi 181. Các đơn vị đi trước ngồi nằm la liệt hai bên đường như chờ tàu ở ga Hàng Cỏ, cả đàn bà trẻ con. Thì ra mới biết đơn vị mình rút quân muộn nhất. Cử C35 đi đầu, gặp địch phục kích nó bắn loạt vừa rồi đó. Có đồng chí văng mất cả K54.
Lệnh của trên là cử C5, H19 mở đường. Đơn vị tôi từ cuối vọt lên đi trước. Dò dẫm thăm chừng mãi mới dám đi. Yên bình an toàn. Bắn loạt vừa rồi là nó xách súng chuồn từ bao giờ. Cũng như là mình phục kích máy bay của nó ấy, bắn một loạt trúng hay không cũng xách súng tháo chạy.
Thủng thẳng hành quân trên rừng cao su già, vừa đi vừa nghỉ. Tôi có cảm giác như bộ phận trinh sát còn phải thăm dò. Có lúc nghỉ giải lao cả giờ đồng hồ. Đi cạnh Duyển luôn luôn nhắc là đừng để cái xoong nó cậm kệch. Thỉnh thoảng lại thò tay vào xoong thịt gà rang của cậu ta làm một miếng, tóp tép ăn cho đỡ nhạt miệng vì cấm hút thuốc.
Duyển nuôi gà thì hết chê, chóng “nhớn”, không “toi”. Cậu đi qua, gà cứ quấn vào chân, đớp gấu quần, khi cho ăn, xìa bàn tay, đỡ nhấc nhấc xem nặng nhẹ. Di chuyển từ Suối Mây lên “cứ Văn công” lần một, lên “cứ Văn công” lần hai, lên đồi “Không Tên” rồi lên Đồi 181 này cậu đều mang theo. Hôm nay còn mấy con thịt nốt. Để con mái làm giống, nay di chuyển gấp thịt béng. Chỉ chén thịt gà của Duyển, thịt lợn của đơn vị không đụng.
Lại tức cười về cái buổi sáng nay, tốp anh Hưng ở lại thịt lợn, xong tranh thủ làm nồi cháo lòng ăn, còn mang thịt ra cho đơn vị. Để nồi cháo trên bàn giữa nhà, mỗi anh cầm ca Mỹ tản ra xung quanh ăn. Tốp biệt kích mò vào bắc đại liên Mã Lai trên ổ mối cách nhà mươi mét, bắn tung nồi cháo mà không ai chết. Theo bản năng tự vệ, các tướng nằm sõng soài ẹp xuống đất. Khi dứt tiếng đại liên địch, vớ được AK và AR15 thì nó đã đi từ tám hoánh. Biết hướng nào mà truy lùng bây giờ. Thôi lại tiếp tục làm nồi khác mà ăn.
Thế mới ly kỳ chứ! Tung nồi cháo mà không ai xây xước. Chứ còn biệt kích thì như rươi, đụng độ thường xuyên mấy tháng nay.
Đến chỗ giải lao lâu, vào hai tiếng đồng hồ, tôi tưởng đã đến nơi.
Trong lúc ngồi nằm vật vã ở rừng cao su. Tôi hỏi Duyển:
- Thế đàn bà trẻ con của mình đâu nhỉ?
Duyển kể:
- Sáu giờ tối qua nhận được điện: Tất cả đàn bà, trẻ con, người ốm yếu phải sơ tán khỏi rừng 181 trước sáu giờ tối. Cử người phụ trách. Đến chỗ tập trung có người dẫn đi.
Anh Tuấn thực hiện ngay, giao cho anh Sáu Triệu Cảm hay anh Giấy dẫn đi, không biết hướng nào.
Xong lại thấy Hậu mò đến chỗ tôi. Từ khi có chiến lợi phẩm giao cho cậu khẩu AR15 chẳng mấy lúc rời người. Cậu bảo: “Thứ này không bằng AK. Nó làm bằng thép hun không rỉ đỡ phải lau chùi. Bất tiện là đạn ít phải bắn dè”. Cậu đắc ý nói tiếp:
- Em nói có đúng không? Đại đội mình thế nào cũng rút ra đó chống càn. Đi như vậy là đón đầu.
- Tớ phục tài quân sự của cậu rồi. Coi cậu là “quân sư”, nhưng sau này mà học kém mình cứ phết một vào sổ đấy!
Đến đây coi chừng đã thoát vòng vây. Tạm an toàn. Nói chuyện rì rầm chỉ huy không nhắc. Đôi đốm thuốc lá lập lòe cũng không bị nhắc.
- Nhưng mà em ghét cái thằng Vĩnh ở trên Phòng, em và nó đều yêu cô dược tá.
- À, ra thế, đó là chuyện cá nhân, cậu vẫn tính trẻ con. Lúc khó khăn ác liệt, mình không dấn vào có mà “trọc đầu”. Cậu tưởng đơn giản, mình là cấp ủy, là cấp cao nhất ở đấy. Đùn cho ai?
- Ối trời ơi! Anh mà lên đây mấy hôm trước ấy à, cứ nườm nượp như phố phường, xe cộ ra vào. Chỗ cái dốc có đống lửa ấy tấp nập, đèn pha sáng trưng. Tuy đang khẩn trương xây dựng doanh trại để học nhưng mỗi tiểu đội vẫn trích ra một, hai thằng đi xin chó. Miên gọi là “oi xà ke”. “Oi xà ke thum thum” là “xin con chó lớn”… Từ hôm ấy lên đây đến nay, chẳng mấy bữa là không có thịt chó.
Cậu kể tiếp:
- Anh cứ hình dung mà xem, gọi là Đồi 181, nó là cái thung lũng.
- Thung lũng sao gọi là đồi. Cậu chỉ phịa.
- Anh chả hiểu gì về quân sự. Đồ bản quân sự gọi là “đồi”, vì nó cao hơn mực nước biển ở mức “đồi”. Chưa tin lắm, để Hậu kể, tôi tặc lưỡi:
- Ừ thì cứ cho là như vậy đi.
Cậu tiếp:
- Xung quanh là rừng cao su già cao hơn. Thuộc Sở cao su Làng 3, Làng 5, toàn Việt kiều làm công nhân đồn điền cao su. Hai làng đó có cả sân bóng đá. Đồi 181 dài vào bảy ki-lô-mét, ngang bốn ki-lô-mét. Con suối chạy dọc chia ra hai phần. Bên Đông là rừng cây, địa thế đẹp, các đơn vị đến trước họ chiếm như cơ quan thuộc Cục hậu cần, cơ quan thuộc Cục tham mưu, cơ quan thuộc Cục chính trị… Các cơ quan thuộc Cục tham mưu của mình như Phòng 1, Phòng 2, Phòng 3, Phòng 4… Như C35, H19, K30B… thuộc Phòng 3. Viện K71, K23, K50…thuộc Cục hậu cần. Ví dụ “Văn công” chỗ ông Bảy Dự thuộc Cục chính trị… C5 mình “trâu chậm uống nước đục” đến sau phải ở bên phải, rừng tre chủ yếu, lác đác có cây xen lẫn. Hai bên Đông Tây ăn chung con suối.
Nghĩ bụng cậu này trình độ lớp 7 mà cũng văn vẻ nhịp nhàng ra phết.
Hậu lại nói:
- Chắc là 12 loạt 36 chiếc đánh bên Đông, họa là có quả lạc sang bên Tây mà thôi. Đơn vị mình bây giờ còn là 135 người. Cho số sơ tán và số đi tải gạo còn trên dưới 100 ở nhà. Toàn ra gốc cây nấp mà chẳng ai chết.
Lát sau, Hậu lại kể về C19: “C19 do anh Hùng “Cẩng” (tức Hùng “Chột”) chỉ huy. Đánh Mi Mốt có hai đại đội. Trong đó có đại đội C19. Lính Lon-non đóng ở Mi Mốt, mới nghe tin Quân giải phóng tấn công đã tháo chạy. Ta đuổi không kịp, dân Miên, Hoa, Việt có Hon-đa, đèo quân giải phóng truy kích địch trên Lộ 7. Chúng bí quá chui vào khu rừng già trốn. Được dân đưa đường dẫn lối, ta tiêu diệt gọn”.
Đang nói chuyện, tôi có lệnh đi, bấy giờ tang tảng sáng.

                                                   * * *

Kỳ quặc thằng bé Nguyễn Trung Trực con anh Nguyễn Trung Tín (cứ gọi là anh Ba Tính). Cậu ta mới năm tuổi, bám lưng cô y tá cõng. Leo lẻo nói:
- Bác Thăng ơi, bác Thăng. Chỉnh huấn các bác cứ nói “địch thua ta thắng”, chạy hoài thế này thì thắng sao được!
- Cháu còn bé chạy là chỉ biết chạy, việc đó là của bác, của các chú, không thắc mắc.
- Báo cáo bác chính ủy rõ!
Nó làm anh em bóp bụng cười nhỏ.
Sau này anh Ba Tính về H19 làm tiểu đoàn phó hậu cần.
Về sau tôi mới biết là tối hôm 10 tháng 5 năm 1970 ấy, nhiều đơn vị nhận lệnh muộn, mà chấp hành của người chỉ huy không nghiêm, nên hầu hết tắc đọng phụ nữ, trẻ con, người ốm yếu, không ra được.
Xử trí như anh Tuấn là được. Nghĩ rằng những lúc bữa cơm, những lúc nhàn ngồi nói chuyện “phiếm”, bàn luận về văn học nghệ thuật. Biết đâu sáu bài diễn văn của I-li-a Ê-ren-bua tựa đề là “Thời gian ủng hộ chúng ta”, đã có những chi tiết ăn sâu vào từng lần da thớ thịt của người đại đội trưởng Lê Sỹ Tuấn. Chắc hẳn có chi tiết đại ý rằng: “…thời gian là quý giá, nếu chậm trễ, sẽ rơi vào tình trạng bi đát nhất…”
Sáng rõ khá lâu, từng đơn vị tự tìm chỗ trú quân. Anh Tuấn khệ nệ dẫn C5 đi được một đoạn ra khỏi rừng cao su già ấy. Chúng tôi thấy trước mặt là ngôi nhà hai tầng làm toàn bằng gỗ, lợp tôn xinh xắn, vườn trồng các loại cây ăn quả. Hôm ấy tôi mới biết cây sầu riêng, vú sữa, mãng cầu và hạt tiêu. Còn các quả cây khác như mít, chuối, dứa, bưởi, chanh, cam… thì quá quen thuộc rồi. Có vài người ở lan can gác hai nhìn chúng tôi. Tôi cũng ngắm nhìn họ và nhận xét: đây là tốp công chức của một viện sở nào đó, không phải nhà thường dân.
Đi quá họ độ hơn trăm mét là vào một khu rừng khá rậm rạp, dây leo chằng chịt, tìm được chỗ để mắc cái võng cũng vất vả. Anh chọn chỗ ổ gà dành cho C bộ ở. Anh Tuấn lệnh: “Bắt đầu từ bữa trưa nay 12 - 5 - 1970 toàn đơn vị ăn cháo, vì chưa liên hệ được gạo!”.
Bốn ngày ăn cháo đói lắm. Suốt trong những ngày đó anh Niên chỉ huy đơn vị còn anh Tuấn cứ mặc độc cái quần xà lỏn, áo ba lỗ để đi liên hệ gạo. Đến kho nào cũng trả lời hết.
Mấy học viên thấy thầy “ba cọc ba đồng”, chạnh lòng thương cảm. Chỉnh và Lương đến rủ đi chơi, các cậu dắt tôi đi ở rìa rừng cao su. Đến một búi cây cỏ hôi, các cậu lôi ra nửa quả mít to tướng bảo tôi ăn. Thì ra chỉ có C bộ đói, anh em vẫn no nê. Vào dân xin chuối, dứa, sắn, mít, đu đủ… ăn thỏa thuê. Gạo sẵn ở ruột tượng trút ra nấu ăn ào ào, đến đâu tính đấy.
Lệnh của đại đội trưởng phát ra, tôi là thủ trưởng của khối C bộ ví như là cái anh tham mưu đại đội, các “sếp” ăn ở bếp đó, làm sao mà du di được.
Tầm hai ba giờ chiều hôm thứ tư kể từ ngày đến, nó vào cỡ ngày 15, 16 tháng 5 năm 1970. Một đoàn xe tăng địch hùng hổ trên rừng cao su kéo từ hướng Đồi 181 tới. Anh em quýnh lên, có anh tháo võng không kịp. Anh Mại là quýnh nhất, miệng luôn luôn hỏi: “Anh Tuấn, anh Tuấn, xử trí thế nào?”
Anh Tuấn thì cứ đủng đỉnh tháo võng trả lời: “Đù me nó, yên chí, yên chí! Tôi cam đoan nó không dám vào đây đâu mà sợ!”
Một vài xe tăng đỗ ngay ở chỗ nhà gỗ hai tầng, lục soát và bắt số người ở đó đi.
Chúng tôi luồn rừng chạy, anh Tuấn phải vất vả khệ nệ ôm cái bụng quá khổ của mình nên tụt lại đằng sau. Nếu như đội hình tấn công địch, thì vị trí của anh đúng là “vị trí của người chỉ huy” theo chiến thuật của Sư trưởng Sa-pa-ep. Còn đội hình tháo chạy này thì không đúng!
Tôi nghĩ bụng: dù có thần công trái phá nã ngay vào đít, anh cũng không chạy được.
Đi một đoạn, nghe tiếng xe tăng giảm dần là lúc đã ra đến bãi rừng tre thưa thớt. Cái L19 và cái OV 10 vẫn lượn trên đầu, lúc gần lúc xa. Chúng tôi dừng lại nằm nghỉ vật vờ ở rừng tre để tránh máy bay. Tiếng tăng lúc này còn văng vẳng. Sau đó, chúng tôi tạt xuống một thung lũng vẫn là rừng tre cách chỗ ém quân vào khoảng 5 phút, cách chỗ ổ gà vào 10, 15 phút, và quyết định nghỉ tạm ở đây đêm nay.
Chiều vẫn tiếp diễn cháo măng. Tầm 9 giờ tối, được lệnh đi tải gạo. Kho gạo ở rừng cao su cách chỗ ổ gà và cách đây cũng 10 phút. Ba vị trí đấy ở vào vị trí của ba đỉnh tam giác đều. Lệnh của trên là giải tỏa gạo. Đơn vị nào lấy được bao nhiêu thì tùy. Chẳng cân đong đo đếm gì cả. Đại đội trưởng Tuấn ra tận kho gạo chỉ huy. Đồ đạc bỏ ra ngoài dùng bồng đi tải, chúng tôi ai mà chẳng có hai, ba cái bồng để tải hàng. Anh cho những người nằm trong chuyến tải đầu mang một số bao chỉ xanh về đựng. Còn bộ phận ở nhà chặt cây kê gạo. Không quên, anh cho thu lượm số ni-lon màu cánh gián ở kho về để đậy gạo lúc trời mưa.
Anh em tự giác, mỗi người làm hai ba chuyến. Tầm 12 giờ đêm xong. Bộ phận nào bộ phận nấy tự túc nấu ăn đêm. Chỗ tôi mỗi người một ca Mỹ gạo. Đổ nước bi-đông vào nấu luôn, chẳng vo viếc gì cả. Bốn ngày cháo măng, giờ được bữa căng rốn.
Hàng ngày lấy măng ăn, những cái măng tre to như cái đùi. Ở đã mấy ngày mà chả có lệnh làm lán trại gì cả. Chỉ làm kho gạo là khá kiên cố và nhà bếp chỗ nấu nướng, để thực phẩm, sàn chia cơm. Ăn xong sơ tán về các A. Bây giờ bếp nấu tập trung cả đại đội. Bắn được nhiều thú rừng như nai, hoẵng, nhím… Nhiều nhất vẫn là khỉ, vượn, dọc. Rừng tre các thú kia ít, dân ở đông đúc, rừng cao su mở rộng, choán cả chỗ của rừng hoang dã.

                                                       * * *

Hưng được chọn phụ trách hai mươi đồng chí đi thồ giấy ở Nhà máy giấy Sa Lông ngay sát sông Mê Kông.
Kho khí tài lúc này lại có trên nửa tấn giấy. Thôi thì ở trong rừng mà sang quá. Bữa ăn, toàn giấy trắng tinh lau đũa bát. Các bàn lúc ăn cơm lại rải tờ giấy trắng lên làm “khăn trải bàn”. Giấy trắng nộp kho, “giấy đen” cá nhân mang về dùng. Vì là anh Tuấn khoán cho mỗi đồng chí ba mươi ki-lô-gam giấy. Có anh chở bốn mươi, năm mươi cân. Số ba mươi ki-lô-gam chỉ tiêu đó gọi là “giấy trắng”, số thừa ra mang về bộ phận tiểu đội dùng gọi là “giấy đen”, kiểu gọi nó như là “quỹ đen” ấy mà. Chứ làm gì có giấy màu đen, có mà là giấy than!
Lúc này, anh Tạo lại được cử chỉ huy một tốp 10 người bám lại Đồi 181. Phải đến 10 hoặc 15 ngày mới xong nhiệm vụ. Chọn trong số 20 người lần trước đi thồ giấy những tay súng cừ khôi. Anh Hưng chính trị viên phó đại đội là đặc phái viên của C5 ở đó chứ không trực tiếp chỉ huy. Anh đóng vai như “quan sát viên”. Các anh xong nhiệm vụ về kể lại là hôm đầu bám lại vất vả. Trong đó còn nhiều biệt kích. Sau tình hình êm hơn. Đại quân C5 đi tải hàng, ngày khoán cho hai chuyến.
Ở rừng tre đến nửa tháng mới thông thổ, vì tôi ít đi, đi lấy măng thì chặt một lúc đầy bồng gùi về cho nhà bếp, lại lên võng nằm. Xung quanh đấy các phum sóc đông đúc. Cách chỗ ở vài chục mét là nhà dân, hôm lấy măng mưa rét, tôi vào sưởi lửa. Nhà đi vắng hết, chỉ có hai chị em ở nhà. Thấy cô chị chừng 19, 20 tuổi, cách mặc có vẻ tỉnh về. Tôi hỏi mới biết cô là học sinh trung học ở Mi Mốt về nhà nghỉ hè. Gần nhà hai tầng gỗ là một phum đông đúc, gọi là phum Thơ Mây hay là gì nay không nhớ chính xác. Cứ gọi nó là cái phum Lớn. Dân còn ở rải rác nhiều.
Sau chúng tôi chuyển vào rừng tre, cách chỗ cũ vào mười phút, có khi chỉ năm, bảy phút. Lập căn cứ cố định để huấn luyện. Làm nhà cửa, hội trường. Tiểu đoàn bộ ở sâu hơn, cặp ria bãi trảng lầy lội, cách C5 vài phút, đi đâu đều phải qua C5. Vào thượng tuần tháng 6 năm 1970 chuẩn bị cho khai giảng. Các hội nghị diễn ra triền miên, chủ yếu là kiểm điểm đợt chống càn vừa rồi, sơ kết 6 tháng đầu 1970, bình bầu các danh hiệu, chi ủy mới…
Bị các hội nghị “cạo” nhiều nhất là anh Hưng chính trị viên phó. Sau đến anh Tuấn. Hai anh không đạt đảng viên bốn tốt và Dũng sĩ quyết thắng. Nói chung anh nào cũng bị “cạo” nhưng ở mức độ khác nhau. Lẽ ra các cuộc hội nghị, đại hội chỉ một buổi xong. Giờ kéo dài đến một, hai ngày. Ví dụ như đại hội chi bộ hai ngày cật sức. Đại hội chi đoàn một ngày cật sức còn phải họp đêm mới xong.
Đại hội chi bộ là trung tâm của đơn vị, ai cũng hiểu như vậy, đảng viên chiếm năm, sáu mươi phần trăm. Trong đại hội, qua ý kiến phát biểu đóng góp, tôi nhận thấy anh Tuấn và anh Hưng không muốn tôi đạt bốn tốt. Còn anh Tuấn, anh em đóng góp phê bình nhiều về vụ quyết đoán rút khỏi Đồi 181. Còn anh Hưng thì ê chề khuyết điểm. Tôi bị hội nghị phê bình nhiều nhất về tội lấy biểu quyết trong chỉ huy. Anh Tuấn và anh Hưng nâng cái đó lên quan điểm, chứ không ở mức độ tác phong. Xong tôi cũng biện bạch quyết liệt: Thực hiện ba dân chủ lớn trong quân đội. Dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế ta thường làm. Có điều kiện để làm dân chủ quân sự tại sao ta không làm. Tôi lấy biểu quyết lúc đó, tức là lúc ác liệt đó chứng tỏ là tôi dày dặn trong chỉ huy, tôi gánh vác công việc chỉ huy lúc đó nhàn hơn khả năng, năng lực của mình. Sao đồng chí Tuấn, đồng chí Hưng và các đồng chí khác cho tôi là trái nguyên tắc, là hoang mang dao động, là bấn bí… Tôi không chịu. Lấy biểu quyết: “Ai đồng ý đảng viên Lại Văn Hay đạt bốn tốt giơ tay”. Khi lấy biểu quyết, tôi giơ tay đầu tiên, các đồng chí trong đại hội giơ tay. Anh Tuấn, anh Hưng dấp dứ, chần chừ rồi cũng giơ tay, thế là một trăm phần trăm. Mạn phép cả đoàn chủ tịch lấy biểu quyết, các anh thấy ly kỳ buồn cười quá, bỏ qua cho tôi. Cả hội trường đại hội xét xong tôi kết thúc bằng hồi cười thay cho vỗ tay, chuyển sang đồng chí khác.
Đợt ấy, tôi đạt bốn tốt, Dũng sĩ Quyết thắng, có chân trong chi ủy, đạt giấy khen sáu tháng đầu năm 1970.

                                                 * * *

Tôi được cử dẫn bảy anh em đi lĩnh vũ khí ở thị trấn Cần Dò. Hôm thứ nhất đến sóc Đầm Lê Phông. Người ta bảo cái sóc này khi mới thành lập có con voi sa lầy, nên đặt tên là sóc “Đầm Lê Phông”. Hôm thứ hai đến thị trấn Cần Dò vào lúc 10, 11 giờ. Từ thị trấn Cần Dò đến kho vũ khí ở trong núi vào cỡ bảy cây số. Cho anh em nghỉ trưa ở đây. Tầm hai giờ chiều đi lĩnh, xong lại về đây nghỉ qua đêm, sau về Đầm Lê Phông nghỉ, sau nữa về đơn vị.
Đến kho, hết vũ khí, đồng chí phụ trách kho ghi sau giấy giới thiệu mấy chữ, ký tên. Tôi dắt anh em quay lại, anh em còn nấn ná ngồi nghỉ, ngắm hang núi, ngắm kho. Cái thị trấn Cần Dò rải theo bờ sông Mê Kông dài ghê, phải đến bảy, tám cây số. Phía núi để kho, không biết là đầu hay cuối thị trấn không rõ. Phía này nhà thưa thớt, lèo tèo, chứ không đông đúc sầm uất như đầu phía kia lúc mới đến. Khúc đầu thị trấn gần cửa sông nhánh đổ vào Mê Kông, gọi sông đó là sông Sa Lông. Thị trấn Sa Lông ở phía Bắc, tức đi ngược dòng sông Mê Kông mới tới. Từ thị trấn Sa Lông sang Cần Dò trước đây có cầu bắc qua, đảo chính Xi-ha-núc không biết ta hay nó phá, giờ đi đò.
Tám người đi lê thê thành tốp 2, tốp 3, tốp 1. Tầm ấy cỡ 4, 5 giờ chiều, đi qua đoạn đường đá dăm. Gặp hai đứa bé cỡ 12, 13 tuổi buộc mẩu dây đay vào chân sau con chó vằn độ 6, 7 cân, kéo lê sền sệt trên đường, chảy cả máu mồm máu mũi ra. Chúng bảo: “Các chú có lấy không?”. Tôi bảo: “Có”. Thế là một thằng chạy về lấy cho cái bao tải đay để các chú đựng chó. Tôi phân công anh Nhuần và anh Nhàn khiêng.
Đi qua cổng các nhà, trẻ con ùa ra xem, chúng đố nhau: “Đố các chú khiêng gì?”
- Gạo.
- Không phải, chó.
Thế là lại rúc rích cười với nhau.
Đi độ hai ba trăm mét, mấy mẹ con nhà Hoa kiều ngồi ăn cơm ở sân. Thấy chúng tôi qua cổng, cô con gái lớn độ 19, 20 chạy ra hỏi:
- Các chú có lấy chó không?
Tôi ra vẻ chần chừ, hỏi ý kiến anh em: “Có lấy không?”
- Có, cứ lấy đi!
Thế là mấy mẹ con dồn chó bắt cho chúng tôi. Tôi và cô gái đứng ở cổng nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Cô thích lắm vì tôi biết tiếng. Cô hỏi quê quán, gia đình, vợ con, đi giải phóng lâu chưa?… Chẳng nói được mấy chuyện đã bắt được con vàng, có tới 15, 16 cân. Phải to hơn, béo hơn con vàng của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao.
Thế là hai khiêng chó.
Đến một chỗ, thấy địa thế hay hay, tôi cho anh em nghỉ lại. Đi đoạn đường vừa rồi thấy xấu hổ về hai khiêng chó.
Đứng trên bờ, thấy nhà bè san sát trên sông Mê Kông, tôi chỉ:
- Xuống bè kia.
- Tuân lệnh!
Anh em kéo xuống. Nhà có hai cha con Việt kiều, ông già chừng ngoài sáu mươi, cô con gái chừng ngoài đôi mươi. Tôi hỏi ở nhờ, ông hỏi:
- Cơm cháo gì chưa?
- Dạ, chưa ạ!
Ông sai con gái lên bờ mua cân măng tươi. Mở cái nắp bè nuôi cá trên sông, thả lưỡi câu xuống giật lên hai con cá tra bằng bụng chân. Sai con thổi cơm, nấu canh cá cho chúng tôi ăn. Xong, ngồi trên mặt bè cá uống nước, hút cà-bơ, nói chuyện với ông chủ. Ngắm cảnh sông Mê Kông khoái thật.
Tầm chín giờ tối, anh Nhàn bảo tôi: “Không khéo con chó vằn chết mất anh ạ”. Ông chủ bảo chúng tôi lên bờ, có cái trường tiểu học của Hoa Kiều bỏ không, rau các loại, giếng nước đầy đủ. Ông cho mượn một cái đèn bão xách lên làm thịt chó, cần gì về đây lấy.
Giếng thì cầm gàu thò tay múc. Rào nứa rút ra đun. Rau húng, rau thơm, ớt giềng, sả, mùi tàu… đủ cả. Phải đến 12 giờ đêm ăn xong mới kéo về nhà bè ngủ, chỉ có “nhị món” là: bóp giềng sả, tương mẻ nấu kiểu xào lăn dựa mận và món dồi.
Tờ mờ sáng hôm sau, dân phố đã kéo đến nhà bè chúng tôi ở. Lúc đó anh em mới dậy. Họ trách ông chủ là không cho họ biết giải phóng đến ở. Mỗi gia đình đón một giải phóng về nhà ăn cơm. Tám người tám nhà đón. Nhiều nhà không đón được họ hùn thức ăn đến nhà để tiếp chúng tôi.
Tôi ở một nhà người Hoa, gia đình làm nghề bán bánh phở. Trên bàn tròn để sẵn mâm cơm đậy lồng bàn. Mở ra, bà chủ trạc tuổi mẹ tôi ngồi tiếp. Các con lớn tồng ngồng của bà túi bụi chuẩn bị đi chợ, giao hàng.
Bà ngồi ghế, chỉ chuyên xới cơm và gắp thức ăn cho tôi. Cứ như hồi còn nhỏ một hai tuổi bà và bu bón cơm cho. Dân phố vài nhà mang thức ăn nhưng bị ế phải mang về.
Lưu luyến với dân chúng Cần Dò, tám giờ chúng tôi mới xuất phát được. Tầm ba giờ chiều đến Đầm Lê Phông. Cổng phum có con suối to rộng. Cắm trại tại đây chúng tôi thịt con vàng đánh chén. Tối mới vào nhà dân ở nhờ. Xoong thịt chó ăn thừa để treo dưới gầm nhà sàn. Nói chung, dân Việt kiều, Hoa kiều, và dân Campuchia không ăn thịt chó. Sáng sau dậy, nấu cơm ăn xong mới lên đường về đơn vị, cho nó nhẹ bớt xoong thịt chó thừa. Cung độ tới xa hơn từ Cần Dò về đây.

                                               * * *

Về đơn vị nghỉ một, hai ngày, tôi lại được cử đi chỉ huy bảy đồng chí đi công tác dài hạn, xong việc khi nào về khi ấy. Gồm: Tôi, Thịnh, Riểu, Chỉnh, Hình, Hậu, Quảng, Vĩnh. Tất cả tập trung tại Đầm Lê Phông, do anh Tư Toong hay gọi là Xuân Toong đều thế, đại đội trưởng C33 (Tổng kho Thông tin Miền) phụ trách. C5, H19 chỉ có tám người, các đơn vị khác nữa, quân số đông lắm, phải trên trăm. Hôm đầu hành quân xa lắm. Tôi không định được tọa độ. Đi qua các tốp rừng, thỉnh thoảng lại gặp vài cậu thanh niên Miên ngồi bán hàng xén. Tôi bảo anh em đi cạnh: “Thế này mất nước là phải. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh thế kia mà ngồi bán hàng xén, vài cái kim chỉ gương lược. Ở Bắc mình chỉ bà già yếu, tật nguyền mới ngồi bán hàng xén. Còn thanh niên phải sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội...”
Đi đoạn nữa, thấy tiếng reo hò ầm ĩ, đến gần thì ra Miên đánh cá ở suối.
Tôi ngớ người ra khi nhìn thấy Dậu Đoàn 239 cũ mặc xà lỏn màu thẫm, cởi trần ngồi xem đánh cá.
- Ơ, anh Hay, sao lại gặp anh ở đây?
- Công tác, còn cậu?
Cậu kể:
- Em từ Đoàn 10, Rừng Sác về đây lĩnh khí tài, mắc càn chưa về được!
Cậu nhìn quanh quẩn như tìm kiếm cái gì đó. Xong bảo:
- Em có cái đồng hồ, mua dưới đồng bằng, tốt lắm, cho anh.
- Lấy đồng hồ làm gì, đây ra kia quả pháo chết toi. Thôi, thực dụng, có gì ăn được đưa đây.
- Em chẳng có gì, có cây A-ra, lấy nửa.
- Tốt, tốt. Thế là Dậu bẻ cho năm bao.
Chia tay Dậu, bám sát đội hình, gọi với:
- Thịnh, Riểu ơi! Chúng mày không thấy “Tây” Dậu à?
Chẳng là Dậu “da trắng mũi lõ” nên anh em Đoàn 239 mới gọi là “Tây” Dậu hay Dậu “Tây” đều vậy.
Vượt qua một con sông, chẳng biết là sông gì, đến chỗ rừng le là gần tối, ngủ lại. Hôm sau đi sớm để vượt Lộ 7.
May hôm đó mưa phùn, trời mù mịt. Đoàn đi đông, gặp hai người Miên khoác tay nải đi trên Lộ 7 về hướng Mi Mốt, họ cứ lấm lét. Thế quái nào có đồng chí vướng phải quả mìn pháo hiệu, phụt ra khói mù mịt, tiểng nổ chỉ bép một tiếng như tiếng pháo tép. Cả đoàn phá ra chạy thục mạng.
Qua một bãi mía rộng là đến ven rừng già. Trước khi bước vào cửa rừng qua con suối nhỏ. Từ Lộ 7 vào đến ria rừng già tới 15, 20 phút chạy. Bấy giờ mới ngồi thở hổn hển. Nghỉ khá lâu vì anh Tư còn đi liên hệ.
Tôi có dịp quan sát kỹ, thấy chỗ này quen quen. Thì ra đúng chỗ xó xỉnh hôm đến K48 mắc võng nằm chờ mấy ngày để về đơn vị. Hỏi anh em:
- Đây hình như là bãi khách tập kết K48 ý nhỉ?
- Chứ còn đâu nữa. - Thịnh đáp.
- Hôm đến, mình mắc võng chỗ này chờ đơn vị. Thế mà nằm mấy ngày ở đây, không biết chỉ mấy chục mét là ra dãy mía của dân. Hãn tưởng chỉ bạt ngàn rừng già là rừng già. Anh Tư Toong dẫn đi qua hai, ba quả đồi trọc lóc, gọi là đồi ĐKB, qua một con suối là đến kho, nằm trong “Tổng kho”. Gặp luôn Hỗ phụ trách ở đó, vì cậu ta tính trầm, tai nghễnh ngãng nên anh em Đoàn 239 không gọi là Trần Thanh Hỗ mà gọi là Trầm Thanh Hỗ. Anh Hỗ phát khí tài máy móc để chúng tôi chuyển đi. Đi hai ngày, quay lại hai ngày. Vậy thì bốn ngày mới được một chuyến. Chuyển từ đó về tận khu vực Cần Dò.
Từ K48 về khu vực Cần Dò, qua con sông khá rộng. Hôm đi về chuyến đầu tiên, gặp đoàn Văn công tải gạo. Các chị là ca sĩ, là diễn viên múa mà cái việc “sông nước” này cũng thạo đáo để. Tốp tôi có tám người. Bọc máy và quần áo vào ni-lon buộc túm chụp xuống nước. Mỗi Hậu và Hình có AR 15 để trên bọc đồ. Xuống ria nước, anh em chỉ lo “Bủ Hay” bị chìm thôi. Tôi còn mắng họ:
- Các cậu chẳng hiểu nguyên lý Ác-xi-mét là gì cả!
Tôi niệm thần chú bằng cách đọc định luật: Mọi vật ngâm trong nước, đều được sức đẩy của nước, có phương thẳng đứng đẩy từ dưới lên trên. Mấy anh chị văn công ở đấy cũng phải phì cười.
Tôi nhận xuống nước bơi cùng anh em nhưng anh em văn công và đoàn tôi đã lên bờ ngồi, tôi vẫn loay hoay chưa bơi vào được. Chỉ cách bờ vào dăm mét mà không vào nổi. Nước chảy xiết và xoáy đẩy ra. Hình bảo: “Ra đón Bủ Hay !”. Thịnh bảo: “Bủ có nguyên lý Ác-xi-mét cơ mà, chìm sao được”. Cái ngưỡng ria bờ đó không vượt được. Bảy thằng ngồi trên bờ cười sằng sặc. Một cô trong đoàn văn công phải ra kéo tôi vào. Mệt đứt ruột, tôi cảm ơn chị.
Thịnh còn mắng:
- Đúng là Xẩm. Chẳng thế nổi tiếng nhất miền Đông là nói phét. Bủ suýt chìm là vì bỏ quên câu kết luận của định luật là: “Cường độ lực đẩy đúng bằng trọng lượng khối nước mà vật đó choán chỗ” cơ mà!
Đoàn văn công đi hướng tay mặt, chúng tôi đi hướng tay trái. Cách bờ sông vào 30 phút. Chúng tôi nghỉ tại đó, mai đi tiếp về Tổng kho mới để giao hàng. Tám thằng ở cái nhà to tướng, cao ráo. Chẳng biết của dân hay của bộ đội bỏ không. Anh em còn trêu:
- Để phụ nữ văn công dìu, hết nói phét!
- Phụ nữ chứ đếch phải văn công, ta đoán là chị ta nấu bếp, tay bổ củi ráp và cứng lắm. Nắm tay tao cựa không được!
Xong chuyến đó, anh Xuân Toong tổ chức lại: tám người tôi ở đơn vị cơ công, bố trí trạm đầu, ngày đi bốn chuyến, gùi được 64 máy. Đoạn đường còn lại chia làm hai trạm.
Sau mới biết mấy quả đồi trọc gọi là Đồi ĐKB là vì: Địch phát hiện được Tổng kho của ta (Tổng kho Thông tin chỉ là một bộ phận của khu đó, còn nhiều thứ lắm, như vũ khí, xăng xe, hàng hậu cần…) trong đợt càn Đông Dương vừa qua. Chúng cho phi pháo đánh tan tác rồi cho máy bay “Cần cẩu” bay xuống bốc hàng. Sót ruột quá, trên hạ lệnh phóng hai quả ĐKB vào hủy diệt chúng thì lại phóng trượt. Thế chúng tôi mới có hàng để mà bây giờ làm công tác giải tỏa chứ! Quân giải phóng đặt luôn tên cho nó là Đồi ĐKB. 
Chuyến hàng thứ 4 trong ngày, về đến bãi mía nghỉ, mỗi người giải khát một bụng xong lại đèo thêm hai, ba cây để tối ăn. 
Tám người ở ria suối, ngay cạnh đường đi, có mấy cái nhà lợp lá trung quân và cỏ tranh. Có cả bếp núc cẩn thận. Chắc là của tốp Quân giải phóng bỏ đi chứ không phải của dân Miên. Một hôm tôi tổ chức làm bún. Xé béng cái ống quần vải xanh hôm lấy được ở Đồi 181. Anh em bảo là quần con gái đừng mặc. Cho gạo vào, buộc túm hai đầu lại, ngâm nước rồi vắt lên cành cây chỗ bến nước vo gạo, rửa rau. Giao hẹn là anh nào vo gạo nấu cơm thì dấp nước một lần. Vài hôm gạo mục, cho vào xoong lấy hai bàn tay sát thành bột. Xong đổ bột vào ống quần đã giặt lại sạch, treo lên dóc nước. Rồi đặt vào đống tro bếp cho nó hút nước, bột tương đối khô, cho vào xoong, dội nước sôi vào, dùng môi xới cơm miết miết cho nhuyễn quánh. Cho vào khuôn ép. Khuôn tự tạo bằng ống thịt hộp một kí, dùng tổng chốt CKC đục lỗ. Sợi bún không được dài lắm nhưng ăn cũng ngon, có mùi vị chua chua của bún chứ không phải như đi trên đường dây, cô I-go làm bún trông thì ngon, ăn vào có mùi ngái ngái của cơm. 
Tôi phân công Hình và Hậu vác AR 15 đi săn. Bắn được con khỉ độc to lắm, vàng ươm, phải đến 15 cân. Dễ thường bằng con chó, mẹ con nhà Hoa kiều cho ở Cần Dò. Thịt lọc ra nướng chả, xương ninh măng le. Ở cái đất Căm-pốt này, gia vị nấu các món ăn không phải lo. 
Tám thằng ăn xong, lên võng nằm khượt. Trảng cỏ tranh sẵn hà thủ ô, làm xoong nước uống, chẳng bụng dạ ai làm sao cả. Thế mới gọi là bữa bún khỉ “ngon lành” được chứ! 
Từ chỗ ở vượt qua Lộ 7 vào kho lĩnh hàng là gần 1 giờ đồng hồ. Cả đi lẫn về gần 2 giờ đồng hồ. Mọi hôm cứ đi qua K48 mới vào kho, tôi cảm thấy đi hơi “vu hồi”. Hôm nay mạnh dạn dắt tay anh em đi theo vết xe tăng. Đi một đoạn thấy cạnh đường có gốc cây khá to. Quả pháo bắn xuyên qua gốc cây, sang bên kia, cày một đoạn bằng ba đòn gánh, ngóc lên mới nổ. Trông kỳ thú quá tôi bảo: 
- Chúng mày ơi! Quả pháo này nó bắn mới “trào phúng” làm sao! 
Hình học viên, người Mường Bá Thước vặn tôi: 
- Người ta bảo văn thơ trào phúng, chứ ai nói “quả pháo bắn trào phúng” bao giờ? 
Quả thật, không tìm được từ nào diễn tả nói được. Năm cậu học viên vượt lên đi trước. Tôi, Thịnh, Riểu đi sau. Hôm nay oi bức nên người ngợm uể oải. Cộng thêm với mùi lá, cành, rễ cây xe tăng nó lấn đổ, phả lên mùi thối nồng nặc khó chịu, choáng váng cả người. 
Bỗng thấy có tiếng nói láo nháo trong rừng. Ba thằng đứng chờ xem tốp đoàn nào. Hội ngộ, té ra là Quảng “Thổ”, dẫn mấy đồng chí đi giải tỏa hàng cho Cục chính trị đang trên đường về. Đoàn cậu ngót chục người, làm sao hoành tráng như đoàn tôi trên trăm. Quảng thốt lên: 
- Ơ, sao gặp các ông ở đây? 
- Trái đất này nhỏ bé quá, sao ta không gặp nhau? Đi giải tỏa hàng thông tin cho Cục tham mưu. 
- Cánh này cũng vậy, nhưng cho Cục chính trị. 
Quảng đặt bồng xuống đất đánh “bịch” cái: “Đấy, các ông muốn lấy cái nào thì tùy”. Quảng mở bồng: 
- Tớ lấy cái Phi-líp 3 band, hai loa. 
- Tớ lấy cái Sô-ny 2 band, mặt sắt. 
- Tớ lấy cái Na-ti-o-na Pa-na-sô-níc mắt trâu cho nó nồi đồng cối đá. 
Thế là tôi lấy Phi-líp, Thịnh lấy Sô-ny, Riểu lấy Na-ti-o-na. 
Vào kho lĩnh hàng, Thịnh túm cổ áo Hỗ ra lệnh: 
- Đưa cho mỗi thằng bộ pin nghe đài. 
- Đài ở đâu mà mỗi ông một cái, tốt ghê! 
- Không cần biết nguồn gốc. 
Hỗ đưa chúng tôi mỗi người bộ pin lắp vào đài, nói oang oang. 
Khi tải hàng về, cái mở Đài Tiếng nói Việt Nam, cái mở Đài Giải phóng, cái mở nhạc Tây. Gặp các tốp đi ngược chiều họ bảo: Sờ trán xem các ông có ấm đầu không đấy! 
Tối ấy có đài nghe tin tức: Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo hôm nay ngày 30 tháng 6 năm 1970. Tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Cam-pu-chia. 
Hôm gùi chuyến cuối cùng, Hỗ cũng cuốn gói chuẩn bị về khu vực Cần Dò. Vừa đến kho của Hỗ, cậu ta giục chúng tôi rửa chân tay, mặt mũi rồi bê ra một mâm. Thế là chín thằng xúm vào. Độc món “tửu nhập kê”, mấy toong rót ra hai ba bát, uống vòng tròn. Xong mỗi thằng làm nắm cơm nếp lạc. Không ngờ, đây là bữa ăn cuối cùng với Hỗ. Về chỗ ở mới một thời gian, cậu bị cơn sốt rét ác tính, Hỗ nằm chết trên võng! 

                                                 * * * 

Về C5 được hai hôm, Thịnh bị sốt rét tương đối nặng. Thịnh là một trong bảy người của 239 về đích đầu tiên, tôi khóa đuôi. Cùng về H19 làm giáo viên. Cả A1 có hai Chiến sĩ Thi đua 1968, hai thằng tôi chiếm. Từ dạo ở với Thịnh tới nay Thịnh ít sốt, chỉ sơ sơ, lần này nặng. Thịnh bảo: “Gần đây có sóc, anh và Hưng mang cái đồng hồ của tôi ra đổi con gà, được cân hủ tiếu càng tốt, không con gà cũng được”. 
Hỏi dân, đi tắt cũng gần, đường lầy lội quá. Hai thằng xách dép. Sóc đó gọi là sóc Thơ Mây hay là gì không rõ. Dân ở đông đúc có cả quán xá. 
Đến cửa hiệu đồng hồ họ xem và trả 500 Rịa. Tôi sướng quá định bán. Mẩm tính, nửa tạ gà còn gì (10 Rịa một cân). Hưng đòi thêm, họ xem lại rồi trả tôi. Bán 500 Rịa họ lại không mua nữa. Nói là đồng hồ của Nga Xô, không có phụ tùng thay thế. Thịnh sốt rét lại thèm ăn thịt gà nấu hủ tiếu. Không đổi được, tiền không có để mua. Đành mang đồng hồ Pôn-giốt về trả Thịnh. Tôi thấy sờ sợ, hay là Thịnh trở chứng! Có lần sốt nào thèm ăn thế này đâu. Thịnh hay tìm và bày ra thức ăn để anh em ăn. Bản thân Thịnh ăn uống mảnh khảnh, không “trâu bò” như tôi. Anh em yêu mến gọi anh Tư “Tỏi” cho vui. Tôi hỏi Thịnh: 
- Đắng mồm lắm hả? 
- Đắng lắm anh ạ. 
Được rồi, “mỗ” có cách chữa. Tôi lấy chanh dưới nhà bếp về, vắt vào nước sôi để nguội, thế thôi, hoặc bỏ vài hột muối vào. Cho Thịnh xúc miệng nhiều lần. Để nó làm sạch những bựa trắng trong miệng. Nó là những tế bào chết chứ gì. Thần kinh không tiếp xúc được với thức ăn, cảm thấy đắng miệng. Nhai thịt cá cũng như rau, như nhai rơm ấy. Pha hẳn cho ca Mỹ nước chanh. 
Tôi và Hưng ra rừng tìm nắm lá giang, lá két nấu cho Thịnh bát canh chua với cá tươi. Cứ như vậy, Thịnh ăn được chóng hồi phục. Chẳng mấy mà lại “ảnh Tư” như xưa, mà Pôn-giốt của Nga Xô, 75 đồng dạo nghỉ 15 ngày phép cưới vợ mua, vẫn còn.

                                                                                      ( Còn nữa )

                                                 Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét