6/11/24

Việt - Lào xamakhi

Đức Tiến

Trên đường tiến quân, bộ đội ta vượt sông Mã. Chưa đến huyện Sốp Hào tỉnh Sầm Nưa thì được thông báo: Quân Pháp và bè lũ tay sai người Lào đã tháo chạy về Cánh Đồng Chum từ hôm trước.

Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho các đơn vị bộ binh trang bị gọn nhẹ tiếp tục truy kích địch trên đường rút chạy. Còn các đơn vị khác dừng lại chờ nhận nhiệm vụ mới.

Các đơn vị trong khi dừng lại tuyến sau tranh thủ tổ chức cho bộ đội học tập chính sách đoàn kết quốc tế - Mười điều kỷ luật chiến trường, công tác dân vận quốc tế đối với người Lào.

Bản Mường Ngà là quê của viên tỉnh trưởng Sầm Nưa, hắn cũng vừa cho "bầu đoàn thê tử" ngồi trên hai chiếc xe Jeép bắt bọn lính đẩy đi, không dám cho xe nổ máy vì sợ lộ bí mật với bộ đội Việt Nam đang truy kích. Chúng rút chạy theo quan thầy Pháp. Đại đội thông tin 103 tạm dừng chân ở bìa rừng gần sát bản Mường Ngà. Chưa được lệnh vào bản vì từ lâu quân địch đã tuyên truyền xuyên tạc nói xấu Bộ đội Việt Nam. Nào là khi họ vào đất Lào sẽ giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ, treo cổ người già, mổ bụng trẻ em... nên dân bản rất e ngại và sợ sệt.

Đơn vị 103 ngoài việc bảo đảm thông tin liên lạc bình thường giữa các trạm quân bưu với các đại đoàn và Bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch đã tiến sát thị xã Sầm Nưa. Còn có một nhiệm vụ khác nữa là vẫn tiếp tục học tập các chính sách dân vận quốc tế và kỷ luật chiến trường. Anh em vẫn lấy lá rừng trải nằm thay chiếu. Ở đây tuy ít vắt nhưng lại rất nhiều bọ chó. Chúng bám chặt vào cổ, vào nách và các chỗ hiểm của cơ thể người để hút máu đến no rồi nhảy tanh tách, rất khó tiêu diệt được chúng. Về sau nhiều anh em bị ghẻ lở cũng chính là từ những nốt cắn của bọ chó.

Một tuần trôi qua trong cái vất vả gian nan của cuộc sống ở chiến trường rừng núi, đất khách quê người. Đơn vị chúng tôi mới liên lạc được với cán bộ của nước bạn, họ dẫn chúng tôi vào bản với nhân dân. Nhưng cái khó nhất là "ngôn ngữ bất đồng". Cán bộ thì bảo bộ đội phải làm công tác dân vận cho tốt, nhưng biết làm gì đây? Biết nói gì đây?

Thế là trước tiên phải vượt qua "cửa ải ngôn ngữ" cái đã. Chỉ có tinh thần chủ động và ý thức tự giác cao, ý thức tổ chức và kỷ luật tốt của "Anh bộ đội Cụ Hồ" mới tìm ra đáp số cho bài toán "ngôn ngữ", rồi để làm gì và nói gì?

- Phải học tiếng Lào! Đúng rồi, phải học tiếng Lào đã. Trước nhất học những câu giao dịch thông thường chẳng hạn như "săm pai", "săm pai bo", "xa ma khi", "pa sa son" (Chào bố mẹ, mạnh khỏe không? Đoàn kết, nhân dân...).

Nhiều tiếng Lào gần giống tiếng Thái, mà tiếng Thái thì tôi có biết một ít nên học tiếng Lào đối với tôi rất thuận lợi. Thế là tôi hay tìm người già trong bản để học theo kiểu truyền miệng. Các bo, mẹ Lào nói, tôi lắng nghe rồi nói lại cho họ nghe. Những câu tôi nói đúng thì họ gật gật đầu rồi cười, học được câu nào tôi liền ghi vào sổ tay ngay.

Gặp ai tôi cũng chào hỏi, gặp các vật dụng tôi hỏi là cái gì? Con gì? Nói thế nào? Chỉ trong mươi ngày tôi đã nói và hướng dẫn cho nhiều anh em đồng đội cùng nói tiếng Lào khá tốt và cũng rất vui.

Hàng ngày chúng tôi giúp dân bản tổng vệ sinh đường đi lối lại, chỗ ăn chỗ ở quét dọn sạch sẽ, khơi cống rãnh, đốt rác... Một số khác thì đào mương, sửa giếng nước ăn, sửa chữa nhà cửa cho những gia đình dân bản bị giặc đốt phá trước khi rút chạy, cắt tóc cho trẻ em. Quân y thì khám chữa bệnh cho ông già, bà cả và trẻ nhỏ, cấp thuốc cho họ uống hoặc xoa bóp tùy theo bệnh tật.

Các buổi tối, bộ đội ta tập trung ở sân nhà nào rộng để sinh hoạt văn nghệ, múa hát. Một không khí vui vẻ, đoàn kết, tin tưởng ngày một tăng thêm giữa bộ đội ta và dân bản, phá tan cái không khí, cái tâm trạng e ngại, ngờ vực buổi ban đầu.

Ở nhà pho me Xi Phân Lệt có cô con gái mười bẩy tuổi khá xinh đẹp tên là Bun Lay. Cũng như mọi người, cô còn e dè, sợ sệt. Về sau cô thấy Bộ đội Việt Nam đàng hoàng, đứng đắn và rất vui nên từ chỗ cô nấp ở trong nhà "nhìn trộm" bộ đội ta múa hát, sau thì cô ra tận nơi xem (tại sân nhà cô), cuối cùng cô còn rủ các bạn trai gái trong bản đến xem bộ đội ta múa hát.

 Hôm sau tôi mạnh dạn gặp Bun Lay nhờ cô dạy bài hát Lào. Lúc đầu Bun Lay hơi e ngại... Sau cô vui vẻ nhận lời dạy tôi bài "Pa Sa Son Lao" là bài Quốc ca Lào hiện nay. Cô hát từng câu rành rọt đầy âm sắc bằng chất giọng tuyệt vời của người con gái Lào. "Pa Sa Son Lao, Thuôn nà mi kiet đề ba, má nà thá vi, Pa Sa Son thát pát xe ri. Luôm xa ma khi-Pên mương đèo căn...".

Tôi cứ bị tiếng hát của Bun Lay cuốn hút trong khi cô tập cho tôi hát. Sau ba buổi tối tôi đã học thuộc bài Quốc ca của nước bạn Lào.

Thế rồi dưới ánh lửa trại bập bùng nhiều đêm đã diễn ra liên hoan văn nghệ. Bộ đội Việt Nam hát bài "Kết đoàn", "Múa xòe Tây Bắc", còn các bạn thanh niên Lào do Bun Lay rủ đến dự thì hát bài "Pa Sa Son Lao" và "Xa Ma Khi" (Đoàn kết).

Cuối cùng hai bên Lào - Việt múa chung điệu Lăm Vông. Ánh lửa trại và tình thân ái như mỗi lúc cứ sưởi ấm thêm tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc Lào - Việt.

Bun Lay thỉnh thoảng còn rủ mấy người bạn thân đến tận chỗ tôi để thăm, dạy thêm cho tôi hát và dạy cả tiếng Lào nữa. Cô cũng yêu cầu tôi dạy chữ Việt cho cô. Được Ban chỉ huy đơn vị cho phép, tôi và Bùi Minh Hiền đã dạy cô và ba bạn thân của cô biết đọc biết viết tiếng Việt chỉ trong vòng gần 2 tháng. Kiểu như học vỡ lòng mà thôi.

Tuy vậy hôm phải chia tay chúng tôi, Bun Lay thay mặt các bạn cô đã được học tiếng Việt viết cho tôi mấy dòng lưu biệt đầy xúc động: "Phải xa rồi đấy các Bộ đội Cụ Hồ ơi! Nhớ lắm Việt - Lào xa ma khi".

Chúng tôi cũng muốn nói: "Việt - Lào xa ma khi", cô đã nói thay lời chúng tôi.

Nét chữ của Bun Lay tuy còn mấy chỗ thiếu nét và rất nguệch ngoạc như chữ viết của con trẻ, nhưng tình sâu nghĩa nặng Việt - Lào thì tôi không thể nào quên.

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét