Phạm Đăng Tấn
Thoạt nghe ai cũng tưởng là
đùa, nhưng đó là sự thật 100% không bịa một chút nào. Câu chuyện là như thế
này:
Đầu năm 1947, tôi được giao
nhiệm vụ lên Tam Đảo đặt một trạm thông tin ở trên đó. Vì thời đó ta có đường liên
lạc từ Xì Bê (XB) Quân Chu xuống Me (Vĩnh Yên) do một số anh em người ở Tam Đảo
đảm nhiệm (các anh Trường, Vinh, Thước, Hồi và anh Chuân) nhưng chưa đặt trạm.
Không ngờ mới đến Tam Đảo tôi bị ốm, phải vào nằm điều trị hơn một tháng tại An
dưỡng đường của Liên khu Việt Bắc đặt ở Tam Đảo. Tôi ốm rất nặng tưởng chết, An
dưỡng đường đã phải đóng sẵn cho tôi một quan tài, nhưng thật may, tôi dần bình
phục và thoát chết.
Tam Đảo ngày ấy hãy còn
nguyên vẹn chưa bị phá hoại, những biệt thự tráng lệ nguy nga đủ các kiểu, nơi
ăn chơi nghỉ mát tuyệt vời của các bọn quan lại Tây, ta.
Tháng 6 năm 1947, ta bắt đầu
tiêu thổ kháng chiến trên Tam Đảo, An dưỡng đường cũng phải di chuyển, tôi lại
trở về Xì Bê công tác. Bác sĩ Vĩnh phụ trách An dưỡng đường, vì biết tôi ở Ban
liên lạc đặc biệt, có nhờ tôi chuyển giúp một phong thư không có địa chỉ với nội
dung như sau: "Tôi, bác sĩ phụ trách An dưỡng đường trên Tam Đảo gửi mấy tấm
ảnh này đến người nhận mà tôi không biết tên, không biết địa chỉ ở đâu, nhờ một
đồng chí ở Ban liên lạc đặc biệt chuyển hộ, tôi tin đồng chí đó có khả năng tìm
kiếm chuyển đến người nhận (ảnh này do An dưỡng đường Tam Đảo nhặt được)".
Vẻn vẹn chỉ có mấy dòng như vậy. Trở về Xì Bê với phong thư trên, lòng tôi
không khỏi bâng khuâng, làm thế nào tìm kiếm, chuyển được đến người nhận? Thật
là như đáy bể mò kim.
Qua cuộc kháng chiến trường
kỳ gian khổ 9 năm, rồi qua cả kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hơn hai mươi năm,
tôi cũng không tìm ra được người chủ của phong thư ấy.
Từ đó gặp bạn bè thân thiết
bất kể gần hay xa, hễ có dịp nhớ ra, tôi đem ảnh và phong thư không địa chỉ năm
xưa ra hỏi.
Đầu năm 1993 tôi có gặp và hỏi
anh Lê Bá Hồi, người đạo trưởng kỳ cựu của làng chuyển đạt thời xưa. Xem ảnh, anh
Hồi nói: "Trông khuôn mặt quen quen, giống khuôn mặt chị Hà vợ Đại tướng
Võ Nguyên Giáp" vì đã sau 47 năm, tấm ảnh đã hoen vàng, anh bảo tôi chụp lại
và phóng to. Tôi làm theo lời anh, phóng cỡ 18x24, ép plastic rồi trao cho anh.
Qua một thời gian không thấy hồi âm, tôi cho là không phải, tia hy vọng lóe lên
trong tôi trước đây, nay lại tắt ngấm.
Trung tuần tháng 6 năm 1994
anh em liên lạc đặc biệt có tổ chức một đợt nghỉ mát trên Tam Đảo. Cảnh cũ người
xưa lại gợi nhớ tôi bức thư không địa chỉ năm xưa. Khi về tôi đưa cho anh Chuân
xem, anh nói: "Người trong ảnh đúng là chị Hà vợ anh Giáp, vì trong
kháng chiến tôi làm việc ở Văn phòng Đại tướng có dịp gặp chị Hà khi còn trẻ. Khuôn
mặt đúng 100% rồi, không nhầm được, trong ảnh năm xưa và chị ấy bây giờ có khác".
Anh Chuân bảo tôi chuẩn bị để
anh liên hệ ngày vào gặp chị Hà. Ba ngày sau tôi đem theo tấm ảnh cũng to như lần
đưa cho anh Hồi. Cùng anh Chuân vào gặp chị Hà.
Chúng tôi đến chậm mất 1 tiếng
so với giờ hẹn. Chị Hà nói: "Anh Giáp chờ các anh mãi, tưởng các anh
không đến nên vừa đi húi đầu rồi". Xem những tấm ảnh, chị Hà vui mừng
nói:
"Ối! Đúng ảnh tôi rồi,
tôi không còn tấm ảnh nào chụp thời còn trẻ khi công tác ở Việt Bắc nữa, quý
hóa quá!". Chỉ vào từng tấm ảnh, chị nói: "Bức này chụp khi
tôi đang đọc thư anh Giáp đi công tác gửi về, tấm này tôi chụp với 2 cô bạn
cùng cơ quan, tấm 5 người này là 3 nữ đã chụp ở ảnh trên cùng 2 nam là bác sĩ Hồ
Đắc Di và bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho nhà tôi hồi đó. Xin cám ơn anh! Tôi sẽ in
thêm để gửi cho 2 cô bạn: 1 cô bây giờ ở Mỹ, nhận được những tấm ảnh chụp từ thời
còn trẻ, hẳn các cô mừng và cảm động biết nhường nào, một lần nữa tôi xin cám ơn
anh".
Tôi nói: "Chị cám ơn
bác sĩ Vĩnh người đã cứu sống tôi ở An dưỡng đường Tam Đảo năm xưa, không biết
bác sĩ Vĩnh còn sống không để tôi có thể thông báo tới bác sĩ là: những tấm ảnh
bác sĩ gửi cách đây 47 năm nay tôi đã gửi đến tay người nhận".
Chị Hà thốt lên: "Các
anh đặc biệt thật! Người gửi đã đặc biệt, người nhận cũng đặc biệt và chính người
chuyển cũng đặc biệt nốt!".
Tên đơn vị "Ban liên
lạc đặc biệt" năm xưa ý nghĩa biết bao!
Các anh thật là Đặc biệt!
Ngày 5-10-1996
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét