24/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 10


                                          Chống càn

Sáng sau về đến căn cứ một lát thì tốp anh Tạo cũng về. B phó Trần Quốc Ngay đã cắt cử xong công việc. Nhiệm vụ của đơn vị là chống càn. Anh Tô Thuận cấp đại đội bậc phó, bấy giờ là học viên khóa 2 mới được anh Trần Quốc Ngay phân công cho giữ quả mìn định hưởng ĐH-10, để cách nhà chỉ huy trung đội ba bốn chục mét.

Khoảng tám giờ sáng, anh Vĩnh học viên khoác B40 về báo. Tốp tuần tra năm người, hy sinh 3, một bị thương nặng, tôi bị thương nhẹ về báo cáo để các anh xử lý: Tốp năm người đi qua một công sự, quả pháo bắn chặn đầu, quay lại chỗ công sự. Hai người chui vào trong, ba người ngấp ngó ở cửa. Quả thứ hai trúng miệng, ba người chết luôn.
Tôi cử người mang ba tử sĩ về và cáng đồng chí bị thương nặng. Cử tốp đào ba huyệt, nhìn thi hài ba tử sĩ đặt trên nền nhà ăn trông mà thảm thương. Nhất là Thịnh học viên mới tựu trường, còn mỗi cái đầu và hai cẳng chân. Cậu cũng người Thái Bình như Thịnh giáo viên. Đầu cắt cua, ít tuổi lắm nhưng da đen mặt đầy trứng cá nên trông khuôn mặt già dặn, khắc khổ. Lính Công trường về học vẫn còn tính trẻ con. Thỉnh thoảng lại khoe với anh em: “Tớ chết, anh nào vớ được túi này, ăn suốt đời”. Vì có cái túi bằng ba ngón tay rút miệng, chẳng biết có gì trong đó, buộc vào dây lưng bỏ trong quần.
Nghe đâu mấy hôm vừa rồi trung đội kiểm điểm Thịnh vì tội không chịu nhận K50, cứ đòi AK. Cậu ta bảo: “K50 tôi không tin tưởng”. Anh em phê phán rằng: “Vũ khí của quân đội cách mạng mà đồng chí không tin tưởng. Như vậy là tư tưởng không kiên định, lập trường không vững vàng”.
Hôm nay anh hy sinh, chứng minh cho tư tưởng và lập trường của anh: một lòng theo Đảng, theo cách mạng đến hơi thở cuối cùng. Dù hình thức, thủ tục chưa được đứng dưới cờ búa liềm giơ nắm tay tuyên thệ.
Cậu Tùng là lính công trường về học, người tỉnh Đông, cũng thấp lùn như tôi, nhưng bé ngang, cân đối, nước da trắng như trứng gà bóc. Là tay thiện xạ. Đại đội bậc phó Tô Thuận lúc này mới được giữ quả mìn ĐH-10, mà Tùng là binh nhất được giữ những AK, thì thấy tay súng của cậu ta như thế nào. Không hiểu sao, đầu năm 1970, trên rút AK và B40 của các đơn vị ở phía sau như chúng tôi. Đơn vị hậu cứ chỉ được trang bị K50 băng tròn, K56 báng gấp, K44. Cả trung đội được một, hai khẩu AK, một B40 và CKC còn toàn K50, K56, K44 mà mỗi người chưa được một khẩu. Tôi là cán bộ trung đội mà được trang bị khẩu CKC hỏng bán tự động. Mỗi khi bắn lại nhả cát tút như mút-cơ-tông ngày xưa vậy.
Tùng rút đi công tác với tôi, để CKC lại cho cháu Tươi làm liên lạc trung đội. Tôi và Tùng đến D bộ cách đó hơn một giờ. Lấy 15 mét ni-lon về làm công tác tử sĩ. Ở nhà có anh Tạo, anh Ngay, anh Nhuận chỉ huy. Tôi tăng cường cho B đó, mới đi viện về, chưa có chức danh, nhưng có chân trong chi ủy Đại đội 5. Đi vài phút trong rừng già, đến trảng trống, đã vội thì chớ lại có mấy cái HU1A cứ phành phạch ở xa. Thập thò một lát rồi bảo Tùng: “Nó có điểm rồi ta cứ đi!”.
Vừa đi được một đoạn ở trảng trống, chúng ập tới. Hai chúng tôi chạy thục mạng chui tọt vào rừng rậm. Chúng lồng lộn, bổ nhào phóng hỏa tiễn “xè oành”. Tôi và Tùng chúi đầu vào gốc cây tránh đạn. Tùng hô: “Chạy!”, một đoạn lại hô: “Nằm xuống!”, chúi đầu vào gốc cây. Một loạt rốc-két nổ. Tôi rút ngay ra quy luật chỉ huy của Tùng: lúc nào nằm, lúc nào chạy. Đó là nghe tiếng trực thăng giảm tức lúc nó chúc đầu xuống bắn, khi đó cần chúi vào gốc cây. Khi nghe tiếng rít lên phành phạch là nó ngóc đầu lên, khi đó an toàn, chạy! Binh nhất, chỉ huy chuẩn úy, thật ly kỳ mà hiệu quả.
Suốt dọc đường độ 10, 15 phút chúng rượt bắn chúng tôi. Rồi chán bỏ đi hay hết đạn. Chúng tôi đi lưng thửng, thở hổn hển, tôi bảo:
- Đù me, hôm nay nó bắn Đủ Xết hay đại liên Mã Lai thì mình chết Tùng nhỉ?
Rồi cắt ngay vào nhà bếp Xưởng 35. Cô Chấn đang nấu cơm ngỡ ngàng hỏi:
- Ủa, anh Hay, sao ảnh hổng đụng biệt kích, nó vừa qua đây.
- Nếu đụng thì làm gì gặp cô ở đây nữa. Nó cắt đầu chúng tôi mang về Sài Gòn lĩnh thưởng lâu rồi.
Cô chỉ cho chúng tôi cắt lối đến D bộ H19 ở gần đó. Lĩnh 15 mét ni-lon xong, theo lối về nhưng có cảnh giác biệt kích hơn, chứ không ào ào như lúc đi nữa.
Số anh em đào huyệt vẫn chưa xong, đụng phải sỏi đầu ruồi, đá ong, có khi còn đá tảng nữa. Thảo nào mà cây không mọc nổi. Thà rằng đào ở trong rừng cây dễ hơn. Việc đó là việc của cán bộ trung đội, nhưng các anh còn bận chỉ huy chống càn, tổ chức canh gác, tổ chức tuần tra đánh biệt kích từ xa…
Mãi đến một giờ chiều mới chôn cất xong ba tử sĩ.
Về nhà chỉ huy, anh Tạo, anh Ngay, anh Nhuần, cháu Tươi vẫn chờ cơm. Bữa đó anh Tạo sai cháu Tươi thịt con gà trống cỡ trên hai cân để cúng ba tử sĩ.
Năm người cơm xong, chỉ có tôi nghiện thuốc lá. Trong túi không có sợi nào, tác chiến gay gắt nên tiếp phẩm hạn hữu mới đi chợ. Tôi dò tìm mấy đầu mẩu, cuốn lại hút cho đỡ nhạt miệng. Tươi bảo:
- Chú để con kiếm cho. Cô bới tìm một lúc được mấy cái. Khi các A trưởng lên trung đội hội ý hút xong vứt nên mới có đầu mẩu thuốc “rê”.
Chiều, anh Tô Thuận trực quả ĐH-10, khi nào địch vào đúng tầm, dí điện cái xong, hoàn thành nhiệm vụ. Coi bộ anh buồn hay sợ mà thỉnh thoảng lại ngoéo tay vời tôi ra chỗ anh, chỉ là để: “Mời giáo sư hút thuốc rê Gò Vấp và nói chuyện”.

                                                    * * *

Hôm sau, anh Tuấn triệu hồi các chính trị viên trung đội về đại đội nhận công tác khác. Từ ấy, bỏ biên chế chính trị viên trung đội. Anh Đinh Văn Nhuần và anh Mại phụ trách các tổ tác chiến của C bộ. Tôi bổ sung cho một bộ phận kho khí tài. Nghỉ cả ngày ở C bộ, mai mới nhận nhiệm vụ mới. Chẳng có chức trách gì, chui xuống hầm làm tì tì một giấc cho khỏe, giờ cơm mới dậy ăn.
Tầm năm giờ chiều, một tổ do chính trị viên phó Hưng phụ trách, tổ viên có Hậu và Quảng là học viên mới về đi tập kích một đại đội biệt kích gần đó.
Hậu là lính của vệ binh Phòng 3. Chuyên đi bảo vệ cho trung tá Oánh phó phòng, người Yên Định, tỉnh Thanh. Có lần cậu đã nằm lên trên chắn mảnh pháo cho thầy, chiến đấu gan lì. Cậu được cử đi học khóa 2 Cơ công, cấp tiểu đội bậc trưởng.
Quảng, người ngã ba Tam Dương, trên thị xã Vĩnh Yên, gần đồn Đạo Tú. Lính Công trường về học, nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Cũng làm A bậc trưởng. Phải nỗi tai nghễnh ngãng, mà cũng may là “điếc không sợ súng”.
Tổ đó tập kết ở hầm tôi ngủ để xuất phát. Chiều ấy gió to, lúc tiếp cận, giẫm vào cành cây gẫy răng rắc mà nó không phát hiện được.
Một tiểu đội tiền tiêu của địch, đào xong công sự, khoác AR-15 chéo lưng, có thằng lau xẻng, có thằng nghêu ngao ca cổ. Anh Hưng làm một loạt AK, những thằng sống sót chui xuống công sự. Quảng rút thủ pháo tống cho một quả, chớp nhoáng diệt gọn A tiền tiêu của địch. Hậu chẳng bắn được phát nào. Thu toàn bộ AR-15. Mình đang thiếu súng. Mỗi người hai ba lô chiến lợi phẩm. Riêng Quảng ba cái, lúc đi hứa với tôi lấy cho một cái.
Dọc đường rút lui, địch phản pháo ghê quá. Quảng bỏ ba lô ở dọc đường. cả ba chui tọt vào hầm tôi. Anh Hưng lại hạch sách Quảng: “Tao bảo mày mang ba lô cho tao bỏ đâu?”
- Em bỏ dọc đường, im pháo đi lấy.
- Đi lấy ngay!
Chúng tôi phản đối, anh Hưng phải hủy lệnh “đi lấy ngay”. Đúng là cái ông Hưng. Anh Bô trung đội trưởng B2 cũng người tỉnh Thanh, cùng ở Sư 1 với anh Hưng lâu, hay nhận xét:
- Như Lã Bố, “hữu dũng vô mưu”, hôm nay tôi mới được mục kích!
Tôi nghĩ bụng: không biết chủ trương của cấp nào, bỏ chức chính trị viên trung đội thế mà hay, nhất là cái lúc tác chiến nóng bỏng này. Trong tác chiến “lắm thầy thối ma” có khi lỡ việc.

                                                    * * *

Tôi và Chất coi cái kho khí tài phụ ở căn cứ cách C bộ khoảng 10 phút. Kho chính ở chỗ anh Hành, Hưng, Hạnh, ba người coi giữ. Bếp ăn sơ tán về các B từ khi bắt đầu chống càn. Tôi và Chất có một khẩu cạc-bin bảo vệ. Đến bữa về bếp C bộ lấy cơm.
Sáng sớm, “lòng kẽm” cứ tù ti dẫn biệt kích. Cứ tù ti, tù ti như ru ngủ. Lúc chín giờ có người mò đến. Chất khoát tay ra hiệu, tôi chui tọt xuống công sự, chuẩn bị sẵn sàng. Chất phòng thủ ở cửa chờ cho đến gần. Quát:
- Ai?
- Tôi, tôi, quân ta đây?
- Giơ tay lên, tiến lại đây!
Chất nói nhỏ: “Quân mình thật, hữu tuyến”. Hai cậu ở D 42 đi sửa đường dây, đến chỗ tôi nghỉ. Một cậu khoác AK, một cậu đeo cái 0743.
Chất thấy có thêm người bảo vệ, liền mang cặp lồng, khoác cạc-bin đi lấy cơm. Tôi bảo:
- Giờ làm gì đã có cơm.
- Cơm hay nấu trước, ta khoét lấy một ít, còn thức ăn tùy cơ ứng biến!
Trong lúc Chất đi, tôi hỏi chuyện hai cậu D 42 luyên thuyên. Mục đích là giữ chân các cậu lại, khi có biệt kích, có súng mà đánh. Có cậu hỏi:
- Anh làm gì?
- Tớ là sĩ quan nấu bếp, tức là cấp đại đội bậc phó, chức nuôi quân.
Tôi nói phét vậy.
- Sao vậy?
- Ồ, làm gì chẳng là đánh Mỹ, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng mà.
Tôi kể toàn chuyện hấp dẫn để các cậu khỏi đi mất. Chừng tiếng sau Chất mới mang cơm ra. Hai cậu cũng tạm biệt chúng tôi về D 42.
Tôi hỏi thêm:
- Các cậu ở tiểu đoàn anh Mười hả? Anh Mười Long ấy mà, “Trà Thanh Long” ấy mà?
Độ tuần lễ sau, anh em học viên đến tải chỗ khí tài nơi tôi phụ trách tập trung vào chỗ anh Hành.

                                                      * * *

Tôi về đại đội nhận nhiệm vụ mới. Về chỗ C bộ, gặp một số anh em ở đồng bằng lên R công tác, trước đây cùng Đoàn 239. Mắc càn không về được, bổ sung tạm về C5 như anh Nguyễn Duy Quý ở 49 Lãn Ông, Hà Nội; anh Nguyễn Duy Riểu ở Hải Dương. Anh Tuấn cho biết là anh Hành, anh Châu phòng rút về. Điều anh Hùng “Chột” thay cho anh Châu làm chính trị viên C5. Anh Tuấn giao tôi nhiệm vụ thay anh Hành. Bộ phận đó trước đây H3 thì bây giờ vẫn gọi H3 được trang bị có một cạc-bin và một CKC hỏng bán tự động.
Hôm sau tôi ra nhận bàn giao, anh Tuấn cũng đi theo kiểm tra kho và có phương án tác chiến cho bộ phận này.
Bốn tấn máy móc, khí tài để dưới nhà âm ở tán rừng có vài cây to. Mắc hai quả mìn định hướng Liên Xô viện trợ to như cái rá cơm, mắc dây điện qua bãi cỏ tranh chừng 200 mét, đến lòng suối cạn chỗ ba người ở, buộc đầu dây vào gốc le, để sẵn khối pin hạ áp của máy K63.
Anh Tuấn dạy luôn phương án tác chiến:
- Tình huống thứ nhất là địch đổ quân tại chỗ điểm hỏa hủy kho, ba cậu chạy ba hướng, qua trảng dầu, lên Lộ 7, tìm bắt liên lạc với nhau. Lưu ý đừng chạy túm tụm nó bắn chết hết. Tình huống thứ hai là gặp biệt kích, đánh trả. Trong kia đơn vị nghe súng nổ cho chi viện. Còn các tình huống khác, các cậu tùy nghi xử trí.
Khu rừng già phía Nam trảng, suốt ngày “đì đẹt” đánh nhau. B52 thỉnh thoảng làm một, hai loạt.
Bên này “đất Thánh”, ngày một thằng coi kho, trực dí điện. Hai thằng đi bắn vẹt ở rừng dầu, mò cá ở vũng nước suối cạn, ở vũng trâu đằm để cải thiện. Tối đến bắn được con cheo, con chúc, con nhím nấu cháo.
Từ đó đi Lộ 7 trong Miên cỡ ba bốn mươi phút. Ria lộ ở đoạn gần chúng tôi có một quả đồi cao, gọi là núi cũng được, nhưng hẹp vảnh vanh, chỉ độ dăm bảy héc-ta là cùng.

                                                     * * *

Tháng 3 - 1970, nghe tin Miên có đảo chính. Lon-non, Xi-rích Matắc lên nắm chính quyền, lật đổ Xi-ha-núc. Phi pháo địch đã đụng sâu trong “đất Thánh”. Hôm ấy hai chiếc Mic 17 bay qua, chúng tôi reo lên: “A, không quân mình xuất kích vào tận đây !”.
Quần đảo mấy vòng. Xong nó chao xuống bắn 20 ly ở thị trấn Mi Mốt. Vài hôm sau mới biết là Míc ở sân bay Pu-chen-tông của Lon-non.
Mấy hôm sau, có một trung đội của C19 đóng cạnh chúng tôi. Mấy lính đi qua, tôi hỏi:
- Ai B trưởng?
- Anh Bình ạ.
- Bình nào?
- Anh Bình quê ở làng Soi Đành, Soi Cốc, Hiệp Hòa, Bắc Giang ạ.
Tôi tự nghĩ: Đúng rồi, Bình liên lạc.
Mới xa nhau hai tháng mà từ binh nhì liên lạc đã lên trung đội trưởng rồi.
Tối Bình đến chỗ tôi chơi, anh em tâm sự.
Chiều hôm sau, đàn trực thăng như ruồi bu tới. Bấy giờ chỉ vào ba giờ chiều. Tôi ngó cổ lên bờ suối quan sát. Hưng và Hạnh núp sau tôi chờ lệnh. Đếm được hai mươi tám chiếc. Nó quần cả chục lần quanh trảng, có lẽ áp dụng phương án một, anh Tuấn vạch ra.
Ai cũng bảo, trăm phần trăm nó đổ quân ở đây. OV 10 bắn hỏa tiễn, rừng cỏ tranh cháy ầm ầm. Hai thằng sau cứ giục: “Điểm hỏa đi anh, điểm hỏa đi anh!”. Tôi xua tay về sau bảo: “Khoan, khoan đã, nó chưa mở cửa”. Bỗng nhanh chóng nó thẳng hướng Tây, cách chỗ tôi đến hai giờ đồng hồ để đổ quân. Mấy loạt 12 ly 8 của ta phục kích, rụng vài cái. Thế là bốc lên nối đuôi nhau bay qua chỗ tôi chuồn thẳng về căn cứ lúc xuất phát.
Tôi vỗ vào đùi đánh đét một cái: Chà, chà, cao cấp giỏi thật, biết nó không đổ quân ở đây nên không phục kích mà phục kích ở đấy. Thế nó mới chết!
Khu trảng tranh trở lại yên tĩnh, chỉ còn tiếng lép bép yếu ớt của cỏ cháy, lạc lõng. Vẹt lại từng đoàn kéo về trảng dầu gọi nhau kêu ken két. Bình đến bảo:
- Tốp anh có đi sơ tán không?
- Đi sao được, cả đống máy móc bỏ cho ai?
- Sợ nó đổ quân tiếp.
- Không lo, hỏa lực của chúng tớ mạnh lắm. Gồm một cạc-bin, một CKC.
Cấp chức thì lên nhanh, tính tình cậu Bình vẫn thật thà trẻ con như hơn sáu mươi ngày trước ở với tôi. Không hiểu ý tôi nói hài hước mà còn phân trần:
- Trung đội em có hai mươi tay súng thì ba B40, ba RPD, còn toàn AK. Mỗi A có sáu người thì một B40, một trung liên, bốn AK.
- Chỉ huy mà cậu không có K54 à?
- Không, AK cho chắc ăn. Nhưng cán bộ đại đội mới có K54, ông nào cũng thủ khẩu AK nữa. K54 cho nó oai, các ông toàn bỏ bồng.
Chỗ ở của B Bình cách chỗ tôi vào hai ba trăm mét, tầm nhá nhem tối các cậu đã cuốn gói đi sạch. Thế mới là cơ động chứ!
Xa xa tầm Bầu Sen, Sóc Thiếc, có thể gần hơn là khu rừng Bảy Dự, cầu Gỗ, kho A1, mấy chiếc trực thăng vũ trang vẫn oanh tạc. Chúng chưa chịu buông tha. Tôi còn nhìn thấy những đường đạn 12 ly 7 loang loáng nối đuôi nhau, xiên từ máy bay xuống. Một lát sau mới nghe thấy tiếng ùn ụt. Giá như mà có đồng hồ căn thì tính được khoảng cách từ đó đến mình, cứ 330 mét một giây là ra ngay khoảng cách tương đối chính xác.
Cả ba lên võng nằm, đu đưa, hút thuốc rê, nói chuyện kiểu nhát gừng, rời rạc như cơm nguội ấy. Bấy giờ chỉ vào tám giờ tối. Tôi bảo:
- Này, Hưng ơi, tụi nó có con gà trống to lắm, không khéo bỏ lại.
Thế là Hưng và Hạnh lấy đèn pin đi luôn. Hưng không lúc nào rời khẩu cạc-bin, trừ lúc đi ngủ. Loắng một cái các cậu xách con gà trống về to thật. Tôi cầm nhấc thử: Ừ, phải trên dưới ba cân. Bắc nước thịt béng. Cứ đốt lửa bừa đi, chẳng phải gìn giữ gì hết. Ngoài trảng lúc chiều OV10 bắn, lửa vẫn còn hồng rực. Mang lên chỗ trống cỏ tranh ngồi ăn cho sáng sủa. Thịt gà chấm muối, tiêu, ớt, chấp, mì chính. Chúng tôi ai mà chẳng có gói muối bột, trộn lẫn hạt tiêu, ớt khô, khi nào ăn mới trộn mì chính, vắt chanh hoặc chấp vào. Quả chấp to, vỏ xù xì, chua hơn chanh, nhưng không thơm và dậy mùi bằng chanh được, thứ chấm như thế cũng tàm tạm.
Ba thằng ngồi rõ lâu mà không ăn hết. Thừa, ai mà chẳng bảo thừa cổ cánh, còng, lưng sống. Nhưng sai, đó là thừa hai cái đùi to như hai cổ tay và những miếng thịt lườn dày trắng có bám lát xương vè sụn bụng, như vỉ ốc nhồi dán vào.
Hai thằng có chút “công thần chủ nghĩa”, vì đi tóm được con gà về, giờ đã tót lên võng nằm, mặc cho tôi mờ mẫm dọn dẹp.
Rút dao găm, tách thịt ở hai đùi ra, véo xương ở những miếng thịt lườn vứt đi, cho muối vào trộn đều, lấy rá đậy để sáng mai rang ăn tiếp. Tiếc rẻ hai cái xương đùi, ngồi nhai những cái đầu gối gau gáu. Hưng bảo:
- Lên võng Bủ ơi!
- Nhưng mình tiếc! Thú thật với các cậu, tấm bé đến giờ, hôm nay mới được bữa thịt gà chán!
- Thôi, đừng nói dóc, “gia phong nghĩ cũng thường thường bậc trung” như Bủ, mà “tam thập tuế” mới được ăn bữa thịt gà chán, thì như chúng tôi bậc “cùng đinh” không được bữa thịt heo ăn chán nhỉ. Lúc nào Bủ cũng thích tạo ra những cái ly kỳ, thực tế chưa đến mức ấy.
Hạnh tiếp lời Hưng:
- Dù sao phải công nhận, chiều nay Bủ chưa cho điểm hỏa là sáng suốt.
- Ừ nhỉ. Bấy giờ tớ có nhớ một lần chỉnh huấn, báo cáo viên có nói “trực thăng chưa mở cửa là chưa có hiện tượng đổ quân”, mặc cho nó quần. Thế là hai cậu giục, tớ vẫn chưa cho điểm hỏa. Mà mắt liến thoắng đảo điên quan sát xem đã có cái nào hé cửa chưa. Vẫn chưa. Nhưng thấy nó quần lâu quá cũng có hoang mang.
Hưng lại đùa:
- Chết nhé, lần nào chỉnh huấn, cũng tự kiểm điểm là “lập trường kiên định, tư tưởng vững vàng trong mọi tình huống. Không hoang mang chao đảo trước khó khăn ác liệt!” Lần này chỉnh huấn mà Bủ không tự kiểm điểm đã “hoang mang chao đảo” thì chết với tôi.
- Tớ hoang mang chứ có chao đảo đâu?
- Ừ thì hoang mang, lần này truất đi cái Chiến sĩ Thi đua là chắc.
Hạnh chen vào:
- Cái xử trí xuất sắc chiều nay, bù vào chỗ hoang mang là hòa.
- Hòa sao được, công thưởng công, tội trị tội. Tôi là cứ cho Bủ cái “tê bình phương”. - Hưng lại đùa.
- Cùng lắm là bị kỷ luật đuổi ra Bắc. - Tôi nói.
- Bủ cùn quá, chưa đến mức ấy.
Cả ba phá lên cười, chuyển “gam” câu chuyện, rồi lần lượt chìm trong giấc ngủ.

                                                  * * *

Mấy hôm sau, khu vực này có vẻ im ắng. Hôm anh Tuấn ra sớm, dắt tôi đi lên đồi cứ gọi là đồi “Không Tên” cho dễ. Thị sát để chuyển kho khí tài. Hưng và Hạnh ở nhà trực “dí điện” và kiếm cái bữa trưa thết đại đội trưởng.
Xem một lượt, dưới chân đồi là bãi cỏ bông rộng. Chủ đã bỏ chẳng đầu tư, cây cằn cỗi, đất khô rang. Ria bãi cỏ cái giếng nước trong xanh. Mùa này mà nước đầy ăm ắp. Bắc ngang qua một tấm ván làm cầu múc nước.
Đi tắt lên trên đồi chừng một hai trăm mét là một lùm cây. Anh Tuấn chỉ: “Chỗ này làm kho khí tài”. Chỗ mình đứng vừa rồi, cao nhất đó là vị trí C bộ. Anh chỉ chỗ nọ, chỗ kia là vị trí B1, B2, B3. Tôi hỏi:
- Cho anh em đào nhà âm để kho khí tài chứ?
- Khoan, khoan, cứ xếp gọn đó đã. Ở đây lâu dài huấn luyện sao được. Khi mưa lấy ni-lon đậy máy.
Xong tôi và anh leo lại lên chỗ C bộ xem. Chỗ cao nhất, bằng phẳng khá rộng, nhiều cây to nhưng thưa thớt, thoáng đãng, nhẵn nhụi. Tôi có cảm giác như chỗ họp chợ của dân Miên.
Đứng đó nhìn sườn phía Bắc, ngay chân đồi là Lộ 7 đi qua. Đi hướng Đông là phum Đa, Mi Mốt, còn hướng Tây đi đâu không rõ.
Nhìn về hướng Nam, chỗ suối cạn ngay dưới chân, chỗ khu rừng “ê ẩm” và Lộ Ủi gần tí ti. Nên tôi gọi đó là đồi thì cao, núi thì thấp, cứ đặt cho nó là cái đồi “Không Tên”.
Khối địa danh Quân giải phóng đặt cho chứ ai đặt. Ví dụ như Ngã ba Công sự, Trảng Pháo, Bầu Sen, Sóc Thiếc, rừng Bảy Dự… Có một trảng Quân giải phóng thịt trâu, vứt cái đầu thối hoắc, đặt luôn cho là trảng “Đầu trâu”. Suối có mấy cô giải phóng tắm “phóng khoáng”, bộ đội nam đi qua nhìn thấy đặt tên luôn cho là suối “Ba cô” hay là suối “Tiên cô”. Những địa danh trên không phải là ít, hầu như các chiến sĩ Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ ở vùng này đều biết.
Tôi và anh ngồi nghỉ, móc thuốc rê ra vấn hút. Bỗng nghe tiếng ù ù như xay lúa ở hướng Đông Nam. Quan sát xem tốp ba chiếc B52 nó đánh ở đâu.
Tôi cứ căng mắt ra mà nhìn xem nó cắt bom như thế nào. Rồi dán mắt nhìn về khu rừng mình ở. Nghe thấy những tiếng bùm bụp ở máy bay. Bom từng loạt rơi. Nhìn thấy những trái bom vẫn còn lơ lửng cao hơn ngọn cây mà đã thấy đất, đá, cành cây tung cao hơn ngọn cây rồi!
Chiếc thứ nhất đánh xong vòng trái xuống dưới, chiếc thứ hai đánh xong cũng vòng trái đi xuống dưới. Chiếc thứ ba đánh xong đi thẳng. Đội hình lúc này cái thứ ba đi đầu, cái thứ nhất đi thứ hai, cái thứ hai đi cuối.
Như vậy lúc này mới quan sát rõ toàn cảnh tốp B52 đánh. Khu rừng mình ở bụi, khói mịt mù. Tôi tự hỏi: Liệu đơn vị mình có “dính” không? Chắc là anh Tuấn cũng nóng ruột. Nhưng lúc này cả hai cùng im lặng là tốt nhất.
Xong chừng 10, 11 giờ, tôi và anh về kho khí tài, biết tin ngay là mình không “dính”. Anh vào kiểm tra kho rồi về ăn cơm. Xong về luôn C bộ. Từ lúc đi đến bãi bông, anh đã cởi quần dài vắt vai. Mặc xà lỏn, áo ba lỗ. Đeo K54 bằng dây lưng Mỹ. Trông anh như Mỹ. Bụng to mới gọi là Tuấn “Phệ”. Khi đi hai cái bẹn sát vào nhau, mặc quần dài dát không chịu nổi.
- Mình mới bị “phì” mấy năm nay, trước có vậy đâu. Nếu vậy ai lấy đi B.
- Anh mặc quần dài vào kẻo đến cửa rừng lính tráng tưởng Mỹ, tông cho một phát thì nguy. Chả có lần suýt chết đó sao!
Hai giờ chiều chúng tôi còn ngủ. Anh Niên chỉ huy anh em học viên tải khí tài. Một tốp độ mười người đủ trang bị. Tôi bảo:
- Anh em để gọn đồ đạc một chỗ dưới lòng suối.
- Cả đơn vị đấy, đi rải rác kẻo máy bay. Anh Niên nói vậy.
Như vậy là tôi phải xếp chỗ cho 3B và C bộ.
Anh Tuấn dẫn tốp C bộ đến chỗ ở mới trên đồi “Không Tên” rồi triển khai bếp nước, tối bộ đội có cơm ăn, tôi và anh Niên lo ở đây.
Anh Út lo chuyển hậu cần. Gạo còn ít, mỗi đồng chí chỉ hai ba chuyến là hết. Đang ở chỗ rừng “ê ẩm” giờ tuy không còn “đất Thánh” nhưng cứ gọi là “chỗ thoải mái” nên khí thế lắm. Mỗi người có ý thức mang vác trọng lượng tối đa để cho ít chuyến.
Tám chín giờ tối hôm ấy mới xong bốn tấn máy móc khí tài và đồ đạc hậu cần. Đơn vị ăn muộn. Anh em đi tắm ở suối phía Bắc đồi, ria Lộ 7. Không ai được tắm ở giếng, dành cho nước ăn. Ai cũng yên chí hôm nay ngủ nghỉ trên “đất Thánh”, từ nay hết cảnh “ê ẩm” ở khu rừng “Văn công”. Biết đâu giờ này Mỹ - Thiệu đang bày mưu tính kế đánh sâu vào “đất Thánh”.
Tầm hơn mười giờ đêm, cô Ba Kỷ học viên nữ duy nhất khóa hai, vẫn biên chế ở bộ phận nuôi quân đứng chờ. Tôi ở nhà kho khí tài lên báo cáo anh Tuấn gặp, thì ra cô đứng chờ cậu Đoàn và cậu Đẳng đưa đi tắm.
Cô Ba Kỷ, chuyên cuốn biến áp, ở phân xưởng cơ điện của C35 cùng Phạm Văn Đạt là anh ruột của Tươi, được cử đi học.
Đoàn và Đẳng xấu hổ không chịu đi. Cô Ba không dám đi một mình, cứ cầm đồ đứng chờ.
Tôi chưa kịp báo cáo anh Tuấn về tình hình kho tàng thì anh đã bảo:
- Thôi, ông cùng các cậu đưa cô Ba đi tắm. Coi nó như em út, ngại gì!
- Đâu em có ngại, với cô Ba ở C35 mãi, lạ gì. Dạo này có hay bị đói không cô Ba?
- Em không bị đói nữa.
Chẳng là dạo ở xưởng, ăn cùng mâm, mới xong một bát cơm. Có anh trêu: “Đã thôi rồi hả cô Ba?”. Thế là cô xách bát ra sàn giếng rửa, về thẳng. Sau anh em không dám đùa, họa có đùa thì để cô ăn hai bát đã. Anh Tuấn bảo:
- Ưu tiên cho nó tắm giếng. Mang theo thùng xách nước vào bãi bông rải mà tắm.
- Có nhờ cọ lưng cho không cô Ba?
- Em hổng dám nhờ thầy.
Hai thằng xách AR-15, tôi đi không, cô xách túi quần áo. Đi một đoạn, thằng Đẳng lanh lợi hơn bảo: con mắc đi cầu, chú cầm hộ khẩu súng. Cậu tạt vào bãi bông, giả vờ ngồi một lúc rồi lủi mất. Xong về thằng Đoàn càu nhàu với thằng Đẳng mãi mới ngủ.

                                                 * * *

Còn nhớ cách đây mấy tháng, vào cỡ tháng 8 năm 1969 hồi còn ở Suối Mây, tôi bị sốt rét nằm ở K30B. Bấy giờ trạm xá chuyển sang ở cạnh rẫy C35 bên đất Miên. Một hôm cỡ một giờ ba mươi phút chiều, B52 đánh, gần lắm. Chúng tôi chui xuống hầm. Lên chờ mười lăm phút nữa đợt hai, một đồng chí cùng lán người Hạ Hòa, Phú Thọ, tuổi đã cao, chắc là lính dạng “ba cử”. Chờ loạt hai có mười lăm phút mà còn xấp nước chải lại cái đầu cho mượt. Loạt hai chết toi bây giờ còn chải đầu. Anh bảo: “Chết cũng phải đàng hoàng, chững chạc”. Từ ấy chúng tôi phong anh là “chính ủy”, hàm chiến sĩ. Anh tên là Thưởng. Bác Thưởng có cái phong thái ung dung tự tại khác người. Sau mới biết bác ở tiểu đoàn bộ H19. Chuyên gò chậu và dụng cụ hậu cần bằng thùng bom bi. Bác gò khéo lắm. Cứ đưa cái để làm mẫu thì gò y sì, đưa bản vẽ thì chịu, chịu đứt, diễn giải thế nào bác cũng không làm được. Bác là cấp ủy ở địa phương nhập ngũ, có bệnh đau dạ dày, vào chiến trường một thời gian, hết bệnh.
Tối đó được tin, bộ phận an dưỡng của Công trường 9 bị “dính”.
Lại một hôm chiếc HU1A đi buổi trưa, đơn độc, cứ phành phạch hết xa lại gần, chẳng xoáy ở đâu, mà cũng chẳng “cảo đùng” ở đâu. Tự nhiên một loạt súng máy chứ không phải 12 ly 8 của đơn vị nào bắn, chiếc HU1A rít lên rồi im bặt. Một lát sau, những bệnh nhân đã khỏe được huy động đi “ngụy trang cái trực thăng”. Chỉ cách K30B vài trăm mét, nằm chềnh ềnh trên bãi trống. Chúng tôi chặt cây phủ lên, vơ cỏ tranh phủ lên, khiêng cây khô gác lên. Cốt làm méo mó hình chiếc HU1A đi mà thôi. Bảy thằng Mỹ chết. Vừa xong một tý thì nào là OV10, nào là L19, nào là T28, nào là Ga-rô, nào là HU1A, đến quanh quẩn sục tìm. Tìm đi, tìm lại, hết tốp này đến tốp khác. Mãi đến chiều xa mới thôi. Mồ hôi, bụi bẩn, ngứa ngáy mà không đi tắm được. Thấy hai con “dí”, “thá” thả ăn cỏ. Tôi nhận ra là trâu của rẫy C35 chứ không phải của dân Miên. Tắm vẫn phải cảnh giới có người coi giữ quanh đây. Vẫn mặc đồ lót không dám “xả láng”.
Tạt vào rẫy C35 gặp toàn người quen như anh Ba Tài, chị Thu Hường, chị Hồng “Điếc”… luộc ngô nếp cho ăn xong mới về.
Tối đó được tin là cái trực thăng bị bắn rơi của sĩ quan tham mưu, đi thị sát vùng biên giới. Đi công tác gấp nên thằng chết còn quả bóng bàn trong túi quần. Chắc là đang vui chơi ở câu lạc bộ sĩ quan, có lệnh là lên HU1A đi ngay. Rồi vĩnh viễn đi luôn không quay lại Sài Gòn và Hoa Kỳ nữa.
Mất liên lạc với trung tâm, không nhận được tọa độ cụ thể nên bọn chúng chỉ phỏng tìm “chiến hữu” vu vơ…

                                                   * * *

Ở đồi “Không Tên” một tuần, ăn ở cứ như tản cư ấy. Được cái thoải mái là không phải chống càn. Không phải canh gác tuần tra, không phi pháo B52. Lúc này chắc khu rừng “Văn công” địch làm chủ kiểm soát. Không còn đơn vị “Việt Cộng” nào nữa ở đấy.
Suốt ngày các bộ phận ngồi chơi xơi nước nhìn dân Miên đi lại tấp nập trên Lộ 7, xe đạp, xe máy, ô tô, đi bộ…
“Đất sinh” này chỉ đi bộ ba, bốn mươi phút là về chỗ cũ ở “đất tử”. Bao ngày anh em chịu đựng ê ẩm. Cả đại đội hy sinh năm đồng chí toàn ở B1 anh Tạo. Còn B2 anh Bô, B3 anh Giấy cũng đánh nhau chí mạng nhưng không thương vong.
Đến đây vẫn ăn theo bốn bếp. Hôm tôi được phân công nấu bếp với cô Ba và Chất. Ăn món ruốc bông. Tôi cho ruốc vào chảo, đổ mỡ vào đun sao. Mỡ ngấm đi đằng nào hết, cứ khô rang, khét lẹt. Đành phải đổ mẻ đó đi. Cô Ba cười tủm và nói:
- Anh Hai, chỉ giỏi làm thầy, chứ làm thợ thì kém!
Thế là cô cọ sạch chảo đi, để trên bếp lò khô, cho mỡ vào thắng già. Tức là mỡ hết tiếng sôi long bong. Bấy giờ mới cho ruốc vào, nêm mắm, dùng muỗng xào đảo liên tục, nêm thêm ít mắm cho đằm đặm là được. Tốn ít mỡ mà ngon.
Lúc đầu phát ruốc bông, ăn chưa quen. Anh em coi thường. Sau biết cách ăn là quý nó lắm. Bỏ đi một mẻ khoảng nửa kí ruốc là tiếc chảy máu mắt ra ấy chứ!
Trong thời gian ở đó, một số lính trẻ Công trường về học, hiếu động, đi linh tinh. Có cậu đi phum Đa, Mi Mốt và các phum, sóc gần đó chơi, kiếm cái ăn chuối, dứa…
Một tuần trôi qua, tôi và hai học viên là Chỉnh và Việt được điều về chỗ ở mới sâu trong đất Miên. Cách đồi “Không Tên” một buổi đi bộ cật sức, tức là cỡ 5, 6 giờ đồng hồ. Đến nơi tôi nhận ra ngay, đây không phải là chỗ ở mới mà là trạm tạm thời, chứ ở đây huấn luyện sao được.
Ở cái nhà ba gian lợp tôn xinh xinh ria đồi thấp. Trước mặt là con suối nước chảy vòng quanh, thật chứ không phải bắt chước câu trong bài hát để nói cho nó hay. Cách vài chục mét là một bãi mía, phải đến cả mẫu tây. Cách đầu nhà bên trái là một bãi chuối lá bạt ngàn, phải nói là rừng chuối mới đúng, độ chừng trăm mét. Đi vào phải đánh dấu để biết lối ra không có thì đi lạc.
Cái nhà đó là xưởng chế biến sắn của người Miên, Hoa hay Việt không rõ. Họ bỏ đi từ dạo đảo chính Xi-ha-núc. Còn một cái máy nghiền sắn hỏng. Và những đống phế liệu như vỏ sắn, xơ sắn to tướng như đống rơm rạ. Cách 15, 20 mét đã ngửi thấy mùi thối hoắc. Chúng tôi dùng nhà đó để đồ hậu cần và máy móc khí tài. Chật thì để ở sân, ở vườn.
Anh em tải hàng ban ngày, đi lẫn với dân. Ba người ở coi kho, nấu cơm cho anh em tải hàng ăn. Mỗi ngày tải một chuyến hàng. Tức là sáng sớm hôm ở đồi “Không Tên” đi, đến giao hàng, ăn cơm chỗ tôi, xong lại về đồi “Không Tên” mai đi chuyến khác.
Thực phẩm đủ, rau đủ ăn thoải mái không phải mua, ăn khá hơn ở đồi “Không Tên” cho nên anh em thích ăn ở đây. Vài mâm ăn ở sân, cứ cởi trần xà lỏn ngồi ăn, xong nhảy ùm xuống suối tắm.
Tải xong khí tài, đồ hậu cần. Anh em từ đồi “Không Tên” hành quân một mạch đến Làng 3, Làng 5 thuộc Sở cao su sâu trong đất Miên lắm. Đi mất hai ngày, nhưng vẫn thuộc đất Công Pông Chàm. Đến chốt ở một địa danh, trên đồ bản quân sự là Đồi 181.
Vài ngày sau, một chuyến ô tô hai chiếc đến bốc hết số khí tài chuyển về Đồi 181. Ba chúng tôi ở lại chỉ coi những thứ lặt vặt của hậu cần. Đáng giá là già nửa tấn gạo. Ba chúng tôi ở đó đến hai tuần. Trước đây là hậu cứ, giờ lại là tiền tiêu của C5, H19. Anh em về Đồi 181, căn cứ ổn định, lo xây cất, xúc tiến để đi vào huấn luyện. Bộ phận tôi ở đó sốt cả ruột. Các anh cứ chúi mũi vào công việc ở đó, lãng quên chúng tôi. Cho là ba thằng ở đó coi kho, lúc nào về chẳng được.
Ở đó ê ẩm lắm. Thỉnh thoảng trực thăng lại phành phạch. Có hôm nó quần, ba chúng tôi ngồi im trong nhà, tưởng chừng đậu ngay trước sân bốc chúng tôi về Sài Gòn. Hôm sau ăn cơm sáng xong là dắt nhau vào rừng chuối. Có chuyện gì luồn lách trong đó khó mà bắt được. Chiều xa mới về nhà ở. Tối đến không ra đồi ngồi hóng gió mát, ngắm trăng thanh như trước nữa. Mà ở đó dân sóc chạy đến, nằm vạ vật, trẻ con khóc ỉ eo, trâu lóc cóc khua mõ.
Sáng sau lại rút về sóc, thời gian ở đó chơi quen với cậu thanh niên Miên. Hàng ngày cậu đi làm rẫy, mang cho mũ chuối ương luộc. Ăn dẻo dẻo, ngọt ngọt cũng hay. Hôm lấy lá ớt non nấu ăn. Lẽ ra đem nấu canh hoặc luộc. Đằng này vò ra đem xào. Ăn nhiều quá say. Người cứ nôn nao, buồn nôn mà không nôn ra được. Chỉnh và Việt ra chặt mấy cây mía ăn giải độc. Hôm sau thấy mất mía, mặt cậu ta sầm sầm chẳng nói chẳng rằng. Thanh minh thế nào cậu ta cũng không nghe, cắt đứt quan hệ với chúng tôi.
Đi lang thang chơi, trước mặt cách hai ba trăm mét về phía bên phải có một lùm cây nhỏ. Tới nơi, hóa ra một nhà Miên làm rẫy. Tôi đến chơi, thấy một bác nông dân ngoài 40 tuổi, cô gái cỡ 25, 27 tuổi. Suy nghĩ mối quan hệ của họ. Tìm hiểu xong mới biết là anh em. Bác cày một cặp trâu, cày vòng tròn từ ngoài vào trong. Thông thường người ta cày từ trong ra ngoài. Không đâm bắp, không vắt, diệt như mình mà là “dí”, “thá”.
Tôi thay bác cày một lúc lâu, chừng cỡ được hai sào Bắc bộ. Bác đứng ngắm nghía vẻ hài lòng nói: “Người cách mạng việc gì cũng làm được. Nó đánh Mỹ cũng giỏi, làm rẫy cũng giỏi!”
Bác kể với chúng tôi: Chín năm chống Pháp tôi là bộ đội Tây Bắc (tôi hiểu là Tây Bắc Campuchia tức là vùng Bát Tam Bang). Cũng kỷ niệm 19 tháng 8. Tôi biết về Bác Hồ, biết về Võ Nguyên Giáp, biết về Phạm Văn Đồng đi hội nghị Giơ-ne-vơ. Tôi là đảng viên, là bí thư chi bộ của phum Đa.
Hai anh em họ ăn cơm trưa, tôi vẫn chưa về. Có ý xem họ ăn uống, sinh hoạt như thế nào. Cô em bắc xoong cơm ra, mỗi anh em xới một đĩa Giang Tây to. Khoắng một cục mắm “mồ hóc” bằng đầu ngón tay cái để ở ria đĩa cơm. Rồi xắn một ít cái hoa chuối luộc nhừ bỏ vào đĩa. Tản ra mỗi người một gốc cây bóng mát ngồi ăn. Ăn bằng cùi dìa, không ăn bằng đũa như ta. Véo một tý hoa chuối, chấm vào mắm “mồ hóc” ăn với cơm, ăn hết lại đến xới đĩa khác.
Chiều một hôm pháo địch bắn vào phum Đa. Đồng chí bí thư chi bộ từ rẫy về sóc nắm tình hình. Khi đi, bác trang bị hai quả lựu đạn, còn con dao găm tự tạo, dắt vào thắt lưng da.
Tối về bác kể cho chúng tôi nghe rằng: Chết một cụ già, hai con trâu và bị thương vài người.

                                                 * * *

Một hôm, anh Tuấn đi nhờ xe tải từ Đồi 181 đến chỗ chúng tôi kiểm tra. May quá hôm nay cho đại đội trưởng mục kích: Mấy lượt trực thăng quần, đi sát ngọn cây. Thấy tình hình gay go, anh quay về cho hoãn xây cất, cử hai mươi lăm đồng chí xuống bốc toàn bộ người và hàng về. Sau này tôi mới biết, trong chỉ huy không nhất trí quan điểm. Một số đồng chí cho là ba người ở đấy coi kho như nghỉ ngơi có gì mà vội. Còn để anh em xúc tiến xây cất rồi đi vào huấn luyện. Tựu trường mà nửa năm nay chỉ chống càn, di chuyển, chưa học được chữ nào.
Anh Tuấn bảo: “Ở đó một ngày tôi biết. Mình không bốc chúng nó về đây thì địch bốc về Sài Gòn mất!”
Thảo nào mà trong các đồng chí đi tải hàng vừa đến nơi đã nói với tôi: “Tưởng là trực thăng bốc các anh về Sài Gòn rồi chứ!”
Ba giờ chiều bộ phận đó đến, do đồng chí Vĩnh phụ trách. Nguyên là vệ binh Phòng 3, chuyên đi bảo vệ đại tá trưởng phòng Lê Văn Sai (Lê Thành Nam, Tám Nam, Tám Sai). Bác Tám Nam ra Bắc công tác, rồi quay vào làm Bộ trưởng Xây dựng kinh tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Còn anh Vĩnh được cử đi học. Anh em ở Phòng 3 về học có kể là: Sau khi bác Tám Nam ra Bắc vào, có kể câu chuyện như sau: “Ăn phở xong, mình đi dạo phố phường Hà Nội. Từ mậu dịch ăn uống có ông già đầu tóc bạc theo sau. Đến chỗ vắng ông hỏi: Xin lỗi khí không phải. Thầy có phải là Tám Sai không ạ? Mình ngỡ ngàng. Cách đây ba mươi năm rồi người ta vẫn nhớ…”
Anh Vĩnh là học viên mới. Lần đầu gặp anh là tốp 5 người tuần tra, anh bị thương nhẹ, khoác B40 về nằm hầm tôi. Anh bảo: “Khi nào địch vào thì anh bắn”. Chưa bắn B40 bao giờ, anh sơ bộ hướng dẫn, tôi dương lên ngắm thử. Anh hốt hoảng: “Chết, chết, anh ngắm bên kia chứ ngắm mắt trái, cái lỗ trích hơi nó phả vào mặt cháy mặt”.
- Mắt phải không nhìn thấy gì.
- Thế thì khi địch vào, gọi em dậy, em bắn cho.
Đi 500 mét là tới đường nhựa, nhánh của Lộ 7. Anh em thì nặng. Ba chúng tôi chỉ trang bị cá nhân, riêng Chỉnh được giữ AK.
Anh Vĩnh ra lệnh: “Ta đi, mệt đâu cắm trại nghỉ đó. Rừng cao su, nhà dân thiếu gì chỗ ở”.
Độ khoảng chín giờ tối gặp chiếc xe tải đi cùng chiều về Làng 3, Làng 5. Họ cho lên, trên xe cũng có vài người đi nhờ. Chỉ độ 11 giờ đêm là chúng tôi đến cửa rừng vào Đồi 181. Xuống xe ngay chỗ gốc chòi cao su. Gia đình coi cao su thuê, họ ở chót vót trên cao. Ăn ở tại đó. Chúng tôi và khách đi cùng để gọn đồ đạc dưới gầm chòi ngủ. Kế hoạch của anh Vĩnh là nghỉ ở đây, sáng ra về đơn vị. Giờ tối thế này, đi trong rừng cây xen lẫn tre, biết lối nào mà đi. Đây về đơn vị cả tiếng đồng hồ chứ ít gì. Bồng gạo của ai nấy gối đầu.
Cậu Chỉnh người Nam Hà, chiến đấu gan lì. À mà từ đầu đến giờ nói đến đồng chí nào cũng “chiến đấu gan lì” liệu thế có khách quan không? Hay tô vẽ. Nhưng, không phải, đó là sự thật! Vì là các đồng chí ở đơn vị cử đi học là những đồng chí có thành tích xuất sắc. Mà thành tích ở chiến trường xếp số 1 là chiến đấu, là dũng cảm, là gan dạ. Còn cái khác có thể châm chước ít nhiều. Vả lại, học kỹ thuật vô tuyến điện là quan trọng. Nên phải chọn lọc kỹ.
Nói tiếp về Chỉnh: Anh em thường gọi là “Trần Quốc Chỉnh”. Trước đây đời nhà Trần, Trần Quốc Toản còn nhỏ, không được đi đánh giặc tức quá bóp nát quả cam lúc nào không biết. Chỉnh ăn khỏe, hay tìm cái ăn. Anh em gọi đùa là: Trần Quốc Chỉnh bóp nát và ăn hết quả chuối lúc nào không biết.
Chỉnh đặt bồng xuống cái là tìm cái ăn, nhặt số hạt mít không biết tốp nào đi trước bỏ, cho vào xoong đun. Máy bay T28 trinh sát bay qua. Anh Vĩnh luôn giục, tắt lửa đi. Mà lệnh của Vĩnh thì Chỉnh coi thường, vì cùng là vệ binh với nhau. Chỉnh chuyên bảo vệ thượng tá chính ủy Nguyễn Xuân Thăng. Đợt ấy, số vệ binh cho thủ trưởng được đi học hết, như Hậu, Vĩnh, Chỉnh, Lương. Vệ sĩ Hậu đi với trung tá phó phòng Hà Ngọc Oanh, Vĩnh đi với đại tá trưởng phòng Lê Thành Nam. Chỉnh đi với thượng tá chính ủy Nguyễn Xuân Thăng. Lương đi với trung tá phó phòng Nguyễn Xuân Đào. Trước Nguyễn Văn Chọn đi với bác Xuân Đào. Lương đi với trung tá phó phòng Nguyên Duy Nhượng. Bác Nhượng đi tiền phương, Chọn đi học Cơ công khóa 1 thì Lương thay Chọn, đi với bác Xuân Đào.
Số vệ sĩ này, toàn lính lâu năm, chiến đấu giỏi, cấp hàm đều là tiểu đội bậc trưởng có thâm niên mà không lên được trung đội bậc phó. Nếu lên trung đội bậc phó, phụ cấp 40 Rịa một tháng ắt là chuẩn úy.
Tôi bảo:
- Chỉnh ơi, không khéo chết ráo vì mấy cái hạt mít của cậu đấy!
- Em xong rồi.
Đang ăn, loạt B52 đánh nghe gần lắm. Nhưng anh em bảo: “Còn xa, cứ yên chí mà ăn!”.
Tôi như chim chích vào rừng, chẳng biết hướng nào là hướng nào. Gối đầu lên bồng đồ của mình nằm ngủ chập chờn. Lát sau thấp thỏm không ngủ được hỏi: “Mấy giờ rồi?” Vĩnh và Hậu đều trả lời gần một giờ rồi.
Nằm thiu thiu ngủ lại loạt ba chiếc nữa.
Tôi nghĩ, mặc xác nó, bom đâu mà mày đánh cả rừng cao su non này.
Tầm ba bốn giờ có loạt nghe rất gần, có loạt nghe xa hơn. Mò đến chỗ Hậu hỏi. Hậu bảo: Nó đánh chỗ mình đấy!
- Tức là chỗ sáng nay vào ấy à?
- Đúng rồi!
- Lúc đầu cậu bảo còn xa, yên chí?
- Người ở đây tạp nham, phải giữ bí mật!
Lại nằm không ngủ được. Nhẩm tính, đêm nay là mùng 10 rạng ngày 11 tháng 5 năm 1970.

                                                                                      ( Còn nữa )

                                                 Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét