Trần Việt Quang - nguyên cán
bộ Đội 101
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ,
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại trên toàn Đông Dương.
Nhiệm vụ thông tin vô tuyến điện càng thêm nặng nề vì tất cả những công tác chỉ
đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ trong việc chuyển quân, tập kết ngừng bắn trên
toàn Đông Dương, đều dựa vào phương tiện thông tin vô tuyến điện. Ở Sở chỉ huy
cơ bản của Bộ, vốn dĩ đã rất nhiều việc, nay lại tăng lên gấp bội, nhưng anh chị
em Đội Vô tuyến điện 101 đều rất phấn khởi làm việc, nhiều đồng chí phải trực
24/24 nhưng vẫn vui vẻ không biết mệt mỏi, không những thế còn phải cử một số
đài đi công tác, biệt phái như đồng chí Nguyễn Diệp đi với đồng chí Tổng Tham
mưu trưởng Văn Tiến Dũng trong Ban Liên hiệp đình chiến.
Đầu tháng 10 năm 1954, đồng
chí Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy triệu tập cán bộ chủ chốt cơ quan và các thủ trưởng
đơn vị trực thuộc phổ biến nhiệm vụ mới: "Các đồng chí chuẩn bị tiến về Hà
Nội".
Sáng sớm ngày 8 tháng 10 năm
1954 chúng tôi đã thấy một đoàn xe ô tô đến đón để về tiếp quản Thủ đô. Đoàn xe
chúng tôi vượt qua đèo Khế, qua phà Bình Ca, phà Ngọc Tháp, phà Trung Hà, chưa
đầy một ngày đã về đến thị xã Sơn Tây. Tuy về vào lúc trời sẩm tối nhưng các tầng
lớp nhân dân biết tin đã ra đón rất đông vui. Cả đêm hôm ấy, hết các đoàn thể đến
thăm hỏi lại liên hoan văn nghệ, hầu như không được ngủ chút nào, nhưng anh chị
em đều vui vẻ phấn chấn.
Sáng sớm ngày 9 tháng 10 năm
1954 đoàn tiếp tục lên đường chính thức vào tiếp quản Thủ đô. Từ Sơn Tây về Hà Nội
quãng đường chỉ hơn 40 km nhưng đoàn ô tô chúng tôi luôn phải dừng lại dọc đường
vì các đoàn đại biểu nhân dân, cờ, hoa, khẩu hiệu ngăn đón suốt dọc đường, mãi đến
15 giờ mới về đến đền Voi Phục. Tại đây, chúng tôi được đồng chí Cục trưởng
Hoàng Đạo Thúy phổ biến nhiệm vụ cụ thể hơn: Cục Thông tin và Đội Vô tuyến điện
101 cùng tiến vào nội thành (Hoàng cung cũ) cùng Bộ Tổng Tham mưu và các Tổng cục.
Cơ quan Cục Thông tin, Đội Vô tuyến điện 101 đóng tại sân cột cờ là nơi Trung
tâm Thông tin quân đội viễn chinh Pháp vừa rút khỏi trước đó mấy phút; một số
điện đài sẽ triển khai tại sau sân con rồng (điện Kính Thiên - nơi nhà vua ngự
triều trước đây). Lầu Chính Nam môn, lầu Chính Bắc môn, lầu Công chúa.
Đồng chí nói: Thông tin
chúng ta được vinh dự cử ba đồng chí làm nhiệm vụ kéo lá cờ Tổ quốc lên cột cờ
Hà Nội (cột cờ cao 60 m của Thăng Long - Hà Nội cũ) để toàn dân toàn quân làm lễ
chào cờ mừng Thủ đô hoàn toàn giải phóng.
Ngay lúc đó, một chiếc xe ô
tô chở đến một lá quốc kỳ dài 18 m, rộng hơn 10 m, tôi và hai đồng chí nữa được
cử ra nhận nhiệm vụ kéo lá cờ ấy và được trang bị một máy bộ đàm BC1000 để liên
lạc với Ban tổ chức nhận lệnh.
Đúng 18 giờ ngày 10 tháng 10
năm 1954, tôi cùng ba đồng chí trong Đội Vô tuyến điện 101 đã tập hợp dưới chân
cột cờ, khi được lệnh đã kéo lá cờ vinh quang của Tổ quốc lên đỉnh cột cờ của cố
đô Thăng Long giữa tiếng hùng tráng của bản nhạc Tiến quân ca của đoàn
quân nhạc và 21 loạt đạn đại bác của pháo binh ta. Từ đó, anh chị em Đội Vô tuyến
điện 101 tiếp tục được giao nhiệm vụ hàng ngày kéo cờ và hạ cờ để nhân dân được
chiêm ngưỡng. Cho đến sau này bàn giao nhiệm vụ này cùng với vị trí doanh trại
cho Bảo tàng Quân đội.
Vô cùng xúc động trong buổi
lễ trang nghiêm trọng thể này, tôi có ghi lại mấy câu thơ sau:
Chín năm kháng chiến trường
kỳ
Sáng nay náo nức tiến về Thủ
đô
Lệnh truyền mà tưởng trong
mơ
Bao năm chờ đợi, bây giờ là
đây
Ước gì có cánh mà bay
Về ba sáu phố thỏa ngày nhớ
mong
Bước đi như sóng điệp trùng
Cờ hoa tràn ngập trong lòng
cờ hoa
Khắp nơi vang khải hoàn ca
Cột cờ cổ kính sao mà uy
nghiêm
Sao vàng cờ đỏ kéo lên
Suốt đời nhớ mãi không quên
phút này
Ngàn năm văn hiến là đây
Bệ rồng điện ngọc nơi này phải
không
Máu xương bao lớp anh hùng
Thấm từng tấc đất Lạc Hồng bấy
lâu
Điện đài ta đặt trên lầu
Vinh quang cho thỏa rừng sâu
những ngày
Cờ hồng, sóng điện tung bay
Vút cao trên chín tầng mây -
chín tầng.
Đăng bởi Quang Hưng (nguồn “Hồi ức Cựu chiến binh Thông tin liên lạc - Tập 1”)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét