6/11/24

Hội nghị Trung Giã và chuyến công tác vào Thủ đô trước khi tiếp quản

Thiếu tướng Nguyễn Diệp1

Đầu tháng 7 năm 1954, vừa từ Điện Biên Phủ trở về An toàn khu (ATK), tôi được Cục Thông tin giao nhiệm vụ đến Trung Giã họp Hội nghị ba bên, bàn kế hoạch tổ chức thông tin bảo đảm các hoạt động của Ủy ban Quốc tế.

Lúc đó tôi mới 25 tuổi, là tiểu đoàn phó Thông tin, nhưng để không "lép vế" với đại biểu Pháp là một quan tư thông tin (commandant de transmission) tôi cũng được Bộ giới thiệu là Thiếu tá Thông tin.

Trong cuộc họp, đại biểu Ấn Độ, một Trung tá Thông tin đề ra yêu cầu bảo đảm thông tin vô tuyến và hữu tuyến cho Ủy ban Quốc tế ở Hà Nội và Sài Gòn liên lạc với các tổ cố định và tổ lưu động làm nhiệm vụ giám sát việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Phía Pháp chịu trách nhiệm phụ trách liên lạc với các tổ hoạt động ở Nam vĩ tuyến 17, còn phía Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức liên lạc với các tổ chức giám sát ở Bắc vĩ tuyến 17 (khoảng 20 đầu mối).

Tuy có nhiều trang bị hiện đại hơn ta nhưng đại biểu Pháp, một quan tư khoảng 40 tuổi - luôn kêu khó khăn làm cho đại biểu Ấn Độ và đại diện Ủy ban Quốc tế không hài lòng. Ngược lại, tôi chỉ hỏi rõ địa điểm các tổ giám sát cố định và phương thức hoạt động của các tổ lưu động; thời gian triển khai các mạng thông tin và hứa phía Việt Nam sẽ đáp ứng mọi yêu cầu liên lạc của Ủy ban Quốc tế về hoạt động ở Bắc vĩ tuyến 17.

Có lẽ cảm thấy ngượng trước thái độ thiện chí của phía Việt Nam hoặc muốn "tìm hiểu" cách giải quyết của ta, viên quan tư Pháp hỏi tôi: "Vậy các ông dùng các phương tiện gì?".

Tôi trả lời với giọng châm biếm:

"Dùng những chiến lợi phẩm thông tin thu được của các ông ở Điện Biên Phủ như GRC9, SCR694, Tổng đài BĐ71, BD72...".

Viên quan tư Pháp tỏ ra vẻ ngạc nhiên và vặn lại: "Loại GRC9 và 694 chỉ dùng liên lạc với cự ly dưới 100 km, các ông làm sao bảo đảm được liên lạc giữa Hà Nội với Lạng Sơn, Mường Xén, Vinh...?".

Tôi nói: "Trong chiến tranh, chúng tôi đã từng bảo đảm liên lạc ở các cự ly xa hơn bằng các phương tiện đó...".

Viên quan tư Pháp vẫn nhún vai tỏ vẻ không tin.

Sau cuộc họp, đại diện Ấn Độ mời dự tiệc; trong bữa ăn ông ngồi gần tôi và bày tỏ nhiều cảm tình với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam và hết sức khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông hẹn tôi một tuần sau phía quân đội Pháp sẽ đón tôi vào Hà Nội để nghiên cứu kế hoạch triển khai mạng hữu tuyến giữa các trụ sở của Ủy ban Quốc tế và bàn thêm một số vấn đề cụ thể.

Tôi báo cáo kết quả làm việc với phái đoàn ta và xin ý kiến về việc vào Hà Nội nghiên cứu "thực địa" để lập kế hoạch tổ chức thông tin liên lạc phục vụ Ủy ban Quốc tế hoạt động ở Bắc vĩ tuyến 17.

Đồng chí Văn Tiến Dũng, trưởng phái đoàn Việt Nam, đồng ý việc cử tôi vào Hà Nội theo yêu cầu của chuyên viên thông tin thuộc Ủy ban Quốc tế. Đồng chí hứa cử một sĩ quan biết tiếng Pháp và tiếng Anh đi cùng để làm phiên dịch và dặn tôi khi vào thành chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, không làm công tác tuyên truyền để phía Pháp khỏi viện cớ phản đối, gây khó dễ.

Đến ngày hẹn, phía Pháp đưa một xe Jeép đón tôi và sĩ quan phiên dịch. Chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, quần áo sĩ quan bốn túi, đội mũ có quân hiệu cờ đỏ sao vàng, đi giày da. Chúng tôi ngồi ghế sau, viên sĩ quan Pháp dẫn đường ngồi ghế trước cạnh một trung sĩ lái xe.

Khi qua cầu Phủ Lỗ, cách Hà Nội gần 30 km chúng tôi gặp vị trí đầu tiên của quân Pháp. Không rõ anh bạn phiên dịch nghĩ gì, riêng tôi cứ thấy trào dâng một cảm giác khó tả, vừa phấn khởi vừa hồi hộp. Phấn khởi vì sau 9 năm hôm nay mới có dịp đi qua mảnh đất quê hương và sắp được đặt chân lên Thủ đô thân yêu, hồi hộp vì từ lúc này mình bắt đầu vào vùng địch tạm chiếm, không rõ đồng bào sống thế nào, thái độ đối với mình ra sao, phía Pháp có gây ra tình huống phức tạp gì không?

Đang mải suy nghĩ thì xe lại qua một bốt gác do lính Âu Phi canh giữ ở khu vực ao Cả Vực Dê gần Đông Anh, nơi trước đây có một lần vỡ đê tạo nên một cái vực nhỏ. Một cảnh tượng đáng buồn đập vào mắt chúng tôi: một vài tên lính da đen đang tắm ở một hồ nước bên đường, trong khi một cô gái điểm son phấn lòe loẹt ngồi cười đùa, chầu trực bên bờ.

Xe vẫn phóng nhanh, cảnh tượng trên vẫn ám ảnh tôi tới khi xe qua cầu Đuống, sắp đến lối rẽ về nơi "chôn nhau cắt rốn" của tôi. Tôi cố nhìn hai bên đường xem có gặp bà con nào quen thuộc nhưng vì xe chạy tốc độ trên 60 km/giờ nên cũng chẳng thấy ai... Chỉ đến khi xe qua cầu Long Biên vì vướng xe đạp, xe xích lô, ô tô phải đi chậm, chúng tôi mới gặp ánh mắt ngạc nhiên của đồng bào đi bộ ngược chiều với xe chạy. Xe qua rồi mà đồng bào vẫn còn ngoái cổ trông theo vì chúng tôi là những sứ giả đầu tiên mặc quân phục, đeo quân hiệu "cờ đỏ sao vàng" tiến vào Thủ đô, ngồi trên xe do lính Pháp lái. Chắc đồng bào còn bàn tán nhiều về sự kiện đặc biệt này...

Qua cầu Long Biên xe rẽ trái chạy dọc theo đường bờ sông (nay là phố Trần Nhật Duật) để về khách sạn Mêtrôpôn (nay là khách sạn Sofitel). Lại một cảnh tượng đáng buồn diễn ra trước mắt chúng tôi: hai bên bờ sông, đồng bào theo đạo Thiên chúa ở các tỉnh bị giặc tuyên truyền "Chúa đã vào Nam" nên bỏ nhà cửa, ruộng vườn lên Hà Nội chờ ngày chuyển xuống Hải Phòng đi tàu biển vào Nam. Cảnh màn trời chiếu đất của đồng bào làm chúng tôi càng thấy rõ âm mưu thâm độc của giặc sau khi chịu thất bại về quân sự và thêm căm giận bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo...

Xe dừng trước khách sạn Mêtrôpôn. Viên sĩ quan Pháp vào trước tìm gặp đại diện Ấn Độ, chúng tôi đứng chờ ở ngoài cửa và có dịp ngắm nhìn đồng bào đi trên đường phố. Ngược lại, nhiều đồng bào nhất là ở phía đường đối diện cũng dừng lại để ngắm "sĩ quan Việt Minh" với ánh mắt thiện cảm nhưng vì còn nằm trong vùng địch tạm chiếm nên chưa thể bộc lộ hết tình cảm...

Sau mươi phút chờ đợi, chúng tôi được mời vào gặp đại diện của Ủy ban Quốc tế. Chúng tôi được tiếp đón rất lịch sự, tôi còn nhớ hương vị cốc nước cam giải khát trước khi làm việc.

Theo phương án đã được Bộ duyệt, tôi trình bày cụ thể kế hoạch tổ chức các mạng thông tin phục vụ hoạt động của Ủy ban Quốc tế Bắc vĩ tuyến 17, đề ra một số yêu cầu bảo đảm cho số nhân viên thông tin công tác ở tổ giám sát cố định và lưu động. Trước khi xem thực địa các khu vực làm việc của Ủy ban Quốc tế ở Hà Nội, chúng tôi nghỉ giải lao 15 phút...

Tôi vừa ra ngoài phòng họp thì một nhân viên phục vụ của khách sạn theo ra hỏi tình hình xem ngày nào Chính phủ sẽ vào tiếp quản. Nhớ lời dặn của phái đoàn, tôi không có nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, nhưng trước thái độ chân thành của anh nhân viên, tôi cũng giải thích tóm tắt về Hiệp định Giơ-ne-vơ để khuyên anh và gia đình bình tĩnh làm việc chờ khoảng đầu tháng 10 Pháp rút, đề nghị anh nói với bà con không nên nghe lời tuyên truyền di cư của địch.

Lên xe rời khách sạn, chúng tôi đi xem một số trụ sở của Ủy ban Quốc tế để lập kế hoạch tổ chức thông tin hữu tuyến. Tôi nhớ nhất là khi vào trong thành, nơi đóng quân của cơ quan quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Khi xe dừng trước ngôi nhà hai tầng có biển đề "Bộ chỉ huy Không quân" (sau này là nơi làm việc của Cục Nghiên cứu Khoa học quân sự - Bộ Tổng Tham mưu), chúng tôi thấy một số "Tây đầm" từ trên tầng 2 ngó ra, chỉ trỏ, bàn tán. Chúng tôi không nghe rõ họ nói những gì nhưng qua dáng điệu, tôi đoán là họ ngạc nhiên vì hai "sĩ quan Việt Minh cũng cao lớn không kém gì sĩ quan của họ, không xanh xao gầy còm "hai người bám lên một cành đu đủ không gãy" như họ đã tuyên truyền, đã vẽ tranh châm biếm!

Sau khi nghiên cứu các địa điểm cần thiết, chúng tôi chào từ biệt đại diện Ủy ban Quốc tế và viên sĩ quan Pháp lại đưa chúng tôi về Trung Giã.

Trên đường về, trời đã sẩm tối, đường sá vắng vẻ nhưng những cảnh sinh hoạt của đồng bào trong vùng địch tạm chiếm, nhất là đồng bào chuẩn bị di cư vẫn in sâu trong tâm trí chúng tôi và ai nấy đều mong sớm đến ngày về tiếp quản Thủ đô để đồng bào được hưởng cuộc sống tự do, thanh bình và gặp lại những người con thân yêu sau 9 năm xa cách.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

------------------------------------

1 Viết nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Thủ đô. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét