2/11/24

Thiên tai hay địch họa

Đại tá Trần Sơn - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303

Bầu trời Điện Biên Phủ hôm ấy, 14 tháng 3 năm 1954, mây mù dày đặc bao phủ... Từ đài quan sát, các chiến sĩ nhìn xuống vùng lòng chảo như Ngọc Hoàng nhìn xuống hạ giới... Họ thấy các chiến sĩ thông tin như những thiên thần bé nhỏ đang đi "công cán" kiểm tra đường dây thông tin trên các sườn núi, trên các lối mòn bí mật và cả dưới hào giao thông... Đường dây thông tin của Tiểu đoàn 303 cùng với hệ thống giao thông hào của quân ta như sợi dây thòng lọng đang siết dần vào toàn bộ cơ thể của quân đội viễn chinh Pháp ở tập đoàn cứ điểm mà chúng luôn mồm khoe khoang là "bất khả xâm phạm".

Cứ điểm Ga-bri-en nằm trên một quả đồi riêng rẽ ở đầu bắc cánh đồng, dài 500 m, rộng 200 m. Người Pháp gọi là "Tàu phóng ngư lôi". Còn cơ quan tham mưu chiến dịch của ta gọi cứ điểm này là đồi Độc Lập. Hào giao thông của quân ta đã đào áp sát vào tận chân đồi khác nào dây thòng lọng siết cổ cứ điểm này.

Cơ quan tham mưu của ta biết rằng tướng Đờ Cát và Sở chỉ huy của ông ta không dễ dàng để mất cứ điểm Ga-bri-en. "Tàu phóng lôi" vào tay Việt Minh, chắc chắn sẽ có những trận phản kích quyết liệt để tái chiếm cứ điểm quan trọng này.

Và 5 giờ 30 phút xe tăng địch dẫn đầu cuộc phản kích với những đơn vị lính dù súng lăm lăm trong tay bám sau xe tăng như muốn "ăn tươi nuốt sống" đối phương.

Nhiệm vụ đánh chiếm đồi Độc Lập đã được giao cho Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 do Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ chỉ huy, có sử dụng phân đội bộ binh và đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn 255 thuộc Trung đoàn 174 đánh nghi binh tại đồi A1. Và, vào 6 giờ 30 phút sáng 15 tháng 3 năm 1954 quân ta đã làm chủ đồi Độc Lập. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lỗ chỗ vết đạn đã tung bay trên đỉnh đồi... Trận này ta xóa sổ Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn bộ binh An-giê-ri số 7 gồm 483 tên bị diệt và 200 tên bị bắt.

Trước đó ít phút, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ phải kiên quyết tiêu diệt quân phản kích của địch giữ vững trận địa vừa giành được bằng bất kỳ giá nào. Quân ta tiếp tục khuếch trương và củng cố thắng lợi...

Từ Mường Thanh, pháo địch bắn dữ dội vào đồi Độc Lập ta vừa chiếm được hòng sát thương bộ đội ta và yểm trợ cho quân phản kích. Trời vẫn mưa sụt sùi, chớp xanh lè nhằng nhịt như muốn xé nát bầu trời. Cùng với những âm thanh đinh tai nhức óc của pháo 155 và cối 120 ly; một tiếng nổ lớn sau ánh chớp chói lòa tưởng như đất trời đổ ụp xuống. Trong không khí có mùi khét hơi tanh nồng làm nhiều người ớn lạnh xương sống.

Thoáng chốc trong ngách hầm các chiến sĩ điện thính gọi nhau qua ống nói đến khản tiếng. Phải chăng pháo địch đã phá hỏng đường dây nên mất tín hiệu liên lạc?

Ở Tổng đài Chiến Thắng hai chiến sĩ điện thính mặt mũi ám khói, lem luốc nằm lăn dưới đất tay vẫn còn nắm chặt ống nói. Tất cả các lá báo của tổng đài đều "đổ cửa". Đồng đội vội lao đến lay gọi, xoa bóp cho họ, những khuôn mặt buồn, đầy lo lắng... Mất nhiều phút đồng hồ trôi qua họ mới tỉnh lại. Nhưng đồng đội hỏi gì họ cũng chỉ mở to mắt ngớ người ra như những người vừa ở hành tinh khác đến... Thì ra dòng điện của ông "Thiên lôi" đã làm cho thân thể họ tê tái, đớn đau và tai họ sẽ điếc tạm thời hoặc điếc hẳn chưa ai dám chắc... Trung đội trưởng Lê Huyến và mấy chiến sĩ khác lao ngay vào việc kiểm tra tổng đài và đường dây các hướng liên lạc đi QS1, Đại đoàn 308, Đại đoàn 312. Đường dây bị sét đánh hỏng. Ông lệnh cho các chiến sĩ đi khôi phục ngay. Trong hầm chỉ huy, Trưởng ban tác chiến mặt trận Trần Văn Quang đi đi lại lại dáng suy nghĩ... chốc chốc lại cầm ống nói gọi cho Tổng đài Chiến Thắng để từ đó chỉ huy các đơn vị chống phản kích.

Tiểu đoàn trưởng kiêm chính trị viên Tiểu đoàn Trần Sơn được mời lên Sở chỉ huy. Giọng hơi căng thẳng ông Trần Văn Quang hỏi ông Trần Sơn:

- Tại sao để mất liên lạc với QS1 và các đơn vị tham chiến trong tình hình "nước sôi lửa bỏng" như lúc này?

- Thưa, đường dây bị hỏng nặng và đang khôi phục gấp.

- Ông phải kiểm tra ngay xem có kẻ phá ta từ trong nội bộ của đơn vị không?

Chính trị viên Trần Sơn hơi ngỡ ngàng, nét mặt ông đăm chiêu, nước da ông hơi đen bỗng tái đi...

Sau giây lát ông đã bình tĩnh trở lại và nhẹ nhàng buông một tiếng "vâng" rồi nhanh chóng rời khỏi chỉ huy sở.

Sau đó chính trị viên Trần Sơn được biết Ban 3 chiến dịch đã dùng phương án tác chiến dự phòng, nghĩa là dùng liên lạc bằng vô tuyến điện từ Bộ chỉ huy Mặt trận với điện đài Đại đoàn 312 rồi chuyển tiếp bằng điện thoại đến Đại đoàn 308, ta đã chỉ huy phản kích thắng lợi. Sơn pháo và đại liên của quân ta đã bắn hỏng 1 xe tăng và tiêu diệt nhiều tên địch trên đường chúng phải tháo chạy về Mường Thanh.

Đó là lúc 7 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3 năm 1954.

Đến 10 giờ cùng ngày đã thay dây mới và nối thông liên lạc với mọi đơn vị tác chiến.

Cùng đi với hai chiến sĩ thông tin của Đại đội 99 khiêng cuộn dây điện thoại đã bị cháy thui mất hết vỏ bọc 1.500 m đến Sở chỉ huy Mặt trận, Tiểu đoàn trưởng Trần Sơn đứng nghiêm báo cáo:

- Thưa Trưởng ban tác chiến Mặt trận, đây là số dây điện thoại bị sét đánh cháy làm mất liên lạc đã được thay thế bằng số dây khác, đã thông liên lạc đi mọi hướng rồi ạ.

Ông Trần Văn Quang tươi cười siết chặt tay ông Trần Sơn và nói:

- Thì ra việc liên lạc mấy giờ trước đây là do thiên tai chứ không phải địch họa. Cảm ơn Tiểu đoàn thông tin 303, cảm ơn anh Trần Sơn. Thế còn các chiến sĩ ở Tổng đài và các máy lẻ có ai việc gì không?

- Báo cáo: Hai chiến sĩ Tổng đài bị sét đánh ngất xỉu và bị điếc đặc vẫn đang được quân y chăm sóc có lẽ sẽ hồi phục dần ạ.

- Ông nhớ quan tâm chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe cho họ nhé.

Nguyễn Đình Bá (ghi)

Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét