21/8/17

Tự truyện " Nẻo đường " Kỳ 7


Công tác ở Xưởng Thông tin C35

Giám đốc xưởng là bác Hai Nam, 57 tuổi, hơn thầy tôi ở nhà hai tuổi. Đi bộ đội 1945, cấp hàm thượng úy phiên ra là tiểu đoàn bậc phó. Con trai bác bấy giờ 36 tuổi kỹ sư, hàm cũng thượng úy, chẳng nhớ rõ là ở nhà máy thông tin nào ngoài Bắc.
Bác Nguyễn Trí Dũng, quê Hải Phòng. Bác nhập ngũ dịp Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày 5 - 8 - 1964. Bác là thợ cơ điện bậc 6, điều vào quân đội, phong ngay cấp thượng úy. Vào chiến trường phiên ra cấp tiểu đoàn bậc phó. Làm phó giám đốc xưởng, trực tiếp quản đốc phân xưởng cơ điện.
Bác Tứ Quý cấp hàm tiểu đoàn bậc phó làm phó giám đốc phụ trách hậu cần, là bộ đội miền Nam tập kết, quê Biên Hòa.
Anh Trần Bành làm quyền trưởng Ban vô tuyến điện là ban cốt lõi của xưởng. Ban này đông người nhất, có mấy tiểu đội.
Ban kĩ thuật, quân số không đến một A, trực thuộc ban giám đốc xưởng, gồm kĩ sư Trung, kĩ sư Hà, kĩ sư Khuê, kĩ sư Tùng và một số anh em lớp trung cấp như anh Ích, anh Phi và cậu Quang sơ cấp.
Bộ phận làm rẫy, ở bên đất Miên, như một đội sản xuất của hợp tác xã đầy đủ nông cụ, trâu bò…
Chúng tôi ở Ban vô tuyến điện do anh Bành phụ trách. Thực hiện làm khoán: sáng lắp ráp một máy AB67 hoặc SG68, chiều lắp một tăng âm 3 tờ-răng-xi-to. Xong sớm nghỉ sớm, xong muộn nghỉ muộn. Thông thường buổi chiều là tôi mất giờ tắm. Anh em làm xong, dán tên vào máy rồi “tếch”, mình vẫn loay hoay trên nhà xưởng. Một là làm chậm chạp, tay nghề kém. Hai là vẫn mang tính nhường nhịn, nề nếp “xếp hàng có thứ tự”. Khiến cho mỏ hàn của mình, anh em cứ sài bừa đi. Lúc sờ đến, nguội ngắt lại phải nướng thêm cho đủ độ nóng. “Nghe” mỏ hàn, rát rát tai, rát rát má mới được.
Ban Vô tuyến điện của tôi, có một tổ đóng bên đất Miên, chuyên làm nhiệm vụ “ra máy”.
Những máy lắp ráp xong cất vào kho. Thỉnh thoảng lại vài xe đạp của Ban hậu cần thồ lên đất Miên cho bộ phận “ra máy”, tiếng Tây gọi tắt là OTK.
Chỉnh cho đúng cộng hưởng, kẻ mặt độ số…Mỗi “công nhân viên quốc phòng” như chúng tôi, lắp máy phải đề tên, tránh tình trạng lắp ẩu, sai sơ đồ nguyên lý. Anh nào mắc phải là kiểm điểm kỷ luật. Cho nên anh nào cũng phải cẩn thận.
Tôi không thích ở bộ phận lắp ráp. Chỉ thích ở bộ phận OTK hay trung tu máy 15W. Còn ban kĩ thuật chỗ anh Ích chẳng dám mơ rồi!
Một hôm xưởng lấy đi công tác mười bốn ngày. Tôi thích quá! Anh Bành bảo: “Kỳ này anh đi Lộ 14 lĩnh quân trang bổ sung. Đường đi khó khăn lắm, giữ gìn an toàn. Tôi tặng anh cái đèn pin đi đường, lấy danh nghĩa là bạn đồng niên, đồng tuế chứ không phải quyền trưởng Ban Vô tuyến điện tặng cấp dưới”. Tôi trả lời: “Vâng, xin anh”.
Sáng hôm sau Phòng 3 tập trung ở Ban Hậu cần. Đoàn có bốn người ở các nơi tụ tập lên. Anh Hoàng người miền Nam, ở Ban Hậu cần phụ trách. Anh cũng cấp tiểu đội bậc trưởng như tôi. Nhưng kinh qua chiến đấu nhiều trận, nhiều kinh nghiệm chỉ huy. Mỗi người đúc bảy ki-lô-gam gạo vào ruột tượng, xong ngồi chờ. Thế nào gặp anh Tám Hòa, thủ trưởng cũ, giờ về công tác ở ban khí tài. Anh bảo:
- Về trên này với tao, ở xưởng khổ thấy mồ!
- Tùy trên bố trí phân công, em ở đâu cũng được.
- Thế đi đâu?
- Em đi Lộ 14 lĩnh quân trang bổ sung.
Nhìn mặt anh, tỏ vẻ ngại ngần, tôi đoán là đường đi khó.
Tám giờ sáng chúng tôi xuất phát. Qua cổng Xưởng 35 rồi đi về phía Nam Trảng Chiên. Tầm 10 giờ, anh Hoàng hỏi mấy đồng chí dưới đồng bằng đi lên công tác:
- Dưới ấy có nhiều gạo không?
- Rải rác ở dọc đường ấy!
Thế là anh hạ lệnh, đổ gạo vào gốc cây phủ rác lên cho… đỡ lãng phí, đi không cho nhẹ.
Ba người đi không, anh Hoàng phụ trách nên được đeo AK, bao-xe đạn, hai xoong nhỏ và thực phẩm khô và tiền ăn của bốn người.
Đi tiếp đến 11 rưỡi, chỗ đó có cây nhỏ lơ thơ và công sự. Anh hạ lệnh nghỉ ăn cơm vắt. Có người đã lấy cơm ra, có người chưa lấy. Bỗng có cái “hai thân nhỏ”, VO 10 hay là OV 10 lâu ngày chẳng nhớ chính xác, bay tới rồi vòng lại đi luôn. Anh Hoàng ra lệnh: “Chạy!”.
Chạy khoảng trăm mét, nó quay lại chúi đầu xuống “xè đùng” bắn điểm liền. Thế là đã ù ù hai phản lực cánh bằng tới quần. F chúc đầu xuống trút bom loạt đầu xong. Anh hạ lệnh “Có điểm rồi, đi bình thường!”.
Đi bãi trống lốc, chất độc cây trụi hết lá. Chúng tôi cứ đủng đỉnh đi. Chán, F cũng bỏ đi nốt, đường đi lại thanh bình.
Trong vòng chỉ 15, 20 phút mà diễn ra bao nhiêu sự kiện. Chút thời gian như vậy ở đơn vị chưa uống xong ấm trà.
Khoảng 12 giờ trưa hoặc 12 rưỡi, đi đến chỗ có suối. Trên bờ chất nhiều gạo, vài đồng chí coi giữ, anh Hoàng bảo:
- Này, đồng chí cho mấy lít gạo ăn bậy chơi.
- Muốn lấy bao nhiêu thì lấy!
Anh Hoàng thăm dò các bao gạo mãi sốt cả ruột, cuối cùng dùng dao găm rạch một bao lấy gạo đủ bốn người ăn.
Cắm trại, nấu cơm. Cơm nắm mang đi người mất, người còn, mà ai muốn nuốt cơm nắm lúc này nữa.
Bộ phận coi gạo ở đây họ cho thịt heo, cá khô. Nghỉ uống trà đến 1 rưỡi chiều đi tiếp. Tối đến cắm trại nghỉ, nấu ăn. Đi tiếp đến trưa hôm sau, nghỉ xin gạo nấu cơm ăn. Gặp một đồng chí tướng mạo bệ vệ, chắc hẳn là ông to. Đi theo mấy đồng chí khoác AK, B40. Đồng chí hỏi chuyện. Chúng tôi trình bày. Đồng chí bảo: “Không đi được đâu! Lộ 14 mắc càn, quay về dịp khác lĩnh”.
Đồng chí Hoàng cho nghỉ ăn trưa đến 2 giờ chiều quay lại, về chỗ tối vừa rồi ngủ. Sáng sau đi tiếp, về đến tận đơn vị. Qua chỗ đánh bom, tưởng là nó đánh vu vơ, dè đâu đánh trúng kho gạo, cách chỗ nghỉ định ăn cơm nắm có vài chục mét. Một số cây vẫn cháy, gạo cháy vẫn còn mùi khét lẹt. Chỗ công sự tanh bành, trọc lốc. Nghĩ bụng: giá mình chỉ huy thì chết hết! Chỉ chậm một, hai phút là không thoát khỏi phạm vi địch oanh tạc. Cứ nằm ở đấy mà chịu cả chục phút. Không chết thì cũng ê ẩm, hết hồn, mà thương vong là cái chắc!

                                                      * * *

Nghỉ ngơi một hai hôm lại bắt tay vào lắp máy. Cái việc “công thức” này, lặp đi lặp lại chán bỏ xừ ra.
Dạo này địch lại đổ một đại đội biệt kích xuống Đông Nam Trảng Chiên. Du kích Kà Tum, lại bám địch chặn đánh. Chúng chốt ở đó dai dẳng, ăn ở bí mật, bung ra theo dõi, dò xét căn cứ của ta, gọi phi pháo oanh tạc. Chúng đi chẳng có quy luật gì cả: sớm, trưa, chiều, tối, đêm…
Hôm đi tải gạo ở kho Cầu Gỗ, tức là kho A1. Kho rộng bạt ngàn, ở đất Miên. Trên mở cửa khẩu thu mua gạo của dân. Dân thồ gạo, xe trâu, xe bò ùn ùn kéo đến bán cho Quân giải phóng. Một số cũng ma lanh, bỏ đá lẫn vào gạo mang bán. Một hôm nhà kho tổ chức kiểm tra. Đến xe thồ của một thanh niên, thế là anh ta bỏ cả xe lẫn gạo phá ra chạy. Cứ bãi gai mắc cỡ mà chạy tắt ngang. Thấy trong bao gạo của anh ta có cục đá to phải đến hai yến. Dân Miên ở đó bảo: Loại đó có mang mà chém!
Đoàn tải gạo của xưởng hôm ấy đến hai chục người. Lúc ra về, chậm chạp đi sau cùng. Lúc rẽ đường vào xưởng, anh em còn nhìn thấy tôi. Tạt vào rừng vài chục mét cho kín đáo, ngồi giải lao chờ Bủ. Lâu quá không thấy đến chỗ rẽ. Gần Trảng Chiên tôi biết là lạc cho nên không đi nữa, cứ đi đi lại lại nhòm tìm lối rẽ. Đang ngẩn ngơ tìm thì Quốc Minh gọi giật giã:
- Bủ Hay, Bủ Hay. Biết ngay là Bủ lạc rồi mà! Thôi xin Bủ bỏ cái “lý sự’ ấy đi. Xuýt nữa thì biệt kích nó mang về Sài Gòn. Chỉ đoạn nữa là ổ biệt kích ngụy đấy!
Chẳng là cứ “lý sự” vui với anh em: thời kì tớ còn học trò, ghét nhất là ngoại ngữ, làm quái gì cái nghề “thông ngôn” ấy. Cứ học giỏi đi, làm đến bộ trưởng đi, khối phiên dịch. Bộ trưởng không làm được, phiên dịch không có, năm năm học Trung văn, hai năm học Nga văn. Trình độ ngoại ngữ bằng Zê zô!
Đi bộ đội, xác định từ đầu là không cần nhớ đường. Cái tiểu sự ấy bận tâm làm gì. Cứ làm cấp to đi. Khối cậu tranh nhau làm liên lạc. Cấp to không làm được, à mà cấp to “không được” làm, liên lạc không có, hôm nay suýt nữa “húc đầu” vào ổ biệt kích. Nó đưa về Sài Gòn còn khá chứ nó chỉ cần cái mũi mí hai cái tai mang về cho nhẹ để lĩnh thưởng.
Từ hôm đi tải gạo bị lạc, cứ đi đâu anh đều kèm, đôi khi cũng thấy gò bó. Nào: Nhanh lên Bủ, rảo bước lên Bủ, là cà thế Bủ…
Họ dùng đủ các từ để trì trích mình: Bủ Hay thì đã rồi, họ còn Xẩm Hay, Hay hấp điếc, Hay hâm, Hay lập dị…
Tôi không tự ái mà thấy khoái, trong cái trì trích ấy vẫn đượm vẻ thân mật trìu mến, đùa vui.
Lại được cái thằng cha Thịnh, hôm đứng giữa nhà ăn, cầm cái xẻng Mỹ, gõ vào cái ca Mỹ (cái cùi dìa Mỹ nó to, anh em cứ gọi nó là xẻng). Tất cả chú ý đây: Hôm nay tôi đi tải rau, gặp một cậu chẳng biết ở đơn vị nào hỏi có vẻ sốt sắng rằng:
- Ở thông tin, có biết cha Hay không?
- Có. Ở cùng. Đại ca của chúng tớ đấy!
- Đi thu dung với cha ấy, mắt cập quèm chuyên nói phét.
Tôi trỗ lên:
- Đừng tin cha Thịnh, hôm đi trực chiến, lừa ăn hết thịt nạc, tức từ hôm ấy đến nay, đặt điều nói xấu mình đấy.
- Tôi thề tôi không có nói sai nửa lời.
- Thế thì thằng cha nào đó, thấy mình tài giỏi quá sinh ra đố kỵ, nói xấu mình cũng như Bàng Quyên với Tôn Tẫn, Lưu Bang với Hạng Vũ, Chu Du với Khổng Minh ấy mà.
Anh Ngọ nói: “Thôi ta đi ăn cơm các trư đệ! Ông Hay không nói phét, chỉ bốc đồng khuếch đại với hệ số K thôi”. Có cậu nói leo: “K tiến tới dương vô cùng”. Tôi chưa chịu còn vớt một câu: “K lớn hơn không, nhỏ hơn 1 thì sao?” Mới chịu ngồi xuống ghế ăn cơm.
Thường ở nhà ăn hay diễn ra những chuyện tương tự như vậy với anh em. Mình thì “cá mè một lứa” rồi, nhưng hai anh chỉ huy cũng dễ tính. Đôi khi cũng tiên phong trong lĩnh vực chuyện trò vui đùa.
Giờ đôi lúc “Nhớ lại và suy nghĩ”[1] mà thèm!

[1] Tên cuốn hồi ký của Nguyên soái G.K.Zhukov

                                                                                ( Còn nữa )

                                                 Được đăng bởi Nguyễn Như Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét