2/11/24

Trung đội 2, Đại đội 99 Hữu tuyến điện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tá Nguyễn Huy Văn - nguyên Trung đội trưởng kiêm Chính trị viên Trung đội 2 Đại đội 99

Về hậu cứ nằm trong an toàn khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 303 đã từng trú quân ở nhiều xã: Cù Vân, Phú Cường (Đại Từ), Khuôn Câm, Bản Chú, Bộc Nhiêu, Bản Lá, Quảng Nạp (Định Hóa), nhưng tốt nhất là ở Hợp Thành (Phú Lương - Thái Nguyên), một địa điểm lý tưởng, vừa kín đáo, vừa tiện lên Cục Thông tin liên lạc và Bộ Tổng Tham mưu, thuận đường ra Đu, xuống Phan Mễ lĩnh gạo, xuất quân đi được mọi hướng chiến dịch. Liên hệ với những điều Bác Hồ chỉ dẫn chọn nơi ở cơ quan của Bác: "Trên có núi, dưới có sông - có đất ta trồng - có bãi ta chơi - Tiện đường sang Bộ Tổng - thuận lối tới Trung ương - Nhà thoáng ráo, kín mát - gần dân, không gần đường". Mới hay các anh lãnh đạo Tiểu đoàn khi đó tài thật. Hội trường lớn được dựng lên kín đáo, dưới tán cây rừng bằng tre, nứa, lá, cao ráo vững chãi, đủ cho hàng nghìn người ngồi. Còn có cả sân khấu để biểu diễn văn nghệ, do bàn tay khéo léo của các "thợ cả", "thợ nhỏ" từ các đại đội cử ra làm.

Mùa hè 1953, Quân đội ta tiến hành chỉnh quân chính trị. Các tiểu đoàn ủy, bí thư chi bộ, cán bộ cấp đại đội và cả cánh chi ủy viên tuyên huấn như tôi, được triệu tập lên dự động viên của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu. Thật vui mừng lần đầu tiên tôi được nghe đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Bí thư Tổng Quân ủy phân tích một cách súc tích những mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị này. Trở về, chúng tôi đều tâm niệm sẽ học tập đạt kết quả cao nhất.

Đồng chí chính trị viên tiểu đoàn lên lớp trình bày một cách khúc triết, rành mạch, làm cho anh em, từ cán bộ đến chiến sĩ, tuy mới chỉ biết đọc, biết viết, đều có thể hiểu được. Cuộc đấu tranh tự phê bình và phê bình thực sự tự giác, nghiêm túc, đã kết thúc thắng lợi cuộc chỉnh quân. Buổi liên hoan văn nghệ "cây nhà lá vườn" mừng học tập thành công đã cuốn hút tất cả nam nữ thanh niên địa phương tham gia. Có đơn ca, tốp ca, thi đồng ca trung đội, đại đội, có kịch tự biên, bi có, hài có; phản ánh những nét sinh hoạt riêng của các anh lính thông tin; đặc biệt là về anh nuôi, người được mọi người yêu mến. Có những điệu nhảy sôi nổi một thời như "sòn sòn đô sòn" hoặc "son son lá son"...; với những chàng trai, cô gái hóa trang đủ màu sắc các dân tộc Việt Nam làm nhiều người ngơ ngẩn. Đại đội điện thoại 99 của chúng tôi bước vào chỉnh huấn quân sự, chuyên môn. Cán bộ, chiến sĩ đều phải tập luyện thành thạo kỹ thuật cơ bản với chất lượng cao nhất và thời gian ngắn nhất. Các kiểu nối dây như nút dẹt, nút củ ấu, nút chữ T (chữ đinh) phải làm đúng cách nhanh từ 1 phút rưỡi xuống 1 phút 25 giây, có đồng chí thi đua đạt được 1 phút. Việc ra dây, cuộn dây cũng phải nhanh, biết lợi dụng địa vật để rải dây, gác dây, ghim dây... Cần phải bảo đảm tổ chức đường dây đáp ứng mọi yêu cầu của chỉ huy, hiệp đồng.

Thật không đơn giản, mọi người đã phải đổ nhiều mồ hôi, dãi dầu mưa nắng, ngày đêm tập luyện để thích ứng được ngoài chiến trường.

Từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1953, Đại đội 99 được tăng cường cho Tiểu đoàn 132 làm đường dây trần chính quy đầu tiên từ An toàn khu lên biên giới Việt - Trung, đoạn từ làng Hích, qua La Hiên, Võ Nhai, vượt đèo Bò Đái vào đất Bắc Sơn tỉnh Lạng Sơn. Đây là một thử thách về ý chí, tinh thần và hành động cụ thể sau chỉnh huấn. Không có dụng cụ chuyên dùng, chỉ bằng quyết tâm, với cuốc xẻng, dao tông bộ binh, mà đi phát tuyến, đào lỗ chôn cột, không bớt xén độ sâu quy định, theo đúng tiêu chuẩn 50 m một lỗ cột, dù gặp đá tảng cũng phải đào đúng cự ly. Anh em đã từng quen lao động mà vẫn bị phỏng nước, tóe máu, rồi thành chai trong lòng bàn tay. Thời tiết đã khá lạnh mà anh nào anh nấy từ sớm đến chiều tối ướt đẫm mồ hôi.

Những tin thắng trận đánh địch nhảy dù xuống Lạng Sơn, lấn ra Tây Nam Ninh Bình, tập kích mấy làng ven biển Nam Thanh Hóa, rút chạy khỏi Nà Sản... làm rộ lên phong trào thi đua làm tốt, làm nhanh, hoàn thành sớm khối lượng công việc được giao để kịp thời phục vụ chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 tới.

Cuối tháng 10 năm 1953, Đại đội 99 được lệnh cấp tốc về khu vực Phúc Ứng - Đa Năng huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Trên đường anh em từng quen thuộc từ địa danh Vô Tranh, Bờ Đậu, Cù Vân, Đại Từ, Đèo Khế... đến các chiếc cầu, con suối phải lội qua, nay thật ngỡ ngàng, bất ngờ, đường đã được mở rộng, cầu đã được bắc mới, hoặc ngầm đã được sửa cho ô tô các loại có thể qua dễ dàng.

Công việc đầu tiên của chúng tôi là chấn chỉnh tổ chức. Biên chế khác hẳn trước, tổ "tam tam" không phải là 3 người mà là 4, 5; tiểu đội 12-15 người; trung đội gồm 4 tiểu đội, do đó cơ số khí tài dây máy tăng lên. Toàn đại đội phải trên 200 người; toàn tiểu đoàn phải 700-800 người. Rầm rộ, vững mạnh làm sao.

Đồng chí Trần Sơn - Bí thư Tiểu đoàn ủy, chính trị viên kiêm tiểu đoàn trưởng tới dự Đại hội chi bộ 99, truyền đạt nghị quyết cấp trên. Đại hội bàn bạc, xác định quyết tâm lãnh đạo đơn vị, cụ thể trước mắt là: Không sợ gian khổ hy sinh, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất cứ nơi nào. Bảo đảm đoàn kết, tổ chức hành quân tốt. Bảo đảm quân số, trang bị khí tài tốt. Giữ bí mật.

Cuộc hành quân của đại đội tôi thật hiếm thấy: Khí tài nhiều, nặng, mỗi chiến sĩ dây thường phải 3-4 guồng sừng bò (trên 1 km), lại thêm quân, tư trang cộng 8 ngày gạo và thực phẩm, dụng cụ, cuốc xẻng, dao dựa, vũ khí, chia mỗi người mang một phần; trường hợp có anh em ốm đau yếu mệt quá, còn chia ra mang giúp nhau. Do đó, mỗi đồng chí mang vác, gánh gồng phải tới 35-40 kg. Lại đi ròng rã trên một tháng trời, đường dài ngót 600 km (chính xác 593 km) chia 5 cung đoạn, mỗi cung nghỉ một ngày: Bắc Sơn – Đa Năng (113 km), Đa Năng - Ba Khe (130 km), Ba Khe – Cò Nòi (130 km), Cò Nòi - Thẩm Púa (145 km), Thẩm Púa Bản Nghỉn (75 km).

Gần 1/3 quãng đường là đường đèo (118 km đường đèo trên 600 km) với 14 cái dốc cao từ 6-12 độ, dài nhất là Pha Đin (32 km). Qua nhiều trọng điểm máy bay địch thường đánh phá, với đủ các loại bom: nổ chậm, na-pan. như ngã ba Bách Lãm, bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô, bến Tạ Khoa, Cò Nòi, Pha Đin, Tuần Giáo..., có lúc phải vừa đi vừa chạy, để vượt qua khu vực còn bom nổ chậm mà công binh chưa phá kịp.

Cán bộ trung đội chúng tôi không được phép nghỉ, ngủ trước chiến sĩ nếu chiến sĩ chưa có lán, chưa có nơi nghỉ tốt, chưa có hầm tránh máy bay. Về mục tiêu cụ thể của chiến dịch, các tay "tham mưu con" cứ đoán mò: Anh thì cho rằng đường này nhất định đưa xuống đồng bằng, đánh vào Sơn Tây - Hà Đông hay Nam Định - Ninh Bình, tha hồ ngắm các cánh đồng bát ngát lúa chín vàng, hoặc may chăng gặp người thân quen từ vùng sau lưng địch ra phục vụ chiến dịch. Có anh đoán chắc lại lên Tây Bắc – Lai Châu, hay sang Thượng Lào... sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đến với bộ đội, lính ta khoái lắm, hát vang: "Hành quân xa, dẫu có nhiều gian khổ, vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi. Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước, đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi".

"Đời-chúng-ta-đâu-có-giặc-là-ta-cứ-đi". Chầm chậm, dằn từng câu một, thế là mệt mỏi, thắc mắc nào cũng xua tan đi, chiến trường nào cũng không lùi bước...

Tôi vẫn vui, vẫn hát: "Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến-Mặc trời mưa-Mặc đường trơn-Mặc đèo cao dốc đá-Mặc hành quân mang nặng-Ta cứ đi-Ta vẫn vui-Quyết mang chiến công về...". Khi gặp đơn vị bạn, hoặc dân công, lính ta tỉnh như sáo, càng hát hò mạnh.

Các cô dân công hóm hỉnh hay thích trêu bộ đội, chẳng hiểu sao, ai cũng thích anh nuôi, quý anh với đôi sọt to, gồng gánh nào nồi, nào xoong, nào đĩa bát..., và gọi "lái" cho anh cái tên thân yêu "Văn Công".

Ơ hò... suốt đời em chẳng yêu ai

Yêu anh bộ đội gánh hai cái nồi...

Có cô nói ngọng thành yêu anh bộ đội có hai cái "Lồi". Thế là cả hai bên bộ đội và dân công lại cười rộ lên. Các cô khúc khích khoái chí vì cho rằng mình đã chọc đúng "tủ" bộ đội rồi. Chẳng chịu kém, bộ đội đỡ đòn ngay cho anh nuôi, ứng khẩu hò:

Ơ hò.... Cô về nói với bầm cô,

Đong cho nhiều gạo, sắm xe thồ mà theo.

Hò vè liên tiếp, vừa đi vừa chạy, vừa đối đáp, chẳng ai chịu thua ai, quên cả mệt nhọc nữa.

Sau cái đêm đi cật lực qua đèo Pha Đin, đã qua chặng đường trên 500 km, chúng tôi được nghỉ một ngày tắm giặt, rồi lại hành quân tiếp. Trung đội 2 đến lượt dẫn đầu đội hình đại đội. Đến ngã ba Tuần Giáo, chưa biết rõ về đâu, sang phải đi Lai Châu, hay quay trái đi Điện Biên Phủ, thì đây rồi; Một cái biển, mỗi chiều rộng chừng 25-30 cm, cặp trên đầu chiếc cọc tre với mấy chữ: "Trạm gốc Mít ở đây", đó là tiền trạm của Tiểu đoàn đón Đại đội 99, đưa chúng tôi rẽ hướng Điện Biên, lọt vào một thung lũng bốn bề núi cao như giăng thành, các đơn vị công binh đang khẩn trương miệt mài mở rộng con đường mòn ngựa đi, để cho xe ô tô kéo pháo. Nhiều đoạn ta-luy có chỗ cao hàng chục mét, vàng ệch màu đất mới. Nhiều tảng đá còn khét mùi choòng đục, và mùi cháy khét của thuốc bộc phá. Cảnh vật trên càng thúc giục chúng tôi nhanh bước chân, với cảm tưởng sắp giáp mặt với quân thù.

Nửa đêm, chúng tôi rẽ vào nơi đóng quân, bên lề đường tôi ngó thấy một cột mốc bằng thân cây gỗ tròn, đường kính chừng 20 cm, vạt bằng một bên đề chữ "Km 15". Sau này tôi mới biết đây là Thẩm Púa.

Nhiệm vụ cụ thể được trên phổ biến: Thông tin bảo đảm chỉ huy cho chiến dịch "Trần Đình" (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Sau thảo luận sôi nổi, bàn bạc kỹ, từng cá nhân, phân đội hạ quyết tâm bằng giấy, với tấm lòng thật, rất thật - sẵn sàng làm mọi việc, kể cả phải hy sinh tính mạng cho thắng lợi của chiến dịch "Trần Đình".

Cán bộ trung đội thường có 3, 4 người, do phát triển của tiểu đoàn, chúng tôi chỉ còn hai người. Anh Nguyễn Hữu Cầu, trung đội trưởng cũ đã được đề bạt đại đội phó. Tôi đã học anh rất nhiều trong nghiệp vụ chuyên môn. Anh Lê Huyến - Trung đội phó được điều đi xây dựng một trung đội chuyên trách nội bộ Sở chỉ huy chiến dịch. Cùng lứa tuổi với nhau, lúc tâm sự, anh cho tôi xem cả thư "rất tình" của chị gửi cho anh với bao niềm thương nhớ vợ chồng.

Nay còn tôi, trung đội trưởng kiêm chính trị viên, lại mới được bầu vào Chi ủy Đại đội. Đồng chí Đặng Hải (còn có tên Đặng nhỏ) là trung đội phó, tổ trưởng Đảng, hơn tôi cả tuổi đời và thâm niên, khỏe mạnh, rắn chắc, trách nhiệm cao, gương mẫu trong những việc khó khăn nguy hiểm, nghiêm đối với bộ đội, nhưng lại thỏ thẻ nhẹ nhàng chỉ bảo công việc cho chiến sĩ, rất được anh em quý trọng, kính nể, kể cả mấy cậu được coi là "ba gai" ương bướng.

Kinh nghiệm, trí tuệ của hai anh em chúng tôi, cùng với các đồng chí tiểu đội, tổ trưởng hợp lại, nó tròn trĩnh đến mức Ban chỉ huy Đại đội khi giao nhiệm vụ cho Trung đội 2 rất tin tưởng và yên tâm.

Toàn trung đội tập hợp trên một bãi đất bằng, dưới bóng mấy cây cổ thụ cao vút, lá xanh và những cây sổ lá to, bên cạnh dòng suối nước trong in hình những ngọn núi đá. Ban chỉ huy Đại đội có mặt đủ cả: Anh Phạm Minh, Đại đội trưởng, quê miền Trung, tốt nghiệp trường Lục quân Quảng Ngãi; anh Đoàn Đình Đạm, Chính trị viên, quê Sơn Tây, cán bộ đoàn thể tăng cường cho quân đội, đã qua khóa đào tạo lục quân của ta từ Trung Quốc trở về; anh Nguyễn Minh Tuyên, Đại đội phó, quê vùng mỏ Hòn Gai, đã qua Trường Sĩ quan Lục quân trước tôi nhiều khóa. Chúng tôi cảm thấy nhiệm vụ được giao hôm nay rất quan trọng. Trung đội tôi phải tổ chức gấp đường dây từ Km 62 Huổi He (sẽ là Sở chỉ huy chiến dịch) đi về phía bản Liên để liên lạc với cơ quan cung cấp tiền phương chiến dịch và đi Tà Lèng lạc với Đại đoàn 316.

Chúng tôi hành quân ngay từ Thẩm Púa đến Nà Tấu 46 km hết một đêm và gần hết nửa ngày nữa. Tôi cho bộ đội tạt vào bản Na Luông trú quân. Tôi, đồng chí Đặng Hải và các tiểu đội trưởng đi trinh sát địa hình. Hướng Huổi He phải qua đường cái phức tạp, ô tô vận tải qua lại nhiều, mặt đường rất rắn. Hướng Tà Lèng, đường mòn dân đi, có rừng kín đáo. Tuy nhiên ở hai đầu đường dây hai bản Nà Tấu và Mường Phăng vừa bị bom napan thiêu hủy tất cả; còn trơ trọi lại những chiếc cột gỗ nhà sàn đen thui, vẫn còn bốc khói nghi ngút. Đồng bào sơ tán vào lũng trong rừng, xa đường cái. Căm thù giặc, chúng tôi động viên nhau: nhanh chóng hoàn thành công việc trong 2 ngày: 1 và 2 tháng 1 năm 1954 rồi sẽ tổ chức cho anh em ăn Tết dương lịch. Hướng dẫn đơn vị làm xong đoạn đường dây Huổi  He, bố trí bảo vệ, đào hầm trú ẩn, làm lán... và tôi nhanh chóng đi kiểm tra toàn tuyến.

Khi tới bản Bua gần Tà Lèng, tôi gặp anh Lâm Kính (Lâm Cẩm Như) một trong 34 chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chi đội trưởng từ Tân Trào tiến về đánh quân Nhật ở Thái Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ thành phố Hà Nội sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, người có uy tín lớn trong giao dịch với quân Tưởng (anh giỏi tiếng Trung Quốc, nhưng nói tiếng Việt ngượng nghịu như Việt kiều xa Tổ quốc). Nay anh là Tham mưu trưởng Đại đoàn 316. Tôi rất vinh dự hồi trước làm liên lạc giữ "ấn tín" có khắc chữ "Lâm" để đóng dấu vào các công văn anh đã thông qua, nay làm thông tin mắc dây cho anh làm việc với anh Văn.

Ngày 15 tháng 1 năm 1954, toàn Đại đội 99 đã từ Thẩm Púa chuyển lên trú quân ổn định tại khu rừng Vầu, Tây Bắc bản Nà Nham (Km 70 - đường 42). Trung đội tôi bàn giao đường dây Huổi He - Tà Lèng trên dưới 20 km cho Đại đội 110. Chúng tôi được bổ sung dây do đồng chí Phúc Thảo mới đi gỡ từ căn cứ Nà Sản về. Lập tức anh em tu bổ dây, làm guồng sừng bò. Từng mối nối được kiểm tra kỹ, từng cuộn dây, rồi toàn bộ các guồng dây được đấu lại, đặt máy hai đầu thử xem có thông không.

Chúng tôi còn có anh Nguyễn Duy Trọng - y tá, chức vụ tương đương cấp trung đội. Chiếc ba lô Hướng đạo sinh kiểu "sơ-cút" của anh đã to lại luôn căng phồng, vì ngoài tư trang còn đựng toàn bộ số thuốc của anh em, bao giờ anh cũng tự mang lấy, bảo đảm không bị hư hỏng. Anh chăm lo sức khỏe mọi người, biết đến chi tiết bệnh tình diễn biến hàng ngày của từng chiến sĩ. Đêm nào anh cũng ngủ sau cùng, vì còn đi tra thuốc nhỏ mắt, kiểm tra màn cho mọi người. Anh hay la cà chỗ anh nuôi, vừa kiểm tra vệ sinh, vừa hướng dẫn cải tiến nấu ăn sao cho cơm chín, canh ngọt. Anh thường đòi bám theo các tiểu đội dây làm nhiệm vụ ở phía trước để kịp cứu chữa người bị thương hoặc đích thân giải quyết các trường hợp hy sinh.

Đại đội trưởng Minh lại giao cho trung đội tôi nhiệm vụ mới: Làm đường dây từ Sở chỉ huy chiến dịch đến các lực lượng mở đường đưa pháo lớn vào. Anh nói: "Không còn thời gian nói nhiều, Đại đoàn Quân Tiên Phong (308) cùng Tiểu đoàn Công binh và lực lượng 5 đại đội sơn pháo đã triển khai trên đoạn đường Nà Nha đến bản Nghĩn, chuẩn bị đi ngay".

Hội ý, xin ý kiến trung đội phó và tổ Đảng về sử dụng lực lượng, chúng tôi nhất trí dùng Tiểu đội 2-3 làm dự bị bổ sung. Tiểu đội 2 chia làm đôi: Tiểu đội phó chỉ huy ra dây ngay từ điểm trú quân, ngược lên Km 62, rẽ trái, vượt Huổi He, Sở chỉ huy chiến dịch; Tiểu đội trưởng theo đường tôi đã đưa đi trinh sát, băng rừng, tránh đoạn đường mới mở, tìm Sở chỉ huy lực lượng mở đường, mọi người chỉ cho ngay, vì hàng nghìn cán bộ từ cấp tổ trưởng đến cấp đại đoàn đều rải ra trên mặt đường; chưa đầy 2 ngày đêm, 15 km đường kéo pháo đã được mở.

Tôi lại được lệnh tìm đặt máy cho Ban chỉ huy lực lượng kéo pháo vào, do Đại đoàn Bến Tre (312), Đồng Đăng (351) phụ trách. Tôi gặp các đồng chí Quang Trung, Phạm Ngọc Mậu, Từ Vân, Nguyễn Nam Thắng, Mạc Ninh, có mặt cả trên đường. Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt được trên phái xuống kiểm tra, đôn đốc đưa pháo vào nhanh kịp giờ G. Thấy các đồng chí báo cáo được tình hình trực tiếp về Bộ chỉ huy chiến dịch, lòng tôi nhẹ nhõm hẳn. Các đồng chí còn quan tâm cho chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, phòng tránh phi pháo trong hầm. Sau 8 ngày đêm chật vật, 5 khẩu pháo 105 mm đã vào trận địa ổn định, chỉ còn chờ lệnh nổ súng.

Bộ phận anh nuôi của trung đội đã hoàn thành xong được công việc gọi là luộc cho mỗi người một xuất bánh chưng vuông, khá to, xâu lại thành từng khẩu phần, đủ ăn trong 5 ngày. Ai nấy lặc lè suất bánh tự mang theo trên lưng. Sau này mới rõ đó là sự chỉ đạo của Hậu cần cấp trên, thực hiện phương châm đánh nhanh, giải phóng Điện Biên trong vài ba ngày.

Chiều tối ngày 26 tháng 1 năm 1954 tôi được lệnh giữ liên lạc liên tục, chặt chẽ với Sở chỉ huy kéo pháo ra. Ngỡ ngàng, thắc mắc, kỳ quặc thế. Những khẩu pháo nặng nề, khó khăn vất vả lắm suốt 10 ngày qua kéo vào, bây giờ lại kéo ra. Nối tiếp cuộn dây mới vào đường dây đang giữ liên lạc, tôi cử một chiến sĩ ra dây, một chiến sĩ đeo máy, cứ thế bám theo người chỉ huy. Hai đường dây kéo pháo vào và kéo pháo ra song song với nhau. Suốt một đêm chỉ di chuyển pháo ra được 3-4 km, 5 khẩu pháo 105 mm được Tiểu đoàn bộ binh 130 (Trung đoàn 209 Sư đoàn 312) kéo ra khỏi đèo Pa Cha, phía tây đường Điện Biên - Lai Châu, bên dòng suối nhỏ, được ngụy trang kín đáo.

Từ máy canh dây, tôi biết điện thoại thường xuyên làm việc. Tôi nghe rõ tiếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn, đại ý: Tuyệt đối giữ bí mật, đề phòng phi pháo địch, còn nhấn mạnh: tuy tạm dừng trú quân ban ngày cũng phải có hầm cho bộ đội và hầm tạm cho pháo, không được tập trung pháo một khu vực, triệt để lợi dụng địa hình che đỡ và che kín cho pháo.

Nghe được những lời căn dặn trên, tôi lập tức kiểm tra việc trú quân của trung đội, đặc biệt chú ý xem đào hầm, ngụy trang đã chu đáo chưa.

11 giờ trưa, một máy bay "Bà già" cánh vuông từ Mường Thanh vè vè bay tới. Phòng không ta chưa được phép bắn, để giữ bí mật. Nó đảo điên lượn vòng trên đầu chúng tôi, rồi một chiếc Mi-sen màu bạc bay tới, bay đi như những đường bừa, chiếc "Bà già" vòng ra xa rồi lại vòng lại, xoáy tròn trên khu vực chúng tôi đang trú ẩn. Tôi nghĩ ngay chúng đang chỉ mục tiêu cho pháo bắn. Tôi lệnh anh em nhanh chóng sơ tán ra ngoài vòng xoáy của nó, tất cả xuống hầm có nắp. Tiếng "uỳnh uỳnh" liên hồi của pháo Mường Thanh bắn ra. Anh Trọng vừa vụt đi cùng một số anh em, thì 1, 2, 3, 4, 5... quả đạn pháo đã nổ xung quanh hầm chúng tôi, có quả chỉ cách chừng 10 m. Mùi thuốc súng ùa vào cửa hầm, mắt chúng tôi cay xè, mồm đắng như ngậm đầy thuốc đạn. Mấy anh chị dân công chạy từ phía suối lên, tôi gọi to xuống ngay hầm đây. Thế là 3, 4 người cả nam, nữ nhảy vào trong hầm chữ L có nắp, chỉ đào cho 2 người. Trong hốt hoảng, họ đè cả lên nhau. Tôi nhường chỗ cho dân công vào sâu phía trong, còn mình ở phía cửa hầm để còn tiện bám giữ máy canh dây. Mặt khác nếu để họ chạy làm lộ thì cực kỳ nguy hiểm. Cách chúng tôi không xa còn hàng trăm người và các khẩu pháo quý.

Tôi quay máy kiểm tra, thấy vòng quay nhẹ tênh. Không thấy trả lời từ phía Sở chỉ huy chiến dịch. Đứt dây rồi! Hai chúng tôi vụt ra khỏi hầm, cùng 3 chiến sĩ nữa ở hầm bên cạnh, chạy về hướng dây đứt. Cây cối, đất đá bị pháo bắn đổ ngổn ngang tung tóe, một khoảng trống rộng tới 500 m, dây đã bay đi mất. Anh em ra một cuộn dây, rồi hai cuộn để thay thế. Việc nối dây sao mà khó thế. Hễ vừa tuốt khỏi vỏ cách điện ra là bị điện giật. Đó là do thường trực máy ở Sở chỉ huy thấy mất thông tin bị cán bộ thúc hỏi tình hình sau những trận pháo dồn dập, nên quay điện liên tục. Cứ mỗi lần anh em cầm dây nối, lại bị quay điện giật bắn tay lên, ê ẩm xuống tận chân vì chân chạm đất ướt. Sau có kinh nghiệm, nắm thật chặt sợi dây thì điện giật cũng dễ chịu hơn; nhanh chóng chập các sợi dây kim loại nối vào nhau cho thông liên lạc, quả nhiên đầu trực máy không quay nữa, dễ dàng xoắn ngay mối nối lại.

Tôi kiểm tra đường dây được nghe báo cáo: Pháo địch bắn vào khu trú quân của bộ đội kéo pháo, một số không kịp xuống hầm bị thương vong, pháo ta vẫn an toàn.

Chúng tôi đang tìm nơi ẩn nấp để canh giữ dây. Mấy pháo thủ thấy chúng tôi xông pha nơi nguy hiểm liền gọi to: Lính thông tin vào đây, hầm đây! Máy bay cổ ngỗng (King-co-bơ-ra) đến kia kìa. Ngước mắt lên trời tôi thấy 4 chiếc từ hướng đông tới sà xuống cắt bom liên hồi. Lại đứt dây phía Sở chỉ huy kéo pháo, chúng tôi lại vụt ra khỏi hầm, đội hình sơ tán, sẵn sàng nằm xuống tránh mảnh bom, rồi lại vọt tiến về hướng dây đứt. 9 chiếc B26 lừ lừ bay tới, lại một loạt bom nữa, không còn nghe rõ tiếng nổ, chỉ thấy tiếng uỳnh uỵch dưới mặt đất, rồi đất đá quăng lên rơi rào rào, bụi khói mù mịt, chẳng thể quan sát và định hướng được nữa, nhưng cứ lao đi. Đây rồi, một hố bom cắt đứt đường dây, mỗi đầu bị hất xa hàng chục mét trên miệng hố. Chúng tôi nối thêm chừng 50 m, dây lại thông. Hai giờ đồng hồ liên tục, từ chiếc "Bà già" chỉ điểm đến loạt bom phá cuối cùng của B26.

Trở lại khu trú quân của Trung đội - thì trời ơi, đau thương quá! Đồng chí Nguyễn Văn Tạo, anh nuôi rất tận tụy của đơn vị đã hy sinh ngay bên cạnh bếp Hoàng Cầm. Anh mất ngay từ loạt pháo đầu tiên. Các anh Trọng, Đặng Hải Thuận đang lau nước mắt. Phải di chuyển theo Sở chỉ huy kéo pháo ra, chúng tôi mang theo thi hài đồng chí Tạo và chôn cất anh trên một quả đồi cạnh đường đi Lai Châu.

Chúng tôi cùng lực lượng kéo pháo ra phải vượt lên đồi 5 tời, rồi dốc 7 tời, sườn tây đỉnh Phu Pha Song cao 1.150 m. Bộ chỉ huy kéo pháo chia làm hai bộ phận: Một chỉ đạo tiếp tục đưa pháo vượt dốc gay go quyết liệt nhất; một nằm ngay đỉnh dốc chỉ đạo thả pháo xuống về phía Nà Nham, rồi kéo ra khu an toàn ở Km 63 đường Tuần Giáo - Điện Biên. Trung đội 2 phải giữ dây liên lạc với cả hai bộ phận này.

Đơn vị tôi về trú quân gần Sở chỉ huy kéo pháo ra, nhanh chóng làm công sự vững chắc. Hầm có nắp rất tốt, ken bằng những khúc gỗ tròn đường kính 10-15 cm, được lót một lớp lá khá dày để chống thấm nước và đất rơi, lấp đất thật dày với từng bó cây vầu đặt lên trên. Quả pháo có trúng nắp hầm, ngồi bên trong chưa chắc làm sao.

Ngày 3 tháng 2 năm 1954, Tết Giáp Ngọ đến. Hậu cần đại đội và tiểu đoàn đã lo cho chúng tôi một cái Tết tươm tất, có gạo nếp gói bánh chưng, thịt lợn tươi nấu đông, cả thịt hộp nữa, thuốc lào Yên Lãng cho các tay mê bắn "ba-dô-ca" điếu cày. Cánh tôi không nghiện đã có thuốc lá cuốn "thoản chiê" (Đoàn Kết), Trung Hoa Bài.

Tối giao thừa, những anh không bận làm nhiệm vụ trên đường dây họp lại, đọc thư Bác Hồ, thư của Đại tướng Tổng tư lệnh, điện của Chỉ huy tiểu đoàn chúc mừng năm mới. Chúng tôi không quên thắp mấy nén hương thơm tưởng nhớ tới đồng chí Tạo. Cứ vài ba anh em một trở về hầm, nằm với nhau, kể chuyện vui buồn, chuyện nhà cho nhau nghe.

Sáng ngày 8 tháng 2 năm 1954 (mùng 6 Tết), tôi được lệnh của đại đội mang theo 2 tiểu đội dây về Huổi He gặp tiểu đoàn nhận nhiệm vụ. Khi tụt dốc đứng xuống bản Nà Nham, đơn vị bạn trên đường chia cho một đùi ngựa; con ngựa chở hàng qua đèo bị ngã. Anh em chưa ai ăn thịt ngựa bao giờ, có người bảo hôi lắm. Song anh nuôi khéo nấu, kiếm được mấy củ gừng cho vào kho khô, nhừ như kiểu kho thịt bò, ăn vừa mềm vừa thơm, lính ta khoái lắm. Anh nuôi tâm lý đã nấu thêm gạo mà cơm vẫn cứ hết bay, có anh còn thòm thèm.

Tới Km 62, tôi dẫn anh em rẽ trái, lội theo suối tắt qua rừng, đi thêm chừng 1 km nữa, vào tới trung tâm Sở chỉ huy chiến dịch. Hai bên bờ một con suối nhỏ, cứ cách 50-70 m lại có một chiếc lán, cái to, cái nhỏ, cái lợp nilon, cái phủ lá chuối rừng. Nhìn xa xa phía đầu ngọn suối, tôi thấy một tảng đá rất to, có bộ đội ăn mặc chỉnh tề, súng đeo trước ngực, canh gác, phía trước thấp hơn, quanh một chiếc bàn rộng bằng cây rừng, có 5, 6 người mặc áo khoác kiểu vét ca-na-điêng, khác với chúng tôi lúc đó được mặc áo trấn thủ may kiểu bờ-lu-dông có tay dài. Tôi nghĩ đó là chỗ làm việc của Ban chỉ huy chiến dịch. Gặp cụm điện đài phía ngoài suối, tôi được chỉ chỗ của đoàn bộ 303. Tôi lại được dẫn gặp trực tiếp Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy, Trưởng ban 3 chiến dịch.

Từ khi về ngành Thông tin, tôi đã được anh em trong đơn vị kể nhiều về "cụ Thúy" với tấm lòng rất kính trọng. Nhưng tôi chưa một lần được gặp cụ. Tôi hồi hộp đến gần lán Cục trưởng, với tác phong Lục quân tôi đứng nghiêm, giơ tay chào kiểu "Lục quân", Cục trưởng đứng dậy bắt tay tôi, chỉ chiếc ghế dài làm bằng một khúc thân cây tròn, vạt một bên lấy mặt bằng, kê lên chạc ba của 2 cọc cây. Miệng nở một nụ cười, chuyển chiếc píp thuốc lá sang tay trái, cụ thân mật nói: "Mời ông ngồi". Tôi sửng sốt vì chưa bao giờ được ai gọi bằng "ông". Thường bộ đội xưng hô với nhau là anh và tôi, hoặc anh và em nếu là cấp dưới ít tuổi hơn. Cục trưởng thong thả nói vừa có vẻ nghiêm túc, nhưng đôi câu lại có vẻ hóm hỉnh, khôi hài, làm tôi nhanh chóng cảm thấy gần "cụ" hơn.

"Ông Trần Sơn có việc đột xuất đi họp trên Đảng bộ Tổng tham mưu tiền phương có đề nghị tôi giao nhiệm vụ cho ông để triển khai cho kịp. Theo dõi công việc, tôi biết Trung đội 2 Đại đội 99 của ông đã bảo đảm cho bộ đội chỉ huy chặt chẽ việc mở đường kéo pháo vào, rồi lại kéo pháo ra an toàn. Đồng chí Đại tướng tỏ lời khen ngợi Thông tin. Vừa qua anh em kéo dây theo mép đường ô tô, hoặc đường mòn bộ binh dân công qua lại hay bị đứt. Nay phương châm tác chiến đã thay đổi: Đánh chắc, tiến chắc – Thông tin cũng phải chắc chứ?

Rồi Cục trưởng giở ra một mảnh bản đồ tỷ lệ 1/100.000 chỉ cho tôi: "Ông tìm đường rải dây ngay từ đây, tạt sang hướng Tây, vượt qua đỉnh núi này, xuống phía Nam sẽ đặt một Tổng đài làm trạm giữa, để kéo dây xuống các Đại đoàn và Pháo binh. Pháo binh lại sẽ vào đánh địch".

Tôi nhìn mấy mỏm núi khá cao, không có bản làng, cũng chẳng có đường mòn. Nổi rõ đỉnh Phu San phía Tây Bắc Huổi He. Mãi phía Tây, có đường đi Lai Châu và bản Co Cha, sát Mường Pồn. Cục trưởng nói tiếp: "Từ chỗ ta đang ngồi đây, ông cho kéo đường dây xuyên rừng về hướng Tây, tùy địa hình cho dọc theo dãy Phu San về hướng Nam, khoảng giữa 2 con đường Tuần Giáo - Điện Biên và Điện Biên - Lai Châu".

Tôi dẫn đầu, với một tổ chiến sĩ xoi đường thông thạo nhất trung đội gồm các đồng chí Nguyễn Văn Chàng Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Văn Đông vừa lách, vừa dùng dao phạt cây mở lối, vất vả lắm mới vượt được sườn núi, qua sang phía Tây Huổi He, cỏ gianh dầy, cao ngút đầu, chúng tôi cứ phải dùng hai tay vén cỏ dạt sang hai bên, rồi mới bước được. Có chỗ người không thể lách được vì cỏ quá dầy, quá cao, dùng cả thân mình đè xuống cũng không xong, mà cứ bị bùng nhùng như nhảy trên chiếc giường lò xo. Suốt một ngày căng thẳng chỉ rải được 7 km dây. Tối hôm đó, chúng tôi phải ngủ lại bên một khe suối nhỏ. Hai tiểu đội cố gắng lắm mới bạt được một miếng đất bằng làm chỗ nằm, mở một đoạn đường nhỏ ra suối lấy nước và một chỗ đi vệ sinh. Sáng dậy, thấy đầy những vết chân hổ to bằng miệng bát ăn cơm. Hai đồng chí gác đêm chẳng biết gì, chỉ nghe có tiếng động, hỏi không thấy lên tiếng, cứ lên cò bấm súng để uy hiếp. Thấy vết chân hổ vòng quanh, rình rập chỗ mình ngủ, ai cũng hú vía.

Hôm sau lao xuống sườn phía Đông Nam Phu Pha Song, chúng tôi gặp một con suối chảy ra Nậm Rốm. Gọi là "Suối Cụt" vì chẳng biết ngọn nguồn từ đâu ra, nước từ dưới những hốc đá tuôn ra, thành một dòng chảy lớn, có đoạn thành vũng có thể bơi lội được, mà lại ở trên độ cao 600-700 m so với mặt nước biển. Tổng đài 20 còn gọi là "Tổng đài Chiến Thắng" đặt ở đây, làm điểm trung gian đi các hướng, lên Sở chỉ huy chiến dịch ở Huổi He, sau chuyển tới Mường Phăng, xuống Đại đoàn 308 ở Hồng Lếch, Tây Mường Thanh, Đại đoàn 312 ở Đông Bắc đồi Độc Lập, Đại đoàn công pháo 351 ở phía Bắc Him Lam.

Các đường dây này không dài lắm, đi từ Đại đoàn 312 chừng 7 km, phải vượt 2 đoạn dốc rất cao, rồi tụt xuống đi vào giao thông hào. Càng gần các cứ điểm, mật độ pháo địch bắn càng nhiều, nhất là lúc chiều tối. Ngày này qua ngày khác, lặn lội phía Bắc, Đông, Tây Mường Thanh, chúng tôi nắm được quy luật hoạt động của pháo và máy bay địch, nên rất chủ động đối phó.

Dây rải theo giao thông hào là việc hoàn toàn mới mẻ đối với chúng tôi. Lúc đầu gác dây lên miệng hào, như thế khỏi vướng bộ đội dân công, nhưng dễ bị pháo địch bắn đứt, đi chữa khó khăn vì hào sâu trên đầu người, đêm khó tìm thấy chỗ đứt. Sau có kinh nghiệm dùng ghim tre ghim xuống đất, rồi ghim lên thành hào. Tốt quá! Ít bị pháo bắn đứt, dễ phát hiện khi sửa chữa, người ở dưới hào an toàn. Khốn nỗi nhiều loại dây quá cùng chạy trên vách hào: nào của cấp chiến dịch, cấp đại đoàn, trung đoàn, dây trực tuyến, dây trục, dây nhánh, dây hiệp đồng giữa bộ binh và bộ binh, giữa bộ binh với pháo binh, khi bị đứt, đơn vị này nối vào đơn vị kia, lung tung cả, làm cho người chỉ huy sốt ruột, gắt lên: "dây với dợ lằng nhằng" có khi còn nặng lời với Thông tin. Để tránh nhầm lẫn, đã có sáng kiến buộc vải màu đánh dấu, nhưng rồi bùn đất lấm lem không còn phân biệt được màu sắc, nhất là về đêm. Lại có sáng kiến khác của chiến sĩ, buộc các vật thể có hình thù to, nhỏ khác nhau của từng đơn vị riêng biệt.

Nhưng chưa hết khó khăn. Còn có hàng chục hàng trăm hàm ếch trú quân của bộ đội, kể cả các đội điều trị thương binh tuyến trước. Chính các nơi này hay bị đứt, ghim hay bị bật, cứ phải nối thêm dây vòng tránh cửa hàm ếch. Nỗi vất vả của chiến sĩ đường dây vừa do địch, lại vừa do ta và thời tiết gây ra.

Một tháng trôi qua, từ 31 tháng 1 đến 5 tháng 3 năm 1954, mạng dây do trung đội tôi phụ trách, cùng với mạng toàn Đại đội 99 và Đại đội 110, đã phục vụ chỉ huy diệt địch nhiều trận nống ra lấn chiếm, định phá hệ thống giao thông hào và trận địa xuất phát tiến công của ta, còn chỉ huy sơn pháo 75 diệt các máy bay đậu trên sân bay Mường Thanh.

6 con đường ô tô cơ động từ Đông lên Bắc và sang Tây Mường Thanh đã được sửa: 27 km từ bản Nà Tấu tới Tà Lèng; 8 km từ Pủa Xan tới Pú Hồng Mèo; 3 km Da Vong đến Na Lơi; 9 km từ Pe Na tới Tà Lời; 7 km Mường Phăng-Na Nham; 18 km bản Xin qua đỉnh Pa Y Tao đến bản Tấu (Bắc Độc Lập).

Từ 12 tháng 2 năm 1954, pháo 105 ly và cao xạ 37 ly của ta lại được kéo vào trận địa, thực hiện đúng quyết tâm khi phải kéo pháo ra: "Pháo vào rồi pháo lại ra |Pháo ra mai mốt pháo ta lại vào".

Ngày 6 tháng 3 năm 1954, đồng chí Hoàng Xuân Vượng, Phó ban 3 chiến dịch đang trực tiếp ở Tổng đài Chiến Thắng giao nhiệm vụ cho Trung đội tôi mắc dây cho nội bộ Pháo binh. Với phong cách một người chỉ huy rất nghiêm túc, nhưng vẻ mặt thật hiền từ phúc hậu, lại có nụ cười, và đôi khi hai đuôi con mắt rung rung, thể hiện một người rất tình cảm, anh nói với chúng tôi: "Nhiệm vụ của B các cậu đã nặng rồi, nhưng do yêu cầu của chiến đấu, các cậu vẫn phải nhận thêm một nhiệm vụ nữa là tổ chức đường dây từ Sở chỉ huy Đại đoàn 351, đồng thời cũng là Sở chỉ huy Trung đoàn pháo 45 của đồng chí Nguyễn Hữu Mỹ, xuống Tiểu đoàn pháo của đồng chí Trung Kiên và Đài quan sát của tiểu đoàn ấy, đặt ở phía Đông bản Nà Lời, đồng chí Kính phụ trách".

Chẳng phân biệt thông tin của cấp chiến dịch lại xuống làm dây cho cấp chiến thuật, chiến đấu, vì lợi ích chung, theo lệnh chúng tôi chấp hành ngay. Địa hình khu vực này, dọc đường 42 và suối Nậm Rốm, đúng là một trọng điểm đánh phá của địch. Chúng tôi đã thực hiện một số biện pháp hạn chế địch đánh đứt dây làm cho pháo binh: dọc suối Nậm Rốm dài 1,5 km, anh em dùng những cây vầu, có chiều dài 4,5 m để câu dây ra giữa dòng suối, đạn nổ dưới mặt nước ít gây tác hại. Khi qua cánh đồng hoặc vượt đồi nơi pháo bắn nhiều, anh em đào rãnh rộng 15-20 cm, sâu 25-30 cm, rải và ghim dây xuống đáy rãnh, kéo dài 5-7 km, vượt hết sườn đồi này qua sườn đồi khác, hiệu quả trông thấy. Đoạn vượt đường 42, anh em đào rãnh sâu cắt ngang mặt đường, dùng cả một khúc cây tròn hoặc những tảng đá lát lên trên dây rồi mới lấp đất, để ô tô, xe pháo đi qua không nghiến đứt dây.

Theo kế hoạch tác chiến, 16 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta bắt đầu bắn pháo, chuẩn bị cho cuộc tiến công, hồi đó quen gọi là "Pháo hỏa chuẩn bị". Nhưng vào 12 giờ trưa hôm đó, địch ra phá trận địa ta, hai bên giáp mặt nhau rất gần. Tôi đang trực máy ở Sở chỉ huy Đại đoàn pháo, nghe thấy đồng chí Võ Nguyên Giáp với mật danh là Ngọc gọi xuống yêu cầu làm việc với Bộ Tư lệnh Pháo binh. Tôi được phép làm trung gian cho cuộc đàm thoại này. Rất hồi hộp, tôi hết sức tập trung cho rõ và nhắc lại cho thật chính xác, rành mạch. Đại tướng nói: "Bên anh Tấn yêu cầu nổ súng sớm hơn giờ quy định. Pháo đã sẵn sàng chưa?". Các đồng chí Đào Văn Trường, Nguyễn Hữu Mỹ ngồi ngay cạnh tôi cùng khẳng định để trả lời và cùng thưa: "Đã chuẩn bị xong các phần tử bắn, sẵn sàng nổ súng!". Đồng chí Đại tướng nói "Cầm máy". Vài phút sau, Đại tướng tiếp tục: "Tôi hạ lệnh nổ súng - Tôi hạ lệnh nổ súng - Nghe rõ chưa? - Nhắc lại". Hai đồng chí Đại đoàn trưởng và Trung đoàn trưởng Pháo binh cùng nhắc lại: "Nghe rõ - Lệnh cho nổ súng". Mặc dù Đại tướng đã nghe được tiếng cả 2 đồng chí qua máy điện thoại, tôi vẫn nhắc lại "Nghe rõ - Lệnh cho nổ súng". Sau đó, Đại tướng yêu cầu nối thông đường dây xuống tận trận địa để Đại tướng kiểm tra khẩu lệnh bắn. Tôi nối thẳng dây từ Sở chỉ huy chiến dịch xuống, qua trung đoàn, tiểu đoàn đến Đại đội pháo binh 806. Mệnh lệnh của Trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, đến đại đội và tới khẩu đội, khẩu lệnh bắn gọn gàng, rắn rỏi, từ trận địa vang lên tận Sở chỉ huy chiến dịch, và chỉ trong giây phút, tôi nghe tiếng nổ từ đầu nòng và điểm đạn rơi, ùng ùng, oàng oàng liên hồi 20 quả đạn. Đài quan sát báo cáo trúng mục tiêu rồi! Mấy chiếc máy bay vụt lên lượn vòng đảo điên, bị cao хạ ta nhả đạn từng chùm, từng chùm, nổ bụp bụp trên bầu trời, tỏa ra những đám khói trắng, khói đen vây quanh chúng, chưa có chiếc nào rơi, nhưng hoảng sợ chúng tản ra xa.

Đúng 17 giờ 10 phút, Đại đoàn 312 được 80 khẩu pháo và súng cối các cỡ chi viện, mở cuộc tiến công đồng thời vào 3 cứ điểm 101A, 101B và 102 của cụm cứ điểm Him Lam. Suốt 5 tiếng đồng hồ liên tục cho đến khi giải quyết xong Him Lam, mạng dây liên lạc do Trung đội 2 bảo đảm với Đại đoàn 312, Đại đoàn 351, Trung đoàn 45, Tiểu đoàn và Đại đội pháo 806, Đài quan sát pháo binh đều thông suốt liên tục.

Ngày hôm sau, 14 tháng 3 năm 1954, Đại đoàn 308 ra quân; Trung đoàn 88 cùng 165 của Đại đoàn 312 phối hợp tiêu diệt vị trí Độc Lập do một tiểu đoàn thuộc địa Bắc Phi chiếm giữ. Từ 17 giờ đến 2 giờ sáng ngày 15 tháng 3, đã diễn ra một trận pháo chiến dữ dội. Địch đan một lưới lửa xung quanh đồi Độc Lập. 312, 308 yêu cầu áp chế pháo binh địch mạnh, mạnh hơn nữa. Những ánh chớp nhoàng và những trận địa pháo địch bắn, đã được đài quan sát pháo xác định đúng phần tử từ trước, nên trận phản pháo của ta rất hiệu quả.

Chuẩn bị tiến công đợt 2, ta phải đào chiến hào trên đồng ruộng bằng phẳng. Đó là một cuộc chiến đấu ác liệt, đổ nhiều mồ hôi và cả máu vì phải đối phó với hàng nghìn quả bom, hàng vạn quả pháo. Ta thường đào vào ban đêm, cán bộ, chiến sĩ ai cũng phải đào, mỗi người đào 2 m dài, sâu 1,5 m, miệng rộng 0,80 m, đáy 0,60 m. Gặp đất mềm, chỉ quá nửa đêm là xong, gặp đá hay rê cây thì có khi gần sáng vẫn chưa xong. Bộ đội ta có ca dao để động viên nhau: "Đúng rồi! Muốn đánh thì đào | Muốn thắt cổ địch phải có nhiều chiến hào vòng quanh | Chiến hào cùng với chiến binh | Họ "chiến" chúng mình quyết chiến lập công".

Một tối, đồng chí Tham mưu trưởng Chu Phương Đới của Trung đoàn 209, cũng nhận một xuất đào như chiến sĩ, hào chưa ngập người nằm, anh đã bị mảnh pháo phạt vào mông, máu chảy đầm đìa, băng bó xong, không chịu về tuyến sau, anh vẫn tiếp tục đào. Chúng tôi xúm lại giúp anh đào cho mau xong.

Ngày 30 tháng 3 năm 1954, trung đội tôi được lệnh đặt dây liên lạc tới Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) đánh đồi D1, mở đầu đợt 2. Theo tuyến giao thông hào phía bắc đồi Him Lam, vượt đường 42, vòng sang cánh đồng Long Bua, mới đến chân đồi, thì trên D1 bộ đội ta đã xuất kích đánh địch, súng máy, tiểu liên bắn liên hồi. Thông tin của Bộ chỉ huy chiến dịch kéo đến được đưa ngay vào hầm trung đoàn trưởng Hoàng Cầm, khoét sâu đến ngót 10 m vào trong lòng đồi.

Từ Sở chỉ huy Trung đoàn 209, chúng tôi phải kéo tiếp đến Sở chỉ huy phía trước của Đại đoàn 316, nằm ngay cánh đồng Long Bua, giữa chiến hào chạy về Đông Nam cứ điểm A1. Qua tổng đài Sư đoàn 316, hình thành một đường vu hồi lên Bộ chỉ huy chiến dịch.

Tính ra, riêng trung đội tôi đã rải hàng trăm cây số. Để khắc phục thiếu dây, chúng tôi đã thay các đoạn phía sau bằng dây thép gai gỡ ra. Nhưng dây trần không có sứ không có puli, phải dùng những đoạn vầu khô làm vật cách điện. Dây gác lên cây rừng, những đoạn 4-5 km, trời khô, không bị ẩm ướt, liên lạc cũng tốt. Trời mưa, bị lạo xạo, lào rào rất khó nghe.

Chuẩn bị đợt tiến công thứ 3, trung đội tôi lại được giao nhiệm vụ kéo dây cho một lực lượng pháo mới, giữ tuyệt đối bí mật, đến lúc này mới đưa vào trận địa, đơn vị H6 (hỏa tiễn 6 nòng). Địa điểm ở Đông Bắc Nà Lời, nằm ngay trận địa giả của lựu pháo 105 ly.

Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1954, hàng trăm khẩu pháo các loại nhất loạt bắn vào khu trung tâm Mường Thanh. Ở phía Nam, hàng trăm khẩu cối 60 ly, 80 ly của Đại đoàn 304 cùng lựu pháo 105 ly, sơn pháo 75, tập trung bắn vào cứ điểm Hồng Cúm.

Ngày 1 tháng 5 năm 1954, đợt tiến công thứ 3 bắt đầu, sau mấy ngày mưa tầm tã, trời bỗng tạnh ráo. Qua nhiều ngày giành giật ác liệt, ta đã tiêu diệt cứ điểm C1, 505A, 505B ở phía Đông, 311Đ ở phía Tây.

18 giờ ngày 6 tháng 5 năm 1954, hỏa tiễn ta được lệnh bắn, lần đầu tiên những vệt lửa sáng xanh xuất hiện trên bầu trời Điện Biên. Những quả đạn tới tấp phóng vào Mường Thanh, tiếng réo rào rào, từng cụm điểm nổ nhoáng nhoàng lửa lóe sáng, khói đen dựng lên thành từng cột.

20 giờ 30 phút, khối bộc phá 1.000 kg, đặt dưới hầm ngầm xuyên vào cứ điểm A1 nổ. Tiếng nổ âm không lớn, nhưng đất xung quanh chấn động rung lên, có ánh chớp lóe lên đỉnh đồi. Hiệu lệnh tổng công kích đã được phát động.

Sáng 7 tháng 5 năm 1954, bộ đội nhận được thư động viên của Đại tướng, Chỉ huy trưởng mặt trận. Đồng chí Đoàn Đình Đạm - Chính trị viên Đại đội 99 mang xuống cho chúng tôi, trực tiếp giải thích cặn kẽ, nhắc phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối cùng này của chiến dịch.

14 giờ chiều, lựu pháo ta bắn dồn dập, bộ binh ta tiêu diệt cứ điểm 507, phát triển diệt 508, 509 bên tả ngạn Nậm Rốm. "Rồng Lửa" phóng tiếp 2 loạt vào trung tâm Mường Thanh.

Thế là ý chí của địch bị đè bẹp. Cờ trắng mỗi lúc xuất hiện một nhiều, cái nhỏ, cái to, bằng khăn trắng, áo trắng nhô lên từ nơi ẩn nấp chui rúc ngóc ngách, hầm hào.

Đại đoàn 312 báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch "Quân địch trong khu trung tâm đã đầu hàng. Đờ Cát và toàn bộ ban tham mưu của địch đã bị bắt". Bộ chỉ huy chiến dịch hỏi lại: "Chắc chắn chưa? Căn cứ vào đâu để xác định đúng là Đờ Cát?" - Chúng tôi đã đối chiếu trong chứng minh thư của hắn! Tiếp sau tiếng đồng chí Lê Trọng Tấn vừa báo cáo, có tiếng Chính ủy Đại đoàn Trần Độ khẳng định thêm "Đúng rồi đấy!".

Anh Văn lệnh cho giải ngay chúng lên cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch. Đi bằng xe cho nhanh. Nhưng không cho đi xe của ta. Đi bằng xe chiến lợi phẩm.

Toàn bộ cuộc đàm thoại lịch sử đó, tôi ngồi cạnh máy nghe rõ. Chỉ không hiểu xe chiến lợi phẩm ta có từ các chiến dịch trước, hay mới thu được ngay trong chiến dịch này?

Reo hò từ bốn bề vang lên xung quanh lòng chảo Điện Biên Phủ. Thật là thỏa lòng bộ đội, dân công, nhân dân các dân tộc ở đây từ suốt mấy tháng nay.

Cho tới nay, tôi vẫn tâm đắc mấy vần thơ khi về dự lễ chiến thắng Mường Phăng.

Vĩ đại! Đảng, Bác kính yêu ơi!

Chiến dịch Điện Biên rạng đất trời

Bốn biển năm châu chào kính phục

Con cháu Bác Hồ, Việt Nam ơi!

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét