Ngô Thế Khoa
Sau chiến dịch Điện Biên,
chúng tôi được lệnh sang giúp bạn Lào, tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa
Lỳ. Mang đài ra đi thì việc chính là để giữ liên lạc. Địch phá Hiệp định, nhảy
dù chiếm Mường Pơn. Đúng lúc đó bên bạn đưa sang một trung đội anh em thanh
niên Lào ở các tỉnh tập trung về, đề nghị giúp cho việc đào tạo thành các cán bộ
vô tuyến điện của quân đội bạn sau này.
Tất nhiên việc đào tạo cán bộ
chuyên môn cho bạn phải được báo cáo đầy đủ về Cục Thông tin liên lạc, phải cử người
sang chuyên trách có tài liệu huấn luyện bài bản, có vật chất kỹ thuật tối thiểu.
Việc đó không thể một vài ngày có ngay được.
Và cũng không thể để thời
gian ngồi chờ vô ích, chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào việc. Việc đầu tiên
anh em làm là nhà ở ổn định. Anh Trần Lưu Đức cơ công nhặt được cái ca bằng
nhôm của Mỹ lật úp xuống, khoan lỗ lắp một cái đèn điện tử lên thành cái
He-te-rô-đin để phát moóc.
Tôi không biết tiếng Lào, bạn
không biết tiếng Việt, chữ Lào ngoằn nghèo như thế dứt khoát không thể đế nhận
điện được. Không hẹn mà gặp, chúng tôi cùng bên cơ yếu đều thống nhất ý nghĩ:
phải La-tinh hóa chữ Lào.
Chẳng cần giải thích dài
dòng, tôi viết 24 chữ cái và mười chữ số lên giấy (chưa có bảng và phấn) đề nghị
anh em viết cho quen đã. Một mặt nhờ anh em dạy mình chữ Lào. Thế là tôi viết
được salaca là tương đương với chữ a, calavo là chữ v... Tôi liền mang điều đó
hướng dẫn lại bạn (té ra chữ Lào ngoằn nghèo như thế nhưng lại có quy luật, khoa
học chẳng kém gì chữ La-tinh). Nhưng tôi cũng không đi sâu vào văn chương chữ
nghĩa làm gì.
Tôi yêu cầu anh em: khi tôi
đánh "tích tích" mời các bạn viết cái chữ này cho tôi: chữ i,
"tích tích tích" chữ s,... "tè tè" chữ m. Cứ như thế, như
thế anh em cũng hiểu, cũng viết được, cũng ghi được, cũng nâng được tốc độ lên
40 chữ/phút.
Anh em gọi tôi là: "nai
khu" có nghĩa là giáo sư, sau này có người sang thay thế chuyên trách, tiến
bộ giỏi giang rồi, anh em gọi tôi là "nai khu cau" có nghĩa là cựu giáo
sư.
Cũng phải nói điều đầu tiên,
thời điểm đó ở nước Lào, cán bộ vô tuyến điện người Lào không có; chỉ có người Pháp,
hoặc người Việt vào làng Tây mới được làm; người Lào vẫn gọi họ là Nai-sải-vi-the
nhu tức là "quan Tây Radio" chữ Vi-the-nhu là chữ phiên âm nói chệch
của chữ Ra-di-o mà ra, giống như chữ sa-vông (savon) ta gọi là xà phòng vậy.
Lúc đó, cái máy vô tuyến điện
đối với dân Lào, kể cả với dân Việt ở các vùng xa còn lạ lắm. Nhưng công bằng
mà nói, công tác liên lạc vô tuyến điện đã phục vụ đắc lực chỉ huy của ta và bạn
và được mọi người yêu quý, tin tưởng.
Cho nên được học tập vô tuyến
điện, được học cái tiếng "ti ti" bí hiểm kia để rồi sau này có thể
liên lạc với nhau cách xa hàng trăm kilômét ai cũng thích, không hề để ý đến
cái máy bằng cái ca nhôm úp ngược xuềnh xoàng kia, vấn đề chính là nhận được,
viết kịp được nó đã vất vả lắm rồi, mà cái ông "nai khu" kia luôn
nâng cao tốc độ được 40c/p rồi đấy.
Đúng lúc đó lại thấy ông Ý,
bao nhiêu năm ở Lào, nay được về nước, mừng quá kỳ này sẽ phải lấy vợ mới được,
nhưng duyên số vất vả, về tới Mộc Châu chưa kịp tìm ai thì lại có lệnh sang
Lào. Vì đối với chiến trường Lào không ai hơn ông Ý (sau này tất cả các báo vụ
tình nguyện quân xưa đều quay lại cả như Kiền, Đài, Phan... lại còn thêm các tốp
mới bổ sung tới tấp sang: Hiền, Ngát, Tuân, Hỷ...).
Mừng quá, đang định chia việc
đỡ nhau thì địch lại đánh lớn lấn chiếm sâu hai tỉnh, lại cần một đài ra đi, thế
là tôi lại bàn giao toàn bộ công việc cho ông Ý, vác đài lên đường. Và một thời
gian sau đó được tin ông Phan, một báo vụ cứng lại giỏi tiếng Lào sang chuyên
trách và bấy giờ trở thành lớp đào tạo chính quy đàng hoàng của quân đội bạn.
Riêng tôi, mải mê hết trận
này sang trận khác, một năm sau, tôi đứng chân gần thị xã Sầm Nưa thì có hai học
viên cũ tới đài tôi kiến tập, học viên và "nai khu cau" ôm lấy nhau
vui quá.
Và tháng 5 năm đó tôi được lệnh
ra thị xã để gặp Chủ tịch Xu-pha-nu-vông bàn về việc bảo đảm liên lạc với Bộ để
Chủ tịch đàm phán với bên kia.
Tôi cùng hai cán bộ bạn ra gặp
Chủ tịch, sau khi báo cáo ngắn gọn cách thức liên lạc và các yêu cầu, tôi báo
cáo với Chủ tịch hai cán bộ vô tuyến điện bạn.
Trước khi nói chuyện với hai
cán bộ bạn, Chủ tịch hỏi có cần phiên dịch? Tôi đáp: Tôi biết tiếng Lào.
Chủ tịch bảo đại ý: Các đồng
chí là những người Lào đầu tiên đi làm công tác vô tuyến điện, phía bên kia người
Lào không được làm đâu. Các đồng chí cần học tập, đồng chí Việt đã sang giúp
chúng ta, lại còn học được cả tiếng Lào. Rồi Chủ tịch nắm tay tôi nói: Giá như
còn đài vô tuyến điện liên lạc được với Bộ sẽ được hướng dẫn cách giải quyết
nhưng đài hỏng, mất liên lạc, mong đồng chí cố gắng giúp các đồng chí ở đây
nhanh chóng làm được việc.
Tháng 9 năm đó hai cán bộ bạn
đã làm được việc thành thạo, được lệnh trên tôi đã bàn giao toàn bộ công việc
cho bạn và về nước.
Thưa các bạn, câu chuyện tôi
kể lại trên đây chẳng có gì là ghê gớm, trên Cục chẳng ai biết, cũng chẳng có
ai báo cáo về, cũng chẳng có ai ghi chép lại, chẳng có ai khen tôi một câu nào,
nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn sướng vì đã góp một phần đầu tiên vào công tác
đào tạo nên các cán bộ vô tuyến điện cho nước bạn Lào. Hỏi có hạnh phúc nào bằng?
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét