6/11/24

Về Hà Nội

Trịnh Long Đắc1

Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 kết thúc thắng lợi. Hòa bình lập lại. Cùng với đồng đội tôi được về tiếp quản Hà Nội - Thủ đô cổ kính và tươi đẹp của Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Về Hà Nội! Ba tiếng ấy thôi, nhưng nó là niềm mơ ước, là khát khao cháy bỏng của những người lính đã trải muôn trùng gian khổ của những tháng năm dài chinh chiến. Mơ ước thật giản dị mà lại có vẻ cao sang bởi không phải ai cũng đạt được.

Đơn vị thông tin 303 chúng tôi về Hà Nội bằng đường thủy. Chẳng phải bằng những chiến hạm dũng mãnh hay tàu thuyền gì hiện đại mà chỉ là những cánh bè được kết bằng những cây gỗ tròn dài và thẳng (sẽ làm cột dựng đường dây thông tin sau đó).

Lãnh đạo của đơn vị chúng tôi đã trù liệu chu đáo tất cả. Từ việc chặt gỗ, hạ thủy, kết bè, thức ăn, vật dùng... và, điều quan trọng hơn cả là an toàn cho đoàn quân trên sông nước, thời gian và địa điểm xuất phát, điểm tập kết cuối cùng. Nói cách khác là an toàn nhổ neo và thả neo ở những bến sông nào.

Đã hơn 40 năm trôi qua rồi mà sao tôi vẫn nhớ như in cái giây phút nhổ neo những bè gỗ thông lịch sử ấy tại bến Phan Lương, Tuyên Quang.

Trên bến sông ấy có nhiều bà con làng bản và cán bộ địa phương ra tiễn, có cả các ông bà già lưng còng chống gậy, phụ nữ và thiếu nhi... một số ít bộ đội (chắc còn có nhiệm vụ ở lại) cũng ra tiễn chúng tôi. Đậm đà màu chàm quần áo dân tộc hòa với màu xanh quân phục. Thấp thoáng những vành nón trắng. Rộn rã tiếng nói cười và tiếng hát của các em thiếu nhi.

Ta có thể nhìn thấy vành mũ nan lợp vải gắn quân hiệu với ngôi sao vàng năm cánh thêu trên nền vải đỏ vẫy chào những vành nón trắng, những chiếc khăn màu. Những bàn tay vẫy những bàn tay. Nhiều cô gái vành nón nghiêng che giấu những cặp mắt đỏ hoe nhưng không ngăn được những giọt lệ long lanh lăn trên đôi gò má.

Và cũng có thể nghe tiếng sụt sịt khóc của những bà mẹ, những câu chúc tụng, những điều dặn dò, những lời chào ngắn ngủi và đâu đó có cả những lời hẹn ước của lớp trẻ...

Thế rồi... khác với thời khắc trước đó, giờ đây tuyệt nhiên không còn nghe một câu hát, một tiếng cười. Không khí như ngưng đọng lại có thể nghe rì rào từ xa tiếng thông reo trên đồi cao. Giờ xuất quân đã điểm. Gió chiều thu se buồn như cùng hòa với nỗi buồn của kẻ ở và người đi. Có phải đó là nỗi buồn muôn thuở của phút chia ly??!

Trên các bè gỗ những khẩu súng giơ lên cao, ánh thép phản chiếu dưới ánh nắng chiều mạnh như những lời thề. Đẹp như những lời hẹn ước. Những đôi mắt nhìn vào đôi mắt...

Các dây neo căng thẳng đã được kéo lên khỏi mặt nước. Các dây buộc bè với các cây bên bờ đều bị chặt đứt xé nước xoe xóe... Lao xao bến nước, lưu luyến những cánh bè. Nhưng không thể dừng lại được. Nước sông Lô trong xanh đã chầm chậm đưa đoàn bè gỗ của Đoàn 303 chúng tôi xuôi dòng... Gió sông thoáng đãng làm tung bay phần phật lá quốc kỳ và quân kỳ trang nghiêm, kiêu hãnh trên cột vững chắc được dựng sẵn trên các bè gỗ.

Ý chừng để gây khí thế cho đoàn lính bộ binh đi đường thủy và cũng như gửi lại lời chào tạm biệt đồng bào, đồng chí đã từng che chở, giúp đỡ những người lính chúng tối và cùng với chúng tôi làm nên chiến thắng để có hòa bình tươi rói hôm nay, chào tạm biệt núi rừng Việt Bắc hùng vĩ và thân thương đã gắn bó máu thịt với người lính suốt chín năm kháng chiến trường kỳ, vài loạt tiểu liên và lẻ tẻ mươi phát súng trường nổ chỉ thiên... Chào tạm biệt! Tạm biệt!

Hầu như tất cả chúng tôi với những cặp mắt rưng rưng hướng tầm nhìn lên phía trên dòng nước, lên những bến sông như hướng về cội nguồn. Đây đó còn thấp thoáng bóng những người đưa tiễn.

Thế rồi những bóng dáng thân thương ấy mỗi lúc một xa dần... xa dần, nhạt nhòa dần và cuối cùng hòa vào màu xanh bất tận của núi rừng.

Đoàn bè gỗ lần lượt vượt qua một ghềnh thác có nhiều mỏm đá lớn nhỏ lô nhô trên mặt nước. Từ xa đã nghe tiếng nước réo ầm ầm... Trái tim của những người lính vừa trải qua những giây phút hồi hộp y hệt cái hồi hộp trước khi bước vào trận đánh. Nhưng tất cả các cánh bè đều an toàn vượt qua thác lớn nhờ có những bàn tay chèo chống nhiều kinh nghiệm trên sông nước - là đồng đội của chúng tôi đã được chọn trước. Như một thắng lợi mở đầu, như vừa được cổ vũ, mọi người thấy lòng nhẹ nhõm, nỗi buồn chia ly với những người thân đã dịu bớt. Thế rồi không biết bắt đầu từ đâu - tiếng hát lúc đầu còn rời rạc, còn yếu ớt. Càng về sau càng mạnh hơn, đều hơn, ấm hơn, thôi thúc và giục giã hơn. Tiếng hát cứ âm vang mãi trên một khúc sông Lô với chiến công đánh chìm tàu giặc Pháp năm nào.

"Đoàn quân ba trăm linh ba quyết tiến...

Ngoài nơi chiến trường. Đầu rơi chớ lui.

Đoàn ta sẽ về xây dựng một lớp tương lai...”.

Lời của bài ca Binh chủng Thông tin tuy mộc mạc nhưng nét tự hào bừng sáng trên những khuôn mặt khắc khổ và trong ánh mắt rạng ngời của tất cả chúng tôi say sưa trong khi hát minh chứng cho niềm hân hoan đã chắp cánh cho lời ca vút cao, vang xa, vang xa mãi...

Đoàn bộ binh đi đường thủy cứ lênh đênh sông nước... Hết ngày lại đêm. Nắng. Mưa. Những mối hiểm nguy luôn rình rập khi bè qua các ghềnh thác hoặc những cây cầu sắt đổ trên sông. Qua sông Lô chúng tôi vào sông Thao rồi xuống sông Hồng. Qua ngã ba sông Việt Trì, bến Sơn Tây, Chèm, Vẽ rồi bè qua chân cầu Long Biên và cuối cùng an toàn cập bến Phà Đen - Hà Nội như kế hoạch của chỉ huy đơn vị đã định trước.

Đấy cuộc hành trình của Đoàn thông tin 303 về xuôi - tiếp quản Thủ đô Hà Nội là như vậy. Chúng tôi không được về Hà Nội cùng lúc với "Đại quân" vì cũng gặp không ít khó khăn trên sông nước. Ai cũng bảo chuyến xuôi lịch sử ấy thật tốt đẹp và vinh dự biết bao. Bộ đội Thông tin là như vậy - có những lúc, có những bộ phận thường là "đi trước mà lại về sau" thế đấy. Biết làm sao được!

Sau chiến thắng, được về Hà Nội thế là thỏa nguyện một niềm mơ ước đơn sơ của những người lính. Ai cũng thấy vui. Ai cũng tự hào - tự hào chính đáng bởi ai cũng hiểu chiến thắng này là của chung. Hòa bình là của chung. Vinh quang này là vinh quang chung của mọi người Việt Nam ta. Song khi đã được đặt bàn chân lên các đường phố của Thủ đô Hà Nội chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ một số đồng đội của mình đã yên nghỉ bên những lèn đá, bên những bờ suối vắng, hoặc ở những nẻo đường rợp bóng cây của rừng đại ngàn. Các anh cũng mong ngày chiến thắng, ngày độc lập để được về Hà Nội như chúng tôi hằng mong. Thế mà mãi mãi các anh không thực hiện được mơ ước đơn sơ đó. Các anh đã hy sinh nhưng trong lòng toàn dân các anh đã trở nên bất tử!

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

----------------------------------

1 Trích tiểu thuyết Miền nhung nhớ. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét