3/11/24

Kỷ niệm đi Chiến dịch Điện Biên Phủ

Lê Thị Phương Lan

Năm 1953, sau khi tập trung về Trường Thông tin liên lạc ở Định Hóa để chỉnh quân chính trị về cải cách ruộng đất, tôi lại trở về công tác tại Đội 101. Một hôm, đồng chí Dương Quốc Hưng gọi tôi và Mai Lộc lên bảo: "Sau khi các cô đi học về lần này tổ chức sẽ cho các cô đi phục vụ chiến dịch. Đây là dịp để thử thách sự giác ngộ và tiến bộ của các cô sau đợt học tập...". Nghe tin đó, lòng tôi vui mừng. Đây là điều chúng tôi chưa dám mong đến vì từ trước đến nay chưa bao giờ có nữ báo vụ ra tiền phương. Một lần trông thấy các nam báo vụ náo nức chuẩn bị lên đường đi chiến dịch, chúng tôi thường ao ước: "Giá mình là con trai...". Không ngờ lần này lại có tên mình và Mai Lộc. Tuy mừng như vậy, song tôi cũng chỉ dám lặng lẽ chuẩn bị những tư trang cá nhân cho gọn nhẹ như quần áo, mũ, dép cao su... chứ không dám biểu lộ công khai vì sợ đến phút chót trên thay đổi ý định thì hóa ra mừng hụt. Tổ phụ nữ gồm 6 chị em cùng động viên chúng tôi ra đi lần này cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đem lại niềm vinh dự cho nữ báo vụ của Đội 101...

Thế là niềm mong đợi đã trở thành hiện thực. Tôi và Mai Lộc được phân công vào đài của anh Lục Văn Toàn và lên đường vào một buổi chiều mùa đông năm 1953, dẫn đầu là đồng chí thủ trưởng Dương Quốc Hưng. Đeo chiếc ba lô trên vai, lúc ấy tôi mới chắc là mình được đi. Buổi đầu, không quen ngồi ô tô, đường xóc, mùi xăng chì, Mai Lộc và tôi đều say xe, nôn mệt lử lả. Trên đường gặp rất nhiều anh chị em dân công đi tải gạo, lúc ấy tôi chỉ thèm xuống xe đi bộ như họ. Đoàn Bộ Tổng Tham mưu cứ đêm đi, ngày nghỉ. Thường khi đến địa điểm nghỉ, các bộ phận khác nghỉ ngơi ngủ cho lại sức, nhưng thông tin, vì đêm đóng máy hành quân nên ban ngày lại phải mở đài liên lạc. Tôi thường làm phiên sáng, Mai Lộc làm phiên chiều vì sau một đêm say xe, Mai Lộc rất mệt. Cuối cùng, sau 3-4 đêm hành quân, chúng tôi cũng đến được địa điểm tập kết trú quân, tôi thấy một anh bộ đội đang cúi rửa chân ở mương nước. Tôi buột miệng nói: "Lính tráng gì mà chân trắng nõn như thế nhỉ?". Lúc ấy một đồng chí báo vụ ghé tai tôi nói nhỏ: "Thế bà không biết đó là đại tướng à?". Ôi, khi mà ba lô đang trĩu nặng trên vai thì cũng ít khi để ý quan sát. Sau khi đến địa điểm tập trung một thời gian, chúng tôi còn phải di chuyển một lần nữa, tức là đến Sở chỉ huy Mường Phăng củng cố nơi ăn ở và hầm làm việc. Từ khi ra trường, tôi quen làm việc ở nơi tĩnh tại, có bàn ghế đàng hoàng. Nay đi dã ngoại, maníp kê trên đùi, viết trên một mảnh gỗ, lúc đầu tôi cũng lúng túng lắm. Sau rồi quen. Nhưng có điều gay go là một hai con số tôi đánh bị díu tay, tôi lo lắng lắm nhưng cũng may là trong thời gian chuẩn bị, các cán bộ nhắc nhở phải tranh thủ rèn luyện nghiệp vụ. Tôi kiên trì tập lại từng chữ, cuối cùng cũng qua được.

Những ngày ở Điện Biên Phủ, tôi thấy đồng bào rất khổ. Nhiều em 8-9 tuổi vẫn ở truồng, trời rét chỉ mặc một manh áo rách, ăn toàn bột củ nâu, bột báng; đồng bào ăn khổ thế là vì để dành gạo cho bộ đội vay. Lúc ấy, cơ quan Bộ Tổng Tham mưu toàn ăn gạo nếp của Tây Bắc. Sau này, khi có chủ trương cho bớt một số về để đỡ khó khăn cho việc tiếp tế, anh chị em ra về đều để lại vài bộ quần áo của mình cho con em đồng bào.

Cũng tại đây, tết năm ấy anh em tiền phương cùng đồng bào ăn tết đoàn kết quân dân. Đoàn đại biểu nhân dân địa phương đến múa hát, văn công Tổng cục Chính trị cũng tham gia rất vui. Trong buổi liên hoan, Đại tướng có động viên hai nữ báo vụ viên ra hát, nhưng tiếc rằng khi đó tôi và Mai Lộc vì nhút nhát nên đã bỏ mất "cơ hội" cất cao lời ca trên bầu trời Điện Biên.

Tuy 41 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh thời son trẻ vẫn không phai mờ trong trí nhớ tôi.

Hà Nội, mùa hạ 1995

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét