Dương Quốc Hưng - nguyên
Chính trị viên Đội 101
Tháng 5 năm 1951 sau thời
gian học tập quân sự ở Trung Quốc, chúng tôi hơn 100 cán bộ trung cấp trở về nước.
Lúc đó là thời điểm ở trong nước đã mở nhiều chiến dịch, thắng lợi nhất là chiến
dịch Biên Giới. Tôi được phân công về Cục Thông tin liên lạc và được cử làm phó
phòng chính trị. Sau một thời gian tìm hiểu tình hình cơ quan và các đơn vị trực
thuộc, tôi đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về Đội vô tuyến điện 101...
Một người đội trưởng, trẻ,
khỏe, cần mẫn trong tay lúc nào cũng có cái vôn kế, mỏ hàn, xông xáo xuống đài,
ít khi ở văn phòng. Một đội ngũ trưởng đài, báo vụ viên nam có, nữ có, nhanh nhẹn
có năng lực và văn hóa và đặc biệt có nhiều khả năng văn nghệ. Mỗi lần tổ chức
các tối văn nghệ nội bộ toàn Cục, Đội 101 bao giờ cũng có tiết mục đặc sắc. Tôi
còn nhớ tiết mục đồng ca có nhạc đệm, nhiều nhạc cụ dân tộc do một người biểu
diễn (đồng chí này là em anh Lê Hoan đã công tác với tôi). Còn với tiết mục
chèo "Qua ngũ quan trảm lục tướng" do anh Lê Thọ - trưởng
phòng hành chính biên soạn đã làm nổi đình nổi đám ở hội diễn văn nghệ của Bộ Tổng
Tham mưu, được Phòng Chính trị Bộ Tổng Tham mưu đánh giá là 2 tài danh của đêm biểu
diễn.
Khi Cục đã ổn định tổ chức,
bước vào chiến dịch Hòa Bình, các phòng ban, đơn vị đều tách ra một bộ phận đi chiến
dịch, khi xong chiến dịch lại rút quân về đơn vị, không còn vá víu như các chiến
dịch trước. Ở Ban 3 chiến dịch có anh Đôn và anh Tình, các cán bộ tham mưu –
anh Bội, tôi phụ trách bộ phận chính trị. Hành chính – anh Phạm Khổng Giai, vật
liệu anh Ngô Đức Thọ, đơn vị thì 101 - anh Nguyễn Diệp, anh Trần Sơn - 303 và
các cán bộ giúp việc. Các chiến dịch tiếp sau, chúng tôi lại vẫn gặp nhau như
duyên trời định.
Mỗi lần hành quân đi chiến dịch
tôi được chỉ định làm chỉ huy trưởng và anh Phạm Khổng Giai là phó. Các đơn vị
khác đến chỗ trú quân thì được nghỉ ngơi lại sức, anh em 101 lại tiếp tục làm
liên lạc. Tiếng Ragonô, tiếng tích-tè liên tục, tiêu biểu như chiến dịch Hòa
Bình thông tin có nhiều thành tích. Đường liên lạc điện thoại ngầm qua sông Đà
của 303 thành công, vô tuyến điện 101 giữ vững liên lạc với chiến trường. Bộ phận
chính trị của Ban 3 chiến dịch tổ chức Đại hội thi đua sôi nổi, tiến hành từ dưới
lên trên, Đại hội đã chọn được 7 chiến sĩ thi đua trong đó có Đội trưởng 101
Nguyễn Diệp (cơ quan có anh Trần Đô, 303 có anh Thơ, anh Cặng...). Một cái tết
rất vui vẻ hào hùng ở chiến dịch. Kết thúc chiến dịch, nhiều đơn vị được Bộ tặng
Giấy khen trong đó có 101. Riêng với tôi không những yên tâm nghề nghiệp mà còn
có phần phấn khởi với kết quả bước đầu.
Tháng 4 năm 1952, Cục Thông
tin liên lạc qua mấy lần chỉnh huấn chính trị, công tác phát triển Đảng có nhiều
tiến bộ. Tổng cục Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy Cục Thông tin liên lạc
trực thuộc Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tổng Tham mưu thay cho Liên chi trước đây.
Đại hội đại biểu họp và cử ra Ban chấp hành gồm 7 người, do đồng chí Hoàng Bửu
Đôn làm Bí thư. Tôi có vinh dự được bầu là Đảng ủy viên. Đảng ủy có sự phân
công: Tôi được phân công xuống 101 làm chính trị viên, tôi thực sự vui khi nhận
nhiệm vụ mới này vì nó rất hợp với "thói quen của tôi" không thích cơ
quan. Đơn vị lúc tôi đến có một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ rất đầy đủ. Báo vụ chủ
nhiệm: ông Thanh, cụ Thảo, anh Dương Châu. Liên đài trưởng và trưởng đài có các
anh: Hoàng Nguyên Phương, Hanh, Dần, Mao, Thoại, Cẩm Điện và một đội ngũ báo vụ
trẻ như: Kỳ, Tuấn, An và đặc biệt là 6 cô mà các chàng trai các Cục hay "thăm
hỏi". Anh em quay máy phục vụ khỏe, năng nổ. Tuy nhiên, Đội 101 khác với
các đơn vị chiến đấu ở chỗ có nhiều chất "cậu" còn tôi thì bỡ ngỡ về
nghiệp vụ và cách làm việc theo ca kíp. Tôi được các đồng chí Diệp, Thanh tận
tình giúp đỡ dần dần cũng rút ra được cách lãnh đạo một đơn vị kỹ thuật. Lúc
này đã có một số điện đài của bạn giúp cho nên máy móc không quá thiếu thốn.
Trưởng đài báo vụ nghiệp vụ tinh thông nên công việc trôi chảy, nền nếp làm việc
được cải tiến cho phù hợp với thời chiến, đỡ cồng kềnh, điện đọng rất ít. 101
luôn luôn là một đơn vị được Cục biểu dương. Sau cuộc chỉnh huấn chính trị phân
biệt "bạn - thù" anh em hăng say học tập và làm việc, nội bộ đoàn kết.
Là đội trưởng, anh Diệp hoàn toàn phụ trách phần chuyên môn, nay việc chỉ đạo
công tác vô tuyến điện toàn quân trên Cục thiếu cán bộ có năng lực, anh Diệp phải
kiêm nhiều phần việc. Từ đó tôi với sự giúp đỡ của anh Thanh, Phương làm cả
công tác chuyên môn khi anh Diệp vắng đơn vị.
Cuối năm 1952 chiến dịch Tây
Bắc, Đội 101 ra quân hùng hậu, với 6 đài vô tuyến điện tốt trong đó đã có đài
694 cũng gọn nhẹ. Đội ngũ trưởng đài, báo vụ được lựa chọn "tinh nhuệ",
tôi lúc này vừa là chính trị viên Đội 101 kiêm nhiệm công tác của Ban 3 chiến dịch,
thường trực của bộ phận Đảng ủy tiền phương (anh Hoàng Bửu Đôn, anh Trần Sơn và
tôi). Chiến dịch Tây Bắc hành quân dài, gian khổ, mưa nhiều, anh em vai đeo nặng,
dò dẫm mà đi, có đêm chỉ đi được 10-15 km, đơn vị vừa hành quân vừa giữ vững
liên lạc. Kết thúc thắng lợi trở về không ai nghĩ rằng Thu Đông 1953 vẫn trên
con đường ấy đơn vị lại phục vụ chiến dịch Thượng Lào giải phóng Sầm Nưa.
Tuy về Cục muộn mằn, nhưng
tôi được vinh dự phục vụ Ban 3 chiến dịch cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ -
chiến dịch cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm và đã để lại
trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên. Mùa thu năm 1953, chiến dịch được
chuẩn bị sớm hơn mọi năm. Sau khi nhận nhiệm vụ Cục giao, Ban chỉ huy đội họp cấp
tốc bàn kế hoạch (lúc này có thêm anh Phụng, anh Trử làm đội phó phụ trách
HCQT, chọn máy, chọn người, dồn mạng, chuyển mạng...). Anh Diệp đi trước với bộ
phận Bộ Tổng Tham mưu. Tôi cùng anh em đi sau, 101 xuất quân với 6 đài tốt, vẫn
những trưởng đài, báo vụ quen thuộc với chiến dịch như: Hoàng Nguyên Phương,
Đinh Văn Quyên, Dần, Giai, Mao, Lục Văn Toàn, báo vụ viên Kỳ, Tuấn, An... chỉ
có một điều mới là có thêm hai cô nữ Mai Lộc và Phương Lan. Hành quân từ Yên Thông
bằng ô tô, anh em cực kỳ phấn khởi và không khỏi ngỡ ngàng. Được đi ô tô đường
phá hoại mới sửa lại, xe xóc nhồi lên nhồi xuống, một đêm chỉ đi được 70-80 km,
anh em vẫn vui vẻ nói cười. Chỉ có cô Lộc say xe mệt lử nhưng vẫn cố gắng đi được
tới đích. Vì vấn đề lương thực khó khăn nên biên chế gọn nhẹ, mỗi đài chỉ có 5
người: 2 đồng chí quay máy và 3 đồng chí báo vụ kể cả trưởng đài. Sau còn giảm
đi hơn nữa. Trước khi chiến dịch mở màn, công việc nhiều, báo vụ có lúc phải
làm 2 ca liên tục, ăn uống thiếu thốn; làm việc nhiều nhưng anh chị em vẫn vui
tươi phấn khởi, không một chút tỏ ra trễ nải. Tôi còn nhớ có một lần tác chiến
đưa sang một tập điện khẩn cấp chuyển cho đơn vị (tôi quên tên) giữa lúc đêm
khuya. Tín hiệu thường rất nhỏ khó bắt, phiên ấy cô Mai Lộc lên máy. Tôi xuống
đài theo dõi, phấp phỏng chờ đợi, mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Một
tiếng nói nhẹ nhàng làm tôi giật mình tỉnh giấc: "Tây ơi mày chết rồi"
đó là tiếng nói của cô báo vụ mảnh mai Mai Lộc sau khi đã chuyển xong tập điện.
Tiếng nói bộc lộ một niềm tin tất thắng, một tinh thần trách nhiệm cao. Tôi hết
sức cảm động, nhẹ nhàng đến lay ông cán bộ tác chiến xuống ốp đài với hai tiếng
"xong rồi". Có lần chuyển gấyp điện hỏa tốc cho một đơn vị đang hành
quân giữa lúc không có giờ liên lạc với họ. Lệnh là lệnh, làm sao đây. Theo
kinh nghiệm cũ, Hoàng Nguyên Phương đã dò được sóng và giờ làm việc của đơn vị
đó với cấp dưới, dùng máy Pilot chèn sóng chuyển ngon lành ca bức điện. Thật
sung sướng và yêu mến cán bộ, chiến sĩ của mình. Mùa đông Tây Bắc về đêm sương
mù dày đặc, đơn vị lại đóng quân trong thung lũng, ban đêm tín hiệu rất yếu không
làm liên lạc được, có lúc điện đọng, lên giao ban thật ngại gặp cấp trên.
Trước lúc mở màn chiến dịch,
chỉ huy sở của Bộ chỉ huy chiến dịch đóng ở Mường Phăng. Địch lúc này cho máy
bay thám thính và ném bom xung quanh cứ điểm Điện Biên Phủ, bom cứ rơi nhích về
phía Mường Phăng. Đề phòng địch dùng máy dò phương vị dò cụm điện đài của ta
phát sóng, trên lệnh cho 101 chỉ để lại 2 đài bên cạnh Bộ chỉ huy để liên lạc với
các đơn vị tác chiến ở Điện Biên Phủ, số điện đài còn lại triển khai ở Mường Ẳng
cách xa 10 km liên lạc với chiến trường xa và hậu phương Bộ để đánh lạc hướng của
địch về vị trí Sở chỉ huy chiến dịch. Mường Ẳng là một bản có địa thế rất đẹp, ở
đó anh em đào hầm để máy, làm lán ở. Điều khó khăn là chuyển nhận về Ban cơ yếu
sao cho nhanh chóng, anh em có sáng kiến tổ chức liên lạc chạy chân hai đầu, hẹn
giờ gặp nhau ở giữa đường trao điện nhận, tiếp điện huyển đi rút ngắn thời
gian. Đời sống anh em vốn đã hó khăn nay tách ra xa, độc lập tự túc càng khó
khăn hơn. Món bi chuối (hoa chuối rừng) và rau tàu bay là hai món cơ bản của bữa
ăn. Một buổi sáng, nghe tiếng anh em la "bò xa xuống hầm", tôi vội chạy
ra xem. May sao không phải là bò mà là một con nai ăn đêm xa xuống hầm, gẫy
chân không lên được. Thật là của trời cho, anh Tường quản trị của đội đã tổ chức
một bữa thịnh soạn cho anh em, không quên gửi biếu cấp trên mấy cân. Tình hình ổn
định, đơn vị lại trở về đóng quân ở Mường Phăng. Chiến dịch chưa mở màn, vẫn
còn đang kéo pháo ra. Tết đến cấp trên chỉ thị tổ chức Tết cho anh em thật chu
đáo. Mỗi người được 400 g thịt và 0,5 kg gạo nếp. Tuy thiếu thốn phương tiện,
anh em vẫn gói được bánh trưng, làm được chả. Về tinh thần có tối văn nghệ rôm
rả, tờ bích báo của đơn vị phản ánh sinh động cuộc sống của đơn vị. Hai câu thơ
trong bài thơ của tác giả nào đó tôi vẫn nhớ:
Đất trời có
mấy mùa xuân
Vui xuân
chiến dịch mấy lần đời ta.
Câu thơ chưa chải chuốt
nhưng nói lên được hào khí của anh em lính vui xuân ở chiến trường.
Tối 30 Tết, sau khi đã làm
tròn phận sự, anh Hoàng Xuân Vượng, anh Nguyễn Diệp, anh Đào Ngoạn và tôi ngồi
chơi tú lơ khơ dưới một ngọn đèn con suốt đêm cho đến gần sáng, giao thừa lúc
nào cũng không biết. Những giờ phút gợi nhớ, gợi cảm này, không ai nói với ai về
chuyện riêng tư gia đình mà say sưa với quân bài. Phải chăng đây cũng là phương
pháp tự ổn định tư tưởng cho mình.
Chiến dịch kéo dài, sức khỏe
của một số anh em giảm sút, anh Tường hết sức xoay trở, đời sống đỡ khó khăn phần
nào. Anh Hoàng Nguyên Phương có mối quan hệ bạn bè với cô nào đó ở Ban Giao tế
nên thỉnh thoảng cũng chạy vạy được cân đường, hộp sữa bồi dưỡng cho anh em đau
yếu.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đại
thắng, thông tin liên lạc có góp phần to lớn. Đội 101 đã hoàn thành nhiệm vụ của
mình, giữ vững liên lạc giữa Bộ chỉ huy chiến dịch với Trung ương Đảng, các chiến
trường xa và các đơn vị chiến đấu ở chiến trường chính. Nhiều cán bộ, chiến sĩ
được khen thưởng trong đó có đồng chí Nguyễn Diệp được Bộ Tổng Tham mưu tặng Bằng
khen.
Lợi dụng lúc trao trả thương
binh địch, ta cấm máy bay địch hoạt động trong bán kính nhất định, cơ quan của
Bộ chỉ huy trong đó có Đội 101 hành quân bằng ô tô trở về giữa ban ngày, lòng
tràn đầy niềm vui chiến thắng.
Sau khi tiếp quản Thủ đô,
đơn vị đóng tại Cột Cờ (Viện Bảo tàng Quân sự Việt Nam bây giờ). Để thích ứng với
nhiệm vụ mới, tổ chức của Cục được sắp xếp lại và phát triển thêm các đơn vị mới,
tôi được cử về làm chính trị viên Tiểu đoàn 132 cùng với ảnh Phùng Minh Bội vào
quãng đầu năm 1955, trao lại nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị cho anh Phụng. Hơn 3 năm,
với 4 chiến dịch lãnh đạo đơn vị 101 so với quá trình phục vụ của tôi không
dài, nhưng những ngày tháng ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm vui buồn không
thể nào quên. Ngày ấy còn là một thanh niên hoạt bát, mỗi khi hành quân, anh em
còn ngại không bước kịp; nay tôi đã là một ông già 76 tuổi lẩm cẩm khi nhớ, khi
quên.
Mỗi lần gặp lại anh chị em Đội
101, tôi vui mừng vô hạn. Có nhiều anh em nhất là những anh em quay máy phục vụ
tôi còn nhớ tên, vóc dáng, tính tình mà hiện nay không biết ở đâu, còn hay mất?
Giá mà được gặp lại một lần. Có những đồng chí đã không còn nữa: cụ Thảo, anh Thanh,
anh Châu, anh An. Tôi xin phép thắp nén hương lòng nghiêng mình trước vong linh
các đồng chí ấy. Cuộc sống của một con người biết bao kỷ niệm, có cái lâu rồi cũng
quên nhưng những cái sâu sắc sẽ lắng đọng mãi trong lòng tôi, đó là những ngày
tháng tôi công tác ở đơn vị vô tuyến điện 101 Cục Thông tin liên lạc.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét