Nguyễn Hoàn
Ban liên lạc đặc biệt miền
Nam thời đó đóng ở Vụ Bản (Hòa Bình). Kinh phí đã cạn, mọi sinh hoạt của đơn vị
gặp khó khăn, phải lên Trung ương xin cấp tài chính để hoạt động lâu dài.
Vào một buổi sáng tháng 5
năm 1947, anh Phan Định, giao cho tôi và Trần Quang một bản đồ tham mưu vùng ven
Hòa Bình, trong bản đồ, nhất là các bản làng xa xôi hẻo lánh đều có tên gọi rõ
ràng. Những bản này thời bình chắc chẳng ai vào đây làm gì, sau này nghe người
địa phương kể lại: đây là những đường mòn của dân buôn lậu thuốc phiện. Kinh
phí đi đường chúng tôi được cấp là vài trăm đồng và 2 quả lựu đạn phòng thân.
Chúng tôi dựa trên bản đồ lần
theo các tên bản trong đó hỏi thăm và tìm đường để vượt qua đường số 6. Chúng tôi
đi theo đường mòn trong rừng, nhiều quãng gần như không có đường, phải theo hướng
mà đi. Có những khoảng rừng toàn nứa, chặt khúc lấy nước uống, có nơi lá rừng phủ
dày đi như đi trên đệm bông, có nơi lên đèo, xuống dốc trơn tuột, chỉ có lết hoặc
trượt xuống. Bản làng thưa thớt nghèo nàn, dân bản không còn, bao nhiêu nhà sàn
thưa thớt, hẻo lánh, sát vách núi cũng bị máy bay địch bắn phá trơ trụi.
Đi hết một ngày đường, lội
suối vượt rừng mới đến một bản chỉ còn một nhà sàn, một mái bị cháy. Trên đoạn đường
chúng tôi đi gặp một số cán bộ, bộ đội cũng tìm đường lên Việt Bắc hoặc tìm đơn
vị. Có một số anh em ốm đau, bị thương, chúng tôi nhường cho những anh em đó nằm
bên phía nhà sàn có mái che còn chúng tôi còn khỏe nằm bên này nhà sàn không có
mái, đắp chăn kín mít. Sáng ra người ướt đẫm hơi sương. Đến hôm thứ hai, may đến
một trạm có rất đông người, có cả trẻ con và phụ nữ. Đa số cũng muốn vượt qua
đường 6 tìm đường lên Việt Bắc công tác hoặc tìm gia đình. Đến đây chúng tôi được
phát mỗi người một nắm cơm ăn với muối. Suốt một ngày đi, nước còn có mà uống
như nước suối chẳng hạn nhưng ăn thì không tìm đâu ra vì ở vùng hẻo lánh này
nhà cửa thưa thớt lại còn bị máy bay giặc bắn phá nên bà con chạy hết.
Đêm thứ hai được ngủ trong
nhà trạm tương đối dễ chịu, sáng sớm lại tiếp tục tìm đường đi. Lần này số người
cùng đi với chúng tôi khá đông có cả phụ nữ và trẻ em. Đến gần đường số 6 đã xế
trưa chúng tôi dừng lại trên đồi cao hội ý với nhau và cử người ra sát đường
quan sát. Cảm thấy yên ổn chúng tôi mới dám chạy qua đường, chạy thục mạng cứ
phía trước xa đường cái lao tới. Đi được một thời gian khá dài, toàn rừng lau
cao ngập đầu người, chúng tôi thấy thấp thoáng có bóng nhà sàn, vội vàng tràn tới,
nhưng buồn thay không một bóng người, nhà cửa im ắng, lặng lẽ đến rợn người.
Lúc này trời đã sẩm tối, nhìn kỹ đằng xa có ánh đèn và hình như có người, chúng
tôi vội lên tiếng, nói là người của đằng mình. Mãi sau mới có 2 người thận trọng
bước ra. Chúng tôi vội trình bày nguyện vọng và hành trình công tác của chúng
tôi lên Việt Bắc. Bà con có trách khéo chúng tôi là không cử người vào liên hệ trước,
bà con thấy một số đông người ào ào vào bản nên ba con sợ không biết ta hay địch
đã bỏ bản làng vào rừng sâu. Khoảng nửa tiếng sau, bà con thông tin cho nhau rồi
lại lục tục trở về, vui vẻ hàn huyên với chúng tôi và sẵn sàng bán gạo, bán gà
cho chúng tôi chuẩn bị bữa cơm chiều.
Sáng hôm sau, tôi và Trần
Quang phải từ giã bà con và đoàn người lữ hành gồm nhiều thành phần: bộ đội,
công an, cán bộ kèm theo cả vợ con. Chúng tôi phải lên đường gấp vì ở nhà anh
Phan Định và anh em trong đơn vị đang chờ đợi tin tức của chúng tôi.
Chúng tôi cứ dọc bờ sông,
xuôi dòng đi xuống bến gần Ba Vì, bên kia bờ là Tu Vũ. Đến đây chúng tôi thấy
có bè chắn ngang sông, mừng quá cứ thế chạy qua bè nào ngờ đi quá nửa đường bè
hẫng không tiếp đến hết sang bờ bên kia. Chúng tôi hội ý với nhau và quyết định
phải bơi không thể đứng trên bè gọi đò hoặc đợi máy bay địch bay qua hay tàu
chiến địch rà soát trên sông.
Sang đến bờ bên kia, chỉnh
trang lại hành lý, nhằm hướng Tu Vũ đi tới. Tu Vũ ngày đó có một trạm của chúng
tôi, sau này là một địa danh đi vào lịch sử vì nơi đây ta và địch đã từng giao
chiến. Đến Tu Vũ ngày ấy thật thanh bình, nhà cửa tuy toàn tranh, nứa, lá nhưng
sắp xếp từng dãy nhà ngăn nắp, hàng lối vuông vức.
Chúng tôi tìm đến trạm không
khó, trình giấy tờ và nói nhiệm vụ của chúng tôi. Anh em trong trạm vui vẻ tiếp
đón và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi phương tiện. Chúng tôi nghỉ lại trạm, ăn uống
no đủ, có cả thịt thú rừng, chưa thấy bữa nào ngon miệng đến thế.
Hôm sau, chúng tôi đã khá
ung dung, mỗi người một xe đạp tốt nhằm hướng Thanh Thủy, Phú Thọ, Tuyên Quang đi
tới. Đến Phú Thọ, chúng tôi định vào tỉnh thì máy bay địch ném bom giữa tỉnh cạnh
cửa hàng ăn, vì vậy phải nghỉ đêm tại một làng vùng ven tỉnh, trên một quả đồi.
Sáng hôm sau lên đường sớm theo quốc lộ 2 lên Tuyên Quang qua Đoan Hùng. Tuy là
được đi trên đường cái nhưng vất vả không kém gì trèo đèo lội suối vì đường của
ta vài cây số phải xẻ đường để ngăn bước tiến của địch nếu chúng mò lên. Đi một
quãng lại vác xe qua cầu khỉ hoặc lội dưới mặt đường mà đi. Đến Đoan Hùng đã
khá mệt mỏi, phố xá tấp nập hàng quán nhiều và ồn ào, chúng tôi nghỉ tại đó ăn
uống và thưởng thức bưởi Đoan Hùng nổi tiếng.
Tiếp tục lên đường đến Km 5
có đường qua bến Bình Ca sang Thái Nguyên, chúng tôi đi thẳng lên Tuyên Quang. Vào
đến thị xã Tuyên Quang, không khí nhộn nhịp, vui vẻ, hàng quán đông vui. Đến gần
phòng thông tin, nghe Thương Huyền đang ca qua máy phóng thanh, sao ấm cúng thế.
Chúng tôi đến trạm tiếp đón
trình giấy tờ và yêu cầu tiếp tế tài chính của anh Phan Định. Anh em tiếp đón chúng
tôi và dẫn đến chiêu đãi sở nghỉ ngơi, chờ đợi. Những ngày ở Tuyên Quang, chúng
tôi được đến Viện khám sức khỏe, được phát thuốc uống, thuốc tiêm chu đáo. Những
ngày tháng đầu năm 1947 này, Tuyên Quang khá vui vẻ vì một số lớn cán bộ, nhân
dân là người Hà Nội, những cơ quan đầu não của Chính phủ cũng lên trên này vì từ
đây đi vào sâu là cả một chiến khu rộng lớn của Việt Bắc vừa an toàn, vừa có kế
hoạch lâu dài để trường kỳ kháng chiến.
Chúng tôi sống được vài ngày
tại Tuyên Quang, tưởng như được vào thành phố với đầy đủ tiện nghi của thị
thành với những hàng quán, cửa hàng, cửa hiệu san sát, thứ gì cũng có, cả một
dãy cửa hàng cắt tóc, có cả cửa hàng của Phạm Ngọc Phúc ở đầu phố Quán Sứ - Hà
Nội cũng lên trên này. Những người sành điệu ở Hà Nội thường đến cắt tóc ở tiệm
này.
Nhưng sự nhộn nhịp này rồi
cũng phải tạm ngừng, chuyển ra các vùng ven vì địch lúc nào cũng có thể oanh tạc
hoặc ném bom thị xã. Nhà cửa đã phải phá bỏ hoặc tiêu thổ theo chủ trương của
Chính phủ kháng chiến.
Thời chiến tranh mới thấy
câu thơ trong "Chinh phụ ngâm" là thấm thía:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi
truân chuyên.
Thật vậy, những phụ nữ thị
thành có người còn thướt tha tấm áo dài truyền thống nhưng vẻ mặt đã nhuốm màu gió
sương, có người đã phải lao động cực nhọc, đi sâu vào rừng xanh núi đỏ nếm mùi
sốt rét rừng, phải kiếm kế sinh nhai hoặc theo chồng con đi kháng chiến.
Chúng tôi nghỉ xả hơi được
vài ngày, trên Bộ đã báo chúng tôi đến lấy tiền, niêm phong chặt trong 2 ba lô,
không biết bao nhiêu vạn, bao nhiều triệu; chỉ biết phải an toàn cho Ban liên lạc
đặc biệt miền Nam.
Phải xa Việt Bắc, căn cứ địa
của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chúng tôi lại tiếp tục đi ngược lại con
đường chúng tôi vừa đi lên, biết bao bất trắc có thể xảy ra nhưng phải hoàn
thành nhiệm vụ.
Sau nhiều ngày vất vả không
kém những ngày đi lên, chúng tôi về đến nhà, trụ sở Ban vẫn đóng trong bản cách
thị trấn Vụ Bản gần mười cây số... Lên đến nhà sàn trời đã nhá nhem tối, cả một
gian nhà sàn rộng lớn, anh em nằm ngay ngắn, hàng lối thẳng tắp, đắp chăn kín
mít. Thấy chúng tôi về, anh em mừng rỡ nhưng cũng chỉ thấy trong khóe mắt, vì
toàn thể anh em đã bị sốt rét rừng hành hạ, không còn nhanh nhẹn hoạt bát như
những ngày đầu vào trong này. Trông thấy, anh em chúng tôi không cầm được nước
mắt nhưng cũng vui lòng vì kết quả của chuyến đi vừa rồi sẽ góp phần nhanh
chóng khôi phục sức khỏe cho anh em trong đơn vị.
Mùa thu năm Bính Tý (1996)
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét