9/11/24

Tin buồn

Chi hội Truyền thống Phòng Công trình – Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Thượng tá KIỀU KIM SƠN

Sinh năm 1924; thường trú tại: Số nhà 15, ngõ 95 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; hội viên Chi hội Truyền thống Phòng Công trình, Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội; nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 234, nguyên Trưởng phòng Công trình, Bộ Tham mưu, Binh chủng Thông tin; đã nghỉ hưu.

Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Đồng chí đã từ trần hồi 7 giờ 30 phút ngày 05-11-2024. Lễ viếng tổ chức từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 09-11-2024, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang tổ chức hồi 8 giờ 30 phút cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân Vĩnh Hằng (xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội); an táng tại Nghĩa trang quê nhà xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.

Chi hội Truyền thống Phòng Công trình – Hội Truyền thống Thông tin Hà Nội kính báo. 

7/11/24

Nhớ về Xê chín (C9)

Hoàng Thị Lan (kỹ sư vô tuyến điện - nguyên học viên Đại đội 9)

Trường ta Sĩ quan Thông tin

Xa rồi vẫn nhớ như in trong lòng

Thoi đưa mấy chục năm ròng

Không sao quên được mấy vòng hành quân

Ngày đầu với nữ quân nhân

Học viên cũ, mới ân cần giúp nhau

Quân đi kẻ trước người sau

Ba lô, xẻng, cuốc, lá đầu ngụy trang

Súng trường vai khoác tay mang

Hành quân qua núi, qua làng bình an

Tới trường chuyện nở ríu ran

Mà sao trường chẳng ghế bàn chi đây?

Lớp học ở giữa vườn cây

Bảng treo, ghế xếp trò thầy bên nhau

Thời gian học cũng qua mau

Học viên Thảo gái, dẫn đầu giỏi giang

Chăn màn, nội vụ gọn gàng

Họp tổ bên đống khoai lang giữa nhà

Xê-chín (C9) đại đội chúng ta

Thương yêu, đoàn kết, chan hoà vui chung

Hiệp Hoà cảnh đẹp, dân hùng

Biết bao nét đẹp sống cùng chúng ta

Quân dân thắm thiết đậm đà

Bát cơm, củ sắn mặn mà tình dân

Văn nghệ mỗi quý đôi lần

Bên nhau điệu múa, chung vẫn dân ca

Ra trường đi khắp gần xa

Góp phần nhỏ bé quân ta thắng thù

Có người an giấc ngàn thu

Ven rừng, gió hát vi vu mỗi chiều

Bây giờ tóc đã muối tiêu

Xê-chín (C9) nhớ mãi, càng yêu mến nhiều.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Mừng Trường Anh hùng (kính tặng: Trường Sĩ quan Thông tin)

Lương Toán

Mừng Trường được phong Anh hùng

Trọn niềm vui, có công chung bao người

Giấu trong ánh mắt nụ cười

Có hình ảnh bao cuộc đời đi qua

Sử vàng truyền thống Trường ta

Sáu mươi năm bước đường xa gập ghềnh

Mỗi khó khăn một trưởng thành

Mỗi giai đoạn như thấy mình lớn lên

Mỗi miền quê Trường dừng chân

Còn bao kỷ niệm tình dân đậm đà

Bản Piềng, Định Hoá, Hiệp Hoà

Như về đây với Khánh Hoà, Nha Trang

Cho cơ nghiệp mới thênh thang

Trường lên đại học, trên đường chính quy

Cho bao sĩ quan chỉ huy

Từ nơi đây lại toả đi khắp miền

Cho thông mạch máu thông tin

Nhớ lời Bác dạy, Bác khuyên năm nào

Ơi vinh dự, ơi tự hào

Của bao thế hệ góp vào mới nên...

 

Hỏi ai còn nhớ hay quên

Câu ca của lớp học viên Hiệp Hoà

"Đóng cay, đào giếng làm nhà

Xong ba việc ấy mới là học viên..."

Nay Trường cao mái, vững nền

Nước đã có máy, cay viên chẳng còn

Vẫn cần chí vững, gan bền

Vẫn cần truyền thống học, rèn ngày xưa

Vẫn cần thử thách nắng mưa

Nhiệm vụ phía trước đang chờ chúng ta.

Niềm vui xúc động thành thơ

Hôm nay tái ngộ đón cờ vui chung

Hân hoan tay bắt mặt mừng

Nâng ly rượu chúc mà lòng rưng rưng

Mừng Trường được phong anh hùng

Chút tình riêng góp vui chung mọi người.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Lớp học trong rừng (1949-1950)

Văn Mạc - nguyên báo vụ viên

Vào đầu mùa đông năm 1947, tôi được chấp nhận nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Sau đó tôi được cử lên An toàn khu học lớp báo vụ (vô tuyến điện).

Địa điểm lớp học được mở ra tại vùng Thượng Đình thuộc tỉnh Thái Nguyên. Số lượng học viên gần bốn mươi người thuộc miền Bắc; từ Thanh Hóa, Nghệ An đến vùng tạm chiếm Khu 3 và thuộc Chiến khu Việt Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn. Anh em là dân tộc Kinh, Tày, Nùng... Có anh đã 3-4 tuổi quân và khá đông là lính mới tò te. Một số ít học sinh cấp 2, còn đại đa số là học sinh cấp 1. Học tập rất khó khăn và vất vả. Nhưng với tinh thần quyết tâm cùng toàn dân, toàn quân khẩn trương lao vào chuẩn bị cho cuộc Tổng phản công năm 1949 đưa cuộc kháng chiến đến gần những ngày thắng lợi cuối cùng nên không khí học tập của anh em càng hăng say; tất cả đều thi đua đạt mức thu 100 chữ/phút để đạt chỉ tiêu được ra trường sớm.

Phụ trách lớp lúc này là cụ Nguyễn Phi Hồng, giáo viên là cụ Đàn, bác Đức, ông Vòng đều là những vô tuyến điện viên giỏi, là công chức của Sở Vô tuyến điện Bạch Mai (thời Pháp), nay đi lên rừng Việt Bắc theo kháng chiến. Quy chế của lớp học là tự quản. Đến giờ học các giáo viên lên dạy học thu, phát; học cách trao đổi, đối thoại và phát điện trên máy bằng chữ đúc, cốt Q, cốt Z và một số tiếng Anh trên sóng.

Ngoài giờ học 8 tiếng, các giờ thể dục, thể thao, giờ ăn, giờ sinh hoạt đều do học viên tự quản. Lớp học được đặt dưới sự theo dõi trực tiếp của Cục Thông tin liên lạc quân sự, thuộc Bộ Tổng Tham mưu và điều hành trực tiếp của cụ Hồng phụ trách lớp.

Tôi được các giáo viên cho quản lý đơn vị về mọi mặt trừ các giờ học trong lớp. Do ý thức tự giác mọi mặt của học viên, chiến sĩ nên tôi mới 17 tuổi vẫn hoàn thành được nhiệm vụ trên giao là quản lý sinh hoạt, quản lý kỷ luật quân đội, quản lý đời sống một cách hiệu quả nhất theo hoàn cảnh lúc đó.

Vào những tháng cuối năm 1949 và đầu năm 1950, cuộc kháng chiến có nhiều biến chuyển. Giặc Pháp ra sức càn quét vùng tạm chiếm, dùng không quân đánh phá vùng tự do, ra sức bao vây, ngăn chặn sự tiếp tế của đồng bào cho chiến khu, cho kháng chiến. Lúc đó sinh hoạt phí của anh em được cấp bằng tiền Sông Lô (tiền Cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp). Hàng ngày tiếp phẩm ra chợ mua gạo và thực phẩm chứ chưa có chế độ mậu dịch cấp phát, giá cả tăng vọt. Anh em trước còn ăn cơm độn sắn, khoai, rau luộc, sau tiền không còn đủ anh em phải chấp nhận ăn cháo với muối trắng (không có thức ăn).

Đến bữa nuôi quân bưng nồi cháo lên chia đều cho anh em vào ống tre (thay bát) và một ít muối để vào ô lá chuối cho anh em tự lấy theo mặn nhạt mà dùng. Có thể nói là đói quay quắt, sau giờ ăn bữa chiều anh em còn ra soi (mương) hái rau khoai luộc chấm muối ăn thêm cho đỡ đói hoặc có một số anh em đi đào khoai mậm ăn sống thay cơm.

Tuy là đói, song việc học hành của anh em vẫn rất chăm chỉ. Tối nào không sinh hoạt, anh em đều tranh thủ học thêm ngoài giờ.

Học hành lúc đó thật vô cùng thiếu thốn, máy móc vô cùng thô sơ. Cả lớp học gần 40 anh em mà chỉ có một cái Ê-tê-rô-din (máy âm hưởng) chạy 2 pin kêu lí nhí. Lúc đang thu mà có đàn chim kêu ríu rít trên cây thì cứ là cả lớp chịu không thu được. Cho nên những hôm kiểm tra thu phát là phải cử người đứng ngoài cầm sào đuổi chim.

Do lòng yêu nước và ý chí quyết tâm của người chiến sĩ thông tin thời chống Pháp mà 40% anh em sau 3 tháng học tập đã được ra trường đi học lớp bổ túc tại Phòng Thông tin Đông Bắc do anh Môn phụ trách. Số còn lại 60% anh em sau 5 tháng cũng tiếp tục ra trường đi thực tập ở các nơi do Cục Thông tin liên lạc phân phối.

Từ năm 1962 trở đi, tôi phụ trách lớp học báo vụ của Quân chủng Không quân. Tôi thấy các phương tiện máy móc đã đầy đủ gấp nhiều lần thời gian kháng chiến. Tôi càng tự hào là người chiến sĩ thông tin đã góp phần nhỏ bé của mình vào chiến công chung của dân tộc, của Quân đội và Binh chủng anh hùng.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

Chuyến hỏa tốc đặc biệt

 Nguyễn Đình Thi - nguyên cán bộ Ban liên lạc đặc biệt

Vào một buổi tối sinh hoạt cơm nước xong, anh em trung đội hỏa tốc của Ban liên lạc đặc biệt có một tiểu đội ở tại 3 nhà sàn của bà con dân tộc Tày - đường từ Phú Minh rẽ vào - tôi nhớ là Cây Soan.

Tổ tâm giao của tôi có 3 người là đồng chí Dũng, Thi, Ngọc "béo", ở cùng một nhà với tổ chữa xe đạp "Phúc vêlô" và Ninh "Tây lai". Mấy anh em đang lùi sắn và nói chuyện phiếm với nhau thì có anh Trần Sơn xuống vì nhà sàn Ban chỉ huy cũng gần đấy. Để anh Sơn bước lên khỏi cầu thang nhà sàn, chúng tôi cứ ngồi tại chỗ chào anh. Anh Sơn ngồi ngay xuống, hòa mình với chúng tôi và hỏi đội hỏa tốc còn có những cậu nào ở nhà? Tôi trả lời chỉ còn có tổ tôi và 2 cậu chữa xe đạp. Tôi chắc là lại có hỏa tốc quan trọng anh Sơn mới xuống tận nơi hỏi người để giao công văn chạy. Vì mọi khi công văn thì gọi lên XB để nhận đi các khu. Anh Sơn chậm rãi nói nhỏ tầm quan trọng: "Có công văn hỏa tốc rất cần mà thận trọng (mật) cần 2 cậu chạy đi Khu 3", Tôi và Dũng nhận xung phong ngay vì cũng chẳng còn ai, để Ngọc "béo" giữ gôn ở nhà.

Anh Sơn đưa cho 1 giấy giới thiệu, lúc đến chỗ chúng tôi, anh mới ghi họ tên 2 chúng tôi là đặc phái viên về Liên khu 3 và một công văn hỏa tốc có dấu hỏa tốc của XB và dấu tròn đỏ: "Văn phòng Chủ tịch".

Anh Sơn dặn ngoài: "Công văn này các cậu phải cẩn thận, bất cứ giá nào phải đưa tận tay cho 3 ông: Nguyễn Khánh Toàn, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xiển, các cậu về Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Khuyến Công sẽ gặp các ông ấy", và bảo 2 đồng chí Phúc, Ninh "Tây lai" chuẩn bị cho chúng tôi 2 xe đạp thật tốt và lên quản trị tạm ứng mỗi cậu một nửa tháng tiền ăn, công tác phí.

Trao nhiệm vụ cho chúng tôi xong, anh còn bảo đồng chí chữa xe đạp cho 2 chúng tôi 1 săm dự trữ Michelin rồi ra về.

Vì đã lâu chưa được chạy xuống Khu 3 nên hai chúng tôi hồi hộp và bàn với nhau việc đi, mong cho trời chóng sáng. Thời kỳ này đồng hồ thiếu lắm, chừng 2-3 giờ sáng chúng tôi dậy xuống gầm sàn dắt xe đạp tạm rời Việt Bắc ra đi về Khu 3.

Hỏa tốc, anh em chúng tôi thường chạy vượt trạm. Tới Hữu Văn, Cống Khê có trạm, chúng tôi không vào. Vượt sông Đáy sang Khả Phong, Khuyến Công vào buổi trưa. Đến Ủy ban Hành chính - Kháng chiến hỏi, họ cho biết ba ông đã đi cách 2-3 hôm rồi, cần gặp thì sang công an Hồng Phúc, Phủ Lý hỏi sẽ biết. Chúng tôi vội vã sang bến đò Quế Quyển, tìm đến đồn công an Hồng Phúc hỏi thì đồng chí đồn trưởng cho biết là ba ông về Nam Định, đến Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Cầu Dầm hay chợ Dầm hỏi sẽ thấy. Thật là đi tìm chim! Không tin tưởng là thấy, hai chúng tôi lần theo hướng đi về Cầu Dầm vào nhà ông chủ tịch ủy ban hỏi thì gặp một ông hơi lùn, mặc bộ quần áo bà ba may bằng vải đũi; đưa giấy giới thiệu ông ấy xem và chúng tôi trình bày là công an Hồng Phúc cho biết ba ông Toàn, Khoa, Xiển về đây. Thấy ông ta ngập ngừng, chúng tôi cũng chưa tin là có ba ông ở đây. Ông ta hỏi "Các anh ở trên Việt Bắc về à?".

Chúng tôi trả lời: "Vâng, chúng tôi đi hôm nay là 4 ngày rồi". Đang thất vọng thì ông ấy bảo: "Các chú đưa giấy giới thiệu đây và sang nhà bên ngồi chờ".

Chúng tôi mừng thầm và nói nhỏ với nhau: "Chắc ba ông ở đây rồi".

Khoảng 30 phút sau, ông ấy cầm giấy giới thiệu trả chúng tôi và bảo sang bên cạnh cách 5-6 nhà vào ngõ đến một ngôi nhà khá to, trông trang trọng lắm. Chúng tôi chờ ở ngoài hè độ 10 phút thì ở nhà bên cạnh có hai ông đi sang: một mặc quần Tây áo sơmi, một mặc áo dài trắng quần ta và sau cùng là ông mặc quần áo đũi mà chúng tôi đã gặp lúc nãy. Tuy chưa gặp mặt bao giờ nhưng chúng tôi cũng đoán là ba ông đây rồi. Các ông bắt tay hai chúng tôi xong vẫn đứng tại chỗ, hỏi các chú đi từ bao giờ, chúng tôi trả lời và lấy công văn đưa cho ba ông. Khi biết chúng tôi chưa ăn cơm, ông mặc bộ quần áo đũi đưa sang nhà bên nghỉ và ăn cơm, dặn sáng mai lên gặp các ông trước khi về.

5 giờ sáng hôm sau chúng tôi đến gặp, các ông đang uống nước; đưa cho chúng tôi mỗi người một chén nước, các ông dặn: "Về phải đi cẩn thận, nhất là qua các sông đò, máy bay nó hay bắn, chúng tôi sẽ về sau". Các ông hỏi sức khỏe các vị có tên trong Bộ, tôi trả lời: "Chúng cháu là hỏa tốc viên ở ngoài khu An toàn khu nên không rõ". Hai chúng tôi ra về, các cụ lại bắt tay chào...

Thật là chiếc công văn hỏa tốc chỉ nặng có không đầy một lạng, khi còn để ở trong người chưa trao được cho người nhận tưởng nặng hàng ngàn cân. Hoàn thành nhiệm vụ thở phào nhẹ nhõm, lòng phấn khởi trở về đơn vị, hai chúng tôi đến anh Trần Sơn báo cáo hoàn thành nhiệm vụ và đưa trả XB phiếu biên nhận công văn.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

Một cuộc hành quân đáng ghi nhớ

Mạnh Dung - nguyên học viên lớp Lục quân Thông tin khóa 7

Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn ở trên một vùng đất thuộc huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có nhiều đồi núi rất thuận lợi cho việc luyện tập ở thao trường.

Tháng huấn luyện tân binh trôi qua, chúng tôi được lệnh tập trung để biên chế chính thức vào đơn vị mới, chuẩn bị cho một cuộc hành quân dài...

Đoàn chúng tôi chia thành 3 khối: khối Không quân, khối Hải quân, khối Lục quân. Tôi được biên chế vào khối Lục quân. Bọn học trò chúng tôi xa nhau từ đấy. Khối Lục quân lập thành 1 tiểu đoàn, được giao nhiệm vụ hành quân sang đất bạn để học tập.

Chuẩn bị cho cuộc hành quân xa cũng chẳng có gì. Ba lô thì mỗi người một kiểu: cái bằng da bò, cái bằng vải may theo hình chữ nhật buộc bằng dải vải, cái đan bằng mây. Quần áo mỗi người một bộ mặc trên người, một bộ bỏ trong ba lô, nhiều người không có chăn màn. Chúng tôi không mang theo vũ khí, chỉ mang theo lương thực để ăn. Chúng tôi lên đường hướng ra phía tây lên Hồi Xuân – La Hán sang đất Hòa Bình. Rừng tiếp rừng bạt ngàn. Mấy ngày đầu, được đi trên đất lạ, chưa bao giờ được nhìn thấy núi rừng trùng điệp, tôi cảm thấy háo hức, thỏa tính mạo hiểm của mình. Cứ thế, ngày đi, đêm nghỉ, chúng tôi xuyên từ rừng này qua rừng khác. Đôi chân chưa bao giờ phải đi xa, phồng lên, dập nước, đau rát. Có người không chịu nổi, bỏ cả dép lốp đi đất. Suốt ngày đi trong rừng nhiều hôm trời mưa, quần áo ướt đẫm rồi lại khô. Lương thực mang theo cạn dần. Có hôm hành quân đến nơi nghỉ chúng tôi chia nhau từng hạt ngô rang, uống mỗi người mấy bát nước chè "lá ổi" rồi lại tiếp tục lên đường.

Cái đói, cái khát giày vò chúng tôi. Khi dừng chân nghỉ ở một bản Mường, tiểu đội tôi ngồi trên nhà sàn thấy trong nương của gia đình nọ có mấy cây mít, có quả chín rơi xuống đất vỡ ra từng múi, múi mít đã nát, mùi thơm quyến rũ nhưng không ăn được nữa. Anh em bảo tôi xuống lấy hạt đem rang ăn. Khi cả tiểu đội đang quây quần ăn hạt mít ngon lành thì anh K... đến. Anh cất tiếng hỏi:

- Ai là người lấy hạt mít rang ở đây?

Mọi người nhìn nhau lo sợ. Tôi vội đứng dậy:

- Báo cáo thủ trưởng, tôi ạ!

- Đồng chí cho tất cả hạt mít vào nồi mang xuống sân, tay bê nồi đứng nghiêm. Không được nghỉ khi chưa có lệnh của tôi...

Ngoài trời mưa mỗi lúc một to. Tôi đứng nghiêm, nước mưa và nước mắt hòa trộn với nhau. Từ đó, tôi mới thấy thấm thía kỷ luật quân đội: "Không lấy cái kim sợi chỉ của dân".

Chúng tôi đến Đoan Hùng - Phú Thọ rồi vượt sông Lô sang đất Tuyên Quang. Núi rừng trùng điệp, u minh. Chúng tôi len lỏi đi giữa rừng cây rậm rạp. Như ngửi thấy hơi người, từng đám vắt đứng thẳng dậy, cong mình lao thẳng vào chúng tôi... Muỗi rừng bay như đàn ong, ở đây có rất nhiều suối... Qua bao ngày hành quân gian khổ, sức khỏe chúng tôi giảm sút. Anh em Lục quân chúng tôi đã có người bị bệnh sốt rét quật ngã. Có một lần anh Minh lên cơn sốt, không đi được, không có cáng, chúng tôi đặt anh nằm ngửa, rồi lấy bao gạo lồng qua người anh, chặt một đoạn cây bương làm đòn, xỏ qua bao gạo trên bụng anh, thay nhau khiêng anh qua đèo, qua suối. Vì sức đã kiệt, không có thuốc điều trị, anh đã nằm lại vĩnh viễn trong khu rừng này. Giờ đây không biết người thanh niên thành phố Vinh ấy đã được đưa về cùng đồng đội, nằm nghỉ ở nghĩa trang quê nhà chưa?

Gần một tháng hành quân trong rừng xanh, chúng tôi được dừng chân nghỉ tại vùng đất thuộc tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây cả ngày được thấy bầu trời trong xanh, không khí mát lành. Từng đồi chè bậc thang, lá xanh biêng biếc nối tiếp nhau như những làn sóng biển quê tôi, trông rất đẹp mắt.

Cơ thể tôi yếu dần. Máu ở hai lỗ mũi thường xuyên chảy ra nhất là vào buổi sáng. Tôi bị mất máu khá nhiều, người xanh xao. Tôi lo quá, không biết mắc bệnh gì đây? Không biết còn đi tiếp được nữa không? Gần đấy, có trạm quân y, tôi được đơn vị gửi vào điều trị. Một đêm khuya, ngoài trời sấm sét nổi lên ầm ầm, rồi cơn giông tố ập đến, tôi đang nằm nghiêng trên giường thì cảm thấy cái gì vướng ở lỗ mũi, tôi sờ tay vào thấy một con vật gì lành lạnh thụt vào. Tôi quay người nằm nghiêng sang bên khác, một lúc lại thấy nó thò ra. Tôi hốt hoảng, vội dậy gọi cô y tá trực, đốt đèn lên xem. Cô gắp ra một con vắt to bằng con đỉa trâu nằm lăn ra trên nền nhà. Thì ra con vắt này ẩn mình trong mũi tôi, hút máu tôi suốt dọc đường hành quân. Sau hai ngày nằm ở trạm sức khỏe tôi hồi phục.

Chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Lần này chúng tôi qua đất Hà Giang, nơi đây nhân dân ở rất thưa thớt. Một vài bản làng mọc vắt vẻo lưng chừng núi. Tiếng chày giã gạo "rít boop" cứ văng vẳng bên tai tôi một âm thanh lạ và buồn. Ngày cuối cùng trên đất Hà Giang, chúng tôi vượt cầu treo sang đất Trung Quốc, bỏ lá ngụy trang, đứng trên đỉnh núi Cổng Trời nhìn về Tổ quốc, thấy nhớ quê hương, nhớ người thân da diết.

Hành quân trên đất bạn không có tiếng máy bay trên bầu trời, không có rừng rậm, suối sâu, chỉ có đồi núi, tầm mắt được phóng ra xa, tuy còn vất vả, gian khổ nhưng lòng thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Đêm đầu tiên, chúng tôi dừng chân ở Giao Chỉ thành - một làng nhỏ gần biên giới. Dân làng mặc quần áo toàn một màu chàm. Đàn bà, con gái đều bó chân đi lại rất khó khăn. Từ đó ngày đi, đêm nghỉ, chúng tôi vượt qua đèo đến Ma-li-phố, Xin Kai, Tây Thọ. Đến Điền Sơn chúng tôi được nghỉ dài ngày - nghe nói đây là nơi kết thúc cuộc hành quân cuối cùng của chúng tôi. Tại đây, chúng tôi được đơn vị bạn đón tiếp niềm nở. Chúng tôi được phát đầy đủ ba lô (kiểu giải phóng quân Trung Quốc) quần áo, chăn màn.

Đặc biệt là chiếc mũ Kêpi. Qua cuộc hành quân dài ngày, người nào người nấy gầy xanh. Cái đầu thì bé, cái mũ lại to, khi đội vào cứ quay tròn trên đầu, trông đến nực cười. Chúng tôi được bồi dưỡng sức khỏe, được ăn uống rất đầy đủ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được xem bộ phim "Bạch mao nữ". Hình ảnh "Bạch mao tiên cô" sống dưới chế độ phong kiến Trung Quốc làm tôi vô cùng xúc động.

Qua gần một tháng được nghỉ ngơi, chúng tôi trở nên khỏe mạnh, sẵn sàng chuẩn bị đến trường học tập thì bỗng có lệnh mới: Toàn đơn vị, mang vũ khí trở về Tổ quốc. Đất nước Trung Quốc mới được giải phóng (10-1949). Biên giới Việt - Trung được khai thông. Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp từ giai đoạn cầm cự đang chuyển dần sang giai đoạn tổng phản công. Lực lượng vũ trang của ta phát triển nhanh, nhiều cuộc chiến đấu với quy mô lớn đang diễn ra ác liệt. Quân đội đang cần vũ khí, đạn dược để chiến đấu và chiến thắng. Chúng tôi vinh dự được góp một phần nhỏ cho cuộc kháng chiến đó.

Chúng tôi lại hăm hở mang vũ khí lên đường trở về Tổ quốc. Những gian nan vất vả lại đè nặng lên đôi vai chúng tôi. Nhưng lần này đã có thêm sức mạnh đó là niềm tự hào trực tiếp tham gia kháng chiến.

Ngày lại ngày, chúng tôi lại leo đèo vượt dốc; khi dừng chân nghỉ, chúng tôi cất cao tiếng hát - bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, người cùng đi với đoàn khi ấy mới sáng tác: "Đường không xa, dốc không cao. Anh em ta còn nhớ hôm nào... Sáng nay nhắn gì? Người ra đi nhớ chăng? Hứa góp gì cho nước nhà?".

Hàng tấn vũ khí, đạn dược do hai vai chúng tôi lần lượt chuyển về nước. Chúng tôi như đàn kiến khổng lồ tha lâu cũng đầy tổ. Bên kia biên giới, một đơn vị khác đang chờ chúng tôi.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi trở lại Điền Sơn, chuẩn bị hành quân đến trường. Lần này thì thật là sung sướng, không phải đi bộ mà đi bằng tàu hỏa. Đoàn tàu đưa chúng tôi đến một miền quê vùng Hoa Nam Trung Quốc. Hồi đó theo lệnh trên phải tuyệt đối giữ bí mật quân sự. Chúng tôi không được phép tiếp xúc với nhân dân. Đến ga Nghi Lương, Việt kiều ra đón rất đông. Hai bên nhìn nhau, ánh mắt, nụ cười xúc động. Hình như họ cũng tự hiểu rằng toàn bộ hành khách trên chuyến tàu này là "hành khách đặc biệt".

Từ ga về trường không còn xa nữa. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm phong cảnh đất nước bạn bao la hùng vĩ, để lại trong lòng chúng tôi mối tình hữu nghị Việt - Trung luôn luôn bền vững.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Sau 50 năm, tên anh đã có trong danh sách Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Quang Cường

Sau ngày đất nước thống nhất, từ Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn trở về, tôi được về công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin. Ở đây tôi đã gặp Trung tá Tạ Quốc Luật, cũng từ chiến trường Tây Nguyên (B3) ra công tác tại Phòng Tham mưu Binh chủng. Do đó, tôi có nhiều dịp trò chuyện tâm sự với anh và ngày càng hiểu rõ về anh. Sau này tôi biết rõ: chính Tạ Quốc Luật là người đại đội trưởng đã chỉ huy tổ xung kích 5 người xông vào hầm bắt tướng Đờ Cát-xtơ-ri ngày 7 tháng 5 năm 1954 tại Điện Biên phủ, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Ngày 13 tháng 5 năm 1954, trong lễ mừng chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Mường Phăng, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật là người đã được Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cử kéo cờ chiến thắng lên cột cờ trước toàn quân.

Anh Luật là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng Từ năm 1939 (15 tuổi) anh đã tham gia Đoàn thanh niên phản đế. Trước Cách mạng tháng Tám, anh tham gia phong trào Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang tiền khởi nghĩa ở Thái Bình.

Sau Cách mạng tháng Tám (20 tuổi), anh gia nhập Vệ quốc quân, tấn công đồn lính khố xanh, tước vũ khí đồn Diêm Điền.

Ngày 6 tháng 1 năm 1949, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1950 đến năm 1958, anh công tác ở Trung đoàn 209 Sư đoàn 312 và lần lượt giữ các chức vụ từ đại đội phó đến tiểu đoàn trưởng.

Năm 1965, anh được cử đi chiến đấu tại chiến trường B và công tác tại Tiểu đoàn thông tin 26 thuộc Bộ Tư lệnh Tây Nguyên. Từ năm 1970 đến 1982 về công tác tại Bộ Tư lệnh Thông tin.

Từ năm 1946 đến năm 1970, anh Tạ Quốc Luật đã tham gia chiến đấu trên 100 trận trong các chiến dịch lớn: Việt Bắc (1947), Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong – Biên Giới - Trung Du - Hoàng Hoa Thám - Quang Trung (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến đấu tại các chiến trường B. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, đồng chí Tạ Quốc Luật đã được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến công hạng Nhất về thành tích bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy địch và tướng Đờ Cát-xtơ-ri trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc hội thảo khoa học về đồng chí Tạ Quốc Luật tổ chức tại Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc năm 2002 đã khẳng định: vai trò của Đại đội 360 do Tạ Quốc Luật làm đại đội trưởng là đơn vị xung kích đầu tiên và duy nhất của Trung đoàn 209 Sư đoàn 312 đã nắm vững thời cơ chiến đấu linh hoạt, tiến công vào hầm Đờ Cát-xtơ-ri - Sở chỉ huy trung tâm của quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong hoàn cảnh chiến đấu vô cùng ác liệt, khẩn trương lúc đó, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã nêu cao vai trò của người chỉ huy luôn xông xáo, không chút ngập ngừng do dự, không ngại hy sinh, sâu sát động viên chiến sĩ trong giây phút hiểm nguy, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2004), đồng chí Tạ Quốc Luật đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Như vậy sau 50 năm, tên anh Tạ Quốc Luật đã có trong danh sách Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng tôi - những người đi sau rất tự hào về anh, thành kính viết bài này thay một nén tâm nhang gửi đến anh ở cõi vĩnh hằng.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

47 năm mới tìm được địa chỉ người nhận

Phạm Đăng Tấn

Thoạt nghe ai cũng tưởng là đùa, nhưng đó là sự thật 100% không bịa một chút nào. Câu chuyện là như thế này:

Đầu năm 1947, tôi được giao nhiệm vụ lên Tam Đảo đặt một trạm thông tin ở trên đó. Vì thời đó ta có đường liên lạc từ Xì Bê (XB) Quân Chu xuống Me (Vĩnh Yên) do một số anh em người ở Tam Đảo đảm nhiệm (các anh Trường, Vinh, Thước, Hồi và anh Chuân) nhưng chưa đặt trạm. Không ngờ mới đến Tam Đảo tôi bị ốm, phải vào nằm điều trị hơn một tháng tại An dưỡng đường của Liên khu Việt Bắc đặt ở Tam Đảo. Tôi ốm rất nặng tưởng chết, An dưỡng đường đã phải đóng sẵn cho tôi một quan tài, nhưng thật may, tôi dần bình phục và thoát chết.

Tam Đảo ngày ấy hãy còn nguyên vẹn chưa bị phá hoại, những biệt thự tráng lệ nguy nga đủ các kiểu, nơi ăn chơi nghỉ mát tuyệt vời của các bọn quan lại Tây, ta.

Tháng 6 năm 1947, ta bắt đầu tiêu thổ kháng chiến trên Tam Đảo, An dưỡng đường cũng phải di chuyển, tôi lại trở về Xì Bê công tác. Bác sĩ Vĩnh phụ trách An dưỡng đường, vì biết tôi ở Ban liên lạc đặc biệt, có nhờ tôi chuyển giúp một phong thư không có địa chỉ với nội dung như sau: "Tôi, bác sĩ phụ trách An dưỡng đường trên Tam Đảo gửi mấy tấm ảnh này đến người nhận mà tôi không biết tên, không biết địa chỉ ở đâu, nhờ một đồng chí ở Ban liên lạc đặc biệt chuyển hộ, tôi tin đồng chí đó có khả năng tìm kiếm chuyển đến người nhận (ảnh này do An dưỡng đường Tam Đảo nhặt được)". Vẻn vẹn chỉ có mấy dòng như vậy. Trở về Xì Bê với phong thư trên, lòng tôi không khỏi bâng khuâng, làm thế nào tìm kiếm, chuyển được đến người nhận? Thật là như đáy bể mò kim.

Qua cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ 9 năm, rồi qua cả kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hơn hai mươi năm, tôi cũng không tìm ra được người chủ của phong thư ấy.

Từ đó gặp bạn bè thân thiết bất kể gần hay xa, hễ có dịp nhớ ra, tôi đem ảnh và phong thư không địa chỉ năm xưa ra hỏi.

Đầu năm 1993 tôi có gặp và hỏi anh Lê Bá Hồi, người đạo trưởng kỳ cựu của làng chuyển đạt thời xưa. Xem ảnh, anh Hồi nói: "Trông khuôn mặt quen quen, giống khuôn mặt chị Hà vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp" vì đã sau 47 năm, tấm ảnh đã hoen vàng, anh bảo tôi chụp lại và phóng to. Tôi làm theo lời anh, phóng cỡ 18x24, ép plastic rồi trao cho anh. Qua một thời gian không thấy hồi âm, tôi cho là không phải, tia hy vọng lóe lên trong tôi trước đây, nay lại tắt ngấm.

Trung tuần tháng 6 năm 1994 anh em liên lạc đặc biệt có tổ chức một đợt nghỉ mát trên Tam Đảo. Cảnh cũ người xưa lại gợi nhớ tôi bức thư không địa chỉ năm xưa. Khi về tôi đưa cho anh Chuân xem, anh nói: "Người trong ảnh đúng là chị Hà vợ anh Giáp, vì trong kháng chiến tôi làm việc ở Văn phòng Đại tướng có dịp gặp chị Hà khi còn trẻ. Khuôn mặt đúng 100% rồi, không nhầm được, trong ảnh năm xưa và chị ấy bây giờ có khác".

Anh Chuân bảo tôi chuẩn bị để anh liên hệ ngày vào gặp chị Hà. Ba ngày sau tôi đem theo tấm ảnh cũng to như lần đưa cho anh Hồi. Cùng anh Chuân vào gặp chị Hà.

Chúng tôi đến chậm mất 1 tiếng so với giờ hẹn. Chị Hà nói: "Anh Giáp chờ các anh mãi, tưởng các anh không đến nên vừa đi húi đầu rồi". Xem những tấm ảnh, chị Hà vui mừng nói:

"Ối! Đúng ảnh tôi rồi, tôi không còn tấm ảnh nào chụp thời còn trẻ khi công tác ở Việt Bắc nữa, quý hóa quá!". Chỉ vào từng tấm ảnh, chị nói: "Bức này chụp khi tôi đang đọc thư anh Giáp đi công tác gửi về, tấm này tôi chụp với 2 cô bạn cùng cơ quan, tấm 5 người này là 3 nữ đã chụp ở ảnh trên cùng 2 nam là bác sĩ Hồ Đắc Di và bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhà tôi hồi đó. Xin cám ơn anh! Tôi sẽ in thêm để gửi cho 2 cô bạn: 1 cô bây giờ ở Mỹ, nhận được những tấm ảnh chụp từ thời còn trẻ, hẳn các cô mừng và cảm động biết nhường nào, một lần nữa tôi xin cám ơn anh".

Tôi nói: "Chị cám ơn bác sĩ Vĩnh người đã cứu sống tôi ở An dưỡng đường Tam Đảo năm xưa, không biết bác sĩ Vĩnh còn sống không để tôi có thể thông báo tới bác sĩ là: những tấm ảnh bác sĩ gửi cách đây 47 năm nay tôi đã gửi đến tay người nhận".

Chị Hà thốt lên: "Các anh đặc biệt thật! Người gửi đã đặc biệt, người nhận cũng đặc biệt và chính người chuyển cũng đặc biệt nốt!".

Tên đơn vị "Ban liên lạc đặc biệt" năm xưa ý nghĩa biết bao!

Các anh thật là Đặc biệt!

Ngày 5-10-1996

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Kỷ niệm một thời công tác ở Đội Vô tuyến điện 101

Dương Quốc Hưng - nguyên Chính trị viên Đội 101

Tháng 5 năm 1951 sau thời gian học tập quân sự ở Trung Quốc, chúng tôi hơn 100 cán bộ trung cấp trở về nước. Lúc đó là thời điểm ở trong nước đã mở nhiều chiến dịch, thắng lợi nhất là chiến dịch Biên Giới. Tôi được phân công về Cục Thông tin liên lạc và được cử làm phó phòng chính trị. Sau một thời gian tìm hiểu tình hình cơ quan và các đơn vị trực thuộc, tôi đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về Đội vô tuyến điện 101...

Một người đội trưởng, trẻ, khỏe, cần mẫn trong tay lúc nào cũng có cái vôn kế, mỏ hàn, xông xáo xuống đài, ít khi ở văn phòng. Một đội ngũ trưởng đài, báo vụ viên nam có, nữ có, nhanh nhẹn có năng lực và văn hóa và đặc biệt có nhiều khả năng văn nghệ. Mỗi lần tổ chức các tối văn nghệ nội bộ toàn Cục, Đội 101 bao giờ cũng có tiết mục đặc sắc. Tôi còn nhớ tiết mục đồng ca có nhạc đệm, nhiều nhạc cụ dân tộc do một người biểu diễn (đồng chí này là em anh Lê Hoan đã công tác với tôi). Còn với tiết mục chèo "Qua ngũ quan trảm lục tướng" do anh Lê Thọ - trưởng phòng hành chính biên soạn đã làm nổi đình nổi đám ở hội diễn văn nghệ của Bộ Tổng Tham mưu, được Phòng Chính trị Bộ Tổng Tham mưu đánh giá là 2 tài danh của đêm biểu diễn.

Khi Cục đã ổn định tổ chức, bước vào chiến dịch Hòa Bình, các phòng ban, đơn vị đều tách ra một bộ phận đi chiến dịch, khi xong chiến dịch lại rút quân về đơn vị, không còn vá víu như các chiến dịch trước. Ở Ban 3 chiến dịch có anh Đôn và anh Tình, các cán bộ tham mưu – anh Bội, tôi phụ trách bộ phận chính trị. Hành chính – anh Phạm Khổng Giai, vật liệu anh Ngô Đức Thọ, đơn vị thì 101 - anh Nguyễn Diệp, anh Trần Sơn - 303 và các cán bộ giúp việc. Các chiến dịch tiếp sau, chúng tôi lại vẫn gặp nhau như duyên trời định.

Mỗi lần hành quân đi chiến dịch tôi được chỉ định làm chỉ huy trưởng và anh Phạm Khổng Giai là phó. Các đơn vị khác đến chỗ trú quân thì được nghỉ ngơi lại sức, anh em 101 lại tiếp tục làm liên lạc. Tiếng Ragonô, tiếng tích-tè liên tục, tiêu biểu như chiến dịch Hòa Bình thông tin có nhiều thành tích. Đường liên lạc điện thoại ngầm qua sông Đà của 303 thành công, vô tuyến điện 101 giữ vững liên lạc với chiến trường. Bộ phận chính trị của Ban 3 chiến dịch tổ chức Đại hội thi đua sôi nổi, tiến hành từ dưới lên trên, Đại hội đã chọn được 7 chiến sĩ thi đua trong đó có Đội trưởng 101 Nguyễn Diệp (cơ quan có anh Trần Đô, 303 có anh Thơ, anh Cặng...). Một cái tết rất vui vẻ hào hùng ở chiến dịch. Kết thúc chiến dịch, nhiều đơn vị được Bộ tặng Giấy khen trong đó có 101. Riêng với tôi không những yên tâm nghề nghiệp mà còn có phần phấn khởi với kết quả bước đầu.

Tháng 4 năm 1952, Cục Thông tin liên lạc qua mấy lần chỉnh huấn chính trị, công tác phát triển Đảng có nhiều tiến bộ. Tổng cục Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy Cục Thông tin liên lạc trực thuộc Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu thay cho Liên chi trước đây. Đại hội đại biểu họp và cử ra Ban chấp hành gồm 7 người, do đồng chí Hoàng Bửu Đôn làm Bí thư. Tôi có vinh dự được bầu là Đảng ủy viên. Đảng ủy có sự phân công: Tôi được phân công xuống 101 làm chính trị viên, tôi thực sự vui khi nhận nhiệm vụ mới này vì nó rất hợp với "thói quen của tôi" không thích cơ quan. Đơn vị lúc tôi đến có một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ rất đầy đủ. Báo vụ chủ nhiệm: ông Thanh, cụ Thảo, anh Dương Châu. Liên đài trưởng và trưởng đài có các anh: Hoàng Nguyên Phương, Hanh, Dần, Mao, Thoại, Cẩm Điện và một đội ngũ báo vụ trẻ như: Kỳ, Tuấn, An và đặc biệt là 6 cô mà các chàng trai các Cục hay "thăm hỏi". Anh em quay máy phục vụ khỏe, năng nổ. Tuy nhiên, Đội 101 khác với các đơn vị chiến đấu ở chỗ có nhiều chất "cậu" còn tôi thì bỡ ngỡ về nghiệp vụ và cách làm việc theo ca kíp. Tôi được các đồng chí Diệp, Thanh tận tình giúp đỡ dần dần cũng rút ra được cách lãnh đạo một đơn vị kỹ thuật. Lúc này đã có một số điện đài của bạn giúp cho nên máy móc không quá thiếu thốn. Trưởng đài báo vụ nghiệp vụ tinh thông nên công việc trôi chảy, nền nếp làm việc được cải tiến cho phù hợp với thời chiến, đỡ cồng kềnh, điện đọng rất ít. 101 luôn luôn là một đơn vị được Cục biểu dương. Sau cuộc chỉnh huấn chính trị phân biệt "bạn - thù" anh em hăng say học tập và làm việc, nội bộ đoàn kết. Là đội trưởng, anh Diệp hoàn toàn phụ trách phần chuyên môn, nay việc chỉ đạo công tác vô tuyến điện toàn quân trên Cục thiếu cán bộ có năng lực, anh Diệp phải kiêm nhiều phần việc. Từ đó tôi với sự giúp đỡ của anh Thanh, Phương làm cả công tác chuyên môn khi anh Diệp vắng đơn vị.

Cuối năm 1952 chiến dịch Tây Bắc, Đội 101 ra quân hùng hậu, với 6 đài vô tuyến điện tốt trong đó đã có đài 694 cũng gọn nhẹ. Đội ngũ trưởng đài, báo vụ được lựa chọn "tinh nhuệ", tôi lúc này vừa là chính trị viên Đội 101 kiêm nhiệm công tác của Ban 3 chiến dịch, thường trực của bộ phận Đảng ủy tiền phương (anh Hoàng Bửu Đôn, anh Trần Sơn và tôi). Chiến dịch Tây Bắc hành quân dài, gian khổ, mưa nhiều, anh em vai đeo nặng, dò dẫm mà đi, có đêm chỉ đi được 10-15 km, đơn vị vừa hành quân vừa giữ vững liên lạc. Kết thúc thắng lợi trở về không ai nghĩ rằng Thu Đông 1953 vẫn trên con đường ấy đơn vị lại phục vụ chiến dịch Thượng Lào giải phóng Sầm Nưa.

Tuy về Cục muộn mằn, nhưng tôi được vinh dự phục vụ Ban 3 chiến dịch cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm và đã để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên. Mùa thu năm 1953, chiến dịch được chuẩn bị sớm hơn mọi năm. Sau khi nhận nhiệm vụ Cục giao, Ban chỉ huy đội họp cấp tốc bàn kế hoạch (lúc này có thêm anh Phụng, anh Trử làm đội phó phụ trách HCQT, chọn máy, chọn người, dồn mạng, chuyển mạng...). Anh Diệp đi trước với bộ phận Bộ Tổng Tham mưu. Tôi cùng anh em đi sau, 101 xuất quân với 6 đài tốt, vẫn những trưởng đài, báo vụ quen thuộc với chiến dịch như: Hoàng Nguyên Phương, Đinh Văn Quyên, Dần, Giai, Mao, Lục Văn Toàn, báo vụ viên Kỳ, Tuấn, An... chỉ có một điều mới là có thêm hai cô nữ Mai Lộc và Phương Lan. Hành quân từ Yên Thông bằng ô tô, anh em cực kỳ phấn khởi và không khỏi ngỡ ngàng. Được đi ô tô đường phá hoại mới sửa lại, xe xóc nhồi lên nhồi xuống, một đêm chỉ đi được 70-80 km, anh em vẫn vui vẻ nói cười. Chỉ có cô Lộc say xe mệt lử nhưng vẫn cố gắng đi được tới đích. Vì vấn đề lương thực khó khăn nên biên chế gọn nhẹ, mỗi đài chỉ có 5 người: 2 đồng chí quay máy và 3 đồng chí báo vụ kể cả trưởng đài. Sau còn giảm đi hơn nữa. Trước khi chiến dịch mở màn, công việc nhiều, báo vụ có lúc phải làm 2 ca liên tục, ăn uống thiếu thốn; làm việc nhiều nhưng anh chị em vẫn vui tươi phấn khởi, không một chút tỏ ra trễ nải. Tôi còn nhớ có một lần tác chiến đưa sang một tập điện khẩn cấp chuyển cho đơn vị (tôi quên tên) giữa lúc đêm khuya. Tín hiệu thường rất nhỏ khó bắt, phiên ấy cô Mai Lộc lên máy. Tôi xuống đài theo dõi, phấp phỏng chờ đợi, mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Một tiếng nói nhẹ nhàng làm tôi giật mình tỉnh giấc: "Tây ơi mày chết rồi" đó là tiếng nói của cô báo vụ mảnh mai Mai Lộc sau khi đã chuyển xong tập điện. Tiếng nói bộc lộ một niềm tin tất thắng, một tinh thần trách nhiệm cao. Tôi hết sức cảm động, nhẹ nhàng đến lay ông cán bộ tác chiến xuống ốp đài với hai tiếng "xong rồi". Có lần chuyển gấyp điện hỏa tốc cho một đơn vị đang hành quân giữa lúc không có giờ liên lạc với họ. Lệnh là lệnh, làm sao đây. Theo kinh nghiệm cũ, Hoàng Nguyên Phương đã dò được sóng và giờ làm việc của đơn vị đó với cấp dưới, dùng máy Pilot chèn sóng chuyển ngon lành ca bức điện. Thật sung sướng và yêu mến cán bộ, chiến sĩ của mình. Mùa đông Tây Bắc về đêm sương mù dày đặc, đơn vị lại đóng quân trong thung lũng, ban đêm tín hiệu rất yếu không làm liên lạc được, có lúc điện đọng, lên giao ban thật ngại gặp cấp trên.

Trước lúc mở màn chiến dịch, chỉ huy sở của Bộ chỉ huy chiến dịch đóng ở Mường Phăng. Địch lúc này cho máy bay thám thính và ném bom xung quanh cứ điểm Điện Biên Phủ, bom cứ rơi nhích về phía Mường Phăng. Đề phòng địch dùng máy dò phương vị dò cụm điện đài của ta phát sóng, trên lệnh cho 101 chỉ để lại 2 đài bên cạnh Bộ chỉ huy để liên lạc với các đơn vị tác chiến ở Điện Biên Phủ, số điện đài còn lại triển khai ở Mường Ẳng cách xa 10 km liên lạc với chiến trường xa và hậu phương Bộ để đánh lạc hướng của địch về vị trí Sở chỉ huy chiến dịch. Mường Ẳng là một bản có địa thế rất đẹp, ở đó anh em đào hầm để máy, làm lán ở. Điều khó khăn là chuyển nhận về Ban cơ yếu sao cho nhanh chóng, anh em có sáng kiến tổ chức liên lạc chạy chân hai đầu, hẹn giờ gặp nhau ở giữa đường trao điện nhận, tiếp điện huyển đi rút ngắn thời gian. Đời sống anh em vốn đã hó khăn nay tách ra xa, độc lập tự túc càng khó khăn hơn. Món bi chuối (hoa chuối rừng) và rau tàu bay là hai món cơ bản của bữa ăn. Một buổi sáng, nghe tiếng anh em la "bò xa xuống hầm", tôi vội chạy ra xem. May sao không phải là bò mà là một con nai ăn đêm xa xuống hầm, gẫy chân không lên được. Thật là của trời cho, anh Tường quản trị của đội đã tổ chức một bữa thịnh soạn cho anh em, không quên gửi biếu cấp trên mấy cân. Tình hình ổn định, đơn vị lại trở về đóng quân ở Mường Phăng. Chiến dịch chưa mở màn, vẫn còn đang kéo pháo ra. Tết đến cấp trên chỉ thị tổ chức Tết cho anh em thật chu đáo. Mỗi người được 400 g thịt và 0,5 kg gạo nếp. Tuy thiếu thốn phương tiện, anh em vẫn gói được bánh trưng, làm được chả. Về tinh thần có tối văn nghệ rôm rả, tờ bích báo của đơn vị phản ánh sinh động cuộc sống của đơn vị. Hai câu thơ trong bài thơ của tác giả nào đó tôi vẫn nhớ:

Đất trời có mấy mùa xuân

Vui xuân chiến dịch mấy lần đời ta.

Câu thơ chưa chải chuốt nhưng nói lên được hào khí của anh em lính vui xuân ở chiến trường.

Tối 30 Tết, sau khi đã làm tròn phận sự, anh Hoàng Xuân Vượng, anh Nguyễn Diệp, anh Đào Ngoạn và tôi ngồi chơi tú lơ khơ dưới một ngọn đèn con suốt đêm cho đến gần sáng, giao thừa lúc nào cũng không biết. Những giờ phút gợi nhớ, gợi cảm này, không ai nói với ai về chuyện riêng tư gia đình mà say sưa với quân bài. Phải chăng đây cũng là phương pháp tự ổn định tư tưởng cho mình.

Chiến dịch kéo dài, sức khỏe của một số anh em giảm sút, anh Tường hết sức xoay trở, đời sống đỡ khó khăn phần nào. Anh Hoàng Nguyên Phương có mối quan hệ bạn bè với cô nào đó ở Ban Giao tế nên thỉnh thoảng cũng chạy vạy được cân đường, hộp sữa bồi dưỡng cho anh em đau yếu.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng, thông tin liên lạc có góp phần to lớn. Đội 101 đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, giữ vững liên lạc giữa Bộ chỉ huy chiến dịch với Trung ương Đảng, các chiến trường xa và các đơn vị chiến đấu ở chiến trường chính. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng trong đó có đồng chí Nguyễn Diệp được Bộ Tổng Tham mưu tặng Bằng khen.

Lợi dụng lúc trao trả thương binh địch, ta cấm máy bay địch hoạt động trong bán kính nhất định, cơ quan của Bộ chỉ huy trong đó có Đội 101 hành quân bằng ô tô trở về giữa ban ngày, lòng tràn đầy niềm vui chiến thắng.

Sau khi tiếp quản Thủ đô, đơn vị đóng tại Cột Cờ (Viện Bảo tàng Quân sự Việt Nam bây giờ). Để thích ứng với nhiệm vụ mới, tổ chức của Cục được sắp xếp lại và phát triển thêm các đơn vị mới, tôi được cử về làm chính trị viên Tiểu đoàn 132 cùng với ảnh Phùng Minh Bội vào quãng đầu năm 1955, trao lại nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị cho anh Phụng. Hơn 3 năm, với 4 chiến dịch lãnh đạo đơn vị 101 so với quá trình phục vụ của tôi không dài, nhưng những ngày tháng ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm vui buồn không thể nào quên. Ngày ấy còn là một thanh niên hoạt bát, mỗi khi hành quân, anh em còn ngại không bước kịp; nay tôi đã là một ông già 76 tuổi lẩm cẩm khi nhớ, khi quên.

Mỗi lần gặp lại anh chị em Đội 101, tôi vui mừng vô hạn. Có nhiều anh em nhất là những anh em quay máy phục vụ tôi còn nhớ tên, vóc dáng, tính tình mà hiện nay không biết ở đâu, còn hay mất? Giá mà được gặp lại một lần. Có những đồng chí đã không còn nữa: cụ Thảo, anh Thanh, anh Châu, anh An. Tôi xin phép thắp nén hương lòng nghiêng mình trước vong linh các đồng chí ấy. Cuộc sống của một con người biết bao kỷ niệm, có cái lâu rồi cũng quên nhưng những cái sâu sắc sẽ lắng đọng mãi trong lòng tôi, đó là những ngày tháng tôi công tác ở đơn vị vô tuyến điện 101 Cục Thông tin liên lạc.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

Trở lại chiến khu xưa

Trần Ngọc Duyện (kỷ niệm về thăm Định Hóa, Thái Nguyên)


Năm xưa kháng chiến ở nơi này

Cùng với bà con lo đánh Tây

Đuổi Mỹ, lên đường nay trở lại

Người thân đâu tá, nhớ chăng ai?

 

"Uống nước nhớ nguồn" ấy chữ TÂM

Đẹp thay truyền thống của Cha, Ông

Nay thời Đổi Mới càng nên nhớ

Để mối tình người mãi sáng trong


Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)


Thăm lại chốn xưa

Tấn Đức Tạo

Tham gia một chuyến đi - do Đội 101 tổ chức lên thăm quê hương Việt Bắc, cội nguồn của những chiến công của bộ đội thông tin nói chung và liên lạc đặc biệt nói riêng, chúng tôi: Tấn "khoèo", Văn Tạo, Ái Đức, Trịnh Hùng phấn khởi lên đường.

Xe đã dừng trước Viện Bảo tàng Bắc Thái, đoàn tỏa ra ngắm cảnh.

Từ phía trong, hai cô sơn nữ áo dài xanh quần trắng lướt ra... Các cô cho biết muốn xem hết thì phải cả buổi sáng, còn đoàn lại muốn "tranh thủ" để kịp đến chợ Chu đúng giờ, đành phải hẹn: "Khi trở về sẽ vào xem", Tiếc rẻ, mấy "phó nháy" đã kịp thời làm mấy kiểu trước khi lên xe.

Đã đi sâu vào an toàn khu, nhiều người ngó nghiêng, nhổm dậy ngắm cảnh. Đây là Bờ Đậu rồi đến Giang Tiên, khu công nghiệp địa phương của thời kháng chiến.

Đường hơi xấu, xe lắc lư, chồi lên, sụt xuống làm anh em xô vào nhau suýt xoa cười vui.

Đây là đâu nhỉ? Quán Ông Già à? Quán Vuông đâu? Những địa danh gắn bó với những người đã từng sống ở An toàn khu xưa luôn được nhắc tới. Phỏng đoán nhặng xị, thơ ca cứ tuôn ra thật là vui.

Đồn Đu với cây đa cổ thụ đã là thị trấn đang đà phát triển với những nhà cao đẹp trên đường phố rộng, chẳng còn là những nhà tranh nứa nhỏ bé ngày xưa vẫn phải ẩn mình dưới bóng cây rừng để khỏi bị máy bay địch bắn phá.

Đường lên dốc, một bên là vách đồi cao, bên kia là "khúc sông Cầu nước chảy lơ thơ" với dòng nước xanh trong vắt, báo hiệu cho đoàn biết: Sắp đến cây số 31 sẽ vào đường đi Quán Vuông rồi đấy!

Quán Vuông hay quán tròn, ai đặt tên mà hay nhỉ? Chẳng ai giải đáp được, nhưng các chiến sĩ liên lạc đặc biệt đều biết đây là đầu nút giao thông có đường tỏa đi các hướng, địa bàn mà các cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và các đơn vị trực thuộc đã từng đóng quân trong suốt thời kỳ chống Pháp.

Đã tới Chợ Chu, thị trấn của Định Hóa. Những ngôi nhà cao tầng mái ngói đỏ tươi, sáng sủa, đã thay hẳn bộ mặt u buồn của thị trấn trước kia, với những ngôi nhà xám xịt, những công sở mốc meo, đổ nát, từ thời "quan Tây" để lại.

Chiều hôm đó, đoàn vào thăm Kim Sơn, Khuôn Câm - những nơi trước kia Cục Thông tin và một số bộ phận đã ở. Riêng Văn Tạo tách đi tìm mộ anh Thoa, bạn chiến đấu liên lạc đặc biệt thời xưa, hiện đang nghỉ đâu đó trong nghĩa trang Chợ Chu, và kết quả tốt đẹp của cuộc đi thăm đã làm Tấn "khoèo" có thêm nội dung "đối ngoại" với các đồng chí lãnh đạo của huyện trong buổi chiêu đãi cuối ngày. 

Tại hội trường Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa đã diễn ra cuộc gặp gỡ thân tình giữa các đồng chí lãnh đạo cùng các cán bộ cơ quan huyện với anh chị em trong đoàn. Đồng chí Bí thư huyện ủy cho biết: nền kinh tế của huyện mới bắt đầu khởi động nên Định Hóa còn nghèo, nhưng vốn giàu về truyền thống cách mạng với Tỉn Keo, Định Biên lịch sử... nhân dân các dân tộc Định Hóa đang nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tích to lớn để xứng đáng với danh hiệu "Anh hùng" mà Nhà nước đã phong tặng. Những câu chuyện, những kỷ niệm xưa làm nhiều anh chị em xúc động, rưng rưng nước mắt, những giọng ca tiếng hát đã làm đậm đà thêm tình nghĩa quân dân, tình nghĩa của thế hệ trước với thế hệ hiện nay, đã gắn bó và đang xây dựng Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn.

Kết thúc cuộc gặp mặt, đồng chí trưởng đoàn Nguyễn Diệp đã trao tặng đồng chí Bí thư huyện ủy bức trướng với dòng chữ: "Tình nghĩa quân dân sắt son" lưu mãi tình cảm của anh chị em với An toàn khu đầy ân tình.

Lại qua Quán Vuông để xuống Yên Thông, nơi đây bây giờ đã là ngã ba đông đúc với các cửa hàng, quán chợ, với các trường phổ thông cấp II, cấp III và từ đây một con đường trải đá đã chạy qua Điềm Mạc, Phú Đình tới Tỉn Keo lịch sử. Nơi đây Bác Hồ đã ở và làm việc trong suốt cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; cũng từ ngã ba đường này lại có con đường khác chạy thẳng tới Bảo Linh, nơi đã có Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vùng mà các cơ quan thuộc Bộ Tổng tư lệnh đã đóng quân như Bao Biên, bản Mù, bản Cái, bản Quặng...

Trong hội trường bằng gỗ lợp lá cọ với những chiếc ghế dài mộc mạc, chúng tôi được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thanh Định - một đồng chí còn rất trẻ - giới thiệu tình hình địa phương một cách khá cặn kẽ.

Bản Cái đây rồi!

Nơi đây đã ghi những dấu ấn khá đậm nét của Ban liên lạc đặc biệt thời xưa; nơi mà Ban liên lạc đặc biệt được tổ chức thành Tiểu đoàn thông tin đầu tiên của Quân đội ta vào tháng 5 năm 1950 với cái tên quen thuộc: Tiểu đoàn 36 - nơi mà cơ sở đảng từ tổ L phát triển và trưởng thành lên chi bộ Hà Huy Tập, không còn phải sinh hoạt ghép với các cơ sở đảng của vô tuyến điện và hữu tuyến điện nữa. Và đây cũng là nơi "đất lành chim đậu" đơn vị đã đóng quân với thời gian lâu nhất: từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1951.

Với vẻ thành thạo, Tấn "khoèo" tiến lên trước, theo sau là anh Diệp - nguyên Tư lệnh Thông tin, người đã gắn bó nhiều với Liên lạc đặc biệt từ những năm xưa. Với chiếc Camera trong tay, anh hỏi: "Gốc mít đâu?".

Đảo mắt nhìn quanh thấy một cây mít ven đồi, chúng tôi bước tới và trong khi anh Diệp lia camera ghi lại hình ảnh gốc mít đã lưu danh trong sử thông tin liên lạc, thì Tấn "khoèo" bồi hồi xúc động ghi lời trong băng hình: "Trên quả đồi này, gốc mít năm xưa tên gọi xóm Bưởi, chính đây là tổng trạm "Xì Bê" nơi phân phối các công văn, chỉ thị của các cơ quan Bộ, Trung ương, Chính phủ tỏa đi các nơi trong cả nước. Bên cạnh là Đại đội 29 sáng sáng chào cờ với bài hát truyền thống "Đại đội 29 oai hùng" của các chuyển đạt viên đã từng đặt chân trên khắp núi rừng Việt Bắc... bên trong là đất của Tiểu đoàn bộ, nơi mà các cán bộ kỳ cựu: Bác Văn, Thọ Anh, Đức "điếc"... cùng dàn thành viên tươi trẻ: Hợp "con", Quý "mọt", Thanh "méo", Vinh "gầy" đã giúp Ban chỉ huy xây dựng, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt chức năng "mạch máu" của quân đội trong thời kỳ kháng chiến gian khổ...".

Vì phải phân thân đi với 101, Ái Đức tranh thủ đến thăm mấy người quen cũ. Đến nhà cô Nguyệt nhí nhảnh năm xưa thì Nguyệt đang nằm viện, đến nhà anh Thượng định gặp chị Minh - vợ anh - người trước kia có khuôn mặt khá xinh, thì chị Minh lại đi vắng...

Còn lại Tấn "khoèo", Văn Tạo lững thững đi và đã gặp một số cháu nhỏ. Các cháu ăn mặc cũng màu sắc, quần áo kiểu cách, mạnh dạn bắt chuyện, chứ không nhếch nhác, rụt rè như các bậc cha chú thuở xưa.

Đang ngồi nói chuyện trên sàn nhà anh Bằng, chúng tôi thấy có tiếng chân lên cầu thang, rồi một dáng người dong dỏng bước vào.

"Biết tin các anh về chơi, mừng quá lên thăm. Thời các anh ở đây em còn bé, thường theo chị đi xem các buổi liên hoan do đơn vị tổ chức, vui lắm! Em còn nhớ có anh nào quây quấy, hay hát bài "Tôi kể anh nghe câu chuyện thu đông giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc... đùng đùng đùng... đoàng đoàng đoàng!". Không biết bây giờ anh ấy còn sống không và ở đâu?".

Văn Tạo chỉ vào Tấn "khoèo" lúc đó đang tủm tỉm:

- Chính anh ấy đây!

Thế là anh ta ôm lấy Tấn "khoèo" vỗ lưng bùm bụp rồi yêu cầu chép cho bài hát ấy...

Đang trên đường ra thăm mộ cụ chủ nhà trước kia Tiểu đoàn bộ đã ở, chúng tôi bị một giọng phụ nữ từ ngôi nhà sàn sau rặng tre xanh gọi lại. Thật ngạc nhiên và cảm động: chúng tôi vừa tới mà sao một nhà hẻo lánh ở cuối xóm đã biết, mà còn gọi đúng tên cúng cơm nữa cơ chứ!

Khi chúng tôi đang thắp hương trên mộ thì anh bạn lúc nãy lại xuất hiện với chiếc máy ảnh trong tay, anh xin được ghi lại dấu ấn đầy tình nghĩa này, rồi lại mời chúng tôi về nhà để cùng bà mẹ già - chính là bà cụ Kiểm ngày xưa - và toàn thể gia đình anh chụp một kiểu ảnh làm kỷ niệm. Không thể vô tình với giọng nữ lanh lảnh lúc nãy, chúng tôi tìm đến nơi: một bà đã có tuổi đang ngồi chờ để gặp lại những người trước kia đã cùng sống trên mảnh đất này. Nào là Khánh, Đức, Bích, Hiên bây giờ ở đâu? Nào là Khoát "sứt", bác Huyến "già", tiểu đội "Tương lai"... Ái Đức mà được gặp chắc có bao nhiêu chuyện để kể. Thăm lại nơi đã tổ chức ngày lễ thành lập Tiểu đoàn và phong quân hàm cho hạ sĩ quan, binh sĩ, chúng tôi chỉ thấy nhà là nhà, bãi đất rộng xưa nay không còn nữa. Đang cùng nhau nhắc lại chuyện xưa, chúng tôi lại được tiếp một ông nữa từ trong ngõ nhỏ chạy ra: tay trong tay mừng rỡ, ông ta nói: "May mắn lắm mới được gặp lại các anh...".

Tin chúng tôi tới bản Cái đã được truyền đi khá rộng, phải chủ động đến thăm các nơi quen cũ kẻo "bên trọng bên khinh" thì thật là không tiện. Tới đâu cũng thấy bừng lên tình cảm gắn bó thuở xưa. Những tên Lộc "đen", Sơn "sì", Tạo Sinh, Lê Hia, Lê Cao... và cả tên mấy cô tố nữ cũng luôn được nhắc tới. Dẫn nhau đi thăm cảnh xưa, có người còn chỉ cho chúng tôi: đây là nhà Thu "đen", Đậu "Trương Phi", gốc cây này là nơi đặt máy nổ phát sáng trong ngày thành lập Tiểu đoàn, cả nơi có quán bà Mây, bà Mỹ, nơi mà anh em thường ra để tìm "chất tươi" sau những chuyến đi mệt nhọc về, cũng được dẫn qua...

Đâu cũng đầy ắp kỷ niệm, nhưng điều làm chúng tôi hơi buồn là mái đình to với cây đa cổ thụ - nơi xưa kia đơn vị thường tập trung vào những dịp lễ lớn - nay không còn nữa: hai đợt bom địch phá trụi, nay chỉ còn là bãi cỏ rộng với nương sắn xanh rờn.

Tình xưa còn khá đậm nhưng cảnh cũ nay còn đâu?

Tối hôm đó, quanh bếp lửa hồng chúng tôi có cuộc hàn huyên cùng gia đình anh Thượng, với chú Bằng ở nhà trên xuống, cùng chú Thu ở bản Piềng vào vì chú nói: "Gặp xe ở ngoài đó, nhìn mãi chẳng thấy ai quen, được biết là xe từ bản Cái ra, chắc thế nào các anh cũng lên chơi, phải vào để gặp mặt" tình cảm của chú bé thời xưa đã gắn bó với chúng ta như thế đó!

Đời sống của bản Cái đã được cải thiện nhiều, chẳng giàu có nhưng cũng đủ ăn. Nhiều gia đình đã có tivi, xe máy; con em trong bản cũng được học hành chu đáo, nhiều người đã trưởng thành, thoát ly đi công tác, góp phần nâng cao dân trí của địa phương, như anh Thượng trước kia là Việt Minh xã, sau làm tổ chức của khu Việt Bắc, hiệu trưởng Trường trung cấp kỹ thuật, nay đã về hưu. Con trai anh là bác sĩ có phòng khám chữa bệnh tại nhà, con gái con dâu đều là giáo viên, các cô Đào, Lựu thời xưa thường "bám gấu áo mẹ" nay đã là giáo viên cấp III, bác sĩ bệnh viện đa khoa Bắc Thái, chú Thu trước kia là đứa trẻ chăn trâu, nay đã là kỹ sư khu gang thép. Trong bản còn có cả chuyên gia sang giúp Lào, có cả hội viên Hội Nhà văn, mấy vị đại tá và còn có cả chú Toàn thời xưa chân đất cắp sách đi học, nay đã là đương kim Chủ tịch tỉnh Bắc Thái: những bước tiến, những đổi thay đáng khích lệ đối với một nơi hẻo lánh của núi rừng thuở xưa!

Trước khi đi ngủ, Tấn "khoèo" đã trao cho anh Thượng chồng sách mà Trịnh Hùng đã mang từ Hà Nội lên để nhờ anh chuyển cho thư viện địa phương, gọi là có một chút quà nhỏ góp vào sinh hoạt tinh thần của anh chị em, bà con bản Cái nhiều gắn bó.

Sáng hôm sau, mặc dù trời còn mưa rả rích anh Thượng vẫn khoác áo tiễn chúng tôi ra tận Yên Thông vì anh nói "chẳng biết có dịp nào nữa để được gặp lại nhau".

Vì cầu Quảng Nạp chưa xây, nước suối lại dâng cao, xe không thể vượt qua được, đành phải quay lại, qua cây số 31 để tới Đại Từ.

Thế là hết thời cơ qua Sơn Phú, Quảng Nạp, chẳng được thăm lại quán Ông Già, quán Xôi Vò - nơi mà anh em liên lạc đặc biệt đã đọng lại bao kỷ niệm nắng mưa của một thời gian khổ trước kia.

Đại Từ đây!

Cây đa đầu đường vẫn hiên ngang vươn tán cao trên tầm các nhà ngói, bê tông mới mọc. Đại Từ đây đã ghi bao kỷ niệm liên lạc đặc biệt trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

"Đại bản doanh" liên lạc đặc biệt đã được đặt tại đây để tổ chức chỉ huy các tuyến liên lạc đặc biệt tỏa đi các nơi.

- Từ đây có con đường đi Cao Vân, Văn Lãng, vượt qua Đèo Khế sang Tuyên Quang, Phú Thọ, mà quân của ông Lê Phương Long, Cao Uyên "lùn" gồm các bủ E, bủ Thé... vẫn hàng ngày thoi đưa để giữ vững liên lạc với Khu 10.

- Từ đây băng qua Lục Ba, Ký Phú tới Quân Chu, anh em liên lạc đặc biệt đã vượt núi lên trạm Tam Đảo, thẳng tới Me, thông đường liên lạc với Khu 3, Khu 4 qua các thời đạo trưởng Sĩ Học, Hoàng Hiên, Đức Luận, Bá Hồi...

- Cầu Huy Ngạc đã bị phá để chặn vết xe địch nhưng nước lũ sông Công không ngăn được bước chân của các chiến sĩ liên lạc đặc biệt ta giữ vững liên lạc với Khu 1, Khu 12, Bắc Cạn... dưới thời các cán bộ Trung Thành, Duy Bình...

Nay cầu Huy Ngạc đã được xây dựng lại, đường đi Thái Nguyên, Tuyên Quang đã được mở rộng, trải nhựa, xe cộ nhộn nhịp băng qua, nhưng không biết lán than ở Quân Chu cũng như đường mòn lên đỉnh Tam Đảo vẫn còn hay đã bị thời gian và cây rừng xóa mất dấu vết?

Quân của đoàn bộ nhớ chăng Na Mao với vũng suối sâu mà hàng ngày ta thường ra đây vùng vẫy và cả bà mế già đã từng chăm sóc chúng ta những khi yếu đau thay cho mẹ hiền ở chốn quê xa?

Quên sao được Ba Giăng với quán Cô Liên hiền dịu mà anh em ta thường vào nghỉ chân sau một chặng đường dài vất vả? Từ đây có con đường vào Hoàng Nông, xã Chiến Đấu nơi mà tháng 9 năm 1949 đã diễn ra hội nghị tổng kết nghiệp vụ và học tập chính trị, mở đầu cho đợt rèn cán, chỉnh quân của đơn vị và cũng tại đây, bài hát "Tổng phản công" hơi lạc quan tếu đã vang lên đầy khí thế ghi lại một kỷ niệm sâu sắc của thời thanh niên sôi nổi.

Bên kia đường là đất Hạ Lương, nơi mà tổ L (tổ Đảng của liên lạc đặc biệt) được chọn là tổ Đảng khá nhất của chi bộ Trần Phú (chi bộ Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy) và tổ đã vinh dự được đồng chí Tổng chính ủy Võ Nguyên Giáp cùng đứng chụp chung một kiểu ảnh làm kỷ niệm.

Tại Cây Soan của xã Hạ Lương này, những anh em cũ của Đại đội 29 chắc cũng không quên những ngày từ Trung đội 234 phấn đấu vươn lên để phát triển thành đại đội đầu tiên của tiểu đoàn với bài ca "Đại đội 29 oai hùng" âm vang một thuở.

Và cũng tại đây, đồng chí Nguyễn Doanh Lộc - người chiến sĩ liên lạc được nêu danh vì bức điện trước giờ Toàn quốc kháng chiến - sau cả cuộc đời gắn bó với công tác, chuyển đạt quân bưu, đã chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng, đậm thêm mối tình Kinh - Tày thủy chung son sắt.

Xuống phía nam một chút, có Bờ Rạ hậu cứ của Cục Công binh đã một thời bị liên lạc đặc biệt lấn chiếm – nơi đã xảy ra một cuộc đấu bóng chuyền khá quyết liệt giữa đội của liên lạc đặc biệt với đội của Cục Công binh lừng danh thời đó, mà đội liên lạc đặc biệt suýt thắng vì tỷ số lẽ ra là 21/19 nghiêng về đội liên lạc đặc biệt, vì đội công binh đá hỏng quả cuối cùng, nhưng... "toét"! Tiếng còi ác nghiệt của trọng tài Sơn "sì" đã thổi phạt Bá Hồi vì đã sờ nhẹ vào lưới, tạo cho đội công binh lật ngược thế cờ. Thắng được đội công binh lừng danh, ắt đội liên lạc đặc biệt phải là "siêu lừng danh!".

Còn nhiều nơi nữa, với bao kỷ niệm, đã đến được tận Đại Từ rồi mà không thăm được các nơi đó (chỉ vì cái tội đi ăn theo) chúng tôi cảm thấy thiêu thiếu, tiêng tiếc, viết lên mấy dòng cho đỡ nhớ nhưng lại càng thấy nhớ...

Trong hội trường của Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, anh chị em trong đoàn bồi hồi kể lại:

- Từ là cô nữ sinh Hà Nội lên rừng đánh giặc, á hậu Sĩ Nga đã vững maníp phát đi bao lệnh chiến đấu, tới ca sĩ Hoàng Liên, với giọng trầm ấm bằng bài "Việt Bắc" đã kết thúc câu chuyện kể về thời đập nứa làm nhà khi gia đình cụ Hoàng Đạo Thúy còn ở xã Chiến Đấu.

Cho đến các chàng trai "tóc đã hết màu đen" cũng không kém phần xúc động khi hồi tưởng lại thời trai trẻ đã dọc ngang trên mảnh đất "lử khử lừ khừ" này, nay đã qua 50 năm, tóc đã bạc, da đã mồi, răng đã rụng, không khỏi bùi ngùi thương nhớ...

Nhớ những nhà sàn sớm chiều phảng phất khói lam.

Nhớ nương chè đồi cọ, nhớ hương lúa nếp ven làng.

Nhớ bếp than hồng, nhớ củ sắn lùi, nhớ ống cơm lam.

Nhớ những dòng suối trong xanh mát rượi...

Và nhớ nhất là tình cảm chất phác chân thành của các mẹ, các chị, của đồng bào các dân tộc trong An toàn khu đã săn sóc, động viên giúp đỡ anh chị em chúng tôi trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ để cùng nhau làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ngày nay.

Qua một đêm mơ màng theo thiên tình sử của hồ núi Cốc, sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt trước Viện bảo tàng Bắc Thái để chứng minh lòng chung thủy với lời đã hẹn: "Khi trở về sẽ vào xem".

Thế nhưng... Chờ mãi chẳng thấy...

Chẳng thấy những tà áo xanh quần trắng lướt ra.

Mà cũng chẳng thấy những chiếc khăn piêu sặc sỡ xuất hiện: té ra hôm nay là ngày thứ hai, ngày mà các viện bảo tàng đều đóng cửa nghỉ thay cho ngày chủ nhật!

Xa dần Việt Bắc

Mờ dần những dải núi xanh

Chúng tôi nao nao... nhớ nhớ...

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

6/11/24

Lễ chào cờ nhớ mãi

Trần Việt Quang - nguyên cán bộ Đội 101

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại trên toàn Đông Dương. Nhiệm vụ thông tin vô tuyến điện càng thêm nặng nề vì tất cả những công tác chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ trong việc chuyển quân, tập kết ngừng bắn trên toàn Đông Dương, đều dựa vào phương tiện thông tin vô tuyến điện. Ở Sở chỉ huy cơ bản của Bộ, vốn dĩ đã rất nhiều việc, nay lại tăng lên gấp bội, nhưng anh chị em Đội Vô tuyến điện 101 đều rất phấn khởi làm việc, nhiều đồng chí phải trực 24/24 nhưng vẫn vui vẻ không biết mệt mỏi, không những thế còn phải cử một số đài đi công tác, biệt phái như đồng chí Nguyễn Diệp đi với đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trong Ban Liên hiệp đình chiến.

Đầu tháng 10 năm 1954, đồng chí Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy triệu tập cán bộ chủ chốt cơ quan và các thủ trưởng đơn vị trực thuộc phổ biến nhiệm vụ mới: "Các đồng chí chuẩn bị tiến về Hà Nội".

Sáng sớm ngày 8 tháng 10 năm 1954 chúng tôi đã thấy một đoàn xe ô tô đến đón để về tiếp quản Thủ đô. Đoàn xe chúng tôi vượt qua đèo Khế, qua phà Bình Ca, phà Ngọc Tháp, phà Trung Hà, chưa đầy một ngày đã về đến thị xã Sơn Tây. Tuy về vào lúc trời sẩm tối nhưng các tầng lớp nhân dân biết tin đã ra đón rất đông vui. Cả đêm hôm ấy, hết các đoàn thể đến thăm hỏi lại liên hoan văn nghệ, hầu như không được ngủ chút nào, nhưng anh chị em đều vui vẻ phấn chấn.

Sáng sớm ngày 9 tháng 10 năm 1954 đoàn tiếp tục lên đường chính thức vào tiếp quản Thủ đô. Từ Sơn Tây về Hà Nội quãng đường chỉ hơn 40 km nhưng đoàn ô tô chúng tôi luôn phải dừng lại dọc đường vì các đoàn đại biểu nhân dân, cờ, hoa, khẩu hiệu ngăn đón suốt dọc đường, mãi đến 15 giờ mới về đến đền Voi Phục. Tại đây, chúng tôi được đồng chí Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy phổ biến nhiệm vụ cụ thể hơn: Cục Thông tin và Đội Vô tuyến điện 101 cùng tiến vào nội thành (Hoàng cung cũ) cùng Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục. Cơ quan Cục Thông tin, Đội Vô tuyến điện 101 đóng tại sân cột cờ là nơi Trung tâm Thông tin quân đội viễn chinh Pháp vừa rút khỏi trước đó mấy phút; một số điện đài sẽ triển khai tại sau sân con rồng (điện Kính Thiên - nơi nhà vua ngự triều trước đây). Lầu Chính Nam môn, lầu Chính Bắc môn, lầu Công chúa.

Đồng chí nói: Thông tin chúng ta được vinh dự cử ba đồng chí làm nhiệm vụ kéo lá cờ Tổ quốc lên cột cờ Hà Nội (cột cờ cao 60 m của Thăng Long - Hà Nội cũ) để toàn dân toàn quân làm lễ chào cờ mừng Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Ngay lúc đó, một chiếc xe ô tô chở đến một lá quốc kỳ dài 18 m, rộng hơn 10 m, tôi và hai đồng chí nữa được cử ra nhận nhiệm vụ kéo lá cờ ấy và được trang bị một máy bộ đàm BC1000 để liên lạc với Ban tổ chức nhận lệnh.

Đúng 18 giờ ngày 10 tháng 10 năm 1954, tôi cùng ba đồng chí trong Đội Vô tuyến điện 101 đã tập hợp dưới chân cột cờ, khi được lệnh đã kéo lá cờ vinh quang của Tổ quốc lên đỉnh cột cờ của cố đô Thăng Long giữa tiếng hùng tráng của bản nhạc Tiến quân ca của đoàn quân nhạc và 21 loạt đạn đại bác của pháo binh ta. Từ đó, anh chị em Đội Vô tuyến điện 101 tiếp tục được giao nhiệm vụ hàng ngày kéo cờ và hạ cờ để nhân dân được chiêm ngưỡng. Cho đến sau này bàn giao nhiệm vụ này cùng với vị trí doanh trại cho Bảo tàng Quân đội.

Vô cùng xúc động trong buổi lễ trang nghiêm trọng thể này, tôi có ghi lại mấy câu thơ sau:

Chín năm kháng chiến trường kỳ

Sáng nay náo nức tiến về Thủ đô

Lệnh truyền mà tưởng trong mơ

Bao năm chờ đợi, bây giờ là đây

Ước gì có cánh mà bay

Về ba sáu phố thỏa ngày nhớ mong

Bước đi như sóng điệp trùng

Cờ hoa tràn ngập trong lòng cờ hoa

Khắp nơi vang khải hoàn ca

Cột cờ cổ kính sao mà uy nghiêm

Sao vàng cờ đỏ kéo lên

Suốt đời nhớ mãi không quên phút này

Ngàn năm văn hiến là đây

Bệ rồng điện ngọc nơi này phải không

Máu xương bao lớp anh hùng

Thấm từng tấc đất Lạc Hồng bấy lâu

Điện đài ta đặt trên lầu

Vinh quang cho thỏa rừng sâu những ngày

Cờ hồng, sóng điện tung bay

Vút cao trên chín tầng mây - chín tầng.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)