Quang Cường
Hồi ấy là cuối năm 1953, khi
đang công tác ở Đội 101 - Cục Thông tin liên lạc, tôi nhận được lệnh điều vào Đại
đoàn 325 ở Bình Trị Thiên. Khi về Đại đoàn lại nhận được lệnh đi phối thuộc chiến
đấu với Trung đoàn 66 Đại đoàn 304, mang theo một đài kiểu Pilot là loại máy
khá hiện đại trong thời kỳ đó. Đi cùng tôi còn có anh Vũ Duy Chính là học viên
cùng tốt nghiệp lớp Thông tin vô tuyến điện khóa 7 lục quân và bốn chiến sĩ
quay máy lực lưỡng nhanh nhẹn. Sau khi tìm đến Trung đoàn 66 chúng tôi lại được
lệnh đi theo Tiểu đoàn 166 làm nhiệm vụ đặc biệt.
Tiểu đoàn hành quân vào vùng
rừng núi phía tây Quảng Bình, càng đi càng thấy vắng vẻ, âm u không có dân
cư... Ngày đi, đêm nghỉ giữa rừng, tuy vất vả nhưng ai cũng thấy háo hức vì sớm
được làm nhiệm vụ đặc biệt. Hàng ngày, đến địa điểm trú quân, sau khi tắm rửa,
ăn uống, bộ đội được nghỉ ngơi, nhưng anh em trong đài lại căng ăngten chuyển
nhận điện tới khuya, hết việc mới được nghỉ, số lượng điện chuyển nhận càng nhiều,
nhất là điện có độ khẩn cao (thượng khẩn, tối khẩn) báo hiệu sắp có việc hệ trọng...
Vào một đêm tối trời đầu tháng 12 năm 1953 đơn vị được lệnh bí mật từ "cổng
trời" (nay thuộc huyện Minh Hóa - Quảng Bình) vượt qua biên giới (đèo Mụ
Giạ) tiến dọc đường 12 lặng lẽ tập kết ở một cánh rừng Lào.
Lúc này đơn vị mới được phổ
biến nhiệm vụ chính thức "phối hợp cùng các đơn vị bạn ở chiến trường (các
đại đoàn 308, 312, 316, 351) mở chiến dịch Đông Xuân 1953-1954".
Tiểu đoàn 166 cùng Tiểu đoàn
101 Đại đoàn 325 ở Trị Thiên có nhiệm vụ cùng phối hợp chiến đấu giải phóng Trung
- Hạ Lào, thu hút và tiêu diệt một bộ phận chủ lực địch từ các chiến trường
khác sẽ được điều tới, phân tán lực lượng địch tạo điều kiện cho Mặt trận Điện
Biên Phủ giành thắng lợi, đồng thời giúp bạn mở rộng vùng giải phóng.
Trận mở màn chiến dịch của
đơn vị giành thắng lợi giòn giã, trong 30 phút tiêu diệt đồn Ba Na Phào (trên
quốc lộ 13) buộc quân Pháp và ngụy Lào chạy tán loạn. Lập tức đơn vị được lệnh
phát triển thắng lợi, liên tục truy kích địch dọc đường 13 và lần lượt tiêu diệt
các vị trí Ma Hả Xay, Mường Phìn...
Thời gian đó, nước Lào còn nằm
dưới chính quyền Pháp - ngụy Lào, chưa vùng nào được giải phóng. Địch thì ra sức
tuyên truyền xuyên tạc nói xấu ta: nào là Việt Minh sẽ trả thù đi tới đâu sẽ giết
sạch, đốt sạch nên nhân dân rất hoảng sợ, cứ thấy quân ta đến là bỏ chạy. Vấn đề
phong tục tập quán, tôn giáo lúc đó cũng còn rất phức tạp.
Đang trên đường hành quân đuổi
đánh địch, bất ngờ xảy ra một sự cố quan trọng: một đêm dừng lại giữa khu rừng
khộp ở Trung Lào, triển khai đài làm việc như thường lệ thì đài bị hỏng.
Tình huống lúc này rất gay
go. Hàng ngàn con người trong đơn vị khi rời xa Tổ quốc hàng ngàn cây số sang chiến
đấu bên nước bạn, giữa vùng địch còn chiếm đóng, dường như chỉ còn một phương
tiện liên lạc với Trung ương, với các mặt trận phối hợp, nhất là chiếc đài vô
tuyến điện 15W. Bây giờ đài hỏng mất liên lạc, thì khác gì con người mắt mù,
tai điếc.
Giữa lúc đó lại có tin báo
cáo về Tiểu đoàn: đơn vị phục kích trên đường 13 đêm nay vừa chặn đánh tiêu diệt
một đoàn 6 xe nhà binh địch, trong đó có một xe chở toàn cố đạo, bà xơ người
Pháp. Chính sách đối xử với họ làm sao đây? Thả hay bắt làm tù binh? Giá như
còn đài vô tuyến điện của Trung ương là xong, nhưng...
Các đồng chí trong Ban chỉ
huy liên tục sang hỏi han, động viên anh em trong đài và tỏ vẻ rất lo lắng, sốt
ruột; toàn đơn vị biết làm sao đây ở giữa núi rừng Lào xa xăm, lạ lẫm, heo hút
này?
Hiểu rõ tâm trạng của người
chỉ huy, suốt đêm đó tôi nghiền ngẫm, kiểm tra kỹ từng mạch điện, từng bóng
đèn, nguồn điện nhưng vẫn vô hiệu.
Tuy không phải là cơ công sửa
chữa vô tuyến điện nhưng tất cả phụ tùng dự trữ mang theo: kháng, tụ đều đã được
tháo mối hàn để thay mới. Tất cả các thiết bị từ máy Ragonô, dây dẫn đến các mạch
điện chi tiết trong máy thu phát đều được kiểm tra rất kỹ. Nguồn điện pin cũng
được thay đổi nhưng vẫn vô hiệu.
Mệt mỏi, đau đầu, lo lắng đến
mất ăn, mất ngủ. Anh em trong đài cũng rất thông cảm, im lặng, không ai dám cười
to.
Qua một đêm và một ngày căng
thẳng đầu óc, chính bản thân tôi cũng đã bắt đầu thấy hết hy vọng. Thế nhưng trong
ý nghĩ vẫn còn quyết tâm, tuy mỏng manh nhưng "còn nước còn tát".
Lúc đó là gần 18 giờ 30 phút (tôi nhớ rất rõ vì mọi khi vẫn mở nghe đài Bắc
Kinh vào giờ này); tôi lại giở hộp đèn dự trữ ra lần cuối cùng. Không hàn không
thay, không sửa gì nữa, tôi lần lượt ngồi tỉ mẩn thay đổi từng bóng "chân
tăm" và ấn mạnh chân đèn. Bỗng nhiên bật ra một âm thanh trong máy. Hy
vọng rồi! Tôi kêu vội lên và gọi anh em trong đài chạy lại quây quanh tôi.
Chỉ trong chốc lát, tin vui
được báo cáo lên Ban chỉ huy, rồi nhanh chóng được loan báo ra khắp đơn vị, thật
đúng là vui như ngày tết.
Mọi người ôm chầm lấy tôi,
thủ trưởng đơn vị xuống niềm nở bắt tay chúc mừng và biểu dương tại chỗ.
Còn tôi, không biết nói gì
hơn, lúc này mừng quá nên xúc động tột độ, đôi dòng nước mắt tự nhiên ứa ra. Có
lẽ đây là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời làm báo vụ của tôi.
Sau này, cứ mỗi khi nhớ lại
quá khứ cách đây 50 năm, tôi không thể quên một bài học nhớ đời cho riêng tôi:
sống phải luôn luôn lạc quan và làm việc gì cũng phải có quyết tâm cao, không
bao giờ được nản lòng.
Trong tuyệt vọng vẫn luôn
còn tia sáng của hy vọng!
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét