Thiếu tướng Hoàng Niệm - nguyên
Tư lệnh Binh chủng TTLL, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 215
Là một chỉ huy tiểu đoàn chiến
đấu, tôi tham gia nhiều chiến dịch: Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên cho đến ngày
kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp; từ người lính bộ binh đến lúc nghỉ hưu
(năm 1990) tôi nhiều năm là Tư lệnh Binh chủng Thông tin Liên lạc.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày
thành lập Binh chủng Thông tin, lại gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm về trung đội
thông tin ngày ấy 50 năm về trước.
Trong biên chế của tiểu đoàn
bộ binh có một trung đội thông tin, khoảng 40 người. Lúc bấy giờ, trang bị, máy
móc thông tin, xe cộ chẳng có gì ngoại trừ gần chục máy điện thoại quay tay (điện
thoại dã chiến) cộng với chục cuộn dây sừng bò (dây điện thoại dã chiến cuộn
vào khung gỗ tự chế như cái sừng bò nên anh em gọi như vậy). Ngoài ra, còn có
ít cờ đuôi nheo đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng tra vào cán làm bằng tre,
trong hành quân dùng cắm làm lộ tiêu chỉ đường cho quân đi, trong chiến đấu
dùng để phất làm hiệu lệnh cho quân tiến. Thông tin liên lạc ngày ấy chủ yếu là
chiến sĩ liên lạc đi đến các cấp chỉ huy để truyền lệnh miệng hoặc tín hiệu.
Trong chiến đấu, nhiều trận đánh ác liệt, người chỉ huy hy sinh, trong tình huống
đó, người lính thông tin đã trở thành người chỉ huy và lập công xuất sắc vì người
lính thông tin nắm rõ ý định của cấp trên. Cũng chính vì lẽ đó, mà người lính
thông tin được chọn lọc tin tưởng về chính trị, được rèn luyện về kỹ năng chiến
đấu, được trau dồi về chuyên môn, được gần gũi với người chỉ huy. Đại bộ phận
anh em trong trung đội tuổi đời còn rất trẻ. Có chiến sĩ mới 16, 17 tuổi. Anh
hùng Đặng Đức Song lúc làm liên lạc cũng mới 19 tuổi, tinh thần rất sôi nổi,
linh hoạt, năng động trong công việc và rất dũng cảm trong chiến đấu. Trung đội
thông tin quân số không nhiều nhưng sức mạnh chiến đấu rất cao, luôn hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ.
Qua nhiều chiến dịch, trung
đội thông tin với ban chỉ huy luôn sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, cùng
vào sống ra chết để hoàn thành nhiệm vụ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã
bắt đầu vào đợt 2 công đồn. Tiểu đoàn được phân công đánh chiếm đồi C1 và có điều
kiện phát triển đánh đồi C2. Những cứ điểm này nằm ở vành đai phòng ngự phía
đông, cạnh cứ điểm đồi A1, là những điểm mạnh nhất của địch. Được lệnh chuẩn bị,
các đơn vị trong tiểu đoàn sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng đi vào trận đánh.
Trung đội thông tin chuẩn bị phân công các tổ đi với từng đại đội. Đồng chí Cải,
tiểu đội trưởng đi với Đại đội 38 chủ công, được giao trách nhiệm cắm cờ chiến
thắng trên cột cờ đỉnh đồi cứ điểm C1. Tổ đồng chí Hoàn đi với Đại đội 35 phát
triển đánh vào đồi C2. Bộ phận thông tin chính của trung đội trưởng Ánh thì đi
cùng ban chỉ huy tiểu đoàn. Mọi việc chuẩn bị sẵn sàng. Đúng 16 giờ ngày cuối
cùng của tháng 3 năm 1954, ngày định mệnh của quân địch phòng ngự trên đồi C1.
Pháo đã bất thần nhả đạn tới tấp vào ngọn đồi, địch chạy hoảng loạn. Quân ta từ
các mũi theo giao thông hào đào sẵn tiến sát đến chân đồi để chờ lệnh xung
phong. Hai mũi đột phá đầu tiên là các trung đội bộc phá, đó là những cây bom cặp
những gói thuốc nổ vào các thanh tre dài độ 2 m, nặng 7 kg, do người vác đặt
vào các hàng rào dây thép gai, giật kíp cho nổ để phá rào thì các đơn vị phía
sau mới có đường xung phong vào đồn. Đồi C1 từ chân lên theo vòng quanh, địch
xây dựng 5 hệ thống hàng rào loại mái nhà, kết hợp với dây thép gai bùng nhùng.
Mỗi hàng rào cách nhau 5 đến 10 m. Cuộc chiến đấu chiếm đồn diễn ra rất ác liệt
và ta kết thúc trận đánh không quá 2 giờ đồng hồ. Phần lớn quân địch bị tiêu diệt
tại chỗ, xác nằm ngổn ngang, số còn lại chạy sang đồi C2. Ta điểm quân số, vũ
khí để đánh tiếp đồi C2, một số anh em bị thương, đã có đồng chí hy sinh trong
lúc xung phong, trong đó có tiểu đội trưởng thông tin Cải, người cắm cờ trên đỉnh
đồi C1. Người tiểu đội trưởng đã anh dũng hy sinh, tin anh mất đi đã thúc giục
lòng căm thù của đồng đội. Trong ánh chớp của pháo đạn, khói mù mịt, bất chấp mọi
hiểm nguy, hình ảnh các chiến sĩ thông tin liên lạc chạy vượt qua từng ngách
giao thông hào để truyền đạt mệnh lệnh cho các đơn vị bộ binh đánh trả, bẻ gãy
từng đợt phản kích của quân địch, quyết giữ vững trận địa đồi C1. Cuộc chiến đấu
lúc bấy giờ hết sức gian khổ, vô cùng ác liệt, mọi người đều coi nhau như anh
em ruột thịt, nhường cho nhau từng miếng ăn, áo mặc; không quản ngại hy sinh,
che chở cho nhau trước làn đạn địch. Từ cán bộ đến chiến sĩ đều có tinh thần
trách nhiệm cao, ai ai cũng cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
50 năm đã qua nhưng hình ảnh
những chiến sĩ thông tin ngày ấy vẫn còn nguyên trong trí nhớ của tôi với tình cảm
thân thương, tin tưởng. Hình ảnh đồng chí Trung đội trưởng Ánh - người dong dỏng
cao, nước da ngăm đen, giọng nói của người vùng Đông Bắc, trước lúc hy sinh trong
vòng tay của anh em đơn vị đã nói: "Các anh đừng để quân địch chiếm lại trận
địa..." còn in đậm trong trí nhớ của tôi.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét