Đại tá Trần Minh Thắng - nguyên
cán bộ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Là chiến sĩ thông tin thuộc
Đại đội 281 Tiểu đoàn 79 Trung đoàn 102 Đại đoàn 308, trong trận chiến đấu trên
đồi A1, tôi được đề bạt là Tiểu đội trưởng. Lúc đó tôi vừa tròn 22 tuổi. Dưới
đây là một số kỷ niệm sâu sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà tôi vinh dự được
trực tiếp tham gia.
Ngày 13 tháng 3 năm 1954 mở
đầu chiến dịch, Đại đoàn 312 đã nhanh chóng đánh chiếm được cứ điểm Him Lam,
nơi địch coi là vị trí kiên cố nhất ở vòng ngoài. Trận đầu thắng giòn giã, tin
vui lan nhanh toàn mặt trận, làm nức lòng quân và dân cả nước; cổ vũ mạnh mẽ phong
trào thi đua lập công, giành cờ Quyết thắng của Hồ Chủ tịch.
Ngày 14 tháng 3 năm 1954, Đại
đoàn 308 ra quân. Trung đoàn 88 phối hợp với Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312
tiêu diệt vị trí Độc Lập ở Phân khu Bắc do Trung đoàn thuộc địa Bắc Phi của
Pháp chiếm giữ. Đại đoàn 308 đã góp công vào thắng lợi giòn giã của đợt đầu chiến
dịch.
Giờ G của đợt 2 đã tới, Bộ
chỉ huy mặt trận quyết định mở đợt tấn công nhằm vào 5 cao điểm phía đông khu phòng
ngự then chốt của phân khu trung tâm, xương sống của tập đoàn cứ điểm
17 giờ ngày 30 tháng 3 năm
1954, mặt trận ầm vang tiếng súng tấn công các ngọn đồi khu Đông mang tên C1, D1,
D2, E1, A1. Các trận địa pháo binh và các khu vực tập trung quân cơ động của địch
mịt mù khói đạn, các cứ điểm C1, D1, D2, E1 đã bị quân ta tiêu diệt. Chiến thắng
có phần giòn giã, nhưng không trọn vẹn vì cứ điểm A1- vị trí quan trọng nhất của
toàn bộ khu vực phòng ngự phía đông của địch do một đại đội Lê dương đóng giữ vẫn
chưa bị thất thủ. Suốt ngày 31 tháng 3 địch phản kích lại quyết liệt. Trung
đoàn 174 của ta bị thương vong nhiều. Ở thế giằng co kéo dài giữa ta và địch
trên đồi A1, các tiểu đoàn 54, 18, Trung đoàn Thủ Đô được bổ sung, tiếp tục bám
trụ và chiến đấu. Trong khi đó Tiểu đoàn 79 cùng các lực lượng còn lại của
Trung đoàn 102 tranh thủ củng cố lực lượng chuẩn bị cho đợt tấn công mới.
Đêm 1 tháng 4 năm 1954, đợt
tấn công thứ 3 vào cứ điểm A1 bắt đầu. Trung đoàn 102 đảm nhiệm có sự chi viện
của pháo binh mặt trận. Bộ đội chiến đấu vô cùng anh dũng; nhưng do địa hình hiểm
trở, cửa hầm ngầm anh em chưa phát hiện ra; hỏa lực của địch gây cho ta nhiều tổn
thất. Pháo binh quân đội Pháp lúc đó vẫn còn mạnh. Mấy ngày liền, ta và địch giằng
co nhau quyết liệt, giành giật từng tấc đất. Chiến sự kéo dài, lực lượng ta mỏng
dần; cứ một người bị thương mất hai chiến sĩ cáng thương binh về tuyến sau.
Anh em còn lại trên đồi A1
chỉ còn 30 người, nhưng vẫn ngoan cường dũng cảm chiến đấu. Từ người chỉ huy
cao nhất như Trung đoàn trưởng Hùng Sinh đến chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi một
mình trên đồi suốt mấy ngày không hạt cơm vào bụng vẫn kiên trì bền bỉ bảo đảm
tốt thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu. Tôi cùng anh Hiến - Chính trị viên Đại
đội 267 Tiểu đoàn 54 nằm trong hầm trú ẩn, tránh pháo địch bắn vào để thực hiện
nhiệm vụ truyền lệnh. Khi pháo địch ngừng bắn, bộ binh địch trên đồi A1 đổ bộ
xuống hòng đè bẹp quân ta. Tôi thấy địch và ta cách nhau chừng 30 m, địch ở thế
cao, ta ở thế yếu, lại mất liên lạc với pháo binh ở phía sau.
Tôi nghĩ ra một cách nghi
binh đánh lừa địch, tôi bò dọc cả quãng đường dài của giao thông hào A1, lấy
các mũ nan và súng trường K50 để bên bờ hào; cứ 5 m một súng, một mũ. Tôi thấy
địch cứ bắn vào những cái mũ nghi binh như có người thật ở đấy.
Sau đó tôi rút cái khăn làm
hai lá cờ tín hiệu, phát moóc vài lần, thì thấy pháo ta bắn vào quân địch. Tối
hôm đó địch nhảy xuống tấn công ta. Tôi phát moóc thêm được mấy lần nữa thì anh
Hiến bảo tôi đưa súng trường và mũ tiếp tục đi rải ở các vị trí nghi binh địch,
còn anh cầm hai lá cờ và phát tín hiệu thay tôi. Anh Hiến mới phát được hai tín
hiệu thì bị trúng đạn địch vào bụng, anh bị thương nặng phải đưa về tuyến sau.
Địch bắn phá quyết liệt hơn, tôi không thể sang được hầm chỉ huy để báo cáo
tình hình với Trung đoàn trưởng Hùng Sinh. Cứ như vậy suốt 2 ngày đêm giằng co
trên đồi A1 với 2 lá cờ tín hiệu đánh moóc của thông tin phát lệnh cho pháo
binh ta bắn vào khu vực địch phòng ngự, chặn đánh bộ binh địch xuống phía ta chốt
giữ. Cho tới khi Đại đoàn 316 được lệnh vào thay thế để chúng tôi rút về tuyến
sau nghỉ ngơi.
Đúng 20 giờ ngày 6 tháng 5
năm 1954, lệnh tổng công kích toàn Mặt trận Điện Biên Phủ được phát ra. Tiểu đoàn
79 xuất kích vào đồi Na Noọng, lúc đó tôi đã được đề bạt tiểu đội trưởng thông
tin truyền lệnh. Tôi dẫn đường cho Đại đội 281 vào tấn công Na Noọng. Liên lạc
với các trung đội bằng miệng, chạy chân truyền lệnh của Tiểu đoàn trưởng Tô
Đình Khản cho Đại đội 281.
Đồng chí Nguyễn Hồng Phong
là Đại đội trưởng Đại đội 281. Đồng chí Nguyễn Hữu Ích - Chính trị viên; các đồng
chí cấp phó Lê Đăng Dần, Nguyễn Văn Tư đưa quân tiến vào mặt trận thì bị súng
các loại của địch bắn tới tấp. Đại đội trưởng Hồng Phong bị trúng đạn hy sinh tại
chỗ. Tôi đã nắm được ý định của chỉ huy tiểu đoàn và đại đội, nhanh tay cầm lấy
súng ngắn của anh Phong, truyền lệnh chiến đấu đến các trung đội 1, 2, 3 nhanh
chóng chiếm lĩnh đầu cầu Mường Thanh. Đồng thời dẫn đồng chí Dương Tôn - tiểu đội
trưởng, thọc sâu lô cốt số 1, nhưng vừa mới tiến được mấy bước thì đồng chí
Dương Tôn lại bị thương và hy sinh.
Tôi lại cùng tiểu đội của đồng
chí Dương Tôn vào đánh bộc phá tiếp mở đột phá khẩu, nhưng vẫn không mở được, tôi
phất cờ tín hiệu báo cho phía sau, sang đột phá khẩu 4, tôi chạy lên quan sát
thấy mở sai hướng vì đã dùng 5 quả bộc phá rồi mà hàng rào dây thép gai chưa đổ.
Sau đó anh Tư - Đại đội phó từ phía sau chạy lên thay thế anh Phong.
Tôi báo cáo anh Tư diễn biến
chiến đấu vừa qua để anh nắm và tiếp tục dẫn B3 xung phong vào chiếm đồi Na Noọng,
đến đầu lô cốt thì gặp tên quan ba Pháp, tôi bắn chết ngay và hô phất cờ hiệu lệnh
cho anh em thọc sâu vào trung tâm Na Noọng, tiêu diệt quân địch còn lại. Lúc
này khoảng 4 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954. Chúng tổi vẫn tiếp tục chiếm giữ
và đánh thọc sâu theo giao thông hào khác của đồi A1, gặp Đại đội 9 - đơn vị đã
vào đánh chiếm vị trí từ trước đó.
Đến 15 giờ, lệnh tổng công
kích từ Bộ chỉ huy mặt trận phát đi với sự yểm trợ của các loại hỏa lực của 4 đại
đoàn bộ binh chia thành nhiều mũi, nhất loạt tiến công đánh chiếm Sở chỉ huy của
tướng Đờ Cát, quân địch lần lượt ra đầu hàng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ
vang vọng núi sông. Lịch sử chống thực dân Pháp đã sang trang, chấm dứt một thời
kỳ chống Pháp oanh liệt của quân và dân ta, mở ra một thời kỳ hòa bình, xây dựng
đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chống Mỹ, thống nhất nước nhà.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ,
tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng
Nhất.
Hà Nội, ngày 5-7-1996
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét